Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Hộ tống hạm HQ.11 & những ngày biến loạn tháng tư đen - VŨ NGỌC VĂN
Chiều ngày 31-03-1975 Hộ Tống Hạm HQ.11 được lệnh khẩn cấp từ Cam Ranh hải hành ra Qui Nhơn để bảo vệ thành phố này đang bị áp lực Cộng quân uy hiếp nặng nề. Trước đó chiến hạm đã di tản Duyên Đoàn 21
LỜI NÓI ĐẦU:
Bài hồi ký này đã được đăng trên Đặc san Gươm Thiêng phát hành ngày 19-06-1985. Gần đây có vài hồi ký liên quan đến trận chiến tại eo biển Cà Ná Phan Rang mà HQ.11 đã tham dự. Vì thế, tác giả cố gắng viết lại bài hồi ký năm cũ bằng những điều mắt thấy tai nghe, cập nhật những dữ kiện mới cùng loại bỏ các chi tiết sai sót trước đây để ghi nhớ công lao của thuỷ thủ đoàn HQ.11. Nhớ một kỷ niệm vui trênđài chỉ huy một buổi tối năm xưa khi chiến hạm tham dự các cuộc di tản dồn dập trong tháng 4/1975, Hạm Trưởng thấy thuộc cấp qúa mệt mỏi trong nhiệm sở tác chiến liên tục, mới hỏi đùa một nhân viên giám lộ người miền Nam: “Phấn, mày có biết Hà Nội chưa?”. Hạ Sĩ giám lộ Phấn trả lời: “Dạ, chưa” thì Hạm Trưởng tiếp: “Đời mày chưa biết Hà Nội, đến đời con mày sẽ không biết Huế, Đà Nẵng rồi đến đời cháu mày sẽ không biết Sài Gòn”. Cả đài chỉhuy cười vui mà thấm thía, tôi lúc đó mới buột miệng nói: “ Con cháu của Phấn không biết Huế, Sài Gòn nhưng chúng nó biết Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi thưa hạm trưởng”. Không ngờ câu nói đùa vui hôm đó đã là điềm báo trước cho cuộc đời tha hương lưu lạc nơi xứ người của phần lớn thủy thủ đoàn HQ.11. Bây giờ, Hạm Trưởng Hải QuânThiếu Tá Phạm Đình San đang lưu lạc bên miền Nam California; Hạm Phó HQ. Thiếu Tá Trần Đức Huân trôi giạt sangđ ất Úc và đã ra người thiên cổ năm 1987; Sĩ quan đệ tam Hải quân Đại Úy Vũ Đức Thiệu cư ngụ tại Santa Ana từ năm 1991; Cơ Khí Trưởng HQ Trung Úy Cơ Khí Ngô Việt Hùng định cư tận vùng đất giá băng lạnh lẽo thành phố hải cảng Halifax, tiểu bang Nova Scocia, Canada; trưởng phiên chi đội 1 hải hành HQ. Trung Úy Nguyễn Lộc Thọ đang định cư tại Montreal, Canada; trưởng phiên chi đội 2 HQ Trung Úy Huỳnh Thiện Khiêm đang ở Melbourne cùng vợ con và đàn cháu ngoại; trưởng phiên chi đội 3 HQ Trung Úy Nguyễn Đắc Minh (Khóa 25 Võ Bị) sang Mỹ muộn màng theo diện HO cơ cực vất vả ở San Jose. Dù đã hơn 38 năm qua từ khi tàn cuộc chiến, nhưng mỗi khi tháng Tư về lòng tôi vẫn ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa của một thời chinh chiến còn in đậm trong ký ức:
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng Tư.
(thơ Cao Tần)
Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ.11
Chiều ngày 31-03-1975 Hộ Tống Hạm HQ.11 được lệnh khẩn cấp từ Cam Ranh hải hành ra Qui Nhơn để bảo vệ thành phố này đang bị áp lực Cộng quân uy hiếp nặng nề. Trước đó chiến hạm đã di tản Duyên Đoàn 21 tại Đề Gi về căn cứ Cam Ranh. Qui Nhơn là thành phố phía Bắc của Quân Khu 2 thuộc khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn 22 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm chỉ huy, bây giờ đang là ải địa đầu chống trả các đợt tấn công ồ ạt của các Sư Đoàn CS vì Quân Khu 1 ở Đà Nẵng đã di tản từ hai ngày qua. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều ngày 31-03-1975, HQ.11 cón cách Qui Nhơn 50 hải lý, tôi lên đài chỉ huy nhận phiên trực hải hành từ 6 giờ đến 8 giờ tối. Vừa bước lên đài chỉ huy, tôi nhận thấy một bầu không khí căng thẳng vì đông đảo các sĩ quan hiện diện. Hạm Trưởng là Hải Quân Thiếu Tá Phạm Đình San (Khóa 10 SQHQ/Nha Trang) bận rộn liên lạc trên máy truyền tin với các giới chức thẩm quyền tại Qui Nhơn, được biết tình hình tại đó đang nguy ngập cần gấp các chiến hạm đến yểm trợ hải pháo. Cùng lúc đó, chiến hạm tôi thấy lố nhố nhiều chiến hạm bạn đang trên đường từ Đà Nẵng di tản về, bắt đầu bằng những chấm đen nhỏ xa tít tắp từ cuối đưòng chân trời. Đó là các chiến hạm chuyển vận thuộc hạm đội Hải Quân Việt Nam đang di tản các đại đơn vị của Quân Đoàn 1 như các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 3 Bộ Binh,...từ Đà Nẵng về Cam Ranh hoặc Vũng Tàu. Mọi người hiện diện trên đài chỉ huy đều ngỡ ngàng vì không ngờ tướng Ngô Quang Trưởng lại để Quân Khu I thất thủ nhanh chóng đến như thế. Chiến hạm vẫn lặng lẽ tiến về phương Bắc, ngược chiều với các chiến hạm bạn đang lũ lượt di tản, chạy cách bờ khoảng 6 hải lý (tương đương gần 11 km). Mặt trời đang chiếu những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà, bóng tà dương tròn đỏ thẫm đang từ từ lẩn khuất sau dãy Trường Sơn như giấu mặt để khỏi chứng kiến cảnh đau lòng của quân dân miền Nam đang trốn chạy làn sóng đỏ. Khi mặt trời vừa khuất bóng, tiếng còi trên đài chỉ huy vang lên để cử hành lễ hạ kỳ. Mọi người đứng nghiêm chào lá quốc kỳ đang hạ xuống, sau đó chiến hạm bật đèn hải hành. Lúc đó các chiến hạm bạn đang tiến đến gần, đèn hải hành xanh đỏ lấp lánh cả một vùng biển trước mặt. Hạm Trưởng cho giám lộ đánh đèn để nhận diện từng chiến hạm. Thôi thì đủ cả, nào là HQ.501,HQ.503, HQ.404, HQ.802, HQ.402, HQ.801.... Được biết Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đang di tản trên chiến hạm HQ.404. Các chiến hạm nhỏ thì chạy sát bờ chen lẫn các duyên tốc đĩnh PCF, Coast Guard, Yabuta,... Qua máy truyền tin, Hạm Trưởng HQ.501 là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ (Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) cho hạm trưởng tôi biết tình hình thê thảm tại Đà Nẵng và riêng cá nhân anh bị kẹt vợ con ngoài đó, lái tầu xuôi Nam mà lòng anh đau như cắt. Đó là hình ảnh đau thương mà có lẽ trong đời tôi mới có dịp chứng kiến một quân đoàn di tản thê thảm như thế.
HQ.11 vẫn lặng lẽ ngược chiều với các chiến hạm bạn tiến về phương Bắc hướng về Qui Nhơn trong đêm. Sáng ngày 01-04-1975, chiến hạm yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bộ binh trong bờ. Thành phố đang rơi vào tình trạng nguy ngập, các đơn vị đóng quân của Tiểu Khu Bình Định và Sư Đoàn 22 Bộ Binh đang bị Cộng quân pháo kích nặng nề. Doanh trại của Hải quân đóng cạnh cửa sông gồm Hải Đội 2 Duyên Phòng và Tiền Doanh Yểm Trợ Tiếp Vận Qui Nhơn dưới quyền chỉ huy của HQ Trung Tá Võ Hữu Danh và HQ Trung Tá Lê Văn Thự đang chuẩn bị di tản. Quanh cửa biển, các chiến hạm thuộc Hải Đội Tuần Dương đều hiện diện đông đủ dưới sự chỉ huy tổng quát của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, phụ tá bởi Tư Lệnh Hạm Đội là HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn. Tướng Minh đã được chỉ định chức vụ Tổng Trấn Qui Nhơn thay thế Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm di tản ra biển trên một chiếc PCF vì kiệt sức ho ra máu chạy ra chiến hạm HQ.11. Hạm Trưởng tôi vội trình sự việc cho tướng Minh vừa đến Qui Nhơn biết và được lệnh chỉ thị chiếc PCF chở tướng Niệm sang HQ.3 có tướng Minh để tịnh dưỡng, giao quyền chỉ huy lại cho viên Tư Lệnh Phó tên là Trung điều động sư đoàn di tản.
Buổi sáng hôm đó, Qui Nhơn hầu như đắm chìm trong vùng lửa đạn, SĐ 22 BB đang bị VC tấn công dữ dội, Đại Tá Tư Lệnh Phó Trung đã bình tĩnh điều động các trung đoàn dưới quyền đẩy lui các đợt tấn công, khéo léo rút dần vào thành phố để ra cửa biển cho các tàu nhỏ Hải quân bốc ra khơi. Khoảng 10 giờ sáng, doanh trại Hải quân được lệnh phá hủy, đài kiểm báo cũng đốt bỏ trước khi di tản. HQ.11 đã đón nhận khoảng trên 200 quân nhân Hải Quân di tản này. Trên mặt biển, các duyên tốc đỉnh PCF dưới sự chỉ huy của Trung Tá Danh lướt sóng chạy ngang dọc và bắn súng cối 81 ly vào bờ để yểm trợ các đơn vị bạn trên đường rút ra biển di tản. Trong lúc hải pháo, một duyên tốc đĩnh đã bị tai nạn khi quả đạn 81 ly nổ tại nòng khiến cho xạ thủ tử thương tại chổ. Đến trưa 01-04-1975 Cộng quân đã tiến chiếm nhiều nơi trong thành phố, các đơn vị bộ binh trên đường rút lui đã bị VC pháo kích đuổi theo gây nhiều tổn thất về nhân mạng. Tướng Hoàng Cơ Minh liền ra lệnh tất cả chiến hạm được phép xử dụng hỏa lực tối đa bắn vào các vị trí CS trong thành phố. Tư lệnh Hạm Đội liên tục gọi máy cho chiến hạm tôi bắn hải pháo vào bờ. Hạm Trưởng vì mấy ngày liền nói chuyện, hò hét trên máy truyền tin nên bị khan giọng mệt lả. Các chiến hạm đồng loạt nã hải pháo vào bờ, gây ra những đám cháy với những cột khói đen mù mịt bầu trời. Nhờ thế mà các đơn vị Bộ Chì Huy 2 Tiếp Vận, Tiểu Khu và các Trung Đoàn của SĐ22BB mở đường máu chạy ra bờ biển và bơi ra các chiến đĩnh. Sau này chúng ta ghi nhận một tấm gương tuẫn tiết thật can trường của vị Đại Tá Trung Đoàn trưởng TrĐ.42 BB Nguyễn Hữu Thông đã tự sát không chịu di tản.
Đến 4 giờ chiều, trong lúc HQ.11 đang say sưa nã 76,2 ly vào khu vực Cầu Đôi và trận chiến càng khốc liệt hơn với từng toán quân nhân túa ra bờ biển di tản thì máy truyền tin nhận được tin khẩn cấp từ Trung Tâm Hành Quân Vùng 2 Duyên Hải tại Cam Ranh cho biết Nha Trang đang hối hả di tản, thành phố đang bỏ trống vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã hoàn toàn mất liên lạc. Tướng Hoàng Cơ Minh chỉ thị cho chiến hạm tôi chỉ huy một chiếc Hộ Tống Hạm và một Trợ Chiến Hạm lập tức trở về Cam Ranh ngay, bỏ lại sau lưng cảnh chiến trường khốc liệt với lửa đạn ngút trời. Vài giờ sau, tin xấu lại nhận thêm là Tiểu Khu Khánh Hòa, Đặc Khu Cam Ranh, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang do Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu làm Chỉ Huy Trưởng đã di tản. Tướng Minh vội huy động các chiến hạm, chiến đĩnh tác xạ tối đa và tiến sát vào bờ để bốc các chiến hữu bộ binh càng nhiều càng tốt. Sau đó, ông giao chiến trường lại cho HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn chỉ huy, tướng Minh theo HQ.3 rời vùng trở về Cam Ranh trước. Thế là chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, tình hình chiến sự đã suy sụp quá mau chóng, ngoài sức dự liệu của các cấp chỉ huy, tướng Minh đã trúng kế “điệu hổ ly sơn” của thượng cấp khi chỉ định ông làm Tổng Trấn Qui Nhơn khiến ông bỏ nhà trống, dốc toàn lực lượng ra chiến đấu tận Qui Nhơn xa xôi này, trong khi Cam Ranh và Nha Trang đang bỏ chạy. Đêm hôm đó, đi phiên hải hành ai nấy đều mỏi mệt, kinh hoàng vì các biến cố đau xót ập xuống đất nước dồn dập. Trên hệ thống âm thoại đêm đó, tôi nghe được giọng nói lo âu của HQ Đại Tá Nguyễn Văn Hớn Tư Lệnh Phó V2DH báo cáo tình hình cho tướng Minh:
- Trình thẩm quyền, nhà lớn hiện nay đã mất liên lạc với Quân Đoàn 2, Tiểu Khu Khánh Hòa, TTHL/HQ/Nha Trang, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận cùng tất cả các đơn vị bộ binh tại đây. Chỉ còn duy nhất Hải Quân tại bán đảo này. Xin thẩm quyền cho chỉ thị để tôi thi hành.
Tướng Minh vẫn điềm tĩnh, giọng nói dõng dạc trong máy:
- Tôi nhận rõ, anh ở nhà cố gắng điều động thuộc cấp giữ vững vị trí, chờ tôi về.
- Thẩm quyền cho biết bao giờ mới về tới nhà lớn? (Cam Ranh)
- Khoảng 4 giờ chiều mai.
Đến 6 giờ chiều 02-04-1975 chiến hạm tôi về đến vịnh Cam Ranh chở hơn
200 quân nhân Hải Quân di tản, chiến hạm nhận lệnh neo, chờ lệnh mới chứ
không được phép cặp cầu. Tướng Minh đã về đến trước đó vài giờ, ông vừa
điều động BTL/V2DH chuẩn bị di tản và xin lệnh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy nhiều lần lên máy bảo chờ lệnh Bộ Tổng Tham
Mưu. Từng giây phút căng thẳng chờ đợi chậm chạp trôi qua, tướng Minh
phải thúc hối mãi, cuối cùng mới nhận được lệnh ngắn gọn từ tướng Thủy:
“RÚT BỎ CAM RANH”. Thế là một căn cứ hải quân tối tân, đầy đủ tiện
nghi rộng lớn phút chốc được lệnh phá hủy, đặc biệt là kho đạn, bồn dầu,
trung tâm truyền tin điện tử... Cuối cùng đoàn hạm đội rút khỏi vịnh
Cam Ranh chở theo một số lớn đồng bào, chiến hữu di tản một lần nữa về
Vũng Tàu. Trên đường xuôi Nam, chiến hạm tôi đã khéo léo tước đoạt vũ
khí cá nhân của tất cả quân nhân quá giang để tránh sự nổi loạn trên
tàu.Khi đến Vũng Tàu, chiến hạm cặp vào cầu Alaska trong Căn Cứ Hải Quân
Cát Lở để cho số quân dân di tản lên bờ. Nghỉ bến chỉ được một ngày,
chiến hạm tôi sau khi đi chợ mua thực phẩm, tiếp tế nhiên liệu, nước
ngọt đầy đủ lại nhổ neo lên đường ra tăng phái cho chiến trường Phan
Rang cùng với các chiến hạm tuần dương khác.Sáng ngày 05-04-1975 chiến
hạm tôi có mặt tại vùng biển Phan Rang. Được biết tỉnh lỵ này cũng đang
hỗn loạn, Đại Tá Tự là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng đã bỏ nhiệm sở
di tản về Vũng Tàu trước đó, nhưng sau ông phải nhận lệnh trở lại Phan
Rang tử thủ.Trong những ngày chiến hạm tôi yểm trợ vùng biển này, có lần
HQ.11 được lệnh ra thám sát tình hình tại vịnh Cam Ranh. Từ ngoài khơi
cách bờ 3 hải lý, quan sát bằng ống nhòm, chúng tôi đã thấy bóng Cộng
quân xuất hiện, lá cờ xanh đỏ đã treo trên cột cờ. Hạm Trưởng liền gọi
máy báo cáo cho tướng Hoàng Cơ Minh biết rõ sự tình, tướng Minh liền xin
máy bay ra oanh tạc.Hiện nay, khu vực trách nhiệm của tướng Minh thu
hẹp chỉ còn hai tỉnh Phan Rang và Phan Thiết mà thôi. Trong thời gian
này chúng tôi nhận một cái tin đau buồn cho quân chủng là thủ khoa khóa 9
SQHQ/Nha Trang là HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương đã tự sát tại quân trường
Nha Trang cùng với vợ và 3 đứa con vì bị kẹt lại không xuống tàu di tản
kịp
Sau những ngày bi thảm đầu tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh Phan Rang lập thành “Phòng Tuyến Thép” nhằm ngăn chận làn sóng đỏ tại nơi quê hương của Tổng Thống. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được giao phó trọng trách này, giữ chức Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3, dưới quyền có Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 6 Không Quân, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Duyên Hải. Ngoài ra Phan Rang còn được tăng phái thêm Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù do Đại Tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy. Trong thời gian này, tỉnh lỵ Bình Thuận bị áp lực Cộng quân nặng nề, tỉnh lỵ bị pháo kích từng đợt không dứt.
Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ.3
Sáng ngày 16-04-1975 Phan Rang bị thất thủ, Trung Tướng Nghi và Chuẩn Tướng Sang lọt vào tay Cộng quân , Chuẩn Tướng Nhựt leo trực thăng bay thoát ra biển được tuần dương hạm HQ.3 cứu vớt. Phan Rang mất, Phan Thiết bị áp lực CS đè nặng hơn vì ban đêm từng đoàn quân xa của địch rất dài rọi đèn pha tiến về phương Nam, từ ngoài khơi nhìn thấy rất rõ tại eo biển Cà Ná. Đêm hôm đó, HQ.11 cùng với một số chiến hạm vẫn tuần tiễu vùng biển Phan Rang, phát hiện từng đợt quân xa địch pha đèn chạy trên quốc lộ 1 ngang Cà Ná dài cả mấy cây số. Chiến hạm vội nã đại bác vào bờ, đồng thời báo cáo cho tướng Minh xin phi cơ ra oanh tạc. Hai phi đội F.5 và A.37 bay đến oanh tạc, bị lực lượng phòng không địch bắn trả dữ dội, đạn lửa đan kín một vùng trời. Một máy bay A.37 bị bắn rớt, phi công nhảy dù đáp trên một ngọn núi (có thể là phi công Lý Tống).
Sáng ngày 17-04-1975 toàn tỉnh Phan Rang hầu như nằm trong vùng kiểm soát của CS, chỉ còn kẹt lại một vài đơn vị nhỏ Nhảy Dù đang kẹt gần eo biển Cà Ná, chuẩn bị rút về quận lỵ Tuy Phong cách đó 10 km để chờ các tàu Hải Quân vào đón. Dương Vận hạm HQ.503 đang thả neo ngoài khơi cách bờ 5 hải lý, chỉ huy chiến thuật các chiến hạm trong vùng đang nhận người di tản chạy ra tàu. Trong lúc đó, tướng Minh đang trên HQ.3 ra đây để trực tiếp chỉ huy, ông đích thân chỉ thị cho Hạm Trưởng tôi phải bắn sập cây cầu Núi Chẹt tại eo biển Cà Ná để cắt đứt đường chuyển quân của địch vào Phan Thiết. Được biết cây cầu này rất kiên cố, được hãng thầu RMK xây cất nên khó lòng triệt hạ được.
Tuân lệnh tướng Minh, chiến hạm tôi trong nhiệm sở tác chiến toàn diện suốt ngày hôm đó, tiến vào gần bờ và chạy song song để hai khẩu 76,2 và 40 ly cùng đồng loạt tác xạ. Bắn nhiều lần nhưng cây cầu vẫn cứ trơ trơ. Trong khi đó, viên phi công lâm nạn trên ngọn núi đêm qua, thỉnh thoảng dùng tấm gương rọi ánh nắng mặt trời ra chiến hạm xin tiếp cứu. Chiến hạm chỉ biết xử dụng quang hiệu đánh đèn an ủi viên phi công, nhưng biết làm sao mà tiếp cứu đây!
Đến 2 giờ chiều, đơn vị Dù bị VC tấn công dồn dập, được lệnh mở đường máu tiến về quận Tuy Phong để các chiến đỉnh thuộc Duyên Đoàn 27 đón ra khơi. Hạm Trưởng nóng lòng vì bắn mãi không triệt hạ được cây cầu nên đổi chiến thuật, vận chuyển chiến hạm từ ngoài khơi nhắm thẳng vào cây cầu để cho khẩu pháo 76,2 bắn thẳng từng phát vào chân cầu, nhưng kết quả vẫn chưa như ý. Khi tàu còn cách bờ nửa hải lý, bất ngờ 4 chiếc xe tăng T.54 của VC lù lù xuất hiện, pháo ra chiến hạm tới tấp. Con tàu vội vận chuyển đổi hướng ra khơi, Hạm Trưởng ra lệnh tay lái hết bên mặt, đồng thời tăng vận tốc từ “hai máy tiến hai” sang thành “hai máy tiến ba” (chiến hạm bị cong trục láp từ trước, chưa được lên ụ sửa chữa nên không thể chạy “hai máy tiến full” được). Lúc đó, tôi đứng trên đài chỉ huy, nhìn vào trong bờ thấy 4 khẩu pháo trên xe tăng VC đua nhau chớp lửa,từng quả đạn rít gió bay ra chiến hạm âm thanh réo rú đến rợn người, rớt xuống biển nổ vang tạo nên những cột nước trắng xóa bao quanh chiến hạm. Hạm Trưởng vẫn điềm tĩnh lái tàu ra khơi, đồng thời ra lệnh cho các khẩu pháo sau đài chỉ huy tác xạ vào bờ phản pháo. Con tàu lắc lư, máy tàu gầm rú chạy xịt khói, chân vịt rung chuyển khua vang cùng các khẩu hải pháo đua nhau nổ ròn rã như tiết tấu bản nhạc của tử thần.
Mãi hơn mười phút sau, con tàu mới chạy thoát khỏi tầm đạn của đối phương. Hai khẩu đại bác 40 ly ở sân giữa vì bắn trả liên tục quá nhiều nên nóng đỏ cả nòng súng, viên đạn không bay đi xa được. Kiểm soát lại sự tổn thất, chiến hạm tôi chỉ bị trúng duy nhất một quả đạn xuyên hông từ tả hạm lúc con tàu quay mũi đổi hướng ra khơi đưa cả hông tàu cho VC bắn, làm cho Thượng Sĩ I Vô Tuyến Nguyễn Văn Bàng tử thương và hai thủy thủ khác bị thương nơi xương sống. Đau xót cho Thượng Sĩ Bàng, đêm qua anh vừa nhận điện tín vợ con đã di tản từ Nha Trang vào đến Sài Gòn. Tin vui vừa nhận được còn đó thì nay anh đã đền nợ nước, vĩnh biệt vợ hiền con thơ, vĩnh biệt các chiến hữu cùng anh chống trả bọn Cộng sản vô thần trong những ngày tối đen của tổ quốc. Hạm Trưởng với nét mặt đầy xúc động, lên máy báo cáo trực tiếp cho tướng Minh:
- Trình thẩm quyền, chiến hạm tôi vừa đụng độ với xe tăng T.54 Việt Cộng, một thằng em bị bắn nát đầu thê thảm quá, hai thằng em khác bị thương. Bây giờ nghĩa tử là nghĩa tận, xin phép thẩm quyền cho tôi được rời vùng để đưa các em tôi về Sài Gòn.
Đầu máy bên kia, tướng Minh ngỏ lời chia buồn và khuyên giải:
- Nhân danh Tư Lệnh Mặt Trận, tôi gửi lời chia buồn đến toàn thể thủy thủ đoàn HQ.11 và chia buồn cùng gia quyến chiến hữu vừa mới hy sinh. Nhưng tình hình mặt trận tại đây quá nguy ngập, đang cần sự có mặt của anh để cùng tôi bảo vệ vùng biển này. Tôi sẽ không quên công lao đó của các anh em, vậy anh nghĩ sao?
- Xin tuân lệnh thẩm quyền, HQ.11 sẽ sát cánh với thẩm quyền trong những giờ phút này. Đề nghị thẩm quyền cấp phương tiện cho tôi để đưa xác và tải thương các em tôi về Sài Gòn.
- Được, tôi sẽ phái thằng HQ.608 đến giúp anh việc đó.
Khoảng 7 giờ tối, tuần duyên hạm HQ.608 cặp bên tả hạm HQ.11 để tải thương và đưa thi hài Thượng Sĩ Bàng về Sài Gòn. Thủy thủ đoàn HQ.11 tập họp nơi sân lái để làm lễ tiễn đưa vĩnh biệt Thượng Sĩ Bàng. Nhìn xác anh mất đầu được bó gọn trên chiếc băng ca khiến anh em đều bồi hồi thương xót. Hạm trưởng ứng khẩu đọc một bài điếu văn tiễn biệt. Vẫn biết rằng cuộc đời lính chiến thì cái chết ập xuống bất ngờ nào ai tránh khỏi, nhưng nhiều anh em đã khóc vì tiếc thương anh. Xong phần nghi lễ, xác anh được chuyển sang HQ.608 cùng với một số nhân viên tháp tùng do Thượng Sĩ Trọng Pháo Tiếp làm trưởng toán để tham dự tang lễ của anh. Sau này nghe các anh ấy về kể lại, khi HQ.608 cặp cầu Cát Lái, xác anh được đưa thẳng vào nghĩa trang quân đội Biên Hòa, sau đó mới báo tin cho vợ con vào nhìn anh lần cuối. Vợ anh đã khóc ngất khi nhìn thấy thi thể anh, kêu gào thảm thiết: “Cái đầu của chồng tôi đâu? Trả cái đầu lại cho chồng tôi!!” làm cho mọi người hiện diện đều rướm lệ:
Anh mặc làm chi màu áo trắng
Để em nhìn thấy lại thêm thương
Anh ơi, sao nỡ chia lià vội
Để lệ ai rơi mấy dặm đường
(thơ Thụy Châu)
Đó là hình ảnh cái chết của một chiến hữu của tôi trên chiến hạm HQ.11 trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam mà tôi mạn phép tường thuật mất dòng tỉ mỉ trên đây.
