Phiếm Đàm, Đàm Chuyện...
TÌNH QUÊ HƯƠNG _ Việt Nhân.
(HNPĐ) Có những cái hạnh phúc suốt đời ta đi tìm, tưởng nó tầm thường đơn sơ, nhưng đôi lúc không phải dễ mà ta có được, cái khó của hoàn cảnh khiến cho ta tiếc vì nó ngoài tầm tay, nó giống lắm cái buồn như thể ta với không tới mà đành chịu. Người ta có được một quê hương để yêu và để sống chết, cũng cần đâu khác chi có một mái ấm gia đình, được vui cùng người thân, hay được nghe những tiếng cười con trẻ, nó là sự tự nhiên mà đến với mọi người, nhưng lại không là thế với dân Việt tôi, nó vẫn đang là một ước mơ - Mỗ tôi nào khác, cũng ước mơ giống như bao người Việt tỵ nạn, đang sống tha phương nơi xứ người giàu có này, để mà nhớ mãi quê nghèo xa tít mù khơi.
Đã đi muốn hết con đường trần ai, còn có người nào bị lôi cuốn bởi vật chất nữa đâu, trong khi cuối đời cái tình quê hương lại như càng thôi thúc, mỗ tôi lại là kẻ luôn đói khát tình cảm, cái thiếu khiến mỗ tôi tham lam, nhìn lại đời mình, làm lính rồi phải làm tù cuối cùng mang thân tha phương. Chẳng khác mấy đâu là thân phận cánh lục bình, một đời đã trôi gần hết con sông dài, chỉ thèm đầm mình trong giòng nước sông xưa, giòng nước đó tuy có lúc đục lúc trong bởi con nước lúc lên lúc xuống, nay cánh lục bình tấp bến sông lạ, nhìn ngược giòng chảy như một ước mơ tìm về - Chỉ là mơ thôi, vì có khi nào lục bình trôi ngược giòng!
Hơn sáu mươi năm trước, trong nhà cũng đã có người chết, có kẻ phải mang thương tật, vì VM truy sát đảng phái Quốc Gia, mà bố mỗ tôi tìm đường vượt thoát vào Nam, trước cả lúc hiệp định Geneve 1954. Và gia đình đã được đoàn tụ lại lần đó nơi miền Nam tự do, cũng ngày đó mỗ tôi làm lạ tròn xoe mắt nhìn bố mua gom tất cả các tấm Hà Nội card postal, của nhà sách Như Ý cạnh trường Chu Mạnh Trinh ngã tư Phú Nhuận. Để rồi có những đêm thấy bố thừ người bên những tấm ảnh đó, trẻ con lúc ấy làm sao mỗ tôi hiểu được những gì trong lòng ông, có những cái muốn biết cần phải trải qua đắng cay tương tự, và thời gian lắm lúc cũng cần là cả một đời người, cái nhớ quê nay đã đến lượt phần mỗ tôi thấm, nó ray rứt nghẹn ngào ra sao mỗ tôi đã hiểu.
Tình quê hương! Trong mỗ tôi nó là những cảm xúc bồi hồi, khi nhớ đến con đường trước nhà về khuya, xe thổ mộ với tiếng móng ngựa gõ đều như tiếng mõ canh, hay tiếng gánh phở rao sáng sớm ngay góc phố. Nhớ lúc bắn bi cùng lũ bạn thời quần đùi tiểu học Võ Tánh, hay đoạn đường dài từ Gia Định trên chiếc Solex đến trường Pétrus, và những con đường ngập nắng thật đẹp của thành phố Saigon... làm sao có lại được những êm đềm của ngày qua? Đã mất rồi mới thấy tiếc, một ông bạn già của mỗ tôi về chốn cũ, để tìm lại những gì của ông một thời, đã nói trong bùi ngùi là thà đừng tìm có lẽ đỡ xót hơn, để mãi giữ được cái đẹp hình ảnh xưa trong lòng – Và ông nói quê hương trong ông không là những gì Việt Nam hôm nay.
