Phim mới của Tom Cruise khó có thể coi là một bộ phim đúng nghĩa.
Hãng phim Universal có kế hoạch sao chép phim Marvel bằng cách đưa ra một 'vũ trụ chung' giống như bối cảnh trong các phim bom tấn khác có cùng chủ đề.
Nhưng thay vì nói về những siêu anh hùng, các phim được gọi là 'Vũ trụ Đen' lại nói về Người Vô hình (The Invisible Man), Người Sói (The Wolfman) và các quái vật kinh điển khác trong loạt phim của Universal.
Từ tường thành La Mã tới bức tường ông Trump
Choáng ngợp trước những bức tranh do tử tù vẽ
Xác ướp (The Mummy) lãnh nhiệm vụ khởi động cho loạt các câu chuyện này. Thay vì có cốt truyện trọn vẹn thì nó lại dành phần lớn thời gian để giới thiệu về các khái niệm, bối cảnh sẽ có trong các cảnh quay của Vũ trụ Đen sắp ra mắt. Và nó dừng ở một cái kết mở, mà nếu người ta để dòng chữ 'còn tiếp' ở cuối phim cũng thích hợp.
Ta có thể coi nó như một đoạn giới thiệu, hay một tập thử nghiệm cho loạt phim truyền hình sắp ra mắt, nhưng nếu gọi là một bộ phim thì đó là bộ phim đáng bị đem chôn vùi vào bên trong lòng kim tự tháp vài ngàn năm.
Ngay cả nếu The Mummy không đưa ra tí gì về Vũ trụ Đen, thì nó cũng là một sản phẩm vụng về.
Một thứ hỗn độn những cảnh quay gay cấn gây hồi hộp với bầu không khí rùng rợn-hài-khoa học giả tưởng-gián điệp-thảm họa của Alex Kurtzman với đầy những nhân vật có đức tin và năng lực đặc biệt thay đổi như chong chóng, rồi kết thúc đột ngột bằng những chuỗi hành động khó hiểu. Không thể lý giải nổi là các nhân vật di chuyển từ chỗ này tới chỗ kia bằng cách nào.
Có lẽ một phần là bởi có đến sáu tác giả kịch bản, theo những gì hiện lên ở phần giới thiệu. Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên gì nếu như mỗi người trong số họ viết chừng 20 trang mà hoàn toàn không buồn ngó qua xem ý tưởng năm người kia viết ra là gì.
Để bạn dễ hình dung hơn, thì The Mummy là bộ phim nói về một nữ phù thủy Ai Cập cổ đại, thế nhưng cảnh mở màn lại là hình ảnh các chiến binh Thập tự chinh thời thế kỷ 12 ở Anh.
Rồi nhảy đến cảnh thời nay, khi hầm mộ của các chiến binh Thập tự chinh đó được phát hiện ra bên dưới những con phố của London.
Cung điện dành cho người điên ở London
Những ý nghĩa kinh ngạc đằng sau mũ trùm đầu trắng
Khoảnh khắc phóng viên ảnh bỏ máy cứu người
Sự phát hiện này lại là dấu vết để cho một giáo sư bệ vệ, đỏm dáng (Russell Crowe thủ vai) vừa sải bước vừa kể về nữ phù thủy Ai Cập cổ đại nêu trên. Sau đó, có ai đó nói rằng câu chuyện về nữ phù thủy đã bị "xóa khỏi sách giáo khoa lịch sử". Ấy vậy mà ngạc nhiên thay, vị giáo sư lại biết thật chi tiết, tỏ tường!
Chỉ sau khi vị giáo sư kể lể xong hết thì bộ phim mới nhảy sang cảnh sa mạc ở Iraq, và cuối cùng thì chúng ta cũng gặp được nhân vật Nick Morton do Tom Cruise thủ vai, một binh nhì trong quân đội Mỹ, kẻ chuyên trộm cắp đồ cổ đem ra bán ở thị trường chợ đen.
Chàng, nói một cách ngắn gọn, là một kẻ lừa đảo đáng ghê tởm, nhưng cũng giống như nhiều tay không ra gì, chỉ biết đến bản thân mà Cruise từng thủ vai, chàng dễ dàng được tha thứ bởi a) chàng cứ cởi phăng áo ra, b) chàng chạy rất cừ, và c) chàng đã học để trở thành người tử tế vào cuối phim.
