Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Phiá sau Cuộc Chiến
Song Vũ
Chân dung tác giả
Song Vũ là bút hiệu của trung tá Ngô văn Xuân, xuất thân khóa 17 Trường VB Đà Lạt, năm 1963.
Từng đảm nhiệm các chức vụ: Đại đội trưởng 11 Trinh sát sư đoàn 7 BB. Tiểu đoàn trưởng 2/44; Trưởng phòng 3 sư đoàn 23; Trung đoàn trưởng trung đoàn 44 sư đoàn 23BB. Ba lần bị thương tại mặt trận.
Ra trại “cải tạo” tháng 2/1988. Đến Hoa Kỳ theo diện HO, tháng 4 năm 1992. Định cư tại thành phố Campbell, Bắc Cali từ đó đến nay.
Những ngày cuối năm 1990 tình hình ra đi theo diện HO, con lai và ODP rộ lên. Cả Sài Gòn nhốn nháo kẻ đi người ở. Thậm chí nơi chỗ ông Năm nơi tôi đang ở ké cũng ồn ào đồn đãi. Một hôm ông Năm bảo tôi,
- “Sao cậu không về mà lo giấy tờ ra đi?“
Tôi bảo,
- “Tôi có đứa cháu gái lo dùm rồi. Giấy tờ bây giờ toàn là giấy giả mà tôi thì chẳng quen biết ai làm mấy thứ đó.“
Ông Năm cười buồn,
- “Đất nước mình chưa bao giờ sống thực với mình. Muốn sống phải sống theo một đời sống khác. Chiến tranh làm cho con người bộc lộ hết tính cách động vật của mình. Những thứ nhân nghĩa trở nên xa xỉ, phù phiếm hết. Bây giờ chiến tranh chấm dứt, tưởng có cơ may tìm về lại được bản chất con người của mình thì bỗng đâu cái thú tính bị dồn nén kìm hãm bấy lâu nơi con người thắng cuộc lại hung hăng còn hơn trước! Người chiến thắng và người bại trận đều có chung một dòng máu, một giống nòi. Tiếc thay kẻ thắng quên bẵng điều ấy, họ ngông nghênh hợm hĩnh quá lâu và hầu như không thể tỉnh lại được nữa. Sự u mê hay sáng suốt có thể có giới hạn của nó nhưng hình như u mê thường kéo dài lâu hơn nhiều lần sự sáng suốt.”
Ông Năm đôi lúc nói với tôi dân tộc này bị trời hành. Chiến tranh giành giựt, căm thù và phân ly phản trắc là cách thế nó tồn tại. Từ ngày lập quốc nó đã thế, trong suốt chiều dài lịch sử nó vẫn thế. Lịch sử không dạy cho nó bài học nào tử tế bởi vì kẻ cầm quyền luôn viết sử theo ý tư riêng của mình. Những chiến công hiển hách luôn được thổi phồng lên tới mức hoang đường ngược lại những thất bại được che đậy tới mức kiếm không ra. Từ ngày những người lãnh đạo tin vào chủ thuyết không tưởng cộng sản, lịch sử càng tệ hại hơn. Không ai còn muốn đọc sử và nghiên cứu sử để tìm ra một cách xử thế khôn ngoan cần thiết mà sống.
Ông Năm dặn dò tôi mỗi khi đi khỏi nhà, nếu không có ông thì gởi nhà cho hàng xóm. Một căn lều cũng trống hoang tuếch toác còn tệ hơn nhà ông Năm. Chủ căn nhà là một thương binh chế độ cũ, cụt một chân ngang đầu gối. Anh ta lầm lì ít nói nên có tên là Ba lì. Tên thật chẳng ai biết và nói cho cùng, ở cái xứ khỉ ho cò gáy này có tên hay không đâu có quan hệ gì. Tôi để ý quan sát, có nhiều ngày chính tôi, ông Năm và Ba Lì chỉ toàn nói trống không mà ai cũng hiểu. Hoạ hoằn vợ của Ba Lì, khi nói chuyện với ông Năm hoặc tôi mới nói đến tên của chúng tôi thôi. Cả hai vợ chồng Ba Lì sống bằng nghề làm rẫy và đốt than qua ngày. Được cái không có con cái gì nên cách sống của họ cũng không cơ cực lắm. Trồng gì ăn nấy, có tiền bán than thì vác về ít ký gạo, khi không có gạo, luộc bắp, khoai sắn ăn thay cơm… Thỉnh thoảng tôi về Sài gòn trở lên có ít tiền nhờ vợ Ba Lì mua cá hoặc thịt ba rọi về cùng lít rượu nếp than tại chợ ngã ba quốc lộ về bù khú cũng cảm thấy qúa hạnh phúc.
Tôi cứ hai ba tháng khi rảnh chuyện làm vườn cuốc đất trồng trọt lại thu xếp về Sài Gòn một lần vài ngày nghe ngóng tin tức. Cho đến sau tết 90, tôi mới nói với ông Năm tôi muốn về ít tháng để xem thu xếp vụ ra đi HO của tôi ra sao. Ông Năm bảo,
- “Ừ, chú về mà lo cho xong đi. Tôi nghĩ tuổi của chú cho dù bầm dập cách mấy vẫn còn có cơ ngoi lên được mà sống với đời. Buông trôi không phải là cách hay. Quẫy đạp cũng thế. Thuận theo trời mà sống có nghĩa là tùy theo nước lớn nước ròng mà chèo ghe.“
Tôi lặng im ngồi nghe ông nói những lời chân tình. Tôi nói,
- “Đời tôi không biết như thế có kể như là xong chưa?“
Ông Năm quay lại,
- “Xong là xong thế nào. Còn thở là còn chưa xong đâu, thậm chí nhắm mắt xuôi tay vẫn còn chưa thể gọi là xong!”
Tôi cười buồn,
- “Nhắm mắt xuôi tay thì xong chứ còn chưa sao được?“
Ông Năm bảo,
- “Nhắm mắt xuôi tay là phía phận riêng mình.
Tôi nói chưa xong là vì những hệ lụy sau khi cái mình tưởng là xong kia nó vẫn còn níu kéo người liên hệ chung quanh tiếp tục không xong.
- Chú có nhìn viên sỏi ném xuống hồ không? Những vòng nước tỏa lan từ nó vẫn có tác động ít nhiều tới những con trùng phiêu sinh đang sống trên mặt nước hồ. Chú có thấy những ông lãnh tụ đang nằm phơi trong lồng kiếng tại các lăng tẩm tân thời không? Họ chết từ lâu rồi mà nào đã xong?!”
Tôi im lặng không nói nữa. Hôm sau tôi khăn gói lên đường. Ba Lì từ phía bên hông nhà hỏi sang,
- “Bao giờ ông thày lên lại?“
Tôi bảo,
- “Không biết, khi nào nhớ mấy người thì lại lên!“
Ba lì cười,
- “Tôi sợ ông thày quên tụi này thôi.”
Tôi bảo “Quên sao được,” rồi đi.
Sau khi tôi thu xếp xong mọi thứ tôi lên thăm ông Năm lần cuối. Số tiền anh Ba tôi gởi về cho tôi để lo thủ tục giấy tờ cũng còn dư hơn một triệu. Tôi ghé qua chợ mua ít đồ nhậu, hơn chục ký gạo, ít ký khô, đậu phọng và mè tất cả bỏ vào chiếc sac nhà binh khệ nệ vừa đi vừa nghỉ đến chỗ ông Năm. Ông Năm đón tôi khi thấy tôi trở về từ xa, cách nhà ông cả trăm thước. Tôi bỏ túi đồ, lau mồ hôi rồi nói với ông Năm,
- “Chiều nay mình ăn nhậu một bữa nghe ông.“
Ông Năm cười,
- “Chắc có tin vui rồi, phải không?“
Tôi gật gật đầu. Nghe tiếng ồn ào bên này, vợ chồng Ba Lì từ bên nhà chạy sang lên tiếng,
- “Ông thày mới lên, sao có tin gì vui không? Chắc là kỳ này có tin vui rồi phải không?...”
Ông Năm bảo,
- “Vợ chồng bay chiều nay phụ một tay làm bữa nhậu coi.”
Ba Lì sốt sắng,
- “Để tụi con, ông Năm.”
