Tham Khảo
Khi Chúa gặp Phật
Philip Jenkins
Trần Ngọc Cư dịch
Một sự kiện ngoạn mục đã diễn ra khi các nhà truyền đạo của hai tôn giáo lớn gặp nhau cách nay hơn 1000 năm: họ tỏ ra hoà hợp với nhau.
Đức Phật có phải là quỉ sứ không?
Mặc dù ít ai trong hàng ngũ tín đồ Ki-Tô-giáo dòng chính (mainline Christians) sẽ đặt vấn đề bằng ngôn ngữ đối đầu như vậy, nhưng bất cứ tôn giáo nào cho rằng mình là con đường duy nhất để đi đến chân lý đều gặp phải nhiều khó khăn trong việc hoà giải vũ trụ quan của mình với đức tin của các tôn giáo lớn khác. Hầu hết mọi giáo hội Ki-Tô-giáo đều cho rằng chỉ có một mình Chúa Giê-Su là Con Đường, là Chân Lý, là Sự Sống, và nhiều tín đồ Ki-Tô-giáo còn thấy có bổn phận rao giảng thông điệp này cho những người ngoại đạo (unbelievers) trên toàn thế giới. Nhưng điều này lại tạo ra một xung đột cơ bản với tín đồ của những nhân vật tôn giáo nổi tiếng như Ngài Mohammed hay Đức Phật. Dựa vào một cách giải thích Thánh Kinh khá nghiêm khắc, một số tín đồ Ki-Tô-giáo coi những đức tin kình địch này không những là sai lầm, mà lại còn là những cạm bẫy do các thế lực ma quỉ cố tình giăng bủa.
Thái độ bất dung đối với các tôn giáo khác — thực sự tin rằng người ngoại đạo sẽ vào địa ngục – tự nó có lẽ đã đủ xấu xa, nhưng thái độ này ngày càng mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong thế giới hiện thực. Khi thương mại và công nghệ làm cho địa cầu bé lại, nhờ vậy các tôn giáo dễ dàng tiếp cận nhau hơn bao giờ cả, thái độ bất dung nói trên có thể mang lại những hậu quả đẫm máu: hãy nhìn kỹ những vụ tấn công kiểu ngày-tận-thế (apocalyptic) tại Mumbai. Trong một thế giới như thế, việc giáo dục tín đồ thuộc nhiều đức tin khác nhau biết nhìn nhận giá trị của nhau, biết sống hoà bình bên cạnh nhau, không còn là một vấn đề phong cách mà đã trở thành một điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của nhân loại.
Trong 30 năm qua, Giáo hội Công giáo La mã đã đối phó nhiều cuộc tranh luận liên tục về tính đơn nhất và ưu việt của Đức Ki-Tô (Christ’s uniqueness), đồng thời trừng phạt những nhà tư tưởng nào dám có những nỗ lực táo bạo chấp nhận các tôn giáo lớn khác trên thế giới. Trong khi cuộc đối thoại giữa Ki-Tô-giáo với Hồi giáo từng thu hút rất nhiều tít lớn báo chí, thì chính những va chạm với Ấn Độ giáo và nhất là Phật giáo đã khuấy động nhiều tranh cãi nhất trong hàng ngũ giáo hội. Các nhà thần học Sri Lanka Aloysius Pieris và Tissa Balasuriya đã có nhiều cuộc tranh biện với các nhà phê bình của Toà thánh Vatican, và, gần đây, cuộc tranh biện đã lan tới Mỹ. Năm ngoái, Toà thánh Vatican ra lệnh mở một cuộc điều tra nhắm vào Peter Phan thuộc Đại học Georgetown, một nhà thần học Dòng Tên mà tội lỗi chính của ông, dưới mắt Toà thánh, là đã coi Phật giáo của quê hương Việt Nam của ông là một con đường song hành đi đến sự cứu rỗi/giải thoát (a parallel path to salvation). Nhưng, tuân theo ý kiến của Giáo hoàng Benedict XVI, giáo hội nhất quyết không chịu từ bỏ tín lý cơ bản về vai trò ưu việt của Đức Ki-Tô. Trong một thư ngỏ, được phổ biến rộng rãi, gửi nhà chính trị Italia Marcello Pera, Giáo hoàng Benedict tuyên bố rằng “một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo theo đúng nghĩa của từ ngữ này là không thể nào có được”. Ngài nói, bằng mọi cách, chúng ta phải duy trì những cuộc đối thoại với các nền văn hoá khác, nhưng không phải trong một cách thế nhìn nhận các tôn giáo khác có giá trị bình đẳng với Ki-Tô giáo. Mặc dù Toà thánh Vatican đương nhiên không coi Đức Phật là ma quỉ, nhưng Toà thánh lại lo sợ viễn tượng của một tổng hợp tôn giáo (syncretism), một sự pha loãng chân lý Ki-Tô-giáo do một sự trộn lẫn xấu xa (unholy mixture) với các đức tin khác.
Rõ ràng là, quan điểm này đã đặt Benedict vào một truyền thống Ki-Tô-giáo vững chãi vốn phát triển tại Châu Âu từ thời đế quốc La Mã. Nhưng lịch sử Ki-Tô-giáo còn có một truyền thống cổ đại khác nữa, đi theo một con đường riêng biệt đối với giáo hội La Mã. Truyền thống Châu Âu không phải là phiên bản duy nhất của đức tin Ki-Tô-giáo, cũng không phải là kẻ kế thừa duy nhất của giáo hội cổ đại. Qua hơn 1000 năm, nhiều chi nhánh hoàn toàn riêng biệt của giáo hội thời cổ đã thiết lập những cộng đồng thịnh vượng tại nhiều nơi ở Châu Á, và nội dân số của họ, những giáo hội này có thể sánh với giáo hội Châu Âu vào thời đó. Những cộng đoàn Ki-Tô-giáo này không phát xuất từ La Mã, nhưng nảy sinh trực tiếp từ phong trào Giê-su đầu tiên tại thành cổ Palestine. Họ đã phát triển qua Ấn Độ, Trung Á, và Trung Quốc, không ngần ngại chia sẻ với – và học hỏi từ – các tôn giáo lớn khác của Phương Đông.
Mức độ hoà hợp mà những tín đồ Ki-Tô-giáo này sẵn sàng chấp nhận được gợi lại trong một biểu tượng tôn giáo đáng ngạc nhiên; biểu tượng này xuất hiện trên những di tích và các chạm trổ trên đá tại nam Ấn Độ và dọc theo duyên hải Trung Quốc vào đầu thời Trung Cổ. Chúng ta dễ dàng thấy rằng biểu tượng này mô tả một cây thánh giá, nhưng chỉ trong thoáng chốc chúng ta lại nhận ra rằng cái đế của hình vẽ – tức cái gốc từ đó cây thánh giá mọc lên – là một hoa sen, biểu tượng cho sự giác ngộ của Phật giáo.
