Nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do là những đôi từ, xét về mặt ngữ nghĩa, chúng rộng hẹp khác nhau. Giải thích cho rạch ròi về chúng, đó là công việc của những nhà ngôn ngữ,
Nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do là những đôi từ, xét về mặt ngữ nghĩa, chúng rộng hẹp khác nhau. Giải thích cho rạch ròi về chúng, đó là công việc của những nhà ngôn ngữ, nhà sử, nhà giáo… Người viết bài nầy thiên về góc độ chính trị, chỉ đá động đến chúng khi thấy cần.
Tổ chức chính trị gồm đảng nầy, phái nọ… hình thành trong mỗi cộng đồng dân tộc ở mỗi quốc gia, chúng chỉ là những bộ phận của dân tộc. Mỗi tổ chức đều có quyền bình đẳng về mọi mặt với các tổ chức khác trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong thời chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, nước VN ta luôn đa nguyên về chính trị, từng lúc hình thành những tổ chức yêu nước tham gia kháng chiến như: Đảng Lao động VN, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Nhân dân Cách mạng; những tổ chúc: Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam; Mặt trận Liên Minh; các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên ...w…Nhờ đa nguyên chính trị mới huy động được sức người sức của từ nhân dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau 30/4/1975, Đảng Lao động VN dựa vào thế thượng phong của mình, bắt đầu tham nhũng quyền lực : “thuyết phục” các chiến hữu vừa kể trên “tự nguyện” giải thể - được xem như “cái chết tự chọn”. Khi chỉ còn một mình một cõi, Đảng Lao động VN đổi tên thành Đảng Cộng sản VN và thay tên nước từ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đảng CSVN biến Quân đội và Công an trở thành công cụ bảo vệ cho riêng mình – từ trung với nước thành trung với Đảng. Khi nắm quyền lực trong tay, họ tha hồ tham nhũng vật chất (vật thể) vô độ.
Gần 40 năm qua, ở Việt Nam ta chỉ có một tổ chức chính trị, đó là Đảng CS VN, theo chủ thuyết Cộng sản. Vậy là Đảng CSVN cầm quyền không phải do dân cử (không chính danh) mà do Đảng CS VN đấu tranh giành và chiếm quyền. Do vậy, Đảng CS VN quyết không chia sớt quyền cho bất cứ ai (độc quyền). Đảng CS VN cầm quyền không niên hạn – cầm quyền vĩnh viễn nếu không bị thế lực nào đó truất phế. Từ đó, đảng CS VN không thực hiện thể thức“Dân chủ tập trung” - từ dưới lên, từ nhân dân mà ra, mà Đảng CSVN áp dụng thể thức “Tập trung dân chủ” – mọi việc do trên nặn ra, ban phát xuống. Việc chuyển giao quyền lực mang sắc thái Phong kiến theo kiểu “gia tộc trị” hoặc theo băng nhóm “cánh hẩu trị”.
Quyền do giành và chiếm được, Đảng CS VN luôn ám ảnh có ai hoặc tổ chức nào đó đang rình rập giựt lại quyền – họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, kể cả trong giấc mơ. Họ luôn mang tư tưởng cá nhân, cục bộ, tranh giành quyền lực với nhau, thích tâng bốc, đố kỵ phản biện, đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích Đảng, đặt lợi ích Đảng trên lợi ích Dân tộc. Họ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thế lực nào, không phân biệt trong ngoài nước, miễn sao cá nhân họ, Đảng họ giữ thế thượng phong, thủ vai toàn trị. Trong khi Trung Quốc đang gây sóng gió ở Biển Đông, thì Đảng CSVN lại tập trung lo chỉnh đốn Đảng để bảo vệ chế độ độc tài Đảng trị của mình là một dẫn chứng.
Đảng CS VN không thích nói đến nhân quyền hay dân quyền, họ chỉ nói đến 2 từ Dân chủ. Họ cho dân làm chủ nhưng tước hết quyền, chủ mà không có quyền thì coi như trớt lớt ?. Không phải người viết cố tình chơi chữ đâu, thực tế nước VN ta đã và đang như vậy.
Đấu tranh đòi nhân quyền không thể nhân nhượng, nếu nhượng sẽ mất quyền làm người, sẽ rơi vào hàng động vật hạ đẳng.
