Dòng sông Nile huyền thoại đã tạo ra một trong những nền văn minh sớm và lẫy lừng nhất thế giới, với những thành tựu vĩ đại về kiến trúc, thiên văn và khoa học. Cách thức xây dựng những kim tự tháp hùng vĩ hay lý do người Ai Cập ướp xác vẫn còn là bí ẩn lớn với các nhà khoa học.
Xác ướp được bảo quản gần như nguyên vẹn sau hàng ngàn năm. Ảnh: Discovery.com. |
Giới khoa học nhất trí rằng, người Ai Cập cổ đại tin một phần tinh thần của con người sẽ gắn liền vĩnh viễn với sự tồn tại của cơ thể. Vì thế, con người phải bảo vệ cơ thể để linh hồn trường tồn ở thế giới bên kia vì nếu cơ thể phân hủy, linh hồn của người đó sẽ không toàn vẹn.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán người Ai Cập cổ đại nảy ra ý tưởng ướp xác hoàn toàn do sự tình cờ. Cát và không khí nóng của sa mạc làm khô những thi thể bị chôn vùi phía dưới, giúp chúng tồn tại rất lâu so với xác bình thường. Nhiều khả năng người Ai Cập cổ đại nghĩ ra cách thức làm khô cơ thể từ những vật liệu mà họ có.
Xác ướp chính là nơi ẩn náu của linh hồn người Ai Cập cổ đại ở thế giới bên kia. Ảnh: Wikipedia. |
Tuổi thọ trung bình của một người Ai Cập cổ đại chỉ khoảng 40 năm. Chính vì lẽ đó, họ quan niệm, chuẩn bị cho cuộc sống dài lâu và hạnh phúc ở thế giới bên kia mới thực sự là việc đáng chú trọng. Ướp xác ở Ai Cập cổ đại không chỉ là xu thế, mà còn thể hiện rõ đẳng cấp trong xã hội.
Tuy nhiên, ướp xác không dành cho mọi người dân Ai Cập. Chi phí đắt đỏ khiến ướp xác trở thành đặc quyền của những người giàu và quyền lực trong xã hội. Pharaoh, các thành viên hoàng tộc, tầng lớp quý tộc và giới thượng lưu chắc chắn được ướp xác, còn những người thuộc tầng lớp trung lưu phải trả tiền. Những người thuộc tầng lớp thấp hơn gần như không có cơ hội uớp xác.
Quách chứa xác ướp các vị pharaoh Ai Cập. Ảnh: Wikipedia. |
Người Ai Cập cổ đại đã ướp xác khoảng 70 triệu người trong hơn 3.000 năm. Tuy nhiên, người ta tìm thấy rất ít xác ướp bởi chúng hư hại trong quá trình tồn tại do việc bảo quản không chu đáo hoặc sự can thiệp của con người nhằm phục vụ mục đích khoa học. Ngoài ra những tên trộm cũng xâm hại nhiều xác ướp.
Ngoài ra, các nhà khoa học phát hiện một trường hợp xác ướp bốc cháy do tương tác giữa các loại dầu mà người xưa dùng để ướp xác. Đó là thi thể Tutankhamun, vị pharaoh thiếu niên của Ai Cập qua đời năm 1323 trước Công nguyên.