Vụ án gián điệp lấy cắp kỹ thuật hiếm thấy
Bản khởi tố của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ: các nhân viên tình báo thuộc Sở An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô là Zha Rong (Tra Vinh), Chai Meng (Sài Mạnh) đã cùng các nhân viên nhóm hacker MSS là Zhang Zhang Gui (Trương Chương Quý), Liu Chun Liang (Lưu Xuân Lương), Cao Hong Gun (Cao Hồng Côn), Zhuang Xiao Wei (Trang Hiểu Vĩ) và Ma Zhi Qi (Mã Chí Kỳ), trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 5.2015 đã liên tục lấy cắp các kỹ thuật cốt lõi của một loại động cơ tourbine mà các công ty hàng không thương mại của Mỹ và châu Âu sử dụng.
Loại động cơ này do Công ty Pháp Safran Group có văn phòng đại diện tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô phối hợp với một công ty Mỹ không nêu tên hợp tác nghiên cứu phát triển. Tuy tuyên bố không nêu rõ tên, nhưng tin của đài “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle) nói, trong bản khởi tố do Mỹ đưa ra trước đó đã nêu tên đó là Công ty hàng không GE Aviation ở bang Ohio. Đây là một hãng chế tạo động cơ máy bay hàng đầu thế giới.
Văn bản khởi tố nêu rõ, các nhân viên Sở An ninh Quốc gia Giang Tô đã tuyển mộ 2 nhân viên của Công ty Safran là Gu Gen (Cố Căn) và Tian Xi (Điền Hi). Các nhân viên tình báo Trung Quốc đã chỉ thị cho 2 người này đưa phần mềm chứa virus vào máy tính của công ty. Được sự giúp đỡ của 2 người này, các nhân viên tình báo Trung Quốc đã xâm nhập thành công vào hệ thống máy tính lấy đi các dữ liệu về động cơ và linh kiện của công ty này và nhiều công ty khác. Đáng chú ý là một công ty hàng không – không gian quốc doanh Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển loại động cơ tương tự để dùng cho việc sản xuất máy bay thương mại.
Capstone Turbine ở Los Angeles là một trong số hàng chục công ty bị điệp viên Trung Quốc đột nhập máy tính lấy cắp bí mật thương mại. |
Tờ The Washington Post ngày 31.10 cho biết thêm, từ tháng 1.2010 đến tháng 5.2015, nhóm này đã lấy cắp được bản vẽ thiết kế và các thông tin bí mật thương mại về động cơ phản lực từ 13 công ty. Trong đó, bao gồm Công ty Capstone Turbine ở Los Angeles và các công ty giấu tên của Mỹ ở thành phố Santiego, các bang Massachusett, Arizona, Oregon, Wisconsin và các công ty của Anh, Pháp và Australia.
Khi cơ quan pháp luật Mỹ thông báo cho công ty của Pháp thì một người Trung Quốc khác tại đây đã xóa bỏ địa chỉ IP liên quan của nhóm nhân viên MSS để tránh cho các nhân viên tình báo bị lộ.
Ông Adam Braverman, quan chức Viện Kiểm sát liên bang khu vực Nam California nói: “Đây là một bằng chứng cho thấy cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc đã hiệp sức lấy cắp số liệu tư nhân phi pháp, xuất phát từ lợi ích thương mại”. Trong khi đó, ông John Brown, người phụ trách văn phòng Santiego của FBI chỉ rõ: “Mối đe dọa của các hacker được chính quyền Trung Quốc tài trợ là có thật. Chúng tôi đang cùng nhau nỗ lực, dù họ cố tình che giấu thân phận và những hoạt động phi pháp của họ thì chúng tôi cũng sẽ điều tra và truy cứu trách nhiệm của các hacker”.
“Đây chỉ là bước đầu” đánh gián điệp Trung Quốc
Đây là vụ án gián điệp thương mại thứ 3 có liên quan đến các nhân viên tình báo của Sở An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô kể từ tháng 9 tới nay. Hồi cuối tháng 9, một công dân Trung Quốc phục vụ trong lực lượng dự bị lục quân Mỹ là Ji Chao Qun (Kỷ Siêu Quần) bị bắt tại Chicago với tội danh không đăng ký là đại lý của nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo của quan chức tình báo ở Sở An ninh Quốc gia Giang Tô, người này đã tuyển mộ các kỹ sư và nhà khoa học ở Mỹ làm gián điệp cho Trung Quốc.