Thà chết sướng hơn nếu độc lập mà không được dân chủ tự do, đó chẳng khác con vật bị nhốt trong chuồng, tha hồ mà tự do ăn uống, ỉa đái… trong phạm vi cái chuồng đó?.
Đất nước độc lập thống nhất đã 38 năm (1975 – 2013), sao mà nơi nầy nơi nọ, người ta cứ đòi dân chủ mãi ? - Như mọi người đã biết, cuộc Cách mạng “Dân tộc Dân chủ”(DTDC) do Hồ Chí Minh khởi xướng gồm 2 vế Dân tộc và Dân chủ, 30/4/1975 mới hoàn thành vế Dân tộc (DT) tức là mới loại được ngoại xâm, lẽ ra phải thực hiện tiếp vế Dân chủ (DC), tức là phải thiết lập Nhà nước Dân chủ Pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đàng nầy, đảng CS VN nhận lớp bước Dân chủ, thành lập bộ máy chính quyền Chuyên chính vô sản – một nhà nước Đảng quyền: “Của đảng, do đảng, vì đảng” cai trị trên toàn cõi Việt Nam. Vậy là đảng CS VN còn nợ nhân dân VN món nợ dân chủ - một vế của cuộc cách mạng DTDC đầy máu, mồ hôi và nước mắt của cả dân tộc suốt 35 năm (1940 – 1975).
Đòi dân chủ … như thế có quá đáng không ?. Hãy xét xem: Các nước phát triển như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức..w…, về danh xưng, họ có dân chủ đâu, còn ở VN ta nào là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc”. Đó là chưa nói Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 đều đầy ắp: Tự do chính kiến, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do thân thể, tự do hành nghề, tự do biểu tình theo luật định..w… như thế còn chưa đủ sao (?!).
Xin thưa rằng, về hình thức, như thế đã quá đủ. Nhưng xét về nội dung thì rỗng. Bởi vì, dân chủ ở VN ta là dân chủ XHCN, tức là dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CS VN, nằm trong cơ chế bao trùm: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Đảng CS VN đã đưa quyền của mình vào điều 4 Hiến pháp: “Đảng CS VN là đảng duy nhất, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối”.
Đảng CS VN đã nói và làm thật đấy: Ngay từ đầu, Đảng nhanh chóng thành lập Nhà nước Đảng quyền theo thể thức “Đảng chọn Dân bầu” – Đảng chọn (cơ cấu nhân sự) gần như toàn bộ là đảng viên của mình ra ứng cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân… các cấp, đưa sang Mặt trận đánh bóng một chập rồi mới đưa ra dân bầu. Khi bầu, buộc cử tri phải bầu theo nguyên tắc “bầu đúng, bầu đủ” – đúng là đúng người có đức có tài, đủ là đủ số lượng theo quy định. Ôi trời, số người đưa ra thì hạn hẹp, phần lớn là “bầu eo bí sượn”, đức hèn, tài mọn, cấp bằng học vị của họ đa phần là bằng thật học giả, hoặc là bằng chính trị…. Phận là dân, thôi thì bầu đại cho qua chuyện!. Thế là kẻ cơ hội thất đức, bất tài có cơ hội chui vào bộ máy công quyền tha hồ mà tác oai tác quái. Họ có làm bậy, cử tri cũng không có quyền bãi miễn họ, vì đảng chọn và đưa họ vào ghế quan chớ đâu phải cử tri. Họ như quan Thừa sai thời Pháp thuộc được cử đến cai trị đám dân đen; tiền đồ của họ thế nào đều do đảng cấp trên họ định; họ chỉ ngán cấp trên của họ thôi; họ xem cử tri như những thảo dân thấp kém; họ tiến thân theo bộ dạng “thượng đội, hạ đạp, hai cùi chỏ thút”. Nếu dân chịu không xiết kêu than về họ thì Đảng đổ: Cũng do mấy người bầu ra đó chớ ai (?!).
Nếu dân chủ thật sự thì cử tri có quyền tất cả các khâu: đề cử, ứng cử, bầu cử và bãi miễn. Dân chủ “Xã hội Chủ nghĩa” kiểu hiện nay “Dân bó tay.com”?!.
