Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4/8 tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc bắt cóc, và để hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình nói ông tự nguyện trở về nước.
Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhắc lại Đức đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam rời Berlin vì tin rằng ông này liên quan đến việc bắt cóc.
Thayer: 'Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN'
LS Lê Công Định bình luận vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Người Việt ở Đức "rất sốc" về vụ Trịnh Xuân Thanh
"Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc," ông Gabriel nói tại một cuộc họp báo.
"Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn," Ngoại trưởng Đức nói.
Ông Gabriel không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà Đức đang cân nhắc.
Ông nói thêm ông Trịnh Xuân Thanh "bị đưa ra khỏi Đức, bằng các biện pháp mà chúng tôi tin rằng người ta xem trong các phim hình sự về Chiến tranh Lạnh."
"Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận."
Tối 3/8, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói lời "xin lỗi" trong chương trình thời sự.
VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra "để tìm hiểu" và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.
Được BBC hỏi về phản ứng sau khi VTV đưa tin, Bộ Ngoại giao Đức nói họ không có gì bổ sung ngoài tuyên bố đã ra hôm 2/8.
Bàn tròn BBC ngay sau khi ông Thanh 'xin lỗi' trên VTV
Nhưng trong thư trả lời BBC, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh chữ đậm đoạn sau đây trong tuyên bố 2/8:
"Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý."
Trong khi đó, một luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Petra Schlagenhauf nói với BBC sau khi xem đoạn phim:
"Đây là 'tự thú' ép buộc. Ông ấy bị bắt cóc. Chúng tôi biết, cảnh sát Đức biết, chính phủ Đức biết."
Hội luận: ông Trịnh Xuân Thanh thực sự 'ra đầu thú'?
Bà nói thêm: "Tôi lo ngại cho sức khỏe thân chủ. Ông ấy trông rất tệ."
VTV nói họ đã liên hệ cơ quan an ninh điều tra "để tìm hiểu" và chiếu đoạn phim được nói là quay ngày 31/7.
Trong phim, ông Trịnh Xuân Thanh, ngồi ở địa điểm không xác định, nói ông đã "suy nghĩ không chín chắn", "đành phải về để đối diện sự thật".
Ông nói muốn "cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi".
VTV cũng đưa hình về "đơn xin tự thú" ghi ngày 31/7 tại Hà Nội, viết tay, được nói là của ông Thanh.
Đoạn thuyết minh nói trong đơn có đoạn:
"Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC do lo sợ suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.
"Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ.
"Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam, ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, nhà nước và pháp luật."
Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 3/8 "lấy làm tiếc" trước thông cáo của Đức nhưng dẫn lời Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh "đầu thú".
Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 cáo buộc Việt Nam "bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh" và yêu cầu đại diện tình báo Việt Nam tại Berlin về nước.
Trong thông cáo ra hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức nói họ có bằng chứng về việc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam lên vào tối 1/8, và sau đó đặt nhân viên tình báo tại Tòa Đại sứ vào vị trí "người không được hoan nghênh" (persona non grata), buộc phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.