Suốt trong trận chiến An Lộc, mùa hè đỏ lửa năm 1972, Tr/Tá Lý
Đức Quân là Trung ĐoànTrưởng/TRĐ7/SĐ5BB, TRĐ này đang hành quân phía tây
thị xã An Lộc. Ngày 7/4/72 toàn bộ đơn vị ông vào phòng thủ vòng đai
phía tây nam thị xã từ cổng Xa Cam đến cổng Phú Lố. Sau trận An Lộc ông
được vinh thăng Đại Tá và tiếp tục chỉ huy Tr/Đ7 cho đến khi tử trận.
(Bản đồ thị xã An Lộc năm 1972.Courtesy of Bui Quyen)
Khi SĐ5BB rời An Lộc về Lai Khê, Tướng Lê Văn Hưng rời SĐ, bàn
giao chức vụ Tư Lệnh lại cho Đại Tá Trần Quốc Lịch (từ ND sang) thì vào
ngày 25/5/1973 Đ.Tá Quân bay trực thăng điều động đơn vị, lúc đó đang
hành quân phối hợp với BĐQ để tái chiếm Rạch Bắp (sát bờ đông sông Sài
Gòn và ở phía tây nam quận lỵ Bến Cát khoảng 8km500). Sau đó trên đường
bay về căn cứ của Tr.Đ7 ở Phú giáo, khi bay ngang không phận Chơn Thành
thì trực thăng trúng đạn phòng không của VC, từ phía tây quận lỵ Phú
Giáo bắn lên lúc 17.30g, làm Đ/Tá Quân tử thương. Ông chết lúc 43 tuổi,
được truy thăng Chuẩn Tướng. Ông được an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội
Biên Hòa lúc 10.00g ngày 31/5/73. Mộ ông nằm bên cạnh mộ cố Đại Tướng Đỗ
Cao Trí, một danh tướng QLVNCH sống cùng chiến đấu, chết cùng chôn
nghĩa trang với lính.
Ông gốc người Nùng, sinh năm 1930 tại Hải Ninh, Bắc Việt (ngày nay là khu vực Tiên Yên, Móng Cáy, tỉnh giáp ranh Quảng Đông (Trung Hoa). Ông tốt nghiệp khóa 8 sĩ quan hiện dịch, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Năm 1973 “Ông Thầy” mất, tôi được tin trể và không biết thêm về tang lễ ở đâu, vì đang lúc cùng dân chúng Bình Long tỵ nạn ra Rừng Lá Long Khánh định cư; tôi chỉ gởi lời đăng báo”Khóc Thầy” trên nhật báo Sóng Thần.
Mãi đến bây giờ hơn 40 năm sau, qua liên lạc với NT K16 Trung Tá ND Bùi Quyền, tôi mới biết thêm chi tiết về sự hy sinh của cố Chuẩn Tướng Lý Đức Quân (như trên); một người thầy đã dẫn dắt tôi trên đường binh nghiệp ở đơn vị đầu đời là Tiểu Đoàn 3/8 SĐ5BB.
Nếu Đại Tá Woòng A Sáng là người đầu tiên có công thành lập những đơn vị tiên khởi gốc người Nùng từ ngoài Bắc đưa vào Nam (1954), thành lập SĐ5BB sau này, thì cố Ch.T Lý Đức Quân là quân nhân cấp tướng người Nùng hy sinh sau cùng cho Sư Đoàn danh tiếng này.
Tôi ra trường VBĐL khoá 19 và xin về SĐ5BB, cùng sống và chiến đấu với những quân nhân gốc Nùng suốt thời gian từ 1965 đến 1969 mới chuyển đi đơn vị khác phục vụ. Trong vòng 4 năm đầu đời ở đơn vị tác chiến, luôn di động hành quân qua các mật khu Tam Giác Sắt, Hố Bò, Bến Cát, Rạch Bắp, Bưng Còng…, lùng và diệt địch trong các chiến Khu C (Bời Lời, Dương Minh Châu), Đ (Phước Long, Bình Long, Phước Thành), tôi đã trưởng thành trong chiến trận với những đồng đội sắc tộc Nùng dũng cảm, anh hùng trong Quân Lực VNCH miền Nam.