Ngày nay, hầu hết các giáo hội dòng chính (mainstream churches) sẽ lên án một sự pha trộn như vậy là phản bội đức tin Ki-Tô-giáo, một trường hợp điển hình về sự hỗn loạn của chủ nghĩa đa văn hóa. Nhưng những tín đồ Ki-Tô-giáo đầu tiên tại Châu Á không hề bận tâm về sự tổng hợp tôn giáo (syncretism) — họ tự gọi mình là Nasraye hoặc Nazarene, theo danh xưng của những tín đồ đầu tiên của Giê-su. Họ hoà đồng thoải mái với một tôn giáo lớn khác có phép tu hành bí nhiệm vào thời đó, và hơn thế nữa, họ tin rằng cả hoa sen lẫn thánh giá đều chuyên chở những thông điệp giống nhau về giác ngộ và sự cứu rỗi. Nếu những người Nazarene này có thể tìm thấy ý nghĩa trong biểu tượng hoa sen-thánh giá, thì tại sao những người Công giáo ngày nay, hay những kẻ kế thừa đức tin mà Giê-Su rao giảng lại không thể? Nhiều tín đồ Ki-Tô-giáo đang miễn cưỡng chấp nhận sự kiện là, nhiều giả định cơ bản của họ cần phải được xét lại triệt để khi đức tin của họ trở thành một tôn giáo toàn cầu ngày nay. Nhưng ngay cả những vị lãnh đạo giáo hội hiện đại, những vị thấy được sự phát triển nhanh chóng của giáo hội ở miền nam thế giới, đều có khuynh hướng coi những giá trị và truyền thống châu Âu như chuẩn mực không thể thiếu, trong các vấn đề nghi lễ và thần học cũng như âm nhạc và kiến trúc.
Nhưng thực tế vẫn là, Ki-Tô giáo từ những ngày đầu đã là một đức tin liên lục địa (intercontinental faith), được thiết định vững vàng tại Châu Á và Châu Phi cũng như bản thân Châu Âu. Khi chúng ta nới rộng tầm nhìn đối với Ki-Tô giáo, một tôn giáo vào khoảng năm 800 đã trải dài từ Ireland đến Triều Tiên, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều phương cách khác nhau theo đó tín đồ Ki-Tô giáo đã tương tác với tín đồ các tôn giáo khác, trong những cuộc tiếp xúc làm thay đổi cả đôi bên. Trong điều kiện tốt nhất, những cuộc gặp gỡ này cho phép các truyền thống văn hoá không những trao đổi tư duy mà lại còn đan quyện nhau (intertwine) trong những cách thế làm phong phú lẫn nhau, đấy là một chương sách đáng kính nể của lịch sử Ki-Tô-giáo mà các giáo hội phương Tây hoàn toàn quên lãng.
Muốn hiểu được câu chuyện lịch sử này, chúng ta cần tái phối trí những tấm bản đồ đã có sẵn trong óc mình. Khi chúng ta nghĩ đến sự phát triển của Ki-Tô giáo, chúng ta nghĩ đến Châu Âu trước tiên. Chúng ta vẽ ra trong trí hình ảnh một phong trào bắt đầu từ Palestine và Syria và phát triển về phía tây để đi vào Hy Lạp và Ý rồi dần dần lan lên lên các miền Bắc Âu. Châu Âu vẫn còn là trung tâm của Giáo hội Công giáo, dĩ nhiên, nhưng nơi này cũng là nơi sinh ra các giáo phái Tin Lành, tức những giáo phái đã ly khai Giáo hội La Mã. Đối với hầu hết chúng ta, thậm chí khi nói đến “Giáo hội phương Đông” cũng là nói đến một nhóm người châu Âu khác mà thôi, nghĩa là nói đến khối tín đồ Chính thống giáo (the Orthodox believers), khối tín đồ phát xuất từ miền đông Châu Âu. Nhà tư tưởng Công giáo Anh Hilaire Belloc có lần tuyên bố rằng “Châu Âu là Đức tin Ki-Tô giáo; và Đức tin Ki-Tô giáo cũng là Châu Âu”.
Nhưng trong những thế kỷ đầu một số tín đồ Ki-Tô-giáo đã bành trướng theo hướng đông để đi vào Châu Á và theo hướng nam để đi vào Châu Phi, tạo nên những giáo hội khác biệt với giáo hội La Mã và những giáo hội này đã tồn tại khoảng 1.200 năm đầu tiên của lịch sử Ki-Tô-giáo. Chắc chắn không phải là những giáo phái ngoài lề (fringe sects), những giáo hội bị quên lãng này có gốc rễ nằm sâu trong những truyền thống lâu đời nhất của giáo hội tông đồ [có nguồn gốc từ một trong mười hai tông đồ của Giê-Su]. Suốt chiều dài lịch sử của những giáo hội này, người Nazarenes đã dùng ngôn ngữ Syriac, một ngôn ngữ gần với tiếng Aramaic của Giê-Su, và họ đi theo Yeshua chứ không phải Giê-Su [1]. Không một giáo hội nào – kể cả Ki-Tô-giáo La Mã lẫn Chính giáo phương Đông có thể tuyên bố mình được kế thừa từ phong trào sớm nhất của Giê-su trực tiếp hơn những giáo hội [của người Nazarenes] này.
Thành công đáng ngạc nhiên nhất của những cộng đoàn Ki-Tô-giáo phương đông này là Giáo hội Phương Đông, thường được gọi là Giáo hội theo truyền thống Nestorius (the Nestorian church)[2]. Trong khi các giáo hội phương Tây bành trướng ảnh hưởng trong khuôn khổ Đế quốc La Mã, những giáo hội nói tiếng Syriac thành lập nhiều cộng đồng tại vương quốc Ba Tư rộng lớn, một vương quốc ngự trị từ Syria đến tận Pakistan và biên giới Trung Quốc. Từ các căn cứ của họ trong vùng Mesopotamia – tức Iraq ngày nay – những tín đồ Ki-Tô-giáo theo truyền thống Nestorius (Nestorian Christians) thực hiện các nỗ lực truyền giáo rộng lớn dọc theo Con đường Tơ lụa xuyên qua miền Trung Á. Vào thế kỷ 8, Giáo hội Phương Đông đã có một cơ cấu rộng lớn khắp hầu hết Trung Á, Trung Quốc, và nam Ấn Độ. Giáo hội này có cả giới tăng lữ bề trên (senior clergy) – những vị tổng giám mục – tại Samarkand và Bokhara, tại Herat thuộc Afghanistan. Thậm chí một vị giám mục có nhiệm sở ngay tại Tràng An, kinh đô của Trung Quốc – quốc gia này thời bấy giờ là siêu cường lớn nhất thế giới.
