Tại Bấm cuộc tranh luận đầu tiên trong 3 cuộc tranh luận được dự trù giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney hôm 3/10, Trung Quốc bị cả hai người đem ra chỉ trích.
Obama, khi nói về thuế, đòi chỉnh sửa kẽ hở trong luật thuế để những công ty nào dọn qua Trung Quốc sẽ không còn được trừ thuế nữa. Romney, một cựu thương gia, quả quyết sẽ "trừng phạt Trung Quốc khi họ gian lận," và nói sẽ không muốn phải "mượn tiền của Trung Quốc" nữa.
Tất nhiên, khi công phiếu của nước Mỹ được bán trên thị trường thì chẳng ai có thể cấm Trung Quốc không được mua, cho nên dù có không muốn đi nữa sẽ vẫn mượn tiền của Trung Quốc. Còn chuyện công ty có dọn qua Trung Quốc hay không, là vì nhiều lý do khác nhau chứ tiền thuế không phải là lý do duy nhất. Không giải quyết được hết tất cả các lý do đó (trong đó phải kể đến trình độ của nhân viên kỹ thuật) thì đổi luật thuế cũng không giữ chân họ được.
Nhưng ai theo dõi cuộc tranh cử giữa Obama và Romney thì đều thấy những lời này là có hậu ý cả. Khi Romney nói không muốn mượn tiền của Trung Quốc, ông không chỉ nói trên lý thuyết thôi, mà là nhắm thẳng vào đối thủ: Ý ông nói vì chính quyền Obama tăng nợ công của Mỹ, nên mới phải mượn tiền Trung Quốc.
Và Obama, khi nói chuyện các công ty dọn đi, chuyện thuế chỉ là cái cớ: Trong tháng qua, khi đi tranh cử Obama từng tố cáo quỹ đầu tư Bain Capital thời ông Romney làm tổng giám đốc đã mua nhiều công ty rồi chuyển cơ sở sản xuất qua Trung Quốc.
Trước cuộc tranh luận đầu tiên này, hai bên đã giao hẹn với nhau là sẽ chỉ nói tới các đề tài quốc nội mà thôi. Nhưng rồi cả hai đều mang Trung Quốc ra nói. Điều này chứng tỏ đề tài "đả đảo Trung Quốc" được cho là ăn khách đối với cử tri Mỹ.
Không phải chuyện mới
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ nhì của Mỹ, chỉ sau Canada. Ngay cả Mexico, cũng với lương nhân công thấp và lại ngay sát bên cạnh Hoa Kỳ, cũng chỉ đứng thứ ba. Và ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Cả châu Âu phải gộp chung lại, mới vượt qua được Mỹ. Nói cách khác, thông thương giữa hai nước ở xa nhau với hai nền văn hóa và hai chế độ chính trị khác nhau, lại là thông thương lớn vào bậc nhất trên thế giới.
Và khi một bên có lương nhân công rẻ, thợ lành nghề, hạ tầng cơ sở cũng tốt gần bằng nhưng luật lao động, luật môi trường lỏng lẻo hơn, được quyền bắt nhân công làm nhiều giờ, tha hồ thải ô nhiễm khắp nơi, thì trước sau gì các hãng Mỹ cũng tìm về đó mà lập xưởng.
Khi đó thì việc làm ở Mỹ ngày càng mất đi, tiền bạc Trung Quốc ngày càng có nhiều hơn, và trước sau gì thì người Mỹ cũng sẽ muốn chặn hàng Trung Quốc.
Năm 2009, khi mới nhậm chức được không lâu, chính phủ Obama áp đặt thuế quan lên lốp xe hơi nhập từ Trung Quốc, với lý do Trung Quốc vi phạm luật WTO. Khi đó, nói chuyện tại cơ quan nghiên cứu Foreign Policy Initiative, Romney cho rằng bảo vệ ngành sản xuất lốp xe hơi của Mỹ là việc làm sai, vì như thế chỉ là bảo vệ năng suất thấp của ngành đó.
Khi đó Romney giải thích, "Khi họ thấy lốp xe tràn vào, họ nhận ra rằng điều đó bất lợi cho họ. ... Nhưng khi tự bảo vệ năng suất thấp của mình bằng rào cản, họ lại càng mất khả năng cạnh tranh, phía ngoại quốc lại càng sản xuất nhiều hơn và nhiều hơn, ngày càng thành công hơn, năng suất cao hơn, và phía quốc nội năng suất lại càng thấp hơn ... cho tới ngày rào cản không chặn được nữa, hàng ngoại quốc tràn ngập vào và người quốc nội không còn việc làm nữa."
Câu trả lời của Mitt Romney là một câu trả lời theo đúng lý tưởng của những người ủng hộ mậu dịch tự do. Theo họ, thì khi mình thua người ta mà lại đòi dựng rào cản thì lại chỉ làm cho mình thêm ỷ lại và không thể tiến bộ. Một khi đã ủng hộ tự do mậu dịch, thì khó mà nói mậu dịch với nước này thì ok mà với nước kia thì không ok.
Nhưng đó là Romney của 2009. Còn Romney của 2012 thì khác hẳn. Romney của 2012 muốn trừng phạt Bắc Kinh, không muốn Trung Quốc mua công phiếu, và chỉ trích Obama quá nhẹ tay với quốc gia này.
Trung Quốc im lặng
Khi cả Obama và Romney đều áp dụng chiến thuật chống Trung Quốc để tranh cử, thì ít nhất có một người không ưa, đó là là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người bắc cầu ngoại giao giữa hai nước này 40 năm trước. Nói chuyện tại trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson Center ở Washington DC hôm 3/10, ông chê cả Romney lẫn Obama, cho rằng họ dùng ngôn ngữ "đáng chê trách" khi nói về Trung Quốc, và nói cả hai đều "lợi dụng sự ngờ ghét Trung Quốc" để kiếm phiếu.
Nhưng Bắc Kinh thì sao? Bị đem ra dùng làm mục tiêu bị chỉ trích, họ có phản đối không? Các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc biết rằng có nói gì thì cũng chỉ là đổ thêm dầu vào lửa, cho tới nay Bắc Kinh không hề lên tiếng.
Ngược lại, báo China Daily cho biết Trung Quốc đã mua thêm công phiếu Hoa Kỳ, riêng trong tháng 7 mua thêm $2,6 tỷ, đưa con số tổng công phiếu Hoa Kỳ trong tay Bắc Kinh lên tới $1,149 ngàn tỷ.
Tức là, Obama với Romney có nói gì thì nói, Bắc Kinh rất tự tin là khi đã nắm quyền thì họ vẫn không làm điều gì để ngăn chặn nguồn tiền vay khổng lồ đến từ phía Trung Quốc.
Bài thể hiện cái nhìn riêng của tác giả, một blogger tự do tại California, Hoa Kỳ.