Văn bản của tòa án thể hiện rõ, người trong cơ quan an ninh quốc gia Giang Tô chỉ đạo hoạt động của Ji Chao Qun rất có thể là Xu Yan Jun (Từ Ngạn Quân), còn có các tên khác là Qu Hui, Zhang Hui (Khúc Huy, Trương Huy) – một quan chức tình báo Trung Quốc đã bị FBI gài bẫy bắt và dẫn độ từ Bỉ về Mỹ để xét xử. Tội danh của Xu Yan Jun là hoạt động gián điệp kinh tế, có ý đồ lấy cắp bí mật thương mại của mấy công ty hàng không Mỹ.
Xu Yan Jun, quan chức tình báo của Sở An ninh Quốc gia Giang Tô bị FBI dụ bắt ở Bỉ dẫn độ về Mỹ. |
FBI cho biết, việc dẫn độ tình báo viên Trung Quốc Xu Yan Jun từ Bỉ về Mỹ là điều chưa từng có, thể hiện chính phủ Trung Quốc trực tiếp khống chế hoạt động gián điệp kinh tế đối với Mỹ.
Trong buổi thông báo khởi tố hôm 30.11, ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp, người phụ trách vấn đề an ninh quốc gia nhấn mạnh mô thức của 3 vụ án này, nói: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác để nỗ lực bảo vệ sự sáng tạo và đầu tư của nước Mỹ”. Ông tuyên bố: “Đây mới là sự bắt đầu!”.
Sau khi sự việc được công khai, 8 thượng nghị sĩ thuộc 2 đảng đã liên danh ký tên vào bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, yêu cầu ban bố mệnh lệnh hành chính trừng phạt Trung Quốc. Tờ The Wall Street Journal đưa tin, những nghị sĩ này lấy lý do là Trung Quốc không ngừng thông qua hoạt động mạng để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Những hành động này đã gây ảnh hưởng bất lợi cho sức cạnh tranh toàn cầu của các công ty Mỹ. Bình luận viên thời sự của báo này cho rằng, khoa học kỹ thuật của Mỹ đứng thứ nhất thế giới, cho nên hoạt động gián điệp của Trung Quốc đối với Mỹ mạnh mẽ nhất. Nhưng hoạt động gián điệp của Trung Quốc không chỉ nhằm vào mỗi Mỹ mà cả vào các nước có nền khoa học công nghệ phát triển và phương Tây.
Quân đội Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học phương Tây
Ngày 29.10, Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (Australian Strategic Policy Institute, ASPI) công bố bản báo cáo cho biết, trong 10 năm qua, quân đội Trung Quốc đã phái hơn 2.500 người tới các trường đại học Mỹ, Anh, Australia, thiết lập nên mạng lưới lớn để thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật của quân đội. Trong đó có 500 người tới các trường đại học Mỹ.
Ông Alex Joske, tác giả bản báo cáo này phát hiện, sự hứng thú của họ tập trung vào kỹ thuật dẫn đường, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ lưỡng dụng (dùng cho cả quân sự và dân sự).
Ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp: "Đây chỉ mới là sự bắt đầu!" |
Ông Alex Joske đồng thời chỉ rõ, Canada đã trở thành nơi thứ ba trên thế giới thu hút các nhân viên quân sự Trung Quốc. Không hẹn mà nên, tờ The Globe and Mail của Canada số mới đây cũng đăng một bản điều tra cho thấy có ít nhất 9 trường đại học nước này có quan hệ hợp tác nghiên cứu với các học giả quân đội Trung Quốc.
Trong khi đó, Đài RFI tiếng Trung đưa tin, dự tính trong mấy ngày tới cơ quan công tố Mỹ sẽ tuyên bố truy tố thêm một nhóm hacker khác có bối cảnh chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động gián điệp và ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.
Xem ra hành động của Mỹ đánh vào hoạt động loại này của Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh hơn.