Khi những người Ki-Tô-giáo theo truyền thống Nestorius bành trướng ảnh hưởng xuyên qua Trung Á vào thế kỷ 6 và 7, họ gặp phải các nhà hoằng pháp và các bậc thánh tăng của một tôn giáo cũng đang bành trướng vững vàng không kém, đó là Phật giáo Đại thừa (Mahayana Buddhism). Các tín đồ Phật giáo thời đó cũng muốn truyền cho thế gian một con đường cứu độ, nên đã phát động những cuộc hoằng pháp quan trọng từ các tu viện và chùa chiền Ấn Độ. Trong thế giới đa dạng này, các tu viện Phật giáo và Ki-Tô-giáo rất có thể đã đứng cạnh nhau như những láng giềng và đôi khi còn hợp tác với nhau. Một số sử gia tin rằng những nhà truyền giáo theo truyền thống Nestorius đã ảnh hưởng lên cách tu tập của môn phái Phật giáo đang phát triển tại Tây Tạng thời đó. Các nhà tu của hai tôn giáo đã đối thoại với nhau.
Trên bước đường rao giảng đức tin, các nhà truyền giáo Ki-Tô đương nhiên sử dụng các hình thức văn hóa vốn đã quen thuộc với người châu Á. Họ kể tích truyện qua những câu kệ (sutras), một dạng thơ được nổi tiếng nhờ sự vận dụng của các nhà sư Phật giáo. Một tuyển tập gồm các câu kệ của Giê-Su (Jesus Sutras) được tìm thấy trong các thạch thất ở Đôn Hoàng (Dunhuang), thuộc miền tây bắc Trung Quốc [3]. Một số bài viết của các nhà tu thuộc giáo phái Nestorius (Nestorian writings) đã dựa vào tư tưởng Phật giáo khá nặng, khi họ dịch các lời cầu nguyện và các nghi lễ sang một thứ ngôn ngữ mà độc giả châu Á có thể hiểu được. Trong một số kinh sách, cụm từ Ki-Tô-giáo “các thiên thần, tổng lãnh thiên thần và các chủ tầng trời” được dịch thành ngôn ngữ của chư phật và chư thiên (buddhas and devas) [4].
Đặc biệt có một sự tích nói nên sự cộng tác đáng kinh ngạc giữa hai tôn giáo. Vào năm 782, nhà sư Ấn Độ Prajna (Bát Nhã) đến Tràng An, mang theo cả kho tàng kinh điển Phật giáo. Chỉ đáng tiếc là các kinh điển này được viết bằng tiếng Ấn Độ. Brajna đã hỏi ý kiến vị giám mục địa phương, Adam, người đã dịch nhiều phần trong Kinh Thánh ra tiếng Trung Hoa. Các học giả Phật giáo và Ki-Tô-giáo tại đây đã cộng tác với nhau trong một không khí thân hữu qua một số năm để dịch bảy tạng kinh Phật dày cộm. Chắc Adam làm việc này vì tính tò mò tri thức cũng như vì thiện tâm của tín đồ Ki-Tô-giáo nói chung. Chúng ta có thể phỏng đoán về những đàm đạo giữa họ, chẳng hạn bằng những trao đổi như sau: Ngài thật sự quan tâm về cứu khổ hơn là sám hối tội lỗi chăng? Và các giáo sĩ của ngài cũng thiền định như các nhà sư của chúng tôi, phải không?
Những nỗ lực này mang lại thành quả vượt quá biên giới Trung Quốc. Cư dân Tràng An vào thời điểm này gồm có một số nhà sư Nhật Bản, những người sẽ mang chính những bản dịch này về quê hương của họ. Tại Nhật Bản, những tác phẩm này lại trở thành những kinh điển đặt nền móng cho những trường phái Phật giáo quan trọng của thời Trung Cổ tại xứ này. Tất cả những phong trào nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản sau này, kể cả Zen, đều có nguồn gốc từ một trong những trường phái cổ đại này và, nhiên hậu – một cách lạ thường – có thể truy nguyên đến công đức của một giám mục Ki-Tô-giáo.
Vào thế kỷ 12, những giáo hội thịnh hành tại Trung Quốc và miền nam Ấn Độ đều sử dụng biểu tượng thánh giá-hoa sen. Hoa sen là loài hoa tuyệt đẹp mọc lên từ bùn lầy. Còn biểu tượng nào tốt đẹp hơn để tượng trưng cho sự vươn dậy của linh hồn từ thế giới vật chất, cho sự chiến thắng của sự giác ngộ đối với vô minh, dục vọng, và tham luyến? Suốt 2000 năm nay, các nghệ sĩ Phật giáo luôn sử dụng biểu tượng hoa sen để chuyên chở những thông điệp này trong vô số tranh ảnh và tác phẩm điêu khắc. Trong khi đó, cây thánh giá Ki-Tô-giáo dạy một bài học tương ứng, về chiến thắng của Thiên Chúa đối với tội lỗi và bất công, về sự yếu đuối của thế gian. Một nơi nào đó tại Á Châu, các tín đồ bị quên lãng của Yeshua đã táo bạo quyết định tổng hợp hai biểu tượng này, một nỗ lực cho đến ngày nay còn khiến chúng ta phải suy niệm về sự song hành một bên là sự giải thoát (liberation) và bên kia là sự cứu rỗi (redemption) mà mỗi đức tin đã cống hiến cho loài người.
Trong phần lớn lịch sử của mình, Ki-Tô giáo là một tôn giáo mang bản sắc châu Á ngang hàng với Phật giáo. Các giáo hội Ki-Tô-giáo châu Á tồn tại hơn một thiên niên kỷ. Mãi cho đến thế kỷ 10, nghĩa là vào khoảng nửa đoạn đường lịch sử Ki-Tô-giáo, số tín đồ của tôn giáo này tại Châu Âu mới vượt quá số tín đồ tại Châu Á.
Cuối cùng, những đợt xâm lăng của quân Mông Cổ tràn qua Trung Á và Trung Đông kể từ thập niên 1220 đã xoá sạch các cộng đồng Ki-Tô-giáo châu Á. Cũng từ cuối thế kỷ 13, thế giới lại đi vào một kỷ nguyên khủng khiếp do tình trạng thay đổi khí hậu, giá lạnh toàn cầu, một hiện tượng đã cắt giảm các nguồn lương thực một cách nghiêm trọng, gây ra nạn đói khắp nơi. Sự suy sụp các hệ thống trao đổi hàng hóa và thương mại đã làm tê liệt các thành phố, khiến thế giới trở nên nghèo nàn và yếu kém hơn trước. Chủ nghĩa dân tộc thiếu khoan dung đã xóa sạch các cộng đồng Ki-Tô-giáo tại Trung Quốc, trong khi một phong trào Hồi giáo hiếu chiến nổi lên tàn phá các nhà thờ tại Trung Á.