Không phải của mình thì mình không tìm, vả mỗ tôi cũng không còn gì để mà tìm, nhưng cái cách xa làm nỗi nhớ như càng thêm chất chứa, trong lúc giòng đời thì cứ trôi, cái cũ đã mất mà cái mới không phải là mình, nên cứ loay hoay mãi mê đi tìm hương xưa, nhưng biết tìm đâu? Ly hương hơn chục năm ngày trở về chịu tang cha, đi giữa những con đường cũng là đất nước Việt, xót thay mỗ tôi lại cảm thấy mình xa lạ giữa chốn xưa, như thể chim lạc bầy. Biết có ai đó chung nỗi nhớ như mỗ tôi, lúc bất chợt nhìn lại được trên trang báo nào đó, hình ảnh Sài gòn chúng mình vào lúc năm mươi năm trước? Với mỗ tôi cái thiết tha cùng không gian xưa, đó là tình quê hương trong lòng!
Hôm nay qua báo đọc được tin ông Phạm Duy đã mất, nơi ông người ta đã nói nhiều về ông, có nhiều điều tiếng khen chê về đời sống riêng tư của ông, và nhiều nhất vẫn là chuyện trở về sau hai lần trong đời ông đã vượt thoát bọn cộng sản. Ông nhỏ tuổi hơn bố tôi năm tuổi, thì cũng là chung một thế hệ trước sau đã đứng lên vì đất nước, của thời 45 nhiễu nhương, bố tôi không có lần thứ hai vượt thoát được như ông, bên cha lần cuối nghe chuyện những con người cộng sản, cùng lời bố dặn dò để rồi sau đó mang thân làm tù cộng sản hơn chục năm. Mỗ tôi không hiểu nhiều về Phạm Duy, chỉ có chăng thuộc nhiều những lời ca đầy tính tự tình dân tộc của ông thôi, rồi tự lòng mình mà thầm hỏi ông có giống như thân phận cánh lục bình mỗ tôi, tìm về giòng nước xưa bởi cái thôi thúc tình quê hương?
Ông là một người có tài, một nhạc sĩ lớn với đúng nghĩa của nó, mỗ tôi nhìn ông mà tiếc cho ông như ta tiếc cái gì ta trân quí mà nay không được như ý mình – Ông được người đời quí với cái giá trị lớn và lâu dài bởi những gì ông cống hiến cho đời, những tác phẩm âm nhạc của ông đã không còn là của riêng ông mà đã là của dân tộc. Nhưng mọi người cũng đã nghe đã biết, bên cạnh cái to đẹp lại có cái không toàn bích quá lớn, ông là một viên kim cương nhưng quá nhiều vết than làm xấu đi, dù rằng ông vẫn là một viên kim cương, người ta tiếc là thế. Nghe ông tìm về ở tuổi 85, mỗ tôi thương ông như thương bố mình, sau khi hiểu được tại sao bố cứ mãi nhìn tấm ảnh chụp con đường Cổ Ngư vắng lặng, bởi nó cho bố tìm về ngày tháng xưa.
Không biết tại sao chuyện đời mỗ tôi có mấy cái giống chuyện ông, nên đọc chuyện ông nó lại gợi mỗ tôi cái đau đời mình, thấy ông khoe cái hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân mà nhớ mình cũng có được trường hợp như ông, nhưng mừng thì thực tâm lúc đó là không. Ra trại với vỏn vẹn chỉ tờ giấy phóng thích, mỗ tôi trở thành cư dân lậu ngay trên thành phố, mà mình đã sống quá nữa đời người, sau mấy năm chui nhủi, công an thành phố tìm đến mỗ tôi nơi khu xóm bờ sông cầu chữ Y, để cho ba cha con chứng minh nhân dân, hộ khẩu rồi có cả hộ chiếu cùng lời dặn, hãy đi đi không được ở lại... Ông tìm về, mỗ tôi bị đuổi đi, ngày ba cha con mỗ tôi ra đi, hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân, những tờ giấy đó mới cứng trên tay, nhìn nó rồi tự hỏi, không biết có nó như vậy để làm gì?
