Văn Học & Nghệ Thuật
Nghe cô Út nhớ Cải Lương Miền Nam
Mùa xuân ở Sài Gòn, ngoài nhạc xuân, các quận vùng ven hay ngoại ô lại thường vang lên các bài ca vọng cổ, cải lương… Miền Nam có một đặc thù riêng. Người ta nghỉ ngơi tháng Giêng, đung đưa võng nhìn trời nghe Út Trà Ôn hay Hữu Phước ca mà để hồn viễn mộng.
Những gì còn lại của Cải lương Việt Nam hôm nay, chỉ còn là ánh hào quang của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, Cải lương tàn dần với sự thiếu thốn tuồng tích hay, cũng như các danh tài lần lượt ra đi mà ít có được người kế tục.
Nói tới đây, lại nhớ một giọng hát mới vừa đi xa, là cô Út Bạch Lan.
Người mộ điệu vẫn nói với nhau rằng, cho đến tận những ngày cuối, cô Út Bạch Lan vẫn còn trên sàn tập tuồng Mẹ ngồi sàng gạo. Sức yếu rồi, nhưng cô Út nói ráng để diễn quyên tiền cho học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo. Ngày 24/10 , cô còn cầm micro hát. Ngày 4/11, tin cô thôi không hát nữa trên sân khấu cuộc đời làm rụng rời tay chân của bất kỳ ai thương tiếng hát của cô Út, thương sân khấu cải lương miền Nam.
Ðám tang của cô Út không quá rình rang, vì con cháu trọng ý của cô – một người quen cuộc sống nhẹ nhàng, sống bằng tấm lòng chứ không sống bằng hư danh. Từ lúc nằm bệnh, cô Út đã dặn con cháu rằng cô không cần mộ phần trọng vọng, thiêu và rải tro xuống sông. “Ðất dành cho người còn sống”, cô nói. Rồi cô dặn cũng không cần phải làm đám giỗ chi cho phiền. Nhớ nhau để một chén cơm, vái đôi câu đã là có lòng vui hưởng.
Cuộc đời một danh ca lừng lẫy Sài Gòn, Lục tỉnh, tên tuổi có lúc làm sốt ruột khách hâm mộ ở tận trời Tây, vậy là cô Út mới thanh bạch và an nhiên làm sao. Giới cải lương hay nhắc chuyện cô được khuyên làm đơn để xin danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nhưng cô Út nói thôi. Không phải ai cũng hiểu được cô Út. Là một Phật tử, cô Út tin rằng mang một danh phận, cũng không khác gì mang thêm một nghiệp mới nơi trần gian mà cô Út thấy mình đã được rất nhiều. Trong một vài cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, cô Út cười thiệt thà, mà nói “Chuyện nhà nước muốn tặng danh hiệu cũng là một vinh dự, nhưng Út thì chỉ thấy thêm nữa cũng không làm gì. Lúc mình lên sân khấu, thấy người ta vỗ tay, hết bài, khán giả người ta lên ôm mình, khóc với mình, rồi hun mình… ôi vậy là đủ làm Út vui lắm rồi”.
Ngày cô Út thôi hát trên trần gian, chắc cô sẽ còn thương sân khấu, thương khán giả nhiều hơn khi chứng kiến thế hệ nghệ sĩ sau cô rơi nước mắt như mưa. Trong những video tình cờ ghi lại, có một người tựa như khuyết tật và ăn xin trên đường phố, đã để tấm hình của cô tựa vào cột đèn, để mấy cái bánh men, thắp một cây nhang rồi chắp tay vái cô. Khán giả miền Nam, cải lương miền Nam thương cô Út đứt ruột.
