Tham Khảo
TỪ FORMOSA ĐẾN LEE & MAN
Tô Văn Trường
Thực tế lâu nay, Trung Quốc và Việt Nam đều muốn làm giàu bằng mọi giá. Việt Nam đã bán tất cả những gì có thể bán được, còn Trung Quốc vẫn ngoan cố ôm chặt lấy “chủ quyền ở Biển Đông” do cướp được đảo đá của Việt Nam, cậy thế mình nước lớn. Dù sao, cũng có điểm giống nhau, đó là cả hai cùng say mê phát triển kinh tế, tự gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Việt Nam đã nhìn ra vấn đề, cái giá phải trả nên đã bắt đầu chấn chỉnh chính sách đầu tư, không còn muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Dù là thời đại kỹ thuật số thì nhu cầu về giấy vẫn còn rất lớn và việc xây dựng các nhà máy giấy vẫn là việc cần làm, nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ và đúng quy chuẩn về môi trường của mỗi nước.
Nhưng vì sản xuất giấy là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất nên có thể nói, sau thảm họa môi trường cá chết ở biển miền Trung do Formosa gây ra, dư luận lại nổi sóng trước thông tin về Dự án nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang cũng là điều dễ hiểu. Thêm một lần, người ta có quyền lo ngại trước các dự án đầu tư ở Việt Nam dính dáng đến người láng giềng khó chơi phương Bắc.
Kinh nghiệm của thế giới
Canada đứng đầu thế giới trong việc sản xuất giấy từ năm 1926, trong những năm qua kỹ nghệ này gặp khó khăn phải đóng cửa nhiều nhà máy và giảm bớt nhân viên do bây giờ bị sách, báo điện tử cạnh tranh. Theo Hội lịch sử về giấy SHFQ của Quebec (Société d’Histoire Forestier du Québec) thì từ năm 1805 đến nay đã có 122 nhà máy giấy được xây dựng trong tiểu bang, nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại khoảng 42 nhà máy. Ở Canada, UK, Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng môi trường, chất thải của nhà máy giấy và bột giấy tới thủy sinh, chuột và ảnh hưởng tới sức khỏe con người được thực hiện từ những năm 1990 trở lại đây(1-5).
Theo như báo cáo từ Viện Nghiên cứu Nước Quốc gia – Canada thực hiện năm 2007, mặc dù đã có rất nhiều cải tiến trong các nhà máy sản xuất giấy và bột giấy như sử dụng quy trình tẩy trắng ECF, TCF, hay tăng cường giai đoạn xử lý nước thải thứ cấp, thế nhưng chất thải từ các nhà máy bột giấy và giấy vẫn ảnh hưởng tới môi trường thủy sinh như giảm khả năng trao đổi chất, giảm khả năng sinh sản, và sinh dục ở cá(1). Cũng theo như báo cáo này thì thành phần phát thải từ các nhà máy giấy và bột giấy rất đa dạng và khó mà kiểm soát cũng như đánh giá được từ các quá trình sản xuất bột, tẩy trắng.
Vấn đề xử lý môi trường và tìm giải pháp giảm bớt ô nhiễm từ các nhà máy giấy và bột giấy là vấn đề toàn cầu. Một báo cáo khoa học khác tại Việt Nam được thực hiện đánh giá đối với Nhà máy giấy và bột giấy Bãi Bằng, một trong những nhà máy hiện đại nhất hiện nay, cũng cho các kết quả về hàm lượng kim loại nặng tích tụ trong tôm, cua cá(2). Báo cáo này cũng đề cập đến ảnh hưởng của ô nhiễm có từ nhà máy giấy và bột giấy có thể gây tác hại tới sức khỏe con người thông qua tiêu thụ tôm cá tại các dòng sông ô nhiễm. Đối với thực nghiệm trên chuột, người ta nhận thấy hiện tượng giảm cân, giảm tinh trùng, thiếu máu và gây rối loạn chức năng gan và thận ở chuột(4). Còn theo như báo cáo của Ali, và Sreekrishnan(5) thì mặc dù hơn 30 năm phát triển ngành giấy và bột giấy, những vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường trên thế giới thuộc các ngành này vẫn tồn tại, đặc biệt đối với những nước đang phát triển, bởi sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu.
