Nữ nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sanh ngày 30 tháng 4 năm 1911 tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, huyện Châu Thành Tỉnh Mỹ Tho
Nữ nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sanh ngày 30 tháng 4 năm 1911 tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, huyện Châu Thành Tỉnh Mỹ Tho, Việt Nam. Bà mất ngày 05 tháng 7 năm 2009, tại nhà riêng xây trong khuôn viên chùa Nghệ sĩ Gò Vấp, Saigon, hưởng thọ 99 tuổi.
Nghệ sĩ Phùng Há, lúc 99 tuổi (DR)
Sinh thời, bà kể, năm 12 tuổi, Phùng Há sống với bà ngoại mù và người mẹ thường đau yếu luôn nên Phùng Há phải đi mò lạch, kiếm cá, tép về làm cái ăn giúp mẹ. Một bà hàng xóm thương tình, dẫn Phùng Há đến làm công in gạch trong lò gạch của ông Bang Hoạch ở xóm cầu đúc lộ số 7, châu thành Mỹ Tho,, tiền công in 100 viên gạch được ba xu. Phùng Há in gạch rất khổ nhọc mà chẳng được bao tiền, buồn nên vừa làm vừa hát nghêu ngao, không ngờ những người làm công gần đó nghe thích nên yêu cầu Phùng Há ca cho họ nghe, họ in gạch thế cho Phùng Há.
Tiếng đồn cô xẩm lai trong lò gạch có giọng hát hay nên ông Hai Cu, bầu gánh hát tìm đến nghe. Ông bèn đề nghị với gia đình Phùng Há cho Phùng Há gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban của ông. Ông cho mượn trước 50 đồng để lo thuốc thang cho bà ngoại và phát lương cho Phùng Há 8 cắc một suất diễn.
Theo gánh hát, Phùng Há được ăn cơm hội, như vậy thì lương của Phùng Há nhiều gấp 10 lần khi đi in gạch. Về gánh Tái Đồng Ban, Phùng Há được nhạc sĩ kiêm soạn giả Tư Chơi dạy ca, nghệ sĩ Năm Châu và thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh dạy hát.
Bà vào nghề hát từ năm 1924, lúc 13 tuổi, vai đầu tiên của bà hát trên sân khấu gánh hát Tái Đồng Ban là vai Giả Thị, tuồng Hoàng Phi Hổ Quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.
Từ khi mới vào nghề hát năm 13 tuổi cho đến khi bà xa rời sân khấu vì tuổi già sức yếu, Phùng Há luôn luôn thủ diễn vai đào chánh các gánh hát Tái Đồng Ban, gánh hát Thầy Năm Tú, gánh hát Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Phụng Hảo, Tam Phụng, Con Tằm, đoàn Việt Kịch Năm Châu.
Bà đã 6 lần lập gánh hát, một lần mang bảng hiệu gánh hát Huỳnh Kỳ và 5 lần với bảng hiệu đoàn cải lương Phụng Hảo, bà vừa làm bầu gánh vừa là đào chánh. Bà đã có nhiều vai hát để đờì, như vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình, vai Manh Lệ Quân trong tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, vai tướng An Lộc Sơn trong tuồng Trường Hận…và những vai tuồng xã hội trong các vở Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Đêm Không Ngày, Sân Khấu Về Khuya, Vợ và Tình…
Giới nghệ sĩ sân khấu cải lương và ký giả kịch trường đánh giá những vai hát để đời của nghệ sĩ Phùng Há có tính cách nghệ thuật hát kinh điển, từ một trăm năm qua chưa có nghệ sĩ nào hát những vai này hay hơn bà.
