Trung
Quốc cần có khả năng bắn hạ các vệ tinh Starlink ở quỹ đạo thấp và bảo
vệ xe tăng, trực thăng trước các phi đạn vác vai Javelin, theo các nhà
nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu về cuộc chiến của Nga ở
Ukraine trong việc lập kế hoạch cho cuộc xung đột có thể xảy ra với các
lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo ở châu Á.
Reuters xem xét gần 100 bài
báo trong hơn 20 tạp chí quốc phòng cho thấy một nỗ lực trong toàn bộ
tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc nhằm xem xét kỹ lưỡng tác động
của vũ khí và công nghệ Hoa Kỳ có thể được triển khai chống lại lực
lượng Trung Quốc trong cuộc chiến ở Đài Loan.
Các tạp chí tiếng
Trung Quốc, cũng xem xét các hoạt động phá hoại của Ukraine, phản ánh
công việc của hàng trăm nhà nghiên cứu trên mạng lưới các trường đại học
liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), các nhà sản xuất vũ
khí thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức nghiên cứu tình báo quân sự.
Trong
khi các quan chức Trung Quốc đã tránh bất kỳ bình luận chỉ trích công
khai nào về các hành động hoặc hiệu suất chiến trường của Moscow khi họ
kêu gọi hòa bình và đối thoại, các bài báo công khai trên tạp chí đánh
giá thẳng thắn hơn về những thiếu sót của Nga.
Bộ Quốc phòng Trung
Quốc không trả lời yêu cầu bình luận. Reuters không thể xác định các
kết luận này phản ánh chặt chẽ như thế nào suy nghĩ của các nhà lãnh đạo
quân sự Trung Quốc.
Hai tùy viên quân sự và một nhà ngoại giao
khác quen thuộc với các nghiên cứu quốc phòng của Trung Quốc cho biết
Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình,
cuối cùng đặt ra và chỉ đạo các nhu cầu nghiên cứu. Và rõ ràng khối
lượng tài liệu cho thấy rằng Ukraine là một cơ hội cho giới lãnh đạo
quân sự muốn nắm bắt. Ba người này và các nhà ngoại giao khác đã nói
chuyện với Reuters với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo
luận công khai về công việc của mình.
Một quan chức quốc phòng Hoa
Kỳ nói với Reuters rằng bất chấp những khác biệt với tình hình ở Đài
Loan, cuộc chiến Ukraine mang đến những hiểu biết sâu sắc cho Trung
Quốc.
“Một bài học quan trọng mà thế giới nên rút ra từ phản ứng
nhanh chóng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm lược của Nga tại
Ukraine là sự gây hấn sẽ ngày càng gặp phải sự thống nhất trong hành
động”, quan chức giấu tên cho biết.
Nhìn vào Starlink
Nửa
tá bài báo của các nhà nghiên cứu PLA nhấn mạnh mối quan tâm của Trung
Quốc về vai trò của Starlink, một mạng lưới vệ tinh được phát triển bởi
công ty thám hiểm không gian SpaceX có trụ sở tại Hoa Kỳ của ông Elon
Musk, trong việc đảm bảo thông tin liên lạc của quân đội Ukraine trong
bối cảnh các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga vào lưới điện của nước
này.
“Hiệu suất tuyệt vời của các vệ tinh ‘Starlink’ trong cuộc
xung đột Nga-Ukraine này chắc chắn sẽ khiến Mỹ và các nước phương Tây sử
dụng ‘Starlink’ rộng rãi” trong các hành động thù địch có thể xảy ra ở
châu Á, một bài báo tháng 9 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật
Quân đội của PLA cùng viết.
Các tác giả cho rằng việc Trung Quốc -
vốn có mục tiêu phát triển mạng lưới vệ tinh tương tự của riêng mình -
tìm cách bắn hạ hoặc vô hiệu hóa Starlink là “cấp bách”. SpaceX đã không
trả lời yêu cầu bình luận.
Cuộc xung đột cũng đã tạo ra sự đồng
thuận rõ ràng giữa các nhà nghiên cứu Trung Quốc rằng chiến tranh bằng
máy bay không người lái xứng đáng được đầu tư nhiều hơn. Trung Quốc đã
thử nghiệm máy bay không người lái trên bầu trời xung quanh Đài Loan,
một nền dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố sẽ đặt dưới sự kiểm soát của
họ.
