Văn Học & Nghệ Thuật
Nhà địa chất Nguyễn Thành Giang, một tâm hồn nghệ sĩ.
Đỗ Trường
Những thập niên gần đây, dường như hình ảnh, tên tuổi nhà khoa
học Nguyễn Thanh Giang được nhiều người mến mộ và nhắc đến.
Nó là hình tượng tự do, khơi dậy, tranh đấu nơi quê nhà. Lòng
can đảm ấy, như một sự tiếp nối hùng khí của sĩ phu năm nào.
Không chỉ dừng lại như vậy, ông còn làm thơ, viết văn và là
một nhà lý luận chính trị xã hội sâu sắc. Những bài viết
của ông gây tiếng vang, vượt ra khỏi nơi tối tăm tù đày.
Tuy rất ngại đọc văn chính luận, nhưng những bài của ông hoặc
của Tiến sĩ Hà Sỹ Phu, tôi đọc khá nhiều. Bởi, ngoài hấp dẫn
đề tài, cái sinh động của câu văn, ta còn thấy, sự thẳng thắn
đầy trách nhiệm với xã hội, con người ở trong đó. Cũng như
mọi độc giả, đọc văn, rồi cũng mong có ngày gặp được tác giả
mà mình mến mộ.
Và có lẽ, may mắn chăng? Trước đây mấy năm, nhà văn Tưởng Năng
Tiến (Hoa Kỳ) điện bảo: Anh Nguyễn Thanh Giang ở quốc nội, hỏi
anh, muốn có địa chỉ e-mail và điện thoại của Đỗ Trường. Giời
ạ! Một gã viết văn tép riu, tuổi tác vào dạng con cháu như
tôi, được bác Nguyễn Thanh Giang quan tâm như thế này, còn gì
bằng.
Thế rồi, điện đàm, thư lại, được biết Nguyễn Thanh Giang là
bạn cùng quê, cùng cơ quan với ông anh Tiến sĩ địa chất của
tôi. Khi tôi xưng hô chú cháu, ông bảo, Đỗ Trường cứ gọi bằng
anh cho dễ trao đổi, tranh luận, nhất là văn thơ. Tuy chưa một
lần gặp gỡ, nhưng tôi nghĩ, Nguyễn Thanh Giang là người cởi mở,
thẳng thắn và tự tin. Bởi, có lần đọc một bài thơ của ông,
tôi chê hơi gay gắt, cứ tưởng ông giận. Hôm sau, tôi viết thư xin
lỗi, nhưng ông có vẻ ngạc nhiên và hỏi lại: Sao lại phải xin
lỗi? Mình thích thẳng thắn như vậy. Cái Đỗ Trường chê, không
có nghĩa là người khác không thích.
Vâng! Trong một xã hội cái “Tôi“ đang trùm lên tất cả, cùng với
cái khoản: Văn mình vợ người này, được một người thấu hiểu
như Nguyễn Thanh Giang, quả thật, hiếm lắm thay.
Nguyễn Thanh Giang sinh năm 1936 tại Thanh Hóa, trong một gia đình
trí thức. Và là con rể của nhà thơ Thôi Hữu. Lễ giáo của gia
đình, sự ràng buộc của xã hội đã quật nát tuổi thơ ông. Lớn
lên thiếu dòng sữa mẹ, do vậy cả cuộc đời ông luôn phải kiếm
tìm. Tham gia kháng chiến, và hòa bình ông trở lại trường học.
Tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp Hà Nội, sau đó ông trở
thành một trong những chuyên gia đầu ngành địa chất Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu 1980, Nguyễn Thanh Giang đã nhận
ra con đường cụt, không lối thoát mà Đảng cộng sản đang áp đặt
trên toàn đất Việt. Nhưng chỉ đến khi ở châu Âu chủ nghĩa cộng
sản hoàn toàn sụp đổ, Nguyễn Thanh Giang cùng nhiều trí thức,
văn nhân mới thực sự dấn thân, lên tiếng. Và ta có thể thấy,
từ đó, tư tưởng cũng như hành động của ông đã thay đổi một
cách rõ rệt, từ tin yêu đi đến thất vọng, phản bác chế độ. Do
vậy, hàng loạt bài viết của ông chỉ ra những sai lầm, bế tắc
của chế độ xã hội trong thời kỳ này. Vậy là, cánh cửa nhà
tù rộng mở, chờ đón ông.
Đầu năm 2015, tôi về Hà Nội, định đến thăm ông, nhưng lúc nào
cũng cảm thấy có một nữ an ninh theo bảo vệ, nên lại thôi. Hôm
bia rượu với khá đông bạn học cùng lớp, thời cấp ba, trong đó
có một thằng nghịch nhất nhì lớp, hiện đang là cấp tướng
trong ngành an ninh. Có lẽ, đồng chí nữ an ninh không nhận ra
cấp trên của mình, hoặc khác ngạch chăng, nên cứ quanh quẩn,
thoắt ẩn, thoắt hiện. Nếu bình thường, kể cũng hơi bực mình,
nhưng ở Việt Nam độ cồn trong máu lúc nào cũng vượt ngưỡng,
nên cứ thấy là lạ, hài hài. Nghĩ lại, thấy cảm phục sức
chịu đựng của bác Nguyễn Thanh Giang và các bác nhà văn, trí
thức có tư tưởng tự do còn ở trong nước. Mấy ngày sau, tôi bị
trục xuất về Đức. Biết tin, ông viết thư an ủi, và có một
chút buồn không gặp được nhau.
Rồi thông qua một nhà xuất bản ở Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Giang gửi
tặng tôi mấy tập sách. Đọc xong, muốn viết một chút về ông,
nhưng nghĩ và tìm mãi chưa biết bắt đầu từ đâu. Bởi, ông thiên
về nghị luận chính trị (chính luận), những cái tôi hiểu mù
mờ nhất. Mấy nay, đọc bài viết của nhà văn Phạm Đình Trọng,
biết Nguyễn Thanh Giang đang phải nằm viện, bệnh tình khá nặng
với sức lực cạn kiệt của tuổi già, nên tôi lại tìm đọc và
nghiền ngẫm về ông.