Sáng ngày 18-04-1975 tình hình tại Cà Ná đã quá nguy ngập, các đơn vị bạn tại đây đều bị chận đường di tản và mất liên lạc, chỉ có một số nhỏ chạy thoát xuống quận Tuy Phong. Hộ Tống Hạm HQ.07 vào thay thế HQ.11 tiến vào gần bờ để yểm trợ bị VC pháo ra dữ dội nhưng may mắn vô sự. Khoảng 5 giò rưỡi chiều, Dương Vận Hạm HQ.503 đang ở vị trí cách bờ 4 hải lý (khoảng 7 cây số, một hải lý = 1852,25m) bị Cộng quân pháo ra dồn dập. Đài chỉ huy bị trúng đạn nổ tung, gây nhiều tổn thất thương vong cho thuỷ thủ đoàn (trong đó có 4 sĩ quan hy sinh) và Hạm Trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc bị thương ở đầu. Hạm Trưởng Lộc đã trúng mảnh đạn vào đầu, máu tuôn lênh láng. Ông đã mang mảnh đạn trong đầu khi di tản tị nạn sang Hoa Kỳ 1975, không thể giải phẩu mổ ra được suốt 30 năm trường, cuối cùng ông đã qua đời tại San Jose, California năm 2005. Các chiến hạm trong vùng vội chạy đến tiếp cứu và hải pháo vào nơi đặt súng của Cộng quân.
Riêng HQ.11 đang tuần tiểu ở phía Nam cách đó 2 hải lý, vội vàng nhấn còi nhiệm sở tác chiến, vừa chạy vừa bắn 76,2 vào bờ. Tôi thấy HQ.503 cứ chập choạng quay mũi vào bờ, trong khi các trái đạn pháo nổ văng nước tung tóe quanh tàu, lúc bị trúng đạn thì bụi khói đen như trái nấm tung lên. Mãi một lúc lâu, HQ.503 mới lên máy liên lạc, báo cáo trở ngại vận chuyển. Hạm Trưởng tôi vội ban lệnh cho thủy thủ đoàn chuẩn bị dây giòng để đến kéo HQ.503. Thủy thủ đoàn tập họp nơi sân giữa, chuyền tay kéo từng khúc dây giòng to tướng như con trăn từ dưới hầm chuyển lên làm cho ai nấy đều mệt lả vì cuộn dây quá dài. May mắn làm sao, HQ.503 lúc đó báo cáo tự vận chuyển được và cũng là lúc tướng Hoàng Cơ Minh lên máy chỉ thị cho HQ.11 được phép rời vùng và hộ tống HQ.503 về Sài Gòn.
Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ.503
Trên đường hải hành, khoảng 9 giờ tối đêm hôm đó, chiến hạm đang chạy ngang vùng biển Phan Thiết thì cũng vừa nhận tin tỉnh lỵ này vừa thất thủ, viên Đại Tá Tỉnh Trưởng đã chạy đến Duyên Đoàn 28 để xuống tàu di tản ra khơi và trên đường đến trình diện tướng Minh. Thế là toàn cõi Quân Khu 2 đã hoàn toàn thất thủ kể từ tối 18-04-1975 sau nhiều cố gắng ngăn chận làn sóng đỏ bất thành. Nửa đêm đó, tôi lên phiên trực hải hành, nghe trên hệ thống âm thoại HQ.503 báo cáo về Trung Tâm Hành Quân Biển tại Sài Gòn danh sách tổng cộng 25 chiến hữu thương vong mà lòng buồn não nuột. Khoảng 10 giờ sáng 19-04-1975, chiến hạm tôi và HQ.503 đã về tới cửa biển Vũng Tàu. HQ.503 được lệnh vào sông Lòng Tào về Sài Gòn sửa chữa khẩn cấp dưới sự hộ tống của các chiến hạm khác. HQ.11 nhận lệnh neo tại Vũng Tàu nghỉ bến, đi chợ mua thực phẩm, nhận tiếp tế đạn dưọc, nhiên liệu, nước ngọt chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới. Đồng thời, chiến hạm được thay thế hai nòng súng 40 ly mới. Thủy thủ đoàn rất mệt mỏi và tinh thần căng thẳng vì tham dự các trận chiến khốc liệt liên tiếp suốt mấy tuần qua.
Nghỉ bến được 36 tiếng, đúng 1 giờ sáng ngày 21-04-1975 chiến hạm nhận lệnh sẳn sàng nhổ neo lên đường công tác. Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào Tư Lệnh Hải Quân Vùng 3 Duyên Hải từ một chiếc duyên tốc đĩnh cặp vào và được Hạm Trưởng đón tiếp lên tàu, cờ một sao Đô Đốc được kéo lên bay phất phới trên cột cờ. Chiến hạm kéo neo hải hành ra mặt trận Bình Tuy trực tiếp chỉ huy vùng lãnh hải trách nhiệm của ông thay thế cho tướng Hoàng Cơ Minh. Khoảng 8 giờ sáng, chiến hạm tôi đã đến nơi, vẫn đông đủ các chiến hạm bạn quanh vùng. HQ.11 từ từ cặp vào HQ.16 đang có mặt tướng Minh ở đó, tướng Minh vẫn tươi cười giơ tay vẫy chào tướng Đào. Khi chiến hạm vừa cặp xong, tướng Minh cùng với Hạm Trưởng HQ.16 là HQ Trung Tá Lê Văn Thì sang thăm viếng tàu tôi. Hạm Trưởng San đã hướng dẫn nhị vị tướng quân đi quan sát chỗ tàu tôi bị trúng đạn, lỗ đạn bắn thủng thành tàu và xuyên phá qua 5 lớp vách tàu rồi xuyên ra ngoài. Tướng Minh đã ngỏ lời ngợi khen lòng dũng cảm của toàn thể thủy thủ đoàn và hứa sẽ tưởng thưởng xứng đáng. Sau đó, tướng Minh bàn giao vùng trách nhiệm cho tướng Đào để trở về Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới. Vài ngày sau, ông đã giữ đúng lời hứa, gửi công điện ra chiến hạm tôi ban thưởng rất nhiều huy chương và cho 2 nhân viên được thăng cấp đặc cách. Hạm Trưởng đã gửi phiếu trình đề nghị thăng cấp đặc cách cho Cơ Khí Trưởng là HQ Trung Úy Cơ Khí Ngô Việt Hùng và Hạ Sĩ I Vận Chuyển Viễn
Sau khi tướng Đào và bộ tham mưu sang HQ.16, chiến hạm tôi sang cặp chiếc Hải Vận Hạm HQ.400 để nhận lãnh thêm một số đạn đại bác. Tôi đã gặp vài người bạn trên chiến hạm này, ai nấy đều tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau về những tin chiến sự dồn dập vừa qua, cùng thì thầm to nhỏ tính toán chuyện đời mình nếu miền Nam sụp đổ. Các chiến hạm về Vũng Tàu đều dự trữ lương thực, gạo chất đầy kho, cá khô, nước mắm đóng thùng bốc mùi tanh tưởi..
Được những giây phút hiếm hoi hai chiến hạm cận kề bên nhau, hai hạm trưởng rút vào phòng riêng tâm tình bàn thảo, hai thủy thủ đoàn từng nhóm tụ lại với nhau bên ly cà phê nóng chuyện trò, đồng thời cùng xem tivi trên HQ.400 để theo dõi tin tức. Suốt mấy tuần qua, mọi người đều chăm chú nghe ngóng tin tức đột biến trong các giờ phát thanh của đài BBC,VOA...mà đau xót, thở dài lo âu cho tình hình đất nước và thân phận mình. Bây giờ hai vị hạm trưởng này đều di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại miền Nam California vùng Little Saigon (HQ Trung Tá Võ Quang Thủ Hạm Trưởng HQ.400).
Tình cờ, chúng tôi được chứng kiến một quang cảnh lịch sử trên màn ảnh truyền hình đang trực tiếp tường thuật buổi lễ trao quyền Tổng Thống tại Dinh Độc Lập: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Lắng nghe bài diễn văn từ chức của ông Thiệu, chúng tôi đều thở dài ngao ngán. Ông Thiệu đã chửi Mỹ thậm tệ, tố cáo bạn đồng minh phản bội. Kết thúc bài diễn văn, ông Thiệu không quên hứa với đồng bào là tuy ông từ chức Tổng Thống, đồng bào sẽ có thêm một chiến sĩ, quân đội có thêm một trung tướng chiến đấu chống bọn Cộng sản đến cùng!!! Nhưng chỉ 4 ngày sau ông Thiệu đã nuốt lời hứa, cao chạy xa bay rời bỏ quê hương sang Đài Loan tối 25-04-1975 , bỏ lại đất nước và đồng bào bơ vơ sắp rơi vào gông cùm Cộng sản.
Yểm trợ mặt trận Hàm Tân được hai ngày thì tỉnh lỵ này lại bị Cộng quân tràn ngập. Quân ta trước khi di tản xuống tàu đã phá hủy kho đạn, phi trường cùng chiếc vận tải cơ C.130 bất khiển dụng tại đó. Đoàn hạm đội lại xuôi về Nam bảo vệ quận lỵ Xuyên Mộc.Thế là vùng hoạt động của Hải quân từ nay chỉ còn vỏn vẹn vùng đồng bằng đến mũi Cà Mau.
Sáng ngày 24-04-1975, chiến hạm tôi được lệnh thẳng từ Trung Tâm Hành Quân Biển tại Sài Gòn tăng phái cùng 3 tuần dương hạm ra tái chiếm lại quần đảo Trường Sa.Trước đó, lực lượng trú phòng tại đảo này báo cáo về Sài Gòn là các chiến hạm của Hải quân Trung Cộng đã tới chiếm đảo. Nhớ lại ngày 19-01-1974, bốn chiến hạm của HQ/VN đã hải chiến một trận kịch liệt với các chiến hạm Trung Cộng gây nhiều tổn thất thương vong cho cả hai bên, đặc biệt chiến hạm cùng loại với chiến hạm tôi là HQ.10 bị chìm.
Tuân lệnh trên, HQ.11 cùng với ba chiến hạm bạn theo đội hình trực chỉ ra Trường Sa. Thủy thủ đoàn bận rộn chuẩn bị ôn tập lại các nhiệm sở, nào là tác chiến, phòng không, đào thoát... để sẳn sàng trận hải chiến sắp tới. Nhưng vài tiếng đồng hồ sau dó, khi các chiến hạm đã rời xa đất liền thì Sài Gòn gọi máy ra hủy bỏ lệnh hành quân đó và chỉ thị các chiến hạm quay về vùng công tác cũ. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm..
Trở lại vùng biển Xuyên Mộc, tôi thấy các chiến hạm bạn đang bận rộn yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bộ binh trong bờ. Khoảng nửa đêm 24-04-1975 Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào chỉ thị chiến hạm tôi cùng với chiếc tuần duyên đĩnh HQ.712 ra đảo Phú Quý để thiết lập đầu cầu di tản. Được biết đảo Phú Quý nằm ngoài khơi tỉnh Phan Thiết, cách đất liền 80 hải lý (145km), nằm trên hải đạo từ Vũng Tàu đi Phi Luật Tân. Dân cư sinh sống trên đảo rất trù phú nhờ sinh sống bằng nghề đánh cá khá phát đạt.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 25-04-1975, HQ.11 cùng với HQ.712 đang lặng lẽ rẽ sóng hướng ra đảo Phú Quý thì phát hiện một chiến hạm Mỹ đang theo sát chúng tôi. Lúc ấy, mặt trời vừa ló dạng trước mũi chiến hạm, biển thật êm, tôi thấy chiến hạm Mỹ chạy song song với chiến hạm tôi khoảng cách 3 hải lý, bắt đầu dùng quang hiệu hỏi chúng tôi:
- What ship? Chúng tôi trả lời quang hiệu bằng tiếng Anh:
- Chiến hạm của Hải quân Việt Nam HQ.11. Chiến hạm Mỹ tiếp tục đánh đèn hỏi:
- Các anh là Hải quân miền Bắc hay Nam Việt Nam?
- Nam Việt Nam.
- Các bạn đi đâu?
Bị tra hỏi lôi thôi, hạm trưởng và mọi người trên đài chỉ huy đều bực dọc, buột miệng chửi thề. Ai đời trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa mà một chiến hạm đồng minh dám xấc xược tra khảo láo lếu như thế. Hạm trưởng giận tím mặt, chửi thề om sòm, ra lệnh cho giám lộ đánh đèn trả lời:
- Chúng tôi đang thi hành công tác đặc biệt.
Nhận được câu trả lời như thế, chiến hạm Mỹ liền tăng máy tiến nhanh về hướng chiến hạm tôi. Hơn mười phút sau nó đã đến sát tàu tôi với các khẩu đại bác đều chĩa thẳng vào chiến hạm tôi. Chúng tôi nhận ra đây là chiếc Khu Trục Hạm USS.1052. Hạm trưởng vội liên lạc máy về Sài Gòn để can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tránh ngộ nhận. Từng giây phút chậm chạp trôi qua, chiến hạm Hoa Kỳ chạy song song với tàu tôi với thái độ thiếu thân thiện. Hạm trưởng cho giám lộ đánh đèn với tàu Mỹ để nói chuyện bằng máy truyền tin VRC.46. Vài phút sau, hạm trưởng đã đàm thoại với hạm trưởng Mỹ bằng tiếng Anh để giải tỏa tình trạng căng thẳng và sau đó tàu Mỹ đã bỏ đi mất dạng.
Khu Trục Hạm USS KNOX FF.1052
Chiến hạm tôi vẫn tiếp tục hải hành và khoảng 1 giờ trưa thì đến đảo Phú Quý và thả neo cách bờ khoảng nửa hải lý tại phía Nam hòn đảo này. Từ ngoài khơi nhìn vào trong bờ, tôi nhận thấy dân chúng nơi đây có vẻ an cư lạc nghiệp, thái bình với những căn nhà gạch lợp ngói đỏ ẩn nấp bên những hàng dừa xanh sai trái. Chỉ một giờ sau có một ghe nhỏ chở viên Xã Trưởng cùng với ba viên Thiếu Úy Phân Chi Khu Trưởng đại diện chính quyền địa phương ra tiếp đón. Các viên chức này báo cáo cho chúng tôi biếtlà đảo đã mất liên lạc với đất liền từ mười ngày qua và đang sống trong tình trạng lo âu. Trên đảo đang chứa rất đông đồng bào từ đất liền chạy trốn thảm cảnh chiến tranh và đang lánh nạn tại đây. Hạm Trưởng liền báo cáo tin tức sơ khởi về Sài Gòn và đề cử Hạm Phó là HQ Thiếu Tá Trần Đức Huân lên bờ chỉ huy các đơn vị trên đảo. Hạm Phó Huân vừa đi phép về chiến hạm từ ba ngày qua.Nhưng giới chức thẩm quyền tại Sài Gòn không chấp thuận đề nghị này, chỉ thị hạm trưởng phải trực tiếp chỉ huy và gấp rút hoạch định kế hoạch để Sài Gòn đưa người di tản ra đảo. Trong lúc đó, chúng tôi phát hiện một chiến hạm Mỹ đang lảng vảng xa tít ở hướng Nam, có lẽ canh chừng mọi di chuyển của chiến hạm tôi. Chiều đó, hạm trưởng cho phép một nửa quân số cùng với hạm trưởng lên bờ chơi và thám sát tình hình. Còn hạm phó và một số anh em ở lại trực tàu. Thế là sau mấy tuần lễ gian khổ, hiểm nguy vì liên tục tham dự các trận chiến khốc liệt, chứng kiến cảnh di tản bi thảm của quân dân miền Nam, ai nấy đều mệt mỏi, lo âu. Chiều nay mới được thảnh thơi lên bờ dạo phố, mặc dầu chỉ là một hải đảo xa xôi để tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn vừa qua.Kiếp sống người thủy thủ cũng lắm vất vả, truân chuyên như thế đó. Ngày đêm theo chiến hạm lênh đênh trên biển cả đã bị vùi dập bởi những cơn biển động phũ phàng, thủy thủ đoàn mệt ngất ngư vì “say sóng”. Khi lên bờ dạo phố, đôi chân bước trên mặt đất mà vẫn thấy đất trời đang quay cuồng như cảnh con tàu đang lắc lư làm cho anh em lảo đảo vì “say đất”. Để rồi có vài anh em vừa hết cơn say đất, lại để hồn mình chơi vơi vì sóng mắt của giai nhân khiến cho mình lại lạc vào cơn say êm đềm thú vị nhất đó là “say tình”. Có thể nói cuộc đời lênh đênh phiêu bạt của người lính biển trong những ngày tháng gắn liền với trùng dương làm cho anh em có ba cái thèm mãnh liệt: thứ nhất thèm rau, thứ nhì thèm rượu, thứ ba là thèm ... đàn bà! Khi lên bờ, chúng tôi được các bạn Địa phương quân hướng dẫn di dạo một vòng quanh hòn đảo này. Sau đó, từng toán nhỏ tấp vào các quán nước ở chợ để được ngắm nhìn các cô chủ quán xinh xinh và thưởng thức các món ăn hải sản nơi đây như tôm hùm, cua rang muối, cá hấp, mực... cùng với các ly rượu đế pha với nước dừa ngọt lịm. Mọi người sau những ngày gian khổ, tạm gác nỗi lo âu trong lòng để hưởng một buổi chiều tuyệt đẹp và cảm thấy đời mình còn đáng sống. Đến tối chúng tôi trở về chiến hạm và nhổ neo đi tuần duyên quanh đảo.Sáng hôm sau về neo lại bến cũ, phân đội khác được lên đảo chơi, tình hình an ninh trên đảo vẫn khả quan. Trưa hôm đó, tuần duyên hạm HQ.608 từ Vũng Tàu ra chuyển giao tiền lương tháng 4/1975 cho chiến hạm tôi theo chỉ thị của tướng Vũ Đình Đào, vốn dành sẵn thiện cảm ưu ái rất nhiều cho hạm trưởng tôi. Trong ngày hôm đó, tàu tôi đã trao đổi với các viên chức địa phương vài thùng dầu để lấy một con heo. Buổi chiều hôm đó, thủy thủ đoàn đã được nhà bếp thết đãi một bữa tiệc nho nhỏ với món heo quay thật ngon lành. Trong khi ở đất liền tin tức chiến sự mỗi ngày càng bi đát hơn thì chúng tôi được hưởng mấy ngày công tác nhàn hạ hiếm hoi này. Nhưng đến 4 giờ sáng hôm sau 27-04-1975, chiến hạm tôi cùng với HQ.712 đang tuần tiễu quanh đảo, bỗng mất liên lạc truyền tin đầu giờ với các đơn vị bộ binh trong bờ. Sĩ quan đương phiên vội báo cáo sự việc cho hạm trưởng biết. Khoảng 5 giờ 30 sáng, HQ.712 đang cách tàu tôi 7 hải lý, báo cáo có một chiến hạm Bắc Việt đang xâm nhập đổ quân lên đảo. HQ.712 tiến đến gần để nhận diện rõ hơn, bất ngờ bị chúng tác xạ bằng súng thượng liên. HQ.712 bị trúng 4 viên đạn thượng liên nhưng may mắn vô sự, liền phản công tác xạ lại. Nhận thấy biến cố quan trọng, hạm trưởng cho nhận còi nhiệm sở tác chiến. Lúc đó, tôi đang nằm ngủ say sưa dưới phòng vì vừa mãn phiên trực, nghe tiếng còi tác chiến dồn dập vang lên. Tuy ngỡ ngàng, nhưng với phản ứng quen thuộc của người lính chiến, tôi vội nhảy xuống giường, chụp cái áo vội mặc vào người, xỏ chân vào đôi dép và vừa chạy vừa cài khuy áo tiến về đài chỉ huy. Chỉ trong khoảnh khắc thủy thủ đoàn đều có mặt tại nhiệm sở, các khẩu đại bác đang nạp đạn và lên đạn lách cách, báo cáo cho đài chỉ huy biết: tất cả sẳn sàng. Khi ấy trời vừa tờ mờ sáng, chiến hạm đang tăng máy tiến về tàu địch để dễ dàng tác xạ. Nhưng màn ảnh radar báo cho biết khoảng cách còn xa 11.000 yards (10 km). Tàu địch biết gặp nguy nên tăng tốc độ chạy trốn. Chiến hạm tôi vì chỉ chạy được hai máy tiến hai nên sợ hụt con mồi, ra lệnh cho chiếc HQ.712 chạy tránh xa và khẩu 76,2 trước mũi bắt đầu khai hỏa. Từng phát đạn nổ vang trong buổi bình minh, rung chuyển cả thân tàu, chúng tôi hồi hộp theo dõi quả đạn đi bằng ống nhòm để chờ kết quả. Nhưng trái đạn không đến mục tiêu, rớt phía sau tàu địch gây ra những cột nước trắng xóa.Dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng kết quả không như ý muốn. Cuối cùng tàu địch mỗi lúc một xa dần và khuất dạng về hướng Đông Bắc. Vừa lúc đó, bất ngờ trên bầu trời xuất hiện 3 chiếc khu trục cơ cánh quạt AD.6 của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ gầm thét lượn vòng trên đầu chúng tôi. Chiến hạm liền đổi sang nhiệm sở phòng không. Trên boong tàu, các khẩu đại bác, đại liên đều chĩa nòng lên trời, đề phòng bạn đồng minh phản bội. Tình trạng căng thẳng suốt nửa tiếng đồng hồ, mãi đến khi tàu địch chạy khuất hẳn, ba chiếc phi cơ kia mới bay đi mất hút. Chiến hạm tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với các đơn vị bộ binh trên đảo nhưng bặt vô âm tín. Tàu tôi và HQ.712 thả trôi cách bờ 1 hải lý, trước mặt trụ sở Ủy Ban Hành Chánh Xã để chờ phối kiểm tin tức. Khoảng 9 giờ sáng Cộng quân xử dụng bích kích pháo 81 ly đặt trước sân trụ sở xã, pháo ra chiến hạm tôi.Nhưng tầm pháo không đến tàu, nổ cách tàu khoảng 500m. Chiến hạm vờ chạy trốn ra khơi, bất thần quay lại và khẩu 76,2 trước mũi thanh toán mục tiêu thật gọn. Khẩu pháo 81 ly bị trúng đạn nổ tung, trụ sở xã bị sập, vài tên Cộng sản sống sót lom khom chạy trốn sang nhà dân gần đó. Khoảng 10 giờ sáng, một ghe nhỏ chở một người lính duy nhất chạy thoát ra biển, tắp gần đến chiến hạm và xin phép cho cặp. Khi chiến hạm cho phép cặp vào, đó là một hạ sĩ quan truyèn tin của đảo này trên vai có đeo một máy truyền tin PRC.25. Anh ta báo cáo cho chúng tôi biết các toán Cộng quân xâm nhập đảo cùng với các toán Cộng sản nằm vùng nổi dậy chiếm đảo từ lúc 4 giờ sáng. Chúng đã bắt giữ tất cả sĩ quan Phân Chi Khu Trưởng. Riêng viên xã trưởng may mắn thoát nạn vì đã quá giang HQ.608 về Vũng Tàu nhận chỉ thị từ đêm hôm qua. Hạm Trưởng báo cáo về Sài Gòn cho biết tình hình đột biến và xin quân tiếp viện ra đổ bộ tái chiếm hòn đảo này. Trong lúc chờ lệnh, chúng tôi phát giác xuất hiện rất nhiều ghe nhỏ từ bờ chạy ra đầy trên mặt biển, vây kín hai chiến hạm vào giữa. Quan sát kỹ bằng ống nhòm, chúng tôi nhận thấy thuyền nào cũng có hai người đàn ông vóc dáng lực lưỡng, không có vẻ gì là đồng bào di tản cả. Hạm Phó thúc hối Hạm Trưởng cho lệnh tác xạ. Hạm Trưởng ban lệnh đồng tác xạ, các khẩu súng nổ vang. Chiến hạm tôi và HQ.712 vừa chạy, vừa bắn khiến chúng lớp bị chìm, lớp khác chạy trối chết vào bờ.
Đến 2 giờ chiều 27-04-1975, Sài Gòn chỉ thị hai chiến hạm rời bỏ đảo Phú Quý và trở về Vũng Tàu ngay vì ở đó đang bị Việt Cộng bao vây và pháo kích dồn dập. Thế là chiến hạm đành trực chỉ về hướng Tây, bỏ lại sau lưng một hòn đảo vừa lọt vào tay giặc, cấp tốc trở về Vũng Tàu với trận chiến nhiều tàn khốc đang chờ đón chúng tôi. Trên đường đi, HQ.11 vẫn bị một chiến hạm Mỹ chạy song song ngoài xa bám sát chúng tôi. Đến 3 giờ sáng 28-04-1975, tàu tôi đã nhìn thấy ánh đèn chớp tắt của ngọn hải đăng Vũng Tàu thì trên mặt biển đầy những thương thuyền to lớn của Mỹ đang neo, cùng nhiều chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội đầy trên mặt biển, ánh đèn chiếu sáng rực như một thành phố trên biển. Khi còn cách xa Vũng Tàu, HQ.11 đã nhận lệnh yểm trợ hải pháo của Trung Tâm Hành Quân Vùng 3 Duyên Hải vì Cộng quân đã tiến chiếm tới cửa ngõ Vũng Tàu. Chúng tôi nhận lệnh mà chưa thể thi hành vì còn ở mãi ngoài khơi. Khoảng 7 giờ sang, tàu tôi đã đến gần Vũng Tàu, thấp thoáng sau lớp sương mờ, tôi thấy có nhiều tuần dương hạm, hộ tống hạm đang hải pháo vào phía Bắc thị xã Vũng Tàu giống như thị xã Qui Nhơn 4 tuần về trước. Trên mặt biển có HQ.802, HQ.505. HQ.12, HQ.07, HQ.400, HQ.5... đang bận rộn liên tục với các tàu nhỏ, ghe thuyền đưa người di tản chạy ra. Trên bầu trời, các trực thăng đang nhộn nhịp bay lượn đưa từng đợt người di tản ra các chiến hạm Hoa Kỳ. Đúng 9 giờ sáng, chiến hạm tôi từ từ vào cảng và thả neo tại đây. Được lệnh về thẳng Sài Gòn nhưng ai cũng ái ngại vì thấy Vũng Tàu sắp lọt vào tay Cộng quân, về Sài Gòn có khác chi chui đầu vô rọ. Hạm trưởng đã lộ nét tuyệt vọng than thở với nhân viên: “Việt Cộng mà bắt được tao thì chắc chắn đầu một nơi, gan ruột một nơi mất”, tìm cách nấn ná để theo dõi tình thế và chờ thủy triều lên. HQ.712 được trao trả V3ZH và chở người di tản. Vũng Tàu bị pháo liên tục không dứt, tướng Vũ Đình Đào ban lệnh di tản và các chiến hạm được phép “vận chuyển tự do”. Thị xã Vũng Tàu lúc ấy cực kỳ hỗn loạn, tràn ngập các quân dân từ miền Trung di tản vào, cùng với nhiều người từ Sài Gòn chạy ra để tìm đường lánh nạn Cộng sản. Trong lúc rối loạn này, bất ngờ có một chiếc LCM.6 cặp vào chiến hạm, chở theo một số nhân viên đi dự tang lễ Thượng sĩ Bàng trở về tàu. Các nhân viên này cho biết, quốc lộ 15 từ Sài Gòn ra Vũng Tàu đã bị gián đoạn, Sài Gòn đã bị pháo kích và miền Tây cũng bị cắt đứt tại Bến Lức, Long An. Trưa hôm đó, Vũng Tàu bị pháo kích dồn dập, gây ra nhiều đám cháy và thiệt hại nặng nề. Thị xã như đang lên cơn sốt tột độ với từng đợt trực thăng, chiến đĩnh, thuyền bè hối hả đưa người di tản ra biển. Mọi người nặng trĩu ưu tư, lo lắng cho gia đình bị kẹt lại nên đề nghị với hạm trưởng cứ đưa tàu về Sài Gòn. Chiến hạm nhổ neo và tiến vào sông Lòng Tào, bên hữu hạm là Vũng Tàu ngập chìm trong vùng lửa đạn. Chiến hạm trong nhiệm sở tác chiến , xuôi theo con nước lớn chạy vào trong sông, ngược chiều với các tàu chiến, thuyền ghe đang vội vã hướng ra biển đào thoát.
Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, chiến hạm về tới Nhà Bè, có chiếc Dương Vận Hạm HQ.800 đang thả neo. Hạm phó cho nhân viên dùng cơm chiều sớm hơn thường lệ để luân phiên ứng trực nhiệm sở tác chiến.Khoảng 5 giờ chiều, tôi lên đài chỉ huy để thay thế người khác đi ăn cơm thì trời bất ngờ đổ xuống một cơn mưa đầu mùa thật lớn. Trên boong tàu, nhiều nhân viên vẫn đội mưa ngồi trong các ổ súng, ướt loi ngoi. Bấy giờ đài phát thanh Sài Gòn đang trực tiếp truyền thanh buổi lễ trao quyền Tổng Thống giữa cụ Trần Văn Hương cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Tôi nhớ lời xướng ngôn viên đã ví von quang cảnh buổi lễ trao quyền này:” Đại Tướng Dương Văn Minh đã can đảm đứng lên nhận lãnh trọng trách lịch sử này trong giờ phút đen tối của đất nước, giống như bầu trời thủ đô đang bị các đám mây đen phủ kín báo hiệu một trận mưa to sắp đến...” Chẳng biết sau cơn mưa trời lại sáng hay không? Chỉ nghe thấytrong buổi lễ đó chỉ còn lèo tèo mấy giới chức cao cấp Việt Nam như Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, Trung Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng Trần Văn Minh Tư Lệnh Không Quân, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh Hải Quân. Còn các vị khác quan trọng hơn đã cao chạy xa bay tự bao giờ, không nghe nhắc đến. Rồi với giọng nói đều đều của Dương Văn Minh cất lên đọc bài diễn văn nhậm chức nghe thật buồn nản. Trong chỉ thị cho quân sĩ QLVNCH, tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của ông ta:”Tôi có đôi lời đến với các anh em trong QLVNCH. Tất cả phải ở nguyên vị trí chiến đấu. Không bỏ ngũ, không buông súng, mọi hành vi vô kỷ luật sẽ bị nghiêm trị”. Chiến hạm vẫn lầm lũi đi trong mưa tiến vào Sài Gòn, chúng tôi vừa lái tàu vừa lắng nghe radio. Khi trời vừa tạnh mưa thì buổi lễ vừa chấm dứt. Tàu giảm tốc độ để vào bến, con tàu xuôi theo con nước lớn nên vẫn lướt nhanh qua bến cảng Khánh Hội. Các khẩu súng vẫn đề phòng bất trắc, nòng hướng vào bờ.Khi tàu chạy ngang khách sạn Majestic, chúng tôi nhìn thấy sân thượng sập một góc vì trúng đạn pháo kích mấy ngày trước. Hạm trưởng cho giải tán nhiệm sở tác chiến chuyển sang nhiệm sở vận chuyển và dàn chào khi tiến vào bến Bạch Đằng. Chiến hạm vẫn giữ đúng nghi lễ, thổi còi chào Bộ Tư Lệnh Hải Quân cùng các chiến hạm bạn đang cặp bến. HQ.11 vẫn chưa được chỉ định vị trí cặp cầu dù đã gọi máy nhắc nhở nhiều lần cũng không xong, đành thả neo giữa sông Sài Gòn trước mặt Ty Quân cảng đúng vào lúc 6 giờ chiều 28-04-1975.
Vừa lúc đó, chúng tôi nghe tiếng bom đạn nổ rền từ hướng Tân sơn Nhất. Ai nấy đều ngơ ngác, máy truyền tin nhốn nháo cả lên. Bất ngờ, ba chiếc A.37 xuất hiện gầm thét trên bầu trời thủ đô, mọi người ngỡ rằng phe tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh nên chưa có phản ứng. Mãi 3 phút sau, các chiến hạm mới nhận được lệnh khẩn cấp:”F.5 không được bắn, A.37 tác xạ tự do”. Bấy giờ chúng tôi mới biết 3 chiếc A.37 là địch và chúng đang bay vòng trở lại, có ý nhào xuống chúng tôi.Các khẩu đại bác trên tất cả chiến hạm đều đồng loạt nổ dòn, bắn tới tấp vào các phi cơ đó, đạn nổ đan kín bầu trời. Chiến hạm tôi nhờ lợi thế đang neo giữa sông nên các khẩu súng đều tác xạ được cả, đạn nổ điếc tai. Đứng trên đài chỉ huy quan sát cảnh bắn máy bay, tiện tay tôi cũng chụp khẩu đại liên 30 bên tả hạm chĩa nòng lên trời và bóp còi say sưa.
Vì hỏa lực hùng hậu của Hải Quân cùng với các khẩu phòng không trên dinh Độc Lập nên 3 chiếc phi cơ địch không dám nhào xuống thả bom và bay khuất dạng về hướng Đông Bắc. Trong khi đạn nổ rền trời, một số đồng bào đang cưỡi Honda bên Thủ Thiêm dọc bờ sông, hoảng hốt bỏ xe nằm mọp xuống lề đường tránh đạn, bánh xe vẫn còn quay tít. Cũng trong lúc ấy, một chiếc vận tải cơ C.130 vừa cất cánh lên, vô tình lạc vào lưới đạn phòng không. Phi cơ bị trúng đạn, lảo đảo chơi vơi trên bầu trời nhưng rất may không rớt, cuối cùng đành hạ cánh khẩn cấp không di tản được. Sau khi 3 chiếc A.37 tẩu thoát, hai phi tuần F.5 gồm 4 chiếc bay lên săn đuổi. Hạm Đội ra lệnh tất cả các chiến hạm ngưng tác xạ và cho phép chiến hạm tôi vào cặp cầu L trước mặt Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Cầu tàu này đang có 4 chiếc Dương Vận Hạm đang cặp. Đó là HQ.502 vị trí 1 nằm ở trong cùng, kế đến HQ.501, rồi đến HQ.503 (bị pháo ngoài Cà Ná) và HQ.504. Chiến hạm tôi cặp phía ngoài cùng cạnh HQ.504, vị trí 5. Sau hơn một tháng công tác ngoài biển khơi, chiến hạm tôi nay trở về bến cũ với bầu không khí chiến tranh đang bao trùm thủ đô, dân chúng thủ đô đang sống trong cảnh hãi hùng như màn đêm đen tối đang phủ trùm xuống Sài Gòn vì bị cúp điện mãi đến hơn 9 giờ tối. Chỉ duy nhất doanh trại Hải Quân tại bến Bạch Đằng nhờ có máy đèn riêng nên có đèn điện sáng choang. Các đơn vị Hải Quân tại thủ đô đang trong tình trạng cấm quân 100%, canh phòng thật nghiêm ngặt, trong khi đó một số sĩ quan cao cấp đã và đang tìm đường đào tẩu. Sáng ngày 29-04-1975, đài phát thanh loan di lời kêu gọi của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu Mỹ rút tất cả nhân viên về nước trong vòng 24 giờ. Trung Tướng Vĩnh Lộc được cử làm Tân Tổng Tham Mưu Trưởng từ tối qua, ban nhật lệnh yêu cầu quân sĩ giữ vững tay súng, chiến đấu đến cùng. Bầu trời thủ đô xuất hiện từng đoàn trực thăng bay vào để bốc người di tản ra biển. Trong khi đó, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ở Biên Hòa đã thất thủ, từng đoàn quân xa đang nườm nượp chạy về Sài Gòn, đen kín cả cây cầu xa lộ Bình Lợi.Về hướng Tây Bắc, nghe tin Cộng quân đã tràn ngập SĐ.25BB , đang tiến vào cửa ngõ Sài gòn và giao tranh ác liệt đã xẩy ra từ Bà Quẹo về đến Ngã Tư Bảy Hiền. Một chiếc phi cơ C.119 bay lên tham chiến, chúng tôi nhìn thấy bị bắn rơi và phi công tử trận. Riêng các chiến hạm tại bến Bạch Đằng đều đặt trong tình trạng sẳn sàng chờ lệnh mới. Tinh thần binh sĩ rất hoang mang và lo âu. Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang vừa cách chức HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn Tư Lệnh Hạm Đội vì tiết lộ tin di tản quá sớm, thay thế bởi HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê. Các chiến hạm khiển dụng nhận lệnh sẳn sàng rời bến bất cứ lúc nào. Trên cầu tàu Hạm Đội, chúng tôi thấy HQ Trung Tá Nguyễn Văn Tánh Hạm Trưởng HQ.502 đang cùng với một số nhân viên đi trên chiếc xe Dodge chở các vật dụng hải hành xuống tàu, vì HQ.502 đang đại kỳ sửa chữa chưa xong.
Dương Vận Hạm Thị Nại HQ.502
Khoảng 2 giờ chiều, thủ đô đã lên cơn sốt di tản. Cộng quân đang pháo kích vào phi trường Tân sơn Nhất, giao tranh dữ dội giữa các đơn vị Biệt Cách Dù và Nhảy Dù với lực lượng Cộng quân tại vòng đai phi trường. Các hạm trưởng được lệnh lên họp khẩn. Ngoài cổng Hải Quân Công Xưởng, từng đoàn người đủ mọi thành phần quân cán chính và thân nhân đang ùn ùn kéo đến, cổng được mở ra cho họ tràn vào đổ xô về các cầu tàu có các chiến hạm đang cặp bến. Riêng cầu tàu đi sang Ty Quân Cảng và cư xá Cửu Long vẫn khóa chặt gây nên cảnh hỗn loạn tắc nghẽn vì quá đông người không qua cầu được.
Khoảng 4 giờ chiều, hạm trưởng đi họp về với nét mặt đầy căng thẳng, sau đó lên một xe Jeep cùng với vài nhân viên về đón gia đình. Thủy thủ đoàn đa số vẫn hiện diện trên tàu, lo âu nhưng bất lực vì không thể đón thân nhân xuống tàu trong lúc hỗn loạn được. Trong khi ấy tại cầu L, quân nhân và đồng bào đang tràn lên HQ.502. Lúc đó nước thủy triều dâng cao, hạm kiều bắc từ boong tàu dẫn xuống cầu thật dốc, đàn bà và trẻ em phải khó khăn lắm mới bước lên chiến hạm. Tiếng người chen lấn xô đẩy nhau, tiếng gọi ơi ới hoảng hốt vang lên khi chen lấn trèo lên tàu trong buổi hoàng hôn trốn chạy Cộng sản trông thật buồn thê thiết.
Khi màn đêm xuống, cầu tàu và 5 chiến hạm chìm ngập trong bóng tối hãi hùng vì tàu đã tháo dây điện bờ. HQ.502 đã đầy ắp người và vẫn còn nhiều người tiếp tục trèo lên. Riêng HQ.501 vì máy tàu đã bất khiển dụng và hạm trưởng là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ đã vắng mặt từ hơn một tuần lễ trước nên không nhận người di tản. Hạm Trưởng Kỷ sau đó đã đi tù cải tạo nhiều năm, cuối cùng được sang định cư tại San Jose.
Còn HQ.503 không thể ra đi, vả lại chiến hạm đã bị hư hại nặng vì bị pháo tại Phan Rang trước đây. Đặc biệt HQ.504 máy móc còn rất tốt hạm trưởng và cơ khí trưởng nhất quyết không chịu ra đi, gây phẫn nộ cho thủy thủ đoàn. Cuối cùng ai muốn ra đi phải quá giang các chiến ham khác. Hạm Trưởng HQ.504 Hải Quân Trung Tá Nguyễn Như Phú (khóa 16 Võ Bị) sau nhiều năm bị tù cải tạo, hiện nay đang sinh sống tại California.
Chiến hạm tôi nhờ nằm phiá ngoài cùng, lại nhờ HQ.504 cản bước nên những người di tản không thể tràn qua tàu tôi được. Riêng có HQ Thiếu Úy Vũ Tiến Hưng (Khóa 25 SQHQ/Nha trang) may mắn tìm gặp thân nhân trong đám người di tản nên hướng dẫn đem xuống tàu tôi. Một số nhân viên và vài sĩ quan khác đã rời tàu tìm cách về nhà để lo liệu gia đình như Hạm Phó Trần Đức Huân, HQ Đại úy Vũ Đức Thiệu, HQ Trung Úy Huỳnh Thiện Khiêm... (Những sĩ quan này đều không thể đưa gia đình xuốmg tàu kịp trong cơn hỗn loạn nên bị kẹt lại). Hầu hết anh em còn lại trên chiến hạm đều kẹt gia đình nên mặt ai nấy nặng trĩu buồn lo. Hạm trưởng đến giờ này vẫn chưa về tàu được, trong khi hạm đội gọi máy thúc hối chiến hạm phải rời bến ngay kẻo trễ.
Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ.504
Khoảng 9 giờ rưỡi tối, hạm trưởng về đến chiến hạm bằng một tiểu đĩnh
LCVP mượn bên Ty Quân Cảng cùng với gia quyến vì cổng gác cư xá Cửu Long
vẫn khóa chặt. Sau đó, hạm trưởng cho lệnh tập họp thủy thủ đoàn cho
biết chiến hạm phải rời bến ngay trong đêm, anh em được chọn lựa ngay
bây giờ: ĐI hay Ở LẠI?
Cuối cùng thủy thủ đoàn có khoảng 80 người thì một nửa theo hạm trưởng ra đi trốn chạy Cộng sản, bỏ lại gia đình, họ hàng thân thuộc để một thân một mình sống kiếp tha hương lưu lạc nơi xứ người. Trong số chiến hữu này, có HQ Trung Úy Phạm Công Nhạc vì vừa mới cưới vợ nhà ở Cái Sắn, nên ngập ngừng mãi không biết tính sao, cuối cùng đành phải theo tàu ra đi.Sang đến đảo Guam, sống cuộc đời tha hương buồn thảm gần 6 tháng, anh đã quyết định theo con tàu Việt Nam Thương Tín trở về quê hương, để rồi bị Cộng sản cho đi cải tạo, đọa đầy trong tủi nhục.
Còn một nửa anh em khác chấp nhận sống chết với quê hương, tuy biết rằng sống chung với Cộng sản sẽ gặp nhiều khốn khổ nhưng mấy ai hiểu nhiều về con người Cộng sản ra sao?! Để rồi sau đó ngỡ ngàng khi bị Cộng sản cho đi cải tạo nơi rừng sâu núi thẳm. Trong số này có hạm phó của tôi, bị đưa đi tận miền Bắc xa xôi, để lại người vợ hiền phải tảo tần xuôi ngược nuôi nấng hai đứa con thơ và dành dụm thăm nuôi chồng trong lao tù CS. Sau này anh đã vượt biên cùng với gia đình định cư tại Úc năm 1984. Nhưng chỉ ba năm sau anh chẳng may mắc bệnh nan y và qua đời tháng 7/1987.
Sau khi quyết định xong, anh em nào ở lại xuống chiếc giang đĩnh LCVP để chạy vào bờ, sĩ quan duy nhất chỉ có HQ Trung Úy Nguyễn Đắc Minh vì còn mẹ già và vị hôn thê nên không nỡ theo tàu di tản được. Thủy thủ đoàn trong cảnh kẻ ở người đi đều ngậm ngùi bịn rịn, vẫy tay chào tiễn biệt nhau, không biết bao giờ mới gặp lại. HQ.11 tách bến ra đi vào khoảng 11 giờ rưỡi đêm 29-04-1975. Có lẽ trong đời tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh con tàu thân yêu đang từ từ tách bến, giã biệt Sài Gòn để ra đi trốn chạy làn sóng đỏ, để tôi đứng lặng nhìn theo đâu có ngờ đời mình sẽ nhiều khốn khổ khi lọt vào tay bọn Cộng sản bạo tàn.
Tôi lái chiếc LCVP rời chiến hạm, chúng tôi dự định lái sang bên kia bờ Thủ Thiêm để đưa các anh em lên bờ trở về với gia đình. Nhưng khi sắp cặp cầu, một số đông người trên bờ ùn ùn chạy xuống cầu, chúng tôi hoảng hốt lùi tàu lại chạy ra giữa sông và sau cùng đành cặp vào chiếc Tạm Trú Hạm ở cầu C cạnh trại Bạch Đằng 2 nghỉ đêm ở đó chờ sáng mai về nhà. Trên chiếc tàu này, tôi đã gặp nhiều chiến hữu của các đơn vị khác cùng ở lại, chúng tôi cùng thức thâu đêm tâm sự và lo lắng khi nghe tiếng đạn pháo kích nổ rền cùng chứng kiến vài chiến hạm rời bến muộn màng mà lòng buồn vời vợi.
Khoảng 9 giờ sáng 30-04-1975, bến Bạch Đằng chỉ còn một ít chiến hạm ở lại, doanh trại Hải Quân trống trơn bỏ ngõ, lác đác vài người. Chúng tôi thay quân phục, mặc vào người bộ đồ dân sự đi ra cổng. Mặc trên người quần tây, áo sơ mi trắng tôi bước ra cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân với dáng dấp thư sinh như thưở nào còn đi học. Nhớ lại 6 năm về trước, tôi tình nguyện gia nhập Hải Quân với lòng đầy mơ ước khi đọc hai bảng hiệu treo trước phòng tuyển mộ như mời gọi chúng tôi: “Gia nhập Hải Quân là thực hiện mộng hải hồ”, “Chúng tôi đang chờ đón các bạn trong những chuyến viễn du”. Còn hôm nay, cũng bộ đồ thư sinh ấy, tôi đã giã biệt chiến hạm, giã biệt cuộc đời lính biển để trở về mái ấm gia đình. Tôi có ngờ đâu tôi khờ khạo quá, tôi đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm, đâu biết tương lai đen tối đón chờ sẽ ập xuống đầu tôi:
Ôi biển cả giờ đây ta mới biết
Mộng hải hồ giết chết một đời trai.
Đến 10.25 sáng 30-04-1975, sau khi Dương Văn Minh ra lệnh quân đội buông súng, giao nộp miền Nam cho Cộng sản từ đây. Tôi lặng lẽ đi bộ về nhà ở Ngã Tư Bảy Hiền. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đổi đời dâu bể mà thấy lòng mình đau như cắt.Chân tôi bước trên con đường Lê Văn Duyệt ngổn ngang quân phục, giầy vớ, súng đạn mà các chiến hữu tôi vừa cởi bỏ, chỉ mặc trên người quần đùi, áo thung thảm não bước đi như chạy trốn. Tôi đã nhìn thấy từng toán Cộng quân với gương mặt ngơ ngáo đang tiến vào thủ đô; được dẫn đầu bởi các sư sãi mặc cà sa cầm biểu ngữ, miệng hò hét, lúc hoan hô “cách mạng thành công” xem giống như những tên thầy pháp đang múa may, quay cuồng giữa lũ âm binh, thật tởm! Tôi đã nhìn thấy nhiều đồng bào đón gió đeo băng xanh đỏ; thấy những tên nằm vùng mang súng hớn hở đón chào lũ Cộng.Tôi đã nhìn thấy nhiều chiến hữu Nhảy Dù hy sinh trong trận đánh cản bước địch quân tiến chiếm thủ đô tại khu hồ tắm Cộng Hòa và cư xá Tự Do, xác được bó gọn trong tấm poncho, bên cạnh có bà mẹ già ngồi lặng lẽ khóc con. Và còn nhiều, nhiều nữa... Tôi cúi mặt, tủi nhục bước đi, tôi chợt nhìn thấy một bảng hiệu tuyên truyền có 4 câu thơ lục bát của chính quyền quốc gia treo trên cột đèn đã bị vứt bỏ, đến nay tôi còn nhớ mãi:
Có đâu rắn đẻ ra rồng?
“Mặt Trận Giải Phóng” cũng dòng Cộng nô
Cũng loài bè lũ tam vô
Cũng phường bán nước, cũng đồ Việt gian.
VŨ NGỌC VĂN
TVQ chuyển
LỜI NÓI ĐẦU:
Bài hồi ký này đã được đăng trên Đặc san Gươm Thiêng phát hành ngày 19-06-1985. Gần đây có vài hồi ký liên quan đến trận chiến tại eo biển Cà Ná Phan Rang mà HQ.11 đã tham dự. Vì thế, tác giả cố gắng viết lại bài hồi ký năm cũ bằng những điều mắt thấy tai nghe, cập nhật những dữ kiện mới cùng loại bỏ các chi tiết sai sót trước đây để ghi nhớ công lao của thuỷ thủ đoàn HQ.11. Nhớ một kỷ niệm vui trênđài chỉ huy một buổi tối năm xưa khi chiến hạm tham dự các cuộc di tản dồn dập trong tháng 4/1975, Hạm Trưởng thấy thuộc cấp qúa mệt mỏi trong nhiệm sở tác chiến liên tục, mới hỏi đùa một nhân viên giám lộ người miền Nam: “Phấn, mày có biết Hà Nội chưa?”. Hạ Sĩ giám lộ Phấn trả lời: “Dạ, chưa” thì Hạm Trưởng tiếp: “Đời mày chưa biết Hà Nội, đến đời con mày sẽ không biết Huế, Đà Nẵng rồi đến đời cháu mày sẽ không biết Sài Gòn”. Cả đài chỉhuy cười vui mà thấm thía, tôi lúc đó mới buột miệng nói: “ Con cháu của Phấn không biết Huế, Sài Gòn nhưng chúng nó biết Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi thưa hạm trưởng”. Không ngờ câu nói đùa vui hôm đó đã là điềm báo trước cho cuộc đời tha hương lưu lạc nơi xứ người của phần lớn thủy thủ đoàn HQ.11. Bây giờ, Hạm Trưởng Hải QuânThiếu Tá Phạm Đình San đang lưu lạc bên miền Nam California; Hạm Phó HQ. Thiếu Tá Trần Đức Huân trôi giạt sangđ ất Úc và đã ra người thiên cổ năm 1987; Sĩ quan đệ tam Hải quân Đại Úy Vũ Đức Thiệu cư ngụ tại Santa Ana từ năm 1991; Cơ Khí Trưởng HQ Trung Úy Cơ Khí Ngô Việt Hùng định cư tận vùng đất giá băng lạnh lẽo thành phố hải cảng Halifax, tiểu bang Nova Scocia, Canada; trưởng phiên chi đội 1 hải hành HQ. Trung Úy Nguyễn Lộc Thọ đang định cư tại Montreal, Canada; trưởng phiên chi đội 2 HQ Trung Úy Huỳnh Thiện Khiêm đang ở Melbourne cùng vợ con và đàn cháu ngoại; trưởng phiên chi đội 3 HQ Trung Úy Nguyễn Đắc Minh (Khóa 25 Võ Bị) sang Mỹ muộn màng theo diện HO cơ cực vất vả ở San Jose. Dù đã hơn 38 năm qua từ khi tàn cuộc chiến, nhưng mỗi khi tháng Tư về lòng tôi vẫn ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa của một thời chinh chiến còn in đậm trong ký ức:
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng Tư.
(thơ Cao Tần)
Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ.11
Chiều ngày 31-03-1975 Hộ Tống Hạm HQ.11 được lệnh khẩn cấp từ Cam Ranh hải hành ra Qui Nhơn để bảo vệ thành phố này đang bị áp lực Cộng quân uy hiếp nặng nề. Trước đó chiến hạm đã di tản Duyên Đoàn 21 tại Đề Gi về căn cứ Cam Ranh. Qui Nhơn là thành phố phía Bắc của Quân Khu 2 thuộc khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn 22 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm chỉ huy, bây giờ đang là ải địa đầu chống trả các đợt tấn công ồ ạt của các Sư Đoàn CS vì Quân Khu 1 ở Đà Nẵng đã di tản từ hai ngày qua. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều ngày 31-03-1975, HQ.11 cón cách Qui Nhơn 50 hải lý, tôi lên đài chỉ huy nhận phiên trực hải hành từ 6 giờ đến 8 giờ tối. Vừa bước lên đài chỉ huy, tôi nhận thấy một bầu không khí căng thẳng vì đông đảo các sĩ quan hiện diện. Hạm Trưởng là Hải Quân Thiếu Tá Phạm Đình San (Khóa 10 SQHQ/Nha Trang) bận rộn liên lạc trên máy truyền tin với các giới chức thẩm quyền tại Qui Nhơn, được biết tình hình tại đó đang nguy ngập cần gấp các chiến hạm đến yểm trợ hải pháo. Cùng lúc đó, chiến hạm tôi thấy lố nhố nhiều chiến hạm bạn đang trên đường từ Đà Nẵng di tản về, bắt đầu bằng những chấm đen nhỏ xa tít tắp từ cuối đưòng chân trời. Đó là các chiến hạm chuyển vận thuộc hạm đội Hải Quân Việt Nam đang di tản các đại đơn vị của Quân Đoàn 1 như các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 3 Bộ Binh,...từ Đà Nẵng về Cam Ranh hoặc Vũng Tàu. Mọi người hiện diện trên đài chỉ huy đều ngỡ ngàng vì không ngờ tướng Ngô Quang Trưởng lại để Quân Khu I thất thủ nhanh chóng đến như thế. Chiến hạm vẫn lặng lẽ tiến về phương Bắc, ngược chiều với các chiến hạm bạn đang lũ lượt di tản, chạy cách bờ khoảng 6 hải lý (tương đương gần 11 km). Mặt trời đang chiếu những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà, bóng tà dương tròn đỏ thẫm đang từ từ lẩn khuất sau dãy Trường Sơn như giấu mặt để khỏi chứng kiến cảnh đau lòng của quân dân miền Nam đang trốn chạy làn sóng đỏ. Khi mặt trời vừa khuất bóng, tiếng còi trên đài chỉ huy vang lên để cử hành lễ hạ kỳ. Mọi người đứng nghiêm chào lá quốc kỳ đang hạ xuống, sau đó chiến hạm bật đèn hải hành. Lúc đó các chiến hạm bạn đang tiến đến gần, đèn hải hành xanh đỏ lấp lánh cả một vùng biển trước mặt. Hạm Trưởng cho giám lộ đánh đèn để nhận diện từng chiến hạm. Thôi thì đủ cả, nào là HQ.501,HQ.503, HQ.404, HQ.802, HQ.402, HQ.801.... Được biết Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đang di tản trên chiến hạm HQ.404. Các chiến hạm nhỏ thì chạy sát bờ chen lẫn các duyên tốc đĩnh PCF, Coast Guard, Yabuta,... Qua máy truyền tin, Hạm Trưởng HQ.501 là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ (Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) cho hạm trưởng tôi biết tình hình thê thảm tại Đà Nẵng và riêng cá nhân anh bị kẹt vợ con ngoài đó, lái tầu xuôi Nam mà lòng anh đau như cắt. Đó là hình ảnh đau thương mà có lẽ trong đời tôi mới có dịp chứng kiến một quân đoàn di tản thê thảm như thế.