“Những máy bay không người lái này sẽ đóng vai trò là ‘người
mở cửa’ cho các cuộc chiến tranh trong tương lai”, một bài báo trong tạp
chí chiến tranh xe tăng do nhà sản xuất vũ khí nhà nước NORINCO, nhà
cung cấp cho PLA, mô tả khả năng của các máy bay không người lái vô hiệu
hóa sức phòng thủ của kẻ thù.
Trong khi một số tạp chí được điều
hành bởi các viện nghiên cứu cấp tỉnh, một số khác là ấn phẩm chính thức
của các cơ quan chính phủ trung ương như Cục Quản lý Nhà nước về Khoa
học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan giám sát việc sản xuất
vũ khí và nâng cấp quân sự.
Một bài báo trên tạp chí chính thức
của chính quyền vào tháng 10 năm ngoái lưu ý rằng Trung Quốc nên cải
thiện khả năng bảo vệ thiết bị quân sự trước “thiệt hại nghiêm trọng đối
với xe tăng, xe bọc thép và tàu chiến của Nga” do phi đạn Stinger và
Javelin do các chiến binh Ukraine vận hành.
Ông Collin Koh, một
nhà nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của
Singapore, nói cuộc xung đột Ukraine đã tạo động lực cho những nỗ lực
lâu dài của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc nhằm phát triển các mô
hình chiến tranh mạng và tìm cách bảo vệ xe bọc thép tốt hơn trước vũ
khí hiện đại của phương Tây.
“Starlink thực sự là một điều gì đó
mới mẻ khiến họ phải lo lắng; ứng dụng quân sự của công nghệ dân sự tiên
tiến mà họ không thể dễ dàng sao chép,” ông Koh nói.
Ngoài công
nghệ, ông Koh cho biết ông không ngạc nhiên khi các hoạt động của lực
lượng đặc biệt Ukraine bên trong Nga đang được Trung Quốc nghiên cứu,
giống như Nga, di chuyển binh lính và vũ khí bằng đường sắt, khiến họ dễ
bị phá hoại.
Mặc dù hiện đại hóa nhanh chóng, PLA vẫn thiếu kinh
nghiệm chiến đấu gần đây. Cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm
1979 là trận đánh lớn cuối cùng– một cuộc xung đột kéo dài cho đến cuối
những năm 1980.
Việc Reuters xem xét lại các tạp chí Trung Quốc
diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang
lên kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để tấn công Ukraine,
điều mà Bắc Kinh bác bỏ.
Đài Loan và hơn thế nữa
Một
số bài báo của Trung Quốc nhấn mạnh sự liên quan của Ukraine trước nguy
cơ xảy ra xung đột khu vực khiến Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ và các
đồng minh của họ, có thể là về vấn đề Đài Loan. Hoa Kỳ có chính sách “mơ
hồ chiến lược” về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ hòn đảo
hay không, nhưng bị ràng buộc theo luật phải cung cấp cho Đài Loan các
phương tiện để tự vệ.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ
William Burns đã nói rằng ông Tập đã ra lệnh cho quân đội của mình sẵn
sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027, đồng thời lưu ý rằng nhà lãnh đạo
Trung Quốc có thể không yên tâm trước kinh nghiệm của Nga ở Ukraine.
Một
bài báo, được xuất bản vào tháng 10 năm ngoái bởi hai nhà nghiên cứu
tại Đại học Quốc phòng của PLA, đã phân tích tác động của việc Mỹ chuyển
giao các hệ thống rốc-két pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine,
và liệu quân đội Trung Quốc có nên lo ngại hay không.
“Nếu HIMARS
dám can thiệp vào Đài Loan trong tương lai, thứ từng được biết đến như
một ‘công cụ gây ra vụ nổ’ sẽ chịu một số phận khác trước các đối thủ
khác nhau”, bài báo kết luận.
Bài báo nhấn mạnh hệ thống rốc-két
tiên tiến của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái trinh
sát, và lưu ý rằng thành công của Ukraine với HIMARS đã dựa vào việc Hoa
Kỳ chia sẻ thông tin mục tiêu và thông tin tình báo qua Starlink.