Hơn nữa, việc sử dụng quy trình tẩy sử dụng Cl2 hoặc có dẫn xuất của chlorine. Cũng theo nhóm nghiên cứu của Ali thì mặc dù đã sử dụng những công nghệ tẩy trắng tiên tiến, nhưng qua quá trình đánh giá, kiểm tra họ vẫn phát hiện hàm lượng và thành phần dẫn xuất của Chlorine trong chất thải từ các nhà máy giấy và bột giấy. Bởi vậy, dù sử dụng công nghệ tiên tiến, nhưng những ảnh hưởng của phát thải nhà máy giấy và bột giấy tới thủy sản vẫn chưa giải quyết được. Do đó, đây là vấn đề vô cùng khẩn cấp trong xử lý thải từ các nhà máy giấy và bột giấy(5).
Phải dừng chứ không phải là dự kiến
Trên báo chí đưa tin Bộ Công thương dự kiến đề xuất dừng Dự án nhà máy bột giấy Lee & Man. Công luận và các nhà khoa học từ lâu rồi đã phân tích cảnh báo các hậu họa khôn lường của Nhà máy giấy Lee & Man, cho nên điều rõ ràng là phải dừng chứ không nên trù trừ rằng đây chỉ mới là dự kiến. Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra: dừng nhà máy bột giấy tẩy trắng 165.000 tấn/năm là cấp thiết, nhưng có nên tiếp tục duy trì nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm của Lee & Man?
Thông thường, đối với nhà máy giấy bao bì thì sẽ ít phải sử dụng tới hóa chất tẩy trắng hơn. Đối với nhà máy khử mực, sản xuất giấy chất lượng cao (in/copy, báo chí…) thì yêu cầu đặt ra trong quá trình sản xuất vẫn là có quá trình khử mực, tẩy trắng. Quá trình tẩy trắng có thể có nhiều giai đoạn tẩy trắng khác nhau tùy vào yêu cầu sản phẩm. Nhưng những hóa chất tẩy trắng thông thường có thể là H2O2, Na2SiO3, NaOH, NaHSO3, NaOCl, ClO2, O2, O3, hoặc cũng có thể là Cl2(6, 7, 8). Sau quá trình tẩy hàng loạt, các loại hóa chất độc hại sẽ bị thải ra ngoài và phải có hệ thống xử lý. Tuy nhiên, hóa chất độc hại từ các nhà máy sản xuất giấy sau quá trình nấu bột, tẩy bột đều rất khó xử lý được triệt để và để lại hậu quả lớn. Đồng thời, một lượng nước lớn được sử dụng trong quá trình sản xuất giấy và bột giấy. Theo như báo cáo của Thompson thì lượng nước có thể biến đổi rất lớn tùy vào công nghệ và có thể tiêu dùng 60m3/tấn giấy(6, 7).
Dù là sản xuất bột giấy tái chế thì cũng có vô vàn các loại hóa chất độc hại sẽ thải ra ngoài. Ngay cả những nước phát triển, có hệ thống xử lý nước thải vô cùng tiên tiến, cũng vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề về môi trường, huống chi những nước công nghệ còn lạc hậu. Hơn thế nữa, trong thành phần mực, và nước thải từ hệ thống tẩy trắng có nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ thủy sản như: đồng, chì, kẽm, chromium, cadmium(6, 8).
Nói chung, nước thải ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ thủy sinh. Các tài liệu về nước thải nhà máy giấy ra môi trường đều nhắc tới ảnh hưởng đối với cá, tôm cua(2)… và khi con người ăn các loại thủy sản này thì đương nhiên có nguy cơ bị nhiễm độc từ các loại thủy sản đó(2). Hậu Giang, nơi sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thủy sản là rất lớn. Bởi vậy, nếu đặt nhà máy giấy ở đó thì tất nhiên sẽ gây hại không nhỏ tới thủy sản và nguy cơ ảnh hưởng tới người dân trong khu vực là điều không cần phải bàn luận.
Giải pháp
Đối với Formosa gây ra thảm họa môi trường, đã có đủ lý lẽ và minh chứng để dừng dự án nhưng nhà nước ngại ảnh hưởng đến chính sách đầu tư nên mới chỉ cảnh báo nếu tái phạm sẽ đóng cửa nhà máy. Chúng tôi nghĩ, trong thực tế, đây đang là vấn đề “hạ hồi phân giải” chứ chưa “cái quan định luận”.