Chuyện ông về người ta nói ông xây nhà cho ông, ở tuổi đạp ngạch cửa 90 mà ông đi tìm chọn lựa từng viên gạch cho vừa ý, để làm chi vậy, những thứ phấn thổ đó có đâu làm nên con người đâu thưa ông. Nhìn trên video thấy ông tự hào với những gì phù phiếm ngắn ngủi đó mà mỗ tôi tiếc, tiếc thật sự! Dù rằng ngay lúc này nghĩ về ông và nhận định đúng sai, trách ông hay thông cảm cho ông vẫn chưa ngã ngũ trong tôi, mỗ tôi vốn là người nhiều tình cảm, mê văn thơ lại thích nhạc cùng đàn, thuở mới lớn đã bị lôi cuốn bởi những bài ca mượt mà đầy ắp tình tự dân tộc của ông, thực lòng trong tôi lúc ấy hình ảnh người người nhạc sĩ lãng du Phạm Duy, mà đôi lần được gặp, đã tạo cho tôi một ấn tượng khó xóa.
Với tôi khó mà không cảm xúc khi nghe, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời... Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi... Nước ơi! Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi... Nước ơi!” Cũng như bao người mỗ tôi tự hào vì đất nước mình, ông cha mình “Tôi yêu biết bao người Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa... Những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai...”
Nơi xứ lạ, lúc xót xa nhất của kiếp người tha hương, nhìn về quê cũ mà nhớ nhung thì cũng lời nhạc của ông, đã làm cái nhớ nhà của mỗ tôi thêm quay quắt... “Tình hoài hương! Khói lam vương tâm hồn chìm xuống. Chiều soay hương...Sống vui trong mối tình muôn đường. Tình ngàn phương! Biết yêu nhau như lòng đại dương... Người phiêu lãng! Nước mắt xuôi về miền quê lai láng... Xa quê hương! Yêu quê hương... Quê hương ấy...”
Để rồi cùng ông với phận mình “Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi, hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ - Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta, và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ...” Cuộc đời cha con mỗ tôi thấy gần gủi với ông, nơi hoàn cảnh gần như những gì ông đã viết “Một ngày dĩ vãng, ôi gần hay xa! Đất nước hai phen chứng kiến bao chia lìa, đời của cha con, hai lần vẫy chào - Chào từ giã quê hương trong khổ đau...” Và giờ đây nhớ về phương trời xa mà ông đã nói “Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui, Sài-gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người”, không dối lòng là cũng bởi ý đó mà mỗ tôi ép lòng chịu lấy cái nhớ riêng cho mình mà không về.
Trong cái tiếc cho viên ngọc, tự nó làm cho tì vết hoen ố, mà mỗ tôi đã để cho ý câu chuyện xuôi giòng như một tản mạn, có thể sẽ không vừa ý với nhiều người đọc vẫn luôn thần tượng ông Phạm Duy, nói thế không phải trong mắt mỗ tôi ông là đồ bỏ. Mỗ tôi luôn ước cái vẫn đục phải chi đừng có thì hay biết mấy, trước sau cũng hai bàn tay buông xuôi, cái giá trị cao quí của đời người mà một người từng trải như ông, tầm vóc như ông lẽ nào không nhìn ra? Để chi cho tiếng bấc tiếng chì của người đời thị phi tên tuổi ông, biết rằng chỉ có một đời để sống, ông có quyền sống theo riêng ý ông – Nhưng nếu sống cho thanh danh tên tuổi, thì vẫn là cái sống đẹp đấy chứ, ham chi những cái tầm thường... Hay cũng có thể nơi Phạm Duy có hai con người đối chọi?
