Sáng 29/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để tìm giải pháp ứng phó hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang diễn biến rất phức tạp, đồng thời có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Cụ thể, toàn vùng hiện có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm (trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất). Trong đó điển hình là bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).
Về bồi lắng, hiện có 24 khu vực với tổng chiều dài khoảng 113 m; tốc độ bồi lắng từ 3-10 m/năm, cá biệt khu vực ngay sau mũi Cà Mau bồi lắng đến 80 m/năm. Cùng với việc xói, bồi thì vùng ĐBSCL cũng xuất hiện những khu vực xói, bồi xen kẽ (xói, bồi theo mùa) ở 4 khu vực có tổng chiều dài khoảng 95 km.
Qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định 7 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển, trong đó, đáng chú ý phần lớn nguyên nhân là do con người.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, mỗi năm ĐBSCL mất đến 500 ha là quá lớn. Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh ĐBSCL trước mắt phải nắm diễn biến sạt lở bờ biển, từ đó ứng phó kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra, để bảo vệ tính mạng tài sản của người dân. Đồng thời, gia cố các khu vực sạt lở; bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; hoàn thiện phương án xử lý khẩn cấp ở các khu vực sạt lở nguy hiểm và gửi cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh ĐBSCL tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở; rà soát lại các quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch liên quan đến xây dựng, đô thị, nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, thủy lợi, cấp nước, từ đó gắn các quy hoạch này với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ, chống xói lở, bờ sông bờ biển...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chủ động đầu tư các công trình chống sạt lở, bảo vệ bờ biển và sớm báo cáo với Chính phủ những công trình cần sự hỗ trợ, vượt thẩm quyền.
Nam Yên