Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Sự trở lại của chính sách ngăn chặn
Nguồn: Dominique Moisi, “The Return of Containment,” Project Syndicate, 26/10/2016.
Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
“Nhân tố chính của bất kỳ chính sách nào của Mỹ đối với Liên Xô đều phải mang tính kiềm chế lâu dài, kiên nhẫn nhưng cứng rắn và cảnh giác,” nhà ngoại giao người Mỹ George Kennan nói trong một bài viết trên tờ Foreign Affairs năm 1947 với bút danh nổi tiếng “X”. Nếu lấy “Nga” thay cho “Liên Xô,” “chính sách kiềm chế” của Kennan vẫn hoàn toàn có giá trị ngày nay. Cứ như thể trong gần 70 năm qua không có thứ gì thay đổi, ngay cả khi mọi thứ đã thay đổi.
Dĩ nhiên, người ta có thể nói Liên Xô đã bị kiềm chế vĩnh viễn. Nhưng Nga đang thể hiện những “khuynh hướng bành trướng” giống với những gì mà Kennan đã cảnh báo. Trên thực tế, lòng tin giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất ít nhất là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo Vitaly I. Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, những căng thẳng hiện nay “có thể là tệ nhất kể từ năm 1973,” khi chiến tranh Yom Kippur kéo Mỹ và Liên Xô tới gần một cuộc đối đầu hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Sự bi quan như vậy đã được chứng thực. Riêng năm nay, những nguồn cơn bất hòa với Nga đã nhân lên gấp bội và sâu sắc hơn. Nga đã rút khỏi nhiều thỏa thuận hạt nhân và điện Kremlin gần đây đã thiết lập hệ thống tên lửa Iskander với khả năng mang các thiết bị hạt nhân tầm trung ở Kaliningrad, gần biên giới Ba Lan.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa hề được giải quyết: các thỏa thuận ngừng bắn Minsk không được tôn trọng, và xung đột vũ trang có thể leo thang bất kỳ lúc nào. Và dường như Nga đang can thiệp trực tiếp vào nền chính trị nội bộ của các nền dân chủ phương Tây, sử dụng các tài liệu nhạy cảm bị rò rỉ và cung cấp tài chính cho các nhà dân túy chủ nghĩa cánh hữu, từ Marine Le Pen đến Donald Trump, những người ủng hộ điện Kremlin.
Tiếp đó là vai trò của Nga tại Syria. Vết mực trên bản hiệp ước ngừng bắn với Mỹ vừa khô, Nga cùng với đồng minh của mình, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, đã bắt đầu tiến hành đánh bom hàng loạt tàn phá Aleppo. Khi Mỹ thể hiện sự tức giận, Nga đáp trả rằng người Mỹ đạo đức giả. Suy cho cùng, họ đã không phản đối những vụ đánh bom của Ả Rập Saudi vào Sana’a, thủ đô của Yemen, vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng của người Houthi được Iran hậu thuẫn. (Sự khác biệt giữa hai chiến dịch này là hàng trăm ngàn người đã chết tại Syria, so với một vài ngàn tại Yemen.)
Có vẻ rõ ràng là phương Tây cần áp đặt một số giới hạn lên Nga. Nhưng bằng cách nào? Đó là câu hỏi đã kích động những chia rẽ sâu sắc giữa các nước châu Âu về địa lý, lịch sử, chính trị, và thương mại. Ngay cả trong mỗi quốc gia, câu hỏi đó cũng tạo ra những căng thẳng đáng kể.
Ở Đức, đất nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang vào năm tới, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) có vẻ đang nghĩ đến việc hòa hoãn (với Nga), trong khi Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ đốc thể hiện lập trường cứng rắn hơn. Đối với SPD – dường như nó đang luyến tiếc những ngày đầu những năm 1970, khi đảng được dẫn dắt bởi lãnh đạo đầy sức hút Willy Brandt – lập trường khác biệt này có thể mang lại lợi thế cho SDP; các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Đức có xu hướng gần gũi với SPD hơn so với Merkel về vấn đề Nga.
