Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và đại thắng Kỷ Dậu (1789)
Tác giả: Duy Tường
Xã hội Việt Nam trong thời gian nửa sau thế kỷ 18 xuất hiện một nhân vật nổi tiếng uyên thâm, học cao hiểu rộng, cốt cách phi phàm, xem thường danh lợi. Ông đã góp phần rất quan trọng giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789). Vua Quang Trung đã giao cho ông trọng trách cải tổ nền văn hóa, giáo dục với mục đích đưa đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh.
Xa lánh quan trường
Nguyễn Thiếp (tên hiệu là La Sơn phu tử, La Giang phu tử, Lam Hồng Dị Nhân, Hạnh Am, Lục Niên hầu, Lạp Phong cư sĩ…), sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723), tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc địa giới huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ban đầu ông được đặt tên là Nguyễn Minh, sau vì trùng tên húy Minh Đô vương (tức chúa Trịnh Doanh) nên đổi thành Nguyễn Thiếp.
Gia đình Nguyễn Thiếp có tiếng là hiếu học trong vùng. Thân mẫu của Nguyễn Thiếp thuộc dòng dõi họ Nguyễn “Trường Lưu”, huyện Can Lộc, cũng là một dòng họ danh gia vọng tộc ở xứ Nghệ. Họ Nguyễn “Trường Lưu” có những nhân vật xuất chúng một thời như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự…
Năm 1780, Trịnh Sâm có tờ truyền mời Nguyễn Thiếp ra Thăng Long nhận chức quan. Lệnh chúa khó cãi, Nguyễn Thiếp phải miễn cưỡng ra đi. Tuy nhiên, ông thấy rõ Thăng Long lúc này thế đạo suy vi, nhân tâm phân hóa sau cuộc đua tranh quyền lực kéo dài. Ông khuyên chúa Trịnh không nên tiếm quyền vua Lê mà phải biết giữ nghĩa tôi trung, chăm lo cho muôn dân trăm họ. Nhưng chúa Trịnh không nghe. Nguyễn Thiếp chán nản xin cáo từ mà không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc nào. Ông trở về núi Thiên Nhẫn dạy học và ngao du đó đây, vui riêng với nếp sống thanh cao tự tại.
Cuộc hội kiến lịch sử
Năm 1786, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc chinh phạt chúa Trịnh. Khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ viết thư cùng lễ vật ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp về Phú Xuân giúp mình. Trong thư có đoạn: “Lâu nay được nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính quả đức muốn tới nơi gặp mặt, để thỏa lòng tìm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gũi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngọa Long.
Vậy đặc sai hai đình thần mang vật mọn đến, gọi là để tỏ lòng thành sơ sài. May chi Phu tử không thấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng quả đức mong đợi mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng cho sự nghiệp Y, Khương. Được thế, không những riêng quả đức may mắn mà dân mười hai Thừa tuyên ở Bắc cũng được may. Xin chớ làm quả đức thất vọng, mong Phu tử lượng cho”.
Lời thư chân thành, tha thiết như thế, nhưng vốn là người không màng danh lợi, Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối. Ông đưa ra 3 lý do để trả lời Nguyễn Huệ, tự nhận mình một thần tử nhà Lê, tuổi cao, tài hèn sức mọn, không thể giúp gì được.
Tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu thủ là Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Lê Tài ra Nghệ An dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Lời thư lần này cũng tha thiết không kém: “Phu tử là danh sĩ hơn đời: vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao… Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi”… Lần này Nguyễn Thiếp cũng khiêm nhường từ chối.
Lần thứ 3, ngày 13 tháng 9 năm 1787, Nguyễn Huệ sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Phần kết của lá thư có đoạn: “Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm”. Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi.
Tấm bia ghi lại nội dung chiếu truyền của Nguyễn Huệ gửi La Sơn phu tử chọn đất đóng đô. |
Tháng 6 năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai để trị tội Vũ Văn Nhậm. Khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Và lần này Nguyễn Thiếp đồng ý. Có thể nói đây là cuộc gặp có một không hai, rất đặc biệt trong lịch sử. Theo nhiều tài liệu ghi chép, hai người rất tâm đầu ý hợp, bàn luận sôi nổi. Cuộc hội kiến tưởng chừng như không dứt.