Cho đến nay, Nguyễn Thanh Giang đã in ấn, xuất bản trên, dưới
chục đầu sách, chủ yếu về khoa học chuyên ngành, và chính
luận. Mảng văn chính luận này, đã tô đậm thêm chân dung người
trí thức Nguyễn Thanh Giang. Và đã có một số người viết cảm
nhận, phê bình về nó. Tuy nhiên, với tôi, tự truyện Người Đội
Số Phận và thi tập Những Mẩu Quặng Dọc Đường là hai tác phẩm có
vị trị quan trọng trong sự nghiệp viết lách của Nguyễn Thanh
Giang. Bởi, nếu Người Đội Số Phận là cuốn tự truyện bằng văn
xuôi, thì Những Mẩu Quặng Dọc Đường như một trang nhật ký, không
chỉ về thân phận tác giả trước cuộc sống, xã hội, mà còn
chuyển tải nhận thức, biến chuyển tư tưởng của ông bằng thơ
đến với người đọc.
Với một xã hội thối nát, cùng những lễ giáo hủ lậu, đã kéo
ông vuột ra khỏi vòng tay của mẹ, một người ả đào, ca kỹ.
Thiếu dòng sữa mẹ, do vậy không chỉ suốt dọc tuổi thơ Nguyễn
Thanh Giang ngơ ngác, mà dường như cả cuộc đời ông phải đi tìm.
Hình ảnh, và tiếng kêu bi thương ấy, luôn làm ông ám ảnh. Để
rồi, nơi một góc rừng Bố Hạ, Nguyễn Thanh Giang gặp, vẽ lại
hình ảnh về chiều tàn tạ của mẹ, của những người đàn bà mà
xã hội không thừa nhận. Bài thơ ngũ ngôn nhẹ nhàng, chìm trong
những hình ảnh so sánh ẩn dụ, làm cho người đọc không khỏi
xót xa, ngậm ngùi:
“…Cung đàn từng rỏ máu
Dãi dầu đêm thanh lâu
Mầu da vẫn nhờn nhợt
Vết tích những canh tàn
Hồn tan trong chầu hát
Thân mòn buổi truy hoan
Ôi Hồng Hồng, Tuyết Tuyết
Thời hứa giá qua rồi
Bạch phát giờ ái ngại
Chồng con mượn cửa người
Một góc rừng Bố Hạ
Mấy nhành cam khẳng khiu
Bướm chim chia trăm ngả
Hoa rơi trắng cả chiều”
Tuy đắng cay là thế, nhưng những ngày đầu đến và làm việc
dưới chế độ mới, Nguyễn Thanh Giang tràn đầy sinh khí. Lòng tin
tưởng phơi phới vào tương lai ấy, đã giúp cho ông vẽ lên bức
tranh rộng mở, với cái nhìn trong vắt của con trẻ. Và có lẽ,
nếu bây giờ phải vẽ lại bức tranh này, tôi tin, cái bầu trời
cao lồng lồng và trong vắt kia, chỉ còn lại một vệt xám ngoét
trong thơ ông:
“…Bập bênh bập bênh
Ngọn cây vút lên
Mặt trời tụt xuống
Cả hồ rau muống
Dập dà dập dềnh
Bên này vừa bập
Bên kia đã bênh
Chân đạp càng nhanh
Tay nắm càng chặt
Nhìn trời trong vắt
Càng muốn lên cao…”
Nguyễn Thanh Giang viết khá nhiều thơ tình. Nhưng có thể nói,
những bài thơ ông viết cho vợ, cho người yêu đích thực không
phải là những bài thơ hay. Mà những cái nhìn vụng dại, hay
lửa tình bất chợt, hoặc thoảng qua trên nẻo đường tìm tòi,
khai quật quặng mỏ, mới là nguồn cảm hứng cho ông những bài
thơ tình đặc sắc. Tôi nghĩ, (nhưng điều này chưa chắc đã đúng)
dường như như các nhà khoa học, nhất là khoa học địa chất có
nhiều người viết thơ tình hay hơn các ngành khác? Có lẽ, ngành
thăm dò, khai quật trong lòng đất có sợi dây liên hệ gì đó
với sự khám phá, tìm tòi trong sâu thẳm tâm hồn con người
chăng? Nên rất nhiều người, trong đó có tôi, không phải là thi
sĩ, nhưng bất chợt vuột ra những câu với sự tưởng tượng quan
hệ bền chặt với nghề địa chất này: “…Nếu là người địa chất/
đi vào sâu lòng đất/ Để khai thác tài nguyên/ Anh đi vào mắt
em/ Tìm bao điều chưa nói/ Ôi! Đôi mắt của em/ là cả bầu trời
xanh của vũ trụ…”(Đỗ Trường)
Thật vậy, đọc bài thơ Bản Mèo Nóng Rực của Nguyễn Thanh Giang,
thoạt tưởng đó là độ nóng của mặt trời, sự cằn cỗi nơi bản
mường, nhưng đến đoạn kết, ta chợt nhận ra cái nóng trong lòng
người địa chất, cái nóng của những cơn khát tình. Cũng chính
đoạn kết này đã bật ra cái tứ bài thơ. Và nó chợt làm tôi
nhớ đến câu kết, trong Bài Thơ Trên Váy rất hay của Trần Mạnh
Hảo: “Chỉ còn chiếc váy tốc trời thi ca.” Vâng! Chiếc váy, hồn thơ
của Hồ Xuân Hương, của Trần Mạnh Hảo như vậy. Còn chiếc váy
kia của Nguyễn Thanh Giang có làm nguội đi nỗi nhớ, hay quạt
bùng lên nỗi khát vọng? Có thể nói, đây là bài thơ hay tình
hay trong thi tập Những Mẩu Quặng Dọc Đường. Nhưng rất tiếc, ở đó
lọt vào một câu thơ dở: “Và sáng sáng chiếc váy tròn đung đưa đung
đưa”. Vâng! Âu đó cũng là điều bình thường trong thơ ca vậy:
“Sàng Thần cao hơn mặt biển trên ngàn mét
Nắng trưa như áp sát mặt trời
Hoa lau nở bung ra hết
Ve rang đổ lá tơi bời
Chú ngựa tải lương đêm qua đã chết
Da bọc xương như chiếc khăn vắt kiệt
Máng nước đầu nhà chỉ tý tách rơi
Tiếng hoẵng dội về khô khốc
Nhưng sao cứ phừng phừng hoa anh túc
Để đêm đêm vẫn nghe kẽo kẹt
Và sáng sáng chiếc váy tròn đung đưa đung đưa
Phe phẩy vào nỗi khát!”