Tôi lấy bộ đồ sạch, cầm theo cục xà bông thơm Cô Ba đi ra phía suối tắm giặt thay đồ. Bữa cơm chiều thật vui và xôm tụ. Ngoài dĩa gỏi bông chuối trộn khô sặc nướng xé nhỏ còn dĩa thịt ba rọi luộc, cơm gạo trắng không độn nghi ngút khói nhìn là thấy phát thèm. Ông Năm, tôi và vợ chồng Ba Lì ngồi vừa ăn vừa nói chuyện rổn rảng đủ mọi thứ tin tức ngoài đời. Tôi thông báo cho ông Năm biết tháng Ba năm tới tôi sẽ đi gặp phái đoàn Hoa Kỳ để được phỏng vấn. Ông Năm tợp nốt phần còn lại của ly rượi nếp cẩm bảo,
- “Mừng cho chú. Tôi vẫn nói người xưa có câu bĩ cực thới lai mà, đúng không?“
Ba lì chêm ngang,
- “Ông ơi, còn đời con đây này bĩ cả đời rồi đâu có gì mà thới lai hả ông?“
Ông Năm bảo,
- “Chả biết đâu được, cứ chờ xem.“
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Khi mâm cơm sạch sẽ món ăn, vợ Ba Lì dọn dẹp rồi xin phép ra về cùng chồng. Thực ra gọi là nhậu nhưng cả bốn ngưòi uống có một lít nếp than nên chẳng có ai được gọi là say. Tôi tửu lượng kém nhất trong đám cũng chỉ mới cảm thấy hơi ngà ngà lâng lâng. Ông Năm có vẻ tỉnh queo, sau khi xoa chân đập đập vài cái, ông lên tấm ván gỗ nằm quạt muỗi phe phẩy. Tôi trải tấm vải mưa vào góc nhà, căng mùng nằm. Cả hai chúng tôi chẳng ai nói vói ai một lời. Hình như trong lòng mỗi người đều đang nghĩ tới một ngày chia tay sắp tới. Cổ nhân bảo ở lâu mới biết đêm dài, thấm thoắt tôi lên ăn nhờ ở đậu ông Năm tính ra củng đã gần hai năm. Chúng tôi đã có với nhau biết bao buồn vui và những kỷ niệm không quên. Ý nghĩa của từ ngữ “chia xẻ” là chính xác giữa chúng tôi. Niềm vui thỉnh thoảng mới có nhưng cực nhọc và nỗi buồn thì vô vàn. Đã có lúc tôi bỏ ý định trở về thành phố và muốn sống mãi ở đây với ông Năm như một ngưòi thân. Rồi cũng chính ông là người đã khuyên tôi bỏ đi những ý nghĩ ấy. Ông thường tâm sự,
- “Đời sống con người ngắn ngủi lắm. Đưọc sinh ra dưới sinh mệnh con người là một ân sủng của ông trời. Hãy sống cho trọn vẹn kiếp sống ấy đừng bỏ phí nó. Thòi gian là thứ duy nhất chỉ đi có một chiều. Nó không có chiều ngưọc lại. Đừng quan tâm đến những thành bại hay đắc thất mà nên quan tâm tới mình có từng sống thực với con ngưòi của mình hay chưa. Mỗi con người là một riêng lẻ độc đáo phân biệt. Đừng sống hộ ai và cũng đừng nhờ ai sống thế cho mình.
Hạnh phúc là điều phù du ảo ảnh. Đừng mưu cầu tìm nó, bởi vì tìm sẽ không bao giờ thấy. Nó chỉ hiện hình khi ta dừng lại, quên hẳn nó đi. Trong phút giây hiếm hoi của đời sống thường nhật, khi nào bất chợt nhìn thấy bóng dáng mình trong tấm gương soi có ngưòi đối diện đang mỉm cười với ta, lúc đó hạnh phúc xuất hiện.”
Ông Năm đã nói tôi nghe bao nhiêu điều khiến tôi phải suy nghĩ và trằn trọc. Hình như trong ông là cả một pho sách qúy đời thường. Mọi lý thuyết đối với ông chỉ là mớ dẻ rách không hơn, ý tưởng trong sách không thông qua thực tế kiểm nghiệm là vô dụng và thừa thãi có độc. Sau khi đưa nó vào thực tế để sàng lọc và thử thách nó sẽ hiện ra là quý kim hay đất mùn. Thực tình tôi không biết rõ kho tàng tri thức của ông có là do từ đâu nhưng tôi biết chắc một điều ông hẳn phải là một con mọt sách khi còn trẻ. Trong những câu chuyện chúng tôi trao đổi ông hé lộ nhiều điều trong sách vở của nhiều vị học giả Đông Tây. Nhưng rồi cũng chính ông khi thì phủ quyết, lúc mở rộng những tư tưởng ấy ra mạch sống đời thưòng. Ông không tư hữu vật gì. Căn chòi ông đang có do chính tay ông tạo nên khi theo đoàn nguòi di dời khỏi Sài gòn lên đây lập khu Kinh tế mói hồi năm 1977.
Cuộc sống của ông bình dị và phóng khoáng như một nhà tu hành đắc đạo. Lúc nào ông cũng như nhàn tảng thơ thới vui chơi bên cuộc đời. Những việc ông làm thường là giúp cho ngưòi chung quanh ông. Bắt mạch, cắt thuốc, bấm huyệt, những lời khuyên cho người chán đời, cơm gạo cho những ai cơ nhỡ cần giúp… ông chẳng từ chối ai điều gì trong tầm tay ông có thể làm được. Không ai biết rõ dĩ vãng của ông, với ông chỉ có thực tại. Ông bảo,
- “Sống là đang sống chứ không phải đã hoặc sẽ sống.”.
Có lần tôi hỏi ông mai mốt ông già ai sẽ là ngưòi chăm nom cho ông? Ông cười tươi,
- “Đến lúc đó mới biết chứ bây giờ làm sao mà biết?“
Buổi sáng ngày cuối tuần khi tôi thức giấc, ông Năm đã lên rừng hái thuốc. Tôi ra vườn lấy cuốc vun gốc mấy cây ớt, giây bí, bầu tôi trồng trước đó. Ba Lì hỏi với sang,
- “Bao giờ ông thày về lại Sài Gòn?“
Tôi nói,
- “ Chắc mai mốt.“
Ba Lì bảo,
-“Biết ông thày bấy lâu, giờ ông đi buồn quá.“
Tôi im lặng không trả lời. Ba lì là một hạ sỉ địa phương quân tiểu khu Bình Long. Cuối năm 1974 khi tiểu khu bị tấn công Ba lì lúc đó mới 21, bị thương vào chân nằm lạc trong rừng khi theo đoàn quân di tản ra khỏi tỉnh, Bị đói mấy ngày, vết thương nhiễm độc, lên cơn sốt li bì, đang lúc thập tử nhất sinh thì có đám xe be vào lấy gỗ phát giác mang ra. Vào quân y viện cưa mất chân trái. Nằm chưa lành vết thương thì Sài gòn thất thủ, bị đuổi ra đường, gia đình thân nhân từ Quảng Tín cũng mất liên lạc luôn. Đang lúc ngặt nghèo đã có lúc Ba Lì định tự sát nhưng rồi không hiểu sao lại thôi. Có lần tâm sự hắn bảo,
- “Chết cũng khó lắm ông thày ạ. Tôi có lần nhẩy xuống sông Đồng Nai rồi bỗng dưng nổi lên bơi ào ào vào bờ! Từ đó tôi mới nghiệm ra khi muốn thực sự dứt bỏ cuộc sống này phải tìm tới một cách nào đó mà mình không có cơ hội để làm ngược lại ý định đó được. Chỉ có thế mới có thể chết được thôi.”
Tôi bật cười thầm nghĩ, chẳng bù cho thời gian trước đây khi còn chiến tranh, cái chết dễ như dỡn đùa, không muốn chết nó cũng cứ ào tới, nó dễ tới mức không thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa chết và sống. Cái sống lúc ấy không có gì để chắc. Ba Lì trở về Sài Gòn sống lang thang với vết thương chưa lành hẳn. Rồi như một phép lạ, vết thương lành lại từ từ trong cái đói triền miên và cách sống dơ bẩn lang thang đầu đường xó chợ. Rồi bỗng một hôm, đang ngủ dưới chân cầu, hắn được công an cảnh sát đánh thức, lùa lên xe tải chở đổ xuống khu vực này. Hắn sống vật vờ nương dựa vào những người cùng cảnh ngộ cất chòi, cuốc đất trồng khoai trồng bắp. Lúc đầu còn nhờ vào số lương thực cung cấp trong thời gian đầu. Thời gian vừa đúng ba tháng, chính quyền thành phố cũng ngưng không lên thăm dân tình nữa. Mùa thu hoạch bắp và khoai mì đầu tiên là lý do họ cho là đã hết trách nhiệm. Rồi cặp vợ chồng hàng xóm gặp nạn. Tư Thắng vào rừng kiếm củi đốt than bị cây đè bị thương gẫy cả chục xương sườn, ói máu đầy người. Ba Lì và vợ Tư Thắng cùng một số người lân cận khác kéo Tư Thắng ra khỏi khu vực bị nạn. Trên đường khiêng ra Ngã Ba quốc lộ chờ xe chở đi cấp cứu thì Tư Thắng qua đời. Thời gian cũng không lâu sau đó, một số cư dân tản lạc đi dần, Ba Lì và vợ Tư Thắng rổ rá cạp lại, dựa nhau mà sống. Họ là hàng xóm lân cận nhất của ông Năm. Khi tôi lên ở ké chòi ông Năm, Ba Lì có qua hỏi chuyện. Đưọc biết tôi là cựu sĩ quan, Ba Lì từ đó kêu tôi là “Ông Thày”.
