Diễn
tiến sắp tới của cuộc chiến tranh ở Ukraina sẽ ra sao ? Các chuyên gia
đưa ra bốn giả thiết trên L’Express. Về phía Matxcơva, các nước cộng hòa
thuộc Liên Xô cũ ngày càng giữ khoảng cách xa hơn với một nước Nga
không còn « quyền lực mềm », cũng như sức mạnh quân sự để có thể thống
trị khu vực.
Đài Bắc trước móng vuốt Trung Quốc
Về châu Á, Courrier International dịch bài viết của Financial Times giải thích « Vì sao cần phải giúp Đài Loan ‘thoát khỏi móng vuốt của Bắc Kinh’ ».
Câu hỏi không hề trừu tượng : cuối tuần trước, Bắc Kinh đã tập trận
oanh kích và bao vây hòn đảo. Tổng thống Joe Biden đã bốn lần khẳng định
sẽ can thiệp nếu Trung Quốc tấn công. Tại sao một nước Mỹ đã chán ngán
chiến tranh lại đe dọa sẽ chiến đấu với Trung Quốc, cũng là cường quốc
nguyên tử ?
Ở
Hoa Kỳ, có những ý kiến chỉ trích ý định này và tại châu Âu, tổng thống
Pháp Emmanuel Macron cũng hàm ý là không muốn dính líu vào một cuộc
khủng hoảng không phải của mình. Thực tế chẳng có mấy ai chờ đợi các
quân đội châu Âu can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột vì Đài Loan.
Nhưng thái độ của các chính khách như ông Macron là quan trọng, vì Bắc
Kinh sẽ phải cân nhắc cái giá về kinh tế và ngoại giao cho cuộc xâm
lăng.
Ba lý do để bảo vệ Đài Loan
Bài
viết đưa ra ba lý do cho việc bảo vệ Đài Loan : tương lai của tự do
chính trị, cân bằng lực lượng, và kinh tế thế giới. Đảng cộng sản lập
luận rằng chế độ độc đảng là lý tưởng cho Trung Quốc, các giá trị tự do
dân chủ mà Hoa Kỳ quảng bá sẽ là thảm họa trong một nền văn hóa cộng
đồng Trung Hoa. Nhưng Đài Loan, xã hội phát triển và thịnh vượng là bằng
chứng sống động cho thấy văn hóa Trung Hoa tương thích với nền dân chủ.
Sự hiện diện của đảo quốc giúp hình dung ra một cung cách quản trị khác
trong tương lai cho Hoa lục.
Bắc
Kinh đã đè bẹp khát vọng dân chủ của Hồng Kông. Nếu để cho Tập Cận Bình
hành động tương tự với Đài Loan, độc tài sẽ được tăng cường đối với tất
cả cộng đồng người Hoa, giúp Hán hóa về chính trị trên toàn thế giới.
Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có nhiều nước dân chủ thịnh vượng như Nhật
Bản, Hàn Quốc, Úc ; tất cả lệ thuộc vào việc bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ.
Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, sẽ là đòn khủng khiếp cho sức mạnh Mỹ
trong vùng.
Sự
thống trị của Bắc Kinh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ tác động lên toàn
cầu, vì khu vực này chiếm 2/3 dân số và GDP thế giới. Trung Quốc hoàn
toàn có thể vượt qua Hoa Kỳ, trở thành đại cường số một trên hành tinh.
Châu Âu vốn đang dựa vào sự trợ giúp của Mỹ để đối phó với Nga, không
thể bình an vô sự trước sự thay đổi này. Kiểm soát được việc sản xuất
chất bán dẫn tân tiến nhất hiện nay, Bắc Kinh có thể bóp nghẹt kinh tế
thế giới. Financial Times kết luận, không ai mong muốn chiến
tranh diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ngày nay, cũng như trong quá
khứ, đôi khi cần phải chuẩn bị chiến tranh - để bảo đảm hòa bình.
Bắc Kinh tấp nập khách, Macron chịu búa rìu dư luận sau chuyến công du
L’Obs nhận thấy « Mọi nẻo đường đều dẫn đến Bắc Kinh ».
Khi tổng thống Pháp đang thăm thủ đô Trung Quốc, hai ngoại trưởng Ả Rập
Xê Út và Iran ký bình thường hóa bang giao dưới sự bảo trợ của ông Tập.
Vài ngày trước đó, thủ tướng Tây Ban Nha rồi tới đồng nhiệm Malaysia
thăm Trung Quốc dù đang bất đồng về chủ quyền trên Biển Đông. Ngoại
trưởng Honduras cũng đến « trình diện » sau khi trở mặt với Đài Loan –
một ví dụ mới nhất về « ngoại giao chi phiếu ». Làm thế nào có sự nhộn
nhịp như vậy sau ba năm Trung Quốc tự cô lập, Tập Cận Bình khẳng định
tình hữu nghị với Vladimir Putin và căng thẳng với Mỹ về vụ khinh khí
cầu gián điệp ?