Lúc làm bầu gánh hát Phụng Hảo, bà Phùng Há mời những nghệ sĩ bậc thầy người Trung Quốc, Hồng Kông sang Việt Nam, giảng dạy cho bà nghệ thuật hát, các đông tác vũ đạo theo đúng hí khúc Trung Quốc( múa khăn, sử dụng quạt của vai nam, vai nữ, cách thức dâng rượu, múa thương, múa kích, múa gươm của các nhân vật võ tướng, bộ quan văn, bộ võ tướng trong tuồng Tàu). Bà đã tiết chế bớt âm nhạc theo thể loại hí khúc Trung Quốc như loại bỏ các điệu đánh trống, mõ, đồng lố, chập chỏa minh họa theo từng động tác của diễn viên và giản lược động tác vũ đạo sân khấu để phù hợp với sân khấu cải lương Việt nam, đặt nền móng cho nghệ thuật hát cải lương tuồng dã sử, lịch sử Việt Nam trong các thập niên 1950, 1960.
Nghệ sĩ Phùng Há sống gần 100 tuổi mà đã dành 86 năm của cuộc đời mình để góp phần xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Việt Nam. Bà đã đào tạo hàng trăm nghệ sĩ cải lương tài danh trong ba thế hệ nghệ sĩ, đào tạo trực tiếp trên sân khấu khi tập tuồng, đào tạo tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, thời Việt Nam Cộng Hòa khi bà là giảng viên kịch nghệ.
Kim Cúc, Năm Châu và Phùng Há (DR)
Bà cũng là giảng viên trường Nghệ Thuật Sân Khấu, trường đào tạo nghệ sĩ sân khấu của nhà hát Trần Hữu Trang sau năm 1975. Học trò của bà thành danh có các nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Thanh Thanh Tâm, Đỗ Quyên, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Tú Trinh, Hoàng Trinh, Thúy Uyễn, Tuyết Sĩ, Phương Ánh, Hương Xuân, Minh Ngọc v.v.
Nghệ sĩ Phùng Há được giới nghệ sĩ cải lương và các bậc thức giả khen là một bực minh sư trong ngành hát, một cây Đại Thụ của Cải Lương và được phong là Nghệ sĩ Nhân Dân.
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há đã được tưởng thưởng những huy chương,
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há đã được tưởng thưởng những huy chương, bội tinh của vua Bảo Đại, của quan Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương, của vua Miên, Lào, Thái Lan, của đại sứ Trung Hoa Dân Quốc ở Việt Nam, của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và của chánh phủ Việt Nam hiện tại.
Năm 1964, bà đã có dịp xuất ngoại hát tại Pháp, tại Hungary (Budapest} được khán giả ngoại quốc nhiệt liệt ngợi khen, dù họ không hiểu tiếng Việt, nhưng thông qua diễn xuất của nghệ sĩ Phùng Há, họ hiểu được cốt chuyện và tâm tình nhân vật do bà thủ diễn.
Nghệ sĩ Phùng Há còn được mọi ngành mọi giới xem bà Phùng Há là biểu tượng đoàn kết trong giới nghệ sĩ cải lương.
Năm 1948, bà Phùng Há là một trong những nghệ sĩ tiền phong đứng ra thành lập Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ, đặt trụ sở tại số 133 đường Cô Bắc quận nhứt Saigon. Bà Phùng Há nhiều lần tái đắc cử Hội Trưởng Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ. Bà tổ chức hát Hội, quyên tiền lập quỹ giúp đỡ các nghệ sĩ bịnh hoạn, nghèo yếu neo đơn, bà vận động nghệ sĩ tiếp tay cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn Khánh Hội, giúp đỡ các nạn nhân hỏa hoạn vì chiến cuộc ở khu Nancy năm 1955.
Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ đã đại diện nghệ sĩ Việt Nam tiếp đón các phái đoàn văn nghệ các nước bạn Trung Hoa Dân Quốc, Ấn Độ, Pháp quốc, Hoa Kỳ trong các cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật với Việt Nam trong đầu thập niên 50 tại Saigon.