Thực ra từ này khá thông dụng trong quân ngũ chúng tôi. Thay vì gọi nhau bằng cấp bực, trong chỗ quen thuộc, tiếng sư phụ và đệ tử làm cho tình chiến hữu thêm thân mật và thú vị hơn. Tôi nhớ hồi mới ra trường, khi nhận chức vụ đại đội phó chiến tranh chính trị, trung úy đại đội trưởng bảo tôi “Anh nói trung sỉ nhất thường vụ lựa cho anh một người au-d’os.” Tôi hơi ngạc nhiên không hiểu ý. Trung úy đại đội trưỏng giải nghĩa
- “Mỗi sĩ quan phải có một người giúp việc, chú lính này mang giúp ít đồ dùng quần áo và lương khô khi hành quân và giúp việc lặt vặt.“
Thực ra cũng chẳng đợi tôi ra lệnh, viên trung sĩ thường vụ đại đội ngay buổi chiều hôm ấy đã dẫn đến trình diện tôi một binh sĩ quân dịch có tên là Thể, và báo cho tôi biết từ lúc ấy Thể sẽ giúp tôi mang bớt những vật dụng và lo cơm nước cho tôi.
Trong đơn vị lúc đó, những chú lính giúp việc này có một danh xưng rất kỳ cục: “Tà lọt”. Tôi cũng chẳng hiểu gốc rễ của từ này có từ đâu nhưng mỗi lần nghe tôi thấy lại có cảm giác kỳ kỳ. Rồi thời gian trôi qua mau, tôi không nhớ là bao lâu sau đó, tiếng tà lọt được thay bằng tiếng “đệ tử và sư phụ” nghe có vẻ thú vị và thân mật hơn nhiều. Từ đó, những chú lính giúp việc thường gọi cấp chỉ huy của mình là ‘ông thày” dễ nghe hơn. Tình chiến hữu huynh đệ nẩy sinh dần thường khiến cho mối tương giao đệ tử/ ông thày ngày càng thân thiết hơn theo thời gian. Thường thì chú lính này vừa kiêm vai trò chăm sóc vừa là người lính cận vệ bảo vệ khi giao chiến, hành quân. Trong chiến tranh tôi đã có dịp nhiều lần chứng kiến những cảnh tượng cảm động giữa tình cảm thày/ trò này. Và ngay chính bản thân, tôi cũng đã bao phen cảm nhận được sự thân thương thày trò ấy. Thậm chí, tình chiến hữu đôi khi còn kéo dài rất lâu ngay cả sau này khi các đệ tử được giải ngũ và sau khi mất nước vào ngày 30 tháng Tư năm 75 nữa.
Tôi nấn ná ở chơi với ông Năm cho đến sau tết năm 90. Ông Năm thúc dục tôi mấy lần trở về Sài Gòn để theo dõi và chuẩn bị cho việc ra đi của tôi. Sau cùng tôi nghĩ, chắc cũng đến lúc phải trở lại Sài Gòn xem tình hình ra sao. Hôm đó là ngày mười một; ông Năm nói,
- “Hết mồng rồi, đi thôi.”
Tôi cũng không biết rõ lý do tại sao tôi có cảm nhận lần này ra về tôi có khi sẽ không gặp lại ông nữa. Tôi mơ hồ cảm nhận thế thôi. Lúc tiễn chân tôi ra khỏi xóm ông Năm dặn dò,
- “Trong Phật đạo có nói tới 4 nỗi khổ của đời người. Đó là sinh lão bịnh tử, cầu bất đắc, ái ly biệt, oán tương hội.“ Đời sống như một dòng nước chảy miên man không ngừng nghỉ. Tương hội rồi ly biệt là chuyện thường tình. Đừng để lòng xao động về những thứ tình thường của đời sống làm mất đi cái tâm yên tịnh của mình. Có rồi mất để rôì biết đâu lại có một cái mới khác không chừng. Họa phúc, may rủi cũng tùy thuộc vào chính ngưòi cảm nhận.
Tôi chia tay ông Năm trong bịn rịn hơn bất kỳ cuộc chia tay nào đã có trước đó. Cuộc sống nơi đây phẳng lặng bình an mộc mạc quá khiến tôi tự vấn lòng mình không biết có nên dời bỏ nơi đây để đi tìm một cuộc sống khác hay không? Chiếc ba lô trên vai tuy nhẹ tênh mà sao tôi vẫn cứ muốn vất bỏ nó, tôi thực sự không muốn mang theo bất kỳ một loại hành trang nào. Tôi bỗng dưng bất ngờ quay lại chỗ ông Năm đang đứng, bỏ ba lô xuống chân, tôi bảo “Tôi không muốn mang theo cái gì hết.” Cho dù tôi biết trong đó ngoài chiếc mùng cá nhân có vá vài chỗ, một miếng vải nhựa màu xanh để làm chiếu ngủ và một chiếc mền nylon vằn vện của quân đội đã quá cũ-- Tất cả là của cải tôi còn sau cuộc chiến-- Những thứ vật dụng này đã theo chân tôi chu du suốt thời gian tù đầy từ Miền Nam ra tới Miền Bắc. Tôi nói với ông Năm
- “Tôi chẳng có gì quý giá cả ngoại trừ những thứ vật dụng lỉnh kỉnh này. Tôi muốn để lại cho ông dùng.”
Ông Năm cười bảo
- “Tùy chú thôi.” Rồi không biết ông nghĩ sao, tiếp lời “Dĩ vãng và kỷ niệm luôn buộc chân con người để ngăn không cho nó bước ra khỏi nỗi dằn vặt của mình.”
Tôi gật đầu quay đi rảo bước một mạch không nhìn trở lại. Khi ra tới ngã ba giữa quốc lộ và tỉnh lộ, nơi có vài chục nóc gia xiêu vẹo hình thành nên khu chợ, tôi ghé chân vào quán bà cụ bán nước chè xanh tôi thường ghé mỗi lần lên xuống đây. Gần như chẳng đợi tôi buông lời yêu cầu, bà cụ với chiếc gáo dừa, lật chiếc bát sành úp trên trõng tre rót một bát nước chè tươi đầy cho tôi.
Chiếc xe đò xộc xệch chạy bằng than củi phun khói phì phì như xe lửa lắc lư đậu sát góc chợ. Vài người lên xe, phần lớn là những người đi thăm nuôi tù ở một trại gần đấy. Ngọn núi Chứa Chan về chiều úa vàng trong hoàng hôn. Quang cảnh nơi đây thật buồn. Tôi lên xe ngồi kế bên một chị phụ nữ có dẫn theo đứa con gái còm cõi và một chiếc túi dỏ tre trống rỗng. Chắc hẳn chiếc dỏ này là dỏ mang quà cho người chồng đang còn trong trại. Khuôn mặt chị đanh lại xơ xác và không cảm xúc. Cuộc sống cơ cực khó khăn khốn nạn quá, tất cả đã lấy mất đi tuổi thanh xuân và những thi vị của đời sống. Ngoại trừ mấy lời than van của vài ba nguời khách về cuộc sống khó khăn, phần còn lại im lặng. Mọi người đang lặng lẽ sống. Chừng gần một tiếng chờ đợi, cuối cùng chiếc xe cũng gần đầy khách. Những người thăm nuôi cuối cùng cũng đã ra về. Bác tài xế ra lệnh hành khách lên xe. Chiếc xe ì ạch chạy ra khỏi con đường đất leo lên quốc lộ hướng về sài Gòn. Tôi im lặng trong suốt cuộc hành trình gần ba tiếng đồng hồ này.