Ở Pháp, cả Mặt trận Quốc gia cực hữu của Le Pen lẫn phe cực tả được dẫn dắt bởi Jean-Luc Melenchon đều ủng hộ Nga. Tuy nhiên, ở gần trung tâm chính trị hơn, những khác biệt lại rất lớn. Ở cánh hữu, khác biệt giữa quan điểm ôn hòa nhưng cương quyết của Alain Juppe – ứng viên có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới – và quan điểm “thông cảm” mà Nicolas Sarkozy và Francois Fillon ủng hộ là rất rõ ràng. Ở cánh tả, lập trường của Tổng thống Francois Hollande – rõ ràng trong nội dung, nhưng đôi khi rời rạc trong cách tiếp cận – ít lạc quan về Nga hơn lập trường của những người như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Pierre Chevenement.
Tất cả những bất đồng này đã làm dấy lên nghi ngờ về năng lực xác định một chiến lược “dài hạn, kiên nhẫn nhưng cứng rắn” của phương Tây nhằm kiềm chế hành vi nguy hiểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế, có vẻ như chính Putin cũng cho rằng phương Tây không có năng lực như vậy. Trong suy nghĩ của ông, phương Tây quá yếu, chia rẽ, và ám ảnh với lịch trình bầu cử quốc gia đến mức không đưa ra được gì ngoài những lời lẽ cứng rắn và hành động thiếu hiệu quả.
Một số người ở phương Tây lập luận rằng mấu chốt để xử lý Putin là tận dụng điểm yếu kinh tế Nga, cũng như Putin đã tận dụng điểm yếu chính trị của phương Tây. Chắc chắn điều đó nghe khá hợp lý, đặc biệt là so với một cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn là dỡ bỏ một vài lệnh trừng phạt về kinh tế để đổi lại sự hợp tác của Nga ở Syria chẳng hạn. Đáp lại sự tàn phá Aleppo của Nga bằng những củ cà rốt sẽ đồng nghĩa với công nhận một chính sách hoài nghi, tội phạm.
Nhưng phương án “cây gậy” – củng cố các biện pháp trừng phạt lên Nga – có thể cũng sẽ không hiệu quả. Đối với giới giàu có và quyền lực ở Nga, các lệnh trừng phạt hầu như có rất ít ảnh hưởng. Chỉ có dân thường Nga mới phải gánh chịu – và Kremlin đã tỏ rõ nó không quan tâm đến những gì xảy ra đối với thường dân Nga. Dù sao đi nữa, châu Âu và Mỹ đều không thể tiến gần đến một sự đồng thuận về những biện pháp trừng phạt cứng rắn.
Nếu muốn ngăn chặn bước tiến nguy hiểm của Nga đến sự bất định, phương Tây phải tìm ra điều gì đó để đồng thuận. Ít nhất họ nên bắt đầu đối phó với chiến lược tung tin giả chuyên nghiệp và ranh ma của Nga bằng sự minh bạch và thẳng thắn hơn. Một chính sách như vậy sẽ tương đối không gây tranh cãi, ít nhất là so với các bước đi chính sách đối ngoại cụ thể hơn.
Nếu muốn thành công, phương Tây phải nhận ra những lợi thế mà Nga đang nắm giữ – cụ thể là sự hiểu biết của Putin về tâm lý và bối cảnh chính trị phương Tây. Trên vũ đài quốc tế, Putin đang khai thác tình cảm chống Mỹ vốn tồn tại bất kể Mỹ mạnh hay yếu. Trong các nước, ông đang khích lệ các phong trào chống chủ nghĩa tinh hoa và chống toàn cầu hóa.
Cuối kỷ nguyên Xô viết, các lãnh đạo Nga trông như đạo quân bọc hậu của một lý tưởng ý thức hệ đã mất. Ngược lại, ngày nay họ có thể được coi là tiên phong của một phong trào hướng đến chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến (jingoism), và thậm chí cả chủ nghĩa siêu dân tộc. Chính vì các nước phương Tây bị cuốn vào phong trào này mà việc các nhà lãnh đạo duy lý cần đứng lên và ủng hộ các chiến lược gắn kết nhằm kiềm chế Nga là hết sức quan trọng.
Dominique Moisi, cố vấn cao cấp tại Institut Montaigne ở Paris, là tác giả cuốn La Géopolitique des Séries ou le triomphe de la peur.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Return of Containment
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Sự trở lại của chính sách ngăn chặn
Nguồn: Dominique Moisi, “The Return of Containment,” Project Syndicate, 26/10/2016.
Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
“Nhân tố chính của bất kỳ chính sách nào của Mỹ đối với Liên Xô đều phải mang tính kiềm chế lâu dài, kiên nhẫn nhưng cứng rắn và cảnh giác,” nhà ngoại giao người Mỹ George Kennan nói trong một bài viết trên tờ Foreign Affairs năm 1947 với bút danh nổi tiếng “X”. Nếu lấy “Nga” thay cho “Liên Xô,” “chính sách kiềm chế” của Kennan vẫn hoàn toàn có giá trị ngày nay. Cứ như thể trong gần 70 năm qua không có thứ gì thay đổi, ngay cả khi mọi thứ đã thay đổi.
Dĩ nhiên, người ta có thể nói Liên Xô đã bị kiềm chế vĩnh viễn. Nhưng Nga đang thể hiện những “khuynh hướng bành trướng” giống với những gì mà Kennan đã cảnh báo. Trên thực tế, lòng tin giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất ít nhất là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo Vitaly I. Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, những căng thẳng hiện nay “có thể là tệ nhất kể từ năm 1973,” khi chiến tranh Yom Kippur kéo Mỹ và Liên Xô tới gần một cuộc đối đầu hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Sự bi quan như vậy đã được chứng thực. Riêng năm nay, những nguồn cơn bất hòa với Nga đã nhân lên gấp bội và sâu sắc hơn. Nga đã rút khỏi nhiều thỏa thuận hạt nhân và điện Kremlin gần đây đã thiết lập hệ thống tên lửa Iskander với khả năng mang các thiết bị hạt nhân tầm trung ở Kaliningrad, gần biên giới Ba Lan.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa hề được giải quyết: các thỏa thuận ngừng bắn Minsk không được tôn trọng, và xung đột vũ trang có thể leo thang bất kỳ lúc nào. Và dường như Nga đang can thiệp trực tiếp vào nền chính trị nội bộ của các nền dân chủ phương Tây, sử dụng các tài liệu nhạy cảm bị rò rỉ và cung cấp tài chính cho các nhà dân túy chủ nghĩa cánh hữu, từ Marine Le Pen đến Donald Trump, những người ủng hộ điện Kremlin.
Tiếp đó là vai trò của Nga tại Syria. Vết mực trên bản hiệp ước ngừng bắn với Mỹ vừa khô, Nga cùng với đồng minh của mình, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, đã bắt đầu tiến hành đánh bom hàng loạt tàn phá Aleppo. Khi Mỹ thể hiện sự tức giận, Nga đáp trả rằng người Mỹ đạo đức giả. Suy cho cùng, họ đã không phản đối những vụ đánh bom của Ả Rập Saudi vào Sana’a, thủ đô của Yemen, vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng của người Houthi được Iran hậu thuẫn. (Sự khác biệt giữa hai chiến dịch này là hàng trăm ngàn người đã chết tại Syria, so với một vài ngàn tại Yemen.)
Có vẻ rõ ràng là phương Tây cần áp đặt một số giới hạn lên Nga. Nhưng bằng cách nào? Đó là câu hỏi đã kích động những chia rẽ sâu sắc giữa các nước châu Âu về địa lý, lịch sử, chính trị, và thương mại. Ngay cả trong mỗi quốc gia, câu hỏi đó cũng tạo ra những căng thẳng đáng kể.
Ở Đức, đất nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang vào năm tới, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) có vẻ đang nghĩ đến việc hòa hoãn (với Nga), trong khi Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ đốc thể hiện lập trường cứng rắn hơn. Đối với SPD – dường như nó đang luyến tiếc những ngày đầu những năm 1970, khi đảng được dẫn dắt bởi lãnh đạo đầy sức hút Willy Brandt – lập trường khác biệt này có thể mang lại lợi thế cho SDP; các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Đức có xu hướng gần gũi với SPD hơn so với Merkel về vấn đề Nga.