Đối với Nhà máy giấy Lee & Man, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Việc làm cần nhất lúc này là phải phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bởi vì theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 (Điều 20), do không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, lại thay đổi công suất, thay đổi từ sử dụng nguyên liệu tràm bông vàng sang sử dụng phế liệu giấy (nhập khẩu) v.v… nên việc lập lại báo cáo ĐMT đương nhiên là yêu cầu bắt buộc.
Nếu chủ đầu tư dừng không làm nhà máy bột giấy nữa, thì nguyên liệu mới họ buộc phải mua. Nguồn nguyên liệu nội địa rất bấp bênh về chất lượng và số lượng. Nếu nhập khẩu (giấy phế thải) thì vấn đề an toàn nguyên liệu như thế nào? Trong ĐTM phải xem xét kỹ cả thiết kế dây chuyền công nghệ kỹ thuật của nhà máy giấy.
Công nghệ quy trình sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp của Lee & Man với nguyên liệu là giấy vụn (nhập khẩu) thì có sử dụng chất tẩy (hơn 7 tấn/ngày) và chất nhuộm màu (0,23 kg/tấn giấy thành phẩm), do đó, chắc chắn nước thải có màu, các chất hữu cơ khó phân hủy (có AOX hay không thì tùy thuộc vào chất tẩy trắng có chứa clo (chlorine) không), và hóa chất (có thể có kim loại nặng tùy thuộc vào chất nhuộm sử dụng). Không có công đoạn nấu bột nên không có các loại khí thải như ở nhà máy sản xuất bột giấy, tuy vậy quá trình chuẩn bị bột và xeo giấy vẫn có hơi hydrocarbon. Ngoài ra, còn có nhà máy nhiệt điện hoặc ít ra là phải có lò hơi cung cấp hơi, nên sẽ phát sinh khí thải có SOx, NOx, v.v…
Hiện nay, dây chuyền sản xuất giấy làm bao bì lớn nhất Việt Nam có công suất 240.000 tấn/năm (của Cty TNHH Giấy Kraft Vina, sở hữu của Thái Lan). Trước mắt, Lee & Man chỉ mới triển khai sản xuất giấy làm bao bì từ hòm, hộp các tông đã dùng thu gom từ trong nước và nhập khẩu. Thế mà dây chuyền của Lee & Man sẽ có công suất gần gấp đôi 420.000 tấn/năm, nên khâu nguyên liệu đầu vào càng phức tạp.
Thay cho lời kết
Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần nhiều giấy làm bao bì để phục vụ cho xuất khẩu hàng dệt, da giày, thủy sản. Hiện tại, giấy bao bì trong nước mới đảm bảo được 1/3, còn lại phải nhập. Nếu Lee & Man đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, thì chỉ nên để cho sản xuất giấy bao bì, vì nước thải của bột giấy tái chế không là vấn đề lớn như nhà máy bột giấy mới từ gỗ, hay rơm, rạ.
Xin nhấn mạnh lại, từ Formosa đến Lee & Man, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Vấn đề chính vẫn là nỗi lo về năng lực giám sát, kiểm soát và cưỡng chế thi hành luật của các cơ quan quản lý về môi trường. Ngẫm suy, nếu coi sông Hậu là vùng nhạy cảm (cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản) thì tốt nhất là không nên đầu tư các loại hình dự án có tiềm năng sử dụng nhiều hóa chất.
Tài liệu tham khảo
1. A Decade of Research on the Environmental Impacts of Pulp and Paper Mill Effluents in Canada: Sources and Characteristics of Bioactive Substances, Journal of Toxicology and Environmental Health, Part B, (2006).
2. Levels of Contaminants in Effluent, Sediment, and Biota from Bai Bang, a Bleached Kraft Pulp and Paper Mill in Vietnam (1999).
3. Pulp and Paper Environmental Effects Monitoring in Canada: An Overview (2002)
4. Toxic effects of pulp and paper-mill effluents on male reproductive organs and some systemic parameters in rats (2004).
