Tôi hoàn toàn không hiểu mấy cái chiến hạm mang tên Thanh Đảo, Quảng Châu, Thâm Quyến và thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc tới Sài Gòn để làm gì.
Bạn ta,
Tôi hoàn toàn không hiểu mấy cái chiến hạm mang tên Thanh Đảo, Quảng Châu, Thâm Quyến và thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc tới Sài Gòn để làm gì.
Nhà cầm quyền lúc đầu không nói gì về sự có mặt của chúng tại bến cảng Sài Gòn, cho mãi đến sau khi báo chí viết về chúng, nhà nước mới nhận là chúng đang thả neo ở Sài Gòn để viếng thăm Việt Nam.
Thế thì đây là một chuyến viếng thăm. Viếng thăm thì phải có lời mời. Không bao giờ có chuyện những chiến hạm này cứ lừng lững tiến vào sông Sài Gòn, vượt qua những vùng biển của Việt Nam mà không có phép. Tới được bến Sài Gòn nhất định phải đi vào hải phận Việt Nam. Vậy thì chắc phải có lời mời các chiến hạm này mới tới được Việt Nam. Chuyện này, con nít cũng biết.
Nếu không được mời mà cứ chạy vào Sài Gòn thì chuyện ấy chỉ có thể xẩy ra được nếu Việt Nam không còn nhận chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam nữa, và các tầu chiến này là tầu của các thái thú mới không cần phép tắc gì hết. Và Việt Nam không còn thẩm quyền gì tại các vùng nước mà các tầu chiến này đi qua.
Chuyện ba Tầu mang ba … tầu lạ vào tận Sài Gòn là có lời mời của nhà nước. Mời đến thăm làm gì? Mục đích của chuyến viếng thăm là gì?
Thân hữu? Ngay sau vụ tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam gặp trở ngại muốn ghé vào Hoàng Sa để sửa chữa và tránh bão mới đây và bị hải quân Trung quốc đuổi ra khơi để chịu sóng lớn ngoài biển thì hành động đó (xua đuổi tầu ngư dân Việt Nam giữa cơn bão) không thể coi là hành động thân hữu được.
Việc tầu hải giám của Trung quốc mới hai tuần trước cắt dây cáp của một tầu Việt Nam cũng không thể là một hành động thân hữu được. Nếu vì sơ ý mà xẩy ra chuyện đó thì tầu Trung quốc phải xin lỗi và bồi thường. Tầu hải giám Trung quốc không hề làm công việc thân hữu đó.
Trung quốc vẫn lớn tiếng đe dọa các tầu của ngư dân Việt Nam hoạt động tại những vùing biển mà Trung quốc nhận bất hợp pháp là của họ và đã từng phá tầu của ngư dân, bắt ngư dân đòi tiền chuộc và nhiều lần còn gây thiệt mạng cho các ngư dân. Làm thế mà là thân hữu chăng?
Chuyến ghé Sài Gòn không hề thân hữu gì hết. Dân chúng Sài Gòn cũng không hề được thông báo hay tổ chức ra đón ba tầu chiến của ba Tầu. Hai hôm sau, ba tầu của ba Tầu mới cho dân chúng lên thăm tầu, nhưng nhìn hình ảnh thì thấy ngay chỉ là ba Tầu lên thăm ba tầu của ba Tầu mà thôi.
Và như vậy, nhà cầm quyền lại lần nữa tỏ ra rất hèn với Bắc kinh.
Sau những chuyện xẩy ra ở Hoàng Sa và các vùng biển khác của Việt Nam, nhà cầm quyền ít nhất phải có một thái độ khác. Đầu tiên là phải phản đối về mặt ngoại giao. Ngưng các chuyến thăm viếng của các giới chức Trung quốc chẳng hạn. Rút bớt nhân viên ngoại giao ở Bắc kinh về và đòi Trung quốc giảm bớt số nhân viên ngoại giao của họ ở Hà Nội. Thả ngay những người biểu tình chống Trung quốc và hàng hóa Trung quốc như một hành động dằn mặt … nhẹ.
Nhưng Hà Nội chọn biện pháp âm thầm cho ba tầu của ba Tầu vào thăm "thân hữu" Sài Gòn.
Mẹ kiếp năm rắn còn mấy tuần nữa mói đến mà rắn rít đã được bọn cu ly xe kéo đến cõng vào tận chuồng gà.
Business as usual. Vẫn hèn hạ nô dịch như mọi khi là thế.
Bùi Bảo Trúc