Nhưng một sự ý thức về thiên lịch sử Ki-Tô-giáo có chiều sâu này sẽ góp phần tích cực cho việc tìm hiểu tương lai của tôn giáo này, cũng như quá khứ của nó. Qua nhiều thế kỷ lâu dài, người Ki-Tô-giáo châu Á đã giữ quan hệ thân thiết với các đức tin khác, những đức tin mà họ không coi là những đối thủ nguy hiểm, nhưng là những bạn đồng hành trên con đường đi tới giác ngộ. Thế giới quan của họ cực kỳ khác biệt với các chuẩn mực đức lý phát triển tại Châu Âu.
Một ví dụ điển hình là, chúng ta quá quen với ý niệm Ki-Tô giáo giữ vai trò quốc giáo tại các quốc gia hùng mạnh, những quốc gia gần như luôn luôn tìm cách áp đặt một chính thống giáo đặc biệt nào đó trên thần dân của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào quá trình lịch sử của Châu Phi và Châu Á, chúng ta sẽ thấy rằng hằng triệu tín đồ Ki-Tô-giáo thường trải nghiệm sự hiện diện của mình như các khối dân thiểu số hay thậm chí đa số tại những quốc gia bị khống chế bởi một tôn giáo khác. Để được lòng người bản địa, các giáo hội Ki-Tô-giáo hàng đầu tại Á-Phi không còn lựa chọn nào khác hơn là khuôn nắn thông điệp Ki-Tô-giáo theo những truyền thống trí thức phi-châu Âu (non-European intellectual traditions). Các triết gia Ki-Tô-giáo [phương Đông] đã từng trình bày thông điệp của mình trong các phạm trù Phật, Lão, Khổng; vì vậy không có lý do gì họ không thể làm lại điều này trong thế giới hiện đại. Khi các học giả ngày nay như Peter Phan cố gắng đặt Ki-Tô giáo trong bối cảnh châu Á và Phật giáo, họ chỉ kế tục một nhiệm vụ đã được đặt ra chí ít cách nay 1.500 năm.
Thật vậy, có lẽ chúng ta đang nhìn một lịch sử bị đảo ngược, chúc đầu xuống đất. Hi vọng một ngày nào đó, các sử gia tương lai sẽ nghiên cứu lại lịch sử vài trăm năm qua của Ki-Tô giáo, mà sự khống chế chủ yếu là Âu-Mỹ, và sẽ coi đó chỉ là một giai đoạn bất thường (unnatural interlude) trong một lịch sử lâu dài gấp bội, bao gồm một quá trình trao đổi thành công giữa các tôn giáo lớn của nhân loại.
Xin xem qua câu chuyện sau đây, do Timothy, một trưởng lão thuộc giáo hội Nestorius (the Nestorian church), kể lại. Khoảng năm 800, Timothy tham dự một cuộc tranh luận nổi tiếng với nhà vua Hồi giáo tại thành Baghdad, một cuộc tranh luận được đánh dấu bằng sự biết điều và phép lịch sự của cả đôi bên. Đại để Timothy đã nói, hãy tưởng tượng tất cả chúng ta đang ở trong một căn nhà tối tăm vào ban đêm và có kẻ ném một viên ngọc quí vào một đống đá tầm thường. Mọi người tranh nhau tìm viên ngọc, và có người nghĩ rằng họ đã tìm ra viên ngọc ấy, nhưng nào ai dám chắc về điều này mãi cho đến khi có ánh sáng ban ngày.
Trong một cách thế tương tự, ông nói, viên ngọc đức tin và trí tuệ đích thực này đã rơi vào đêm đen trong một thế giới tạm bợ; nhưng mỗi tôn giáo lại tin tưởng rằng mình là kẻ duy nhất đã phát hiện viên ngọc quí đó. Tuy nhiên tất cả những gì mà Timothy có thể nói – và tất cả những gì mà vị vua Hồi có thể trả lời – chung qui cũng chỉ là: một số tôn giáo cho rằng mình đã có đủ chứng lý để chứng minh rằng mình đang thủ đắc viên ngọc đích thực, nhưng chân lý tối hậu vẫn là một ẩn số trong cõi nhân gian này.
Trực tiếp tìm hiểu những tôn giáo khác sẽ giúp người tín đồ có được một trình độ tinh tế rất quí báu, một đức tính đặt cơ sở trên lòng khiêm cung. Chúng ta có khả năng làm nhiều điều tệ hại hơn nếu không học hỏi từ một thời đại mà đôi khi chúng gọi là Thời tăm tối (the Dark Ages).
Philip Jenkins là giáo sư khoa nhân văn thuộc chương trình Edwin Erle Sparks tại Penn State University. Ông là tác giả cuốn “Phần lịch sử thất lạc của Ki-Tô giáo: Thời hoàng kim một nghìn năm của Giáo hội Trung Đông, Châu Phi, Châu Á – và giáo hội này đã chết như thế nào”, xuất bản năm 2008.
Nguồn: “When Jesus met Buddha”, The Boston Globe, 14 tháng Mười Hai, 2008.
Chú thích:
[1] Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Yeshua là tên gốc của Giê-su trong ngôn ngữ Hebrew hay Aramaic – ND.
[2] Nestorius (386-451) là tổng giám mục của Constantinople từ năm 428 đến năm 431. Ông sáng lập một học thuyết về sau mang tên ông, đó là Nestorianism, nhấn mạnh sự tách biệt hai bản thể của Đức Ki-Tô, một của người và một của Thiên Chúa. Giáo lý của Nestorius, bao gồm việc bác bỏ danh xưng “Mẹ của Chúa” từ lâu vẫn dùng để gọi Đức Đồng trinh Maria, đã đưa ông đến tình trạng xung khắc với các lãnh đạo giáo hội đương thời. Vì vậy ông bị kết án là kẻ dị giáo và bị cách chức tổng giám mục của giáo xứ. Một số đồ đệ trung thành của Nestorius đã ly khai với giáo hội và qua nhiều thập niên sau đó đã di cư sang Ba Tư. Từ đó chủ nghĩa Nesorius (Nestorianism) trở thành lập trường chính thức của Giáo hội phương Đông (the Church of the East) – ND – Theo Wikipedia.
[3] Đôn Hoàng là một cứ điểm trên “Đường Tơ Lụa”, con đường giao lưu mậu dịch và văn hóa với Ba Tư và Trung Á. Ngày nay thị xã Đôn Hoàng trực thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc – ND.