5. Aquatic toxicity from pulp and paper mill effluents: a review, (2001).
6. Paper making science and Technology, Book 7, Finland (1999)
7. The treatment of pulp and paper mill e.uent: a review.
8. Review on recent developments on pulp and paper mill waste water treatment (2015).
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
TỪ FORMOSA ĐẾN LEE & MAN
Tô Văn Trường
Thực tế lâu nay, Trung Quốc và Việt Nam đều muốn làm giàu bằng mọi giá. Việt Nam đã bán tất cả những gì có thể bán được, còn Trung Quốc vẫn ngoan cố ôm chặt lấy “chủ quyền ở Biển Đông” do cướp được đảo đá của Việt Nam, cậy thế mình nước lớn. Dù sao, cũng có điểm giống nhau, đó là cả hai cùng say mê phát triển kinh tế, tự gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Việt Nam đã nhìn ra vấn đề, cái giá phải trả nên đã bắt đầu chấn chỉnh chính sách đầu tư, không còn muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Dù là thời đại kỹ thuật số thì nhu cầu về giấy vẫn còn rất lớn và việc xây dựng các nhà máy giấy vẫn là việc cần làm, nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ và đúng quy chuẩn về môi trường của mỗi nước.
Nhưng vì sản xuất giấy là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất nên có thể nói, sau thảm họa môi trường cá chết ở biển miền Trung do Formosa gây ra, dư luận lại nổi sóng trước thông tin về Dự án nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang cũng là điều dễ hiểu. Thêm một lần, người ta có quyền lo ngại trước các dự án đầu tư ở Việt Nam dính dáng đến người láng giềng khó chơi phương Bắc.
Kinh nghiệm của thế giới
Canada đứng đầu thế giới trong việc sản xuất giấy từ năm 1926, trong những năm qua kỹ nghệ này gặp khó khăn phải đóng cửa nhiều nhà máy và giảm bớt nhân viên do bây giờ bị sách, báo điện tử cạnh tranh. Theo Hội lịch sử về giấy SHFQ của Quebec (Société d’Histoire Forestier du Québec) thì từ năm 1805 đến nay đã có 122 nhà máy giấy được xây dựng trong tiểu bang, nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại khoảng 42 nhà máy. Ở Canada, UK, Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng môi trường, chất thải của nhà máy giấy và bột giấy tới thủy sinh, chuột và ảnh hưởng tới sức khỏe con người được thực hiện từ những năm 1990 trở lại đây(1-5).
Theo như báo cáo từ Viện Nghiên cứu Nước Quốc gia – Canada thực hiện năm 2007, mặc dù đã có rất nhiều cải tiến trong các nhà máy sản xuất giấy và bột giấy như sử dụng quy trình tẩy trắng ECF, TCF, hay tăng cường giai đoạn xử lý nước thải thứ cấp, thế nhưng chất thải từ các nhà máy bột giấy và giấy vẫn ảnh hưởng tới môi trường thủy sinh như giảm khả năng trao đổi chất, giảm khả năng sinh sản, và sinh dục ở cá(1). Cũng theo như báo cáo này thì thành phần phát thải từ các nhà máy giấy và bột giấy rất đa dạng và khó mà kiểm soát cũng như đánh giá được từ các quá trình sản xuất bột, tẩy trắng.
Vấn đề xử lý môi trường và tìm giải pháp giảm bớt ô nhiễm từ các nhà máy giấy và bột giấy là vấn đề toàn cầu. Một báo cáo khoa học khác tại Việt Nam được thực hiện đánh giá đối với Nhà máy giấy và bột giấy Bãi Bằng, một trong những nhà máy hiện đại nhất hiện nay, cũng cho các kết quả về hàm lượng kim loại nặng tích tụ trong tôm, cua cá(2). Báo cáo này cũng đề cập đến ảnh hưởng của ô nhiễm có từ nhà máy giấy và bột giấy có thể gây tác hại tới sức khỏe con người thông qua tiêu thụ tôm cá tại các dòng sông ô nhiễm. Đối với thực nghiệm trên chuột, người ta nhận thấy hiện tượng giảm cân, giảm tinh trùng, thiếu máu và gây rối loạn chức năng gan và thận ở chuột(4). Còn theo như báo cáo của Ali, và Sreekrishnan(5) thì mặc dù hơn 30 năm phát triển ngành giấy và bột giấy, những vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường trên thế giới thuộc các ngành này vẫn tồn tại, đặc biệt đối với những nước đang phát triển, bởi sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu.