Chính tôi cũng không hiểu tại sao thời gian gần đây tôi hờ hững với tất cả mọi chuyện chung quanh mình. Không biết đó có phải là triệu chứng của tuồi tác hay chỉ là một hiện tượng tâm lý thuần túy. Dù lý do nào, tôi cũng vẫn thấy tôi khác hẳn tôi cách đây ít lâu. Tôi thường ngẫm nghĩ, tự chia cuộc đời mình ra làm nhiều giai đoạn. Lúc tuổi trẻ, còn ở với mẹ cha, tôi vô tư hồn nhiên sống trong vòng tay thân thương của gia đình. Tôi cũng từng ấp ủ bao nhiêu là ước mơ hoài bão. Mong sao sau này khi lớn lên, như bố tôi gợi ý, phải trở thành một bác sĩ. Mẹ tôi đơn giản hơn, chỉ mong sao tôi sống cho lưong thiện là được. Mẹ thường nói,
- “Thuyền to, sóng to; cứ làm ngưòi dân có công ăn việc làm, vui thú cùng vợ con là tốt nhất. Mọi đua chen vất vả chẳng ích gì, cơm ba chén, quần áo mặc cả ngày, giầu có hay quyền qúy cao sang cũng chỉ chừng nấy.”
Những lúc như thế bố tôi thường chen ngang,
- “Bà chỉ làm cho nó nhụt chí nam nhi!“
Khi đi học tôi thích đọc những câu thơ hào sảng khí phách của Nguyễn công Trứ nhiều hơn là những bài thơ tình ủy mị của các thi sĩ thời thơ mới sau này. Rồi học xong trung học, vào đại học khoa học ngồi chưa nóng chỗ thì cuộc chiến bùng lên như củi khô gặp gió. Những cuộc xuống đường, bạo động làm tôi chán ngán. Bố tôi bảo,
- “Cứ đà này, đất nước sẽ mất.”
Bố tôi giải ngũ vì đáo hạn tuổi vào năm 1967. Ông trở về nhà trong tâm trạng bất an thưòng trực. Nghỉ hưu được hơn một năm, một người bạn thân mở cây săng ở Bình Dương nhờ ông lên cai quản. Từ đó mẹ tôi và tôi sống tại Sài gòn. Chị Hai đi lấy chồng là một giáo sư trung học, chính chị cũng là một giáo viên dạy Việt văn. Gia đình chị sinh sống tại Thủ Đức. Anh Ba tôi học xong kỹ sư Phú Thọ ra trường một thời gian bị gọi nhập ngũ rồi lập gia đình, chuyển nghành sang công binh kiến tạo cũng ra ở riêng. Căn nhà trước đây chật chội vì đông người bây giờ bỗng nhiên rộng rãi hẳn lên. Mẹ bảo bao giờ tôi cưới vợ, phải đưa vợ con về sống bên cạnh bà, còn nếu không, đi đâu bà theo đó để chăm lo cho tôi. Tôi cười bảo con chẳng thèm lấy vợ, con ở vậy nuôi mẹ. Mẹ cười,
“Để xem út của mẹ giữ được lời hứa bao lâu” Rồi bà nói tiếp “Chỉ sợ mai mốt đây gặp đứa ưng mắt, ôm nhau đi bỏ mẹ một mình thôi!’”
Tôi vốn không bảnh trai hoặc ăn nói có duyên gì nên cũng ít bạn gái ngay cả khi tôi còn đi học. Bạn thân dăm đứa cùng lớp cũng tản đi dần vì hoàn cảnh của đất nước. Đứa du học ngoại quốc, đứa đi lính, đứa đi làm công chức, đứa bỏ dở học vào bưng... Cô bạn gái duy nhất tôi có là một cô gái trong xóm gần nhà. Cô học dưới tôi hai lớp. Ông thân sinh ra cô cũng là một đại úy già cùng trạc tuổi với bố tôi. Tuy hai ông không thân nhau vì ở những đơn vị khác nhau nhưng tình hàng xóm láng giềng cũng thường chào hỏi, qua lại. Bà mẹ cô là một người ngoan đạo. Gia đình gồm hai cô con gái, cô chị cả lấy một sĩ quan thiết giáp làm việc ở Gò Vấp. Cô em học xong trung học đệ nhất cấp thì ở nhà giúp cụ bà buôn bán. Cụ bà có một xạp vải nhỏ ở chợ Trương Minh Giảng. Lúc trước còn khoẻ mạnh, cụ tự lo một mình. Sau này từ khi cô chị đi lấy chồng, sức khoẻ của cụ cũng yếu dần nên cô em quyết định thôi học phụ mẹ.
Tôi cũng được mẹ tôi dợm ý với cô em. Lúc đầu khi chưa đi lính tôi cũng ừ à cho qua chuyện. Nói thực lòng, ngoài quen biết và xã giao, tôi vốn chỉ coi cô như một cô em gái, hoặc cố gắng lắm thì là một tình bạn nam nữ vậy thôi. Năm 1968 khi vào trường sĩ quan, mải mê với việc học, tôi quên luôn cô bạn cùng xóm. Mẹ tôi thình thoảng trong những bức thư viết cho tôi cũng đánh tiếng hỏi xem ý kiến tôi ra sao. Tôi trả lời cụ theo kiểu hoãn binh,
- “Thì cứ để từ từ rồi tính, ít nhất cũng chờ con học xong ra trường.”
Tôi ra trường năm 1970. Cuộc đời run rủi khiến tôi từ một sĩ quan chiến tranh chính trị bỗng dưng trở thành một anh chàng sĩ quan bộ binh tác chiến chuyên nghiệp! Từ đó cuộc sống lang thang theo đơn vị làm tôi chẳng còn kịp suy nghĩ về một gia đình cho bản thân.
Trong cuộc chiến tranh, con người ta sống trọn vẹn với bản năng động vật của mình nhất. Chém giết, chết chóc, thù hận… không thể làm tròn đi những gai góc của cuộc sống vốn dĩ đã qúa sắc cạnh. Những vết thương trên cơ thể cho dù có thể làm đau đớn thân xác nhưng rồi thời gian có thể làm nguôi ngoai đi nhưng những vết thương trong lòng, trong tim thì không ngừng rỉ máu khi nó đã bị tổn thương. Những vết xẹo tâm linh làm chết đi những giây thần kinh cảm xúc cả một đời ngưòi. Tôi chai lì và lạnh lùng đến mức có lúc mẹ bảo mẹ nhận không ra thằng út của mẹ ngây thơ và trong sáng ngày nào.
Chiến tranh đã hủy diệt thế hệ chúng tôi. Có người bảo lịch sử của một dân tộc thường chuyển dịch theo một chu kỳ Sinh trụ hoại diệt. Từng thời kỳ ấy, các thế hệ thanh niên được sinh ra phải chấp nhận thân phận của mình. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ bị hủy diệt. Nếu không bi diệt trong chiến đấu ngoài xa trường thì bị diệt khi thoát chết trở lại hậu phương. Kẻ thắng hay người bại cũng khốn nạn như nhau. Thậm chí những người may mắn sống bên ngoài cuộc chiến ấy tưởng đã được yên thân mà sống nhưng rồi họ cảm thấy họ cũng lầm. Cả một đất nước điêu tàn trong chiến tranh. Bom đạn và mìn bẫy không chỉ hủy đi sinh mạng con người. Nó hủy luôn cả tài nguyên thiên nhiên và tâm hồn những ngưòi từng sống trong xã hội, đất nước ấy nữa.
Dân tộc tôi mất đi những cảm nhận bình thường. Tất cả mọi người sống trong nghịch thường đã quen thành nếp. Con nguời trở nên tàn bạo dữ tợn hẳn lên. Những cuộc chiến tranh liên tục trong hơn nửa thế kỷ đã làm méo mó con nguòi.Tôi đã thoát ra khỏi cuộc chiến trong tâm thái và hình dạng như thế.
Tôi về tới Sài Gòn lúc buổi chiều chập choạng. Từ ngã tư Hàng Xanh tôi đón xe ôm về nhà. Từng đoàn người di chuyển lặng lẽ trên đủ mọi loại phương tiện chạy lao xao trên đường. Cả thành phố vàng vọt xanh xao như người nằm chờ định bịnh. Rồi mai mốt đây tôi sẽ bỏ xứ này mà đi. Nghĩ đến điều ấy tôi chợt thấy nhói đau trong lòng. Nhưng làm sao hơn được. Tôi sinh ra, lớn lên trong đất nước này, như ông Năm thường nói với tôi “Đất nước trời hành “.