Đọc Nguyễn Thanh Giang, ta có thể thấy, cùng với bước chân lên
rừng, xuống biển của người địa chất, sự kiếm tìm dòng sữa
mẹ, dòng sữa quê hương luôn thường trực trong ông. Chuỗi ngày
dài dằng dặc đó, dù còn thơ dại, hay khi đã trưởng thành,
tình thương nhớ trong ông không hề đổi thay. Nhớ Về Xóm Cũ là
một bài thơ mang tâm trạng ray rứt và hoài hương như vậy của
ông:
“ Anh muốn về thăm nơi nặng tình nặng nghĩa
Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm
Nơi các em dựng trường bằng tiền mót khoai xúc tép
Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân”
Nếu thấm đẫm tình yêu thương khi viết về mẹ già, và những em
nhỏ, đã xuyên suốt những trang thơ của Nguyễn Thanh Giang, thì
sự đồng cảm, kính trọng trước chí khí của thi nhân, trí thức
bị xã hội vùi dập, thể hiện rõ trong mảng thơ chân dung của
ông. Có thể nói, đây là đề tài tâm huyết của Nguyễn Thanh
Giang. Nhưng thành thật mà nói, thơ vẽ hình tượng chân dung các
văn nghệ sĩ của ông mới dừng lại ở cái vỏ, còn cái lõi, cái
hồn cốt của họ thực sự chưa tóm được. Nhớ Hữu Loan là một
trong nhiều bài thơ viết về đề tài này, chúng ta đọc lại để
thấy rõ điều đó:
“Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim
Lầm lụi xám những chiều hoang biền biệt
Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt
Sắc tím đời ông bầm dập những con tim”
Có nhiều các nhà khoa học trong nước sáng tác và làm thơ,
nhưng trụ được và đứng vững với thời gian không nhiều. Có lẽ,
để lại ấn tượng trong tôi sâu đậm là cố GS Vũ Tuyên Hoàng, và
Khánh Nguyên. Bởi, ngoài tài năng khoa học, thi ca, họ còn có
trái tim của người nghệ sĩ đích thực. Dù không có ý so sánh,
nhưng đọc thơ Nguyễn Thanh Giang, tôi thấy cái chất thơ trong con
người ông cũng mãnh liệt lắm. Tuy không làm trắc nghiệm, thống
kê, nhưng dường như, có nhiều người thích đọc thơ của các nhà
khoa học tự nhiên hơn là thơ của mấy bác bên khoa học xã hội.
Bởi, thơ của họ, thường ngắn ngọn, với những liên tưởng so
sánh logic hơn chăng? Cho nên, khi đọc thơ, nếu để ý một chút, ta
có thể đoán nhận ra công việc cũng như nghề nghiệp của tác
giả. Thật vậy, đọc đoạn thơ Núi lửa phun của Nguyễn Thanh
Giang, cho ta thấy rõ điều đó. Và nếu không phải là nhà địa
chất học, cùng với sự quan sát tỉ mỉ, trí tưởng tượng phong
phú, thì khó có thể viết được những câu thơ sinh động như vậy:
“Sấm gầm từ lòng đất
Hắt lên
Va vào sét tự trên cao phóng xuống
Dòng sông lửa đổ dài lênh láng
Như đĩa đèn dầu
Rót từ Vũ trụ
Xuống mặt hành tinh
Tóc nàng Pê-lê (2)
Dệt bằng sợi dung nham
Phất phơ bay trên lưng chừng cao nghìn mét
Tựa pháo hoa của đêm hội Thiên Hà”
Mỗi bước đi là một lần khám phá, người địa chất như được trả về với thiên nhiên, với vũ trụ hồng hoang. Gian nan là đấy, nhưng cái hào phóng, vô tư đầy ắp trong tâm hồn. Và con người ấy, sự hoang dã ấy, làm cho lời thơ của Nguyễn Thanh Giang ở thời gian đó rất hồn nhiên và trong trẻo. Chính vì thế, thơ ông luôn để lại cho người đọc một sự sảng khoái, và tự tin. Thật vậy, có lẽ không riêng tôi, mà còn nhiều người muốn đọc những câu thơ dân dã như vậy:
“… Sáu trăm mét
nắng lùa phanh áo ngực
Rừng già phơi đỉnh trọc cắt vào mây
Tám trăm mét
Toàn đá vôi trắng xám
Xin chớ buồn. Đây không gian thu
————
Mỗi bước lên nghe nhịp tim càng rõ
Da căng như đầy ắp khí trời
Tưởng chỉ còn kia sắc xanh thôi
Chợt ngoảnh lại từ vắng im vũ trụ”
Khi đất nước đi vào ngõ cụt, biển và rừng bị giặc Tàu xâm
chiếm, đe dọa, bộ mặt ươn hèn của những thủ lĩnh tối cao hết
đát cũng bị bóc trần, thì tư tưởng, hành động Nguyễn Thanh
Giang đã biến chuyển. Từ đó, không chỉ trong văn chính luận, mà
trong thơ, bút pháp của ông hoàn toàn đổi khác. Hồn khí, lời
thơ ông sắc như mũi dao chích vào những ung nhọt của xã hội,
và đập thẳng vào mặt giặc phương Bắc cũng như bọn cường quyền
nhu nhược.
