Một nhà quan sát ở Hà Nội nói với BBC rằng ông "không kỳ vọng ở người vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử làm tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam."
Ông cũng nói thêm rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam "không quan trọng lắm trong quan điểm của chính quyền Mỹ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Daniel Kritenbrink, 49 tuổi, nhà ngoại giao chuyên nghiệp kỳ cựu về các vấn đề châu Á, làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Nhà Trắng cho hay.
AFP dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho hay nhân vật này trở thành nhà ngoại giao từ năm 1994 và hiện đang đảm nhiệm vị trí cố vấn cao cấp về chính sách Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Kritenbrink từng làm Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, thông thạo tiếng Trung và Nhật.
Trump thay một loạt đại sứ Mỹ trước ngày 20/1
Đạo diễn Mỹ thành Đại sứ du lịch Việt Nam
Hôm 27/7, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam, nói: "Theo như tôi biết thì ông Daniel Kritenbrink là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có vẻ thân cận Obama và xuất phát từ nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Obama."
"Ngoài ra thì không thấy ông có gì đặc biệt hoặc khác biệt như phong cách của ông Trump."
"Do vậy, tôi dự báo nếu ông ấy được chính thức bổ nhiệm, chắc sẽ chưa có gì thay đổi trong các chính sách của Mỹ về Việt Nam."
"Ông Kritenbrink nằm trong NSC từ thời Obama nên phe Dân chủ không có gì phản đối, phe Cộng hòa vì Trump đề cử nên cũng không phản đối."
'Chưa thực sự hiểu người Việt'
"Tôi không kỳ vọng gì ở tân đại sứ Mỹ. Nói theo kiểu ngoại giao thì hy vọng ông ấy thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ."
"Tuy vậy, dường như mối quan hệ này đang ở thế khó với Trump và với Việt Nam nên một đại sứ cũng khó làm được gì lúc này."
Tác giả cuốn Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? nói thêm: "Quan hệ Việt - Mỹ sẽ vẫn tiếp tục phát triển như đã phát triển thời gian qua song chưa thấy tín hiệu gì khác biệt."
"Biển Đông cũng là thành tố quan trọng song cũng chỉ là một trong những việc quan trọng mà thôi."
"Theo cảm nhận của cá nhân, tôi thấy dường như họ [người Mỹ] cũng chưa thực sự hiểu người Việt Nam."
"Hoặc là họ chưa có mối quan hệ đủ sâu sắc với người Việt Nam."
Đề cập về những thách thức của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Bình nói: "Thách thức với ông ấy nằm chung trong quan hệ tổng thể. Nào là duy trì sự cân bằng quan hệ Trung - Mỹ - Việt."
"Nào là tiếp tục tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực."
"Nào là thúc đẩy các hoạt động giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là chuẩn bị cho APEC."
"Còn nếu thách thức lớn nhất là tìm ra hướng phát triển, hoặc bước chuyển cho quan hệ Việt - Mỹ thì không phải đại sứ mà do chính quyền Trump nghĩ ra."
"Thường thì một nhà ngoại giao chuyên nghiệp chỉ thực hiện định hướng và phụ thuộc tổng thống."
"Cũng có thể nói là vị trí của một đại sứ có quyền lực hạn chế nhất định."
"Ngoài ra, cũng cần nói rằng vị tân đại sứ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong mắt chính quyền Mỹ không quan trọng lắm."
'Thành tố quan trọng'
Hồi tháng 5/2016, ông Daniel Kritenbrink, thời điểm đó là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được VOA dẫn lời: "Nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương Mỹ - Việt tiến về phía trước."
"Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào".
Theo Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung (USCC), vợ chồng ông Kritenbrink có hai con.
Hồi tháng 1/2017, Nhóm chuyển giao của Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã có lệnh chung yêu cầu các chính trị gia được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm đại sứ phải rời nhiệm sở của họ trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại New Zealand nói với Reuters.
Lệnh này không bao gồm các đại sứ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Ông Osius được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận làm đại sứ tại Việt Nam vào tháng 11/2014. Nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam dài ba năm.
Nhiều chính trị gia làm đại sứ là những người đóng góp tài chính nhiều cho chính quyền và được bổ nhiệm vì có quan hệ gần gũi với tổng thống. Họ thường làm việc đến hết nhiệm kỳ tổng thống, còn các vị đại sứ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì làm việc theo nhiệm kỳ của ngành ngoại giao.
Theo tờ New York Times, lệnh này đã làm đảo lộn cuộc sống riêng của nhiều vị đại sứ. Nhiều người đang chật vật thu xếp việc gia đình và xin visa ở lại các nước họ đang làm việc để con cái họ được tiếp tục học hết năm học, một số nhà ngoại giao Mỹ cho biết.
Dân biểu Mỹ lo ngại về nhân quyền Việt Nam