SĐ5BB thời tôi đang phục vụ đã từng được thành lập và chiến đấu từ miền Bắc vào (1954), đóng quân tại Sông Mao(Bình Thuận), chuyển quân về Biên Hoà, sau cùng về Bình Dương (Phú Lợi, Lai Khê). Đơn vị đa số quân nhân gốc Nùng này rất can đảm và thiện chiến, không theo một phe phái nào, đã tham dự nhiều chiến dịch đánh quân Bình Xuyên(Rừng Sát) năm 1956, từng tham gia đảo chánh(Saigon) ngày 1-11-1961.
Suốt trong cuộc chiến tranh chống quân CSBV tiến chiếm miền Nam (1962-1975), SĐ5BB đảm nhận làm lực lượng đánh, ngăn chặn quân du kích VC và quân chính qui
CSBV, từ các chiến khu miền Đông áp sát Thủ Đô Saigon.
Khu 32 chiến thuật của Vùng III là một quân khu chịu nhiều áp lực nặng nề nhất từ lúc Hà Nội chỉ thị và điều động MTGPMN tổ chức đánh phá các khu lân cận Thủ Đô Saigon; cho đến khi Bắc Việt chuyển quân chính qui theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam, sau cùng chiếm lấy Saigon.
VC rất sợ lính Nùng, một khắc tinh chống Cộng của họ từ miền Bắc, nên họ tuyên truyền thêu dệt cho lính Nùng là tàn ác, giết người không gớm tay, ăn gan uống máu… Tôi sống với đồng đội người Nùng nhiều năm, chứng kiến bao nhiêu là thay đổi, từng trải qua chiến trận; tôi rất kính phục từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều có những đức tính như ngay thẳng, trung thành, giữ gìn quân phong quân kỹ, can đảm, liều lỉnh, tình nghĩa đồng đội khi chiến đấu, tôn trọng đồng bào ở hậu phương.
Những đức tính tốt, lập nhiều chiến công (6 lần được tuyên dương trước Quân Đội) lại là những chuyện không may cho quân nhân và đơn vị SĐ5BB của chúng tôi qua nhiều năm tháng chiến trường.
Tôi về TĐ3/8 được bổ nhiệm ngay chức vụ ĐĐP/ĐĐ Chỉ Huy; nơi đây tôi chứng kiến qua văn bản và điều động quân số anh em lính Nùng chuyển đi các đon vị khác ngoài SĐ, tiếng là lấy người làm khung cho bổ sung quân số. Ngay cả Đại Tá Wòng A Sáng là người thành lập SĐ từ ngoài Bắc, cũng đã bất mãn bỏ đi.
Trong TĐ 3/8 chúng tôi, lính Nùng không còn cấp binh sĩ, thấp nhất là cấp hạ sĩ nhất trở lên; vẫn còn những HSQ đến SQ cấp uý, cấp tá ( nhưng SĐ thì chưa có cấp tướng?). Hàng tháng tôi làm phát hướng viên, phát lương cho những anh em có tên lạ và rất khó nhớ như Wòng Phóng, Wòng A Pẩu, Wòng Say Zếnh, Si Siu Coóng, những người sắc tộc họ Vi, họ Đèo, họ Tsau….Mỗi kỳ phát lương đều có sự chứng kiến của cấp tiểu đội trưởng, trung đội trưởng đếm quân, sĩ quan tài chánh kiểm soát, ban an ninh, ban quân số…chứng kiến, nên không thể xãy ra lính ma lính kiểng(không có mặt mà lảnh lương, hay cho người lảnh giùm)).
Bạn cùng khoá của tôi là anh Châu Minh Kiến, ra ĐĐ9 sau vài tháng liền bắt chức ĐĐT, vì khả năng chỉ huy, tinh thần chiến đấu cao được anh em binh sĩ kính phục; TĐT cất nhắc qua thành tích chiến đấu chớ không phải mua chuộc. Khoá 19 VBĐL chúng tôi ra trường (cuối năm 1964) về SĐ5BB, nhiều bạn hy sinh sau vài tháng đáo nhậm đơn vị, nhưng cũng có người lên cấp bậc chức vụ cũng khá nhanh. Đầu năm 1968, Tr/u Vũ Huy Thiều ĐĐT thuộc TRĐ7, chiến thắng VC tấn công vào Quản Lợi, Bình Long; được thăng cấp Đ/u tại mặt trận, lên luôn chức vụ TĐT/TĐ4/8, Năm 1969 Th/T Châu Minh Kiến làm TĐT/TĐ1/8 tử trận tại Dầu Tiếng, được truy thăng Tr/T. Sau cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa tại An Lộc, Tr/T Nguyễn Văn Tâm lên nắm TRĐT/TRĐ8 tại mặt trận.
