Tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi giải quyết thách thức an ninh toàn cầu
Ông Vương Nghị kêu gọi các nỗ lực chung để giải quyết tranh chấp, khác biệt bằng đối thoại và tham vấn, đồng thời phản đối các hành vi "tách rời" và "tiêu chuẩn kép".
Ông Vương, hiện là chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa được bổ nhiệm trở lại làm Bộ trưởng Ngoại giao thay cho ông Tần Cương vừa bị bãi nhiệm, trở thành quan chức cao cấp nhất giữ vị trí này trong nhiều thập kỷ.
Ông Vương trở lại vị trí này chỉ sau 7 tháng chuyển giao cho ông Tần, người đã "biến mất" suốt một tháng qua trước khi bị bãi nhiệm ngày 25-7.
Trong tuyên bố sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông hy vọng sẽ làm việc tốt với người đồng cấp Trung Quốc. "Tôi đã biết ông Vương Nghị hơn một thập kỷ, đã gặp ông ấy nhiều lần. Tôi hy vọng có thể làm việc tốt với ông ấy như trước đây", ông Blinken nói.
* Ông Putin tính thăm Trung Quốc vào tháng 10. Ông Yury Ushakov - cố vấn chính sách ngoại giao của Điện Kremlin, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến đến Trung Quốc vào tháng 10 để dự diễn đàn "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh.
Nội dung hàng đầu của chuyến thăm sẽ là hợp tác kinh tế và thương mại.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông Putin có dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Ấn Độ vào đầu tháng 9 hay không, ông Ushakov cho biết "chưa rõ" dù Nga đã nhận được lời mời.
* Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đến Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận bộ trưởng Sergei Shoigu đã đến Bình Nhưỡng dự lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên.
Hãng tin Tass dẫn thông báo của bộ này cho biết chuyến thăm sẽ giúp "tăng cường quan hệ Nga-Triều và sẽ là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển hợp tác giữa hai nước".
Trước đó, Trung Quốc cũng đã xác nhận sẽ cử phái đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị Lý Hồng Trung dẫn đầu tới Bình Nhưỡng.
Đây là chuyến thăm công khai đầu tiên của các phái đoàn cấp cao nước ngoài tới Bình Nhưỡng kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị diễu binh quy mô lớn và các hoạt động ăn mừng. Hàn Quốc cho biết tình báo của nước này và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ sự kiện của Bình Nhưỡng.
Mỹ viện trợ thêm 400 triệu USD cho Ukraine
Ngày 25-7, Mỹ thông báo gói hỗ trợ quân sự thứ 43 cho Ukraine, bao gồm đạn dược cho các hệ thống phòng không và pháo binh.
Cụ thể, gói này bao gồm đạn cho hệ thống phòng không Patriot, NASAM cũng như tên lửa Stinger, đạn pháo 155mm và 105mm, 32 xe bọc thép chở binh lính Stryker và hơn 28 triệu viên đạn cho vũ khí nhỏ và lựu đạn, theo Lầu Năm Góc. Ngoài ra, lần đầu tiên máy bay không người lái Hornet sẽ được gửi cho Kiev.
Gói viện trợ tiếp tục nâng viện trợ quân sự của Washington cho Ukraine lên hơn 43 tỉ USD trong lúc Kiev đang duy trì cuộc phản công giành lại lãnh thổ trong cuộc xung đột với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sự hỗ trợ này nhằm "củng cố lực lượng dũng cảm của Ukraine trên chiến trường" và "giúp họ chiếm lại lãnh thổ" bị Matxcơva kiểm soát.
* Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo giá thực phẩm toàn cầu có thể tăng 10-15%. Trong dự báo ngày 25-7, IMF cho biết việc Nga rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen sẽ gây áp lực lên giá ngũ cốc toàn cầu.
"Chúng tôi vẫn đang đánh giá nhưng giá ngũ cốc sẽ tăng khoảng 10-15%", Hãng tin Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẵn sàng xuất khẩu hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine thông qua "các tuyến đường đoàn kết", bao gồm các kết nối giao thông đường sắt và đường bộ qua các quốc gia thành viên EU có biên giới với Ukraine.
Khi thỏa thuận ngũ cốc còn hiệu lực, khoảng 60% hàng hóa xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển qua "các tuyến đường đoàn kết" trên và 40% đi qua Biển Đen.
Dù vậy, việc đẩy mạnh vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ sẽ là vấn đề nhạy cảm cho nhiều nước tiếp giáp với Ukraine do tăng nhập khẩu nông sản sẽ khiến nông dân ở những nước này thêm áp lực.
* Địa Trung Hải nóng chưa từng thấy. Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha cho biết nhiệt độ ở biển Địa Trung Hải vào đầu tuần này đã phá kỷ lục khi tăng lên đến 28,71 độ C, cao hơn kỷ lục cũ là 28,25 độ C vào tháng 8-2023, theo Hãng tin AFP.
Nhiệt độ nước biển tại khu vực tăng cao trong lúc nắng nóng bao trùm châu Âu và nhiều nơi trên khắp thế giới trong tháng này.
Điều này có nghĩa sự sống dưới biển sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng đến nguồn cá và động vật không xương sống đánh bắt ở Địa Trung Hải.