Ở Pháp, cả Mặt trận Quốc gia cực hữu của Le Pen lẫn phe cực tả được dẫn dắt bởi Jean-Luc Melenchon đều ủng hộ Nga. Tuy nhiên, ở gần trung tâm chính trị hơn, những khác biệt lại rất lớn. Ở cánh hữu, khác biệt giữa quan điểm ôn hòa nhưng cương quyết của Alain Juppe – ứng viên có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới – và quan điểm “thông cảm” mà Nicolas Sarkozy và Francois Fillon ủng hộ là rất rõ ràng. Ở cánh tả, lập trường của Tổng thống Francois Hollande – rõ ràng trong nội dung, nhưng đôi khi rời rạc trong cách tiếp cận – ít lạc quan về Nga hơn lập trường của những người như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Pierre Chevenement.
Tất cả những bất đồng này đã làm dấy lên nghi ngờ về năng lực xác định một chiến lược “dài hạn, kiên nhẫn nhưng cứng rắn” của phương Tây nhằm kiềm chế hành vi nguy hiểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế, có vẻ như chính Putin cũng cho rằng phương Tây không có năng lực như vậy. Trong suy nghĩ của ông, phương Tây quá yếu, chia rẽ, và ám ảnh với lịch trình bầu cử quốc gia đến mức không đưa ra được gì ngoài những lời lẽ cứng rắn và hành động thiếu hiệu quả.
Một số người ở phương Tây lập luận rằng mấu chốt để xử lý Putin là tận dụng điểm yếu kinh tế Nga, cũng như Putin đã tận dụng điểm yếu chính trị của phương Tây. Chắc chắn điều đó nghe khá hợp lý, đặc biệt là so với một cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn là dỡ bỏ một vài lệnh trừng phạt về kinh tế để đổi lại sự hợp tác của Nga ở Syria chẳng hạn. Đáp lại sự tàn phá Aleppo của Nga bằng những củ cà rốt sẽ đồng nghĩa với công nhận một chính sách hoài nghi, tội phạm.
Nhưng phương án “cây gậy” – củng cố các biện pháp trừng phạt lên Nga – có thể cũng sẽ không hiệu quả. Đối với giới giàu có và quyền lực ở Nga, các lệnh trừng phạt hầu như có rất ít ảnh hưởng. Chỉ có dân thường Nga mới phải gánh chịu – và Kremlin đã tỏ rõ nó không quan tâm đến những gì xảy ra đối với thường dân Nga. Dù sao đi nữa, châu Âu và Mỹ đều không thể tiến gần đến một sự đồng thuận về những biện pháp trừng phạt cứng rắn.
Nếu muốn ngăn chặn bước tiến nguy hiểm của Nga đến sự bất định, phương Tây phải tìm ra điều gì đó để đồng thuận. Ít nhất họ nên bắt đầu đối phó với chiến lược tung tin giả chuyên nghiệp và ranh ma của Nga bằng sự minh bạch và thẳng thắn hơn. Một chính sách như vậy sẽ tương đối không gây tranh cãi, ít nhất là so với các bước đi chính sách đối ngoại cụ thể hơn.
Nếu muốn thành công, phương Tây phải nhận ra những lợi thế mà Nga đang nắm giữ – cụ thể là sự hiểu biết của Putin về tâm lý và bối cảnh chính trị phương Tây. Trên vũ đài quốc tế, Putin đang khai thác tình cảm chống Mỹ vốn tồn tại bất kể Mỹ mạnh hay yếu. Trong các nước, ông đang khích lệ các phong trào chống chủ nghĩa tinh hoa và chống toàn cầu hóa.
Cuối kỷ nguyên Xô viết, các lãnh đạo Nga trông như đạo quân bọc hậu của một lý tưởng ý thức hệ đã mất. Ngược lại, ngày nay họ có thể được coi là tiên phong của một phong trào hướng đến chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến (jingoism), và thậm chí cả chủ nghĩa siêu dân tộc. Chính vì các nước phương Tây bị cuốn vào phong trào này mà việc các nhà lãnh đạo duy lý cần đứng lên và ủng hộ các chiến lược gắn kết nhằm kiềm chế Nga là hết sức quan trọng.
Dominique Moisi, cố vấn cao cấp tại Institut Montaigne ở Paris, là tác giả cuốn La Géopolitique des Séries ou le triomphe de la peur.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Return of Containment