Nói đến Cải lương, thì Sài Gòn – Gia Ðịnh giống như Hollywood của Huê Kỳ, nơi dân đờn ca tài tử, hát Bội… đổ về. Rồi Cải lương ra đời với sự kết hợp trình diễn điệu bộ theo kiểu Tây phương nhưng giữ nguyên nền nhạc cổ truyền, tạo nên một nét đặc sắc về nghệ thuật và giải trí của người dân miền Nam đầu thế kỷ 19.
Khởi nguyên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại rằng nghệ thuật hát Bội, vốn là một trong những món nghệ thuật độc đáo của dân ngũ Quảng miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ðức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) khi di dân mở cõi vào Nam đã mang theo và khiến không ít giới nhà giàu, quan lại triều đình say mê. Cụ thể như Tổng trấn thành Gia Ðịnh Lê Văn Duyệt nuôi hẳn một ban hát Bội để giải trí. Con của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi cũng mê hát Bội không kém.
Nhưng sau năm 1832, khi Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng lòng giận vẫn không nguôi chuyện riêng nên cho san bằng mộ, xiềng lại và đúc chữ ghi rằng “Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết”. Ba năm sau khi tận diệt Lê Văn Khôi tội làm phản, Vua Minh Mạng cấm hẳn hát Bội trong một thời gian. Tài tử xao xác trốn đi, tìm nghề khác sinh sống nên hát Bội ở miền Nam yếu dần đi.
Mãi đến năm 1874, khi người Pháp cai trị miền Nam, hát Bội mới quay lại. Nhưng lúc đó, việc thưởng thức trở nên phổ biến hơn trong dân chúng, nên chuyện mỗi lần muốn thưởng thức phải mời cả một ban hát, lại quá cầu kỳ hoặc tốn kém dựng rạp, đãi người… vì vậy các gia chủ khi có đám tiệc hay muốn thưởng thức ngắn giờ thì chỉ cần mời ít người đến hát, gọi là hát Chặp. Thầy đờn, đào kép ngồi hát tại chỗ, không cần tô vẽ mặt rườm rà. Thích đoạn nào hát đoạn đó, không cần lớp lang. Mà dàn nhạc thì thu gọn lại, chỉ còn kìm, cò, tranh, sáo. Ấy là buổi hình thành của Nhạc tài tử.
Giai thoại về đời cô Út, kể lại rằng từ lúc mới mười tuổi (tức khoảng năm 1945-1946), lang bạt lên Sài Gòn. Cô Út gặp anh thanh niên Văn Vĩ khiếm thị, nhưng có ngón đờn thần sầu quỷ khốc. Cả hai cùng nhau lang thang xa cảng, Chợ Lớn, Sài Gòn để hát kiếm tiền nuôi gia đình. Khách nghe mới đầu chỉ định giải trí tạm, riết rồi cứ nhích tới gần, nghe rồi đòi nghe nữa… ai cũng lạ lùng hai đứa nhỏ có tuyệt kỹ của ngành đờn hát, thương mà cho tiền, nhờ vậy cô Út và anh Văn Vĩ mới lây lất qua ngày, chờ đến lúc vụt sáng như những ngôi sao lớn trên sân khấu cải lương miền Nam.
Vào thập niên 1950, tên của cô Út lừng danh cùng kép độc Thành Ðược. Lúc đó, khán giả coi tờ quảng cáo, cũng để ý có Út Bạch Lan hay không. Ðặc biệt, ngành ghi âm thu đĩa nhựa Việt Nam thời đó, không thể nào thiếu cái tên Út Bạch Lan trong các tuồng định ra mắt. Một trong những dĩa hát gây chấn động thời đó là Thuyền Ra Cửa Biển (hãng dĩa Hồng Hoa), tập hợp toàn danh ca tài tử như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Minh Chí, Thanh Hương. Ðặc biệt cô Út (vai Chiêu Trúc Lệ) và Thành Ðược (vai Diệp Băng Ðình) cũng hớp hồn không biết bao nhiêu khán giả. Có một chi tiết khá độc đáo về chuyện này, là cô Út nổi tiếng trước Thành Ðược. Nhưng do lỡ thương anh nghệ sĩ này rồi nên khi bà bầu của gánh Kim Chưởng mời ký tái giao kèo, cô Út nài nếu vậy thì phải ký thêm giao kèo với Thành Ðược. Khi thấy hai người hát ăn ý, mà Thành Ðược cũng quá xuất sắc, bà bầu gánh Kim Chưởng làm liền. Và đó cũng là lý do mà cả hai xuất hiện đồng diễn trong tuồng Thuyền Ra Cửa Biển.
