Nguồn: Sartre renounces communists, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1956, nhà triết học và nhà văn người Pháp Jean-Paul Sartre – trước đây từng là một người ngưỡng mộ Liên Xô – giờ lại lên tiếng tố cáo cả Liên Xô lẫn hệ thống cộng sản của nước này sau cuộc xâm lược tàn bạo của Liên Xô vào Hungary.
Jean-Paul Sartre, sinh ra ở Paris vào năm 1905, là một trong những đại diện hàng đầu cho chủ nghĩa hiện sinh, một phong trào triết học cổ vũ cho bản tính tự do trong sự tồn tại của cá nhân con người, đồng thời tiếc thương cho sự vô nghĩa vốn có của nó. Là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết, kịch và luận văn triết học, Sartre đã từ chối Giải Nobel năm 1964 vì lý do một nhà văn “nên từ chối để bản thân mình bị biến thành một thể chế.” Tuy nhiên, chính Sartre đã là một thể chế: đầu tiên là như tiếng nói của chủ nghĩa hiện sinh và sau đó như lương tâm của chủ nghĩa cộng sản.
Khi còn là một sinh viên ở Paris và Berlin, Sartre bị ảnh hưởng rất nhiều bởi triết học Đức, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh của Martin Heidegger và phương pháp hiện tượng học của Edmund Hussel, người đã ủng hộ một cách thận trọng, không thiên vị đối với việc mô tả ngắn gọn. Tác phẩm chính đầu tiên của Sartre là cuốn tiểu thuyết La Nausée (Nausea/Buồn Nôn, 1938), một câu chuyện về nỗi tức giận hiện sinh, viết dưới dạng nhật ký. Các công trình hiện sinh quan trọng khác của ông là Huis Clos (No Exit/Không Lối thoát, 1946) và L’Être et le néant (Being and Nothingness/Hiện hữu và Hư không, 1956).
Sau khi Thế chiến II nổ ra vào năm 1939, Sartre đã từng phục vụ trong quân đội Pháp trước khi trở thành tù binh chiến tranh từ năm 1940 đến năm 1941. Sau khi được thả ra, ông đã định cư tại Paris (khi ấy đang bị Đức chiếm đóng), nơi ông giảng dạy, sáng tác và liên kết với quân Kháng chiến Pháp. Chính trong thời kỳ chiến tranh này, chủ nghĩa Marx đã phát triển thành tình yêu trí tuệ thứ hai của Sartre. Mặc dù không bao giờ tham gia Đảng Cộng sản Pháp, ông là một trong những người cộng sản nổi tiếng nhất của Pháp, và thường xuyên lên tiếng ủng hộ Liên Xô và các chính sách của nước này. Năm 1954, ông đã đến thăm Liên Xô.
Sau khi quân đội Liên Xô xâm lược Hungary vào ngày 04/11/1956, Sartre đã lên án sự can thiệp của Liên Xô và việc Đảng Cộng sản Pháp luôn tuân theo mệnh lệnh từ Moskva. Ngày 09/11, trên tạp chí Pháp L’Express, ông tuyên bố: “Tôi cực lực lên án cuộc xâm lược của Liên Xô mà không hề có chút do dự nào. Dù không đặt bất cứ trách nhiệm nào lên người dân Nga, tôi vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ hiện tại của họ đã phạm tội …. Và tội ác, đối với tôi, không chỉ là việc xe tăng của quân đội xâm lăng Budapest, mà là sự thật rằng điều này đã trở nên khả dĩ bởi mười hai năm khủng bố và hành động ngu xuẩn … Hiện tại hay tương lai tôi đều không thể thiết lập lại bất cứ hình thức liên lạc nào với những người hiện đang đứng đầu [Đảng Cộng sản Pháp]. Mỗi câu họ nói, mỗi hành động mà họ thực hiện đều là đỉnh điểm của 30 năm gian dối và bảo thủ.”
Mặc dù hy vọng của Sartre đối với chủ nghĩa cộng sản đã bị nghiền nát, ông vẫn tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa Marx và tìm cách phát triển một loại chủ nghĩa xã hội mới trong cuốn Questions de méthode (Search for a Method/Tìm kiếm một Phương pháp, 1960). Sartre chính thức đoạn tuyệt với Liên Xô vào năm 1968 khi nước này đàn áp phong trào Mùa xuân Praha của Tiệp Khắc. Sau đó, sự trung thành của Sartre đã được dành cho các nhà cách mạng trẻ tuổi ở Pháp, và đôi khi ông còn trở thành biên tập viên chuyên đề cho các tờ báo nhỏ cấp tiến. Tác phẩm chính cuối cùng của ông là một nghiên cứu đồ sộ gồm bốn phần về nhà văn người Pháp sống vào thế kỷ 19, Gustave Flaubert. Jean-Paul Sartre qua đời vào năm 1980, và đám tang của ông đã có 25.000 người tham dự.