[4] Devas: Đây là những chúng sinh sống trên các cõi trời, hạnh phúc hơn cõi người, nhưng sau khi chết vẫn còn tái sinh trong vòng “sinh, lão, bệnh, tử” – ND.
https://nghiencuulichsu.com/2013/05/13/chua-gap-phat/
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Khi Chúa gặp Phật
Philip Jenkins
Trần Ngọc Cư dịch
Một sự kiện ngoạn mục đã diễn ra khi các nhà truyền đạo của hai tôn giáo lớn gặp nhau cách nay hơn 1000 năm: họ tỏ ra hoà hợp với nhau.
Đức Phật có phải là quỉ sứ không?
Mặc dù ít ai trong hàng ngũ tín đồ Ki-Tô-giáo dòng chính (mainline Christians) sẽ đặt vấn đề bằng ngôn ngữ đối đầu như vậy, nhưng bất cứ tôn giáo nào cho rằng mình là con đường duy nhất để đi đến chân lý đều gặp phải nhiều khó khăn trong việc hoà giải vũ trụ quan của mình với đức tin của các tôn giáo lớn khác. Hầu hết mọi giáo hội Ki-Tô-giáo đều cho rằng chỉ có một mình Chúa Giê-Su là Con Đường, là Chân Lý, là Sự Sống, và nhiều tín đồ Ki-Tô-giáo còn thấy có bổn phận rao giảng thông điệp này cho những người ngoại đạo (unbelievers) trên toàn thế giới. Nhưng điều này lại tạo ra một xung đột cơ bản với tín đồ của những nhân vật tôn giáo nổi tiếng như Ngài Mohammed hay Đức Phật. Dựa vào một cách giải thích Thánh Kinh khá nghiêm khắc, một số tín đồ Ki-Tô-giáo coi những đức tin kình địch này không những là sai lầm, mà lại còn là những cạm bẫy do các thế lực ma quỉ cố tình giăng bủa.
Thái độ bất dung đối với các tôn giáo khác — thực sự tin rằng người ngoại đạo sẽ vào địa ngục – tự nó có lẽ đã đủ xấu xa, nhưng thái độ này ngày càng mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong thế giới hiện thực. Khi thương mại và công nghệ làm cho địa cầu bé lại, nhờ vậy các tôn giáo dễ dàng tiếp cận nhau hơn bao giờ cả, thái độ bất dung nói trên có thể mang lại những hậu quả đẫm máu: hãy nhìn kỹ những vụ tấn công kiểu ngày-tận-thế (apocalyptic) tại Mumbai. Trong một thế giới như thế, việc giáo dục tín đồ thuộc nhiều đức tin khác nhau biết nhìn nhận giá trị của nhau, biết sống hoà bình bên cạnh nhau, không còn là một vấn đề phong cách mà đã trở thành một điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của nhân loại.
Trong 30 năm qua, Giáo hội Công giáo La mã đã đối phó nhiều cuộc tranh luận liên tục về tính đơn nhất và ưu việt của Đức Ki-Tô (Christ’s uniqueness), đồng thời trừng phạt những nhà tư tưởng nào dám có những nỗ lực táo bạo chấp nhận các tôn giáo lớn khác trên thế giới. Trong khi cuộc đối thoại giữa Ki-Tô-giáo với Hồi giáo từng thu hút rất nhiều tít lớn báo chí, thì chính những va chạm với Ấn Độ giáo và nhất là Phật giáo đã khuấy động nhiều tranh cãi nhất trong hàng ngũ giáo hội. Các nhà thần học Sri Lanka Aloysius Pieris và Tissa Balasuriya đã có nhiều cuộc tranh biện với các nhà phê bình của Toà thánh Vatican, và, gần đây, cuộc tranh biện đã lan tới Mỹ. Năm ngoái, Toà thánh Vatican ra lệnh mở một cuộc điều tra nhắm vào Peter Phan thuộc Đại học Georgetown, một nhà thần học Dòng Tên mà tội lỗi chính của ông, dưới mắt Toà thánh, là đã coi Phật giáo của quê hương Việt Nam của ông là một con đường song hành đi đến sự cứu rỗi/giải thoát (a parallel path to salvation). Nhưng, tuân theo ý kiến của Giáo hoàng Benedict XVI, giáo hội nhất quyết không chịu từ bỏ tín lý cơ bản về vai trò ưu việt của Đức Ki-Tô. Trong một thư ngỏ, được phổ biến rộng rãi, gửi nhà chính trị Italia Marcello Pera, Giáo hoàng Benedict tuyên bố rằng “một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo theo đúng nghĩa của từ ngữ này là không thể nào có được”. Ngài nói, bằng mọi cách, chúng ta phải duy trì những cuộc đối thoại với các nền văn hoá khác, nhưng không phải trong một cách thế nhìn nhận các tôn giáo khác có giá trị bình đẳng với Ki-Tô giáo. Mặc dù Toà thánh Vatican đương nhiên không coi Đức Phật là ma quỉ, nhưng Toà thánh lại lo sợ viễn tượng của một tổng hợp tôn giáo (syncretism), một sự pha loãng chân lý Ki-Tô-giáo do một sự trộn lẫn xấu xa (unholy mixture) với các đức tin khác.
Rõ ràng là, quan điểm này đã đặt Benedict vào một truyền thống Ki-Tô-giáo vững chãi vốn phát triển tại Châu Âu từ thời đế quốc La Mã. Nhưng lịch sử Ki-Tô-giáo còn có một truyền thống cổ đại khác nữa, đi theo một con đường riêng biệt đối với giáo hội La Mã. Truyền thống Châu Âu không phải là phiên bản duy nhất của đức tin Ki-Tô-giáo, cũng không phải là kẻ kế thừa duy nhất của giáo hội cổ đại. Qua hơn 1000 năm, nhiều chi nhánh hoàn toàn riêng biệt của giáo hội thời cổ đã thiết lập những cộng đồng thịnh vượng tại nhiều nơi ở Châu Á, và nội dân số của họ, những giáo hội này có thể sánh với giáo hội Châu Âu vào thời đó. Những cộng đoàn Ki-Tô-giáo này không phát xuất từ La Mã, nhưng nảy sinh trực tiếp từ phong trào Giê-su đầu tiên tại thành cổ Palestine. Họ đã phát triển qua Ấn Độ, Trung Á, và Trung Quốc, không ngần ngại chia sẻ với – và học hỏi từ – các tôn giáo lớn khác của Phương Đông.
Mức độ hoà hợp mà những tín đồ Ki-Tô-giáo này sẵn sàng chấp nhận được gợi lại trong một biểu tượng tôn giáo đáng ngạc nhiên; biểu tượng này xuất hiện trên những di tích và các chạm trổ trên đá tại nam Ấn Độ và dọc theo duyên hải Trung Quốc vào đầu thời Trung Cổ. Chúng ta dễ dàng thấy rằng biểu tượng này mô tả một cây thánh giá, nhưng chỉ trong thoáng chốc chúng ta lại nhận ra rằng cái đế của hình vẽ – tức cái gốc từ đó cây thánh giá mọc lên – là một hoa sen, biểu tượng cho sự giác ngộ của Phật giáo.
