Nguồn: Marc Lazar, “The Fertile Ground of French Communism”, The New York Times, 15/05/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay rất đặc biệt: vì Emmanuel Macron đã chiến thắng, vì sự có mặt của một đại diện đảng cực hữu ở vòng thứ hai, vì sự thất bại ngay từ vòng đầu tiên của hai đảng lớn nhất ở cánh tả và cánh hữu. Và cũng bởi vì màn thể hiện mạnh mẽ của Jean-Luc Mélenchon, người đứng đầu phong trào chính trị “Nước Pháp Bất Khuất”.
Ông Mélenchon, người cũng nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp (Parti communiste français – PCF), đã giành được 19,5% số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên, dù ông chỉ đứng thứ tư và không thể tham gia vào vòng thứ hai. Bằng cách từ chối công khai ủng hộ Macron (mà trong mắt của Mélenchon là một người tân tự do), nhưng lại đồng thời tuyên bố rằng Marine Le Pen cần phải bị phản đối, Mélenchon đã gây ra nhiều tranh cãi và làm xuất hiện nghi vấn về quan điểm thực sự của ông. Cả Macron lẫn François Fillon, ứng viên trung hữu, đều không hề do dự khi gọi Mélenchon là một người cộng sản. Dường như bóng ma của Chủ nghĩa Cộng sản đã quay trở lại Pháp một cách đột ngột trong thế kỷ 21.
Trong phần lớn thế kỷ 20, PCF là một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất trong chính trị Pháp. Thành lập năm 1920, PCF nhanh chóng được Bolshevik hóa sau Cách mạng Nga và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Liên Xô, vốn có mục tiêu là biến PCF trở thành một chính đảng cách mạng thực sự. PCF đã đạt được những thành công bầu cử đầu tiên trong thập niên 1930. Sau khi trải qua giai đoạn đen tối nhất, 1939 – 1941, khi họ bị giải thể và đàn áp vì đã ủng hộ Hiệp ước Bất tương xâm Xô – Đức, PCF đã gia nhập lực lượng Kháng chiến chống Đức Quốc xã và đóng một vai trò anh hùng.
Do đó, trong giai đoạn 1945 – 1958, PCF trở thành đảng chính trị số một ở Pháp. Đây là thời kỳ mà cứ mỗi bốn cử tri lại có hơn một người ủng hộ đảng này. Năm 1958, họ gặp phải bất ổn khi Tướng de Gaulle lên nắm quyền và thành lập nền Cộng hòa Thứ Năm, nhưng Đảng Cộng sản vẫn là đảng cánh tả chính ở Pháp cho đến cuối thập niên 1970, khi họ bị qua mặt bởi Đảng Xã hội của François Mitterrand. Sự suy yếu không thể tránh khỏi của PCF bắt đầu vào năm 1981. Ngày nay, đảng này chỉ còn hoạt động yếu ớt, nhưng nền văn hoá chính trị mà họ hình thành trong những thập niên sau chiến tranh không hề biến mất.
Trên thực tế, PCF tạo thành một “phản xã hội” (counter-society) mạnh mẽ, một xã hội tách biệt khỏi phần còn lại của đời sống chính trị và xã hội Pháp, nhưng lại không bao giờ bị cắt đứt hoàn toàn. Cơ sở của đảng này chủ yếu là công nhân, nhưng cũng có cả nông dân, giáo viên và những trí thức có uy tín, như Paul Éluard, Pablo Picasso và Louis Althusser cùng nhiều người khác. Sau khi đã nâng học thuyết Marxist trở thành một tín điều, PCF đã xây dựng được sức mạnh nhờ khả năng khơi dậy niềm đam mê – tức là tạo ra những tình cảm mang tính chất bán tôn giáo vốn sẽ tạo điều kiện cho việc huy động quần chúng.
Tình cảm dành cho Liên Xô là một ví dụ điển hình. PCF coi liên Xô là quê hương của cách mạng và thành tựu của xã hội không tưởng, một thiên đường trần thế phải được bảo vệ bằng mọi giá. Vào những thời điểm khác nhau, Liên Xô được tán dương như là ví dụ về một nền kinh tế được tổ chức hợp lý, một mô hình xã hội cho công nhân, một lực lượng bảo vệ hòa bình toàn cầu, một kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa phát xít, và sau năm 1945, còn là một thành lũy chống lại Đế quốc Mỹ. Sự tôn thờ Stalin đã lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, PCF – về cơ bản là một đảng thân Liên Xô – lại vẫn lên án Moskva xâm lăng Tiệp Khắc vào năm 1968, và trong thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa cộng sản châu Âu trong thập niên 1970, họ cũng đã chỉ trích Liên Xô vì các chính sách trong nước. Nhưng họ không bao giờ thực sự cắt đứt quan hệ với Liên Xô. Những người ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản không hẳn là những người đi theo Liên Xô, nhưng họ đã thể hiện sự đồng cảm với Liên Xô, chủ yếu là vì vai trò trong Thế chiến II và vì chủ nghĩa chống Mỹ của nước này – vốn là một tình cảm lan rộng ở Pháp.
Bắt đầu vào giữa thập niên 1930, sau đó là trong và sau cuộc kháng chiến chống Đức Quốc xã, PCF đã cố gắng để trở thành sứ giả của chủ nghĩa quốc tế, được tổ chức xung quanh việc phục vụ các lợi ích tối cao của Liên Xô, và trở thành người ủng hộ nền độc lập quốc gia theo cách hiểu của đảng. Do đó, PCF đã phải đối mặt với những khó khăn khi phải dung hòa lòng trung thành với cả Liên Xô lẫn nước Pháp, mặc dù nghĩa vụ với Liên Xô luôn luôn chiến thắng nghĩa vụ với Pháp. Những người Cộng sản muốn tái sinh Pháp, và bắt đầu từ những năm 1940 họ đã cố gắng vô ích nhằm bác bỏ vai trò độc quyền của de Gaulle trong việc đại diện cho đất nước. Đối với PCF, Pháp là một quốc gia cách mạng, được xây dựng dựa trên truyền thống của năm 1789. Trong thập niên 1970, PCF tuyên bố đã tạo ra “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Pháp.”