HQ.11 vẫn lặng lẽ ngược chiều với các chiến hạm bạn tiến về phương Bắc hướng về Qui Nhơn trong đêm. Sáng ngày 01-04-1975, chiến hạm yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bộ binh trong bờ. Thành phố đang rơi vào tình trạng nguy ngập, các đơn vị đóng quân của Tiểu Khu Bình Định và Sư Đoàn 22 Bộ Binh đang bị Cộng quân pháo kích nặng nề. Doanh trại của Hải quân đóng cạnh cửa sông gồm Hải Đội 2 Duyên Phòng và Tiền Doanh Yểm Trợ Tiếp Vận Qui Nhơn dưới quyền chỉ huy của HQ Trung Tá Võ Hữu Danh và HQ Trung Tá Lê Văn Thự đang chuẩn bị di tản. Quanh cửa biển, các chiến hạm thuộc Hải Đội Tuần Dương đều hiện diện đông đủ dưới sự chỉ huy tổng quát của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, phụ tá bởi Tư Lệnh Hạm Đội là HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn. Tướng Minh đã được chỉ định chức vụ Tổng Trấn Qui Nhơn thay thế Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm di tản ra biển trên một chiếc PCF vì kiệt sức ho ra máu chạy ra chiến hạm HQ.11. Hạm Trưởng tôi vội trình sự việc cho tướng Minh vừa đến Qui Nhơn biết và được lệnh chỉ thị chiếc PCF chở tướng Niệm sang HQ.3 có tướng Minh để tịnh dưỡng, giao quyền chỉ huy lại cho viên Tư Lệnh Phó tên là Trung điều động sư đoàn di tản.
Buổi sáng hôm đó, Qui Nhơn hầu như đắm chìm trong vùng lửa đạn, SĐ 22 BB đang bị VC tấn công dữ dội, Đại Tá Tư Lệnh Phó Trung đã bình tĩnh điều động các trung đoàn dưới quyền đẩy lui các đợt tấn công, khéo léo rút dần vào thành phố để ra cửa biển cho các tàu nhỏ Hải quân bốc ra khơi. Khoảng 10 giờ sáng, doanh trại Hải quân được lệnh phá hủy, đài kiểm báo cũng đốt bỏ trước khi di tản. HQ.11 đã đón nhận khoảng trên 200 quân nhân Hải Quân di tản này. Trên mặt biển, các duyên tốc đỉnh PCF dưới sự chỉ huy của Trung Tá Danh lướt sóng chạy ngang dọc và bắn súng cối 81 ly vào bờ để yểm trợ các đơn vị bạn trên đường rút ra biển di tản. Trong lúc hải pháo, một duyên tốc đĩnh đã bị tai nạn khi quả đạn 81 ly nổ tại nòng khiến cho xạ thủ tử thương tại chổ. Đến trưa 01-04-1975 Cộng quân đã tiến chiếm nhiều nơi trong thành phố, các đơn vị bộ binh trên đường rút lui đã bị VC pháo kích đuổi theo gây nhiều tổn thất về nhân mạng. Tướng Hoàng Cơ Minh liền ra lệnh tất cả chiến hạm được phép xử dụng hỏa lực tối đa bắn vào các vị trí CS trong thành phố. Tư lệnh Hạm Đội liên tục gọi máy cho chiến hạm tôi bắn hải pháo vào bờ. Hạm Trưởng vì mấy ngày liền nói chuyện, hò hét trên máy truyền tin nên bị khan giọng mệt lả. Các chiến hạm đồng loạt nã hải pháo vào bờ, gây ra những đám cháy với những cột khói đen mù mịt bầu trời. Nhờ thế mà các đơn vị Bộ Chì Huy 2 Tiếp Vận, Tiểu Khu và các Trung Đoàn của SĐ22BB mở đường máu chạy ra bờ biển và bơi ra các chiến đĩnh. Sau này chúng ta ghi nhận một tấm gương tuẫn tiết thật can trường của vị Đại Tá Trung Đoàn trưởng TrĐ.42 BB Nguyễn Hữu Thông đã tự sát không chịu di tản.
Đến 4 giờ chiều, trong lúc HQ.11 đang say sưa nã 76,2 ly vào khu vực Cầu Đôi và trận chiến càng khốc liệt hơn với từng toán quân nhân túa ra bờ biển di tản thì máy truyền tin nhận được tin khẩn cấp từ Trung Tâm Hành Quân Vùng 2 Duyên Hải tại Cam Ranh cho biết Nha Trang đang hối hả di tản, thành phố đang bỏ trống vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã hoàn toàn mất liên lạc. Tướng Hoàng Cơ Minh chỉ thị cho chiến hạm tôi chỉ huy một chiếc Hộ Tống Hạm và một Trợ Chiến Hạm lập tức trở về Cam Ranh ngay, bỏ lại sau lưng cảnh chiến trường khốc liệt với lửa đạn ngút trời. Vài giờ sau, tin xấu lại nhận thêm là Tiểu Khu Khánh Hòa, Đặc Khu Cam Ranh, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang do Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu làm Chỉ Huy Trưởng đã di tản. Tướng Minh vội huy động các chiến hạm, chiến đĩnh tác xạ tối đa và tiến sát vào bờ để bốc các chiến hữu bộ binh càng nhiều càng tốt. Sau đó, ông giao chiến trường lại cho HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn chỉ huy, tướng Minh theo HQ.3 rời vùng trở về Cam Ranh trước. Thế là chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, tình hình chiến sự đã suy sụp quá mau chóng, ngoài sức dự liệu của các cấp chỉ huy, tướng Minh đã trúng kế “điệu hổ ly sơn” của thượng cấp khi chỉ định ông làm Tổng Trấn Qui Nhơn khiến ông bỏ nhà trống, dốc toàn lực lượng ra chiến đấu tận Qui Nhơn xa xôi này, trong khi Cam Ranh và Nha Trang đang bỏ chạy. Đêm hôm đó, đi phiên hải hành ai nấy đều mỏi mệt, kinh hoàng vì các biến cố đau xót ập xuống đất nước dồn dập. Trên hệ thống âm thoại đêm đó, tôi nghe được giọng nói lo âu của HQ Đại Tá Nguyễn Văn Hớn Tư Lệnh Phó V2DH báo cáo tình hình cho tướng Minh:
- Trình thẩm quyền, nhà lớn hiện nay đã mất liên lạc với Quân Đoàn 2, Tiểu Khu Khánh Hòa, TTHL/HQ/Nha Trang, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận cùng tất cả các đơn vị bộ binh tại đây. Chỉ còn duy nhất Hải Quân tại bán đảo này. Xin thẩm quyền cho chỉ thị để tôi thi hành.
Tướng Minh vẫn điềm tĩnh, giọng nói dõng dạc trong máy:
- Tôi nhận rõ, anh ở nhà cố gắng điều động thuộc cấp giữ vững vị trí, chờ tôi về.
- Thẩm quyền cho biết bao giờ mới về tới nhà lớn? (Cam Ranh)
- Khoảng 4 giờ chiều mai.
Sau những ngày bi thảm đầu tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh Phan Rang lập thành “Phòng Tuyến Thép” nhằm ngăn chận làn sóng đỏ tại nơi quê hương của Tổng Thống. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được giao phó trọng trách này, giữ chức Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3, dưới quyền có Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 6 Không Quân, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Duyên Hải. Ngoài ra Phan Rang còn được tăng phái thêm Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù do Đại Tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy. Trong thời gian này, tỉnh lỵ Bình Thuận bị áp lực Cộng quân nặng nề, tỉnh lỵ bị pháo kích từng đợt không dứt.
Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ.3
Sáng ngày 16-04-1975 Phan Rang bị thất thủ, Trung Tướng Nghi và Chuẩn Tướng Sang lọt vào tay Cộng quân , Chuẩn Tướng Nhựt leo trực thăng bay thoát ra biển được tuần dương hạm HQ.3 cứu vớt. Phan Rang mất, Phan Thiết bị áp lực CS đè nặng hơn vì ban đêm từng đoàn quân xa của địch rất dài rọi đèn pha tiến về phương Nam, từ ngoài khơi nhìn thấy rất rõ tại eo biển Cà Ná. Đêm hôm đó, HQ.11 cùng với một số chiến hạm vẫn tuần tiễu vùng biển Phan Rang, phát hiện từng đợt quân xa địch pha đèn chạy trên quốc lộ 1 ngang Cà Ná dài cả mấy cây số. Chiến hạm vội nã đại bác vào bờ, đồng thời báo cáo cho tướng Minh xin phi cơ ra oanh tạc. Hai phi đội F.5 và A.37 bay đến oanh tạc, bị lực lượng phòng không địch bắn trả dữ dội, đạn lửa đan kín một vùng trời. Một máy bay A.37 bị bắn rớt, phi công nhảy dù đáp trên một ngọn núi (có thể là phi công Lý Tống).
Sáng ngày 17-04-1975 toàn tỉnh Phan Rang hầu như nằm trong vùng kiểm soát của CS, chỉ còn kẹt lại một vài đơn vị nhỏ Nhảy Dù đang kẹt gần eo biển Cà Ná, chuẩn bị rút về quận lỵ Tuy Phong cách đó 10 km để chờ các tàu Hải Quân vào đón. Dương Vận hạm HQ.503 đang thả neo ngoài khơi cách bờ 5 hải lý, chỉ huy chiến thuật các chiến hạm trong vùng đang nhận người di tản chạy ra tàu. Trong lúc đó, tướng Minh đang trên HQ.3 ra đây để trực tiếp chỉ huy, ông đích thân chỉ thị cho Hạm Trưởng tôi phải bắn sập cây cầu Núi Chẹt tại eo biển Cà Ná để cắt đứt đường chuyển quân của địch vào Phan Thiết. Được biết cây cầu này rất kiên cố, được hãng thầu RMK xây cất nên khó lòng triệt hạ được.
Tuân lệnh tướng Minh, chiến hạm tôi trong nhiệm sở tác chiến toàn diện suốt ngày hôm đó, tiến vào gần bờ và chạy song song để hai khẩu 76,2 và 40 ly cùng đồng loạt tác xạ. Bắn nhiều lần nhưng cây cầu vẫn cứ trơ trơ. Trong khi đó, viên phi công lâm nạn trên ngọn núi đêm qua, thỉnh thoảng dùng tấm gương rọi ánh nắng mặt trời ra chiến hạm xin tiếp cứu. Chiến hạm chỉ biết xử dụng quang hiệu đánh đèn an ủi viên phi công, nhưng biết làm sao mà tiếp cứu đây!
Đến 2 giờ chiều, đơn vị Dù bị VC tấn công dồn dập, được lệnh mở đường máu tiến về quận Tuy Phong để các chiến đỉnh thuộc Duyên Đoàn 27 đón ra khơi. Hạm Trưởng nóng lòng vì bắn mãi không triệt hạ được cây cầu nên đổi chiến thuật, vận chuyển chiến hạm từ ngoài khơi nhắm thẳng vào cây cầu để cho khẩu pháo 76,2 bắn thẳng từng phát vào chân cầu, nhưng kết quả vẫn chưa như ý. Khi tàu còn cách bờ nửa hải lý, bất ngờ 4 chiếc xe tăng T.54 của VC lù lù xuất hiện, pháo ra chiến hạm tới tấp. Con tàu vội vận chuyển đổi hướng ra khơi, Hạm Trưởng ra lệnh tay lái hết bên mặt, đồng thời tăng vận tốc từ “hai máy tiến hai” sang thành “hai máy tiến ba” (chiến hạm bị cong trục láp từ trước, chưa được lên ụ sửa chữa nên không thể chạy “hai máy tiến full” được). Lúc đó, tôi đứng trên đài chỉ huy, nhìn vào trong bờ thấy 4 khẩu pháo trên xe tăng VC đua nhau chớp lửa,từng quả đạn rít gió bay ra chiến hạm âm thanh réo rú đến rợn người, rớt xuống biển nổ vang tạo nên những cột nước trắng xóa bao quanh chiến hạm. Hạm Trưởng vẫn điềm tĩnh lái tàu ra khơi, đồng thời ra lệnh cho các khẩu pháo sau đài chỉ huy tác xạ vào bờ phản pháo. Con tàu lắc lư, máy tàu gầm rú chạy xịt khói, chân vịt rung chuyển khua vang cùng các khẩu hải pháo đua nhau nổ ròn rã như tiết tấu bản nhạc của tử thần.
Mãi hơn mười phút sau, con tàu mới chạy thoát khỏi tầm đạn của đối phương. Hai khẩu đại bác 40 ly ở sân giữa vì bắn trả liên tục quá nhiều nên nóng đỏ cả nòng súng, viên đạn không bay đi xa được. Kiểm soát lại sự tổn thất, chiến hạm tôi chỉ bị trúng duy nhất một quả đạn xuyên hông từ tả hạm lúc con tàu quay mũi đổi hướng ra khơi đưa cả hông tàu cho VC bắn, làm cho Thượng Sĩ I Vô Tuyến Nguyễn Văn Bàng tử thương và hai thủy thủ khác bị thương nơi xương sống. Đau xót cho Thượng Sĩ Bàng, đêm qua anh vừa nhận điện tín vợ con đã di tản từ Nha Trang vào đến Sài Gòn. Tin vui vừa nhận được còn đó thì nay anh đã đền nợ nước, vĩnh biệt vợ hiền con thơ, vĩnh biệt các chiến hữu cùng anh chống trả bọn Cộng sản vô thần trong những ngày tối đen của tổ quốc. Hạm Trưởng với nét mặt đầy xúc động, lên máy báo cáo trực tiếp cho tướng Minh:
- Trình thẩm quyền, chiến hạm tôi vừa đụng độ với xe tăng T.54 Việt Cộng, một thằng em bị bắn nát đầu thê thảm quá, hai thằng em khác bị thương. Bây giờ nghĩa tử là nghĩa tận, xin phép thẩm quyền cho tôi được rời vùng để đưa các em tôi về Sài Gòn.
Đầu máy bên kia, tướng Minh ngỏ lời chia buồn và khuyên giải:
- Nhân danh Tư Lệnh Mặt Trận, tôi gửi lời chia buồn đến toàn thể thủy thủ đoàn HQ.11 và chia buồn cùng gia quyến chiến hữu vừa mới hy sinh. Nhưng tình hình mặt trận tại đây quá nguy ngập, đang cần sự có mặt của anh để cùng tôi bảo vệ vùng biển này. Tôi sẽ không quên công lao đó của các anh em, vậy anh nghĩ sao?
- Xin tuân lệnh thẩm quyền, HQ.11 sẽ sát cánh với thẩm quyền trong những giờ phút này. Đề nghị thẩm quyền cấp phương tiện cho tôi để đưa xác và tải thương các em tôi về Sài Gòn.
- Được, tôi sẽ phái thằng HQ.608 đến giúp anh việc đó.
Khoảng 7 giờ tối, tuần duyên hạm HQ.608 cặp bên tả hạm HQ.11 để tải thương và đưa thi hài Thượng Sĩ Bàng về Sài Gòn. Thủy thủ đoàn HQ.11 tập họp nơi sân lái để làm lễ tiễn đưa vĩnh biệt Thượng Sĩ Bàng. Nhìn xác anh mất đầu được bó gọn trên chiếc băng ca khiến anh em đều bồi hồi thương xót. Hạm trưởng ứng khẩu đọc một bài điếu văn tiễn biệt. Vẫn biết rằng cuộc đời lính chiến thì cái chết ập xuống bất ngờ nào ai tránh khỏi, nhưng nhiều anh em đã khóc vì tiếc thương anh. Xong phần nghi lễ, xác anh được chuyển sang HQ.608 cùng với một số nhân viên tháp tùng do Thượng Sĩ Trọng Pháo Tiếp làm trưởng toán để tham dự tang lễ của anh. Sau này nghe các anh ấy về kể lại, khi HQ.608 cặp cầu Cát Lái, xác anh được đưa thẳng vào nghĩa trang quân đội Biên Hòa, sau đó mới báo tin cho vợ con vào nhìn anh lần cuối. Vợ anh đã khóc ngất khi nhìn thấy thi thể anh, kêu gào thảm thiết: “Cái đầu của chồng tôi đâu? Trả cái đầu lại cho chồng tôi!!” làm cho mọi người hiện diện đều rướm lệ:
Anh mặc làm chi màu áo trắng
Để em nhìn thấy lại thêm thương
Anh ơi, sao nỡ chia lià vội
Để lệ ai rơi mấy dặm đường
(thơ Thụy Châu)
Đó là hình ảnh cái chết của một chiến hữu của tôi trên chiến hạm HQ.11 trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam mà tôi mạn phép tường thuật mất dòng tỉ mỉ trên đây.
Sáng ngày 18-04-1975 tình hình tại Cà Ná đã quá nguy ngập, các đơn vị bạn tại đây đều bị chận đường di tản và mất liên lạc, chỉ có một số nhỏ chạy thoát xuống quận Tuy Phong. Hộ Tống Hạm HQ.07 vào thay thế HQ.11 tiến vào gần bờ để yểm trợ bị VC pháo ra dữ dội nhưng may mắn vô sự. Khoảng 5 giò rưỡi chiều, Dương Vận Hạm HQ.503 đang ở vị trí cách bờ 4 hải lý (khoảng 7 cây số, một hải lý = 1852,25m) bị Cộng quân pháo ra dồn dập. Đài chỉ huy bị trúng đạn nổ tung, gây nhiều tổn thất thương vong cho thuỷ thủ đoàn (trong đó có 4 sĩ quan hy sinh) và Hạm Trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc bị thương ở đầu. Hạm Trưởng Lộc đã trúng mảnh đạn vào đầu, máu tuôn lênh láng. Ông đã mang mảnh đạn trong đầu khi di tản tị nạn sang Hoa Kỳ 1975, không thể giải phẩu mổ ra được suốt 30 năm trường, cuối cùng ông đã qua đời tại San Jose, California năm 2005. Các chiến hạm trong vùng vội chạy đến tiếp cứu và hải pháo vào nơi đặt súng của Cộng quân.
Riêng HQ.11 đang tuần tiểu ở phía Nam cách đó 2 hải lý, vội vàng nhấn còi nhiệm sở tác chiến, vừa chạy vừa bắn 76,2 vào bờ. Tôi thấy HQ.503 cứ chập choạng quay mũi vào bờ, trong khi các trái đạn pháo nổ văng nước tung tóe quanh tàu, lúc bị trúng đạn thì bụi khói đen như trái nấm tung lên. Mãi một lúc lâu, HQ.503 mới lên máy liên lạc, báo cáo trở ngại vận chuyển. Hạm Trưởng tôi vội ban lệnh cho thủy thủ đoàn chuẩn bị dây giòng để đến kéo HQ.503. Thủy thủ đoàn tập họp nơi sân giữa, chuyền tay kéo từng khúc dây giòng to tướng như con trăn từ dưới hầm chuyển lên làm cho ai nấy đều mệt lả vì cuộn dây quá dài. May mắn làm sao, HQ.503 lúc đó báo cáo tự vận chuyển được và cũng là lúc tướng Hoàng Cơ Minh lên máy chỉ thị cho HQ.11 được phép rời vùng và hộ tống HQ.503 về Sài Gòn.
Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ.503
Trên đường hải hành, khoảng 9 giờ tối đêm hôm đó, chiến hạm đang chạy ngang vùng biển Phan Thiết thì cũng vừa nhận tin tỉnh lỵ này vừa thất thủ, viên Đại Tá Tỉnh Trưởng đã chạy đến Duyên Đoàn 28 để xuống tàu di tản ra khơi và trên đường đến trình diện tướng Minh. Thế là toàn cõi Quân Khu 2 đã hoàn toàn thất thủ kể từ tối 18-04-1975 sau nhiều cố gắng ngăn chận làn sóng đỏ bất thành. Nửa đêm đó, tôi lên phiên trực hải hành, nghe trên hệ thống âm thoại HQ.503 báo cáo về Trung Tâm Hành Quân Biển tại Sài Gòn danh sách tổng cộng 25 chiến hữu thương vong mà lòng buồn não nuột. Khoảng 10 giờ sáng 19-04-1975, chiến hạm tôi và HQ.503 đã về tới cửa biển Vũng Tàu. HQ.503 được lệnh vào sông Lòng Tào về Sài Gòn sửa chữa khẩn cấp dưới sự hộ tống của các chiến hạm khác. HQ.11 nhận lệnh neo tại Vũng Tàu nghỉ bến, đi chợ mua thực phẩm, nhận tiếp tế đạn dưọc, nhiên liệu, nước ngọt chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới. Đồng thời, chiến hạm được thay thế hai nòng súng 40 ly mới. Thủy thủ đoàn rất mệt mỏi và tinh thần căng thẳng vì tham dự các trận chiến khốc liệt liên tiếp suốt mấy tuần qua.
Nghỉ bến được 36 tiếng, đúng 1 giờ sáng ngày 21-04-1975 chiến hạm nhận lệnh sẳn sàng nhổ neo lên đường công tác. Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào Tư Lệnh Hải Quân Vùng 3 Duyên Hải từ một chiếc duyên tốc đĩnh cặp vào và được Hạm Trưởng đón tiếp lên tàu, cờ một sao Đô Đốc được kéo lên bay phất phới trên cột cờ. Chiến hạm kéo neo hải hành ra mặt trận Bình Tuy trực tiếp chỉ huy vùng lãnh hải trách nhiệm của ông thay thế cho tướng Hoàng Cơ Minh. Khoảng 8 giờ sáng, chiến hạm tôi đã đến nơi, vẫn đông đủ các chiến hạm bạn quanh vùng. HQ.11 từ từ cặp vào HQ.16 đang có mặt tướng Minh ở đó, tướng Minh vẫn tươi cười giơ tay vẫy chào tướng Đào. Khi chiến hạm vừa cặp xong, tướng Minh cùng với Hạm Trưởng HQ.16 là HQ Trung Tá Lê Văn Thì sang thăm viếng tàu tôi. Hạm Trưởng San đã hướng dẫn nhị vị tướng quân đi quan sát chỗ tàu tôi bị trúng đạn, lỗ đạn bắn thủng thành tàu và xuyên phá qua 5 lớp vách tàu rồi xuyên ra ngoài. Tướng Minh đã ngỏ lời ngợi khen lòng dũng cảm của toàn thể thủy thủ đoàn và hứa sẽ tưởng thưởng xứng đáng. Sau đó, tướng Minh bàn giao vùng trách nhiệm cho tướng Đào để trở về Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới. Vài ngày sau, ông đã giữ đúng lời hứa, gửi công điện ra chiến hạm tôi ban thưởng rất nhiều huy chương và cho 2 nhân viên được thăng cấp đặc cách. Hạm Trưởng đã gửi phiếu trình đề nghị thăng cấp đặc cách cho Cơ Khí Trưởng là HQ Trung Úy Cơ Khí Ngô Việt Hùng và Hạ Sĩ I Vận Chuyển Viễn
Sau khi tướng Đào và bộ tham mưu sang HQ.16, chiến hạm tôi sang cặp chiếc Hải Vận Hạm HQ.400 để nhận lãnh thêm một số đạn đại bác. Tôi đã gặp vài người bạn trên chiến hạm này, ai nấy đều tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau về những tin chiến sự dồn dập vừa qua, cùng thì thầm to nhỏ tính toán chuyện đời mình nếu miền Nam sụp đổ. Các chiến hạm về Vũng Tàu đều dự trữ lương thực, gạo chất đầy kho, cá khô, nước mắm đóng thùng bốc mùi tanh tưởi..
Được những giây phút hiếm hoi hai chiến hạm cận kề bên nhau, hai hạm trưởng rút vào phòng riêng tâm tình bàn thảo, hai thủy thủ đoàn từng nhóm tụ lại với nhau bên ly cà phê nóng chuyện trò, đồng thời cùng xem tivi trên HQ.400 để theo dõi tin tức. Suốt mấy tuần qua, mọi người đều chăm chú nghe ngóng tin tức đột biến trong các giờ phát thanh của đài BBC,VOA...mà đau xót, thở dài lo âu cho tình hình đất nước và thân phận mình. Bây giờ hai vị hạm trưởng này đều di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại miền Nam California vùng Little Saigon (HQ Trung Tá Võ Quang Thủ Hạm Trưởng HQ.400).
Tình cờ, chúng tôi được chứng kiến một quang cảnh lịch sử trên màn ảnh truyền hình đang trực tiếp tường thuật buổi lễ trao quyền Tổng Thống tại Dinh Độc Lập: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Lắng nghe bài diễn văn từ chức của ông Thiệu, chúng tôi đều thở dài ngao ngán. Ông Thiệu đã chửi Mỹ thậm tệ, tố cáo bạn đồng minh phản bội. Kết thúc bài diễn văn, ông Thiệu không quên hứa với đồng bào là tuy ông từ chức Tổng Thống, đồng bào sẽ có thêm một chiến sĩ, quân đội có thêm một trung tướng chiến đấu chống bọn Cộng sản đến cùng!!! Nhưng chỉ 4 ngày sau ông Thiệu đã nuốt lời hứa, cao chạy xa bay rời bỏ quê hương sang Đài Loan tối 25-04-1975 , bỏ lại đất nước và đồng bào bơ vơ sắp rơi vào gông cùm Cộng sản.
Yểm trợ mặt trận Hàm Tân được hai ngày thì tỉnh lỵ này lại bị Cộng quân tràn ngập. Quân ta trước khi di tản xuống tàu đã phá hủy kho đạn, phi trường cùng chiếc vận tải cơ C.130 bất khiển dụng tại đó. Đoàn hạm đội lại xuôi về Nam bảo vệ quận lỵ Xuyên Mộc.Thế là vùng hoạt động của Hải quân từ nay chỉ còn vỏn vẹn vùng đồng bằng đến mũi Cà Mau.
Sáng ngày 24-04-1975, chiến hạm tôi được lệnh thẳng từ Trung Tâm Hành Quân Biển tại Sài Gòn tăng phái cùng 3 tuần dương hạm ra tái chiếm lại quần đảo Trường Sa.Trước đó, lực lượng trú phòng tại đảo này báo cáo về Sài Gòn là các chiến hạm của Hải quân Trung Cộng đã tới chiếm đảo. Nhớ lại ngày 19-01-1974, bốn chiến hạm của HQ/VN đã hải chiến một trận kịch liệt với các chiến hạm Trung Cộng gây nhiều tổn thất thương vong cho cả hai bên, đặc biệt chiến hạm cùng loại với chiến hạm tôi là HQ.10 bị chìm.
Tuân lệnh trên, HQ.11 cùng với ba chiến hạm bạn theo đội hình trực chỉ ra Trường Sa. Thủy thủ đoàn bận rộn chuẩn bị ôn tập lại các nhiệm sở, nào là tác chiến, phòng không, đào thoát... để sẳn sàng trận hải chiến sắp tới. Nhưng vài tiếng đồng hồ sau dó, khi các chiến hạm đã rời xa đất liền thì Sài Gòn gọi máy ra hủy bỏ lệnh hành quân đó và chỉ thị các chiến hạm quay về vùng công tác cũ. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm..