Lịch sử ghi âm Việt Nam có ghi nhận bản tân nhạc đầu tiên được ghi âm là bài Kiếp Hoa (1938) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, người ở Huế. Nhưng thật sự tạo ra một thị trường rộng lớn và thu về vô số tiền bạc, lại là dĩa cải lương miền Nam. Tuồng Thuyền Ra Cửa Biển là một trong những ví dụ, thậm chí thời đó, khán giả đài phát thanh mê mệt, yêu cầu nhiều quá, đến mức đài phải mua bản quyền phát đi phát lại cả năm. Chỉ nhiêu đó, tiền đã không biết bao nhiêu mà kể.
Khán giả miền Nam thời đó chịu móc tiền túi mua dĩa hát lắm. Nhưng đặc biệt là phải dòm coi có tên danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Ðược, Hữu Phước… hay không mới mua. Thậm chí, có những tuồng không kịp thu âm, nhưng bài ca thì hay quá khiến dân chúng phải đi mua các bản in lời bài ca (hồi xưa gọi là bài ca nhỏ). Lúc này thì người Hoa cũng nhảy vô kinh doanh bài ca nhỏ, vì bán chạy vô cùng mà lại dễ làm. Một bài ca có mấy cắc, ai cũng mua được, mà sẵn có đài phát thanh như quảng cáo giùm, giờ chỉ đem ra chợ khắp mọi miền mà bán thôi.
Thập niên 70, thời của truyền hình đưa những ngôi sao cải lương truyền hình xuất hiện như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Ngọc, Dũng Thanh Lâm… nhưng cũng là thời đánh dấu một giai đoạn sân khấu truyền thống của cải lương miền Nam suy yếu. Chuyện xưa ghi lại rằng vào Tết âm lịch Canh Tuất 1970, đoàn Dạ Lý Hương đang thu tiền ầm ầm, tự nhiên đến suất 8 giờ tối ở rạp Quốc Thanh, lại vắng teo, thu về được có gần 300 ngàn đồng. Hóa ra trước đó, đoàn nhận lời thu hình tuồng cho truyền hình, được tiền tưởng bở. Ngay giờ đó, truyền hình chiếu đúng tuồng của đoàn Dạ Lý Hương đang diễn. Ðược coi miễn phí mà lại qua tivi, nên dân chúng chọn ở nhà. Ðó là một trong những bài học và cuộc xung đột đầu tiên của truyền hình và sân khấu cải lương miền Nam vậy. Cũng vì thâm hụt, nên sau đó ít lâu, có đến 7 đoàn hát ở Sài Gòn cùng hợp lại, ra quyết nghị là cùng nhau không đụng vô truyền hình để còn sống sót.
Nghe cô Út nỉ non, sầu muộn mà nhớ cải lương miền Nam. Ngành ca hát ra đời – với sự kết hợp lời thoại và điệu bộ diễn xuất của kịch nghệ phương Tây, âm nhạc thì truyền thống và tuồng tích là những drama thượng thừa không thua gì các kịch bản trên thế giới – lúc này dường như lặng lẽ hơn bao giờ hết. Nhất là khi thiếu vắng những tượng đài lớn như cô Út Bạch Lan.
