Đêm 13 tháng Giêng 1942, hơn một tháng sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, một chiếc tàu ngầm U-Boat của Đức trồi lên ngoài khơi Manhattan, New York. Choáng ngợp khi thấy thành phố sáng trưng trong đêm, ánh sáng dọi soi từng đường viền các tòa nhà chọc trời và các tàu chở dầu đậu trong cảng. Một quả thủy lôi phóng ra, chiếc tàu ngầm lặng lẽ quay hướng đi tìm mục tiêu khác trước khi chiếc tàu chở dầu bùng nổ. Trong vòng 12 tiếng sau chiếc U-Boat đã đánh chìm thêm 7 tàu khác. Người Mỹ quá lúng túng trước những cuộc tấn công như thế.
Nhưng có lẽ sự kiện dồn các người Mỹ gốc Nhật vào trại giam mới khuấy lên một vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ. Ngày 19 tháng 2 năm 1942, trong khi lính Mỹ dưới trướng của tướng MacArthur ở Philippines cố chống chọi và thua trận phải rút lui về Bataan, FDR đã ra lệnh thành lập các khu biệt lập cho những người được xem là gây phương hại cho an ninh nước Mỹ. Thực chất là nhắm vào 110 ngàn người gốc Nhật sống ở bờ Tây. Mặc dù Ðức, Ý đã tuyên chiến với Mỹ, nhưng chỉ có người gốc Nhật bị nhắm đến. Lý do dễ hiểu là người Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng. Trong số 110 ngàn người đó có hơn 62% là có quốc tịch Mỹ, một số lớn sinh ra ở đây. Họ xem nơi này là tổ quốc. Bắt đầu ở Hawaii, hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Nhật, chiếm 40% dân số của đảo bị tập trung. 5 công ty kinh doanh lớn ở Hawaii do người Mỹ làm chủ phản đối vì thiếu thốn nguồn nhân lực và sản xuất, và đợi đến khi quân đội Mỹ gia tăng trên đảo thì sự căng thẳng trên hòn đảo này giảm đi và người Mỹ gốc Nhật được phép trở lại làm việc bình thường. Trong khi ấy ở lục địa thì 10 trại giam đã dựng lên từ California đến Arkansas cho 110 ngàn người Mỹ gốc Nhật. Mặc dù họ được đi học, chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ, tôn giáo… nhưng mọi thứ đều bị quản chế. Họ phải ở trong trại cho đến một năm sau khi thế chiến kết thúc. Một sự việc éo le góp phần cho lịch sử của cuộc chiến này là trung đoàn bộ binh 442 của người Mỹ gốc Nhật được thành lập vào năm 1943 vào thời gian khốc liệt của cuộc chiến, họ đã xem nước Mỹ là quê hương và đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường Châu Âu một trận kiêu hùng. Họ là đơn vị được tặng thưởng nhiều huân chương nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
Cuộc thế chiến thứ 2 chấm dứt qua 4 mùa Giáng Sinh không rộn rã sắc màu và thiếu ánh sáng, qua thiếu thốn và mất mát, qua những cống hiến và bất công. Sau 1945 những người Mỹ gốc Nhật liên tục đệ đơn lên tòa án Mỹ khởi kiện. Năm 1948 chính phủ thông qua luật bồi thường tái định cư đối với những người Mỹ gốc Nhật. Và đến 1988 Quốc Hội Mỹ đã chính thức công khai xin lỗi và bồi thường 20,000 đôla cho mỗi người bị đưa vào trại quản chế hồi đó vẫn còn sống.