Trở lại vùng biển Xuyên Mộc, tôi thấy các chiến hạm bạn đang bận rộn yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bộ binh trong bờ. Khoảng nửa đêm 24-04-1975 Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào chỉ thị chiến hạm tôi cùng với chiếc tuần duyên đĩnh HQ.712 ra đảo Phú Quý để thiết lập đầu cầu di tản. Được biết đảo Phú Quý nằm ngoài khơi tỉnh Phan Thiết, cách đất liền 80 hải lý (145km), nằm trên hải đạo từ Vũng Tàu đi Phi Luật Tân. Dân cư sinh sống trên đảo rất trù phú nhờ sinh sống bằng nghề đánh cá khá phát đạt.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 25-04-1975, HQ.11 cùng với HQ.712 đang lặng lẽ rẽ sóng hướng ra đảo Phú Quý thì phát hiện một chiến hạm Mỹ đang theo sát chúng tôi. Lúc ấy, mặt trời vừa ló dạng trước mũi chiến hạm, biển thật êm, tôi thấy chiến hạm Mỹ chạy song song với chiến hạm tôi khoảng cách 3 hải lý, bắt đầu dùng quang hiệu hỏi chúng tôi:
- What ship? Chúng tôi trả lời quang hiệu bằng tiếng Anh:
- Chiến hạm của Hải quân Việt Nam HQ.11. Chiến hạm Mỹ tiếp tục đánh đèn hỏi:
- Nam Việt Nam.
- Các bạn đi đâu?
Bị tra hỏi lôi thôi, hạm trưởng và mọi người trên đài chỉ huy đều bực dọc, buột miệng chửi thề. Ai đời trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa mà một chiến hạm đồng minh dám xấc xược tra khảo láo lếu như thế. Hạm trưởng giận tím mặt, chửi thề om sòm, ra lệnh cho giám lộ đánh đèn trả lời:
- Chúng tôi đang thi hành công tác đặc biệt.
Nhận được câu trả lời như thế, chiến hạm Mỹ liền tăng máy tiến nhanh về hướng chiến hạm tôi. Hơn mười phút sau nó đã đến sát tàu tôi với các khẩu đại bác đều chĩa thẳng vào chiến hạm tôi. Chúng tôi nhận ra đây là chiếc Khu Trục Hạm USS.1052. Hạm trưởng vội liên lạc máy về Sài Gòn để can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tránh ngộ nhận. Từng giây phút chậm chạp trôi qua, chiến hạm Hoa Kỳ chạy song song với tàu tôi với thái độ thiếu thân thiện. Hạm trưởng cho giám lộ đánh đèn với tàu Mỹ để nói chuyện bằng máy truyền tin VRC.46. Vài phút sau, hạm trưởng đã đàm thoại với hạm trưởng Mỹ bằng tiếng Anh để giải tỏa tình trạng căng thẳng và sau đó tàu Mỹ đã bỏ đi mất dạng.
Khu Trục Hạm USS KNOX FF.1052
Chiến hạm tôi vẫn tiếp tục hải hành và khoảng 1 giờ trưa thì đến đảo Phú Quý và thả neo cách bờ khoảng nửa hải lý tại phía Nam hòn đảo này. Từ ngoài khơi nhìn vào trong bờ, tôi nhận thấy dân chúng nơi đây có vẻ an cư lạc nghiệp, thái bình với những căn nhà gạch lợp ngói đỏ ẩn nấp bên những hàng dừa xanh sai trái. Chỉ một giờ sau có một ghe nhỏ chở viên Xã Trưởng cùng với ba viên Thiếu Úy Phân Chi Khu Trưởng đại diện chính quyền địa phương ra tiếp đón. Các viên chức này báo cáo cho chúng tôi biếtlà đảo đã mất liên lạc với đất liền từ mười ngày qua và đang sống trong tình trạng lo âu. Trên đảo đang chứa rất đông đồng bào từ đất liền chạy trốn thảm cảnh chiến tranh và đang lánh nạn tại đây. Hạm Trưởng liền báo cáo tin tức sơ khởi về Sài Gòn và đề cử Hạm Phó là HQ Thiếu Tá Trần Đức Huân lên bờ chỉ huy các đơn vị trên đảo. Hạm Phó Huân vừa đi phép về chiến hạm từ ba ngày qua.Nhưng giới chức thẩm quyền tại Sài Gòn không chấp thuận đề nghị này, chỉ thị hạm trưởng phải trực tiếp chỉ huy và gấp rút hoạch định kế hoạch để Sài Gòn đưa người di tản ra đảo. Trong lúc đó, chúng tôi phát hiện một chiến hạm Mỹ đang lảng vảng xa tít ở hướng Nam, có lẽ canh chừng mọi di chuyển của chiến hạm tôi. Chiều đó, hạm trưởng cho phép một nửa quân số cùng với hạm trưởng lên bờ chơi và thám sát tình hình. Còn hạm phó và một số anh em ở lại trực tàu. Thế là sau mấy tuần lễ gian khổ, hiểm nguy vì liên tục tham dự các trận chiến khốc liệt, chứng kiến cảnh di tản bi thảm của quân dân miền Nam, ai nấy đều mệt mỏi, lo âu. Chiều nay mới được thảnh thơi lên bờ dạo phố, mặc dầu chỉ là một hải đảo xa xôi để tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn vừa qua.Kiếp sống người thủy thủ cũng lắm vất vả, truân chuyên như thế đó. Ngày đêm theo chiến hạm lênh đênh trên biển cả đã bị vùi dập bởi những cơn biển động phũ phàng, thủy thủ đoàn mệt ngất ngư vì “say sóng”. Khi lên bờ dạo phố, đôi chân bước trên mặt đất mà vẫn thấy đất trời đang quay cuồng như cảnh con tàu đang lắc lư làm cho anh em lảo đảo vì “say đất”. Để rồi có vài anh em vừa hết cơn say đất, lại để hồn mình chơi vơi vì sóng mắt của giai nhân khiến cho mình lại lạc vào cơn say êm đềm thú vị nhất đó là “say tình”. Có thể nói cuộc đời lênh đênh phiêu bạt của người lính biển trong những ngày tháng gắn liền với trùng dương làm cho anh em có ba cái thèm mãnh liệt: thứ nhất thèm rau, thứ nhì thèm rượu, thứ ba là thèm ... đàn bà! Khi lên bờ, chúng tôi được các bạn Địa phương quân hướng dẫn di dạo một vòng quanh hòn đảo này. Sau đó, từng toán nhỏ tấp vào các quán nước ở chợ để được ngắm nhìn các cô chủ quán xinh xinh và thưởng thức các món ăn hải sản nơi đây như tôm hùm, cua rang muối, cá hấp, mực... cùng với các ly rượu đế pha với nước dừa ngọt lịm. Mọi người sau những ngày gian khổ, tạm gác nỗi lo âu trong lòng để hưởng một buổi chiều tuyệt đẹp và cảm thấy đời mình còn đáng sống. Đến tối chúng tôi trở về chiến hạm và nhổ neo đi tuần duyên quanh đảo.Sáng hôm sau về neo lại bến cũ, phân đội khác được lên đảo chơi, tình hình an ninh trên đảo vẫn khả quan. Trưa hôm đó, tuần duyên hạm HQ.608 từ Vũng Tàu ra chuyển giao tiền lương tháng 4/1975 cho chiến hạm tôi theo chỉ thị của tướng Vũ Đình Đào, vốn dành sẵn thiện cảm ưu ái rất nhiều cho hạm trưởng tôi. Trong ngày hôm đó, tàu tôi đã trao đổi với các viên chức địa phương vài thùng dầu để lấy một con heo. Buổi chiều hôm đó, thủy thủ đoàn đã được nhà bếp thết đãi một bữa tiệc nho nhỏ với món heo quay thật ngon lành. Trong khi ở đất liền tin tức chiến sự mỗi ngày càng bi đát hơn thì chúng tôi được hưởng mấy ngày công tác nhàn hạ hiếm hoi này. Nhưng đến 4 giờ sáng hôm sau 27-04-1975, chiến hạm tôi cùng với HQ.712 đang tuần tiễu quanh đảo, bỗng mất liên lạc truyền tin đầu giờ với các đơn vị bộ binh trong bờ. Sĩ quan đương phiên vội báo cáo sự việc cho hạm trưởng biết. Khoảng 5 giờ 30 sáng, HQ.712 đang cách tàu tôi 7 hải lý, báo cáo có một chiến hạm Bắc Việt đang xâm nhập đổ quân lên đảo. HQ.712 tiến đến gần để nhận diện rõ hơn, bất ngờ bị chúng tác xạ bằng súng thượng liên. HQ.712 bị trúng 4 viên đạn thượng liên nhưng may mắn vô sự, liền phản công tác xạ lại. Nhận thấy biến cố quan trọng, hạm trưởng cho nhận còi nhiệm sở tác chiến. Lúc đó, tôi đang nằm ngủ say sưa dưới phòng vì vừa mãn phiên trực, nghe tiếng còi tác chiến dồn dập vang lên. Tuy ngỡ ngàng, nhưng với phản ứng quen thuộc của người lính chiến, tôi vội nhảy xuống giường, chụp cái áo vội mặc vào người, xỏ chân vào đôi dép và vừa chạy vừa cài khuy áo tiến về đài chỉ huy. Chỉ trong khoảnh khắc thủy thủ đoàn đều có mặt tại nhiệm sở, các khẩu đại bác đang nạp đạn và lên đạn lách cách, báo cáo cho đài chỉ huy biết: tất cả sẳn sàng. Khi ấy trời vừa tờ mờ sáng, chiến hạm đang tăng máy tiến về tàu địch để dễ dàng tác xạ. Nhưng màn ảnh radar báo cho biết khoảng cách còn xa 11.000 yards (10 km). Tàu địch biết gặp nguy nên tăng tốc độ chạy trốn. Chiến hạm tôi vì chỉ chạy được hai máy tiến hai nên sợ hụt con mồi, ra lệnh cho chiếc HQ.712 chạy tránh xa và khẩu 76,2 trước mũi bắt đầu khai hỏa. Từng phát đạn nổ vang trong buổi bình minh, rung chuyển cả thân tàu, chúng tôi hồi hộp theo dõi quả đạn đi bằng ống nhòm để chờ kết quả. Nhưng trái đạn không đến mục tiêu, rớt phía sau tàu địch gây ra những cột nước trắng xóa.Dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng kết quả không như ý muốn. Cuối cùng tàu địch mỗi lúc một xa dần và khuất dạng về hướng Đông Bắc. Vừa lúc đó, bất ngờ trên bầu trời xuất hiện 3 chiếc khu trục cơ cánh quạt AD.6 của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ gầm thét lượn vòng trên đầu chúng tôi. Chiến hạm liền đổi sang nhiệm sở phòng không. Trên boong tàu, các khẩu đại bác, đại liên đều chĩa nòng lên trời, đề phòng bạn đồng minh phản bội. Tình trạng căng thẳng suốt nửa tiếng đồng hồ, mãi đến khi tàu địch chạy khuất hẳn, ba chiếc phi cơ kia mới bay đi mất hút. Chiến hạm tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với các đơn vị bộ binh trên đảo nhưng bặt vô âm tín. Tàu tôi và HQ.712 thả trôi cách bờ 1 hải lý, trước mặt trụ sở Ủy Ban Hành Chánh Xã để chờ phối kiểm tin tức. Khoảng 9 giờ sáng Cộng quân xử dụng bích kích pháo 81 ly đặt trước sân trụ sở xã, pháo ra chiến hạm tôi.Nhưng tầm pháo không đến tàu, nổ cách tàu khoảng 500m. Chiến hạm vờ chạy trốn ra khơi, bất thần quay lại và khẩu 76,2 trước mũi thanh toán mục tiêu thật gọn. Khẩu pháo 81 ly bị trúng đạn nổ tung, trụ sở xã bị sập, vài tên Cộng sản sống sót lom khom chạy trốn sang nhà dân gần đó. Khoảng 10 giờ sáng, một ghe nhỏ chở một người lính duy nhất chạy thoát ra biển, tắp gần đến chiến hạm và xin phép cho cặp. Khi chiến hạm cho phép cặp vào, đó là một hạ sĩ quan truyèn tin của đảo này trên vai có đeo một máy truyền tin PRC.25. Anh ta báo cáo cho chúng tôi biết các toán Cộng quân xâm nhập đảo cùng với các toán Cộng sản nằm vùng nổi dậy chiếm đảo từ lúc 4 giờ sáng. Chúng đã bắt giữ tất cả sĩ quan Phân Chi Khu Trưởng. Riêng viên xã trưởng may mắn thoát nạn vì đã quá giang HQ.608 về Vũng Tàu nhận chỉ thị từ đêm hôm qua. Hạm Trưởng báo cáo về Sài Gòn cho biết tình hình đột biến và xin quân tiếp viện ra đổ bộ tái chiếm hòn đảo này. Trong lúc chờ lệnh, chúng tôi phát giác xuất hiện rất nhiều ghe nhỏ từ bờ chạy ra đầy trên mặt biển, vây kín hai chiến hạm vào giữa. Quan sát kỹ bằng ống nhòm, chúng tôi nhận thấy thuyền nào cũng có hai người đàn ông vóc dáng lực lưỡng, không có vẻ gì là đồng bào di tản cả. Hạm Phó thúc hối Hạm Trưởng cho lệnh tác xạ. Hạm Trưởng ban lệnh đồng tác xạ, các khẩu súng nổ vang. Chiến hạm tôi và HQ.712 vừa chạy, vừa bắn khiến chúng lớp bị chìm, lớp khác chạy trối chết vào bờ.
Đến 2 giờ chiều 27-04-1975, Sài Gòn chỉ thị hai chiến hạm rời bỏ đảo Phú Quý và trở về Vũng Tàu ngay vì ở đó đang bị Việt Cộng bao vây và pháo kích dồn dập. Thế là chiến hạm đành trực chỉ về hướng Tây, bỏ lại sau lưng một hòn đảo vừa lọt vào tay giặc, cấp tốc trở về Vũng Tàu với trận chiến nhiều tàn khốc đang chờ đón chúng tôi. Trên đường đi, HQ.11 vẫn bị một chiến hạm Mỹ chạy song song ngoài xa bám sát chúng tôi. Đến 3 giờ sáng 28-04-1975, tàu tôi đã nhìn thấy ánh đèn chớp tắt của ngọn hải đăng Vũng Tàu thì trên mặt biển đầy những thương thuyền to lớn của Mỹ đang neo, cùng nhiều chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội đầy trên mặt biển, ánh đèn chiếu sáng rực như một thành phố trên biển. Khi còn cách xa Vũng Tàu, HQ.11 đã nhận lệnh yểm trợ hải pháo của Trung Tâm Hành Quân Vùng 3 Duyên Hải vì Cộng quân đã tiến chiếm tới cửa ngõ Vũng Tàu. Chúng tôi nhận lệnh mà chưa thể thi hành vì còn ở mãi ngoài khơi. Khoảng 7 giờ sang, tàu tôi đã đến gần Vũng Tàu, thấp thoáng sau lớp sương mờ, tôi thấy có nhiều tuần dương hạm, hộ tống hạm đang hải pháo vào phía Bắc thị xã Vũng Tàu giống như thị xã Qui Nhơn 4 tuần về trước. Trên mặt biển có HQ.802, HQ.505. HQ.12, HQ.07, HQ.400, HQ.5... đang bận rộn liên tục với các tàu nhỏ, ghe thuyền đưa người di tản chạy ra. Trên bầu trời, các trực thăng đang nhộn nhịp bay lượn đưa từng đợt người di tản ra các chiến hạm Hoa Kỳ. Đúng 9 giờ sáng, chiến hạm tôi từ từ vào cảng và thả neo tại đây. Được lệnh về thẳng Sài Gòn nhưng ai cũng ái ngại vì thấy Vũng Tàu sắp lọt vào tay Cộng quân, về Sài Gòn có khác chi chui đầu vô rọ. Hạm trưởng đã lộ nét tuyệt vọng than thở với nhân viên: “Việt Cộng mà bắt được tao thì chắc chắn đầu một nơi, gan ruột một nơi mất”, tìm cách nấn ná để theo dõi tình thế và chờ thủy triều lên. HQ.712 được trao trả V3ZH và chở người di tản. Vũng Tàu bị pháo liên tục không dứt, tướng Vũ Đình Đào ban lệnh di tản và các chiến hạm được phép “vận chuyển tự do”. Thị xã Vũng Tàu lúc ấy cực kỳ hỗn loạn, tràn ngập các quân dân từ miền Trung di tản vào, cùng với nhiều người từ Sài Gòn chạy ra để tìm đường lánh nạn Cộng sản. Trong lúc rối loạn này, bất ngờ có một chiếc LCM.6 cặp vào chiến hạm, chở theo một số nhân viên đi dự tang lễ Thượng sĩ Bàng trở về tàu. Các nhân viên này cho biết, quốc lộ 15 từ Sài Gòn ra Vũng Tàu đã bị gián đoạn, Sài Gòn đã bị pháo kích và miền Tây cũng bị cắt đứt tại Bến Lức, Long An. Trưa hôm đó, Vũng Tàu bị pháo kích dồn dập, gây ra nhiều đám cháy và thiệt hại nặng nề. Thị xã như đang lên cơn sốt tột độ với từng đợt trực thăng, chiến đĩnh, thuyền bè hối hả đưa người di tản ra biển. Mọi người nặng trĩu ưu tư, lo lắng cho gia đình bị kẹt lại nên đề nghị với hạm trưởng cứ đưa tàu về Sài Gòn. Chiến hạm nhổ neo và tiến vào sông Lòng Tào, bên hữu hạm là Vũng Tàu ngập chìm trong vùng lửa đạn. Chiến hạm trong nhiệm sở tác chiến , xuôi theo con nước lớn chạy vào trong sông, ngược chiều với các tàu chiến, thuyền ghe đang vội vã hướng ra biển đào thoát.
Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, chiến hạm về tới Nhà Bè, có chiếc Dương Vận Hạm HQ.800 đang thả neo. Hạm phó cho nhân viên dùng cơm chiều sớm hơn thường lệ để luân phiên ứng trực nhiệm sở tác chiến.Khoảng 5 giờ chiều, tôi lên đài chỉ huy để thay thế người khác đi ăn cơm thì trời bất ngờ đổ xuống một cơn mưa đầu mùa thật lớn. Trên boong tàu, nhiều nhân viên vẫn đội mưa ngồi trong các ổ súng, ướt loi ngoi. Bấy giờ đài phát thanh Sài Gòn đang trực tiếp truyền thanh buổi lễ trao quyền Tổng Thống giữa cụ Trần Văn Hương cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Tôi nhớ lời xướng ngôn viên đã ví von quang cảnh buổi lễ trao quyền này:” Đại Tướng Dương Văn Minh đã can đảm đứng lên nhận lãnh trọng trách lịch sử này trong giờ phút đen tối của đất nước, giống như bầu trời thủ đô đang bị các đám mây đen phủ kín báo hiệu một trận mưa to sắp đến...” Chẳng biết sau cơn mưa trời lại sáng hay không? Chỉ nghe thấytrong buổi lễ đó chỉ còn lèo tèo mấy giới chức cao cấp Việt Nam như Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, Trung Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng Trần Văn Minh Tư Lệnh Không Quân, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh Hải Quân. Còn các vị khác quan trọng hơn đã cao chạy xa bay tự bao giờ, không nghe nhắc đến. Rồi với giọng nói đều đều của Dương Văn Minh cất lên đọc bài diễn văn nhậm chức nghe thật buồn nản. Trong chỉ thị cho quân sĩ QLVNCH, tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của ông ta:”Tôi có đôi lời đến với các anh em trong QLVNCH. Tất cả phải ở nguyên vị trí chiến đấu. Không bỏ ngũ, không buông súng, mọi hành vi vô kỷ luật sẽ bị nghiêm trị”. Chiến hạm vẫn lầm lũi đi trong mưa tiến vào Sài Gòn, chúng tôi vừa lái tàu vừa lắng nghe radio. Khi trời vừa tạnh mưa thì buổi lễ vừa chấm dứt. Tàu giảm tốc độ để vào bến, con tàu xuôi theo con nước lớn nên vẫn lướt nhanh qua bến cảng Khánh Hội. Các khẩu súng vẫn đề phòng bất trắc, nòng hướng vào bờ.Khi tàu chạy ngang khách sạn Majestic, chúng tôi nhìn thấy sân thượng sập một góc vì trúng đạn pháo kích mấy ngày trước. Hạm trưởng cho giải tán nhiệm sở tác chiến chuyển sang nhiệm sở vận chuyển và dàn chào khi tiến vào bến Bạch Đằng. Chiến hạm vẫn giữ đúng nghi lễ, thổi còi chào Bộ Tư Lệnh Hải Quân cùng các chiến hạm bạn đang cặp bến. HQ.11 vẫn chưa được chỉ định vị trí cặp cầu dù đã gọi máy nhắc nhở nhiều lần cũng không xong, đành thả neo giữa sông Sài Gòn trước mặt Ty Quân cảng đúng vào lúc 6 giờ chiều 28-04-1975.
Vừa lúc đó, chúng tôi nghe tiếng bom đạn nổ rền từ hướng Tân sơn Nhất. Ai nấy đều ngơ ngác, máy truyền tin nhốn nháo cả lên. Bất ngờ, ba chiếc A.37 xuất hiện gầm thét trên bầu trời thủ đô, mọi người ngỡ rằng phe tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh nên chưa có phản ứng. Mãi 3 phút sau, các chiến hạm mới nhận được lệnh khẩn cấp:”F.5 không được bắn, A.37 tác xạ tự do”. Bấy giờ chúng tôi mới biết 3 chiếc A.37 là địch và chúng đang bay vòng trở lại, có ý nhào xuống chúng tôi.Các khẩu đại bác trên tất cả chiến hạm đều đồng loạt nổ dòn, bắn tới tấp vào các phi cơ đó, đạn nổ đan kín bầu trời. Chiến hạm tôi nhờ lợi thế đang neo giữa sông nên các khẩu súng đều tác xạ được cả, đạn nổ điếc tai. Đứng trên đài chỉ huy quan sát cảnh bắn máy bay, tiện tay tôi cũng chụp khẩu đại liên 30 bên tả hạm chĩa nòng lên trời và bóp còi say sưa.
Vì hỏa lực hùng hậu của Hải Quân cùng với các khẩu phòng không trên dinh Độc Lập nên 3 chiếc phi cơ địch không dám nhào xuống thả bom và bay khuất dạng về hướng Đông Bắc. Trong khi đạn nổ rền trời, một số đồng bào đang cưỡi Honda bên Thủ Thiêm dọc bờ sông, hoảng hốt bỏ xe nằm mọp xuống lề đường tránh đạn, bánh xe vẫn còn quay tít. Cũng trong lúc ấy, một chiếc vận tải cơ C.130 vừa cất cánh lên, vô tình lạc vào lưới đạn phòng không. Phi cơ bị trúng đạn, lảo đảo chơi vơi trên bầu trời nhưng rất may không rớt, cuối cùng đành hạ cánh khẩn cấp không di tản được. Sau khi 3 chiếc A.37 tẩu thoát, hai phi tuần F.5 gồm 4 chiếc bay lên săn đuổi. Hạm Đội ra lệnh tất cả các chiến hạm ngưng tác xạ và cho phép chiến hạm tôi vào cặp cầu L trước mặt Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Cầu tàu này đang có 4 chiếc Dương Vận Hạm đang cặp. Đó là HQ.502 vị trí 1 nằm ở trong cùng, kế đến HQ.501, rồi đến HQ.503 (bị pháo ngoài Cà Ná) và HQ.504. Chiến hạm tôi cặp phía ngoài cùng cạnh HQ.504, vị trí 5. Sau hơn một tháng công tác ngoài biển khơi, chiến hạm tôi nay trở về bến cũ với bầu không khí chiến tranh đang bao trùm thủ đô, dân chúng thủ đô đang sống trong cảnh hãi hùng như màn đêm đen tối đang phủ trùm xuống Sài Gòn vì bị cúp điện mãi đến hơn 9 giờ tối. Chỉ duy nhất doanh trại Hải Quân tại bến Bạch Đằng nhờ có máy đèn riêng nên có đèn điện sáng choang. Các đơn vị Hải Quân tại thủ đô đang trong tình trạng cấm quân 100%, canh phòng thật nghiêm ngặt, trong khi đó một số sĩ quan cao cấp đã và đang tìm đường đào tẩu. Sáng ngày 29-04-1975, đài phát thanh loan di lời kêu gọi của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu Mỹ rút tất cả nhân viên về nước trong vòng 24 giờ. Trung Tướng Vĩnh Lộc được cử làm Tân Tổng Tham Mưu Trưởng từ tối qua, ban nhật lệnh yêu cầu quân sĩ giữ vững tay súng, chiến đấu đến cùng. Bầu trời thủ đô xuất hiện từng đoàn trực thăng bay vào để bốc người di tản ra biển. Trong khi đó, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ở Biên Hòa đã thất thủ, từng đoàn quân xa đang nườm nượp chạy về Sài Gòn, đen kín cả cây cầu xa lộ Bình Lợi.Về hướng Tây Bắc, nghe tin Cộng quân đã tràn ngập SĐ.25BB , đang tiến vào cửa ngõ Sài gòn và giao tranh ác liệt đã xẩy ra từ Bà Quẹo về đến Ngã Tư Bảy Hiền. Một chiếc phi cơ C.119 bay lên tham chiến, chúng tôi nhìn thấy bị bắn rơi và phi công tử trận. Riêng các chiến hạm tại bến Bạch Đằng đều đặt trong tình trạng sẳn sàng chờ lệnh mới. Tinh thần binh sĩ rất hoang mang và lo âu. Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang vừa cách chức HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn Tư Lệnh Hạm Đội vì tiết lộ tin di tản quá sớm, thay thế bởi HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê. Các chiến hạm khiển dụng nhận lệnh sẳn sàng rời bến bất cứ lúc nào. Trên cầu tàu Hạm Đội, chúng tôi thấy HQ Trung Tá Nguyễn Văn Tánh Hạm Trưởng HQ.502 đang cùng với một số nhân viên đi trên chiếc xe Dodge chở các vật dụng hải hành xuống tàu, vì HQ.502 đang đại kỳ sửa chữa chưa xong.
Dương Vận Hạm Thị Nại HQ.502
Khoảng 2 giờ chiều, thủ đô đã lên cơn sốt di tản. Cộng quân đang pháo kích vào phi trường Tân sơn Nhất, giao tranh dữ dội giữa các đơn vị Biệt Cách Dù và Nhảy Dù với lực lượng Cộng quân tại vòng đai phi trường. Các hạm trưởng được lệnh lên họp khẩn. Ngoài cổng Hải Quân Công Xưởng, từng đoàn người đủ mọi thành phần quân cán chính và thân nhân đang ùn ùn kéo đến, cổng được mở ra cho họ tràn vào đổ xô về các cầu tàu có các chiến hạm đang cặp bến. Riêng cầu tàu đi sang Ty Quân Cảng và cư xá Cửu Long vẫn khóa chặt gây nên cảnh hỗn loạn tắc nghẽn vì quá đông người không qua cầu được.