Tân Sơn Hòa chuyển
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Phiá sau Cuộc Chiến
Song Vũ
Chân dung tác giả
Song Vũ là bút hiệu của trung tá Ngô văn Xuân, xuất thân khóa 17 Trường VB Đà Lạt, năm 1963.
Từng đảm nhiệm các chức vụ: Đại đội trưởng 11 Trinh sát sư đoàn 7 BB. Tiểu đoàn trưởng 2/44; Trưởng phòng 3 sư đoàn 23; Trung đoàn trưởng trung đoàn 44 sư đoàn 23BB. Ba lần bị thương tại mặt trận.
Ra trại “cải tạo” tháng 2/1988. Đến Hoa Kỳ theo diện HO, tháng 4 năm 1992. Định cư tại thành phố Campbell, Bắc Cali từ đó đến nay.
Những ngày cuối năm 1990 tình hình ra đi theo diện HO, con lai và ODP rộ lên. Cả Sài Gòn nhốn nháo kẻ đi người ở. Thậm chí nơi chỗ ông Năm nơi tôi đang ở ké cũng ồn ào đồn đãi. Một hôm ông Năm bảo tôi,
- “Sao cậu không về mà lo giấy tờ ra đi?“
Tôi bảo,
- “Tôi có đứa cháu gái lo dùm rồi. Giấy tờ bây giờ toàn là giấy giả mà tôi thì chẳng quen biết ai làm mấy thứ đó.“
Ông Năm cười buồn,
- “Đất nước mình chưa bao giờ sống thực với mình. Muốn sống phải sống theo một đời sống khác. Chiến tranh làm cho con người bộc lộ hết tính cách động vật của mình. Những thứ nhân nghĩa trở nên xa xỉ, phù phiếm hết. Bây giờ chiến tranh chấm dứt, tưởng có cơ may tìm về lại được bản chất con người của mình thì bỗng đâu cái thú tính bị dồn nén kìm hãm bấy lâu nơi con người thắng cuộc lại hung hăng còn hơn trước! Người chiến thắng và người bại trận đều có chung một dòng máu, một giống nòi. Tiếc thay kẻ thắng quên bẵng điều ấy, họ ngông nghênh hợm hĩnh quá lâu và hầu như không thể tỉnh lại được nữa. Sự u mê hay sáng suốt có thể có giới hạn của nó nhưng hình như u mê thường kéo dài lâu hơn nhiều lần sự sáng suốt.”
Ông Năm đôi lúc nói với tôi dân tộc này bị trời hành. Chiến tranh giành giựt, căm thù và phân ly phản trắc là cách thế nó tồn tại. Từ ngày lập quốc nó đã thế, trong suốt chiều dài lịch sử nó vẫn thế. Lịch sử không dạy cho nó bài học nào tử tế bởi vì kẻ cầm quyền luôn viết sử theo ý tư riêng của mình. Những chiến công hiển hách luôn được thổi phồng lên tới mức hoang đường ngược lại những thất bại được che đậy tới mức kiếm không ra. Từ ngày những người lãnh đạo tin vào chủ thuyết không tưởng cộng sản, lịch sử càng tệ hại hơn. Không ai còn muốn đọc sử và nghiên cứu sử để tìm ra một cách xử thế khôn ngoan cần thiết mà sống.
Ông Năm dặn dò tôi mỗi khi đi khỏi nhà, nếu không có ông thì gởi nhà cho hàng xóm. Một căn lều cũng trống hoang tuếch toác còn tệ hơn nhà ông Năm. Chủ căn nhà là một thương binh chế độ cũ, cụt một chân ngang đầu gối. Anh ta lầm lì ít nói nên có tên là Ba lì. Tên thật chẳng ai biết và nói cho cùng, ở cái xứ khỉ ho cò gáy này có tên hay không đâu có quan hệ gì. Tôi để ý quan sát, có nhiều ngày chính tôi, ông Năm và Ba Lì chỉ toàn nói trống không mà ai cũng hiểu. Hoạ hoằn vợ của Ba Lì, khi nói chuyện với ông Năm hoặc tôi mới nói đến tên của chúng tôi thôi. Cả hai vợ chồng Ba Lì sống bằng nghề làm rẫy và đốt than qua ngày. Được cái không có con cái gì nên cách sống của họ cũng không cơ cực lắm. Trồng gì ăn nấy, có tiền bán than thì vác về ít ký gạo, khi không có gạo, luộc bắp, khoai sắn ăn thay cơm… Thỉnh thoảng tôi về Sài gòn trở lên có ít tiền nhờ vợ Ba Lì mua cá hoặc thịt ba rọi về cùng lít rượu nếp than tại chợ ngã ba quốc lộ về bù khú cũng cảm thấy qúa hạnh phúc.
Tôi cứ hai ba tháng khi rảnh chuyện làm vườn cuốc đất trồng trọt lại thu xếp về Sài Gòn một lần vài ngày nghe ngóng tin tức. Cho đến sau tết 90, tôi mới nói với ông Năm tôi muốn về ít tháng để xem thu xếp vụ ra đi HO của tôi ra sao. Ông Năm bảo,
- “Ừ, chú về mà lo cho xong đi. Tôi nghĩ tuổi của chú cho dù bầm dập cách mấy vẫn còn có cơ ngoi lên được mà sống với đời. Buông trôi không phải là cách hay. Quẫy đạp cũng thế. Thuận theo trời mà sống có nghĩa là tùy theo nước lớn nước ròng mà chèo ghe.“
Tôi lặng im ngồi nghe ông nói những lời chân tình. Tôi nói,
- “Đời tôi không biết như thế có kể như là xong chưa?“
Ông Năm quay lại,
- “Xong là xong thế nào. Còn thở là còn chưa xong đâu, thậm chí nhắm mắt xuôi tay vẫn còn chưa thể gọi là xong!”
Tôi cười buồn,
- “Nhắm mắt xuôi tay thì xong chứ còn chưa sao được?“
Ông Năm bảo,
- “Nhắm mắt xuôi tay là phía phận riêng mình.
Tôi nói chưa xong là vì những hệ lụy sau khi cái mình tưởng là xong kia nó vẫn còn níu kéo người liên hệ chung quanh tiếp tục không xong.
- Chú có nhìn viên sỏi ném xuống hồ không? Những vòng nước tỏa lan từ nó vẫn có tác động ít nhiều tới những con trùng phiêu sinh đang sống trên mặt nước hồ. Chú có thấy những ông lãnh tụ đang nằm phơi trong lồng kiếng tại các lăng tẩm tân thời không? Họ chết từ lâu rồi mà nào đã xong?!”
Tôi im lặng không nói nữa. Hôm sau tôi khăn gói lên đường. Ba Lì từ phía bên hông nhà hỏi sang,
- “Bao giờ ông thày lên lại?“
Tôi bảo,
- “Không biết, khi nào nhớ mấy người thì lại lên!“
Ba lì cười,
- “Tôi sợ ông thày quên tụi này thôi.”
Tôi bảo “Quên sao được,” rồi đi.
Sau khi tôi thu xếp xong mọi thứ tôi lên thăm ông Năm lần cuối. Số tiền anh Ba tôi gởi về cho tôi để lo thủ tục giấy tờ cũng còn dư hơn một triệu. Tôi ghé qua chợ mua ít đồ nhậu, hơn chục ký gạo, ít ký khô, đậu phọng và mè tất cả bỏ vào chiếc sac nhà binh khệ nệ vừa đi vừa nghỉ đến chỗ ông Năm. Ông Năm đón tôi khi thấy tôi trở về từ xa, cách nhà ông cả trăm thước. Tôi bỏ túi đồ, lau mồ hôi rồi nói với ông Năm,
- “Chiều nay mình ăn nhậu một bữa nghe ông.“
Ông Năm cười,
- “Chắc có tin vui rồi, phải không?“
Tôi gật gật đầu. Nghe tiếng ồn ào bên này, vợ chồng Ba Lì từ bên nhà chạy sang lên tiếng,
- “Ông thày mới lên, sao có tin gì vui không? Chắc là kỳ này có tin vui rồi phải không?...”
Ông Năm bảo,
- “Vợ chồng bay chiều nay phụ một tay làm bữa nhậu coi.”
Ba Lì sốt sắng,
- “Để tụi con, ông Năm.”