Ngày nay, hầu hết các giáo hội dòng chính (mainstream churches) sẽ lên án một sự pha trộn như vậy là phản bội đức tin Ki-Tô-giáo, một trường hợp điển hình về sự hỗn loạn của chủ nghĩa đa văn hóa. Nhưng những tín đồ Ki-Tô-giáo đầu tiên tại Châu Á không hề bận tâm về sự tổng hợp tôn giáo (syncretism) — họ tự gọi mình là Nasraye hoặc Nazarene, theo danh xưng của những tín đồ đầu tiên của Giê-su. Họ hoà đồng thoải mái với một tôn giáo lớn khác có phép tu hành bí nhiệm vào thời đó, và hơn thế nữa, họ tin rằng cả hoa sen lẫn thánh giá đều chuyên chở những thông điệp giống nhau về giác ngộ và sự cứu rỗi. Nếu những người Nazarene này có thể tìm thấy ý nghĩa trong biểu tượng hoa sen-thánh giá, thì tại sao những người Công giáo ngày nay, hay những kẻ kế thừa đức tin mà Giê-Su rao giảng lại không thể? Nhiều tín đồ Ki-Tô-giáo đang miễn cưỡng chấp nhận sự kiện là, nhiều giả định cơ bản của họ cần phải được xét lại triệt để khi đức tin của họ trở thành một tôn giáo toàn cầu ngày nay. Nhưng ngay cả những vị lãnh đạo giáo hội hiện đại, những vị thấy được sự phát triển nhanh chóng của giáo hội ở miền nam thế giới, đều có khuynh hướng coi những giá trị và truyền thống châu Âu như chuẩn mực không thể thiếu, trong các vấn đề nghi lễ và thần học cũng như âm nhạc và kiến trúc.
Nhưng thực tế vẫn là, Ki-Tô giáo từ những ngày đầu đã là một đức tin liên lục địa (intercontinental faith), được thiết định vững vàng tại Châu Á và Châu Phi cũng như bản thân Châu Âu. Khi chúng ta nới rộng tầm nhìn đối với Ki-Tô giáo, một tôn giáo vào khoảng năm 800 đã trải dài từ Ireland đến Triều Tiên, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều phương cách khác nhau theo đó tín đồ Ki-Tô giáo đã tương tác với tín đồ các tôn giáo khác, trong những cuộc tiếp xúc làm thay đổi cả đôi bên. Trong điều kiện tốt nhất, những cuộc gặp gỡ này cho phép các truyền thống văn hoá không những trao đổi tư duy mà lại còn đan quyện nhau (intertwine) trong những cách thế làm phong phú lẫn nhau, đấy là một chương sách đáng kính nể của lịch sử Ki-Tô-giáo mà các giáo hội phương Tây hoàn toàn quên lãng.
Muốn hiểu được câu chuyện lịch sử này, chúng ta cần tái phối trí những tấm bản đồ đã có sẵn trong óc mình. Khi chúng ta nghĩ đến sự phát triển của Ki-Tô giáo, chúng ta nghĩ đến Châu Âu trước tiên. Chúng ta vẽ ra trong trí hình ảnh một phong trào bắt đầu từ Palestine và Syria và phát triển về phía tây để đi vào Hy Lạp và Ý rồi dần dần lan lên lên các miền Bắc Âu. Châu Âu vẫn còn là trung tâm của Giáo hội Công giáo, dĩ nhiên, nhưng nơi này cũng là nơi sinh ra các giáo phái Tin Lành, tức những giáo phái đã ly khai Giáo hội La Mã. Đối với hầu hết chúng ta, thậm chí khi nói đến “Giáo hội phương Đông” cũng là nói đến một nhóm người châu Âu khác mà thôi, nghĩa là nói đến khối tín đồ Chính thống giáo (the Orthodox believers), khối tín đồ phát xuất từ miền đông Châu Âu. Nhà tư tưởng Công giáo Anh Hilaire Belloc có lần tuyên bố rằng “Châu Âu là Đức tin Ki-Tô giáo; và Đức tin Ki-Tô giáo cũng là Châu Âu”.
Nhưng trong những thế kỷ đầu một số tín đồ Ki-Tô-giáo đã bành trướng theo hướng đông để đi vào Châu Á và theo hướng nam để đi vào Châu Phi, tạo nên những giáo hội khác biệt với giáo hội La Mã và những giáo hội này đã tồn tại khoảng 1.200 năm đầu tiên của lịch sử Ki-Tô-giáo. Chắc chắn không phải là những giáo phái ngoài lề (fringe sects), những giáo hội bị quên lãng này có gốc rễ nằm sâu trong những truyền thống lâu đời nhất của giáo hội tông đồ [có nguồn gốc từ một trong mười hai tông đồ của Giê-Su]. Suốt chiều dài lịch sử của những giáo hội này, người Nazarenes đã dùng ngôn ngữ Syriac, một ngôn ngữ gần với tiếng Aramaic của Giê-Su, và họ đi theo Yeshua chứ không phải Giê-Su [1]. Không một giáo hội nào – kể cả Ki-Tô-giáo La Mã lẫn Chính giáo phương Đông có thể tuyên bố mình được kế thừa từ phong trào sớm nhất của Giê-su trực tiếp hơn những giáo hội [của người Nazarenes] này.
Thành công đáng ngạc nhiên nhất của những cộng đoàn Ki-Tô-giáo phương đông này là Giáo hội Phương Đông, thường được gọi là Giáo hội theo truyền thống Nestorius (the Nestorian church)[2]. Trong khi các giáo hội phương Tây bành trướng ảnh hưởng trong khuôn khổ Đế quốc La Mã, những giáo hội nói tiếng Syriac thành lập nhiều cộng đồng tại vương quốc Ba Tư rộng lớn, một vương quốc ngự trị từ Syria đến tận Pakistan và biên giới Trung Quốc. Từ các căn cứ của họ trong vùng Mesopotamia – tức Iraq ngày nay – những tín đồ Ki-Tô-giáo theo truyền thống Nestorius (Nestorian Christians) thực hiện các nỗ lực truyền giáo rộng lớn dọc theo Con đường Tơ lụa xuyên qua miền Trung Á. Vào thế kỷ 8, Giáo hội Phương Đông đã có một cơ cấu rộng lớn khắp hầu hết Trung Á, Trung Quốc, và nam Ấn Độ. Giáo hội này có cả giới tăng lữ bề trên (senior clergy) – những vị tổng giám mục – tại Samarkand và Bokhara, tại Herat thuộc Afghanistan. Thậm chí một vị giám mục có nhiệm sở ngay tại Tràng An, kinh đô của Trung Quốc – quốc gia này thời bấy giờ là siêu cường lớn nhất thế giới.