Khoảng 4 giờ chiều, hạm trưởng đi họp về với nét mặt đầy căng thẳng, sau đó lên một xe Jeep cùng với vài nhân viên về đón gia đình. Thủy thủ đoàn đa số vẫn hiện diện trên tàu, lo âu nhưng bất lực vì không thể đón thân nhân xuống tàu trong lúc hỗn loạn được. Trong khi ấy tại cầu L, quân nhân và đồng bào đang tràn lên HQ.502. Lúc đó nước thủy triều dâng cao, hạm kiều bắc từ boong tàu dẫn xuống cầu thật dốc, đàn bà và trẻ em phải khó khăn lắm mới bước lên chiến hạm. Tiếng người chen lấn xô đẩy nhau, tiếng gọi ơi ới hoảng hốt vang lên khi chen lấn trèo lên tàu trong buổi hoàng hôn trốn chạy Cộng sản trông thật buồn thê thiết.
Khi màn đêm xuống, cầu tàu và 5 chiến hạm chìm ngập trong bóng tối hãi hùng vì tàu đã tháo dây điện bờ. HQ.502 đã đầy ắp người và vẫn còn nhiều người tiếp tục trèo lên. Riêng HQ.501 vì máy tàu đã bất khiển dụng và hạm trưởng là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ đã vắng mặt từ hơn một tuần lễ trước nên không nhận người di tản. Hạm Trưởng Kỷ sau đó đã đi tù cải tạo nhiều năm, cuối cùng được sang định cư tại San Jose.
Còn HQ.503 không thể ra đi, vả lại chiến hạm đã bị hư hại nặng vì bị pháo tại Phan Rang trước đây. Đặc biệt HQ.504 máy móc còn rất tốt hạm trưởng và cơ khí trưởng nhất quyết không chịu ra đi, gây phẫn nộ cho thủy thủ đoàn. Cuối cùng ai muốn ra đi phải quá giang các chiến ham khác. Hạm Trưởng HQ.504 Hải Quân Trung Tá Nguyễn Như Phú (khóa 16 Võ Bị) sau nhiều năm bị tù cải tạo, hiện nay đang sinh sống tại California.
Chiến hạm tôi nhờ nằm phiá ngoài cùng, lại nhờ HQ.504 cản bước nên những người di tản không thể tràn qua tàu tôi được. Riêng có HQ Thiếu Úy Vũ Tiến Hưng (Khóa 25 SQHQ/Nha trang) may mắn tìm gặp thân nhân trong đám người di tản nên hướng dẫn đem xuống tàu tôi. Một số nhân viên và vài sĩ quan khác đã rời tàu tìm cách về nhà để lo liệu gia đình như Hạm Phó Trần Đức Huân, HQ Đại úy Vũ Đức Thiệu, HQ Trung Úy Huỳnh Thiện Khiêm... (Những sĩ quan này đều không thể đưa gia đình xuốmg tàu kịp trong cơn hỗn loạn nên bị kẹt lại). Hầu hết anh em còn lại trên chiến hạm đều kẹt gia đình nên mặt ai nấy nặng trĩu buồn lo. Hạm trưởng đến giờ này vẫn chưa về tàu được, trong khi hạm đội gọi máy thúc hối chiến hạm phải rời bến ngay kẻo trễ.
Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ.504
Cuối cùng thủy thủ đoàn có khoảng 80 người thì một nửa theo hạm trưởng ra đi trốn chạy Cộng sản, bỏ lại gia đình, họ hàng thân thuộc để một thân một mình sống kiếp tha hương lưu lạc nơi xứ người. Trong số chiến hữu này, có HQ Trung Úy Phạm Công Nhạc vì vừa mới cưới vợ nhà ở Cái Sắn, nên ngập ngừng mãi không biết tính sao, cuối cùng đành phải theo tàu ra đi.Sang đến đảo Guam, sống cuộc đời tha hương buồn thảm gần 6 tháng, anh đã quyết định theo con tàu Việt Nam Thương Tín trở về quê hương, để rồi bị Cộng sản cho đi cải tạo, đọa đầy trong tủi nhục.
Còn một nửa anh em khác chấp nhận sống chết với quê hương, tuy biết rằng sống chung với Cộng sản sẽ gặp nhiều khốn khổ nhưng mấy ai hiểu nhiều về con người Cộng sản ra sao?! Để rồi sau đó ngỡ ngàng khi bị Cộng sản cho đi cải tạo nơi rừng sâu núi thẳm. Trong số này có hạm phó của tôi, bị đưa đi tận miền Bắc xa xôi, để lại người vợ hiền phải tảo tần xuôi ngược nuôi nấng hai đứa con thơ và dành dụm thăm nuôi chồng trong lao tù CS. Sau này anh đã vượt biên cùng với gia đình định cư tại Úc năm 1984. Nhưng chỉ ba năm sau anh chẳng may mắc bệnh nan y và qua đời tháng 7/1987.
Sau khi quyết định xong, anh em nào ở lại xuống chiếc giang đĩnh LCVP để chạy vào bờ, sĩ quan duy nhất chỉ có HQ Trung Úy Nguyễn Đắc Minh vì còn mẹ già và vị hôn thê nên không nỡ theo tàu di tản được. Thủy thủ đoàn trong cảnh kẻ ở người đi đều ngậm ngùi bịn rịn, vẫy tay chào tiễn biệt nhau, không biết bao giờ mới gặp lại. HQ.11 tách bến ra đi vào khoảng 11 giờ rưỡi đêm 29-04-1975. Có lẽ trong đời tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh con tàu thân yêu đang từ từ tách bến, giã biệt Sài Gòn để ra đi trốn chạy làn sóng đỏ, để tôi đứng lặng nhìn theo đâu có ngờ đời mình sẽ nhiều khốn khổ khi lọt vào tay bọn Cộng sản bạo tàn.
Tôi lái chiếc LCVP rời chiến hạm, chúng tôi dự định lái sang bên kia bờ Thủ Thiêm để đưa các anh em lên bờ trở về với gia đình. Nhưng khi sắp cặp cầu, một số đông người trên bờ ùn ùn chạy xuống cầu, chúng tôi hoảng hốt lùi tàu lại chạy ra giữa sông và sau cùng đành cặp vào chiếc Tạm Trú Hạm ở cầu C cạnh trại Bạch Đằng 2 nghỉ đêm ở đó chờ sáng mai về nhà. Trên chiếc tàu này, tôi đã gặp nhiều chiến hữu của các đơn vị khác cùng ở lại, chúng tôi cùng thức thâu đêm tâm sự và lo lắng khi nghe tiếng đạn pháo kích nổ rền cùng chứng kiến vài chiến hạm rời bến muộn màng mà lòng buồn vời vợi.
Khoảng 9 giờ sáng 30-04-1975, bến Bạch Đằng chỉ còn một ít chiến hạm ở lại, doanh trại Hải Quân trống trơn bỏ ngõ, lác đác vài người. Chúng tôi thay quân phục, mặc vào người bộ đồ dân sự đi ra cổng. Mặc trên người quần tây, áo sơ mi trắng tôi bước ra cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân với dáng dấp thư sinh như thưở nào còn đi học. Nhớ lại 6 năm về trước, tôi tình nguyện gia nhập Hải Quân với lòng đầy mơ ước khi đọc hai bảng hiệu treo trước phòng tuyển mộ như mời gọi chúng tôi: “Gia nhập Hải Quân là thực hiện mộng hải hồ”, “Chúng tôi đang chờ đón các bạn trong những chuyến viễn du”. Còn hôm nay, cũng bộ đồ thư sinh ấy, tôi đã giã biệt chiến hạm, giã biệt cuộc đời lính biển để trở về mái ấm gia đình. Tôi có ngờ đâu tôi khờ khạo quá, tôi đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm, đâu biết tương lai đen tối đón chờ sẽ ập xuống đầu tôi:
Ôi biển cả giờ đây ta mới biết
Mộng hải hồ giết chết một đời trai.
Đến 10.25 sáng 30-04-1975, sau khi Dương Văn Minh ra lệnh quân đội buông súng, giao nộp miền Nam cho Cộng sản từ đây. Tôi lặng lẽ đi bộ về nhà ở Ngã Tư Bảy Hiền. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đổi đời dâu bể mà thấy lòng mình đau như cắt.Chân tôi bước trên con đường Lê Văn Duyệt ngổn ngang quân phục, giầy vớ, súng đạn mà các chiến hữu tôi vừa cởi bỏ, chỉ mặc trên người quần đùi, áo thung thảm não bước đi như chạy trốn. Tôi đã nhìn thấy từng toán Cộng quân với gương mặt ngơ ngáo đang tiến vào thủ đô; được dẫn đầu bởi các sư sãi mặc cà sa cầm biểu ngữ, miệng hò hét, lúc hoan hô “cách mạng thành công” xem giống như những tên thầy pháp đang múa may, quay cuồng giữa lũ âm binh, thật tởm! Tôi đã nhìn thấy nhiều đồng bào đón gió đeo băng xanh đỏ; thấy những tên nằm vùng mang súng hớn hở đón chào lũ Cộng.Tôi đã nhìn thấy nhiều chiến hữu Nhảy Dù hy sinh trong trận đánh cản bước địch quân tiến chiếm thủ đô tại khu hồ tắm Cộng Hòa và cư xá Tự Do, xác được bó gọn trong tấm poncho, bên cạnh có bà mẹ già ngồi lặng lẽ khóc con. Và còn nhiều, nhiều nữa... Tôi cúi mặt, tủi nhục bước đi, tôi chợt nhìn thấy một bảng hiệu tuyên truyền có 4 câu thơ lục bát của chính quyền quốc gia treo trên cột đèn đã bị vứt bỏ, đến nay tôi còn nhớ mãi:
Có đâu rắn đẻ ra rồng?
“Mặt Trận Giải Phóng” cũng dòng Cộng nô
Cũng loài bè lũ tam vô
Cũng phường bán nước, cũng đồ Việt gian.
VŨ NGỌC VĂN
TVQ chuyển
Bàn ra tán vào (1)
Hùng Sơn
các trận đánh trên xẩy ra vào tháng 3/1975 chứ không phải tháng 4 , có lẽ đánh máy lầm . . .
----------------------------------------------------------------------------------
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Hộ tống hạm HQ.11 & những ngày biến loạn tháng tư đen - VŨ NGỌC VĂN
Chiều ngày 31-03-1975 Hộ Tống Hạm HQ.11 được lệnh khẩn cấp từ Cam Ranh hải hành ra Qui Nhơn để bảo vệ thành phố này đang bị áp lực Cộng quân uy hiếp nặng nề. Trước đó chiến hạm đã di tản Duyên Đoàn 21
LỜI NÓI ĐẦU:
Bài hồi ký này đã được đăng trên Đặc san Gươm Thiêng phát hành ngày 19-06-1985. Gần đây có vài hồi ký liên quan đến trận chiến tại eo biển Cà Ná Phan Rang mà HQ.11 đã tham dự. Vì thế, tác giả cố gắng viết lại bài hồi ký năm cũ bằng những điều mắt thấy tai nghe, cập nhật những dữ kiện mới cùng loại bỏ các chi tiết sai sót trước đây để ghi nhớ công lao của thuỷ thủ đoàn HQ.11. Nhớ một kỷ niệm vui trênđài chỉ huy một buổi tối năm xưa khi chiến hạm tham dự các cuộc di tản dồn dập trong tháng 4/1975, Hạm Trưởng thấy thuộc cấp qúa mệt mỏi trong nhiệm sở tác chiến liên tục, mới hỏi đùa một nhân viên giám lộ người miền Nam: “Phấn, mày có biết Hà Nội chưa?”. Hạ Sĩ giám lộ Phấn trả lời: “Dạ, chưa” thì Hạm Trưởng tiếp: “Đời mày chưa biết Hà Nội, đến đời con mày sẽ không biết Huế, Đà Nẵng rồi đến đời cháu mày sẽ không biết Sài Gòn”. Cả đài chỉhuy cười vui mà thấm thía, tôi lúc đó mới buột miệng nói: “ Con cháu của Phấn không biết Huế, Sài Gòn nhưng chúng nó biết Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi thưa hạm trưởng”. Không ngờ câu nói đùa vui hôm đó đã là điềm báo trước cho cuộc đời tha hương lưu lạc nơi xứ người của phần lớn thủy thủ đoàn HQ.11. Bây giờ, Hạm Trưởng Hải QuânThiếu Tá Phạm Đình San đang lưu lạc bên miền Nam California; Hạm Phó HQ. Thiếu Tá Trần Đức Huân trôi giạt sangđ ất Úc và đã ra người thiên cổ năm 1987; Sĩ quan đệ tam Hải quân Đại Úy Vũ Đức Thiệu cư ngụ tại Santa Ana từ năm 1991; Cơ Khí Trưởng HQ Trung Úy Cơ Khí Ngô Việt Hùng định cư tận vùng đất giá băng lạnh lẽo thành phố hải cảng Halifax, tiểu bang Nova Scocia, Canada; trưởng phiên chi đội 1 hải hành HQ. Trung Úy Nguyễn Lộc Thọ đang định cư tại Montreal, Canada; trưởng phiên chi đội 2 HQ Trung Úy Huỳnh Thiện Khiêm đang ở Melbourne cùng vợ con và đàn cháu ngoại; trưởng phiên chi đội 3 HQ Trung Úy Nguyễn Đắc Minh (Khóa 25 Võ Bị) sang Mỹ muộn màng theo diện HO cơ cực vất vả ở San Jose. Dù đã hơn 38 năm qua từ khi tàn cuộc chiến, nhưng mỗi khi tháng Tư về lòng tôi vẫn ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa của một thời chinh chiến còn in đậm trong ký ức:
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng Tư.
(thơ Cao Tần)
Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ.11
Chiều ngày 31-03-1975 Hộ Tống Hạm HQ.11 được lệnh khẩn cấp từ Cam Ranh hải hành ra Qui Nhơn để bảo vệ thành phố này đang bị áp lực Cộng quân uy hiếp nặng nề. Trước đó chiến hạm đã di tản Duyên Đoàn 21 tại Đề Gi về căn cứ Cam Ranh. Qui Nhơn là thành phố phía Bắc của Quân Khu 2 thuộc khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn 22 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm chỉ huy, bây giờ đang là ải địa đầu chống trả các đợt tấn công ồ ạt của các Sư Đoàn CS vì Quân Khu 1 ở Đà Nẵng đã di tản từ hai ngày qua. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều ngày 31-03-1975, HQ.11 cón cách Qui Nhơn 50 hải lý, tôi lên đài chỉ huy nhận phiên trực hải hành từ 6 giờ đến 8 giờ tối. Vừa bước lên đài chỉ huy, tôi nhận thấy một bầu không khí căng thẳng vì đông đảo các sĩ quan hiện diện. Hạm Trưởng là Hải Quân Thiếu Tá Phạm Đình San (Khóa 10 SQHQ/Nha Trang) bận rộn liên lạc trên máy truyền tin với các giới chức thẩm quyền tại Qui Nhơn, được biết tình hình tại đó đang nguy ngập cần gấp các chiến hạm đến yểm trợ hải pháo. Cùng lúc đó, chiến hạm tôi thấy lố nhố nhiều chiến hạm bạn đang trên đường từ Đà Nẵng di tản về, bắt đầu bằng những chấm đen nhỏ xa tít tắp từ cuối đưòng chân trời. Đó là các chiến hạm chuyển vận thuộc hạm đội Hải Quân Việt Nam đang di tản các đại đơn vị của Quân Đoàn 1 như các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 3 Bộ Binh,...từ Đà Nẵng về Cam Ranh hoặc Vũng Tàu. Mọi người hiện diện trên đài chỉ huy đều ngỡ ngàng vì không ngờ tướng Ngô Quang Trưởng lại để Quân Khu I thất thủ nhanh chóng đến như thế. Chiến hạm vẫn lặng lẽ tiến về phương Bắc, ngược chiều với các chiến hạm bạn đang lũ lượt di tản, chạy cách bờ khoảng 6 hải lý (tương đương gần 11 km). Mặt trời đang chiếu những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà, bóng tà dương tròn đỏ thẫm đang từ từ lẩn khuất sau dãy Trường Sơn như giấu mặt để khỏi chứng kiến cảnh đau lòng của quân dân miền Nam đang trốn chạy làn sóng đỏ. Khi mặt trời vừa khuất bóng, tiếng còi trên đài chỉ huy vang lên để cử hành lễ hạ kỳ. Mọi người đứng nghiêm chào lá quốc kỳ đang hạ xuống, sau đó chiến hạm bật đèn hải hành. Lúc đó các chiến hạm bạn đang tiến đến gần, đèn hải hành xanh đỏ lấp lánh cả một vùng biển trước mặt. Hạm Trưởng cho giám lộ đánh đèn để nhận diện từng chiến hạm. Thôi thì đủ cả, nào là HQ.501,HQ.503, HQ.404, HQ.802, HQ.402, HQ.801.... Được biết Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đang di tản trên chiến hạm HQ.404. Các chiến hạm nhỏ thì chạy sát bờ chen lẫn các duyên tốc đĩnh PCF, Coast Guard, Yabuta,... Qua máy truyền tin, Hạm Trưởng HQ.501 là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ (Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) cho hạm trưởng tôi biết tình hình thê thảm tại Đà Nẵng và riêng cá nhân anh bị kẹt vợ con ngoài đó, lái tầu xuôi Nam mà lòng anh đau như cắt. Đó là hình ảnh đau thương mà có lẽ trong đời tôi mới có dịp chứng kiến một quân đoàn di tản thê thảm như thế.
HQ.11 vẫn lặng lẽ ngược chiều với các chiến hạm bạn tiến về phương Bắc hướng về Qui Nhơn trong đêm. Sáng ngày 01-04-1975, chiến hạm yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bộ binh trong bờ. Thành phố đang rơi vào tình trạng nguy ngập, các đơn vị đóng quân của Tiểu Khu Bình Định và Sư Đoàn 22 Bộ Binh đang bị Cộng quân pháo kích nặng nề. Doanh trại của Hải quân đóng cạnh cửa sông gồm Hải Đội 2 Duyên Phòng và Tiền Doanh Yểm Trợ Tiếp Vận Qui Nhơn dưới quyền chỉ huy của HQ Trung Tá Võ Hữu Danh và HQ Trung Tá Lê Văn Thự đang chuẩn bị di tản. Quanh cửa biển, các chiến hạm thuộc Hải Đội Tuần Dương đều hiện diện đông đủ dưới sự chỉ huy tổng quát của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, phụ tá bởi Tư Lệnh Hạm Đội là HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn. Tướng Minh đã được chỉ định chức vụ Tổng Trấn Qui Nhơn thay thế Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm di tản ra biển trên một chiếc PCF vì kiệt sức ho ra máu chạy ra chiến hạm HQ.11. Hạm Trưởng tôi vội trình sự việc cho tướng Minh vừa đến Qui Nhơn biết và được lệnh chỉ thị chiếc PCF chở tướng Niệm sang HQ.3 có tướng Minh để tịnh dưỡng, giao quyền chỉ huy lại cho viên Tư Lệnh Phó tên là Trung điều động sư đoàn di tản.
Buổi sáng hôm đó, Qui Nhơn hầu như đắm chìm trong vùng lửa đạn, SĐ 22 BB đang bị VC tấn công dữ dội, Đại Tá Tư Lệnh Phó Trung đã bình tĩnh điều động các trung đoàn dưới quyền đẩy lui các đợt tấn công, khéo léo rút dần vào thành phố để ra cửa biển cho các tàu nhỏ Hải quân bốc ra khơi. Khoảng 10 giờ sáng, doanh trại Hải quân được lệnh phá hủy, đài kiểm báo cũng đốt bỏ trước khi di tản. HQ.11 đã đón nhận khoảng trên 200 quân nhân Hải Quân di tản này. Trên mặt biển, các duyên tốc đỉnh PCF dưới sự chỉ huy của Trung Tá Danh lướt sóng chạy ngang dọc và bắn súng cối 81 ly vào bờ để yểm trợ các đơn vị bạn trên đường rút ra biển di tản. Trong lúc hải pháo, một duyên tốc đĩnh đã bị tai nạn khi quả đạn 81 ly nổ tại nòng khiến cho xạ thủ tử thương tại chổ. Đến trưa 01-04-1975 Cộng quân đã tiến chiếm nhiều nơi trong thành phố, các đơn vị bộ binh trên đường rút lui đã bị VC pháo kích đuổi theo gây nhiều tổn thất về nhân mạng. Tướng Hoàng Cơ Minh liền ra lệnh tất cả chiến hạm được phép xử dụng hỏa lực tối đa bắn vào các vị trí CS trong thành phố. Tư lệnh Hạm Đội liên tục gọi máy cho chiến hạm tôi bắn hải pháo vào bờ. Hạm Trưởng vì mấy ngày liền nói chuyện, hò hét trên máy truyền tin nên bị khan giọng mệt lả. Các chiến hạm đồng loạt nã hải pháo vào bờ, gây ra những đám cháy với những cột khói đen mù mịt bầu trời. Nhờ thế mà các đơn vị Bộ Chì Huy 2 Tiếp Vận, Tiểu Khu và các Trung Đoàn của SĐ22BB mở đường máu chạy ra bờ biển và bơi ra các chiến đĩnh. Sau này chúng ta ghi nhận một tấm gương tuẫn tiết thật can trường của vị Đại Tá Trung Đoàn trưởng TrĐ.42 BB Nguyễn Hữu Thông đã tự sát không chịu di tản.
Đến 4 giờ chiều, trong lúc HQ.11 đang say sưa nã 76,2 ly vào khu vực Cầu Đôi và trận chiến càng khốc liệt hơn với từng toán quân nhân túa ra bờ biển di tản thì máy truyền tin nhận được tin khẩn cấp từ Trung Tâm Hành Quân Vùng 2 Duyên Hải tại Cam Ranh cho biết Nha Trang đang hối hả di tản, thành phố đang bỏ trống vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã hoàn toàn mất liên lạc. Tướng Hoàng Cơ Minh chỉ thị cho chiến hạm tôi chỉ huy một chiếc Hộ Tống Hạm và một Trợ Chiến Hạm lập tức trở về Cam Ranh ngay, bỏ lại sau lưng cảnh chiến trường khốc liệt với lửa đạn ngút trời. Vài giờ sau, tin xấu lại nhận thêm là Tiểu Khu Khánh Hòa, Đặc Khu Cam Ranh, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang do Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu làm Chỉ Huy Trưởng đã di tản. Tướng Minh vội huy động các chiến hạm, chiến đĩnh tác xạ tối đa và tiến sát vào bờ để bốc các chiến hữu bộ binh càng nhiều càng tốt. Sau đó, ông giao chiến trường lại cho HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn chỉ huy, tướng Minh theo HQ.3 rời vùng trở về Cam Ranh trước. Thế là chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, tình hình chiến sự đã suy sụp quá mau chóng, ngoài sức dự liệu của các cấp chỉ huy, tướng Minh đã trúng kế “điệu hổ ly sơn” của thượng cấp khi chỉ định ông làm Tổng Trấn Qui Nhơn khiến ông bỏ nhà trống, dốc toàn lực lượng ra chiến đấu tận Qui Nhơn xa xôi này, trong khi Cam Ranh và Nha Trang đang bỏ chạy. Đêm hôm đó, đi phiên hải hành ai nấy đều mỏi mệt, kinh hoàng vì các biến cố đau xót ập xuống đất nước dồn dập. Trên hệ thống âm thoại đêm đó, tôi nghe được giọng nói lo âu của HQ Đại Tá Nguyễn Văn Hớn Tư Lệnh Phó V2DH báo cáo tình hình cho tướng Minh:
- Trình thẩm quyền, nhà lớn hiện nay đã mất liên lạc với Quân Đoàn 2, Tiểu Khu Khánh Hòa, TTHL/HQ/Nha Trang, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận cùng tất cả các đơn vị bộ binh tại đây. Chỉ còn duy nhất Hải Quân tại bán đảo này. Xin thẩm quyền cho chỉ thị để tôi thi hành.
Tướng Minh vẫn điềm tĩnh, giọng nói dõng dạc trong máy:
- Tôi nhận rõ, anh ở nhà cố gắng điều động thuộc cấp giữ vững vị trí, chờ tôi về.
- Thẩm quyền cho biết bao giờ mới về tới nhà lớn? (Cam Ranh)
- Khoảng 4 giờ chiều mai.
Sau những ngày bi thảm đầu tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh Phan Rang lập thành “Phòng Tuyến Thép” nhằm ngăn chận làn sóng đỏ tại nơi quê hương của Tổng Thống. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được giao phó trọng trách này, giữ chức Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3, dưới quyền có Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 6 Không Quân, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Duyên Hải. Ngoài ra Phan Rang còn được tăng phái thêm Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù do Đại Tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy. Trong thời gian này, tỉnh lỵ Bình Thuận bị áp lực Cộng quân nặng nề, tỉnh lỵ bị pháo kích từng đợt không dứt.
Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ.3
Sáng ngày 16-04-1975 Phan Rang bị thất thủ, Trung Tướng Nghi và Chuẩn Tướng Sang lọt vào tay Cộng quân , Chuẩn Tướng Nhựt leo trực thăng bay thoát ra biển được tuần dương hạm HQ.3 cứu vớt. Phan Rang mất, Phan Thiết bị áp lực CS đè nặng hơn vì ban đêm từng đoàn quân xa của địch rất dài rọi đèn pha tiến về phương Nam, từ ngoài khơi nhìn thấy rất rõ tại eo biển Cà Ná. Đêm hôm đó, HQ.11 cùng với một số chiến hạm vẫn tuần tiễu vùng biển Phan Rang, phát hiện từng đợt quân xa địch pha đèn chạy trên quốc lộ 1 ngang Cà Ná dài cả mấy cây số. Chiến hạm vội nã đại bác vào bờ, đồng thời báo cáo cho tướng Minh xin phi cơ ra oanh tạc. Hai phi đội F.5 và A.37 bay đến oanh tạc, bị lực lượng phòng không địch bắn trả dữ dội, đạn lửa đan kín một vùng trời. Một máy bay A.37 bị bắn rớt, phi công nhảy dù đáp trên một ngọn núi (có thể là phi công Lý Tống).
Sáng ngày 17-04-1975 toàn tỉnh Phan Rang hầu như nằm trong vùng kiểm soát của CS, chỉ còn kẹt lại một vài đơn vị nhỏ Nhảy Dù đang kẹt gần eo biển Cà Ná, chuẩn bị rút về quận lỵ Tuy Phong cách đó 10 km để chờ các tàu Hải Quân vào đón. Dương Vận hạm HQ.503 đang thả neo ngoài khơi cách bờ 5 hải lý, chỉ huy chiến thuật các chiến hạm trong vùng đang nhận người di tản chạy ra tàu. Trong lúc đó, tướng Minh đang trên HQ.3 ra đây để trực tiếp chỉ huy, ông đích thân chỉ thị cho Hạm Trưởng tôi phải bắn sập cây cầu Núi Chẹt tại eo biển Cà Ná để cắt đứt đường chuyển quân của địch vào Phan Thiết. Được biết cây cầu này rất kiên cố, được hãng thầu RMK xây cất nên khó lòng triệt hạ được.