Hành động tôn vinh quốc gia này bắt nguồn từ việc PCF phản đối tiến trình hội nhập châu Âu. Hơn nữa, họ không chỉ xem mình là người bảo vệ tầng lớp lao động, mà còn là tiếng nói của tất cả những dân thường chống lại chủ nghĩa tư bản. Đảng này đã dao động giữa một loại “chủ nghĩa công nhân ” – qua đó tôn vinh công nhân như là nơi tập hợp những phẩm chất cao quý nhất – và một xu hướng dân túy khi họ cố gắng thu hút các nhóm dân cư khác. Kể từ thập niên 1970, thế giới của những người công nhân đã biến mất do ảnh hưởng của hiện đại hóa kinh tế, và PCF đã mất đi phần lớn cơ sở của mình và không có khả năng hấp dẫn những nhóm cử tri khác.
Cuối cùng, PCF đã duy trì một mối quan hệ phức tạp với nền dân chủ tự do đại diện. Trong phần lớn quãng thời gian tồn tại, đảng này đã quyết tâm tiêu diệt nền dân chủ “tư sản” và thiết lập nền chuyên chế của giai cấp vô sản. Mục tiêu này, cùng với mối quan hệ của đảng với Liên Xô, cũng như cơ cấu tổ chức của nó, đã biến PCF trở thành phong trào toàn trị và cách mạng luôn căm ghét các cải cách theo hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, PCF đã dần chấp nhận các quy tắc của chế độ dân chủ, đồng hoá chúng, và thậm chí còn góp phần bảo vệ chúng. Tuy nhiên, họ luôn luôn duy trì một khuynh hướng nhất định muốn hướng tới nền dân chủ trực tiếp.
Những ngày này, Đảng Cộng sản Pháp đang hấp hối. Sau những cuộc tranh luận nội bộ sôi nổi, họ đã chọn ủng hộ Mélenchon trong cuộc bầu cử Tổng thống, dù vẫn thận trọng với ông, vì cách ông xây dựng phong trào xung quanh tính cách của mình và vì quan ngại rằng ông sẽ không chịu sự kiểm soát của Đảng. Nhưng PCF cũng đã không ngần ngại kêu gọi các ủng hộ viên của đảng bỏ phiếu cho Macron, ngay cả khi họ chỉ trích ông này, nhằm phản đối bà Le Pen, theo truyền thống chống lại chủ nghĩa phát xít của “mặt trận cộng hòa.”
Nhưng di sản mà PCF để lại là những tàn dư của một nền văn hoá chính trị cánh tả, dù đã suy yếu nhất định nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng, được dựa trên chủ nghĩa chống tư bản, chống phát xít, chống Mỹ, chống thực dân, và sự thù địch đối với chủ nghĩa cải cách và chủ nghĩa tiệm tiến, lời kêu gọi thay đổi mang tính cách mạng, khao khát để nhà nước quản lý nền kinh tế, và sự ngợi ca chủ quyền của nền cộng hòa. Một phần nhờ vào mảnh đất màu mỡ này mà Mélenchon đã vươn lên ngày nay. Ông lên án nền kinh tế thị trường tự do, chủ nghĩa tự do kinh tế và người Mỹ. Ông ủng hộ sự can thiệp kinh tế của nhà nước, muốn Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu, nói về “cách mạng công dân,” và nhắc lại di sản cách mạng và nền cộng hòa của Pháp. (Và ông ta thậm chí còn thân Nga). Ông thể hiện rõ ràng quan điểm tả khuynh cực đoan mà PCF đã theo đuổi trong gần 40 năm.
Nhưng sẽ là rất sai lầm nếu coi Mélenchon như là một bản sao cộng sản. Chẳng hạn, ông đã đưa môi trường sinh thái trở thành một ưu tiên hàng đầu, điều chưa bao giờ được thực hiện bởi PCF. Phong trào của ông, mặc dù xoay quanh ông, nhưng vẫn hướng tới tính bao trùm. Ông giải thích rằng mình không chỉ đơn giản là một người theo cánh tả, mà còn thể hiện “sức mạnh của nhân dân” trước những tầng lớp có đặc quyền, và do đó trở thành một nhà dân túy gợi nhớ lại một số lập trường từng được PCF sử dụng. Nhưng trên tất cả, Mélenchon bị ảnh hưởng bởi những người cánh tả Mỹ Latinh và Tây Ban Nha, như Podemos (một đảng cánh tả Tây Ban Nha – NBT).
Tóm lại, Mélenchon đã duy trì một truyền thống cộng sản nhất định, đồng thời cũng biến đổi nó. Điều này cho phép ông thu hút cử tri trước đây đã bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản (chỉ còn lại một ít), và những người thất vọng với Đảng Xã hội và Tổng thống François Hollande (nhiều hơn rất nhiều), cũng như những người trẻ tuổi lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu – và thường không biết về lịch sử của PCF, vốn đã từng rất hùng mạnh ở Pháp.
Marc Lazar là Giáo sư Lịch sử và Xã hội học Chính trị tại Sciences Po, và là tác giả của một số cuốn sách về Chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Âu. Bài tiểu luận này được John Cullen dịch từ tiếng Pháp.
Hình: Các ủng hộ viên của Jean-Luc Mélenchon. Nguồn: NYT.