Trong một bài phân tích đăng tải hôm qua, hãng tin Anh Reuters ghi nhận là trong quá khứ, Pháp thường bị các đồng minh xem là một nước ngoan cố, thích tự ý hành động, như đã can thiệp quân sự vào Libya, Trung Đông và vùng Sahel. Bản thân tổng thống Macron thì muốn hợp tác an ninh sâu hơn với châu Âu, nhưng rất có thể là ông sẽ cảm thấy là khó mà phá vỡ cái khuôn của các người tiền nhiệm như François Hollande và Sarkozy.
François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, đồng thời là một cố vấn của ông Macron nhìn nhận : « Chúng tôi biết là trong thế giới này, không phải là tổng thống áp đặt đường lối đối ngoại, mà đường lối đối ngoại tự nó áp đặt lên tổng thống ».
Khi đến Berlin gặp thủ tướng Đức Angela Merkel để thêm hơi sức mới cho quan hệ Pháp, ông Macron đã tỏ hy vọng là Đức và Pháp, trong vòng vài tuần tới đây, sẽ đưa ra được một lộ trình tăng cường hơn nữa sự hội nhập châu Âu. Ông còn nói là việc cải tổ các hiệp ước trong khối Liên Hiệp Châu Âu không còn là điều cấm kỵ ở Pháp.
Kế tục hơn là đoạn tuyệt
Cho dù vậy, một nhà ngoại giao Pháp nhận định rằng sẽ không có thay đổi lớn lao trong chính sách ngoại giao Pháp. Trả lời Reuters, nhân vật này cho rằng sẽ không có một sự đoạn tuyệt quan trọng nào đối với quá khứ. Tất cả những chủ đề lớn vẫn sẽ tiếp tục.
Theo ông François Heisbourg, tổng thống Macron muốn được đánh giá trên chính sách châu Âu của ông. Để bảo đảm thành công ông đã chọn cố vấn chính trị là Philippe Etienne, nguyên đại sứ Pháp ở Đức đồng thời thông thạo tiếng Nga. Trong chính phủ, ông có thể chỉ định một nhân vật có uy thế trong vấn đề châu Âu vào ghế ngoại trưởng.
Mong muốn hợp tác chặt chẽ, sâu hơn với châu Âu là điểm khác biệt giữa ông Macron với hai người tiền nhiệm François Hollande và Nicolas Sarkozy. Giới ngoại giao cho là ông Macron muốn châu Âu ra được một đường lối chung về các vấn đề từ nhập cư cho đến Syria, từ Donald Trump đến Vladimir Putin.
Một nhà ngoại giao nhận định : « Cứ lấy ví dụ Nga. Ngoài việc đồng ý về trừng phạt, thì mỗi nước đều nhìn sự việc một cách khác nhau ». Đối với Donald Trump cũng thế, một quan điểm chung thực thụ của châu Âu về tổng thống Mỹ cũng rất quan trọng vì quan hệ này ảnh hưởng đến rất nhiều chính sách, thương mại cho đến chống khủng bố hay Syria.
Đối với các nhà quan sát, tổng thống Macron sẽ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy đối với Washington, nhưng sẽ không gần gũi Nhà Trắng như ông Sarkozy hay ở mức độ thấp hơn François Hollande. Một người thân cận với ông Macron từng khẳng định : « Chúng tôi sẽ không nhận lệnh từ Washington hay Matxcơva hay từ bất cứ nơi nào khác ».
Tân tổng thống hứa là Pháp sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống những thành phần Hồi Giáo cực đoan, cho biết sẽ quyết định can thiệp quân sự trên cơ sở xem xét từng trường hợp một.
Theo giới ngoại giao, tổng thống Pháp muốn làm hơn hiện nay để giúp phát triển các nước đang bị chiến tranh:
« Macron sẽ không thỏa mãn với việc chỉ dội bom quân khủng bố, mà
sau đó không có chính sách hỗ trợ rộng lớn hơn cho các quốc gia này. Và
đó là một thay đổi so với chính sách hiện hành ».