Một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc đã lên án Tổng thống Donald Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung đang “khinh miệt” và “thù hận” người nghèo. Báo cáo này dựa trên những dữ liệu không chính xác và là số liệu cũ từ thời của cựu Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Trump tiếp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Nhà Trắng ngày 20/10/2017.
Nội dung chính của báo cáo Liên Hiệp Quốc không khác gì Đảng Dân chủ đang tấn công chính phủ Trump: Mỹ có 40 triệu người nghèo, trong đó có khoảng 18,5 triệu người sống ở mức cực nghèo; chính sách của Mỹ đối với người nghèo là “tàn nhẫn và vô nhân đạo”; gói giảm thuế của ông Trump không hiệu quả và sẽ chỉ làm tồi tệ thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập; nước Mỹ cần chi tiêu quốc phòng ít hơn và giành nhiều tiền hơn cho các chương trình xã hội.
Tuy nhiên, phải xem xét kỹ hơn: Những nội dung chính trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc là dựa trên dữ liệu đo lường nghèo đói chính thức của Cục Thống kê Mỹ năm 2016 – năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Vì vậy, đó là vô lý để cho rằng cá nhân công dân Donald Trump phải chịu trách nhiệm cho nhiều thiếu sót của chính phủ Obama hoặc bất kỳ chính phủ nào khác trước khi ông trở thành tổng thống.
Không chừng Liên Hiệp Quốc cũng có thể đổ lỗi cho ông Trump đã gây ra Đại Suy thoái (Great Depression) của nước Mỹ trước khi ông chào đời.
Báo cáo này còn có một vấn đề lớn hơn, đặc biệt khi tổ chức tấn công ông Trump là Liên Hiệp Quốc, là dữ liệu của Cục Thống Kê Mỹ năm 2016 là không chính xác và không thể được sử dụng để so sánh các chương trình chống đói nghèo của nước Mỹ với các chương trình ở các quốc gia phát triển khác.
Cục Thống kê đưa ra các ước tính hàng năm của họ về phúc lợi của người Mỹ bằng việc thực hiện hàng ngàn cuộc khảo sát. Nhiều hộ gia đình Mỹ đã không phản hồi những bảng hỏi khảo sát ngẫu nhiên này. Trong số những người trả lời khảo sát, họ thường không nói đầy đủ những khoản trợ cấp phúc lợi mà họ được nhận từ liên bang, tiểu bang hoặc chính quyền địa phương.
Điều này không nhất thiết bị coi là gian lận, vì những cuộc khảo sát ngẫu nhiên này không nhằm mục đích để xác định điều kiện được nhận trợ cấp chính phủ. Thay vào đó, nó đơn giản chỉ ra rằng khi các gia đình đang gặp khó khăn nhận được khảo sát hỏi về những gì họ kiếm được trong năm trước và các khoản thanh toán phúc lợi mà họ nhận được, họ đơn giản là thường không biết hoặc không nhớ.
Vấn đề trả lời khảo sát thống kê không chính xác này đã được biết đến từ nhiều năm qua và cả các quan chức chính phủ và các học giả đều đã nghiên cứu về điều này.
Một nghiên cứu gần đây của ông Bruce D. Meyer và Nikolas Mittag phát hiện một sự không tương thích lớn giữa dữ liệu thống kê và khoản tiền mà chính phủ chi trả cho người nghèo trong 4 chương trình tại New York: Trợ cấp thực phẩm (tên chính thức là Chương trình Trợ cấp Dinh dưỡng Bổ sung – SNAP), Trợ cấp tạm thời cho các gia đình nghèo (TANF), hỗ trợ chung và trợ cấp nhà ở.
Nghiên cứu trên cho thấy các cuộc khảo sát thống kê “đã bỏ qua hơn 1/3 trợ cấp nhà ở mà người nhận đã được nhận, 40% trợ cấp thực phẩm, và 60% TANF và hỗ trợ chung”.
Đó là mức độ lỗi rất lớn, khiến cho các kết quả khảo sát trở thành vô giá trị.
Chẳng hạn chỉ tính riêng 42,2 triệu người Mỹ năm 2017 nhận 63,7 tỷ USD trợ cấp thực phẩm, tỷ lệ sai số của cuộc khảo sát là 40%, có nghĩa là 25 tỷ USD tiền trợ cấp thực phẩm liên bang đã không được đưa vào báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Các nhà nghiên cứu thống kê phát hiện rằng 50% hộ gia đình đã nhận trợ cấp thực phẩm không thông báo khoản tiền họ nhận được trong các cuộc khảo sát. Cục Thống kê cũng cho biết “có thể vẫn còn báo cáo thiếu đáng kể về khoản trợ cấp nhà ở”. Các cuộc khảo sát đã bỏ qua khoản trợ cấp nhà ở ước tính vào khoảng gần 3.000 USD/ hộ gia đình/ năm.