Trong suốt thời gian sống ở TĐ3/8 ở BCH/TĐ, bên cạnh TĐT là Đ/u Lý Đức Quân (lính Nùng gọi ông là Xám Pạc Kún; gọi tôi: (Th/u) là Zách Pạc Kún, theo âm hưởng tiếng Quảng Đông), tôi biết rõ nét văn hoá và đạo đức, niềm tin tôn giáo của người lính Nùng. Lúc nào cũng không rời ông là người lính cận vệ mang theo lá cờ đỏ và bó nhang. Mỗi khi hành quân, người lính cờ này theo sát chủ tướng; khi ông ra lệnh xung phong lá cờ tung phất bay lên phía trước, chỉ huy lên đến đâu, lính theo cờ đến đó, không bỏ chủ tướng. Khi đóng quân chỗ có miếu Tiên Sư hay nơi thờ phượng, lá cờ được cắm nơi trang trọng. Nhưng hành quân đêm thì có lệ đốt nhang theo cờ, làm tôi sợ lộ bí mật nguỵ trang ánh sáng ban đêm (?)
Cứ mỗi tháng vào ngày mồng 2 và 16 âm lịch, BCH có tục lệ cúng ông Án, thần hộ mạng cho đơn vị; đích thân Xám Pạc Kún làm chủ lễ, và xem cặp giò gà để biết điềm hên xui có thể xãy ra mà tránh trước (!) Nhiều khi cũng có sự linh ứng (!) bất ngờ mà tôi cảm thấy niềm tin vào thần linh đó, làm cho lính tráng an tâm vững bụng trong vô vàn nguy hiểm trước mắt họ bước chân vào trận địa.
Tôi chưa có gia đình nên coi đơn vị mình là nhà, hành quân rày đây mai đó vùng này sang vùng khác, chạm địch liên miên: phục kích đêm giữ cầu đường QL13, lục soát phá huỷ hầm hố địa đạo miệt Ngã Ba Tân Qui(Tân Thạnh Trung, giữa đường Binh Dương Củ Chi), đóng quân ngăn chặn đường xăm nhập VC vào Tân Thạnh Đông (giáp ranh Hóc Môn, bên này sông Saigon), khi thì trấn thủ Phú Hoà Đông, Bến Cỏ sát mật khu Hố Bò, bên kia sông Saigon là mật khu Tam Giác Sắt.
Lắc lư trên võng nằm đêm tuyến trận, đóng đồn mở đường an ninh trục lộ QL13, hành quân vào vùng địch đóng, chúng tôi lính hay quan đều cực khổ đời lính như nhau, chia sẻ nổi niềm tâm sự. Người Nùng họ có niềm tin tôn giáo thờ Thánh Quan Âm, tin vào chủ soái lãnh đạo chỉ huy, giữ đạo đức làm người tốt; đa số đều có gia đình, nên họ mơ ước khi giải ngủ về Sông Mao (quê hương thứ hai sau miền Bắc), hay mua miếng đất ở Phương Lân, Định Quán, Long Khánh để làm rẫy, sống bình dị, đầm ấm với gia đình.
Trái với tuyên truyền của VC người lính Nùng ở SĐ5BB không hiếu sát. Họ chỉ làm tròn bổn phận người chiến binh đánh giặc ngoài mặt trận, cầm súng chiến đấu vì nghĩa vụ; không sát hại dân lành súc vật, phá hoại môi trường sống. Đ/u Quân rất nghiêm với lính; ông cắt đặt tôi coi luôn Ban 5 TLC, ghi nhận báo cáo định kỳ về kỹ luật tác phong, những vụ việc làm mất lòng dân, thiệt hại tài sản của dân trong vùng hành quân, tăng cường hoạt động dân sự vụ khám bệnh phát thuốc…Gia đình ông và thuộc hạ đa số ở trại gia binh Tam Hiệp, Biên hoà. Đơn vị của chúng tôi luôn học tập Tâm Lý Chiến, ngăn cấm mọi quân nhân tội cờ bạc, rượu chè say sưa; hình phạt nặng cho người nào vi phạm quân luật, làm mất quân phong quân kỹ, gây tiếng xấu cho đơn vị.
