Ngày 12 tháng 1 năm 2015
Hồi còn ở Sài Gòn, khoảng năm 1971 hay 72 , có những ngày cuồng chân không biết đi đâu, mà cũng chẳng thể đi được đâu, tôi hay lái xe chở hai đứa con vào phi trường Tân Sơn Nhất. Trên lầu của nhà ga có một quán nước. Chúng tôi kiếm chỗ ngồi, cho các cháu chạy lòng vòng, leo lên chiếc bàn sát cửa sổ để xem những chuyến máy bay lên xuống…
Cảnh phi trường buồn bã đến tuyệt vọng. Âm thanh của bom đạn vọng lại từ một nơi nào đó không xa Sài Gòn bao nhiêu. Không khí chiến tranh trùm lên khắp thành phố. Ngồi ở đó cho đến tối bắt đầu xuống chúng tôi mới về nhà.
Chiều trên phi trường anh bỗng nhớ em, nhớ chuyến đi xa đầy hẹn ước đây mùa xuân không đến, lũ cỏ hèn mọc trên diện tích xi măng khô…
Mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền cứ luẩn quẩn mãi trong những buổi chiều như thế. Rồi những cảnh , tôi không nhớ rõ trong những cuốn phim nào của Jean-Claude Brialy, hay Jean-Paul Belmondo, Alain Delon … khi họ chạy ra phi trường, đậu vội chiếc xe, chạy vào cửa lên máy bay… và bay đi Luân Đôn, Bruxelles, Roma… lại ùa vào trong trí. Tại sao những chuyến đi có thể dễ dàng, thản nhiên như thế trong khi tôi thì vẫn mãi là “những chuyến đi xa đầy hẹn ước”.
Thế rồi những chuyến đi xa đầy hẹn ước đó cuối cùng cũng đã diễn ra. Những chuyến đi từ những nơi ở ngoài Việt Nam tới Roma, Paris … rồi cũng đã làm được.
Nhưng những mơ ước của một thời xưa cũ ấy cũng không ở lại với tôi được bao nhiêu lâu. Những chuyến đi sau đó, khoảng mười năm trở lại cũng lại trở thành nhiêu khê, rắc rối. Phải tháo đôi giầy ra, giây lưng, đồng hồ, computer, chìa khóa, điện thoại, tiền cắc … bỏ hết vào chiếc khay, giơ tay lên làm chim bay cò bay, lại còn bị nắn trên, bóp dưới mãi rồi mới được lên máy bay.
Sau những thủ tục như thế thì còn đâu là cảnh hào hoa như trong những cuốn phim thời đó nữa. Chúng ta đã phải chịu đựng những trò nham nhở đó từ cả chục năm nay, từ sau vụ khủng bố 911.
Nét hồn nhiên đã bỏ chúng ta không biết đến bao giờ mới tìm lại được.
Không còn có thể làm những chuyện tầm thường, giản dị và vô tội như chúng ta đã từng làm được trước đây nữa. Như chạy vào phi trường lên một chuyến bay đi thăm một người bạn. Như chuyến đi dạo trên bờ sông Seine trong buổi tối lãng mạn như Gregory Peck và Ava Gardner trong phim The Snows of Kilimanjaro. Hay cảnh thắp lên những que diêm để nhìn thấy mắt môi của nàng trong đêm tối ở Paris như trong một bài thơ của Jacques Prévert…
Paris, thành phố của những thứ ấy không còn nữa. Ít nhất là trong mấy ngày hôm nay, sau những vụ khủng bố.
The loss of innocence. Nét hồn nhiên đã mất, đã bỏ chúng ta. Ngày trở về của nó không biết đến bao giờ. Phải chăng chúng ta sẽ không bao giờ trở lại được căn nhà cũ như cái tựa “You Can’t Go Home Again” một tác phẩm của Thomas Wolfe.
Nhớ lại những ngày ở Paris, những chuyến đi lang thang trên tả ngạn, những quán cà phê, khu Montmartre … “xuôi xuống vàng Mont-Parnasse / ngược lên vàng Sacré Coeur” (Vũ Hoàng Chương)… tất cả không còn nữa. Mà có làm thì cũng không còn như những ngày xưa cũ.
Chỉ vì những trò điên dại của hai ba đứa khốn nạn như những vụ vừa xẩy ra mới đây.
Và có thể chúng ta sẽ không còn trở lại được ngôi nhà cũ rất đẹp đó nữa.
Tổ cha mấy thằng khủng bố khốn nạn ấy.
Ngày 14 tháng 1 năm 2015
Hôm nay (14 tháng 1 năm 2015), trên tờ Vietnamnet, một tờ báo điện tử ở trong nước, người ta đọc được những tin hết sức hãi hùng và sau đây là tiêu đề tóm lược của những bản tin đó:
Không kiềm chế được đưa nhân viên ra cánh đồng hiếp dâm.
Uống rượu say trong tiệc cưới, giở trò đồi bại với bé 13 tuổi.
Giở trò đồi bại với 2 bé gái, yêu râu xanh lĩnh án.
Những kỹ năng tuyệt vời giúp bạn đối phó yêu râu xanh.