Nếu thơ tình yêu, tự sự của ông nhẹ nhàng bao nhiêu, thì thơ
thời sự lại mạnh mẽ, hùng khí bấy nhiêu. Tuy dân dã, mộc mạc
như câu nói thường nhật, nhưng khi đọc dường như có hồn khí dân
tộc tụ lại nơi đầu bút:
“Đấy là cái lưỡi của con rắn độc
Ngo ngoe dọa người
Nhân dân tôi sẽ cắt lưỡi nó
Bẻ răng nó
Vắt lấy nọc
Tọng vào mồm đứa nào chiếm Hoàng Sa”
Con đường dẫn đến nhà tù là cái đích, một vòng tròn nghiệt
ngã mở ra, khép lại, không chỉ riêng cho Nguyễn Thanh Giang, mà
cho nhiều văn nhân, trí thức đích thực khác. Tuy đắng cay, nhưng
chí khí ông vẫn hừng hực. Từ trong lao tù thơ ông vẫn bắn
thẳng, vạch trần sự lưu manh, đểu cáng của chế độ đương thời.
Con đường cụt, con đường bán nước được ngụy trang dưới mỹ từ
“định hướng” của những giáo sư giả, tiến sĩ đểu là điều tất
yếu. Diễn Biến Hòa Bình, là một trong những bài thơ thời sự
hay, được viết ở trong tù của Nguyễn Thanh Giang. Hay về cả nội
dung lẫn nghệ thuật sử dụng từ ngữ. Nó mộc mạc, giản đơn như
những câu thoại ngoài đời, nhưng quả thực rung động lòng
người:
Học hành chưa được vài mủng chữ.
Không hơn Chí Phèo, Thị Nở
Vỗ ngực xưng giai cấp tiền phong
Chễm chệ ngồi lên đầu nhân dân.
——
Các ngài giỏi hơn phù thủy
Biến những nông dân chất phác hiền lành
Thành đồ tể
Nặn ra mấy ông giáo sư, tiến sỹ
Bỏ mặc đất nước khổ nghèo
Hì hục xây “Kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa”
Định hướng vào cái rọ
Bắc Triều!”
Vào cái tuổi tám mươi, Nguyễn Thanh Giang trở về nơi bắt đầu.
Nơi triền đá địa tầng xưa đã đi hết tuổi trẻ, và những ước
vọng của ông. Có lẽ nào, đứng trước sự thối nát của chế độ,
sự lưu manh hóa của con người đã làm cho ông bi quan và bất
lực? Bắt chước tiền nhân, ông gửi nỗi buồn, uất hận vào những
câu thơ rêu phong hoài cổ. Giờ này chắc rằng, ông đang gồng
mình chiến đấu với những căn bệnh tuổi già. Và dù sức đã
cùng, tâm đã tận, nhưng tôi tin “Tâm Tư Chiều” không phải là bài
thơ cuối, trận chiến cuối cùng của ông:
“Mây đã bạc đầu
Chiều đã rêu phong
Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ
Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ
Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn
Gió quét, sương sa, mưa rỉ rả mòn
Trăng đã xoãi một bình nguyên yên ả
Buồn lởm chởm lại xô lên triền đá
Ngổn ngang trời
Nắng lóa
Núi xanh tuôn”
Do đặc điểm lịch sử, cũng nhận thức tư tưởng, do vậy, những
bài thơ được Nguyễn Thanh Giang viết ở những thập niên sáu, bảy
mươi của thế kỷ trước, trong thi tập Những Mẩu Quặng Dọc Đường,
còn khá nhiều câu, bài mang tính minh họa. Nói như nhà nghiên
cứu Nguyễn Hoàng Đức, đó là thứ thơ mậu dịch, quốc doanh.
Những hạn chế này, không phải của riêng Nguyễn Thanh Giang, mà
là đặc điểm chung của cả thế hệ cầm cầm bút đã qua.
Có lẽ, không có gì ngán và chán bằng phải đọc những cuốn
hồi ký, tự truyện do thuê mướn người khác chắp bút. Ta có thể
thấy trước đây là cuốn Bất Khuất, Trần Đĩnh đã làm khổ bao
thế hệ học trò ở miền Bắc bằng cái thứ văn giả tạo… Rồi
đến Hữu Mai với hồi ký Tướng Giáp, chán như cơm nếp nát. Và
giờ đây có khá nhiều ca sĩ, kịch sĩ, ứ sĩ…cho ra đời những
cuốn tự truyện không hồn vía, được xuất xưởng từ những lò
viết thuê. Đọc chẳng khác gì, phải xem tranh của mấy ông họa
sĩ mù màu, nghe nhạc của mấy ông nhạc sĩ mù nhạc, sản xuất
bằng máy vi tính, Computer.
Và đến với cuốn tự truyện Người Đội Số Phận của Nguyễn Thanh
Giang, do chính ông viết. Dù văn hay, hoặc dở, nhưng trước nhất
gây cảm hứng và cho người đọc cảm giác chân thực. Thật vậy,
tuy là tự truyện cá nhân, nhưng đọc Người Đội Số Phận cho ta
thấy được thân phận con người, gắn liền với những biến cố của
xã hội đương thời, cũng như xã hội đã qua. Với tôi, cuốn tự
truyện này, tôi thích văn của chương Đi Tìm Mẹ, và một chút tò
mò về chương Trần Đức Lương nguyên Chủ tịch nước, nguyên ủy
viên Bộ chính trị Đảng CS, bạn của ông.
Vâng! Một người cùng một lúc làm nhiều công việc, với tuổi
tác bệnh tật như vậy, quả thật xưa nay cũng hiếm rồi. Và đọc
Nguyễn Thanh Giang, nhưng chưa khi nào tôi nghĩ, ông là nhà thơ,
nhà văn. Với tôi, danh từ nhà địa chất học Nguyễn Thanh Giang
là đủ rồi.
Leipzig ngày 16-12- 2016
Đỗ Trường
https://badamxoevietnam2.wordpress.com/2016/12/18/nha-dia-chat-nguyen-thanh-giang-mot-tam-hon-nghe-si/
Bàn ra tán vào (0)
Nhà địa chất Nguyễn Thành Giang, một tâm hồn nghệ sĩ.