Tuy chưa chính thức nhận lời ra giúp nhà Tây Sơn nhưng cuộc hội kiến là sự khởi đầu cho những hợp tác sau này. Việc đầu tiên, Bắc Bình vương nhờ La Sơn phu tử chọn đất để xây dựng kinh đô mới thay cho Phú Xuân. Nguyễn Thiếp đã chọn khu vực núi Dũng Quyết – ngọn núi nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân, nay thuộc địa phận Vinh, Nghệ An làm đất đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên do vua Quang Trung đột ngột băng hà nên công việc bỏ dở, và Phượng Hoàng Trung Đô cũng rơi vào quên lãng. Ngày nay, dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn dấu tích của Phượng Hoàng Trung Đô.
Đại phá quân Thanh xuân Kỷ Dậu
Cuối năm 1788, vua Càn Long cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân Thanh sang chiếm Đại Việt. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 22 tháng 12 năm 1788, lấy niên hiệu là Quang Trung và ngay hôm sau ông cất đại quân ra Bắc. Ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân tới Nghệ An. Vua Quang Trung cho người mang thư đến mời La Sơn phu tử đến bàn kế sách đánh quân Thanh.
Trong buổi hội kiến lần này, vua Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp: “Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Phu tử nghĩ thế nào?”.
Nguyễn Thiếp trả lời: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc, chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quân lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê… Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều”.
Khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trả lời: “Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được”.
Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp. Chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan tành 29 vạn quân Thanh. Đúng trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự vui mừng chào đón của nhân dân.
Bởi lý do này, nhà vua càng trân trọng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.
Cải cách văn hóa, giáo dục cho nhà Tây Sơn
Sau khi đánh thắng quân Thanh, La Sơn phu tử trở thành một trong những vị học giả được vua Quang Trung tin cậy nhất. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân.
Tháng 8 năm 1791, vua Quang Trung cho xây dựng Viện Sùng Chính tại núi Nam Hoa thuộc huyện La Sơn, nơi trường cũ của Nguyễn Thiếp. Như vậy Nguyễn Thiếp không phải rời nơi ở ẩn mà vẫn có điều kiện thi thố sở học của mình. Ông đã đề ra những cải cách văn hóa, giáo dục một cách cụ thể, khoa học.
Theo ông, việc học thời Lê – Trịnh đã không còn giữ được điều cơ bản của đạo học, người ta chỉ tranh đua học từ chương, cốt cầu công danh mà quên hẳn sự học tam cương ngũ thường. Từ đó dẫn đến tình trạng “chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong”. Ông đề nghị mở rộng nền giáo dục ra toàn diện, học bao gồm cả học văn và học võ.
Về cách dạy học, ông cho rằng vẫn nên lấy Tiểu học làm gốc, từ đó mở rộng dạy Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ sử. “Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị”.
Công việc của Viện Sùng Chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc đặt cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục của nhà Tây Sơn. Có thể nói công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta.
Ông đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch… sang chữ Nôm để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.
Danh thơm bất hủ
Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xử những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Những danh tướng lừng lẫy một thời như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… đều bị hành hình rất thê thảm.
Tuy nhiên, đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Ánh vẫn có lòng kính trọng. Nguyễn Ánh cho mời Nguyễn Thiếp đến và hỏi: “Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?”. Nguyễn Thiếp ung dung trả lời: “Có tám điều trong sách Đại học, có chín điều trong sách Trung dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được”.
Nguyễn Ánh vẫn không lấy làm khó chịu mà còn ngỏ ý mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình. Nguyễn Thiếp đã từ chối, sau đó ông cáo từ mà không nhận bất cứ lễ vật nào.
Về lại Thiên Nhẫn, Nguyễn Thiếp sống ẩn dật như xưa, không bận lòng đến việc trần ai nữa. Hai năm sau, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (1804) ông mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn của giới sĩ phu và người dân hiếu học.