Trở lại chuyện nước Mỹ mùa Giáng Sinh 1941, đã có ban hành rải rác đến các thành phố luật blackout (tắt đèn điện) nhằm tránh trở thành mục tiêu cho kẻ thù bắn phá. Ngay cả ở thủ đô, Tòa Bạch Ốc được đề nghị ngụy trang và đặt súng phòng không trên mái nhà. (Nhưng tổng thống không chấp nhận điều đó). Dù vậy các quan chức thành phố từ Boston đến Miami phản đối cúp điện vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế, đến nguồn lợi có được từ du khách, và trì hoãn cho đến tháng 5, 1942. Và mùa Giáng Sinh năm đầu tiên của thế chiến, nước Mỹ phải đón mừng trong thưa thớt ánh đèn, nhiều nơi trong bóng tối. Hãy xem lại những tấm hình và nhật báo cũ để biết rằng các đứa trẻ dọc bờ biển Ðông tối ấy không có pháo bông để xem, không có đèn sáng tưng bừng phố xá và lễ hội, chúng ngồi nghe sóng vỗ trong bóng đêm và nhìn sao trời, phía sau lưng thành phố tối om. Những tấm áo phao của thủy thủ bị tàu đắm trôi dạt vào bờ… Ở Mobile, Alabama gần vịnh Mexico, thành phố có lệnh cấm đốt đèn ban đêm, sẽ phạt 100 đô nếu đèn sáng trong khi không có ai ở nhà, bóng đèn chỉ dùng loại 30 watt và màu xanh. Các màn che cửa sổ không được thêu ren, phải có màu đen, hoặc che khăn xanh, không chĩa đèn pin vào cửa sổ hay lên trời, ngay cả không soi xuống các mặt đường loang loáng nước, vì sẽ lóa ánh sáng. Quảng trường Times Square ở New York không có các bảng đèn neon cháy sáng quảng cáo, chỉ đèn đường mờ đủ soi sáng giao thông. Vài thành phố, các xe chỉ được đậu 3 giờ mỗi đêm, dự phòng nếu có di tản sẽ rộng đường cho thành phố. Ở Mississippi khuyến cáo dân chúng báo cho FBI nếu phát hiện những người Nhật có dấu hiệu khả nghi.
Mùa Giáng Sinh năm ấy các cây thông Noel cũng thiếu vắng các dải trang trí lấp lánh, các đồ chơi cho trẻ em hiếm hoi vì kim loại và cao su đều dành hết cho chiến tranh. Các đồ trang trí thời đó nhập vào từ Nhật và Trung Hoa. Người ta phải chế các đồ chơi làm quà bằng gỗ, giấy carton và nhựa, tất nhiên là những đồ chơi như xe tăng, máy bay càng thịnh hành. Bữa tiệc Giáng Sinh cũng không đầy ắp thức ăn vì hạn chế nguồn đường, thịt, bơ. Các chuyến đi về thăm gia đình và đoàn tụ cũng hạn chế nhằm tiết kiệm xăng dầu và dành phương tiện tàu lửa cho quân đội. Ngoài lý do an ninh quốc gia thì cúp điện hay giảm các nguồn điện cũng để tiết kiệm năng lượng cho chiến tranh. Tuy vậy không khí Giáng Sinh ở hậu phương còn hơn ở tiền tuyến ngàn lần. Sau khi Nhật tấn công Hawaii, quân Mỹ dưới trướng của tướng MacArthur phải rút lui ở Philippines. Trong mùa Giáng Sinh 1942, họ đã trở lại chiến đấu sinh tử ở Guadalcanal và New Guinea, trong Thái Bình Dương, sau đó ở Tunisia, Châu Phi. Năm 1943 thì đối mặt quân Ðức ở Ý. Giáng sinh 1944 thì ở Pháp, Bỉ và sau đó trở lại đánh Nhật ở Philippines.
Ngày đó các tấm thiệp chúc mừng hỏi han còn quý hơn cả thức ăn và lễ hội. Ðể có được những tấm thiệp đến kịp Giáng Sinh, quân đội phải khuyến khích dân chúng gởi từ giữa tháng 9, các gói quà chỉ dưới 2.5 kí lô. Tuy vậy nhiều gói quà đến chiến trường muộn vào mùa xuân sau đó. Những món quà đôi khi được ưa chuộng như kẹo bánh và vớ ấm, nhưng cũng có những món quà tréo ngoe như cà-vạt và nước hoa… Quý giá nhất cho các chàng GI trẻ là ảnh các người yêu, người thân luôn mang trong túi áo hay trong mũ sắt…
Niềm hạnh phúc mỗi khi Giáng Sinh trở về tràn đầy phước lành ân sủng. Dù mùa lễ có rực rỡ ánh đèn hay le lói trong bóng đêm của chiến tranh, dù mùa lễ tuyết trắng giá băng ở chiến hào nơi Tây Âu hay mùa lễ ẩm thấp ở vùng nhiệt đới, thì Giáng Sinh vẫn mãi là trường cửu cho nhân thế. Tiếng hát Bing Crosby với “White Christmas” (Giáng sinh trắng) năm 1942, “ I’ll be home for Christmas” (Tôi sẽ về mùa Giáng Sinh) năm 1943 hay Judy Garland với “Have Yourself a Merry Little Christmas” (Chúc một Giáng Sinh nho nhỏ vui vẻ) năm 1944 đã minh chứng điều ấy! Những giai điệu rung động mang nỗi nhớ quê hương và niềm lạc quan trong chiến tranh cùng phận người luôn âm vọng ngàn đời. Mỗi khi Giáng Sinh về.
SB