Khi những người Ki-Tô-giáo theo truyền thống Nestorius bành trướng ảnh hưởng xuyên qua Trung Á vào thế kỷ 6 và 7, họ gặp phải các nhà hoằng pháp và các bậc thánh tăng của một tôn giáo cũng đang bành trướng vững vàng không kém, đó là Phật giáo Đại thừa (Mahayana Buddhism). Các tín đồ Phật giáo thời đó cũng muốn truyền cho thế gian một con đường cứu độ, nên đã phát động những cuộc hoằng pháp quan trọng từ các tu viện và chùa chiền Ấn Độ. Trong thế giới đa dạng này, các tu viện Phật giáo và Ki-Tô-giáo rất có thể đã đứng cạnh nhau như những láng giềng và đôi khi còn hợp tác với nhau. Một số sử gia tin rằng những nhà truyền giáo theo truyền thống Nestorius đã ảnh hưởng lên cách tu tập của môn phái Phật giáo đang phát triển tại Tây Tạng thời đó. Các nhà tu của hai tôn giáo đã đối thoại với nhau.
Trên bước đường rao giảng đức tin, các nhà truyền giáo Ki-Tô đương nhiên sử dụng các hình thức văn hóa vốn đã quen thuộc với người châu Á. Họ kể tích truyện qua những câu kệ (sutras), một dạng thơ được nổi tiếng nhờ sự vận dụng của các nhà sư Phật giáo. Một tuyển tập gồm các câu kệ của Giê-Su (Jesus Sutras) được tìm thấy trong các thạch thất ở Đôn Hoàng (Dunhuang), thuộc miền tây bắc Trung Quốc [3]. Một số bài viết của các nhà tu thuộc giáo phái Nestorius (Nestorian writings) đã dựa vào tư tưởng Phật giáo khá nặng, khi họ dịch các lời cầu nguyện và các nghi lễ sang một thứ ngôn ngữ mà độc giả châu Á có thể hiểu được. Trong một số kinh sách, cụm từ Ki-Tô-giáo “các thiên thần, tổng lãnh thiên thần và các chủ tầng trời” được dịch thành ngôn ngữ của chư phật và chư thiên (buddhas and devas) [4].
Đặc biệt có một sự tích nói nên sự cộng tác đáng kinh ngạc giữa hai tôn giáo. Vào năm 782, nhà sư Ấn Độ Prajna (Bát Nhã) đến Tràng An, mang theo cả kho tàng kinh điển Phật giáo. Chỉ đáng tiếc là các kinh điển này được viết bằng tiếng Ấn Độ. Brajna đã hỏi ý kiến vị giám mục địa phương, Adam, người đã dịch nhiều phần trong Kinh Thánh ra tiếng Trung Hoa. Các học giả Phật giáo và Ki-Tô-giáo tại đây đã cộng tác với nhau trong một không khí thân hữu qua một số năm để dịch bảy tạng kinh Phật dày cộm. Chắc Adam làm việc này vì tính tò mò tri thức cũng như vì thiện tâm của tín đồ Ki-Tô-giáo nói chung. Chúng ta có thể phỏng đoán về những đàm đạo giữa họ, chẳng hạn bằng những trao đổi như sau: Ngài thật sự quan tâm về cứu khổ hơn là sám hối tội lỗi chăng? Và các giáo sĩ của ngài cũng thiền định như các nhà sư của chúng tôi, phải không?
Những nỗ lực này mang lại thành quả vượt quá biên giới Trung Quốc. Cư dân Tràng An vào thời điểm này gồm có một số nhà sư Nhật Bản, những người sẽ mang chính những bản dịch này về quê hương của họ. Tại Nhật Bản, những tác phẩm này lại trở thành những kinh điển đặt nền móng cho những trường phái Phật giáo quan trọng của thời Trung Cổ tại xứ này. Tất cả những phong trào nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản sau này, kể cả Zen, đều có nguồn gốc từ một trong những trường phái cổ đại này và, nhiên hậu – một cách lạ thường – có thể truy nguyên đến công đức của một giám mục Ki-Tô-giáo.
Vào thế kỷ 12, những giáo hội thịnh hành tại Trung Quốc và miền nam Ấn Độ đều sử dụng biểu tượng thánh giá-hoa sen. Hoa sen là loài hoa tuyệt đẹp mọc lên từ bùn lầy. Còn biểu tượng nào tốt đẹp hơn để tượng trưng cho sự vươn dậy của linh hồn từ thế giới vật chất, cho sự chiến thắng của sự giác ngộ đối với vô minh, dục vọng, và tham luyến? Suốt 2000 năm nay, các nghệ sĩ Phật giáo luôn sử dụng biểu tượng hoa sen để chuyên chở những thông điệp này trong vô số tranh ảnh và tác phẩm điêu khắc. Trong khi đó, cây thánh giá Ki-Tô-giáo dạy một bài học tương ứng, về chiến thắng của Thiên Chúa đối với tội lỗi và bất công, về sự yếu đuối của thế gian. Một nơi nào đó tại Á Châu, các tín đồ bị quên lãng của Yeshua đã táo bạo quyết định tổng hợp hai biểu tượng này, một nỗ lực cho đến ngày nay còn khiến chúng ta phải suy niệm về sự song hành một bên là sự giải thoát (liberation) và bên kia là sự cứu rỗi (redemption) mà mỗi đức tin đã cống hiến cho loài người.
Trong phần lớn lịch sử của mình, Ki-Tô giáo là một tôn giáo mang bản sắc châu Á ngang hàng với Phật giáo. Các giáo hội Ki-Tô-giáo châu Á tồn tại hơn một thiên niên kỷ. Mãi cho đến thế kỷ 10, nghĩa là vào khoảng nửa đoạn đường lịch sử Ki-Tô-giáo, số tín đồ của tôn giáo này tại Châu Âu mới vượt quá số tín đồ tại Châu Á.
Cuối cùng, những đợt xâm lăng của quân Mông Cổ tràn qua Trung Á và Trung Đông kể từ thập niên 1220 đã xoá sạch các cộng đồng Ki-Tô-giáo châu Á. Cũng từ cuối thế kỷ 13, thế giới lại đi vào một kỷ nguyên khủng khiếp do tình trạng thay đổi khí hậu, giá lạnh toàn cầu, một hiện tượng đã cắt giảm các nguồn lương thực một cách nghiêm trọng, gây ra nạn đói khắp nơi. Sự suy sụp các hệ thống trao đổi hàng hóa và thương mại đã làm tê liệt các thành phố, khiến thế giới trở nên nghèo nàn và yếu kém hơn trước. Chủ nghĩa dân tộc thiếu khoan dung đã xóa sạch các cộng đồng Ki-Tô-giáo tại Trung Quốc, trong khi một phong trào Hồi giáo hiếu chiến nổi lên tàn phá các nhà thờ tại Trung Á.