TK
(tư liệu tham khảo từ nhà nghiên cứu Ngành Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, tạp chí Nông Cổ Mín Đàm, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống của Trần Văn Khê)
Bàn ra tán vào (0)
Nghe cô Út nhớ Cải Lương Miền Nam
Mùa xuân ở Sài Gòn, ngoài nhạc xuân, các quận vùng ven hay ngoại ô lại thường vang lên các bài ca vọng cổ, cải lương… Miền Nam có một đặc thù riêng. Người ta nghỉ ngơi tháng Giêng, đung đưa võng nhìn trời nghe Út Trà Ôn hay Hữu Phước ca mà để hồn viễn mộng.
Những gì còn lại của Cải lương Việt Nam hôm nay, chỉ còn là ánh hào quang của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, Cải lương tàn dần với sự thiếu thốn tuồng tích hay, cũng như các danh tài lần lượt ra đi mà ít có được người kế tục.
Nói tới đây, lại nhớ một giọng hát mới vừa đi xa, là cô Út Bạch Lan.
Người mộ điệu vẫn nói với nhau rằng, cho đến tận những ngày cuối, cô Út Bạch Lan vẫn còn trên sàn tập tuồng Mẹ ngồi sàng gạo. Sức yếu rồi, nhưng cô Út nói ráng để diễn quyên tiền cho học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo. Ngày 24/10 , cô còn cầm micro hát. Ngày 4/11, tin cô thôi không hát nữa trên sân khấu cuộc đời làm rụng rời tay chân của bất kỳ ai thương tiếng hát của cô Út, thương sân khấu cải lương miền Nam.
Ðám tang của cô Út không quá rình rang, vì con cháu trọng ý của cô – một người quen cuộc sống nhẹ nhàng, sống bằng tấm lòng chứ không sống bằng hư danh. Từ lúc nằm bệnh, cô Út đã dặn con cháu rằng cô không cần mộ phần trọng vọng, thiêu và rải tro xuống sông. “Ðất dành cho người còn sống”, cô nói. Rồi cô dặn cũng không cần phải làm đám giỗ chi cho phiền. Nhớ nhau để một chén cơm, vái đôi câu đã là có lòng vui hưởng.
Cuộc đời một danh ca lừng lẫy Sài Gòn, Lục tỉnh, tên tuổi có lúc làm sốt ruột khách hâm mộ ở tận trời Tây, vậy là cô Út mới thanh bạch và an nhiên làm sao. Giới cải lương hay nhắc chuyện cô được khuyên làm đơn để xin danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nhưng cô Út nói thôi. Không phải ai cũng hiểu được cô Út. Là một Phật tử, cô Út tin rằng mang một danh phận, cũng không khác gì mang thêm một nghiệp mới nơi trần gian mà cô Út thấy mình đã được rất nhiều. Trong một vài cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, cô Út cười thiệt thà, mà nói “Chuyện nhà nước muốn tặng danh hiệu cũng là một vinh dự, nhưng Út thì chỉ thấy thêm nữa cũng không làm gì. Lúc mình lên sân khấu, thấy người ta vỗ tay, hết bài, khán giả người ta lên ôm mình, khóc với mình, rồi hun mình… ôi vậy là đủ làm Út vui lắm rồi”.
Ngày cô Út thôi hát trên trần gian, chắc cô sẽ còn thương sân khấu, thương khán giả nhiều hơn khi chứng kiến thế hệ nghệ sĩ sau cô rơi nước mắt như mưa. Trong những video tình cờ ghi lại, có một người tựa như khuyết tật và ăn xin trên đường phố, đã để tấm hình của cô tựa vào cột đèn, để mấy cái bánh men, thắp một cây nhang rồi chắp tay vái cô. Khán giả miền Nam, cải lương miền Nam thương cô Út đứt ruột.