Đỗ Trường
Những thập niên gần đây, dường như hình ảnh, tên tuổi nhà khoa
học Nguyễn Thanh Giang được nhiều người mến mộ và nhắc đến.
Nó là hình tượng tự do, khơi dậy, tranh đấu nơi quê nhà. Lòng
can đảm ấy, như một sự tiếp nối hùng khí của sĩ phu năm nào.
Không chỉ dừng lại như vậy, ông còn làm thơ, viết văn và là
một nhà lý luận chính trị xã hội sâu sắc. Những bài viết
của ông gây tiếng vang, vượt ra khỏi nơi tối tăm tù đày.
Tuy rất ngại đọc văn chính luận, nhưng những bài của ông hoặc
của Tiến sĩ Hà Sỹ Phu, tôi đọc khá nhiều. Bởi, ngoài hấp dẫn
đề tài, cái sinh động của câu văn, ta còn thấy, sự thẳng thắn
đầy trách nhiệm với xã hội, con người ở trong đó. Cũng như
mọi độc giả, đọc văn, rồi cũng mong có ngày gặp được tác giả
mà mình mến mộ.
Và có lẽ, may mắn chăng? Trước đây mấy năm, nhà văn Tưởng Năng
Tiến (Hoa Kỳ) điện bảo: Anh Nguyễn Thanh Giang ở quốc nội, hỏi
anh, muốn có địa chỉ e-mail và điện thoại của Đỗ Trường. Giời
ạ! Một gã viết văn tép riu, tuổi tác vào dạng con cháu như
tôi, được bác Nguyễn Thanh Giang quan tâm như thế này, còn gì
bằng.
Thế rồi, điện đàm, thư lại, được biết Nguyễn Thanh Giang là
bạn cùng quê, cùng cơ quan với ông anh Tiến sĩ địa chất của
tôi. Khi tôi xưng hô chú cháu, ông bảo, Đỗ Trường cứ gọi bằng
anh cho dễ trao đổi, tranh luận, nhất là văn thơ. Tuy chưa một
lần gặp gỡ, nhưng tôi nghĩ, Nguyễn Thanh Giang là người cởi mở,
thẳng thắn và tự tin. Bởi, có lần đọc một bài thơ của ông,
tôi chê hơi gay gắt, cứ tưởng ông giận. Hôm sau, tôi viết thư xin
lỗi, nhưng ông có vẻ ngạc nhiên và hỏi lại: Sao lại phải xin
lỗi? Mình thích thẳng thắn như vậy. Cái Đỗ Trường chê, không
có nghĩa là người khác không thích.
Vâng! Trong một xã hội cái “Tôi“ đang trùm lên tất cả, cùng với
cái khoản: Văn mình vợ người này, được một người thấu hiểu
như Nguyễn Thanh Giang, quả thật, hiếm lắm thay.
Nguyễn Thanh Giang sinh năm 1936 tại Thanh Hóa, trong một gia đình
trí thức. Và là con rể của nhà thơ Thôi Hữu. Lễ giáo của gia
đình, sự ràng buộc của xã hội đã quật nát tuổi thơ ông. Lớn
lên thiếu dòng sữa mẹ, do vậy cả cuộc đời ông luôn phải kiếm
tìm. Tham gia kháng chiến, và hòa bình ông trở lại trường học.
Tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp Hà Nội, sau đó ông trở
thành một trong những chuyên gia đầu ngành địa chất Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu 1980, Nguyễn Thanh Giang đã nhận
ra con đường cụt, không lối thoát mà Đảng cộng sản đang áp đặt
trên toàn đất Việt. Nhưng chỉ đến khi ở châu Âu chủ nghĩa cộng
sản hoàn toàn sụp đổ, Nguyễn Thanh Giang cùng nhiều trí thức,
văn nhân mới thực sự dấn thân, lên tiếng. Và ta có thể thấy,
từ đó, tư tưởng cũng như hành động của ông đã thay đổi một
cách rõ rệt, từ tin yêu đi đến thất vọng, phản bác chế độ. Do
vậy, hàng loạt bài viết của ông chỉ ra những sai lầm, bế tắc
của chế độ xã hội trong thời kỳ này. Vậy là, cánh cửa nhà
tù rộng mở, chờ đón ông.
Đầu năm 2015, tôi về Hà Nội, định đến thăm ông, nhưng lúc nào
cũng cảm thấy có một nữ an ninh theo bảo vệ, nên lại thôi. Hôm
bia rượu với khá đông bạn học cùng lớp, thời cấp ba, trong đó
có một thằng nghịch nhất nhì lớp, hiện đang là cấp tướng
trong ngành an ninh. Có lẽ, đồng chí nữ an ninh không nhận ra
cấp trên của mình, hoặc khác ngạch chăng, nên cứ quanh quẩn,
thoắt ẩn, thoắt hiện. Nếu bình thường, kể cũng hơi bực mình,
nhưng ở Việt Nam độ cồn trong máu lúc nào cũng vượt ngưỡng,
nên cứ thấy là lạ, hài hài. Nghĩ lại, thấy cảm phục sức
chịu đựng của bác Nguyễn Thanh Giang và các bác nhà văn, trí
thức có tư tưởng tự do còn ở trong nước. Mấy ngày sau, tôi bị
trục xuất về Đức. Biết tin, ông viết thư an ủi, và có một
chút buồn không gặp được nhau.
Rồi thông qua một nhà xuất bản ở Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Giang gửi
tặng tôi mấy tập sách. Đọc xong, muốn viết một chút về ông,
nhưng nghĩ và tìm mãi chưa biết bắt đầu từ đâu. Bởi, ông thiên
về nghị luận chính trị (chính luận), những cái tôi hiểu mù
mờ nhất. Mấy nay, đọc bài viết của nhà văn Phạm Đình Trọng,
biết Nguyễn Thanh Giang đang phải nằm viện, bệnh tình khá nặng
với sức lực cạn kiệt của tuổi già, nên tôi lại tìm đọc và
nghiền ngẫm về ông.
