Hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, miền Tây lại bước vào mùa nước nổi. Nước từ thượng nguồn sông Mêkông tràn về Việt Nam qua hai tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp, mang lại cho người dân trong vùng nguồn lợi thủy sản và niềm vui khó diễn tả bằng lời. Mùa nước nổi khắp nơi mênh mông nước, cũng là thời điểm của những thú vui dân dã như bắt chuột đồng, chài lưới bắt cá linh, cá rô non, hái bông súng, bông điên điển và cả ... tắm đồng!
Những cánh đồng nước! Mùa nước nổi quê tôi, nước đã tràn đồng... (ảnh Quốc Việt)
Mùa nước nổi thực chất là mùa lũ, những vùng Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp), Làng Sen (Long An), Châu Đốc - Tịnh Biên - An Phú (An Giang) mênh mông con nước… Từ nhiều đời nay, những cư dân sống vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đã quá quen thuộc khi mùa lũ về mỗi năm như một lời hẹn ước của thiên nhiên. Đây cũng là thời điểm tuyệt vời nhất để bạn thực hiện một chuyến du lịch về miền Tây, tham quan đồng Tháp Mười ...
Bạn có thể bắt gặp những người dân An Giang mưu sinh theo con nước, chạy vỏ lãi tới các cánh đồng giáp biên để hái bông súng đồng. Những bông súng mọc trên đồng mùa này có thể dài tới ...4-5m!
Mùa nước nổi đem đến cho con người những sản vật của tự nhiên. Đầu tiên phải kể đến các món từ cá linh. Đây là một loài cá tự nhiên, số lượng đông đúc tới cả triệu con xuất hiện khắp nơi theo con nước. Người dân địa phương thường đánh bắt cá linh bán hoặc giữ lại để làm mắm, hoặc chế biến thành các món canh, kho... cho bữa cơm gia đình. Cá linh non chỉ nhỏ hơn hai ngón tay, rửa sạch và thả vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn. Cá non có thể ăn nguyên cả con, không cần bỏ xương. Ngoài ra cá linh non kho là món ăn dân dã, dễ làm. Từ những con cá tươi rói sau khi làm sạch được đem kho riu riu cùng với nước dừa tươi, nước mắm ngon cùng ít tóp mỡ để thêm vị béo ngậy. Ngoài ra, cá linh còn được đem đi làm mắm. Loại mắm này dùng để nấu lẩu mắm, làm món mắm kho, mắm chưng.
Có một loài hoa gắn liền với miền Tây mùa con nước trắng xóa, đó là bông điên điển. Những bông hoa với màu vàng quyến rũ, lấp lánh khoe sắc khắp cả mé sông, đầm lầy, ruộng nước được người dân hái về ăn như một loại rau đặc sản. Bông điên điển có hương vị giòn, bùi, béo… Loài hoa này góp mặt trong nhiều món ăn vùng sông nước, trong đó không thiếu sự kết hợp với cá linh để cho ra món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy chỉ là một món ăn bình dị nhưng lẩu cá linh bông điên điển đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng bưng biền, chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng… điên điển còn có thể dùng để bóp xổi chấm kèm cá, mắm kho cũng rất ngon…
Dưới đây là một vài hình ảnh mùa nước nổi miền Tây năm 2014 (ảnh chụp tháng 9/2014)