Nhưng một sự ý thức về thiên lịch sử Ki-Tô-giáo có chiều sâu này sẽ góp phần tích cực cho việc tìm hiểu tương lai của tôn giáo này, cũng như quá khứ của nó. Qua nhiều thế kỷ lâu dài, người Ki-Tô-giáo châu Á đã giữ quan hệ thân thiết với các đức tin khác, những đức tin mà họ không coi là những đối thủ nguy hiểm, nhưng là những bạn đồng hành trên con đường đi tới giác ngộ. Thế giới quan của họ cực kỳ khác biệt với các chuẩn mực đức lý phát triển tại Châu Âu.
Một ví dụ điển hình là, chúng ta quá quen với ý niệm Ki-Tô giáo giữ vai trò quốc giáo tại các quốc gia hùng mạnh, những quốc gia gần như luôn luôn tìm cách áp đặt một chính thống giáo đặc biệt nào đó trên thần dân của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào quá trình lịch sử của Châu Phi và Châu Á, chúng ta sẽ thấy rằng hằng triệu tín đồ Ki-Tô-giáo thường trải nghiệm sự hiện diện của mình như các khối dân thiểu số hay thậm chí đa số tại những quốc gia bị khống chế bởi một tôn giáo khác. Để được lòng người bản địa, các giáo hội Ki-Tô-giáo hàng đầu tại Á-Phi không còn lựa chọn nào khác hơn là khuôn nắn thông điệp Ki-Tô-giáo theo những truyền thống trí thức phi-châu Âu (non-European intellectual traditions). Các triết gia Ki-Tô-giáo [phương Đông] đã từng trình bày thông điệp của mình trong các phạm trù Phật, Lão, Khổng; vì vậy không có lý do gì họ không thể làm lại điều này trong thế giới hiện đại. Khi các học giả ngày nay như Peter Phan cố gắng đặt Ki-Tô giáo trong bối cảnh châu Á và Phật giáo, họ chỉ kế tục một nhiệm vụ đã được đặt ra chí ít cách nay 1.500 năm.
Thật vậy, có lẽ chúng ta đang nhìn một lịch sử bị đảo ngược, chúc đầu xuống đất. Hi vọng một ngày nào đó, các sử gia tương lai sẽ nghiên cứu lại lịch sử vài trăm năm qua của Ki-Tô giáo, mà sự khống chế chủ yếu là Âu-Mỹ, và sẽ coi đó chỉ là một giai đoạn bất thường (unnatural interlude) trong một lịch sử lâu dài gấp bội, bao gồm một quá trình trao đổi thành công giữa các tôn giáo lớn của nhân loại.
Xin xem qua câu chuyện sau đây, do Timothy, một trưởng lão thuộc giáo hội Nestorius (the Nestorian church), kể lại. Khoảng năm 800, Timothy tham dự một cuộc tranh luận nổi tiếng với nhà vua Hồi giáo tại thành Baghdad, một cuộc tranh luận được đánh dấu bằng sự biết điều và phép lịch sự của cả đôi bên. Đại để Timothy đã nói, hãy tưởng tượng tất cả chúng ta đang ở trong một căn nhà tối tăm vào ban đêm và có kẻ ném một viên ngọc quí vào một đống đá tầm thường. Mọi người tranh nhau tìm viên ngọc, và có người nghĩ rằng họ đã tìm ra viên ngọc ấy, nhưng nào ai dám chắc về điều này mãi cho đến khi có ánh sáng ban ngày.
Trong một cách thế tương tự, ông nói, viên ngọc đức tin và trí tuệ đích thực này đã rơi vào đêm đen trong một thế giới tạm bợ; nhưng mỗi tôn giáo lại tin tưởng rằng mình là kẻ duy nhất đã phát hiện viên ngọc quí đó. Tuy nhiên tất cả những gì mà Timothy có thể nói – và tất cả những gì mà vị vua Hồi có thể trả lời – chung qui cũng chỉ là: một số tôn giáo cho rằng mình đã có đủ chứng lý để chứng minh rằng mình đang thủ đắc viên ngọc đích thực, nhưng chân lý tối hậu vẫn là một ẩn số trong cõi nhân gian này.
Trực tiếp tìm hiểu những tôn giáo khác sẽ giúp người tín đồ có được một trình độ tinh tế rất quí báu, một đức tính đặt cơ sở trên lòng khiêm cung. Chúng ta có khả năng làm nhiều điều tệ hại hơn nếu không học hỏi từ một thời đại mà đôi khi chúng gọi là Thời tăm tối (the Dark Ages).
Philip Jenkins là giáo sư khoa nhân văn thuộc chương trình Edwin Erle Sparks tại Penn State University. Ông là tác giả cuốn “Phần lịch sử thất lạc của Ki-Tô giáo: Thời hoàng kim một nghìn năm của Giáo hội Trung Đông, Châu Phi, Châu Á – và giáo hội này đã chết như thế nào”, xuất bản năm 2008.
Nguồn: “When Jesus met Buddha”, The Boston Globe, 14 tháng Mười Hai, 2008.
Chú thích:
[1] Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Yeshua là tên gốc của Giê-su trong ngôn ngữ Hebrew hay Aramaic – ND.
[2] Nestorius (386-451) là tổng giám mục của Constantinople từ năm 428 đến năm 431. Ông sáng lập một học thuyết về sau mang tên ông, đó là Nestorianism, nhấn mạnh sự tách biệt hai bản thể của Đức Ki-Tô, một của người và một của Thiên Chúa. Giáo lý của Nestorius, bao gồm việc bác bỏ danh xưng “Mẹ của Chúa” từ lâu vẫn dùng để gọi Đức Đồng trinh Maria, đã đưa ông đến tình trạng xung khắc với các lãnh đạo giáo hội đương thời. Vì vậy ông bị kết án là kẻ dị giáo và bị cách chức tổng giám mục của giáo xứ. Một số đồ đệ trung thành của Nestorius đã ly khai với giáo hội và qua nhiều thập niên sau đó đã di cư sang Ba Tư. Từ đó chủ nghĩa Nesorius (Nestorianism) trở thành lập trường chính thức của Giáo hội phương Đông (the Church of the East) – ND – Theo Wikipedia.
[3] Đôn Hoàng là một cứ điểm trên “Đường Tơ Lụa”, con đường giao lưu mậu dịch và văn hóa với Ba Tư và Trung Á. Ngày nay thị xã Đôn Hoàng trực thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc – ND.
[4] Devas: Đây là những chúng sinh sống trên các cõi trời, hạnh phúc hơn cõi người, nhưng sau khi chết vẫn còn tái sinh trong vòng “sinh, lão, bệnh, tử” – ND.
https://nghiencuulichsu.com/2013/05/13/chua-gap-phat/