Trước thực trạng dân chủ ở nước ta như vậy, xin cho phép người viết bài nầy thủ vai trọng tài để nhìn xuống nói rằng: Cương lĩnh của đảng CS VN và Hiến pháp nước CHXHCN VN đã khẳng định dân chủ ở nước VN ta là dân chủ XHCN – Dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CS VN, Đảng cho gì nhận nấy theo hảo tâm, xin – cho. Không xin, chưa cho mà làm ẩu liệu hồn. Hãy nhìn vào bảng to trước trụ sở Công an 44 Yết Kiêu Hà Nội sẽ thấy câu “Công an chỉ biết còn Đảng, còn mình”. Thế là Công an đã tự nhận mình không còn là Công an Nhân dân, mà là Công an của Đảng. Công an đang kiên quyết bảo vệ Đảng . Có lẽ từ đó, trong dân gian xuất hiện câu “Công an vì Đảng quên Dân, vì thân phục vụ”. Ngước lên nói rằng: Người ta đang đòi nợ máu, nước mắt, mồ hôi… đã đổ trong công cuộc cách mạng DTDC suốt 35 năm (1940 – 1975). Đảng CS VN nhận lớp Dân chủ, có nghĩa là đảng CS VN còn thiếu nhân dân món nợ ấy. Xin hãy nhìn vào những nghĩa trang và những người thương binh tật nguyền đang lang thang ngoài xã hội để tính giá trị món nợ ấy:
Biết bao người đi rồi đi mãi/ Biết bao người tật nguyền đang sống với chuỗi ngày dầu dãi nắng sương/ Không ít người đang bị cầm giam trong bốn bức tường bỡi can tội đòi dân chủ – Nợ thì phải trả, không xù được đâu ?. Và phải chăng, đã quá sức chịu đựng, chủ nợ đang bao vây đòi Đảng CSVN trả nợ Dân chủ ? Với thái độ ôn hòa, chủ nợ trương ra chứng cứ đủ thuyết phục , nhưng có lẽ vì lợi quyền, con nợ còn kèn cựa chưa chịu trả ?.
Thử đặt vấn đề: Ai đưa ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”?. Ai cũng có thể trả lời, đó là đảng CS VN. Ấy thế, sao mọi bê bối trong xã hội, đảng CS VN đều đổ cho cơ chế ?. Cơ chế ấy đã và đang gây khốn khổ cho nhiều người, tại sao đảng CS VN chưa chịu từ bỏ nó ?. Cũng dễ giải thích thôi, vì nó gây khổ cho nhiều người chớ phải đâu cho mọi người.
Có lẽ nhìn vào sự vận hành của cơ chế và thể chế chính trị của đảng CS VN, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu khắc họa:
Đảng chỉ tay
Quốc hội giơ tay
Mặt trận vỗ tay
Chính phủ khoanh tay
Quốc doanh ngửa tay
Tội phạm ngoặc tay
Công an còng tay
Trí thức phẩy tay
Quan chức đầy tay
Dân trắng tay.
Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước VN, cán bộ cao cấp của Đảng CS VN khẳng định: “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Ông Triết nói thế có nghĩa: Đảng CS VN và thể chế Chính trị độc tài của họ muốn tồn tại chỉ còn mỗi cách là “phải tiếp tục chuyên chế ?”. Nếu vậy thì Đảng CS VN cố duy trì quyền lực để tồn tại trong nỗi bất hạnh của người dân ?! .
Dầu không muốn cũng phải thừa nhận, ở VN ta đang diễn ra cuộc tranh luận nghị trường bằng khẩu chiến, bút chiến không khoan nhượng giữa thể chế “Đảng chủ” và “Dân chủ”.Từng bước phân tuyến, phân lực, về Pháp lý và Đạo lý dường như phái Dân chủ chiếm thế thượng phong. Đảng CSVN hiện không còn là một khối thống nhứt, đã chia bè chia cánh. Một bộ phận không nhỏ đảng viên chân chính đang đứng về phí Dân chủ. Đã đến lúc Đảng CSVN phải chọn một trong hai phương án: Một là “Cải tổ chính trị theo hướng Dân chủ Pháp quyền”; Hai là “tử thủ, sát thác”. Nếu Đảng CSVN chọn phương án hai là nỗi bất hạnh cho dân tộc VN nói chung , Đảng CSVN nói riêng.
Vậy là ở Việt Nam ta đang diễn ra cuộc đấu tranh về thể chế chính trị đang gay gắt và quyết liệt, mong sao đừng có mùi tanh của máu và mùi thuốc súng.
10/3/2013
Hải Đăng