Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ NOAA thẩm định, dựa theo các nghiên cứu và quan sát gần đây về sự biến đổi của băng đá tại Nam Cực, từ nay đến năm 2100, có khả năng mực nước biển dâng cao thêm từ 2 đến 2,7 mét.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng trong kịch bản xấu nhất, mực nước biển sẽ tăng cao 2,5 mét vào năm 2100, tức là cao hơn nửa mét so với mức dự báo tối đa được nêu ra trong bản báo cáo quốc gia lần thứ ba – NCA3, công bố năm 2014.
Giáo sư Robert Kopp, thuộc đại học Rutgers, bang New Jersey, Hoa Kỳ, nói với AFP, mực nước biển tăng cao như vậy có thể xẩy ra nếu không có các biện pháp giảm thải mạnh lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, và trong trường hợp xấu nhất này, nhiệt độ trên trái đất có thể tăng thêm từ 3 đến 5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Sau khi nghiên cứu về thủy triều trong 25 năm vừa qua, các chuyên gia cũng nâng mức dự báo, theo đó, mực nước biển sẽ tăng từ 0,1 đến 0,3 mét từ nay đến cuối thế kỷ XXI.
Báo cáo của NOAA có mục tiêu xác định những rủi ro ngập lụt tại các vùng duyên hải Hoa Kỳ và qua đó giúp chính quyền dự ứng các biện pháp đối phó phù hợp.
Các chuyên gia nhấn mạnh, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, là một nguy cơ rõ rệt, gây ra các hậu quả nặng nề cho nước Mỹ trong những thập niên và thế kỷ sắp tới. Hiện nay, hàng triệu người Mỹ sống ở các vùng duyên hải có nguy cơ bị ngập lụt, trong lúc dân số tại đây tiếp tục tăng.
Các cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, thương mại, quân sự và cả các hệ sinh thái cũng bị đe dọa. Nếu nước biển dâng cao thêm 1,8 mét, thì nhà ở của khoảng 6 triệu người Mỹ sẽ bị ngập lụt hoàn toàn.