Cận mặt kẻ cưỡng dâm bé gái 15 tuổi rồi lừa bán sang Trung quốc.
Tử hình kẻ bệnh hoạn giao cấu với xác chết.
Xét xử đối tượng hiếp dâm và trốn trại.
Yêu râu xanh 52 tuổi khiến trẻ tâm thần mang thai.
Bắt đối tượng có hành vi giao cấu nhiều lần với trẻ em.
Giao cấu với trẻ em còn bán người sang Trung Quốc.
Yêu râu xanh 76 tuổi hiếp dâm thiếu nữ.
Công nghệ “đai trinh tiết” mới chống hiếp dâm.
Hiếp dâm hụt gã gian dâm tồng ngồng chạy ngoài đường.
Tử hình kẻ giết bà chủ quán nhậu.
Trêu gái làng rồi đánh đến tử vong.
Tìm thấy thi thể cháu bé bị người tình của mẹ sát hại.
Giết hàng xóm lấy 400 nghìn để đi gặp bạn gái.
Tranh giành bạn gái, học sinh lớp 9 đâm bạn tử vong.
Tờ Vietnamnet, trong có một ngày, đã đăng tất cả 18 bản tin kinh hoàng như thế. Thực ra không phải tất cả những vụ phạm pháp đó đều diễn ra trong cùng một ngày. Có vụ xẩy ra một năm, hay vài ba tháng nhưng chỉ mới đây cuộc điều tra mới hoàn tất và được đưa ra tòa xét xử. Dĩ nhiên cũng còn có những vụ khác nhưng vì cuộc điều tra chưa kết thúc nên chưa được đưa lên báo. Tuy thế, chỉ trong một số báo của một ngày thì đó con số 18 vụ cũng là một con số đáng sợ.
Đọc những tiêu đề tóm lược những bản tin đó, người ta còn nhận ra một hai tiết khác nữa: chỉ có hai người phạm pháp ở trong hạng tuổi ngoài 50. Một người 52 tuổi và một người 76 tuổi. Hai người này, trước năm 1975 một người 12 tuổi và người kia 36 tuổi. Chỉ có hai người này thuộc thành phần ra đời và lớn lên trước khi Việt Nam thống nhất. Vì thế, có nói hai người này là sản phẩm của cái xã hội đồi trụy đầy rẫy những tội ác của Mỹ Ngụy thì cũng tạm chấp nhận được đi, nếu cả hai đều ra đời và lớn lên ở miền Nam. Nhưng trước năm, một thiếu niên chỉ mới 12 tuổi thì chuyện lĩnh hội những cái xấu xa của Mỹ Ngụy của người thiếu niên ấy chắc cũng không được bao nhiêu. Ngay sau đó thì cách mạng tiến vào. Và với hệ thống giáo dục mới của cách mạng thì những cái xấu xa Mỹ Ngụy để lại cũng bị gột rửa sạch hết rồi chứ. Bộ cái đầu của người này là cái đầu con vịt hay cái lá khoai cái hay sao mà bảo “lòng tôi như chiếc lá khoai / đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu” như trong một câu thơ Nguyễn Bính?
Khi đọc chi tiết của những bản tin kinh khủng kể trên thì người ta thấy là tất cả những can phạm, những người nhúng tay vào những tội ác mà tờ Vietnamnet tường thuật đều ra đời sau năm 1975, tức là sau ngày đất nước thống nhất và Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản dưới quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Nếu cứ tính 25 năm là một thế hệ thì nay đã có hai thế hệ ra đời và lớn lên trong chế độ Cộng Sản. Họ lớn lên được dậy dỗ để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như các khẩu hiệu treo trong các lớp học tại tất cả các trường học tại Việt Nam. Gần đây còn có những chiến dịch học tập để theo gương đạo đức Hồ Chí Minh ở nhiều nơi trong nước.
Nhưng kết quả của việc học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh là gì?
Những video clip mà ngay cả những tờ báo chính thức của nhà cầm quyền phổ biến cũng cho thấy rất nhiều cảnh học sinh đánh nhau ngay trong lớp, học sinh hành hung thầy, cô giáo, nữ sinh giao chiến, lột quần áo của nhau. Một trường trung học ở ngay giữa thủ đô Hà Nội đã phải trưng một tấm bảng ghi rõ cấm học sinh đánh nhau cởi quần áo của nhau trong sân trường.
Nhưng đánh nhau, lột quần áo của nhau mà đã nhằm nhò gì so với những vụ phạm pháp đăng trong tờ Vietnamnet. Đó là những vụ phạm pháp kinh hoàng nhất: những vụ giết người, hiếp dâm, lừa bán bạn bè vào những ổ điếm, giết người để lấy tiền chơi game, dụ dỗ thiếu nữ vào đường dâm đãng…
Đó là kết quả của mấy chục năm học tập và noi gương đạo đức của Hồ Chí Minh, người đàn ông dâm đãng hết với Tăng Tuyết Minh, lại với vợ một đồng chí của chính mình, rồi Nông Thị Xuân, con rơi con rớt vài ba đứa. Những tin tức dễ sợ như vậy thì đã nhằm nhò gì.
Nước Việt Nam của tôi, của bạn, của chúng ta đâu rồi?