Điểm mấu chốt là số liệu thống kê cực kỳ không chính xác này là cơ sở cho báo cáo mà Liên Hiệp Quốc dùng để lên án các chương trình xóa đói giảm nghèo của Hoa Kỳ đã hoàn toàn làm mất tính xác tín của báo cáo. Báo cáo không chính xác của Liên Hiệp Quốc tuyên bố có 18,5 triệu người Mỹ sống ở mức “cực nghèo”, nhưng con số thực tế là thấp hơn một nửa.
Ngoài ra, báo cáo của Liên Hiệp Quốc còn có một cáo buộc khác khi cho rằng gói giảm thuế mà ông Trump ký thành luật sau khi được Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số phê duyệt sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập và làm tồi tệ thêm hoàn cảnh sống của người nghèo.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy việc thống kê thiếu rất lớn các khoản trợ cấp của chính phủ cho người nghèo đã dẫn tới báo cáo sai quá mức về số người nghèo ở Mỹ. Vấn đề tương tự cũng cho thấy kết quả về gia tăng bất bình đẳng thu nhập.
Hơn nữa, trái ngược với quan điểm của các nhà kinh tế học như Thomas Piketty của Pháp, nhân tố chính dẫn tới sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng không phải là vì người giàu kiếm được nhiều tiền hơn từ việc lấy đi cơ hội của người nghèo. Thay vào đó, đó là sự gia tăng lớn trong sở hữu nhà ở, chủ yếu là thuộc sở hữu của tầng lớp trung lưu, tạo ra lực đẩy giả khiến chính phủ đưa ra các hạn chế làm giảm việc xây dựng nhà ở mới. Đây là một lý do chính yếu giải thích bang California có tỷ lệ nghèo đói bổ sung cao nhất nước Mỹ.
Hơn nữa, tại Mỹ đang có một sự bất đồng rõ ràng về cách tiếp cận tốt nhất nhằm giảm đói nghèo.
Đảng Dân chủ cho rằng nước Mỹ cần mức thuế suất biên cao hơn đối với cá nhân và doanh nghiệp để có tiền tài trợ cho một nhà nước phúc lợi lớn hơn. Họ lập luận rằng lấy càng nhiều tiền hơn của người giàu chia cho người nghèo sẽ càng làm giảm bất bình đẳng thu nhập.
Ngược lại, Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa nhấn mạnh về tầm quan trọng của đẩy mạnh nền kinh tế đất nước và tạo ra việc làm chất lượng cho lao động Mỹ. Họ hiểu một khoản tiền lương luôn luôn là tốt hơn một khoản trợ cấp để giúp người Mỹ thoát nghèo, củng cố phẩm giá cá nhân và xây chắc gia đình.
May mắn cho người Mỹ, khi lúc này chính phủ Trump và quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đang thành công trong việc tạo thêm việc làm để đem sự thịnh vượng tới cho hàng triệu người Mỹ.
Như tờ New York Times – không phải là tờ báo ủng hộ ông Trump – đầu tháng Sáu đã loan báo về thống kê thất nghiệp tháng Năm: “Bộ Lao động đã thông báo hôm thứ Sáu, nền kinh tế nước Mỹ đã tăng vọt vào tháng trước, mở rộng chuỗi tăng trưởng việc làm dài nhất lịch sử và lặp lại các dấu hiệu khác về phát triển mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất kề từ thời điểm bùng nổ kinh tế kỹ thuật số đầu những năm 2000”.
Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu và người gốc Tây Ban Nha hiện nay cũng thấp kỷ lục. Hàng trăm ngàn người Mỹ, nhiều người trong số này đã từng mất hy vọng và phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ, hiện nay đang làm việc và nhận thấy rằng hoàn toàn có thể sống một cuộc đời độc lập.
Có thể các báo cáo tiếp sau của Liên Hiệp Quốc cũng sẽ không có các tin tức tốt lành nêu trên. Nhưng ngay cả tờ The New York Times cũng đã thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt dưới thời Tổng thống Trump, thì chúng ta biết rằng ông Trump chắc chắn đang làm điều đúng đắn.
Tân Bình (Theo Fox News)