Tuân lệnh tướng Minh, chiến hạm tôi trong nhiệm sở tác chiến toàn diện suốt ngày hôm đó, tiến vào gần bờ và chạy song song để hai khẩu 76,2 và 40 ly cùng đồng loạt tác xạ. Bắn nhiều lần nhưng cây cầu vẫn cứ trơ trơ. Trong khi đó, viên phi công lâm nạn trên ngọn núi đêm qua, thỉnh thoảng dùng tấm gương rọi ánh nắng mặt trời ra chiến hạm xin tiếp cứu. Chiến hạm chỉ biết xử dụng quang hiệu đánh đèn an ủi viên phi công, nhưng biết làm sao mà tiếp cứu đây!
Đến 2 giờ chiều, đơn vị Dù bị VC tấn công dồn dập, được lệnh mở đường máu tiến về quận Tuy Phong để các chiến đỉnh thuộc Duyên Đoàn 27 đón ra khơi. Hạm Trưởng nóng lòng vì bắn mãi không triệt hạ được cây cầu nên đổi chiến thuật, vận chuyển chiến hạm từ ngoài khơi nhắm thẳng vào cây cầu để cho khẩu pháo 76,2 bắn thẳng từng phát vào chân cầu, nhưng kết quả vẫn chưa như ý. Khi tàu còn cách bờ nửa hải lý, bất ngờ 4 chiếc xe tăng T.54 của VC lù lù xuất hiện, pháo ra chiến hạm tới tấp. Con tàu vội vận chuyển đổi hướng ra khơi, Hạm Trưởng ra lệnh tay lái hết bên mặt, đồng thời tăng vận tốc từ “hai máy tiến hai” sang thành “hai máy tiến ba” (chiến hạm bị cong trục láp từ trước, chưa được lên ụ sửa chữa nên không thể chạy “hai máy tiến full” được). Lúc đó, tôi đứng trên đài chỉ huy, nhìn vào trong bờ thấy 4 khẩu pháo trên xe tăng VC đua nhau chớp lửa,từng quả đạn rít gió bay ra chiến hạm âm thanh réo rú đến rợn người, rớt xuống biển nổ vang tạo nên những cột nước trắng xóa bao quanh chiến hạm. Hạm Trưởng vẫn điềm tĩnh lái tàu ra khơi, đồng thời ra lệnh cho các khẩu pháo sau đài chỉ huy tác xạ vào bờ phản pháo. Con tàu lắc lư, máy tàu gầm rú chạy xịt khói, chân vịt rung chuyển khua vang cùng các khẩu hải pháo đua nhau nổ ròn rã như tiết tấu bản nhạc của tử thần.
Mãi hơn mười phút sau, con tàu mới chạy thoát khỏi tầm đạn của đối phương. Hai khẩu đại bác 40 ly ở sân giữa vì bắn trả liên tục quá nhiều nên nóng đỏ cả nòng súng, viên đạn không bay đi xa được. Kiểm soát lại sự tổn thất, chiến hạm tôi chỉ bị trúng duy nhất một quả đạn xuyên hông từ tả hạm lúc con tàu quay mũi đổi hướng ra khơi đưa cả hông tàu cho VC bắn, làm cho Thượng Sĩ I Vô Tuyến Nguyễn Văn Bàng tử thương và hai thủy thủ khác bị thương nơi xương sống. Đau xót cho Thượng Sĩ Bàng, đêm qua anh vừa nhận điện tín vợ con đã di tản từ Nha Trang vào đến Sài Gòn. Tin vui vừa nhận được còn đó thì nay anh đã đền nợ nước, vĩnh biệt vợ hiền con thơ, vĩnh biệt các chiến hữu cùng anh chống trả bọn Cộng sản vô thần trong những ngày tối đen của tổ quốc. Hạm Trưởng với nét mặt đầy xúc động, lên máy báo cáo trực tiếp cho tướng Minh:
- Trình thẩm quyền, chiến hạm tôi vừa đụng độ với xe tăng T.54 Việt Cộng, một thằng em bị bắn nát đầu thê thảm quá, hai thằng em khác bị thương. Bây giờ nghĩa tử là nghĩa tận, xin phép thẩm quyền cho tôi được rời vùng để đưa các em tôi về Sài Gòn.
Đầu máy bên kia, tướng Minh ngỏ lời chia buồn và khuyên giải:
- Nhân danh Tư Lệnh Mặt Trận, tôi gửi lời chia buồn đến toàn thể thủy thủ đoàn HQ.11 và chia buồn cùng gia quyến chiến hữu vừa mới hy sinh. Nhưng tình hình mặt trận tại đây quá nguy ngập, đang cần sự có mặt của anh để cùng tôi bảo vệ vùng biển này. Tôi sẽ không quên công lao đó của các anh em, vậy anh nghĩ sao?
- Xin tuân lệnh thẩm quyền, HQ.11 sẽ sát cánh với thẩm quyền trong những giờ phút này. Đề nghị thẩm quyền cấp phương tiện cho tôi để đưa xác và tải thương các em tôi về Sài Gòn.
- Được, tôi sẽ phái thằng HQ.608 đến giúp anh việc đó.
Khoảng 7 giờ tối, tuần duyên hạm HQ.608 cặp bên tả hạm HQ.11 để tải thương và đưa thi hài Thượng Sĩ Bàng về Sài Gòn. Thủy thủ đoàn HQ.11 tập họp nơi sân lái để làm lễ tiễn đưa vĩnh biệt Thượng Sĩ Bàng. Nhìn xác anh mất đầu được bó gọn trên chiếc băng ca khiến anh em đều bồi hồi thương xót. Hạm trưởng ứng khẩu đọc một bài điếu văn tiễn biệt. Vẫn biết rằng cuộc đời lính chiến thì cái chết ập xuống bất ngờ nào ai tránh khỏi, nhưng nhiều anh em đã khóc vì tiếc thương anh. Xong phần nghi lễ, xác anh được chuyển sang HQ.608 cùng với một số nhân viên tháp tùng do Thượng Sĩ Trọng Pháo Tiếp làm trưởng toán để tham dự tang lễ của anh. Sau này nghe các anh ấy về kể lại, khi HQ.608 cặp cầu Cát Lái, xác anh được đưa thẳng vào nghĩa trang quân đội Biên Hòa, sau đó mới báo tin cho vợ con vào nhìn anh lần cuối. Vợ anh đã khóc ngất khi nhìn thấy thi thể anh, kêu gào thảm thiết: “Cái đầu của chồng tôi đâu? Trả cái đầu lại cho chồng tôi!!” làm cho mọi người hiện diện đều rướm lệ:
Anh mặc làm chi màu áo trắng
Để em nhìn thấy lại thêm thương
Anh ơi, sao nỡ chia lià vội
Để lệ ai rơi mấy dặm đường
(thơ Thụy Châu)
Đó là hình ảnh cái chết của một chiến hữu của tôi trên chiến hạm HQ.11 trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam mà tôi mạn phép tường thuật mất dòng tỉ mỉ trên đây.
Sáng ngày 18-04-1975 tình hình tại Cà Ná đã quá nguy ngập, các đơn vị bạn tại đây đều bị chận đường di tản và mất liên lạc, chỉ có một số nhỏ chạy thoát xuống quận Tuy Phong. Hộ Tống Hạm HQ.07 vào thay thế HQ.11 tiến vào gần bờ để yểm trợ bị VC pháo ra dữ dội nhưng may mắn vô sự. Khoảng 5 giò rưỡi chiều, Dương Vận Hạm HQ.503 đang ở vị trí cách bờ 4 hải lý (khoảng 7 cây số, một hải lý = 1852,25m) bị Cộng quân pháo ra dồn dập. Đài chỉ huy bị trúng đạn nổ tung, gây nhiều tổn thất thương vong cho thuỷ thủ đoàn (trong đó có 4 sĩ quan hy sinh) và Hạm Trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc bị thương ở đầu. Hạm Trưởng Lộc đã trúng mảnh đạn vào đầu, máu tuôn lênh láng. Ông đã mang mảnh đạn trong đầu khi di tản tị nạn sang Hoa Kỳ 1975, không thể giải phẩu mổ ra được suốt 30 năm trường, cuối cùng ông đã qua đời tại San Jose, California năm 2005. Các chiến hạm trong vùng vội chạy đến tiếp cứu và hải pháo vào nơi đặt súng của Cộng quân.
Riêng HQ.11 đang tuần tiểu ở phía Nam cách đó 2 hải lý, vội vàng nhấn còi nhiệm sở tác chiến, vừa chạy vừa bắn 76,2 vào bờ. Tôi thấy HQ.503 cứ chập choạng quay mũi vào bờ, trong khi các trái đạn pháo nổ văng nước tung tóe quanh tàu, lúc bị trúng đạn thì bụi khói đen như trái nấm tung lên. Mãi một lúc lâu, HQ.503 mới lên máy liên lạc, báo cáo trở ngại vận chuyển. Hạm Trưởng tôi vội ban lệnh cho thủy thủ đoàn chuẩn bị dây giòng để đến kéo HQ.503. Thủy thủ đoàn tập họp nơi sân giữa, chuyền tay kéo từng khúc dây giòng to tướng như con trăn từ dưới hầm chuyển lên làm cho ai nấy đều mệt lả vì cuộn dây quá dài. May mắn làm sao, HQ.503 lúc đó báo cáo tự vận chuyển được và cũng là lúc tướng Hoàng Cơ Minh lên máy chỉ thị cho HQ.11 được phép rời vùng và hộ tống HQ.503 về Sài Gòn.
Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ.503
Trên đường hải hành, khoảng 9 giờ tối đêm hôm đó, chiến hạm đang chạy ngang vùng biển Phan Thiết thì cũng vừa nhận tin tỉnh lỵ này vừa thất thủ, viên Đại Tá Tỉnh Trưởng đã chạy đến Duyên Đoàn 28 để xuống tàu di tản ra khơi và trên đường đến trình diện tướng Minh. Thế là toàn cõi Quân Khu 2 đã hoàn toàn thất thủ kể từ tối 18-04-1975 sau nhiều cố gắng ngăn chận làn sóng đỏ bất thành. Nửa đêm đó, tôi lên phiên trực hải hành, nghe trên hệ thống âm thoại HQ.503 báo cáo về Trung Tâm Hành Quân Biển tại Sài Gòn danh sách tổng cộng 25 chiến hữu thương vong mà lòng buồn não nuột. Khoảng 10 giờ sáng 19-04-1975, chiến hạm tôi và HQ.503 đã về tới cửa biển Vũng Tàu. HQ.503 được lệnh vào sông Lòng Tào về Sài Gòn sửa chữa khẩn cấp dưới sự hộ tống của các chiến hạm khác. HQ.11 nhận lệnh neo tại Vũng Tàu nghỉ bến, đi chợ mua thực phẩm, nhận tiếp tế đạn dưọc, nhiên liệu, nước ngọt chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới. Đồng thời, chiến hạm được thay thế hai nòng súng 40 ly mới. Thủy thủ đoàn rất mệt mỏi và tinh thần căng thẳng vì tham dự các trận chiến khốc liệt liên tiếp suốt mấy tuần qua.
Nghỉ bến được 36 tiếng, đúng 1 giờ sáng ngày 21-04-1975 chiến hạm nhận lệnh sẳn sàng nhổ neo lên đường công tác. Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào Tư Lệnh Hải Quân Vùng 3 Duyên Hải từ một chiếc duyên tốc đĩnh cặp vào và được Hạm Trưởng đón tiếp lên tàu, cờ một sao Đô Đốc được kéo lên bay phất phới trên cột cờ. Chiến hạm kéo neo hải hành ra mặt trận Bình Tuy trực tiếp chỉ huy vùng lãnh hải trách nhiệm của ông thay thế cho tướng Hoàng Cơ Minh. Khoảng 8 giờ sáng, chiến hạm tôi đã đến nơi, vẫn đông đủ các chiến hạm bạn quanh vùng. HQ.11 từ từ cặp vào HQ.16 đang có mặt tướng Minh ở đó, tướng Minh vẫn tươi cười giơ tay vẫy chào tướng Đào. Khi chiến hạm vừa cặp xong, tướng Minh cùng với Hạm Trưởng HQ.16 là HQ Trung Tá Lê Văn Thì sang thăm viếng tàu tôi. Hạm Trưởng San đã hướng dẫn nhị vị tướng quân đi quan sát chỗ tàu tôi bị trúng đạn, lỗ đạn bắn thủng thành tàu và xuyên phá qua 5 lớp vách tàu rồi xuyên ra ngoài. Tướng Minh đã ngỏ lời ngợi khen lòng dũng cảm của toàn thể thủy thủ đoàn và hứa sẽ tưởng thưởng xứng đáng. Sau đó, tướng Minh bàn giao vùng trách nhiệm cho tướng Đào để trở về Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới. Vài ngày sau, ông đã giữ đúng lời hứa, gửi công điện ra chiến hạm tôi ban thưởng rất nhiều huy chương và cho 2 nhân viên được thăng cấp đặc cách. Hạm Trưởng đã gửi phiếu trình đề nghị thăng cấp đặc cách cho Cơ Khí Trưởng là HQ Trung Úy Cơ Khí Ngô Việt Hùng và Hạ Sĩ I Vận Chuyển Viễn
Sau khi tướng Đào và bộ tham mưu sang HQ.16, chiến hạm tôi sang cặp chiếc Hải Vận Hạm HQ.400 để nhận lãnh thêm một số đạn đại bác. Tôi đã gặp vài người bạn trên chiến hạm này, ai nấy đều tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau về những tin chiến sự dồn dập vừa qua, cùng thì thầm to nhỏ tính toán chuyện đời mình nếu miền Nam sụp đổ. Các chiến hạm về Vũng Tàu đều dự trữ lương thực, gạo chất đầy kho, cá khô, nước mắm đóng thùng bốc mùi tanh tưởi..
Được những giây phút hiếm hoi hai chiến hạm cận kề bên nhau, hai hạm trưởng rút vào phòng riêng tâm tình bàn thảo, hai thủy thủ đoàn từng nhóm tụ lại với nhau bên ly cà phê nóng chuyện trò, đồng thời cùng xem tivi trên HQ.400 để theo dõi tin tức. Suốt mấy tuần qua, mọi người đều chăm chú nghe ngóng tin tức đột biến trong các giờ phát thanh của đài BBC,VOA...mà đau xót, thở dài lo âu cho tình hình đất nước và thân phận mình. Bây giờ hai vị hạm trưởng này đều di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại miền Nam California vùng Little Saigon (HQ Trung Tá Võ Quang Thủ Hạm Trưởng HQ.400).
Tình cờ, chúng tôi được chứng kiến một quang cảnh lịch sử trên màn ảnh truyền hình đang trực tiếp tường thuật buổi lễ trao quyền Tổng Thống tại Dinh Độc Lập: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Lắng nghe bài diễn văn từ chức của ông Thiệu, chúng tôi đều thở dài ngao ngán. Ông Thiệu đã chửi Mỹ thậm tệ, tố cáo bạn đồng minh phản bội. Kết thúc bài diễn văn, ông Thiệu không quên hứa với đồng bào là tuy ông từ chức Tổng Thống, đồng bào sẽ có thêm một chiến sĩ, quân đội có thêm một trung tướng chiến đấu chống bọn Cộng sản đến cùng!!! Nhưng chỉ 4 ngày sau ông Thiệu đã nuốt lời hứa, cao chạy xa bay rời bỏ quê hương sang Đài Loan tối 25-04-1975 , bỏ lại đất nước và đồng bào bơ vơ sắp rơi vào gông cùm Cộng sản.
Yểm trợ mặt trận Hàm Tân được hai ngày thì tỉnh lỵ này lại bị Cộng quân tràn ngập. Quân ta trước khi di tản xuống tàu đã phá hủy kho đạn, phi trường cùng chiếc vận tải cơ C.130 bất khiển dụng tại đó. Đoàn hạm đội lại xuôi về Nam bảo vệ quận lỵ Xuyên Mộc.Thế là vùng hoạt động của Hải quân từ nay chỉ còn vỏn vẹn vùng đồng bằng đến mũi Cà Mau.
Sáng ngày 24-04-1975, chiến hạm tôi được lệnh thẳng từ Trung Tâm Hành Quân Biển tại Sài Gòn tăng phái cùng 3 tuần dương hạm ra tái chiếm lại quần đảo Trường Sa.Trước đó, lực lượng trú phòng tại đảo này báo cáo về Sài Gòn là các chiến hạm của Hải quân Trung Cộng đã tới chiếm đảo. Nhớ lại ngày 19-01-1974, bốn chiến hạm của HQ/VN đã hải chiến một trận kịch liệt với các chiến hạm Trung Cộng gây nhiều tổn thất thương vong cho cả hai bên, đặc biệt chiến hạm cùng loại với chiến hạm tôi là HQ.10 bị chìm.
Tuân lệnh trên, HQ.11 cùng với ba chiến hạm bạn theo đội hình trực chỉ ra Trường Sa. Thủy thủ đoàn bận rộn chuẩn bị ôn tập lại các nhiệm sở, nào là tác chiến, phòng không, đào thoát... để sẳn sàng trận hải chiến sắp tới. Nhưng vài tiếng đồng hồ sau dó, khi các chiến hạm đã rời xa đất liền thì Sài Gòn gọi máy ra hủy bỏ lệnh hành quân đó và chỉ thị các chiến hạm quay về vùng công tác cũ. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm..
Trở lại vùng biển Xuyên Mộc, tôi thấy các chiến hạm bạn đang bận rộn yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bộ binh trong bờ. Khoảng nửa đêm 24-04-1975 Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào chỉ thị chiến hạm tôi cùng với chiếc tuần duyên đĩnh HQ.712 ra đảo Phú Quý để thiết lập đầu cầu di tản. Được biết đảo Phú Quý nằm ngoài khơi tỉnh Phan Thiết, cách đất liền 80 hải lý (145km), nằm trên hải đạo từ Vũng Tàu đi Phi Luật Tân. Dân cư sinh sống trên đảo rất trù phú nhờ sinh sống bằng nghề đánh cá khá phát đạt.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 25-04-1975, HQ.11 cùng với HQ.712 đang lặng lẽ rẽ sóng hướng ra đảo Phú Quý thì phát hiện một chiến hạm Mỹ đang theo sát chúng tôi. Lúc ấy, mặt trời vừa ló dạng trước mũi chiến hạm, biển thật êm, tôi thấy chiến hạm Mỹ chạy song song với chiến hạm tôi khoảng cách 3 hải lý, bắt đầu dùng quang hiệu hỏi chúng tôi:
- What ship? Chúng tôi trả lời quang hiệu bằng tiếng Anh:
- Chiến hạm của Hải quân Việt Nam HQ.11. Chiến hạm Mỹ tiếp tục đánh đèn hỏi:
- Nam Việt Nam.
- Các bạn đi đâu?
Bị tra hỏi lôi thôi, hạm trưởng và mọi người trên đài chỉ huy đều bực dọc, buột miệng chửi thề. Ai đời trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa mà một chiến hạm đồng minh dám xấc xược tra khảo láo lếu như thế. Hạm trưởng giận tím mặt, chửi thề om sòm, ra lệnh cho giám lộ đánh đèn trả lời:
- Chúng tôi đang thi hành công tác đặc biệt.
Nhận được câu trả lời như thế, chiến hạm Mỹ liền tăng máy tiến nhanh về hướng chiến hạm tôi. Hơn mười phút sau nó đã đến sát tàu tôi với các khẩu đại bác đều chĩa thẳng vào chiến hạm tôi. Chúng tôi nhận ra đây là chiếc Khu Trục Hạm USS.1052. Hạm trưởng vội liên lạc máy về Sài Gòn để can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tránh ngộ nhận. Từng giây phút chậm chạp trôi qua, chiến hạm Hoa Kỳ chạy song song với tàu tôi với thái độ thiếu thân thiện. Hạm trưởng cho giám lộ đánh đèn với tàu Mỹ để nói chuyện bằng máy truyền tin VRC.46. Vài phút sau, hạm trưởng đã đàm thoại với hạm trưởng Mỹ bằng tiếng Anh để giải tỏa tình trạng căng thẳng và sau đó tàu Mỹ đã bỏ đi mất dạng.
Khu Trục Hạm USS KNOX FF.1052
Chiến hạm tôi vẫn tiếp tục hải hành và khoảng 1 giờ trưa thì đến đảo Phú Quý và thả neo cách bờ khoảng nửa hải lý tại phía Nam hòn đảo này. Từ ngoài khơi nhìn vào trong bờ, tôi nhận thấy dân chúng nơi đây có vẻ an cư lạc nghiệp, thái bình với những căn nhà gạch lợp ngói đỏ ẩn nấp bên những hàng dừa xanh sai trái. Chỉ một giờ sau có một ghe nhỏ chở viên Xã Trưởng cùng với ba viên Thiếu Úy Phân Chi Khu Trưởng đại diện chính quyền địa phương ra tiếp đón. Các viên chức này báo cáo cho chúng tôi biếtlà đảo đã mất liên lạc với đất liền từ mười ngày qua và đang sống trong tình trạng lo âu. Trên đảo đang chứa rất đông đồng bào từ đất liền chạy trốn thảm cảnh chiến tranh và đang lánh nạn tại đây. Hạm Trưởng liền báo cáo tin tức sơ khởi về Sài Gòn và đề cử Hạm Phó là HQ Thiếu Tá Trần Đức Huân lên bờ chỉ huy các đơn vị trên đảo. Hạm Phó Huân vừa đi phép về chiến hạm từ ba ngày qua.Nhưng giới chức thẩm quyền tại Sài Gòn không chấp thuận đề nghị này, chỉ thị hạm trưởng phải trực tiếp chỉ huy và gấp rút hoạch định kế hoạch để Sài Gòn đưa người di tản ra đảo. Trong lúc đó, chúng tôi phát hiện một chiến hạm Mỹ đang lảng vảng xa tít ở hướng Nam, có lẽ canh chừng mọi di chuyển của chiến hạm tôi. Chiều đó, hạm trưởng cho phép một nửa quân số cùng với hạm trưởng lên bờ chơi và thám sát tình hình. Còn hạm phó và một số anh em ở lại trực tàu. Thế là sau mấy tuần lễ gian khổ, hiểm nguy vì liên tục tham dự các trận chiến khốc liệt, chứng kiến cảnh di tản bi thảm của quân dân miền Nam, ai nấy đều mệt mỏi, lo âu. Chiều nay mới được thảnh thơi lên bờ dạo phố, mặc dầu chỉ là một hải đảo xa xôi để tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn vừa qua.Kiếp sống người thủy thủ cũng lắm vất vả, truân chuyên như thế đó. Ngày đêm theo chiến hạm lênh đênh trên biển cả đã bị vùi dập bởi những cơn biển động phũ phàng, thủy thủ đoàn mệt ngất ngư vì “say sóng”. Khi lên bờ dạo phố, đôi chân bước trên mặt đất mà vẫn thấy đất trời đang quay cuồng như cảnh con tàu đang lắc lư làm cho anh em lảo đảo vì “say đất”. Để rồi có vài anh em vừa hết cơn say đất, lại để hồn mình chơi vơi vì sóng mắt của giai nhân khiến cho mình lại lạc vào cơn say êm đềm thú vị nhất đó là “say tình”. Có thể nói cuộc đời lênh đênh phiêu bạt của người lính biển trong những ngày tháng gắn liền với trùng dương làm cho anh em có ba cái thèm mãnh liệt: thứ nhất thèm rau, thứ nhì thèm rượu, thứ ba là thèm ... đàn bà! Khi lên bờ, chúng tôi được các bạn Địa phương quân hướng dẫn di dạo một vòng quanh hòn đảo này. Sau đó, từng toán nhỏ tấp vào các quán nước ở chợ để được ngắm nhìn các cô chủ quán xinh xinh và thưởng thức các món ăn hải sản nơi đây như tôm hùm, cua rang muối, cá hấp, mực... cùng với các ly rượu đế pha với nước dừa ngọt lịm. Mọi người sau những ngày gian khổ, tạm gác nỗi lo âu trong lòng để hưởng một buổi chiều tuyệt đẹp và cảm thấy đời mình còn đáng sống. Đến tối chúng tôi trở về chiến hạm và nhổ neo đi tuần duyên quanh đảo.Sáng hôm sau về neo lại bến cũ, phân đội khác được lên đảo chơi, tình hình an ninh trên đảo vẫn khả quan. Trưa hôm đó, tuần duyên hạm HQ.608 từ Vũng Tàu ra chuyển giao tiền lương tháng 4/1975 cho chiến hạm tôi theo chỉ thị của tướng Vũ Đình Đào, vốn dành sẵn thiện cảm ưu ái rất nhiều cho hạm trưởng tôi. Trong ngày hôm đó, tàu tôi đã trao đổi với các viên chức địa phương vài thùng dầu để lấy một con heo. Buổi chiều hôm đó, thủy thủ đoàn đã được nhà bếp thết đãi một bữa tiệc nho nhỏ với món heo quay thật ngon lành. Trong khi ở đất liền tin tức chiến sự mỗi ngày càng bi đát hơn thì chúng tôi được hưởng mấy ngày công tác nhàn hạ hiếm hoi này. Nhưng đến 4 giờ sáng hôm sau 27-04-1975, chiến hạm tôi cùng với HQ.712 đang tuần tiễu quanh đảo, bỗng mất liên lạc truyền tin đầu giờ với các đơn vị bộ binh trong bờ. Sĩ quan đương phiên vội báo cáo sự việc cho hạm trưởng biết. Khoảng 5 giờ 30 sáng, HQ.712 đang cách tàu tôi 7 hải lý, báo cáo có một chiến hạm Bắc Việt đang xâm nhập đổ quân lên đảo. HQ.712 tiến đến gần để nhận diện rõ hơn, bất ngờ bị chúng tác xạ bằng súng thượng liên. HQ.712 bị trúng 4 viên đạn thượng liên nhưng may mắn vô sự, liền phản công tác xạ lại. Nhận thấy biến cố quan trọng, hạm trưởng cho nhận còi nhiệm sở tác chiến. Lúc đó, tôi đang nằm ngủ say sưa dưới phòng vì vừa mãn phiên trực, nghe tiếng còi tác chiến dồn dập vang lên. Tuy ngỡ ngàng, nhưng với phản ứng quen thuộc của người lính chiến, tôi vội nhảy xuống giường, chụp cái áo vội mặc vào người, xỏ chân vào đôi dép và vừa chạy vừa cài khuy áo tiến về đài chỉ huy. Chỉ trong khoảnh khắc thủy thủ đoàn đều có mặt tại nhiệm sở, các khẩu đại bác đang nạp đạn và lên đạn lách cách, báo cáo cho đài chỉ huy biết: tất cả sẳn sàng. Khi ấy trời vừa tờ mờ sáng, chiến hạm đang tăng máy tiến về tàu địch để dễ dàng tác xạ. Nhưng màn ảnh radar báo cho biết khoảng cách còn xa 11.000 yards (10 km). Tàu địch biết gặp nguy nên tăng tốc độ chạy trốn. Chiến hạm tôi vì chỉ chạy được hai máy tiến hai nên sợ hụt con mồi, ra lệnh cho chiếc HQ.712 chạy tránh xa và khẩu 76,2 trước mũi bắt đầu khai hỏa. Từng phát đạn nổ vang trong buổi bình minh, rung chuyển cả thân tàu, chúng tôi hồi hộp theo dõi quả đạn đi bằng ống nhòm để chờ kết quả. Nhưng trái đạn không đến mục tiêu, rớt phía sau tàu địch gây ra những cột nước trắng xóa.Dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng kết quả không như ý muốn. Cuối cùng tàu địch mỗi lúc một xa dần và khuất dạng về hướng Đông Bắc. Vừa lúc đó, bất ngờ trên bầu trời xuất hiện 3 chiếc khu trục cơ cánh quạt AD.6 của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ gầm thét lượn vòng trên đầu chúng tôi. Chiến hạm liền đổi sang nhiệm sở phòng không. Trên boong tàu, các khẩu đại bác, đại liên đều chĩa nòng lên trời, đề phòng bạn đồng minh phản bội. Tình trạng căng thẳng suốt nửa tiếng đồng hồ, mãi đến khi tàu địch chạy khuất hẳn, ba chiếc phi cơ kia mới bay đi mất hút. Chiến hạm tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với các đơn vị bộ binh trên đảo nhưng bặt vô âm tín. Tàu tôi và HQ.712 thả trôi cách bờ 1 hải lý, trước mặt trụ sở Ủy Ban Hành Chánh Xã để chờ phối kiểm tin tức. Khoảng 9 giờ sáng Cộng quân xử dụng bích kích pháo 81 ly đặt trước sân trụ sở xã, pháo ra chiến hạm tôi.Nhưng tầm pháo không đến tàu, nổ cách tàu khoảng 500m. Chiến hạm vờ chạy trốn ra khơi, bất thần quay lại và khẩu 76,2 trước mũi thanh toán mục tiêu thật gọn. Khẩu pháo 81 ly bị trúng đạn nổ tung, trụ sở xã bị sập, vài tên Cộng sản sống sót lom khom chạy trốn sang nhà dân gần đó. Khoảng 10 giờ sáng, một ghe nhỏ chở một người lính duy nhất chạy thoát ra biển, tắp gần đến chiến hạm và xin phép cho cặp. Khi chiến hạm cho phép cặp vào, đó là một hạ sĩ quan truyèn tin của đảo này trên vai có đeo một máy truyền tin PRC.25. Anh ta báo cáo cho chúng tôi biết các toán Cộng quân xâm nhập đảo cùng với các toán Cộng sản nằm vùng nổi dậy chiếm đảo từ lúc 4 giờ sáng. Chúng đã bắt giữ tất cả sĩ quan Phân Chi Khu Trưởng. Riêng viên xã trưởng may mắn thoát nạn vì đã quá giang HQ.608 về Vũng Tàu nhận chỉ thị từ đêm hôm qua. Hạm Trưởng báo cáo về Sài Gòn cho biết tình hình đột biến và xin quân tiếp viện ra đổ bộ tái chiếm hòn đảo này. Trong lúc chờ lệnh, chúng tôi phát giác xuất hiện rất nhiều ghe nhỏ từ bờ chạy ra đầy trên mặt biển, vây kín hai chiến hạm vào giữa. Quan sát kỹ bằng ống nhòm, chúng tôi nhận thấy thuyền nào cũng có hai người đàn ông vóc dáng lực lưỡng, không có vẻ gì là đồng bào di tản cả. Hạm Phó thúc hối Hạm Trưởng cho lệnh tác xạ. Hạm Trưởng ban lệnh đồng tác xạ, các khẩu súng nổ vang. Chiến hạm tôi và HQ.712 vừa chạy, vừa bắn khiến chúng lớp bị chìm, lớp khác chạy trối chết vào bờ.