Đáng buồn là ở tuổi 53 thì tài tử điện ảnh của chúng ta đã trở nên quá già cho vai diễn, ít nhất là già mất mười hay hai mươi năm. Nếu như có ai đó vẫn tiếp tục đánh cắp và bắt nạt người khác như Morton khi đã ở đội tuổi gần 60, thì người ta khó lòng mà nghĩ khác đi được, rằng đó hẳn là một kẻ chẳng ra gì.
Rốt cuộc, chàng và nhà khảo cổ tóc vàng / mối quan tâm tình ái (Annabelle Wallis, người tất nhiên là trẻ hơn bạn diễn tới 20 tuổi) lọt vào một nơi không hẳn là một mộ cổ thú vị gì, và tình cờ khiến cho nàng công chúa con gái của một pharaoh, vị vua Ai Cập cổ đại, Ahmanet (do Sofia Boutella thủ vai), người bị ám lời nguyền, sống lại. (Thật ra chính là do lỗi của Morton, và nó dẫn tới cái chết và cảnh phá hủy thê thảm, nhưng chả thấy ai phàn nàn gì về chàng cả).
'Hố tử thần' là điềm báo tương lai?
Những lời tiên tri nói đúng tương lai từ 40 năm trước
Khi công chúa không có eo thon và cặp chân dài
'Yêu' robot có đồng nghĩa với việc ngoại tình?
Được quấn bằng những dải băng chỉ vừa đủ để nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng nàng là một xác ướp, nhưng không đủ để che cho hết những hình vẽ nguệch ngoạc có đầy trên cơ thể, Ahmanet dấn thân vào việc báo thù, trong đó có liên quan tới một lưỡi dao găm thần kỳ.
Tất cả những thứ đó không hề có tí gì gọi là hợp lý!
Bộ phim đưa đến cho người xem toàn những cảnh rượt đuổi, các vụ nổ, những xác sống và hồn ma; cũng có một vài dòng thoại thú vị, đôi ba chỗ có những khoảnh khắc gay cấn, rùng rợn, nhưng giữa những phân đoạn khiến người xem đau đầu và những cảnh ảo giác, lời dẫn chuyện có lẽ sẽ dễ theo dõi hơn nếu như nó được viết bằng chữ tượng hình.
Chẳng hạn như có lúc một đoàn xác sống rã ra thành đám bụi được dựng bằng máy tính, nhưng phim thì chẳng buồn giải thích tại sao, hay làm thế nào mà chuyện đó lại diễn ra.
Cho nên cũng không có gì lấy làm ngạc nhiên khi ngay cả người siêu tự tin như Cruise cũng tỏ ra sửng sốt và bối rối đến chừng một nửa thời lượng phim.
Trong những phút cuối cùng của phim, khi Morton thầm thì "Tôi chả hiểu mình đang làm gì", thì mọi sự giống như lời khẩn cầu kêu gọi trợ giúp.
Khán giả cảm thấy nhẹ cả người khi chàng tới được 'hang ổ' hoạt động săn phù thủy của vị giáo sư tại London, và Xác Ướp bắt đầu hành động phù hợp với những nội dung trong Vũ trụ Đen mà nàng công chúa bị ám lời nguyền phải chịu.
Ít ra thì trong phần này còn có chút hợp lý. Crowe - nỗ lực thể hiện không chỉ một mà là hai ngữ điệu Anh đầy đau đớn - nói về những quái vậ ác độc đang nhòm ngó Vũ trụ Đen. Và trong khi các cảnh nhão nhợt của vị giáo sư này có vẻ như được chôm thẳng từ The League of Extraordinary Gentleman, thì chúng lại có vẻ gây đủ mức chọc cười để người xem thích thú.
Có lẽ rốt cuộc thì sự pha trộn quái vật xuất hiện trong nhiều phim khác nhau của Universal không đến nỗi quá đáng sợ. Nhưng chúng ta cũng chớ nên phấn khích. Nếu như Vũ trụ Đen có lúc nào trở nên hấp dẫn như Marvel của Cinematic Universe, thì các bộ phim tiếp theo sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với phim này.
Cho điểm xếp hạng: 1 sao.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.