Việt Nhân (HNPĐ
TÌNH QUÊ HƯƠNG _ Việt Nhân.
(HNPĐ) Có những cái hạnh phúc suốt đời ta đi tìm, tưởng nó tầm thường đơn sơ, nhưng đôi lúc không phải dễ mà ta có được, cái khó của hoàn cảnh khiến cho ta tiếc vì nó ngoài tầm tay, nó giống lắm cái buồn như thể ta với không tới mà đành chịu. Người ta có được một quê hương để yêu và để sống chết, cũng cần đâu khác chi có một mái ấm gia đình, được vui cùng người thân, hay được nghe những tiếng cười con trẻ, nó là sự tự nhiên mà đến với mọi người, nhưng lại không là thế với dân Việt tôi, nó vẫn đang là một ước mơ - Mỗ tôi nào khác, cũng ước mơ giống như bao người Việt tỵ nạn, đang sống tha phương nơi xứ người giàu có này, để mà nhớ mãi quê nghèo xa tít mù khơi.
Đã đi muốn hết con đường trần ai, còn có người nào bị lôi cuốn bởi vật chất nữa đâu, trong khi cuối đời cái tình quê hương lại như càng thôi thúc, mỗ tôi lại là kẻ luôn đói khát tình cảm, cái thiếu khiến mỗ tôi tham lam, nhìn lại đời mình, làm lính rồi phải làm tù cuối cùng mang thân tha phương. Chẳng khác mấy đâu là thân phận cánh lục bình, một đời đã trôi gần hết con sông dài, chỉ thèm đầm mình trong giòng nước sông xưa, giòng nước đó tuy có lúc đục lúc trong bởi con nước lúc lên lúc xuống, nay cánh lục bình tấp bến sông lạ, nhìn ngược giòng chảy như một ước mơ tìm về - Chỉ là mơ thôi, vì có khi nào lục bình trôi ngược giòng!
Hơn sáu mươi năm trước, trong nhà cũng đã có người chết, có kẻ phải mang thương tật, vì VM truy sát đảng phái Quốc Gia, mà bố mỗ tôi tìm đường vượt thoát vào Nam, trước cả lúc hiệp định Geneve 1954. Và gia đình đã được đoàn tụ lại lần đó nơi miền Nam tự do, cũng ngày đó mỗ tôi làm lạ tròn xoe mắt nhìn bố mua gom tất cả các tấm Hà Nội card postal, của nhà sách Như Ý cạnh trường Chu Mạnh Trinh ngã tư Phú Nhuận. Để rồi có những đêm thấy bố thừ người bên những tấm ảnh đó, trẻ con lúc ấy làm sao mỗ tôi hiểu được những gì trong lòng ông, có những cái muốn biết cần phải trải qua đắng cay tương tự, và thời gian lắm lúc cũng cần là cả một đời người, cái nhớ quê nay đã đến lượt phần mỗ tôi thấm, nó ray rứt nghẹn ngào ra sao mỗ tôi đã hiểu.
Tình quê hương! Trong mỗ tôi nó là những cảm xúc bồi hồi, khi nhớ đến con đường trước nhà về khuya, xe thổ mộ với tiếng móng ngựa gõ đều như tiếng mõ canh, hay tiếng gánh phở rao sáng sớm ngay góc phố. Nhớ lúc bắn bi cùng lũ bạn thời quần đùi tiểu học Võ Tánh, hay đoạn đường dài từ Gia Định trên chiếc Solex đến trường Pétrus, và những con đường ngập nắng thật đẹp của thành phố Saigon... làm sao có lại được những êm đềm của ngày qua? Đã mất rồi mới thấy tiếc, một ông bạn già của mỗ tôi về chốn cũ, để tìm lại những gì của ông một thời, đã nói trong bùi ngùi là thà đừng tìm có lẽ đỡ xót hơn, để mãi giữ được cái đẹp hình ảnh xưa trong lòng – Và ông nói quê hương trong ông không là những gì Việt Nam hôm nay.