Cho đến nay, Nguyễn Thanh Giang đã in ấn, xuất bản trên, dưới
chục đầu sách, chủ yếu về khoa học chuyên ngành, và chính
luận. Mảng văn chính luận này, đã tô đậm thêm chân dung người
trí thức Nguyễn Thanh Giang. Và đã có một số người viết cảm
nhận, phê bình về nó. Tuy nhiên, với tôi, tự truyện Người Đội
Số Phận và thi tập Những Mẩu Quặng Dọc Đường là hai tác phẩm có
vị trị quan trọng trong sự nghiệp viết lách của Nguyễn Thanh
Giang. Bởi, nếu Người Đội Số Phận là cuốn tự truyện bằng văn
xuôi, thì Những Mẩu Quặng Dọc Đường như một trang nhật ký, không
chỉ về thân phận tác giả trước cuộc sống, xã hội, mà còn
chuyển tải nhận thức, biến chuyển tư tưởng của ông bằng thơ
đến với người đọc.
Với một xã hội thối nát, cùng những lễ giáo hủ lậu, đã kéo
ông vuột ra khỏi vòng tay của mẹ, một người ả đào, ca kỹ.
Thiếu dòng sữa mẹ, do vậy không chỉ suốt dọc tuổi thơ Nguyễn
Thanh Giang ngơ ngác, mà dường như cả cuộc đời ông phải đi tìm.
Hình ảnh, và tiếng kêu bi thương ấy, luôn làm ông ám ảnh. Để
rồi, nơi một góc rừng Bố Hạ, Nguyễn Thanh Giang gặp, vẽ lại
hình ảnh về chiều tàn tạ của mẹ, của những người đàn bà mà
xã hội không thừa nhận. Bài thơ ngũ ngôn nhẹ nhàng, chìm trong
những hình ảnh so sánh ẩn dụ, làm cho người đọc không khỏi
xót xa, ngậm ngùi:
“…Cung đàn từng rỏ máu
Dãi dầu đêm thanh lâu
Mầu da vẫn nhờn nhợt
Vết tích những canh tàn
Hồn tan trong chầu hát
Thân mòn buổi truy hoan
Ôi Hồng Hồng, Tuyết Tuyết
Thời hứa giá qua rồi
Bạch phát giờ ái ngại
Chồng con mượn cửa người
Một góc rừng Bố Hạ
Mấy nhành cam khẳng khiu
Bướm chim chia trăm ngả
Hoa rơi trắng cả chiều”
Tuy đắng cay là thế, nhưng những ngày đầu đến và làm việc
dưới chế độ mới, Nguyễn Thanh Giang tràn đầy sinh khí. Lòng tin
tưởng phơi phới vào tương lai ấy, đã giúp cho ông vẽ lên bức
tranh rộng mở, với cái nhìn trong vắt của con trẻ. Và có lẽ,
nếu bây giờ phải vẽ lại bức tranh này, tôi tin, cái bầu trời
cao lồng lồng và trong vắt kia, chỉ còn lại một vệt xám ngoét
trong thơ ông:
“…Bập bênh bập bênh
Ngọn cây vút lên
Mặt trời tụt xuống
Cả hồ rau muống
Dập dà dập dềnh
Bên này vừa bập
Bên kia đã bênh
Chân đạp càng nhanh
Tay nắm càng chặt
Nhìn trời trong vắt
Càng muốn lên cao…”
Nguyễn Thanh Giang viết khá nhiều thơ tình. Nhưng có thể nói,
những bài thơ ông viết cho vợ, cho người yêu đích thực không
phải là những bài thơ hay. Mà những cái nhìn vụng dại, hay
lửa tình bất chợt, hoặc thoảng qua trên nẻo đường tìm tòi,
khai quật quặng mỏ, mới là nguồn cảm hứng cho ông những bài
thơ tình đặc sắc. Tôi nghĩ, (nhưng điều này chưa chắc đã đúng)
dường như như các nhà khoa học, nhất là khoa học địa chất có
nhiều người viết thơ tình hay hơn các ngành khác? Có lẽ, ngành
thăm dò, khai quật trong lòng đất có sợi dây liên hệ gì đó
với sự khám phá, tìm tòi trong sâu thẳm tâm hồn con người
chăng? Nên rất nhiều người, trong đó có tôi, không phải là thi
sĩ, nhưng bất chợt vuột ra những câu với sự tưởng tượng quan
hệ bền chặt với nghề địa chất này: “…Nếu là người địa chất/
đi vào sâu lòng đất/ Để khai thác tài nguyên/ Anh đi vào mắt
em/ Tìm bao điều chưa nói/ Ôi! Đôi mắt của em/ là cả bầu trời
xanh của vũ trụ…”(Đỗ Trường)
Thật vậy, đọc bài thơ Bản Mèo Nóng Rực của Nguyễn Thanh Giang,
thoạt tưởng đó là độ nóng của mặt trời, sự cằn cỗi nơi bản
mường, nhưng đến đoạn kết, ta chợt nhận ra cái nóng trong lòng
người địa chất, cái nóng của những cơn khát tình. Cũng chính
đoạn kết này đã bật ra cái tứ bài thơ. Và nó chợt làm tôi
nhớ đến câu kết, trong Bài Thơ Trên Váy rất hay của Trần Mạnh
Hảo: “Chỉ còn chiếc váy tốc trời thi ca.” Vâng! Chiếc váy, hồn thơ
của Hồ Xuân Hương, của Trần Mạnh Hảo như vậy. Còn chiếc váy
kia của Nguyễn Thanh Giang có làm nguội đi nỗi nhớ, hay quạt
bùng lên nỗi khát vọng? Có thể nói, đây là bài thơ hay tình
hay trong thi tập Những Mẩu Quặng Dọc Đường. Nhưng rất tiếc, ở đó
lọt vào một câu thơ dở: “Và sáng sáng chiếc váy tròn đung đưa đung
đưa”. Vâng! Âu đó cũng là điều bình thường trong thơ ca vậy:
“Sàng Thần cao hơn mặt biển trên ngàn mét
Nắng trưa như áp sát mặt trời
Hoa lau nở bung ra hết
Ve rang đổ lá tơi bời
Chú ngựa tải lương đêm qua đã chết
Da bọc xương như chiếc khăn vắt kiệt
Máng nước đầu nhà chỉ tý tách rơi
Tiếng hoẵng dội về khô khốc
Nhưng sao cứ phừng phừng hoa anh túc
Để đêm đêm vẫn nghe kẽo kẹt
Và sáng sáng chiếc váy tròn đung đưa đung đưa
Phe phẩy vào nỗi khát!”