Nói đến Cải lương, thì Sài Gòn – Gia Ðịnh giống như Hollywood của Huê Kỳ, nơi dân đờn ca tài tử, hát Bội… đổ về. Rồi Cải lương ra đời với sự kết hợp trình diễn điệu bộ theo kiểu Tây phương nhưng giữ nguyên nền nhạc cổ truyền, tạo nên một nét đặc sắc về nghệ thuật và giải trí của người dân miền Nam đầu thế kỷ 19.
Khởi nguyên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại rằng nghệ thuật hát Bội, vốn là một trong những món nghệ thuật độc đáo của dân ngũ Quảng miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ðức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) khi di dân mở cõi vào Nam đã mang theo và khiến không ít giới nhà giàu, quan lại triều đình say mê. Cụ thể như Tổng trấn thành Gia Ðịnh Lê Văn Duyệt nuôi hẳn một ban hát Bội để giải trí. Con của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi cũng mê hát Bội không kém.
Nhưng sau năm 1832, khi Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng lòng giận vẫn không nguôi chuyện riêng nên cho san bằng mộ, xiềng lại và đúc chữ ghi rằng “Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết”. Ba năm sau khi tận diệt Lê Văn Khôi tội làm phản, Vua Minh Mạng cấm hẳn hát Bội trong một thời gian. Tài tử xao xác trốn đi, tìm nghề khác sinh sống nên hát Bội ở miền Nam yếu dần đi.
Mãi đến năm 1874, khi người Pháp cai trị miền Nam, hát Bội mới quay lại. Nhưng lúc đó, việc thưởng thức trở nên phổ biến hơn trong dân chúng, nên chuyện mỗi lần muốn thưởng thức phải mời cả một ban hát, lại quá cầu kỳ hoặc tốn kém dựng rạp, đãi người… vì vậy các gia chủ khi có đám tiệc hay muốn thưởng thức ngắn giờ thì chỉ cần mời ít người đến hát, gọi là hát Chặp. Thầy đờn, đào kép ngồi hát tại chỗ, không cần tô vẽ mặt rườm rà. Thích đoạn nào hát đoạn đó, không cần lớp lang. Mà dàn nhạc thì thu gọn lại, chỉ còn kìm, cò, tranh, sáo. Ấy là buổi hình thành của Nhạc tài tử.
Giai thoại về đời cô Út, kể lại rằng từ lúc mới mười tuổi (tức khoảng năm 1945-1946), lang bạt lên Sài Gòn. Cô Út gặp anh thanh niên Văn Vĩ khiếm thị, nhưng có ngón đờn thần sầu quỷ khốc. Cả hai cùng nhau lang thang xa cảng, Chợ Lớn, Sài Gòn để hát kiếm tiền nuôi gia đình. Khách nghe mới đầu chỉ định giải trí tạm, riết rồi cứ nhích tới gần, nghe rồi đòi nghe nữa… ai cũng lạ lùng hai đứa nhỏ có tuyệt kỹ của ngành đờn hát, thương mà cho tiền, nhờ vậy cô Út và anh Văn Vĩ mới lây lất qua ngày, chờ đến lúc vụt sáng như những ngôi sao lớn trên sân khấu cải lương miền Nam.
Vào thập niên 1950, tên của cô Út lừng danh cùng kép độc Thành Ðược. Lúc đó, khán giả coi tờ quảng cáo, cũng để ý có Út Bạch Lan hay không. Ðặc biệt, ngành ghi âm thu đĩa nhựa Việt Nam thời đó, không thể nào thiếu cái tên Út Bạch Lan trong các tuồng định ra mắt. Một trong những dĩa hát gây chấn động thời đó là Thuyền Ra Cửa Biển (hãng dĩa Hồng Hoa), tập hợp toàn danh ca tài tử như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Minh Chí, Thanh Hương. Ðặc biệt cô Út (vai Chiêu Trúc Lệ) và Thành Ðược (vai Diệp Băng Ðình) cũng hớp hồn không biết bao nhiêu khán giả. Có một chi tiết khá độc đáo về chuyện này, là cô Út nổi tiếng trước Thành Ðược. Nhưng do lỡ thương anh nghệ sĩ này rồi nên khi bà bầu của gánh Kim Chưởng mời ký tái giao kèo, cô Út nài nếu vậy thì phải ký thêm giao kèo với Thành Ðược. Khi thấy hai người hát ăn ý, mà Thành Ðược cũng quá xuất sắc, bà bầu gánh Kim Chưởng làm liền. Và đó cũng là lý do mà cả hai xuất hiện đồng diễn trong tuồng Thuyền Ra Cửa Biển.