Năm 1958, bà Phùng Há vận động sự tài trợ của Hội Đua Ngựa Phú Thọ giúp cho một ngày doanh thu của Hội đua ngựa để có tiền mua đất, lập chùa nghệ sĩ và khu nghĩa trang nghệ sĩ ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp. Tính từ năm 1958 đến năm 2008, Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ đã có 456 ngôi mộ nghệ sĩ cải lương và 500 lô cốt của nghệ sĩ cải lương được hỏa táng, thờ phượng trong Chùa Nghệ Sĩ ở huyện Gò Vấp.
Năm 1997, bà Phùng Há cũng thay mặt cho Ban Ái Hữu Nghệ Sĩ xin với chánh quyền một khu đất ở đường Âu Dương Lân quận 8 để xây nhà Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Đây là khu đất thuộc Viện Tế Bần cũ thời Việt Nam Cộng Hòa, bỏ hoang đã lâu. Được sự chấp nhận của chánh phủ, bà tổ chức hát Hội để lập quỹ xây dựng Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Nhiều nhà Mạnh Thường Quân, các chủ thương buôn ở chợ Bến Thành, chợ An Đông, chợ Bình Tây ái mộ cải lương, các chủ quán có ca nhạc, các nghệ sĩ tài danh và Nhà nước tiếp tay tài trợ, nên viện dưỡng lão đã được xây dựng rất khang trang và chung quanh có vườn cây cảnh đẹp. Bà Phùng Há và các quan chức thành phố, các nghệ sĩ tài danh đến tổ chức lễ khánh thành Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ vào ngày 07 tháng 3 năm 1998. Trong 13 năm qua, có 40 lão nghệ sĩ được nuôi dưỡng trong viện dưỡng lão nghệ sĩ, trong số đó có 18 lão nghệ sĩ đã qua đời.
Nữ nghệ sĩ Phùng Há là người Việt Nam duy nhất không phải là người có quyền thế hay có gia tài sự nghiệp của cha mẹ để lại, bản thân của bà cũng không phải là người giàu có, dư ăn dư mặc, nhưng bà Phùng Há đã thực hiện được rất nhiều việc từ thiện giúp cho nhiều nghệ sĩ bịnh tật, nghèo yếu neo đơn và giúp cho đồng bào bất hạnh, nạn nhân của thiên tai, bão lụt. Tôi được biết bà là người nòng cốt trong việc Chùa Nghệ Sĩ và các nghệ sĩ vận động quyên tiền, tổ chức hơn 20 chuyến đi đến tận nơi bị thiên tai bão lụt để giúp đồng bào nạn nhân.
Nghệ sĩ Phùng Há với tính cách là hội trưởng Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu và với uy tính cá nhân, bà đã cùng với Hội nghệ sĩ thực hiện được ba công trình có tầm vóc quốc tế: Đó là lập Chùa Nghệ Sĩ, Nghĩa Trang Nghệ Sĩ và Viện Dưỡng Lão Nghệ sĩ.. Tôi dùng chữ tầm vóc quốc tế không phải ý muốn nói ba công trình đó được kiến trúc lớn rộng hay nguy nga, ngang tầm viới những kiến trúc nổi tiếng trên thế giới, tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở điểm là những việc như xây Chùa Nghệ Sĩ, lập Nghĩa Trang Nghệ Sĩ và Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ cải lương thì trên thế giới, chưa có nghệ sĩ nước nào làm, chưa có ngành nghề nào làm riêng cho ngành nghề của mình như giới nghệ sĩ cải lương đã làm được cho nghệ sĩ cải lương.
Cố nữ nghệ sĩ Phùng Há mất ngày 05 tháng 7 năm 2009, hưởng thọ 99 tuổi.
Phùng Há không có điều gì mong ước riêng cho mình. Trong 86 năm cuộc đời nghệ sĩ, bà Phùng Há đã cống hiến trọn đời cho nghệ thuật, đã góp công sức để làm việc từ thiện giúp đồng bào nghèo, hoạn nạn, thiếu đói và giúp cho các thế hệ nghệ sĩ kém may mắn hơn mình.
Có mấy ai trên cõi đời này đến tuổi gần 100 năm như bà Phùng Há mà lại có cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và tình thương như bà.
Trương Kim Anh chuyển