Đọc Nguyễn Thanh Giang, ta có thể thấy, cùng với bước chân lên
rừng, xuống biển của người địa chất, sự kiếm tìm dòng sữa
mẹ, dòng sữa quê hương luôn thường trực trong ông. Chuỗi ngày
dài dằng dặc đó, dù còn thơ dại, hay khi đã trưởng thành,
tình thương nhớ trong ông không hề đổi thay. Nhớ Về Xóm Cũ là
một bài thơ mang tâm trạng ray rứt và hoài hương như vậy của
ông:
“ Anh muốn về thăm nơi nặng tình nặng nghĩa
Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm
Nơi các em dựng trường bằng tiền mót khoai xúc tép
Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân”
Nếu thấm đẫm tình yêu thương khi viết về mẹ già, và những em
nhỏ, đã xuyên suốt những trang thơ của Nguyễn Thanh Giang, thì
sự đồng cảm, kính trọng trước chí khí của thi nhân, trí thức
bị xã hội vùi dập, thể hiện rõ trong mảng thơ chân dung của
ông. Có thể nói, đây là đề tài tâm huyết của Nguyễn Thanh
Giang. Nhưng thành thật mà nói, thơ vẽ hình tượng chân dung các
văn nghệ sĩ của ông mới dừng lại ở cái vỏ, còn cái lõi, cái
hồn cốt của họ thực sự chưa tóm được. Nhớ Hữu Loan là một
trong nhiều bài thơ viết về đề tài này, chúng ta đọc lại để
thấy rõ điều đó:
“Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim
Lầm lụi xám những chiều hoang biền biệt
Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt
Sắc tím đời ông bầm dập những con tim”
Có nhiều các nhà khoa học trong nước sáng tác và làm thơ,
nhưng trụ được và đứng vững với thời gian không nhiều. Có lẽ,
để lại ấn tượng trong tôi sâu đậm là cố GS Vũ Tuyên Hoàng, và
Khánh Nguyên. Bởi, ngoài tài năng khoa học, thi ca, họ còn có
trái tim của người nghệ sĩ đích thực. Dù không có ý so sánh,
nhưng đọc thơ Nguyễn Thanh Giang, tôi thấy cái chất thơ trong con
người ông cũng mãnh liệt lắm. Tuy không làm trắc nghiệm, thống
kê, nhưng dường như, có nhiều người thích đọc thơ của các nhà
khoa học tự nhiên hơn là thơ của mấy bác bên khoa học xã hội.
Bởi, thơ của họ, thường ngắn ngọn, với những liên tưởng so
sánh logic hơn chăng? Cho nên, khi đọc thơ, nếu để ý một chút, ta
có thể đoán nhận ra công việc cũng như nghề nghiệp của tác
giả. Thật vậy, đọc đoạn thơ Núi lửa phun của Nguyễn Thanh
Giang, cho ta thấy rõ điều đó. Và nếu không phải là nhà địa
chất học, cùng với sự quan sát tỉ mỉ, trí tưởng tượng phong
phú, thì khó có thể viết được những câu thơ sinh động như vậy:
“Sấm gầm từ lòng đất
Hắt lên
Va vào sét tự trên cao phóng xuống
Dòng sông lửa đổ dài lênh láng
Như đĩa đèn dầu
Rót từ Vũ trụ
Xuống mặt hành tinh
Tóc nàng Pê-lê (2)
Dệt bằng sợi dung nham
Phất phơ bay trên lưng chừng cao nghìn mét
Tựa pháo hoa của đêm hội Thiên Hà”
Mỗi bước đi là một lần khám phá, người địa chất như được trả về với thiên nhiên, với vũ trụ hồng hoang. Gian nan là đấy, nhưng cái hào phóng, vô tư đầy ắp trong tâm hồn. Và con người ấy, sự hoang dã ấy, làm cho lời thơ của Nguyễn Thanh Giang ở thời gian đó rất hồn nhiên và trong trẻo. Chính vì thế, thơ ông luôn để lại cho người đọc một sự sảng khoái, và tự tin. Thật vậy, có lẽ không riêng tôi, mà còn nhiều người muốn đọc những câu thơ dân dã như vậy:
“… Sáu trăm mét
nắng lùa phanh áo ngực
Rừng già phơi đỉnh trọc cắt vào mây
Tám trăm mét
Toàn đá vôi trắng xám
Xin chớ buồn. Đây không gian thu
————
Mỗi bước lên nghe nhịp tim càng rõ
Da căng như đầy ắp khí trời
Tưởng chỉ còn kia sắc xanh thôi
Chợt ngoảnh lại từ vắng im vũ trụ”
Khi đất nước đi vào ngõ cụt, biển và rừng bị giặc Tàu xâm
chiếm, đe dọa, bộ mặt ươn hèn của những thủ lĩnh tối cao hết
đát cũng bị bóc trần, thì tư tưởng, hành động Nguyễn Thanh
Giang đã biến chuyển. Từ đó, không chỉ trong văn chính luận, mà
trong thơ, bút pháp của ông hoàn toàn đổi khác. Hồn khí, lời
thơ ông sắc như mũi dao chích vào những ung nhọt của xã hội,
và đập thẳng vào mặt giặc phương Bắc cũng như bọn cường quyền
nhu nhược.