Sau cuộc hành quân lớn ở mật khu Hố Bò giữa năm 1965, tôi bị thương được đưa về BV Cộng Hoà, nhận lệnh mới sang chỉ huy một ĐĐ tác chiến khác của TĐ4/8 Tân Lập.
Giữa năm 1968, sau Tết Mậu Thân, tôi về làmTĐP/TĐ1/8 (Đ/u Châu Minh Kiến là TĐT). Sống và chiến đấu với tinh thần chiến đấu của lính Nùng, hai bạn chúng tôi cùng đơn vị không phút nào rảnh tay, luôn ở những tuyến đầu nguy hiểm nhất (TĐ làm trừ bị cho SĐ):
Vừa mới đẩy lùi TRĐ/VC Đồng Nai ra khỏi chỗ lẫn trốn An Sơn, Bà Lụa (Búng-Bình Dương), TĐ liền nhảy trực thăng vận vào Tam Giác Sắt lùng địch; tiếp lệnh hành quân phối hợp với TRĐ11Thiết Giáp Mỹ (Đ/T Patton) bao vây phá huỷ hậu cần VC tại làng Chánh Lưu. Chưa nghỉ ngơi lấy sức lại thì có lệnh nhảy trực thăng vào đường mòn HCM ở Bù Gia Mập, hành quân phối hợp với TĐ81BCND, phá kho lương thực trong rừng chiến khu Đ.
Ngoài tuổi trẻ hăng hái (chưa ai tròn 30 tuổi) chúng tôi được tin cậy giao phó cho những nhiệm vụ khó khăn đầy thách thức. Qua tài chỉ huy của TR/T Lê Nguyên Vỹ TRĐT/TRĐ8, một quân nhân lâu năm gắn bó với SĐ, với tinh thần chiến đấu cao quân nhân các cấp trong TĐ, chúng tôi không làm hổ uy danh của SĐ5BB thời bấy giờ.
Vật đổi sao dời vì cái số binh nghiệp, tôi bị sốt rét rừng sau cuộc hành quân lâu ngày trong rừng Phước Long, nên tháng 6-69 được cho về Saigon học khoá Quân Chánh. Đ/u TĐT Châu Minh Kiến lên Th/T, dẫn dắt TĐ1/8 chiến đấu như hổ dữ, hành quân di động lên Dầu Tiếng, chiến khu C. Vài tháng sau, nghe tin bạn tử trận tại làng 13 Dầu Tiếng được truy thăng Tr/T; tôi về đưa xác bạn lên nghĩa trang, lòng buồn thương tiếc cho bạn đồng khoá ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ (30t).
Từ ngày đó tôi không còn sống chia ngọt xẻ bùi, cùng đơn vị với anh em người Nùng, với những cấp chỉ huy uy dũng như các ông thầy Lý Đức Quân, Lê Nguyên Vỹ.
Trước khi xãy ra chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại An Lộc, Bình Long, tôi còn có dịp gặp lại thầy Vỹ hai lần, ông không còn được trọng dụng, không phải vì kém tài thiếu đức mà vì khác quan điểm chiến thuãt, bị nghi kỵ phe phái, ảnh hưởng họ Lê Nguyên của ông (?); làm một chức vụ phụ tá ngồi chơi xơi nước, theo dõi báo cáo hành quân tiền phương.
Chỗ làm việc của ông trong căn phòng nhỏ trong Ty Chiêu Hồi của Tỉnh, một chiếc bàn con, một cái ghế bố nhà binh, để theo dõi báo cáo tình hình các đơn vị tăng phái hành quân trong vùng. Trong khi đó những người thay thế ông từ miền Tây được đưa lên, làm sao rành rẽ “con cái”, biết đường đi nước bước, chiến thuật miền Đông của địch như ông.?