Bốn
nhà ngoại giao, trong đó có hai tùy viên quân sự, cho biết các nhà phân
tích của PLA từ lâu đã lo lắng về sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ,
nhưng Ukraine đã tăng cường sự tập trung của họ bằng cách đưa ra một cửa
sổ về sự thất bại của một cường quốc trong việc áp đảo một cường quốc
nhỏ hơn được phương Tây hậu thuẫn.
Mặc dù kịch bản đó có sự so
sánh rõ ràng với Đài Loan, nhưng vẫn có những khác biệt, đặc biệt là do
hòn đảo này dễ bị tổn thương trước sự phong tỏa của Trung Quốc có thể
buộc bất kỳ quân đội can thiệp nào phải đối đầu.
Ngược lại, các nước phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine bằng đường bộ thông qua các nước láng giềng châu Âu.
Các
tài liệu tham khảo về Đài Loan tương đối ít trong các tạp chí được
Reuters duyệt xét, nhưng các nhà ngoại giao và học giả nước ngoài theo
dõi nghiên cứu nói rằng các nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc có nhiệm
vụ cung cấp các báo cáo nội bộ riêng biệt cho các nhà lãnh đạo chính
trị và quân sự cấp cao. Reuters không thể tiếp cận các báo cáo nội bộ
đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết vào
tháng 2 rằng quân đội Trung Quốc đang học hỏi từ cuộc xâm lược Ukraine
của Nga rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan sẽ phải nhanh chóng
để thành công. Đài Loan cũng đang nghiên cứu cuộc xung đột để cập nhật
các chiến lược chiến đấu của riêng mình.
Một số bài báo phân tích
sức mạnh của cuộc kháng chiến của Ukraine, bao gồm các hoạt động phá
hoại của lực lượng đặc biệt bên trong Nga, việc sử dụng ứng dụng
Telegram để khai thác thông tin tình báo dân sự và việc bảo vệ nhà máy
thép Azovstal ở Mariupol.
Những thành công của Nga cũng được ghi nhận, chẳng hạn như các cuộc tấn công chiến thuật sử dụng phi đạn đạn đạo Iskander.
Tạp
chí Công nghệ Phi đạn Chiến thuật, được xuất bản bởi nhà sản xuất vũ
khí thuộc sở hữu nhà nước Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ
trụ Trung Quốc, đã đưa ra một phân tích chi tiết về Iskander, nhưng chỉ
công bố một phiên bản cắt ngắn cho công chúng.
Nhiều bài báo khác
tập trung vào những sai lầm của đội quân xâm lược Nga, với một bài trên
tạp chí chiến tranh xe tăng chỉ ra các chiến thuật lỗi thời và thiếu sự
chỉ huy thống nhất, trong khi một bài khác trên tạp chí chiến tranh
điện tử cho biết sự can thiệp của Nga là không đủ để chống lại việc cung
cấp thông tin tình báo của NATO cho người Ukraine, dẫn đến những cuộc
phục kích gây nhiều thiệt hại.
Một tác phẩm được xuất bản trong
năm nay bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật của Cảnh sát Vũ
trang Nhân dân đã đánh giá những hiểu biết sâu sắc mà Trung Quốc có thể
thu thập được từ vụ nổ cầu Kerch ở Crimea do Nga chiếm đóng. Tuy nhiên,
bản phân tích đầy đủ chưa được công bố rộng rãi.
Ngoài chiến
trường, công trình nghiên cứu đề cập đến cuộc chiến thông tin mà các nhà
nghiên cứu kết luận rằng Ukraine và các đồng minh của họ đã chiến
thắng.
Một bài báo vào tháng 2 của các nhà nghiên cứu tại Đại học
Kỹ thuật Thông tin PLA kêu gọi Trung Quốc chuẩn bị trước cho phản ứng dữ
dội của dư luận toàn cầu tương tự như phản ứng đối với Nga.
Trung
Quốc nên “thúc đẩy việc xây dựng các nền tảng đối đầu nhận thức” và
thắt chặt kiểm soát phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các
chiến dịch thông tin của phương Tây gây ảnh hưởng đến người dân của họ
trong một cuộc xung đột, bài báo khẳng định.