Tôi lấy bộ đồ sạch, cầm theo cục xà bông thơm Cô Ba đi ra phía suối tắm giặt thay đồ. Bữa cơm chiều thật vui và xôm tụ. Ngoài dĩa gỏi bông chuối trộn khô sặc nướng xé nhỏ còn dĩa thịt ba rọi luộc, cơm gạo trắng không độn nghi ngút khói nhìn là thấy phát thèm. Ông Năm, tôi và vợ chồng Ba Lì ngồi vừa ăn vừa nói chuyện rổn rảng đủ mọi thứ tin tức ngoài đời. Tôi thông báo cho ông Năm biết tháng Ba năm tới tôi sẽ đi gặp phái đoàn Hoa Kỳ để được phỏng vấn. Ông Năm tợp nốt phần còn lại của ly rượi nếp cẩm bảo,
- “Mừng cho chú. Tôi vẫn nói người xưa có câu bĩ cực thới lai mà, đúng không?“
Ba lì chêm ngang,
- “Ông ơi, còn đời con đây này bĩ cả đời rồi đâu có gì mà thới lai hả ông?“
Ông Năm bảo,
- “Chả biết đâu được, cứ chờ xem.“
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Khi mâm cơm sạch sẽ món ăn, vợ Ba Lì dọn dẹp rồi xin phép ra về cùng chồng. Thực ra gọi là nhậu nhưng cả bốn ngưòi uống có một lít nếp than nên chẳng có ai được gọi là say. Tôi tửu lượng kém nhất trong đám cũng chỉ mới cảm thấy hơi ngà ngà lâng lâng. Ông Năm có vẻ tỉnh queo, sau khi xoa chân đập đập vài cái, ông lên tấm ván gỗ nằm quạt muỗi phe phẩy. Tôi trải tấm vải mưa vào góc nhà, căng mùng nằm. Cả hai chúng tôi chẳng ai nói vói ai một lời. Hình như trong lòng mỗi người đều đang nghĩ tới một ngày chia tay sắp tới. Cổ nhân bảo ở lâu mới biết đêm dài, thấm thoắt tôi lên ăn nhờ ở đậu ông Năm tính ra củng đã gần hai năm. Chúng tôi đã có với nhau biết bao buồn vui và những kỷ niệm không quên. Ý nghĩa của từ ngữ “chia xẻ” là chính xác giữa chúng tôi. Niềm vui thỉnh thoảng mới có nhưng cực nhọc và nỗi buồn thì vô vàn. Đã có lúc tôi bỏ ý định trở về thành phố và muốn sống mãi ở đây với ông Năm như một ngưòi thân. Rồi cũng chính ông là người đã khuyên tôi bỏ đi những ý nghĩ ấy. Ông thường tâm sự,
- “Đời sống con người ngắn ngủi lắm. Đưọc sinh ra dưới sinh mệnh con người là một ân sủng của ông trời. Hãy sống cho trọn vẹn kiếp sống ấy đừng bỏ phí nó. Thòi gian là thứ duy nhất chỉ đi có một chiều. Nó không có chiều ngưọc lại. Đừng quan tâm đến những thành bại hay đắc thất mà nên quan tâm tới mình có từng sống thực với con ngưòi của mình hay chưa. Mỗi con người là một riêng lẻ độc đáo phân biệt. Đừng sống hộ ai và cũng đừng nhờ ai sống thế cho mình.
Hạnh phúc là điều phù du ảo ảnh. Đừng mưu cầu tìm nó, bởi vì tìm sẽ không bao giờ thấy. Nó chỉ hiện hình khi ta dừng lại, quên hẳn nó đi. Trong phút giây hiếm hoi của đời sống thường nhật, khi nào bất chợt nhìn thấy bóng dáng mình trong tấm gương soi có ngưòi đối diện đang mỉm cười với ta, lúc đó hạnh phúc xuất hiện.”
Ông Năm đã nói tôi nghe bao nhiêu điều khiến tôi phải suy nghĩ và trằn trọc. Hình như trong ông là cả một pho sách qúy đời thường. Mọi lý thuyết đối với ông chỉ là mớ dẻ rách không hơn, ý tưởng trong sách không thông qua thực tế kiểm nghiệm là vô dụng và thừa thãi có độc. Sau khi đưa nó vào thực tế để sàng lọc và thử thách nó sẽ hiện ra là quý kim hay đất mùn. Thực tình tôi không biết rõ kho tàng tri thức của ông có là do từ đâu nhưng tôi biết chắc một điều ông hẳn phải là một con mọt sách khi còn trẻ. Trong những câu chuyện chúng tôi trao đổi ông hé lộ nhiều điều trong sách vở của nhiều vị học giả Đông Tây. Nhưng rồi cũng chính ông khi thì phủ quyết, lúc mở rộng những tư tưởng ấy ra mạch sống đời thưòng. Ông không tư hữu vật gì. Căn chòi ông đang có do chính tay ông tạo nên khi theo đoàn nguòi di dời khỏi Sài gòn lên đây lập khu Kinh tế mói hồi năm 1977.
Cuộc sống của ông bình dị và phóng khoáng như một nhà tu hành đắc đạo. Lúc nào ông cũng như nhàn tảng thơ thới vui chơi bên cuộc đời. Những việc ông làm thường là giúp cho ngưòi chung quanh ông. Bắt mạch, cắt thuốc, bấm huyệt, những lời khuyên cho người chán đời, cơm gạo cho những ai cơ nhỡ cần giúp… ông chẳng từ chối ai điều gì trong tầm tay ông có thể làm được. Không ai biết rõ dĩ vãng của ông, với ông chỉ có thực tại. Ông bảo,
- “Sống là đang sống chứ không phải đã hoặc sẽ sống.”.
Có lần tôi hỏi ông mai mốt ông già ai sẽ là ngưòi chăm nom cho ông? Ông cười tươi,
- “Đến lúc đó mới biết chứ bây giờ làm sao mà biết?“
Buổi sáng ngày cuối tuần khi tôi thức giấc, ông Năm đã lên rừng hái thuốc. Tôi ra vườn lấy cuốc vun gốc mấy cây ớt, giây bí, bầu tôi trồng trước đó. Ba Lì hỏi với sang,
- “Bao giờ ông thày về lại Sài Gòn?“
Tôi nói,
- “ Chắc mai mốt.“
Ba Lì bảo,
-“Biết ông thày bấy lâu, giờ ông đi buồn quá.“
Tôi im lặng không trả lời. Ba lì là một hạ sỉ địa phương quân tiểu khu Bình Long. Cuối năm 1974 khi tiểu khu bị tấn công Ba lì lúc đó mới 21, bị thương vào chân nằm lạc trong rừng khi theo đoàn quân di tản ra khỏi tỉnh, Bị đói mấy ngày, vết thương nhiễm độc, lên cơn sốt li bì, đang lúc thập tử nhất sinh thì có đám xe be vào lấy gỗ phát giác mang ra. Vào quân y viện cưa mất chân trái. Nằm chưa lành vết thương thì Sài gòn thất thủ, bị đuổi ra đường, gia đình thân nhân từ Quảng Tín cũng mất liên lạc luôn. Đang lúc ngặt nghèo đã có lúc Ba Lì định tự sát nhưng rồi không hiểu sao lại thôi. Có lần tâm sự hắn bảo,
- “Chết cũng khó lắm ông thày ạ. Tôi có lần nhẩy xuống sông Đồng Nai rồi bỗng dưng nổi lên bơi ào ào vào bờ! Từ đó tôi mới nghiệm ra khi muốn thực sự dứt bỏ cuộc sống này phải tìm tới một cách nào đó mà mình không có cơ hội để làm ngược lại ý định đó được. Chỉ có thế mới có thể chết được thôi.”
Tôi bật cười thầm nghĩ, chẳng bù cho thời gian trước đây khi còn chiến tranh, cái chết dễ như dỡn đùa, không muốn chết nó cũng cứ ào tới, nó dễ tới mức không thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa chết và sống. Cái sống lúc ấy không có gì để chắc. Ba Lì trở về Sài Gòn sống lang thang với vết thương chưa lành hẳn. Rồi như một phép lạ, vết thương lành lại từ từ trong cái đói triền miên và cách sống dơ bẩn lang thang đầu đường xó chợ. Rồi bỗng một hôm, đang ngủ dưới chân cầu, hắn được công an cảnh sát đánh thức, lùa lên xe tải chở đổ xuống khu vực này. Hắn sống vật vờ nương dựa vào những người cùng cảnh ngộ cất chòi, cuốc đất trồng khoai trồng bắp. Lúc đầu còn nhờ vào số lương thực cung cấp trong thời gian đầu. Thời gian vừa đúng ba tháng, chính quyền thành phố cũng ngưng không lên thăm dân tình nữa. Mùa thu hoạch bắp và khoai mì đầu tiên là lý do họ cho là đã hết trách nhiệm. Rồi cặp vợ chồng hàng xóm gặp nạn. Tư Thắng vào rừng kiếm củi đốt than bị cây đè bị thương gẫy cả chục xương sườn, ói máu đầy người. Ba Lì và vợ Tư Thắng cùng một số người lân cận khác kéo Tư Thắng ra khỏi khu vực bị nạn. Trên đường khiêng ra Ngã Ba quốc lộ chờ xe chở đi cấp cứu thì Tư Thắng qua đời. Thời gian cũng không lâu sau đó, một số cư dân tản lạc đi dần, Ba Lì và vợ Tư Thắng rổ rá cạp lại, dựa nhau mà sống. Họ là hàng xóm lân cận nhất của ông Năm. Khi tôi lên ở ké chòi ông Năm, Ba Lì có qua hỏi chuyện. Đưọc biết tôi là cựu sĩ quan, Ba Lì từ đó kêu tôi là “Ông Thày”.