Đến 2 giờ chiều 27-04-1975, Sài Gòn chỉ thị hai chiến hạm rời bỏ đảo Phú Quý và trở về Vũng Tàu ngay vì ở đó đang bị Việt Cộng bao vây và pháo kích dồn dập. Thế là chiến hạm đành trực chỉ về hướng Tây, bỏ lại sau lưng một hòn đảo vừa lọt vào tay giặc, cấp tốc trở về Vũng Tàu với trận chiến nhiều tàn khốc đang chờ đón chúng tôi. Trên đường đi, HQ.11 vẫn bị một chiến hạm Mỹ chạy song song ngoài xa bám sát chúng tôi. Đến 3 giờ sáng 28-04-1975, tàu tôi đã nhìn thấy ánh đèn chớp tắt của ngọn hải đăng Vũng Tàu thì trên mặt biển đầy những thương thuyền to lớn của Mỹ đang neo, cùng nhiều chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội đầy trên mặt biển, ánh đèn chiếu sáng rực như một thành phố trên biển. Khi còn cách xa Vũng Tàu, HQ.11 đã nhận lệnh yểm trợ hải pháo của Trung Tâm Hành Quân Vùng 3 Duyên Hải vì Cộng quân đã tiến chiếm tới cửa ngõ Vũng Tàu. Chúng tôi nhận lệnh mà chưa thể thi hành vì còn ở mãi ngoài khơi. Khoảng 7 giờ sang, tàu tôi đã đến gần Vũng Tàu, thấp thoáng sau lớp sương mờ, tôi thấy có nhiều tuần dương hạm, hộ tống hạm đang hải pháo vào phía Bắc thị xã Vũng Tàu giống như thị xã Qui Nhơn 4 tuần về trước. Trên mặt biển có HQ.802, HQ.505. HQ.12, HQ.07, HQ.400, HQ.5... đang bận rộn liên tục với các tàu nhỏ, ghe thuyền đưa người di tản chạy ra. Trên bầu trời, các trực thăng đang nhộn nhịp bay lượn đưa từng đợt người di tản ra các chiến hạm Hoa Kỳ. Đúng 9 giờ sáng, chiến hạm tôi từ từ vào cảng và thả neo tại đây. Được lệnh về thẳng Sài Gòn nhưng ai cũng ái ngại vì thấy Vũng Tàu sắp lọt vào tay Cộng quân, về Sài Gòn có khác chi chui đầu vô rọ. Hạm trưởng đã lộ nét tuyệt vọng than thở với nhân viên: “Việt Cộng mà bắt được tao thì chắc chắn đầu một nơi, gan ruột một nơi mất”, tìm cách nấn ná để theo dõi tình thế và chờ thủy triều lên. HQ.712 được trao trả V3ZH và chở người di tản. Vũng Tàu bị pháo liên tục không dứt, tướng Vũ Đình Đào ban lệnh di tản và các chiến hạm được phép “vận chuyển tự do”. Thị xã Vũng Tàu lúc ấy cực kỳ hỗn loạn, tràn ngập các quân dân từ miền Trung di tản vào, cùng với nhiều người từ Sài Gòn chạy ra để tìm đường lánh nạn Cộng sản. Trong lúc rối loạn này, bất ngờ có một chiếc LCM.6 cặp vào chiến hạm, chở theo một số nhân viên đi dự tang lễ Thượng sĩ Bàng trở về tàu. Các nhân viên này cho biết, quốc lộ 15 từ Sài Gòn ra Vũng Tàu đã bị gián đoạn, Sài Gòn đã bị pháo kích và miền Tây cũng bị cắt đứt tại Bến Lức, Long An. Trưa hôm đó, Vũng Tàu bị pháo kích dồn dập, gây ra nhiều đám cháy và thiệt hại nặng nề. Thị xã như đang lên cơn sốt tột độ với từng đợt trực thăng, chiến đĩnh, thuyền bè hối hả đưa người di tản ra biển. Mọi người nặng trĩu ưu tư, lo lắng cho gia đình bị kẹt lại nên đề nghị với hạm trưởng cứ đưa tàu về Sài Gòn. Chiến hạm nhổ neo và tiến vào sông Lòng Tào, bên hữu hạm là Vũng Tàu ngập chìm trong vùng lửa đạn. Chiến hạm trong nhiệm sở tác chiến , xuôi theo con nước lớn chạy vào trong sông, ngược chiều với các tàu chiến, thuyền ghe đang vội vã hướng ra biển đào thoát.
Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, chiến hạm về tới Nhà Bè, có chiếc Dương Vận Hạm HQ.800 đang thả neo. Hạm phó cho nhân viên dùng cơm chiều sớm hơn thường lệ để luân phiên ứng trực nhiệm sở tác chiến.Khoảng 5 giờ chiều, tôi lên đài chỉ huy để thay thế người khác đi ăn cơm thì trời bất ngờ đổ xuống một cơn mưa đầu mùa thật lớn. Trên boong tàu, nhiều nhân viên vẫn đội mưa ngồi trong các ổ súng, ướt loi ngoi. Bấy giờ đài phát thanh Sài Gòn đang trực tiếp truyền thanh buổi lễ trao quyền Tổng Thống giữa cụ Trần Văn Hương cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Tôi nhớ lời xướng ngôn viên đã ví von quang cảnh buổi lễ trao quyền này:” Đại Tướng Dương Văn Minh đã can đảm đứng lên nhận lãnh trọng trách lịch sử này trong giờ phút đen tối của đất nước, giống như bầu trời thủ đô đang bị các đám mây đen phủ kín báo hiệu một trận mưa to sắp đến...” Chẳng biết sau cơn mưa trời lại sáng hay không? Chỉ nghe thấytrong buổi lễ đó chỉ còn lèo tèo mấy giới chức cao cấp Việt Nam như Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, Trung Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng Trần Văn Minh Tư Lệnh Không Quân, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh Hải Quân. Còn các vị khác quan trọng hơn đã cao chạy xa bay tự bao giờ, không nghe nhắc đến. Rồi với giọng nói đều đều của Dương Văn Minh cất lên đọc bài diễn văn nhậm chức nghe thật buồn nản. Trong chỉ thị cho quân sĩ QLVNCH, tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của ông ta:”Tôi có đôi lời đến với các anh em trong QLVNCH. Tất cả phải ở nguyên vị trí chiến đấu. Không bỏ ngũ, không buông súng, mọi hành vi vô kỷ luật sẽ bị nghiêm trị”. Chiến hạm vẫn lầm lũi đi trong mưa tiến vào Sài Gòn, chúng tôi vừa lái tàu vừa lắng nghe radio. Khi trời vừa tạnh mưa thì buổi lễ vừa chấm dứt. Tàu giảm tốc độ để vào bến, con tàu xuôi theo con nước lớn nên vẫn lướt nhanh qua bến cảng Khánh Hội. Các khẩu súng vẫn đề phòng bất trắc, nòng hướng vào bờ.Khi tàu chạy ngang khách sạn Majestic, chúng tôi nhìn thấy sân thượng sập một góc vì trúng đạn pháo kích mấy ngày trước. Hạm trưởng cho giải tán nhiệm sở tác chiến chuyển sang nhiệm sở vận chuyển và dàn chào khi tiến vào bến Bạch Đằng. Chiến hạm vẫn giữ đúng nghi lễ, thổi còi chào Bộ Tư Lệnh Hải Quân cùng các chiến hạm bạn đang cặp bến. HQ.11 vẫn chưa được chỉ định vị trí cặp cầu dù đã gọi máy nhắc nhở nhiều lần cũng không xong, đành thả neo giữa sông Sài Gòn trước mặt Ty Quân cảng đúng vào lúc 6 giờ chiều 28-04-1975.
Vừa lúc đó, chúng tôi nghe tiếng bom đạn nổ rền từ hướng Tân sơn Nhất. Ai nấy đều ngơ ngác, máy truyền tin nhốn nháo cả lên. Bất ngờ, ba chiếc A.37 xuất hiện gầm thét trên bầu trời thủ đô, mọi người ngỡ rằng phe tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh nên chưa có phản ứng. Mãi 3 phút sau, các chiến hạm mới nhận được lệnh khẩn cấp:”F.5 không được bắn, A.37 tác xạ tự do”. Bấy giờ chúng tôi mới biết 3 chiếc A.37 là địch và chúng đang bay vòng trở lại, có ý nhào xuống chúng tôi.Các khẩu đại bác trên tất cả chiến hạm đều đồng loạt nổ dòn, bắn tới tấp vào các phi cơ đó, đạn nổ đan kín bầu trời. Chiến hạm tôi nhờ lợi thế đang neo giữa sông nên các khẩu súng đều tác xạ được cả, đạn nổ điếc tai. Đứng trên đài chỉ huy quan sát cảnh bắn máy bay, tiện tay tôi cũng chụp khẩu đại liên 30 bên tả hạm chĩa nòng lên trời và bóp còi say sưa.
Vì hỏa lực hùng hậu của Hải Quân cùng với các khẩu phòng không trên dinh Độc Lập nên 3 chiếc phi cơ địch không dám nhào xuống thả bom và bay khuất dạng về hướng Đông Bắc. Trong khi đạn nổ rền trời, một số đồng bào đang cưỡi Honda bên Thủ Thiêm dọc bờ sông, hoảng hốt bỏ xe nằm mọp xuống lề đường tránh đạn, bánh xe vẫn còn quay tít. Cũng trong lúc ấy, một chiếc vận tải cơ C.130 vừa cất cánh lên, vô tình lạc vào lưới đạn phòng không. Phi cơ bị trúng đạn, lảo đảo chơi vơi trên bầu trời nhưng rất may không rớt, cuối cùng đành hạ cánh khẩn cấp không di tản được. Sau khi 3 chiếc A.37 tẩu thoát, hai phi tuần F.5 gồm 4 chiếc bay lên săn đuổi. Hạm Đội ra lệnh tất cả các chiến hạm ngưng tác xạ và cho phép chiến hạm tôi vào cặp cầu L trước mặt Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Cầu tàu này đang có 4 chiếc Dương Vận Hạm đang cặp. Đó là HQ.502 vị trí 1 nằm ở trong cùng, kế đến HQ.501, rồi đến HQ.503 (bị pháo ngoài Cà Ná) và HQ.504. Chiến hạm tôi cặp phía ngoài cùng cạnh HQ.504, vị trí 5. Sau hơn một tháng công tác ngoài biển khơi, chiến hạm tôi nay trở về bến cũ với bầu không khí chiến tranh đang bao trùm thủ đô, dân chúng thủ đô đang sống trong cảnh hãi hùng như màn đêm đen tối đang phủ trùm xuống Sài Gòn vì bị cúp điện mãi đến hơn 9 giờ tối. Chỉ duy nhất doanh trại Hải Quân tại bến Bạch Đằng nhờ có máy đèn riêng nên có đèn điện sáng choang. Các đơn vị Hải Quân tại thủ đô đang trong tình trạng cấm quân 100%, canh phòng thật nghiêm ngặt, trong khi đó một số sĩ quan cao cấp đã và đang tìm đường đào tẩu. Sáng ngày 29-04-1975, đài phát thanh loan di lời kêu gọi của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu Mỹ rút tất cả nhân viên về nước trong vòng 24 giờ. Trung Tướng Vĩnh Lộc được cử làm Tân Tổng Tham Mưu Trưởng từ tối qua, ban nhật lệnh yêu cầu quân sĩ giữ vững tay súng, chiến đấu đến cùng. Bầu trời thủ đô xuất hiện từng đoàn trực thăng bay vào để bốc người di tản ra biển. Trong khi đó, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ở Biên Hòa đã thất thủ, từng đoàn quân xa đang nườm nượp chạy về Sài Gòn, đen kín cả cây cầu xa lộ Bình Lợi.Về hướng Tây Bắc, nghe tin Cộng quân đã tràn ngập SĐ.25BB , đang tiến vào cửa ngõ Sài gòn và giao tranh ác liệt đã xẩy ra từ Bà Quẹo về đến Ngã Tư Bảy Hiền. Một chiếc phi cơ C.119 bay lên tham chiến, chúng tôi nhìn thấy bị bắn rơi và phi công tử trận. Riêng các chiến hạm tại bến Bạch Đằng đều đặt trong tình trạng sẳn sàng chờ lệnh mới. Tinh thần binh sĩ rất hoang mang và lo âu. Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang vừa cách chức HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn Tư Lệnh Hạm Đội vì tiết lộ tin di tản quá sớm, thay thế bởi HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê. Các chiến hạm khiển dụng nhận lệnh sẳn sàng rời bến bất cứ lúc nào. Trên cầu tàu Hạm Đội, chúng tôi thấy HQ Trung Tá Nguyễn Văn Tánh Hạm Trưởng HQ.502 đang cùng với một số nhân viên đi trên chiếc xe Dodge chở các vật dụng hải hành xuống tàu, vì HQ.502 đang đại kỳ sửa chữa chưa xong.
Dương Vận Hạm Thị Nại HQ.502
Khoảng 2 giờ chiều, thủ đô đã lên cơn sốt di tản. Cộng quân đang pháo kích vào phi trường Tân sơn Nhất, giao tranh dữ dội giữa các đơn vị Biệt Cách Dù và Nhảy Dù với lực lượng Cộng quân tại vòng đai phi trường. Các hạm trưởng được lệnh lên họp khẩn. Ngoài cổng Hải Quân Công Xưởng, từng đoàn người đủ mọi thành phần quân cán chính và thân nhân đang ùn ùn kéo đến, cổng được mở ra cho họ tràn vào đổ xô về các cầu tàu có các chiến hạm đang cặp bến. Riêng cầu tàu đi sang Ty Quân Cảng và cư xá Cửu Long vẫn khóa chặt gây nên cảnh hỗn loạn tắc nghẽn vì quá đông người không qua cầu được.
Khoảng 4 giờ chiều, hạm trưởng đi họp về với nét mặt đầy căng thẳng, sau đó lên một xe Jeep cùng với vài nhân viên về đón gia đình. Thủy thủ đoàn đa số vẫn hiện diện trên tàu, lo âu nhưng bất lực vì không thể đón thân nhân xuống tàu trong lúc hỗn loạn được. Trong khi ấy tại cầu L, quân nhân và đồng bào đang tràn lên HQ.502. Lúc đó nước thủy triều dâng cao, hạm kiều bắc từ boong tàu dẫn xuống cầu thật dốc, đàn bà và trẻ em phải khó khăn lắm mới bước lên chiến hạm. Tiếng người chen lấn xô đẩy nhau, tiếng gọi ơi ới hoảng hốt vang lên khi chen lấn trèo lên tàu trong buổi hoàng hôn trốn chạy Cộng sản trông thật buồn thê thiết.
Khi màn đêm xuống, cầu tàu và 5 chiến hạm chìm ngập trong bóng tối hãi hùng vì tàu đã tháo dây điện bờ. HQ.502 đã đầy ắp người và vẫn còn nhiều người tiếp tục trèo lên. Riêng HQ.501 vì máy tàu đã bất khiển dụng và hạm trưởng là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ đã vắng mặt từ hơn một tuần lễ trước nên không nhận người di tản. Hạm Trưởng Kỷ sau đó đã đi tù cải tạo nhiều năm, cuối cùng được sang định cư tại San Jose.
Còn HQ.503 không thể ra đi, vả lại chiến hạm đã bị hư hại nặng vì bị pháo tại Phan Rang trước đây. Đặc biệt HQ.504 máy móc còn rất tốt hạm trưởng và cơ khí trưởng nhất quyết không chịu ra đi, gây phẫn nộ cho thủy thủ đoàn. Cuối cùng ai muốn ra đi phải quá giang các chiến ham khác. Hạm Trưởng HQ.504 Hải Quân Trung Tá Nguyễn Như Phú (khóa 16 Võ Bị) sau nhiều năm bị tù cải tạo, hiện nay đang sinh sống tại California.
Chiến hạm tôi nhờ nằm phiá ngoài cùng, lại nhờ HQ.504 cản bước nên những người di tản không thể tràn qua tàu tôi được. Riêng có HQ Thiếu Úy Vũ Tiến Hưng (Khóa 25 SQHQ/Nha trang) may mắn tìm gặp thân nhân trong đám người di tản nên hướng dẫn đem xuống tàu tôi. Một số nhân viên và vài sĩ quan khác đã rời tàu tìm cách về nhà để lo liệu gia đình như Hạm Phó Trần Đức Huân, HQ Đại úy Vũ Đức Thiệu, HQ Trung Úy Huỳnh Thiện Khiêm... (Những sĩ quan này đều không thể đưa gia đình xuốmg tàu kịp trong cơn hỗn loạn nên bị kẹt lại). Hầu hết anh em còn lại trên chiến hạm đều kẹt gia đình nên mặt ai nấy nặng trĩu buồn lo. Hạm trưởng đến giờ này vẫn chưa về tàu được, trong khi hạm đội gọi máy thúc hối chiến hạm phải rời bến ngay kẻo trễ.
Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ.504
Cuối cùng thủy thủ đoàn có khoảng 80 người thì một nửa theo hạm trưởng ra đi trốn chạy Cộng sản, bỏ lại gia đình, họ hàng thân thuộc để một thân một mình sống kiếp tha hương lưu lạc nơi xứ người. Trong số chiến hữu này, có HQ Trung Úy Phạm Công Nhạc vì vừa mới cưới vợ nhà ở Cái Sắn, nên ngập ngừng mãi không biết tính sao, cuối cùng đành phải theo tàu ra đi.Sang đến đảo Guam, sống cuộc đời tha hương buồn thảm gần 6 tháng, anh đã quyết định theo con tàu Việt Nam Thương Tín trở về quê hương, để rồi bị Cộng sản cho đi cải tạo, đọa đầy trong tủi nhục.
Còn một nửa anh em khác chấp nhận sống chết với quê hương, tuy biết rằng sống chung với Cộng sản sẽ gặp nhiều khốn khổ nhưng mấy ai hiểu nhiều về con người Cộng sản ra sao?! Để rồi sau đó ngỡ ngàng khi bị Cộng sản cho đi cải tạo nơi rừng sâu núi thẳm. Trong số này có hạm phó của tôi, bị đưa đi tận miền Bắc xa xôi, để lại người vợ hiền phải tảo tần xuôi ngược nuôi nấng hai đứa con thơ và dành dụm thăm nuôi chồng trong lao tù CS. Sau này anh đã vượt biên cùng với gia đình định cư tại Úc năm 1984. Nhưng chỉ ba năm sau anh chẳng may mắc bệnh nan y và qua đời tháng 7/1987.
Sau khi quyết định xong, anh em nào ở lại xuống chiếc giang đĩnh LCVP để chạy vào bờ, sĩ quan duy nhất chỉ có HQ Trung Úy Nguyễn Đắc Minh vì còn mẹ già và vị hôn thê nên không nỡ theo tàu di tản được. Thủy thủ đoàn trong cảnh kẻ ở người đi đều ngậm ngùi bịn rịn, vẫy tay chào tiễn biệt nhau, không biết bao giờ mới gặp lại. HQ.11 tách bến ra đi vào khoảng 11 giờ rưỡi đêm 29-04-1975. Có lẽ trong đời tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh con tàu thân yêu đang từ từ tách bến, giã biệt Sài Gòn để ra đi trốn chạy làn sóng đỏ, để tôi đứng lặng nhìn theo đâu có ngờ đời mình sẽ nhiều khốn khổ khi lọt vào tay bọn Cộng sản bạo tàn.
Tôi lái chiếc LCVP rời chiến hạm, chúng tôi dự định lái sang bên kia bờ Thủ Thiêm để đưa các anh em lên bờ trở về với gia đình. Nhưng khi sắp cặp cầu, một số đông người trên bờ ùn ùn chạy xuống cầu, chúng tôi hoảng hốt lùi tàu lại chạy ra giữa sông và sau cùng đành cặp vào chiếc Tạm Trú Hạm ở cầu C cạnh trại Bạch Đằng 2 nghỉ đêm ở đó chờ sáng mai về nhà. Trên chiếc tàu này, tôi đã gặp nhiều chiến hữu của các đơn vị khác cùng ở lại, chúng tôi cùng thức thâu đêm tâm sự và lo lắng khi nghe tiếng đạn pháo kích nổ rền cùng chứng kiến vài chiến hạm rời bến muộn màng mà lòng buồn vời vợi.
Khoảng 9 giờ sáng 30-04-1975, bến Bạch Đằng chỉ còn một ít chiến hạm ở lại, doanh trại Hải Quân trống trơn bỏ ngõ, lác đác vài người. Chúng tôi thay quân phục, mặc vào người bộ đồ dân sự đi ra cổng. Mặc trên người quần tây, áo sơ mi trắng tôi bước ra cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân với dáng dấp thư sinh như thưở nào còn đi học. Nhớ lại 6 năm về trước, tôi tình nguyện gia nhập Hải Quân với lòng đầy mơ ước khi đọc hai bảng hiệu treo trước phòng tuyển mộ như mời gọi chúng tôi: “Gia nhập Hải Quân là thực hiện mộng hải hồ”, “Chúng tôi đang chờ đón các bạn trong những chuyến viễn du”. Còn hôm nay, cũng bộ đồ thư sinh ấy, tôi đã giã biệt chiến hạm, giã biệt cuộc đời lính biển để trở về mái ấm gia đình. Tôi có ngờ đâu tôi khờ khạo quá, tôi đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm, đâu biết tương lai đen tối đón chờ sẽ ập xuống đầu tôi:
Ôi biển cả giờ đây ta mới biết
Mộng hải hồ giết chết một đời trai.
Đến 10.25 sáng 30-04-1975, sau khi Dương Văn Minh ra lệnh quân đội buông súng, giao nộp miền Nam cho Cộng sản từ đây. Tôi lặng lẽ đi bộ về nhà ở Ngã Tư Bảy Hiền. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đổi đời dâu bể mà thấy lòng mình đau như cắt.Chân tôi bước trên con đường Lê Văn Duyệt ngổn ngang quân phục, giầy vớ, súng đạn mà các chiến hữu tôi vừa cởi bỏ, chỉ mặc trên người quần đùi, áo thung thảm não bước đi như chạy trốn. Tôi đã nhìn thấy từng toán Cộng quân với gương mặt ngơ ngáo đang tiến vào thủ đô; được dẫn đầu bởi các sư sãi mặc cà sa cầm biểu ngữ, miệng hò hét, lúc hoan hô “cách mạng thành công” xem giống như những tên thầy pháp đang múa may, quay cuồng giữa lũ âm binh, thật tởm! Tôi đã nhìn thấy nhiều đồng bào đón gió đeo băng xanh đỏ; thấy những tên nằm vùng mang súng hớn hở đón chào lũ Cộng.Tôi đã nhìn thấy nhiều chiến hữu Nhảy Dù hy sinh trong trận đánh cản bước địch quân tiến chiếm thủ đô tại khu hồ tắm Cộng Hòa và cư xá Tự Do, xác được bó gọn trong tấm poncho, bên cạnh có bà mẹ già ngồi lặng lẽ khóc con. Và còn nhiều, nhiều nữa... Tôi cúi mặt, tủi nhục bước đi, tôi chợt nhìn thấy một bảng hiệu tuyên truyền có 4 câu thơ lục bát của chính quyền quốc gia treo trên cột đèn đã bị vứt bỏ, đến nay tôi còn nhớ mãi:
Có đâu rắn đẻ ra rồng?
“Mặt Trận Giải Phóng” cũng dòng Cộng nô
Cũng loài bè lũ tam vô
Cũng phường bán nước, cũng đồ Việt gian.
VŨ NGỌC VĂN
TVQ chuyển