Không phải của mình thì mình không tìm, vả mỗ tôi cũng không còn gì để mà tìm, nhưng cái cách xa làm nỗi nhớ như càng thêm chất chứa, trong lúc giòng đời thì cứ trôi, cái cũ đã mất mà cái mới không phải là mình, nên cứ loay hoay mãi mê đi tìm hương xưa, nhưng biết tìm đâu? Ly hương hơn chục năm ngày trở về chịu tang cha, đi giữa những con đường cũng là đất nước Việt, xót thay mỗ tôi lại cảm thấy mình xa lạ giữa chốn xưa, như thể chim lạc bầy. Biết có ai đó chung nỗi nhớ như mỗ tôi, lúc bất chợt nhìn lại được trên trang báo nào đó, hình ảnh Sài gòn chúng mình vào lúc năm mươi năm trước? Với mỗ tôi cái thiết tha cùng không gian xưa, đó là tình quê hương trong lòng!
Hôm nay qua báo đọc được tin ông Phạm Duy đã mất, nơi ông người ta đã nói nhiều về ông, có nhiều điều tiếng khen chê về đời sống riêng tư của ông, và nhiều nhất vẫn là chuyện trở về sau hai lần trong đời ông đã vượt thoát bọn cộng sản. Ông nhỏ tuổi hơn bố tôi năm tuổi, thì cũng là chung một thế hệ trước sau đã đứng lên vì đất nước, của thời 45 nhiễu nhương, bố tôi không có lần thứ hai vượt thoát được như ông, bên cha lần cuối nghe chuyện những con người cộng sản, cùng lời bố dặn dò để rồi sau đó mang thân làm tù cộng sản hơn chục năm. Mỗ tôi không hiểu nhiều về Phạm Duy, chỉ có chăng thuộc nhiều những lời ca đầy tính tự tình dân tộc của ông thôi, rồi tự lòng mình mà thầm hỏi ông có giống như thân phận cánh lục bình mỗ tôi, tìm về giòng nước xưa bởi cái thôi thúc tình quê hương?
Ông là một người có tài, một nhạc sĩ lớn với đúng nghĩa của nó, mỗ tôi nhìn ông mà tiếc cho ông như ta tiếc cái gì ta trân quí mà nay không được như ý mình – Ông được người đời quí với cái giá trị lớn và lâu dài bởi những gì ông cống hiến cho đời, những tác phẩm âm nhạc của ông đã không còn là của riêng ông mà đã là của dân tộc. Nhưng mọi người cũng đã nghe đã biết, bên cạnh cái to đẹp lại có cái không toàn bích quá lớn, ông là một viên kim cương nhưng quá nhiều vết than làm xấu đi, dù rằng ông vẫn là một viên kim cương, người ta tiếc là thế. Nghe ông tìm về ở tuổi 85, mỗ tôi thương ông như thương bố mình, sau khi hiểu được tại sao bố cứ mãi nhìn tấm ảnh chụp con đường Cổ Ngư vắng lặng, bởi nó cho bố tìm về ngày tháng xưa.
Không biết tại sao chuyện đời mỗ tôi có mấy cái giống chuyện ông, nên đọc chuyện ông nó lại gợi mỗ tôi cái đau đời mình, thấy ông khoe cái hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân mà nhớ mình cũng có được trường hợp như ông, nhưng mừng thì thực tâm lúc đó là không. Ra trại với vỏn vẹn chỉ tờ giấy phóng thích, mỗ tôi trở thành cư dân lậu ngay trên thành phố, mà mình đã sống quá nữa đời người, sau mấy năm chui nhủi, công an thành phố tìm đến mỗ tôi nơi khu xóm bờ sông cầu chữ Y, để cho ba cha con chứng minh nhân dân, hộ khẩu rồi có cả hộ chiếu cùng lời dặn, hãy đi đi không được ở lại... Ông tìm về, mỗ tôi bị đuổi đi, ngày ba cha con mỗ tôi ra đi, hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân, những tờ giấy đó mới cứng trên tay, nhìn nó rồi tự hỏi, không biết có nó như vậy để làm gì?