Thực ra từ này khá thông dụng trong quân ngũ chúng tôi. Thay vì gọi nhau bằng cấp bực, trong chỗ quen thuộc, tiếng sư phụ và đệ tử làm cho tình chiến hữu thêm thân mật và thú vị hơn. Tôi nhớ hồi mới ra trường, khi nhận chức vụ đại đội phó chiến tranh chính trị, trung úy đại đội trưởng bảo tôi “Anh nói trung sỉ nhất thường vụ lựa cho anh một người au-d’os.” Tôi hơi ngạc nhiên không hiểu ý. Trung úy đại đội trưỏng giải nghĩa
- “Mỗi sĩ quan phải có một người giúp việc, chú lính này mang giúp ít đồ dùng quần áo và lương khô khi hành quân và giúp việc lặt vặt.“
Thực ra cũng chẳng đợi tôi ra lệnh, viên trung sĩ thường vụ đại đội ngay buổi chiều hôm ấy đã dẫn đến trình diện tôi một binh sĩ quân dịch có tên là Thể, và báo cho tôi biết từ lúc ấy Thể sẽ giúp tôi mang bớt những vật dụng và lo cơm nước cho tôi.
Trong đơn vị lúc đó, những chú lính giúp việc này có một danh xưng rất kỳ cục: “Tà lọt”. Tôi cũng chẳng hiểu gốc rễ của từ này có từ đâu nhưng mỗi lần nghe tôi thấy lại có cảm giác kỳ kỳ. Rồi thời gian trôi qua mau, tôi không nhớ là bao lâu sau đó, tiếng tà lọt được thay bằng tiếng “đệ tử và sư phụ” nghe có vẻ thú vị và thân mật hơn nhiều. Từ đó, những chú lính giúp việc thường gọi cấp chỉ huy của mình là ‘ông thày” dễ nghe hơn. Tình chiến hữu huynh đệ nẩy sinh dần thường khiến cho mối tương giao đệ tử/ ông thày ngày càng thân thiết hơn theo thời gian. Thường thì chú lính này vừa kiêm vai trò chăm sóc vừa là người lính cận vệ bảo vệ khi giao chiến, hành quân. Trong chiến tranh tôi đã có dịp nhiều lần chứng kiến những cảnh tượng cảm động giữa tình cảm thày/ trò này. Và ngay chính bản thân, tôi cũng đã bao phen cảm nhận được sự thân thương thày trò ấy. Thậm chí, tình chiến hữu đôi khi còn kéo dài rất lâu ngay cả sau này khi các đệ tử được giải ngũ và sau khi mất nước vào ngày 30 tháng Tư năm 75 nữa.
Tôi nấn ná ở chơi với ông Năm cho đến sau tết năm 90. Ông Năm thúc dục tôi mấy lần trở về Sài Gòn để theo dõi và chuẩn bị cho việc ra đi của tôi. Sau cùng tôi nghĩ, chắc cũng đến lúc phải trở lại Sài Gòn xem tình hình ra sao. Hôm đó là ngày mười một; ông Năm nói,
- “Hết mồng rồi, đi thôi.”
Tôi cũng không biết rõ lý do tại sao tôi có cảm nhận lần này ra về tôi có khi sẽ không gặp lại ông nữa. Tôi mơ hồ cảm nhận thế thôi. Lúc tiễn chân tôi ra khỏi xóm ông Năm dặn dò,
- “Trong Phật đạo có nói tới 4 nỗi khổ của đời người. Đó là sinh lão bịnh tử, cầu bất đắc, ái ly biệt, oán tương hội.“ Đời sống như một dòng nước chảy miên man không ngừng nghỉ. Tương hội rồi ly biệt là chuyện thường tình. Đừng để lòng xao động về những thứ tình thường của đời sống làm mất đi cái tâm yên tịnh của mình. Có rồi mất để rôì biết đâu lại có một cái mới khác không chừng. Họa phúc, may rủi cũng tùy thuộc vào chính ngưòi cảm nhận.
Tôi chia tay ông Năm trong bịn rịn hơn bất kỳ cuộc chia tay nào đã có trước đó. Cuộc sống nơi đây phẳng lặng bình an mộc mạc quá khiến tôi tự vấn lòng mình không biết có nên dời bỏ nơi đây để đi tìm một cuộc sống khác hay không? Chiếc ba lô trên vai tuy nhẹ tênh mà sao tôi vẫn cứ muốn vất bỏ nó, tôi thực sự không muốn mang theo bất kỳ một loại hành trang nào. Tôi bỗng dưng bất ngờ quay lại chỗ ông Năm đang đứng, bỏ ba lô xuống chân, tôi bảo “Tôi không muốn mang theo cái gì hết.” Cho dù tôi biết trong đó ngoài chiếc mùng cá nhân có vá vài chỗ, một miếng vải nhựa màu xanh để làm chiếu ngủ và một chiếc mền nylon vằn vện của quân đội đã quá cũ-- Tất cả là của cải tôi còn sau cuộc chiến-- Những thứ vật dụng này đã theo chân tôi chu du suốt thời gian tù đầy từ Miền Nam ra tới Miền Bắc. Tôi nói với ông Năm
- “Tôi chẳng có gì quý giá cả ngoại trừ những thứ vật dụng lỉnh kỉnh này. Tôi muốn để lại cho ông dùng.”
Ông Năm cười bảo
- “Tùy chú thôi.” Rồi không biết ông nghĩ sao, tiếp lời “Dĩ vãng và kỷ niệm luôn buộc chân con người để ngăn không cho nó bước ra khỏi nỗi dằn vặt của mình.”
Tôi gật đầu quay đi rảo bước một mạch không nhìn trở lại. Khi ra tới ngã ba giữa quốc lộ và tỉnh lộ, nơi có vài chục nóc gia xiêu vẹo hình thành nên khu chợ, tôi ghé chân vào quán bà cụ bán nước chè xanh tôi thường ghé mỗi lần lên xuống đây. Gần như chẳng đợi tôi buông lời yêu cầu, bà cụ với chiếc gáo dừa, lật chiếc bát sành úp trên trõng tre rót một bát nước chè tươi đầy cho tôi.
Chiếc xe đò xộc xệch chạy bằng than củi phun khói phì phì như xe lửa lắc lư đậu sát góc chợ. Vài người lên xe, phần lớn là những người đi thăm nuôi tù ở một trại gần đấy. Ngọn núi Chứa Chan về chiều úa vàng trong hoàng hôn. Quang cảnh nơi đây thật buồn. Tôi lên xe ngồi kế bên một chị phụ nữ có dẫn theo đứa con gái còm cõi và một chiếc túi dỏ tre trống rỗng. Chắc hẳn chiếc dỏ này là dỏ mang quà cho người chồng đang còn trong trại. Khuôn mặt chị đanh lại xơ xác và không cảm xúc. Cuộc sống cơ cực khó khăn khốn nạn quá, tất cả đã lấy mất đi tuổi thanh xuân và những thi vị của đời sống. Ngoại trừ mấy lời than van của vài ba nguời khách về cuộc sống khó khăn, phần còn lại im lặng. Mọi người đang lặng lẽ sống. Chừng gần một tiếng chờ đợi, cuối cùng chiếc xe cũng gần đầy khách. Những người thăm nuôi cuối cùng cũng đã ra về. Bác tài xế ra lệnh hành khách lên xe. Chiếc xe ì ạch chạy ra khỏi con đường đất leo lên quốc lộ hướng về sài Gòn. Tôi im lặng trong suốt cuộc hành trình gần ba tiếng đồng hồ này.