Lịch sử ghi âm Việt Nam có ghi nhận bản tân nhạc đầu tiên được ghi âm là bài Kiếp Hoa (1938) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, người ở Huế. Nhưng thật sự tạo ra một thị trường rộng lớn và thu về vô số tiền bạc, lại là dĩa cải lương miền Nam. Tuồng Thuyền Ra Cửa Biển là một trong những ví dụ, thậm chí thời đó, khán giả đài phát thanh mê mệt, yêu cầu nhiều quá, đến mức đài phải mua bản quyền phát đi phát lại cả năm. Chỉ nhiêu đó, tiền đã không biết bao nhiêu mà kể.
Khán giả miền Nam thời đó chịu móc tiền túi mua dĩa hát lắm. Nhưng đặc biệt là phải dòm coi có tên danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Ðược, Hữu Phước… hay không mới mua. Thậm chí, có những tuồng không kịp thu âm, nhưng bài ca thì hay quá khiến dân chúng phải đi mua các bản in lời bài ca (hồi xưa gọi là bài ca nhỏ). Lúc này thì người Hoa cũng nhảy vô kinh doanh bài ca nhỏ, vì bán chạy vô cùng mà lại dễ làm. Một bài ca có mấy cắc, ai cũng mua được, mà sẵn có đài phát thanh như quảng cáo giùm, giờ chỉ đem ra chợ khắp mọi miền mà bán thôi.
Thập niên 70, thời của truyền hình đưa những ngôi sao cải lương truyền hình xuất hiện như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Ngọc, Dũng Thanh Lâm… nhưng cũng là thời đánh dấu một giai đoạn sân khấu truyền thống của cải lương miền Nam suy yếu. Chuyện xưa ghi lại rằng vào Tết âm lịch Canh Tuất 1970, đoàn Dạ Lý Hương đang thu tiền ầm ầm, tự nhiên đến suất 8 giờ tối ở rạp Quốc Thanh, lại vắng teo, thu về được có gần 300 ngàn đồng. Hóa ra trước đó, đoàn nhận lời thu hình tuồng cho truyền hình, được tiền tưởng bở. Ngay giờ đó, truyền hình chiếu đúng tuồng của đoàn Dạ Lý Hương đang diễn. Ðược coi miễn phí mà lại qua tivi, nên dân chúng chọn ở nhà. Ðó là một trong những bài học và cuộc xung đột đầu tiên của truyền hình và sân khấu cải lương miền Nam vậy. Cũng vì thâm hụt, nên sau đó ít lâu, có đến 7 đoàn hát ở Sài Gòn cùng hợp lại, ra quyết nghị là cùng nhau không đụng vô truyền hình để còn sống sót.
Nghe cô Út nỉ non, sầu muộn mà nhớ cải lương miền Nam. Ngành ca hát ra đời – với sự kết hợp lời thoại và điệu bộ diễn xuất của kịch nghệ phương Tây, âm nhạc thì truyền thống và tuồng tích là những drama thượng thừa không thua gì các kịch bản trên thế giới – lúc này dường như lặng lẽ hơn bao giờ hết. Nhất là khi thiếu vắng những tượng đài lớn như cô Út Bạch Lan.
TK
(tư liệu tham khảo từ nhà nghiên cứu Ngành Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, tạp chí Nông Cổ Mín Đàm, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống của Trần Văn Khê)