Nghịch
lý này là do sự xáo trộn lại trật tự quốc tế. Một Trung Quốc tân đế
quốc không có đồng minh, chỉ có lợi ích. Với Putin, là cùng chống lại
phương Tây ; với châu Âu, nhân danh « đa cực » ; với các nước phương Nam
nhằm phá vỡ con đê ngăn chận của Mỹ. Và cuối cùng, Đài Loan là tâm điểm
của tham vọng Bắc Kinh, như báo Nhân Dân vừa tái khẳng định. Với chiến
lược ngoại giao đa diện này, Trung Quốc tung ra mọi công cụ gây ảnh
hưởng, trước hết là sự thu hút của thị trường khổng lồ.
Về phía ông Emmanuel Macron tiếp tục bị chỉ trích sau chuyến công du Bắc Kinh. L’Express nói về « Đài Loan, sai lầm chiến lược của Macron ».
Cũng như không thể tỏ ra trung lập giữa Ukraina và kẻ xâm lăng Nga, cần
phải chọn bên trong hồ sơ Đài Loan. Chính vì để tránh châu Âu đi theo
đường lối cứng rắn của Hoa Kỳ mà Tập Cận Bình đã trải thảm đỏ tiếp
Macron trong suốt ba ngày.
The Economist
cho rằng thật ra tổng thống Pháp có lý khi đi thăm Trung Quốc, nhưng
sai lầm thứ nhất của ông là tạo điều kiện cho ý đồ chia rẽ châu Âu với
Hoa Kỳ, kế tiếp là làm ảnh hưởng đến sự ủng hộ của đồng minh dành cho
Đài Loan. Ông ngỡ rằng có thể một mình bảo vệ được tự do dân chủ và các
công nghệ mũi nhọn, nhưng đó là ảo tưởng. Sát cánh với nhau, Mỹ và châu
Âu được tiếp thêm sức mạnh, còn nếu hành động riêng rẽ, thì sẽ mở đầu
cho một « thế kỷ Trung Hoa ».
Việt Nam, khách hàng của Nga sẽ quay sang mua vũ khí Mỹ ?
Liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, The Diplomat nhận
xét Hoa Kỳ muốn nâng cấp quan hệ, nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ ra
thận trọng để đề phòng phản ứng từ Trung Quốc. Ông Blinken ghé Hà Nội
trước khi đến Tokyo dự cuộc họp của nhóm G7, đây là chuyến thăm Việt Nam
đầu tiên của ông kể từ khi tham gia chính quyền Biden. Trong chuyến
công du nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập « quan hệ đối tác toàn diện »,
ngoại trưởng Mỹ chính thức động thổ xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán
Hoa Kỳ trị giá 1,2 tỉ đô la, với thiết kế lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long.
Trước
thực tế quan hệ Mỹ-Việt đã được cải thiện đều đặn trong những năm gần
đây, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, các quan chức Việt Nam có thể cho
rằng họ đã được hưởng lợi, vậy tại sao lại chọc giận Trung Quốc ? Nếu
nâng cấp quan hệ, đó là do phía Việt Nam thấy rằng lợi ích nhiều hơn cái
giá phải trả. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao tháng trước nói rằng
sự thay đổi sẽ diễn ra « vào thời điểm thích hợp ».
Muốn
giữ quan hệ bền chặt với phương Tây để làm đối trọng với sức mạnh kinh
tế và quân sự của nước láng giềng phương Bắc, Hà Nội duy trì quan hệ với
Bắc Kinh đồng thời liên kết với càng nhiều quốc gia khác càng tốt. Dù
tranh chấp Biển Đông, đảng cộng sản hai nước có mối quan hệ chính trị
lâu dài. Những gì Việt Nam mong đợi từ Hoa Kỳ (quyền tự chủ chiến lược,
tăng trưởng kinh tế và duy trì sự cai trị của đảng) khác với những gì
Hoa Kỳ mong muốn từ mối quan hệ với Việt Nam (một đối tác trong việc
ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc).
Dù
được mang tên như thế nào đi nữa, quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ tiếp tục
phát triển một cách thực chất trong các lĩnh vực đôi bên cùng quan tâm.
Reuters dẫn lời chuyên gia Murray Hiebert, Trung tâm Nghiên cứu Chiến
lược Quốc tế (CSIS) cho biết, hai nước có thể tăng cường hợp tác quân
sự, kể cả việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Việt Nam thay cho nguồn Nga
lâu nay.