Hình: Đền thờ vua Quang Trung ở núi Quyết, nơi La Sơn phu tử chọn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Nguồn: ANTG
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và đại thắng Kỷ Dậu (1789)
Tác giả: Duy Tường
Xã hội Việt Nam trong thời gian nửa sau thế kỷ 18 xuất hiện một nhân vật nổi tiếng uyên thâm, học cao hiểu rộng, cốt cách phi phàm, xem thường danh lợi. Ông đã góp phần rất quan trọng giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789). Vua Quang Trung đã giao cho ông trọng trách cải tổ nền văn hóa, giáo dục với mục đích đưa đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh.
Xa lánh quan trường
Nguyễn Thiếp (tên hiệu là La Sơn phu tử, La Giang phu tử, Lam Hồng Dị Nhân, Hạnh Am, Lục Niên hầu, Lạp Phong cư sĩ…), sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723), tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc địa giới huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ban đầu ông được đặt tên là Nguyễn Minh, sau vì trùng tên húy Minh Đô vương (tức chúa Trịnh Doanh) nên đổi thành Nguyễn Thiếp.
Gia đình Nguyễn Thiếp có tiếng là hiếu học trong vùng. Thân mẫu của Nguyễn Thiếp thuộc dòng dõi họ Nguyễn “Trường Lưu”, huyện Can Lộc, cũng là một dòng họ danh gia vọng tộc ở xứ Nghệ. Họ Nguyễn “Trường Lưu” có những nhân vật xuất chúng một thời như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự…
Năm 1780, Trịnh Sâm có tờ truyền mời Nguyễn Thiếp ra Thăng Long nhận chức quan. Lệnh chúa khó cãi, Nguyễn Thiếp phải miễn cưỡng ra đi. Tuy nhiên, ông thấy rõ Thăng Long lúc này thế đạo suy vi, nhân tâm phân hóa sau cuộc đua tranh quyền lực kéo dài. Ông khuyên chúa Trịnh không nên tiếm quyền vua Lê mà phải biết giữ nghĩa tôi trung, chăm lo cho muôn dân trăm họ. Nhưng chúa Trịnh không nghe. Nguyễn Thiếp chán nản xin cáo từ mà không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc nào. Ông trở về núi Thiên Nhẫn dạy học và ngao du đó đây, vui riêng với nếp sống thanh cao tự tại.
Cuộc hội kiến lịch sử
Năm 1786, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc chinh phạt chúa Trịnh. Khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ viết thư cùng lễ vật ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp về Phú Xuân giúp mình. Trong thư có đoạn: “Lâu nay được nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính quả đức muốn tới nơi gặp mặt, để thỏa lòng tìm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gũi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngọa Long.
Vậy đặc sai hai đình thần mang vật mọn đến, gọi là để tỏ lòng thành sơ sài. May chi Phu tử không thấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng quả đức mong đợi mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng cho sự nghiệp Y, Khương. Được thế, không những riêng quả đức may mắn mà dân mười hai Thừa tuyên ở Bắc cũng được may. Xin chớ làm quả đức thất vọng, mong Phu tử lượng cho”.
Lời thư chân thành, tha thiết như thế, nhưng vốn là người không màng danh lợi, Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối. Ông đưa ra 3 lý do để trả lời Nguyễn Huệ, tự nhận mình một thần tử nhà Lê, tuổi cao, tài hèn sức mọn, không thể giúp gì được.
Tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu thủ là Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Lê Tài ra Nghệ An dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Lời thư lần này cũng tha thiết không kém: “Phu tử là danh sĩ hơn đời: vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao… Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi”… Lần này Nguyễn Thiếp cũng khiêm nhường từ chối.
Lần thứ 3, ngày 13 tháng 9 năm 1787, Nguyễn Huệ sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Phần kết của lá thư có đoạn: “Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm”. Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi.
Tấm bia ghi lại nội dung chiếu truyền của Nguyễn Huệ gửi La Sơn phu tử chọn đất đóng đô. |
Tháng 6 năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai để trị tội Vũ Văn Nhậm. Khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Và lần này Nguyễn Thiếp đồng ý. Có thể nói đây là cuộc gặp có một không hai, rất đặc biệt trong lịch sử. Theo nhiều tài liệu ghi chép, hai người rất tâm đầu ý hợp, bàn luận sôi nổi. Cuộc hội kiến tưởng chừng như không dứt.
