Vài hôm nay, báo chí đưa tin nhiều cán bộ và trí thức của đảng cầm quyền lên tiếng cần đổi tên nước trở lại thời cụ Hồ đặt là: Việt Nam Dân chủ
Vài hôm nay, báo chí đưa tin nhiều cán bộ và trí thức của đảng cầm quyền lên tiếng cần đổi tên nước trở lại thời cụ Hồ đặt là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đúng bản chất của chế độ. Tôi giật mình nghĩ lại, thế từ 67 năm nay bản chất của chế độ là độc quyền cai trị và, bao thứ xấu xa nhất của các hình thái chính trị xã hội loài người, là bản chất của một nền dân chủ cộng hòa? Sao một trí thức hàng đầu nước Việt lại chỉ quan tâm đến một việc thay đổi rất thứ yếu như vậy?
Trong một bài viết của tôi cách đây 3 tháng: Hiến pháp, tên nước và chiếc mặt nạ của thể chế chính trị. Tôi có một tổng kết rõ ràng rằng, tên nước càng mỹ miều thì nền chính trị càng xấu xa. Cứ thật đơn giản và đúng bản chất của một nền văn hóa đa sắc tộc như Mỹ: Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, thế mà lại tốt đẹp hơn việc vỗ ngực xưng danh, nào dân chủ, nào tự do, nào hạnh phúc, nghe nó rối, mà lại là chiếc mặt nạ chính trị để mỵ dân.
Té ra, đổi tên nước sau khi đi một vòng xã hội chủ nghĩa rồi lại trở về với cái tên cũ mà, cái tên cũ ấy đã từng làm nên những vụ án thế kỷ: nào Nhân văn Giai phẩm. Nào Cải cách ruộng đất, với trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ. Nào dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành lại độc lập để rồi hơn 3 triệu sinh linh ngã xuống, và hôm nay chịu cúi đầu khuất phục sau hội nghị Thành Đô 1990.
Nên nhớ rằng, bất kỳ một hình thái xã hội chính trị nào cũng có tha hóa, tham nhũng và những xấu xa của con người tồn tại, chỉ khác nhau là làm sao những cái xấu đó giảm đến tối thiểu hoặc khó hiện diện. Và xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang muốn thay đổi hiến pháp và tên nước cũng vì nó không đáp ứng được một hình thái chính trị xã hội làm sao cho giảm tối thiểu vấn nạn tha hóa và tham nhũng, lộng hành mà ngay từ đầu, những người dựng nên nó mong mỏi.
Ở các nước tiên tiến luôn có nền chính trị động để chạy theo nền kinh tế thay đổi từng ngày, chứ không phải cái khẩu hiệu lâu nay là, ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Vì chính trị là một nghệ thuật của sự có thể, chứ không phải chính trị là bảo thủ và độc tài.
Một số lý luận viên gần đây cho rằng, đảng phải là đảng cầm quyền. Điều đó là ngụy biện, đúng nghĩa của việc này là, đảng chỉ ra mặt lúc tranh cử, còn cầm quyền một đất nước phải là một nền chính trị phải có hành pháp, lập pháp và tư pháp công chính tách biệt để kiểm soát với nhau trong mọi ý đồ, động thái và những quyết định của chính quyền đưa ra thi hành ở xã hội. Có nghĩa là, một nền chính trị phải có tam quyền phân lập, để tạo ra một nền chính trị phát huy hết khả năng của quy luật mâu thuẩn và thống nhất các mặt đối lập diễn ra. Nhưng nói theo cách mà ông tổng bí thư vừa rồi thì, những ai có tư tưởng muốn có một nền chính trị có tam quyền phân lập là tha hóa và suy thoái đạo đức chính trị, song nền chính trị ấy và tư tưởng ấy lại làm nên một nhà nước tốt đẹp hơn
Thế thì, đổi cái gì mới đúng để có một nước Việt hạn chế được tha hóa tham nhũng và nạn cường hào ác bá đỏ thời đại mới? Không có gì khác hơn là phải có một nền chính trị mà ở đó, quy luật mâu thuẩn và thống nhất các mặt đối lập được phát huy tốt nhất, như trong bài viết mà tôi đã Thưa với ông tổng thư ký hội đồng lý luận trung ương cách đây 2 tháng.
Cụ thể hóa việc cần đổi trong hiến pháp và nền chính trị hiện nay về mặt bản chất phải nên là:
Thứ Nhất, quan trọng nhất về cả cho mặt nội trị và ngoại giao, một xã hội không có đảng cầm quyền và lại càng không phải là độc đảng cầm quyền, mà chỉ nên có một nền chính trị có tam quyền phân lập để cầm quyền điều hành đất nước trên hiến định là luật định. Lúc đó, bất kỳ đảng hoặc con người nào muốn lên điều hành quyền bính cũng không thể lạm quyền, người dân không dám vi luật và vi hiến, ắt xã hội sẽ tốt đẹp hơn hiện nay. Hơn nữa, câu chuyện đang bàn thảo trong tiến trình gia nhập Tổ chức Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương lại cần đến việc này, để mang lợi thế, và lợi ích cho quốc gia dân tộc. Quân đội và công an chỉ là một thành tố trong hành pháp để giữ yên bình trong nước và chống ngoại xâm, không thể để quân đội phục vụ cho bất kỳ đảng phái chính trị nào, mà lại bỏ quên nhiệm vụ chính là bảo vệ quốc gia dân tộc.
Thứ Hai, chỉ là thứ yếu hơn cần cho việc quan hệ ngoại giao, làm ăn đối tác, việc đổi tên nước, kể cả có thể là tên đảng hiện nay cũng nên quan tâm. Mặc dù, hiện nay cuộc chiến ý thức hệ đã không còn một mất một còn, như thời kỳ chiến tranh lạnh, mà chuyện lợi nhuận, nguồn nước, nguồn năng lượng và lương thực đặt ưu tiên. Nhưng, hầu hết các diễn văn nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ và phương Tây vẫn còn nhắc đi, nhắc lại là phải xem các chế độ cộng sản là kẻ thù và phải tiêu diệt. Không ai lại dại phải thiệt thòi chỉ vì một cái tên có tính hình thức như chiếc áo cà sa không làm nên nổi thầy tu, trong khi đó, hiện nay đâu còn nước nào - kể cả nước Việt - là nước đúng nghĩa cộng sản?
Thứ Ba và cuối cùng quan trọng cho muôn đời sau là, mọi thay đổi phải làm sao để làm nên một chủ thuyết Thoát Trung Luận - có nghĩa làm gì thì làm, phải bỏ đi việc cả nền kinh tế và hình hài chính trị đang bị sao chép từ Trung Hoa. Ấy mới là việc cần kíp phải thay đổi ngay trong năm nay và ngay luôn bây giờ. Nếu không, quan không được yên ngủ, mà dân không thể thoát cảnh lầm than như từ ngày chịu chấp nhận cúi đầu ở hội nghị Thành Đô.
BS Hồ Hải
http://bshohai.blogspot.com/