Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường thuật :
Các nhà nghiên cứu nhìn nhận vẫn còn nhiều trở ngại kỹ thuật phải vượt qua. Liệu rô-bốt sẽ có thể liên lạc được với Trái Đất hay không ? Liệu bốn tấm bảng pin mặt trời có đủ để sạc lại các bình điện cho rô-bốt hay không ? Điều này không dễ biết trước được, nhưng trưởng nhóm dự án, ông Chương Dung Hiệp (Zhang Rongqia), tỏ ra tự tin : « Chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công chuyến du hành này ».
Rô-bốt của Trung Quốc sẽ cân nặng 200kg
Vào mùa hè 2020, chiếc phi thuyền Trường Chinh V sẽ được phóng đi từ bệ phóng Văn Xương nằm trên đảo Hải Nam. Bảy tháng sau đó và sau khi đã đi một chặng đường dài 400 triệu km, rô-bốt được hướng dẫn từ xa sẽ phải đáp xuống Hành Tinh Đỏ. Con rô-bốt nặng 200 kg này, được lắp các thiết bị chụp ảnh và máy quay sẽ thám hiểm trên Sao Hỏa trong vòng ba tháng.
Rô-bốt phải nghiên cứu về khí hậu và đất của hành tinh, và nhất là phải tìm hiểu về nước. Các nhà khoa học vẫn còn đang tìm kiếm cho con rô-bốt của họ một cái tên. Trên các trang mạng xã hội, các ý tưởng tuôn ra dồi dào, chẳng hạn như đặt tên cho rô-bốt là Đom Đóm.
Trước đây Trung Quốc đã từng đưa ra một dự án chung với Nga. Đó là vào năm 2011. Nhưng nhiệm vụ bất thành. Bây giờ dự án này không chỉ làm cho quên đi giai đoạn đau buồn đó, mà còn để chứng tỏ là Trung Quốc có khả năng, rằng họ đang chậm trễ so với Hoa Kỳ và châu Âu.
Hiện tại, Bắc Kinh chỉ có thể tự hào về chương trình khám phá Mặt Trăng, nhờ vào thiết bị được hướng dẫn từ xa mang tên Thỏ Ngọc, đã được đưa vào quỹ đạo Mặt Trăng hồi cuối năm 2013. Nhưng niềm tự hào quốc gia đó cũng đã bị dập tắt, vì « cỗ máy Hằng Nga » đó cũng đã trút hơi thở trước khi kết thúc nhiệm vụ.
Bắc Kinh có đủ phương tiện
Năm 2015, Bắc Kinh có lẽ đã đầu tư đến gần 90 tỷ euro cho các cuộc phiêu lưu không gian của mình. Đó là lợi ích quốc gia và nguồn tự hào dân tộc. Cũng nên biết là chủ tịch Tập Cận Bình khi lên cầm quyền vào năm 2012 đã tuyên bố là cách tân là một trong những trọng tâm cho công cuộc phát triển đất nước.
Kể từ đó, các thông báo về những cuộc chinh phục này hay cuộc thám hiểm khác cứ lần lượt nối tiếp đưa ra. Hồi tuần rồi, Bắc Kinh đã đưa một vệ tinh viễn thông lượng tử, vệ tinh đầu tiên trên thế giới có khả năng điều chỉnh một hệ thống viễn thông mã hóa và có thể ngăn chận mọi ý đồ dọ thám.
Một cuộc chinh phục khác cũng được truyền thông loan tải rầm rộ : Lần đầu tiên, một chiếc tầu ngầm có thể lặn sâu đến hơn 10.000 mét, một sự kiện đủ để cho Trung Quốc trở thành cường quốc thứ ba trên thế giới sở hữu công nghệ lặn này, chỉ sau Nhật Bản và Hoa Kỳ.