Thiếu lao động, Nhật Bản cởi mở hơn với nhân công nhập cư
Cũng tại châu Á nhưng trên lãnh vực xã hội, L’Express cho biết « Do thiếu hụt nhân công, Nhật Bản đã chiều chuộng những di dân hiếm hoi như thế nào ». Tuần
báo dẫn lời Mai Thị Phương, một trong số chín nhân viên người nước
ngoài trên tổng số 236 người của công ty xây dựng Ishikawa ở Ohta, miền
trung nước Nhật. Được nhận vào làm ở bộ phận quan hệ công chúng từ năm
2020, cô rất vui vì công ty thường tổ chức nhiều sự kiện thú vị như thăm
bảo tàng, picnin. Còn Phan Hữu Thiết, được tuyển từ năm 2018, công ty
giúp lo visa, tìm chỗ ở và tài trợ cho khóa học tiếng Nhật. Ishikawa có
văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuyển dụng trong giới sinh viên Việt
Nam. Giám đốc điều hành Kazu Amagasa nói : « Người Việt giỏi hơn người Nhật về toán và khoa học, họ cũng có năng lực giao tiếp tốt ».
Tokyo
bắt đầu cởi mở đôi chút vào đầu thập niên 90, cấp visa cho con cháu
những nông dân Nhật di cư sang Brazil và Pêru từ đầu thế kỷ 20. Những
lao động này làm việc tại các dây chuyền lắp ráp xe hơi. Nhưng mỗi lần
xảy ra khủng hoảng như năm 2008, họ lại lũ lượt kéo về nước. Huy động cả
phụ nữ và người lớn tuổi vẫn không đủ, đến 2018 chính phủ Nhật Bản chấp
nhận cho tuyển người nước ngoài trong những lãnh vực như y tế, nông
nghiệp hay đóng tàu. Tháng Hai năm nay, thủ tục cấp quy chế thường trú
cho các nhà nghiên cứu và kỹ sư ngoại quốc được giảm nhẹ. Đến cuối 2022,
Nhật Bản có trên 3 triệu người nhập cư, gấp ba lần so với thập niên 90
nhưng vẫn chưa đủ cho nhu cầu.
Bốn kịch bản cho chiến tranh Ukraina
Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, diễn tiến sắp tới sẽ ra sao ? L’Express cho biết các chuyên gia đưa ra bốn giả thiết.
Thứ
nhất : Ukraina xuyên thủng được hàng phòng ngự của Nga sau nhiều tuần
lễ nỗ lực. Đối với nhiều nhà quan sát, đây là kịch bản có khả năng diễn
ra nhất. Tướng Ben Hodge, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu lưu ý các
xe tăng Leopard 2 và các vũ khí hạng nặng khác của phương Tây mà Kiev
nhận được từ đầu năm đều lợi hại hơn vũ khí Nga. Hai nơi thuận lợi nhất
để tấn công là Donetsk và bờ phía đông Kherson với trở ngại thiên nhiên
là sông Dniepr, có thể kể cả Luhansk và Zaporijia. Nhà nghiên cứu Yohann
Michel của IISS nhấn mạnh Kiev có thể tiến ở vùng bình nguyên này nhưng
chỉ từng bước nhỏ. Tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng phái đoàn Pháp
tại Liên Hiệp Quốc nói thêm, cho dù không đến được biển Azov để cắt mặt
trận Nga làm đôi, sự đột phá này cho phương Tây thấy vũ khí viện trợ
mang lại lợi thế, và giúp lực lượng Ukraina lên tinh thần.
Thứ
hai : Mặt trận Nga sụp đổ. Đây là kịch bản mơ ước của Kiev, họ có thể
buộc quân Nga phải rút chạy như cuộc tấn công bất ngờ ở Kharkiv hồi
tháng Chín, và tiến tới biển Azov. Sẽ là thảm họa cho Nga vì Crimée và
các lãnh thổ chiếm đóng ở phía bắc chỉ có thể được tiếp tế thông qua cầu
Kertch. Giáo sư Tomas Ries ở Stockholm cho rằng quân Nga có thể suy
sụp, chế độ Kremlin rúng động. Vấn đề là liệu Putin có thể trụ lại được
hay không. Tình hình này hoàn toàn thuận lợi cho tổng thống Volodymyr
Zelensky với quyết tâm tái chiếm lãnh thổ kể cả Crimée, chiến thắng nằm
trong tầm tay.
Thứ ba : Sa lầy, kịch bản này bất lợi cho Ukraina vì theo tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy lữ đoàn thiết giáp số 7, « không loại trừ khả năng Nga phòng thủ giỏi hơn tấn công ». Hơn
nữa, sợ bị Kiev phản công, quân Nga đã ra sức xây đắp công sự từ mùa
thu, với mìn, « răng rồng » (những trụ bê-tông chống xe tăng), chiến hào
khắp các lãnh thổ chiếm đóng. Ông Tomas Ries lo rằng nếu bế tắc, một số
nước phương Tây có thể thúc hối đàm phán với Nga, và Putin tìm cách áp
đặt điều kiện. Còn theo tướng Richoux, « mối nguy lớn nhất là biến thành
xung đột đóng băng như Donbass năm 2014 », giúp Nga tạm nghỉ để củng cố
và vài năm sau đánh tiếp.