Nếu thơ tình yêu, tự sự của ông nhẹ nhàng bao nhiêu, thì thơ
thời sự lại mạnh mẽ, hùng khí bấy nhiêu. Tuy dân dã, mộc mạc
như câu nói thường nhật, nhưng khi đọc dường như có hồn khí dân
tộc tụ lại nơi đầu bút:
“Đấy là cái lưỡi của con rắn độc
Ngo ngoe dọa người
Nhân dân tôi sẽ cắt lưỡi nó
Bẻ răng nó
Vắt lấy nọc
Tọng vào mồm đứa nào chiếm Hoàng Sa”
Con đường dẫn đến nhà tù là cái đích, một vòng tròn nghiệt
ngã mở ra, khép lại, không chỉ riêng cho Nguyễn Thanh Giang, mà
cho nhiều văn nhân, trí thức đích thực khác. Tuy đắng cay, nhưng
chí khí ông vẫn hừng hực. Từ trong lao tù thơ ông vẫn bắn
thẳng, vạch trần sự lưu manh, đểu cáng của chế độ đương thời.
Con đường cụt, con đường bán nước được ngụy trang dưới mỹ từ
“định hướng” của những giáo sư giả, tiến sĩ đểu là điều tất
yếu. Diễn Biến Hòa Bình, là một trong những bài thơ thời sự
hay, được viết ở trong tù của Nguyễn Thanh Giang. Hay về cả nội
dung lẫn nghệ thuật sử dụng từ ngữ. Nó mộc mạc, giản đơn như
những câu thoại ngoài đời, nhưng quả thực rung động lòng
người:
Học hành chưa được vài mủng chữ.
Không hơn Chí Phèo, Thị Nở
Vỗ ngực xưng giai cấp tiền phong
Chễm chệ ngồi lên đầu nhân dân.
——
Các ngài giỏi hơn phù thủy
Biến những nông dân chất phác hiền lành
Thành đồ tể
Nặn ra mấy ông giáo sư, tiến sỹ
Bỏ mặc đất nước khổ nghèo
Hì hục xây “Kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa”
Định hướng vào cái rọ
Bắc Triều!”
Vào cái tuổi tám mươi, Nguyễn Thanh Giang trở về nơi bắt đầu.
Nơi triền đá địa tầng xưa đã đi hết tuổi trẻ, và những ước
vọng của ông. Có lẽ nào, đứng trước sự thối nát của chế độ,
sự lưu manh hóa của con người đã làm cho ông bi quan và bất
lực? Bắt chước tiền nhân, ông gửi nỗi buồn, uất hận vào những
câu thơ rêu phong hoài cổ. Giờ này chắc rằng, ông đang gồng
mình chiến đấu với những căn bệnh tuổi già. Và dù sức đã
cùng, tâm đã tận, nhưng tôi tin “Tâm Tư Chiều” không phải là bài
thơ cuối, trận chiến cuối cùng của ông:
“Mây đã bạc đầu
Chiều đã rêu phong
Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ
Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ
Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn
Gió quét, sương sa, mưa rỉ rả mòn
Trăng đã xoãi một bình nguyên yên ả
Buồn lởm chởm lại xô lên triền đá
Ngổn ngang trời
Nắng lóa
Núi xanh tuôn”
Do đặc điểm lịch sử, cũng nhận thức tư tưởng, do vậy, những
bài thơ được Nguyễn Thanh Giang viết ở những thập niên sáu, bảy
mươi của thế kỷ trước, trong thi tập Những Mẩu Quặng Dọc Đường,
còn khá nhiều câu, bài mang tính minh họa. Nói như nhà nghiên
cứu Nguyễn Hoàng Đức, đó là thứ thơ mậu dịch, quốc doanh.
Những hạn chế này, không phải của riêng Nguyễn Thanh Giang, mà
là đặc điểm chung của cả thế hệ cầm cầm bút đã qua.
Có lẽ, không có gì ngán và chán bằng phải đọc những cuốn
hồi ký, tự truyện do thuê mướn người khác chắp bút. Ta có thể
thấy trước đây là cuốn Bất Khuất, Trần Đĩnh đã làm khổ bao
thế hệ học trò ở miền Bắc bằng cái thứ văn giả tạo… Rồi
đến Hữu Mai với hồi ký Tướng Giáp, chán như cơm nếp nát. Và
giờ đây có khá nhiều ca sĩ, kịch sĩ, ứ sĩ…cho ra đời những
cuốn tự truyện không hồn vía, được xuất xưởng từ những lò
viết thuê. Đọc chẳng khác gì, phải xem tranh của mấy ông họa
sĩ mù màu, nghe nhạc của mấy ông nhạc sĩ mù nhạc, sản xuất
bằng máy vi tính, Computer.
Và đến với cuốn tự truyện Người Đội Số Phận của Nguyễn Thanh
Giang, do chính ông viết. Dù văn hay, hoặc dở, nhưng trước nhất
gây cảm hứng và cho người đọc cảm giác chân thực. Thật vậy,
tuy là tự truyện cá nhân, nhưng đọc Người Đội Số Phận cho ta
thấy được thân phận con người, gắn liền với những biến cố của
xã hội đương thời, cũng như xã hội đã qua. Với tôi, cuốn tự
truyện này, tôi thích văn của chương Đi Tìm Mẹ, và một chút tò
mò về chương Trần Đức Lương nguyên Chủ tịch nước, nguyên ủy
viên Bộ chính trị Đảng CS, bạn của ông.
Vâng! Một người cùng một lúc làm nhiều công việc, với tuổi
tác bệnh tật như vậy, quả thật xưa nay cũng hiếm rồi. Và đọc
Nguyễn Thanh Giang, nhưng chưa khi nào tôi nghĩ, ông là nhà thơ,
nhà văn. Với tôi, danh từ nhà địa chất học Nguyễn Thanh Giang
là đủ rồi.
Leipzig ngày 16-12- 2016
Đỗ Trường
https://badamxoevietnam2.wordpress.com/2016/12/18/nha-dia-chat-nguyen-thanh-giang-mot-tam-hon-nghe-si/