Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2015 và 2016 sẽ không thể vượt mức 3,5% và 3,7% tức là thấp hơn năm 2014 vừa kết thúc 0,3 điểm.
GDP của Hoa Kỳ dự trù tăng 3,6% trong năm 2015 và 3,3% năm 2016. Trong khi đó, các cường quốc khác từ vùng Euro, Nhật Bản đến Trung Quốc đều sẽ tăng trưởng chậm lại so với dự kiến tương đối lạc quan cách nay 4 tháng.
Theo IMF, sự kiện dầu hỏa xuống giá một cách ngọan mục hơn 55% từ tháng 9 đến nay sẽ giúp cho các nước nhập khẩu vàng đen nhẹ gánh tài chính nhưng không phải nền kinh tế nào trong nhóm này cũng có lợi.
Nhìn chung, giá dầu thấp sẽ kích thích kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh trong hai năm tới : mãi lực của dân chúng các nước nhập khẩu dầu hỏa cũng như nhu cầu tiêu dùng của họ gia tăng.
Tuy nhiên giá dầu thấp không đủ cân bằng tình trạng yếu kém đầu tư và tỷ lệ tăng trưởng ở những nước lớn trừ Hoa Kỳ.
Cụ thể, nhóm các nước được xem là đang « trỗi dậy » sẽ tăng trưởng chậm lại thậm chí thụt lùi từ 4,4% xuống 4,3% theo dự báo cuối cùng.
Trong nhóm các nước đang trỗi dậy tình trạng mỗi nước cũng không giống nhau. Ấn Độ sẽ trở lại tỷ lệ trên 6% và nhịp độ tăng trưởng sẽ qua mặt Trung Quốc trong năm 2016.
Còn Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới, tỷ lệ tăng trưởng không hơn 6,8% trong năm nay thay vì 7,1% theo dự báo lần trước. Qua năm 2016, tỷ lệ này xuống còn 6,3% là tối đa.
Hoạt động kinh tế Trung Quốc bị chậm lại sẽ gây tác động dây chuyền làm nhiều nước châu Á khác bị mất từ 0,2 đến 0,3 điểm.
Tình trạng giá dầu đại hạ giá làm cho kinh tế Nga lao đao cộng với đồng rúp rơi tự do sẽ tác động đến các quốc gia trong khu vực Liên Xô cũ như các nước Trung Á có trao đổi thương mại gắn bó với Matxcơva. Theo dự báo của IMF, kinh tế Nga sẽ suy thoái trong hai năm tới -3% và -1% .
Ngược lại, Ngân hàng phát triển tái thiết châu Âu BERD bi quan hơn cho tương lai của Nga với dự báo suy thoái đến -4,8 % trong năm 2015.
Cuối cùng, tăng trưởng của các nước Châu Mỹ La Tinh và châu Phi, do dựa vào xuất khẩu nguyên liệu và dầu hỏa, sẽ bị hai tác động tiêu cực : nhiên liệu giảm giá và đồng đôla lên giá.
Theo nhận định của kinh tế trưởng IMF, Olivier Blanchard, kinh tế thế giới đối đầu với nhiều hiện tượng đối nghịch nhau : một mặt, các nước lớn hưởng lợi từ giá dầu rẽ mặt khác thì nhiều khu vực trên trái đất, viễn ảnh này (xấu) « tác động tiêu cực đến mức cầu và đưa đến suy sụp ».
Tóm lại, theo IMF, chỉ có Hoa Kỳ là xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế thế giới nhưng « đơn độc ». Liên Hiệp Châu Âu bị Quỹ tiền tệ phê bình là « phản ứng chậm chạp » cho nên tỷ lệ tăng trưởng đẹp nhất cũng không quá 1,2% trong năm nay. Thế giới không thể chỉ trông cậy vào giá dầu xuống thấp và một mình sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ để phát triển. IMF đề xuất giải pháp nhanh chóng « cải tổ cấu trúc » tại nhiều nước để tăng « tiềm năng phát triển », phải phối hợp « điều chỉnh ngân sách » để vừa có thể hậu thuẩn cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng lâu dài.
Thông điệp này không chỉ đặc biệt nhắn gửi Liên Hiệp Châu Âu nơi mà chính sách tiền tệ cứng nhắc và nguyên tắc không để thâm thủng ngân sách không vượt quá 3% bị chỉ trích là nguyên nhân gây trì trệ kinh tế và làm gia tăng nạn thất nghiệp.
Các nước chỉ sống nhờ xuất khẩu dầu khí và nguyên liệu đã được cảnh báo.
RFI