Thứ
tư : Nga thắng thế. Kịch bản trong mơ của Matxcơva ít có khả năng diễn
ra nhất, theo các chuyên gia. Giáo sư Ries khẳng định giả thiết này khó
thể thành sự thực trong ngắn hạn. Nga đã kiệt sức, không đủ quân số để
tấn công quy mô, mất ít nhất 1.900 xe tăng nên phải vét kho đưa cả những
chiếc T-54 và T-55 già nua ra trận. Còn nếu Trung Quốc tiếp sức cho
Nga ? Tướng Trinquand bác khả năng này vì thiệt hại kinh tế cho Bắc Kinh
rất nặng khi bị phương Tây trừng phạt. Tướng Richoux nhắc lại, từ 9
tháng qua quân Nga vẫn giậm chân tại chỗ ở Bakhmut. Tại thành phố nhỏ bé
có 70.000 dân trước chiến tranh, có hơn 30.000 lính Nga đã bỏ xác hoặc
bị thương.
Cái chết lần thứ nhì của Liên Xô
Les Echos cuối tuần phân tích « Putin và cái chết thứ hai của Liên bang Xô viết ».
Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ngày càng giữ khoảng cách xa hơn với
một nước Nga không còn « quyền lực mềm » cũng như sức mạnh quân sự để
thống trị trong khu vực. Khi mèo Nga không còn nữa, những chú chuột
khiêu vũ ! Ba mươi hai năm sau khi Liên Xô đột tử, người ta lại chứng
kiến cơ cấu địa chính trị kế thừa của đế chế này qua đời. Vết rạn từ
lịch sử đã trở nên nứt toác, khi cuộc xâm lăng Ukraina cho người dân và
chính quyền các nước chư hầu cũ thấy được mặt thật của Putin.
Dù
cuộc chiến kết thúc như thế nào đi nữa, Matxcơva đã « mất » hẳn
Ukraina. Người dân nước này phải nhiều thế hệ nữa mới có thể tha thứ cho
những tội ác của Kremlin. Sẽ không còn có chuyện buôn bán với quốc gia
trước kia là đối tác lớn nhất : thương mại song phương đã giảm đi …15
lần kể từ 2014. Và Kiev hy vọng gia nhập NATO, tổ chức đã có mặt 14 quốc
gia từng là thành viên Hiệp ước Vacxava.
Không
chỉ Ukraina, có đến 85 % người dân Gruzia muốn nước mình là thành viên
Liên Hiệp Châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Moldova dù hết sức
tránh làm phật lòng Matxcơva, nhưng vẫn bị dọa « cùng chung số phận với Kiev »,
thế nên bỗng chốc Chisinau muốn xin vào NATO. Kremlin chẳng khác một
ông chồng đánh vợ rồi ngạc nhiên khi thấy cô ta đòi ly dị. Còn tại Trung
Á, sân sau truyền thống, Matxcơva chừng như nếm mùi « khoảnh khắc
Suez » như Anh-Pháp thập niên 50. Mặc dù trong tay vẫn còn những đòn bẩy
như dầu khí, hợp đồng vũ khí, điện, viễn thông…nhưng Nga nay phải học
cách sống không có chư hầu. Tuy nhiên ông chủ điện Kremlin vẫn cố thủ
trong boong-ke của mình, cho rằng Liên Xô sụp đổ là « thảm họa địa chính
trị lớn nhất thế kỷ 20 ».
Các vấn đề xã hội Pháp
Các tuần báo Pháp kỳ này tập trung vào thời sự trong nước. L’Obs chạy tựa « Sách Đen của Bolloré », chỉ trích nhà tỉ phú Vincent Bolloré đang có tham vọng « xây dựng một đế chế truyền thông phục vụ cho khuynh hướng cực kỳ bảo thủ ». Le Point nói về « Vụ Polanski » :
46 năm sau khi bị đạo diễn nổi tiếng Roman Polanski cưỡng hiếp lúc mới
13 tuổi, tờ báo tổ chức cuộc đối thoại giữa nạn nhân Samantha Geimer và
người vợ của thủ phạm, nghệ sĩ Emmanuelle Seigner. L’Express
đưa ra một vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học : di truyền ảnh
hưởng như thế nào lên sức khỏe, và cả giáo dục hay bất bình đẳng xã hội.
Hồ sơ của Courrier International tuần này được dành cho « Người cao tuổi và tương lai trước mặt », họ đã về hưu nhưng rất năng động.