Một dòng sông ở Canada đã biến mất vĩnh viễn chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại hiện tượng như trên diễn ra, và nguyên nhân đến từ sự nóng lên toàn cầu.
Hiện tượng một dòng sông đột ngột ngừng chảy và đổi dòng qua hướng khác được gọi là (tạm dịch) “dòng sông bị đánh cắp” (river piracy). Nguyên nhân có thể đến từ các hoạt động kiến tạo của Trái đất hoặc các biến động về khí hậu trên hành tinh. Nhưng đó là những gì diễn ra trong vòng hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm. Tuy nhiên, dòng sông Slims ở Canada đã bị “đánh cắp” chỉ trong vòng 4 ngày – theo một công bố trên tạp chí Nature Geosciences.
Sông Slims dài 24 km, rộng 150 m và sâu 3 m nằm ở phía Tây Bắc Canada, được “nuôi dưỡng” từ nguồn nước của sông băng lớn Kaskawulsh. Dòng sông vốn chảy ra phía biển Bering của Bắc cực thì nay ngừng chảy và đổi dòng theo hướng Đông Nam về phía Thái Bình Dương.
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này được cho là do biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Vào khoảng 300 năm trước vào thời kỳ Tiểu băng hà, sông băng phát triển tạo ra hai nhánh chảy về phía bắc ra biển Bering (sông Slims) và một nhánh chảy về phía nam ra Thái Bình Dương. Từ khoảng những năm 1950, sông băng lớn nhất Canada Kaskawulsh bắt đầu bị co rút lại do băng tan chảy. Băng tan khiến cho nước chảy xuống nhiều hơn cắt kênh băng chia hai nhánh sông và làm cho phần phía trên của sông Slims nhập vào nhánh phía nam và từ đó dòng chảy chủ yếu ra phía Thái Bình Dương khiến cho sông Slims mất đi nguồn nước của mình.
Việc dòng sông Slims biến mất cho thấy tác động lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hơn nữa, việc thay đổi dòng còn khiến cảnh quan môi trường và các hệ sinh thái nơi đây bị ảnh hưởng.