Hơn nữa, việc sử dụng quy trình tẩy sử dụng Cl2 hoặc có dẫn xuất của chlorine. Cũng theo nhóm nghiên cứu của Ali thì mặc dù đã sử dụng những công nghệ tẩy trắng tiên tiến, nhưng qua quá trình đánh giá, kiểm tra họ vẫn phát hiện hàm lượng và thành phần dẫn xuất của Chlorine trong chất thải từ các nhà máy giấy và bột giấy. Bởi vậy, dù sử dụng công nghệ tiên tiến, nhưng những ảnh hưởng của phát thải nhà máy giấy và bột giấy tới thủy sản vẫn chưa giải quyết được. Do đó, đây là vấn đề vô cùng khẩn cấp trong xử lý thải từ các nhà máy giấy và bột giấy(5).
Phải dừng chứ không phải là dự kiến
Trên báo chí đưa tin Bộ Công thương dự kiến đề xuất dừng Dự án nhà máy bột giấy Lee & Man. Công luận và các nhà khoa học từ lâu rồi đã phân tích cảnh báo các hậu họa khôn lường của Nhà máy giấy Lee & Man, cho nên điều rõ ràng là phải dừng chứ không nên trù trừ rằng đây chỉ mới là dự kiến. Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra: dừng nhà máy bột giấy tẩy trắng 165.000 tấn/năm là cấp thiết, nhưng có nên tiếp tục duy trì nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm của Lee & Man?
Thông thường, đối với nhà máy giấy bao bì thì sẽ ít phải sử dụng tới hóa chất tẩy trắng hơn. Đối với nhà máy khử mực, sản xuất giấy chất lượng cao (in/copy, báo chí…) thì yêu cầu đặt ra trong quá trình sản xuất vẫn là có quá trình khử mực, tẩy trắng. Quá trình tẩy trắng có thể có nhiều giai đoạn tẩy trắng khác nhau tùy vào yêu cầu sản phẩm. Nhưng những hóa chất tẩy trắng thông thường có thể là H2O2, Na2SiO3, NaOH, NaHSO3, NaOCl, ClO2, O2, O3, hoặc cũng có thể là Cl2(6, 7, 8). Sau quá trình tẩy hàng loạt, các loại hóa chất độc hại sẽ bị thải ra ngoài và phải có hệ thống xử lý. Tuy nhiên, hóa chất độc hại từ các nhà máy sản xuất giấy sau quá trình nấu bột, tẩy bột đều rất khó xử lý được triệt để và để lại hậu quả lớn. Đồng thời, một lượng nước lớn được sử dụng trong quá trình sản xuất giấy và bột giấy. Theo như báo cáo của Thompson thì lượng nước có thể biến đổi rất lớn tùy vào công nghệ và có thể tiêu dùng 60m3/tấn giấy(6, 7).
Dù là sản xuất bột giấy tái chế thì cũng có vô vàn các loại hóa chất độc hại sẽ thải ra ngoài. Ngay cả những nước phát triển, có hệ thống xử lý nước thải vô cùng tiên tiến, cũng vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề về môi trường, huống chi những nước công nghệ còn lạc hậu. Hơn thế nữa, trong thành phần mực, và nước thải từ hệ thống tẩy trắng có nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ thủy sản như: đồng, chì, kẽm, chromium, cadmium(6, 8).
Nói chung, nước thải ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ thủy sinh. Các tài liệu về nước thải nhà máy giấy ra môi trường đều nhắc tới ảnh hưởng đối với cá, tôm cua(2)… và khi con người ăn các loại thủy sản này thì đương nhiên có nguy cơ bị nhiễm độc từ các loại thủy sản đó(2). Hậu Giang, nơi sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thủy sản là rất lớn. Bởi vậy, nếu đặt nhà máy giấy ở đó thì tất nhiên sẽ gây hại không nhỏ tới thủy sản và nguy cơ ảnh hưởng tới người dân trong khu vực là điều không cần phải bàn luận.
Giải pháp
Đối với Formosa gây ra thảm họa môi trường, đã có đủ lý lẽ và minh chứng để dừng dự án nhưng nhà nước ngại ảnh hưởng đến chính sách đầu tư nên mới chỉ cảnh báo nếu tái phạm sẽ đóng cửa nhà máy. Chúng tôi nghĩ, trong thực tế, đây đang là vấn đề “hạ hồi phân giải” chứ chưa “cái quan định luận”.