Chuyện ông về người ta nói ông xây nhà cho ông, ở tuổi đạp ngạch cửa 90 mà ông đi tìm chọn lựa từng viên gạch cho vừa ý, để làm chi vậy, những thứ phấn thổ đó có đâu làm nên con người đâu thưa ông. Nhìn trên video thấy ông tự hào với những gì phù phiếm ngắn ngủi đó mà mỗ tôi tiếc, tiếc thật sự! Dù rằng ngay lúc này nghĩ về ông và nhận định đúng sai, trách ông hay thông cảm cho ông vẫn chưa ngã ngũ trong tôi, mỗ tôi vốn là người nhiều tình cảm, mê văn thơ lại thích nhạc cùng đàn, thuở mới lớn đã bị lôi cuốn bởi những bài ca mượt mà đầy ắp tình tự dân tộc của ông, thực lòng trong tôi lúc ấy hình ảnh người người nhạc sĩ lãng du Phạm Duy, mà đôi lần được gặp, đã tạo cho tôi một ấn tượng khó xóa.
Với tôi khó mà không cảm xúc khi nghe, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời... Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi... Nước ơi! Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi... Nước ơi!” Cũng như bao người mỗ tôi tự hào vì đất nước mình, ông cha mình “Tôi yêu biết bao người Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa... Những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai...”
Nơi xứ lạ, lúc xót xa nhất của kiếp người tha hương, nhìn về quê cũ mà nhớ nhung thì cũng lời nhạc của ông, đã làm cái nhớ nhà của mỗ tôi thêm quay quắt... “Tình hoài hương! Khói lam vương tâm hồn chìm xuống. Chiều soay hương...Sống vui trong mối tình muôn đường. Tình ngàn phương! Biết yêu nhau như lòng đại dương... Người phiêu lãng! Nước mắt xuôi về miền quê lai láng... Xa quê hương! Yêu quê hương... Quê hương ấy...”
Để rồi cùng ông với phận mình “Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi, hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ - Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta, và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ...” Cuộc đời cha con mỗ tôi thấy gần gủi với ông, nơi hoàn cảnh gần như những gì ông đã viết “Một ngày dĩ vãng, ôi gần hay xa! Đất nước hai phen chứng kiến bao chia lìa, đời của cha con, hai lần vẫy chào - Chào từ giã quê hương trong khổ đau...” Và giờ đây nhớ về phương trời xa mà ông đã nói “Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui, Sài-gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người”, không dối lòng là cũng bởi ý đó mà mỗ tôi ép lòng chịu lấy cái nhớ riêng cho mình mà không về.
Trong cái tiếc cho viên ngọc, tự nó làm cho tì vết hoen ố, mà mỗ tôi đã để cho ý câu chuyện xuôi giòng như một tản mạn, có thể sẽ không vừa ý với nhiều người đọc vẫn luôn thần tượng ông Phạm Duy, nói thế không phải trong mắt mỗ tôi ông là đồ bỏ. Mỗ tôi luôn ước cái vẫn đục phải chi đừng có thì hay biết mấy, trước sau cũng hai bàn tay buông xuôi, cái giá trị cao quí của đời người mà một người từng trải như ông, tầm vóc như ông lẽ nào không nhìn ra? Để chi cho tiếng bấc tiếng chì của người đời thị phi tên tuổi ông, biết rằng chỉ có một đời để sống, ông có quyền sống theo riêng ý ông – Nhưng nếu sống cho thanh danh tên tuổi, thì vẫn là cái sống đẹp đấy chứ, ham chi những cái tầm thường... Hay cũng có thể nơi Phạm Duy có hai con người đối chọi?
Việt Nhân (HNPĐ