Chính tôi cũng không hiểu tại sao thời gian gần đây tôi hờ hững với tất cả mọi chuyện chung quanh mình. Không biết đó có phải là triệu chứng của tuồi tác hay chỉ là một hiện tượng tâm lý thuần túy. Dù lý do nào, tôi cũng vẫn thấy tôi khác hẳn tôi cách đây ít lâu. Tôi thường ngẫm nghĩ, tự chia cuộc đời mình ra làm nhiều giai đoạn. Lúc tuổi trẻ, còn ở với mẹ cha, tôi vô tư hồn nhiên sống trong vòng tay thân thương của gia đình. Tôi cũng từng ấp ủ bao nhiêu là ước mơ hoài bão. Mong sao sau này khi lớn lên, như bố tôi gợi ý, phải trở thành một bác sĩ. Mẹ tôi đơn giản hơn, chỉ mong sao tôi sống cho lưong thiện là được. Mẹ thường nói,
- “Thuyền to, sóng to; cứ làm ngưòi dân có công ăn việc làm, vui thú cùng vợ con là tốt nhất. Mọi đua chen vất vả chẳng ích gì, cơm ba chén, quần áo mặc cả ngày, giầu có hay quyền qúy cao sang cũng chỉ chừng nấy.”
Những lúc như thế bố tôi thường chen ngang,
- “Bà chỉ làm cho nó nhụt chí nam nhi!“
Khi đi học tôi thích đọc những câu thơ hào sảng khí phách của Nguyễn công Trứ nhiều hơn là những bài thơ tình ủy mị của các thi sĩ thời thơ mới sau này. Rồi học xong trung học, vào đại học khoa học ngồi chưa nóng chỗ thì cuộc chiến bùng lên như củi khô gặp gió. Những cuộc xuống đường, bạo động làm tôi chán ngán. Bố tôi bảo,
- “Cứ đà này, đất nước sẽ mất.”
Bố tôi giải ngũ vì đáo hạn tuổi vào năm 1967. Ông trở về nhà trong tâm trạng bất an thưòng trực. Nghỉ hưu được hơn một năm, một người bạn thân mở cây săng ở Bình Dương nhờ ông lên cai quản. Từ đó mẹ tôi và tôi sống tại Sài gòn. Chị Hai đi lấy chồng là một giáo sư trung học, chính chị cũng là một giáo viên dạy Việt văn. Gia đình chị sinh sống tại Thủ Đức. Anh Ba tôi học xong kỹ sư Phú Thọ ra trường một thời gian bị gọi nhập ngũ rồi lập gia đình, chuyển nghành sang công binh kiến tạo cũng ra ở riêng. Căn nhà trước đây chật chội vì đông người bây giờ bỗng nhiên rộng rãi hẳn lên. Mẹ bảo bao giờ tôi cưới vợ, phải đưa vợ con về sống bên cạnh bà, còn nếu không, đi đâu bà theo đó để chăm lo cho tôi. Tôi cười bảo con chẳng thèm lấy vợ, con ở vậy nuôi mẹ. Mẹ cười,
“Để xem út của mẹ giữ được lời hứa bao lâu” Rồi bà nói tiếp “Chỉ sợ mai mốt đây gặp đứa ưng mắt, ôm nhau đi bỏ mẹ một mình thôi!’”
Tôi vốn không bảnh trai hoặc ăn nói có duyên gì nên cũng ít bạn gái ngay cả khi tôi còn đi học. Bạn thân dăm đứa cùng lớp cũng tản đi dần vì hoàn cảnh của đất nước. Đứa du học ngoại quốc, đứa đi lính, đứa đi làm công chức, đứa bỏ dở học vào bưng... Cô bạn gái duy nhất tôi có là một cô gái trong xóm gần nhà. Cô học dưới tôi hai lớp. Ông thân sinh ra cô cũng là một đại úy già cùng trạc tuổi với bố tôi. Tuy hai ông không thân nhau vì ở những đơn vị khác nhau nhưng tình hàng xóm láng giềng cũng thường chào hỏi, qua lại. Bà mẹ cô là một người ngoan đạo. Gia đình gồm hai cô con gái, cô chị cả lấy một sĩ quan thiết giáp làm việc ở Gò Vấp. Cô em học xong trung học đệ nhất cấp thì ở nhà giúp cụ bà buôn bán. Cụ bà có một xạp vải nhỏ ở chợ Trương Minh Giảng. Lúc trước còn khoẻ mạnh, cụ tự lo một mình. Sau này từ khi cô chị đi lấy chồng, sức khoẻ của cụ cũng yếu dần nên cô em quyết định thôi học phụ mẹ.
Tôi cũng được mẹ tôi dợm ý với cô em. Lúc đầu khi chưa đi lính tôi cũng ừ à cho qua chuyện. Nói thực lòng, ngoài quen biết và xã giao, tôi vốn chỉ coi cô như một cô em gái, hoặc cố gắng lắm thì là một tình bạn nam nữ vậy thôi. Năm 1968 khi vào trường sĩ quan, mải mê với việc học, tôi quên luôn cô bạn cùng xóm. Mẹ tôi thình thoảng trong những bức thư viết cho tôi cũng đánh tiếng hỏi xem ý kiến tôi ra sao. Tôi trả lời cụ theo kiểu hoãn binh,
- “Thì cứ để từ từ rồi tính, ít nhất cũng chờ con học xong ra trường.”
Tôi ra trường năm 1970. Cuộc đời run rủi khiến tôi từ một sĩ quan chiến tranh chính trị bỗng dưng trở thành một anh chàng sĩ quan bộ binh tác chiến chuyên nghiệp! Từ đó cuộc sống lang thang theo đơn vị làm tôi chẳng còn kịp suy nghĩ về một gia đình cho bản thân.
Trong cuộc chiến tranh, con người ta sống trọn vẹn với bản năng động vật của mình nhất. Chém giết, chết chóc, thù hận… không thể làm tròn đi những gai góc của cuộc sống vốn dĩ đã qúa sắc cạnh. Những vết thương trên cơ thể cho dù có thể làm đau đớn thân xác nhưng rồi thời gian có thể làm nguôi ngoai đi nhưng những vết thương trong lòng, trong tim thì không ngừng rỉ máu khi nó đã bị tổn thương. Những vết xẹo tâm linh làm chết đi những giây thần kinh cảm xúc cả một đời ngưòi. Tôi chai lì và lạnh lùng đến mức có lúc mẹ bảo mẹ nhận không ra thằng út của mẹ ngây thơ và trong sáng ngày nào.
Chiến tranh đã hủy diệt thế hệ chúng tôi. Có người bảo lịch sử của một dân tộc thường chuyển dịch theo một chu kỳ Sinh trụ hoại diệt. Từng thời kỳ ấy, các thế hệ thanh niên được sinh ra phải chấp nhận thân phận của mình. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ bị hủy diệt. Nếu không bi diệt trong chiến đấu ngoài xa trường thì bị diệt khi thoát chết trở lại hậu phương. Kẻ thắng hay người bại cũng khốn nạn như nhau. Thậm chí những người may mắn sống bên ngoài cuộc chiến ấy tưởng đã được yên thân mà sống nhưng rồi họ cảm thấy họ cũng lầm. Cả một đất nước điêu tàn trong chiến tranh. Bom đạn và mìn bẫy không chỉ hủy đi sinh mạng con người. Nó hủy luôn cả tài nguyên thiên nhiên và tâm hồn những ngưòi từng sống trong xã hội, đất nước ấy nữa.
Dân tộc tôi mất đi những cảm nhận bình thường. Tất cả mọi người sống trong nghịch thường đã quen thành nếp. Con nguời trở nên tàn bạo dữ tợn hẳn lên. Những cuộc chiến tranh liên tục trong hơn nửa thế kỷ đã làm méo mó con nguòi.Tôi đã thoát ra khỏi cuộc chiến trong tâm thái và hình dạng như thế.
Tôi về tới Sài Gòn lúc buổi chiều chập choạng. Từ ngã tư Hàng Xanh tôi đón xe ôm về nhà. Từng đoàn người di chuyển lặng lẽ trên đủ mọi loại phương tiện chạy lao xao trên đường. Cả thành phố vàng vọt xanh xao như người nằm chờ định bịnh. Rồi mai mốt đây tôi sẽ bỏ xứ này mà đi. Nghĩ đến điều ấy tôi chợt thấy nhói đau trong lòng. Nhưng làm sao hơn được. Tôi sinh ra, lớn lên trong đất nước này, như ông Năm thường nói với tôi “Đất nước trời hành “.
Tân Sơn Hòa chuyển