Đối với Nhà máy giấy Lee & Man, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Việc làm cần nhất lúc này là phải phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bởi vì theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 (Điều 20), do không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, lại thay đổi công suất, thay đổi từ sử dụng nguyên liệu tràm bông vàng sang sử dụng phế liệu giấy (nhập khẩu) v.v… nên việc lập lại báo cáo ĐMT đương nhiên là yêu cầu bắt buộc.
Nếu chủ đầu tư dừng không làm nhà máy bột giấy nữa, thì nguyên liệu mới họ buộc phải mua. Nguồn nguyên liệu nội địa rất bấp bênh về chất lượng và số lượng. Nếu nhập khẩu (giấy phế thải) thì vấn đề an toàn nguyên liệu như thế nào? Trong ĐTM phải xem xét kỹ cả thiết kế dây chuyền công nghệ kỹ thuật của nhà máy giấy.
Công nghệ quy trình sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp của Lee & Man với nguyên liệu là giấy vụn (nhập khẩu) thì có sử dụng chất tẩy (hơn 7 tấn/ngày) và chất nhuộm màu (0,23 kg/tấn giấy thành phẩm), do đó, chắc chắn nước thải có màu, các chất hữu cơ khó phân hủy (có AOX hay không thì tùy thuộc vào chất tẩy trắng có chứa clo (chlorine) không), và hóa chất (có thể có kim loại nặng tùy thuộc vào chất nhuộm sử dụng). Không có công đoạn nấu bột nên không có các loại khí thải như ở nhà máy sản xuất bột giấy, tuy vậy quá trình chuẩn bị bột và xeo giấy vẫn có hơi hydrocarbon. Ngoài ra, còn có nhà máy nhiệt điện hoặc ít ra là phải có lò hơi cung cấp hơi, nên sẽ phát sinh khí thải có SOx, NOx, v.v…
Hiện nay, dây chuyền sản xuất giấy làm bao bì lớn nhất Việt Nam có công suất 240.000 tấn/năm (của Cty TNHH Giấy Kraft Vina, sở hữu của Thái Lan). Trước mắt, Lee & Man chỉ mới triển khai sản xuất giấy làm bao bì từ hòm, hộp các tông đã dùng thu gom từ trong nước và nhập khẩu. Thế mà dây chuyền của Lee & Man sẽ có công suất gần gấp đôi 420.000 tấn/năm, nên khâu nguyên liệu đầu vào càng phức tạp.
Thay cho lời kết
Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần nhiều giấy làm bao bì để phục vụ cho xuất khẩu hàng dệt, da giày, thủy sản. Hiện tại, giấy bao bì trong nước mới đảm bảo được 1/3, còn lại phải nhập. Nếu Lee & Man đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, thì chỉ nên để cho sản xuất giấy bao bì, vì nước thải của bột giấy tái chế không là vấn đề lớn như nhà máy bột giấy mới từ gỗ, hay rơm, rạ.
Xin nhấn mạnh lại, từ Formosa đến Lee & Man, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Vấn đề chính vẫn là nỗi lo về năng lực giám sát, kiểm soát và cưỡng chế thi hành luật của các cơ quan quản lý về môi trường. Ngẫm suy, nếu coi sông Hậu là vùng nhạy cảm (cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản) thì tốt nhất là không nên đầu tư các loại hình dự án có tiềm năng sử dụng nhiều hóa chất.
Tài liệu tham khảo
1. A Decade of Research on the Environmental Impacts of Pulp and Paper Mill Effluents in Canada: Sources and Characteristics of Bioactive Substances, Journal of Toxicology and Environmental Health, Part B, (2006).
2. Levels of Contaminants in Effluent, Sediment, and Biota from Bai Bang, a Bleached Kraft Pulp and Paper Mill in Vietnam (1999).
3. Pulp and Paper Environmental Effects Monitoring in Canada: An Overview (2002)
4. Toxic effects of pulp and paper-mill effluents on male reproductive organs and some systemic parameters in rats (2004).
5. Aquatic toxicity from pulp and paper mill effluents: a review, (2001).
6. Paper making science and Technology, Book 7, Finland (1999)
7. The treatment of pulp and paper mill e.uent: a review.
8. Review on recent developments on pulp and paper mill waste water treatment (2015).
T.V.T.
Tác giả gửi BVN