Ngay từ ngày đầu súng nổ từ nửa đêm 4-4-72, chính ông đã trực tiếp chỉ huy chúng tôi, bố trí trận địa trong thị xã An Lộc, nhưng ông không được quyền chỉ huy các TRĐ mà ông từng nắm quân; ông cá nhân chiến đấu khi vác M72 bình tỉnh ra chận bắn cháy xe tăng địch với những người lính cũ ngay tuyến mặt trận. Nhưng ông không nhận được một chút hào quang nào sau trận chiến, đáng lẽ phải được tưởng thưởng xứng đáng! Công trạng ông bị bỏ quên vô tình hay cố ý, chỉ vì đố kỵ hay nghi kỵ nhỏ nhen? Ộng không nề hà hay khiếu nại cứu xét, kể lể chiến công; một tấm gương để chúng tôi noi theo: vì nước quên mình vì dân chiến đấu!
Đó cũng là tinh thần của lính Nùng, không nề hà công trạng, mà tôi vẫn còn nhớ mãi khi Đ/u Quân đã có mặt, lên tận tuyến đầu ngay tại ĐĐ10 do tôi chỉ huy bị địch phục kích trong rừng dày đặc Hố Bò; giữa lúc chúng tôi đang tấn thối lưỡng nan thì ông đã có mặt giúp tinh thần binh sĩ chống trả. ĐĐ 9 do Châu Minh Kiến chỉ huy, đi phía sau, vòng lên bọc hậu, chỉ vài phút sau giải quyết chiến trường nhanh gọn, với xác địch nằm lại và chiến lợi phẩm tịch thu. Là thuộc cấp của những ông thầy, chỉ biết xả thân cho đơn vị cho đàn em, chúng tôi biết ơn và ca tụng các vị đó trân trọng.
Dầu tháng 4-72 VC chiếm xong Lộc Ninh; quân CSBV pháo kích dọn đường vào An Lộc; tiếng nổ dội lên đầu như bị đập búa, nhưng bổng nghe qua tiếng của thầy Quân trong máy, tôi mừng rỡ tỉnh người. Lần đó tôi mới biết ông là TrT/TrĐT/TrĐ7 đóng quân cùng tuyến vòng đai chặn địch với chúng tôi. Ông hỏi thăm, ân cần khích lệ, ấm áp tình đồng đội trong lúc căng thẳng như hồi tôi còn ở dưới quyền ông cùng đơn vị. Mãi hơn 40 năm sau, mới biết rõ thầy tử trận (xãy ra như thế nào?), tôi thương ông vô hạn, tiếc nhớ ngậm ngùi như mất người thân.
Lòng tôi càng buồn hơn, mỗi khi nhớ về SĐ5BB trước năm 1975: lính Nùng nhiều người đã giải ngủ hay đổi đi đơn vị khác, cấp chỉ huy chuyển đổi vùng, về chỗ mới, SĐ không còn thuần nhất. Thay vào đó có những cấp chỉ huy thối nát tham nhũng và tồi tệ, đến nỗi họ phải kéo nhau vào Quân Lao Gò Vấp để trả nợ phạm quân luật, làm nhục cho tai tiếng của SĐ5BB một thời danh tiếng.
Mặc dù vào những ngày chót Tướng Lê Nguyên Vỹ đã trở lại SĐ (không ai thay thế hay hơn ông), nhưng đã quá trể, đại đơn vị này không còn nguyên vẹn như trước; tướng Vỹ còn để lại một dấu ấn son sắc cho SĐ5BB/QLVNCH vào giờ phút chót: tuẩn tiết giữ thanh danh!
Ngồi viết những dòng chữ này làm tôi càng nhớ đến, hãnh diện thời tuổi trẻ đi lính gặp được những cấp chỉ huy ngay thẳng tử tế, những người lính can trường đánh trận, một đơn vị anh hùng lừng danh; nhưng cũng thương tiếc đến đồng đội đã hy sinh, ra đi không trở lại!
Tôi muốn chia sẻ với những người lính Nùng dễ thương tình đồng đội cũ, thân mến với những quân nhân đã từng phục vụ trong đơn vị kỳ cựu sống chết của SĐ5BB, lời tâm sự chân thành này. Dù ở nơi đâu bây giờ, và cũng chưa có một lần họp mặt, nhưng chúng ta hãnh diện đã từng là anh em đồng đội sống chết, cùng chung chiến đấu dưới lá quân kỳ mang danh hiệu SĐ5BB lính Nùng anh dũng!
Trần Cẩm Tường – Sống và đánh giặc với lính Nùng SĐ5BB/QLVNCH