Tuy chưa chính thức nhận lời ra giúp nhà Tây Sơn nhưng cuộc hội kiến là sự khởi đầu cho những hợp tác sau này. Việc đầu tiên, Bắc Bình vương nhờ La Sơn phu tử chọn đất để xây dựng kinh đô mới thay cho Phú Xuân. Nguyễn Thiếp đã chọn khu vực núi Dũng Quyết – ngọn núi nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân, nay thuộc địa phận Vinh, Nghệ An làm đất đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên do vua Quang Trung đột ngột băng hà nên công việc bỏ dở, và Phượng Hoàng Trung Đô cũng rơi vào quên lãng. Ngày nay, dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn dấu tích của Phượng Hoàng Trung Đô.
Đại phá quân Thanh xuân Kỷ Dậu
Cuối năm 1788, vua Càn Long cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân Thanh sang chiếm Đại Việt. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 22 tháng 12 năm 1788, lấy niên hiệu là Quang Trung và ngay hôm sau ông cất đại quân ra Bắc. Ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân tới Nghệ An. Vua Quang Trung cho người mang thư đến mời La Sơn phu tử đến bàn kế sách đánh quân Thanh.
Trong buổi hội kiến lần này, vua Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp: “Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Phu tử nghĩ thế nào?”.
Nguyễn Thiếp trả lời: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc, chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quân lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê… Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều”.
Khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trả lời: “Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được”.
Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp. Chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan tành 29 vạn quân Thanh. Đúng trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự vui mừng chào đón của nhân dân.
Bởi lý do này, nhà vua càng trân trọng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.
Cải cách văn hóa, giáo dục cho nhà Tây Sơn
Sau khi đánh thắng quân Thanh, La Sơn phu tử trở thành một trong những vị học giả được vua Quang Trung tin cậy nhất. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân.
Tháng 8 năm 1791, vua Quang Trung cho xây dựng Viện Sùng Chính tại núi Nam Hoa thuộc huyện La Sơn, nơi trường cũ của Nguyễn Thiếp. Như vậy Nguyễn Thiếp không phải rời nơi ở ẩn mà vẫn có điều kiện thi thố sở học của mình. Ông đã đề ra những cải cách văn hóa, giáo dục một cách cụ thể, khoa học.
Theo ông, việc học thời Lê – Trịnh đã không còn giữ được điều cơ bản của đạo học, người ta chỉ tranh đua học từ chương, cốt cầu công danh mà quên hẳn sự học tam cương ngũ thường. Từ đó dẫn đến tình trạng “chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong”. Ông đề nghị mở rộng nền giáo dục ra toàn diện, học bao gồm cả học văn và học võ.
Về cách dạy học, ông cho rằng vẫn nên lấy Tiểu học làm gốc, từ đó mở rộng dạy Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ sử. “Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị”.
Công việc của Viện Sùng Chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc đặt cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục của nhà Tây Sơn. Có thể nói công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta.
Ông đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch… sang chữ Nôm để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.
Danh thơm bất hủ
Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xử những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Những danh tướng lừng lẫy một thời như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… đều bị hành hình rất thê thảm.
Tuy nhiên, đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Ánh vẫn có lòng kính trọng. Nguyễn Ánh cho mời Nguyễn Thiếp đến và hỏi: “Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?”. Nguyễn Thiếp ung dung trả lời: “Có tám điều trong sách Đại học, có chín điều trong sách Trung dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được”.
Nguyễn Ánh vẫn không lấy làm khó chịu mà còn ngỏ ý mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình. Nguyễn Thiếp đã từ chối, sau đó ông cáo từ mà không nhận bất cứ lễ vật nào.
Về lại Thiên Nhẫn, Nguyễn Thiếp sống ẩn dật như xưa, không bận lòng đến việc trần ai nữa. Hai năm sau, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (1804) ông mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn của giới sĩ phu và người dân hiếu học.
Hình: Đền thờ vua Quang Trung ở núi Quyết, nơi La Sơn phu tử chọn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Nguồn: ANTG