Khu dân cư ở Irpin, thuộc vùng Kiev (Ukraine) bị trúng đạn pháo ngày 2-3 - Ảnh: REUTERS
* Báo Washington Post cho biết Nhà Trắng
muốn chi 10 tỉ USD cho viện trợ nhân đạo vào quân sự khẩn cấp cho
Ukraine, nhiều hơn 3,6 tỉ USD so với mức mà Nhà Trắng đề xuất hôm 25-2,
một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân
sự đặc biệt tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine).
* Ngày 3-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã
có cuộc điện đàm mới kéo dài 90 phút với người đồng cấp Nga Vladimir
Putin, là cuộc điện đàm thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi Nga
phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một phụ tá của
Tổng thống Macron cho biết nhà lãnh đạo Pháp đã nói chuyện với Tổng
thống Putin, sau đó đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelensky.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le
Drian cho biết nước này sẽ đề xuất một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong ngày 3-3 nhằm yêu cầu một lệnh ngừng bắn ở
Ukraine.
* Ngày 3-3, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
kêu gọi chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine, đồng thời bày tỏ tin
tưởng rằng "vẫn có chỗ cho một cuộc đối thoại hòa bình". ASEAN cũng
khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, bằng mọi cách thức có thể,
cho đối thoại hòa bình.
* Cùng ngày, lãnh đạo nhóm "Bộ tứ"
(gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) dự kiến tiến hành họp trực tuyến
vào 13h ngày 3-3 (tức 20h giờ Việt Nam) để thảo luận tình hình tại
Ukraine. Nhà Trắng cho biết cuộc họp sẽ có sự tham gia của Tổng thống Mỹ
Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng người đồng cấp Ấn Độ
Narendra Modi và Nhật Bản Kishida Fumio.
* Hãng tin AFP dẫn nguồn
tin chính phủ cho biết chính quyền Đức đã chấp nhận tăng thêm viện trợ
vũ khí cho Ukraine với việc gửi thêm 2.700 súng phóng tên lửa phòng
không. Nguồn tin cho biết đây là loại súng phóng tên lửa vác vai STRELA làm thời Liên Xô và lấy ra từ kho dự trữ của quân đội Đông Đức sau khi hai miền thống nhất năm 1990.
Hãng
tin DPA của Đức cũng xác nhận Bộ Kinh tế Đức đã đồng ý với quyết định
này. Còn hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết Hội đồng an ninh Liên
bang Đức đã phê chuẩn và số vũ khí tăng thêm này đã chuẩn bị sẵn sàng để
chuyển giao.
Trước đó, chính quyền Đức đã quyết định chuyển cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 súng bắn tên lửa Stinger.
* Chiều 3-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận các thông tin cho rằng Bắc Kinh đã trao đổi và phối hợp với Matxcơva trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. Người
phát ngôn Vương Văn Bân nhấn mạnh đây là “tin giả” và việc chuyển hướng
sự chú ý cũng như đổ lỗi cho người khác là cách hành xử “đáng khinh”,
theo Hãng tin Reuters.
* Ngày 3-3, Hàn Quốc xác nhận đã chuyển đại sứ quán tại Ukraine tới một khu vực an toàn “không tiết lộ”.
Chính quyền Hungary cùng ngày cũng cho biết đã sơ tán 32 người tại đại
sứ quán ở Kiev về nước. Các nhà ngoại giao Ukraine tại Nga cũng đã rời
khỏi nước này và được chào đón tại Latvia ngày 3-3, theo Reuters.
*
Theo nhà chức trách TP Kharkov ngày 3-3, các vụ không kích của Nga
trong 24 giờ qua đã khiến ít nhất 34 dân thường thiệt mạng và nhiều
người khác bị thương. Tại thành phố Mariupol ở phía nam Ukraine, thị
trưởng nơi này cho biết điện và nước đã bị cắt đứt vì giao tranh ác
liệt.
Thủ
tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu
Charles Michel (phải) gặp người Ukraine tị nạn ở điểm biên giới
Korczowa-Krakovets thuộc Korczowa, Ba Lan ngày 2-3 - Ảnh: REUTERS
*
Ngày 3-3, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo quân đội Nga có
thể sẽ áp dụng chiến thuật bao vây Kiev, Kharkov và Mariupol do đã
không đạt được chiến thắng nhanh chóng như mong đợi. Bộ Ngoại giao Pháp
cùng ngày khuyến cáo công dân rời khỏi Nga lập tức nếu không cần thiết
có mặt, theo hãng tin AFP.
* Ngày 3-3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, tuyên bố quân đội Nga đã “giải phóng” thành phố Balakliya thuộc tỉnh Kharkov.
Phía Nga cũng xác nhận đã không kích một trung tâm truyền hình ở tỉnh
Kiev và thông báo người dân ở Borodyanka (cũng ở Kiev) có thể rời đi
theo “hành lang nhân đạo”.
* Lực lượng biên phòng Ba Lan ước tính
khoảng 575.100 người đã vào nước này từ hướng Ukraine kể từ ngày 24-2
đến nay. Trong đó riêng ngày 2-3, có tới 95.000 người chạy từ Ukraine
vào Ba Lan.
* Ngoài tiếng nổ lớn được ghi nhận gần nhà ga trung
tâm thủ đô Kiev vào chiều tối 2-3 được cho là từ một tên lửa, nhà báo
Jérémie Paire của Đài BFMTV cho biết đã nghe thấy nhiều hồi còi báo động có không kích trong đêm 2 đến sáng 3-3.
Đặc
phái viên của đài truyền hình Bỉ kể lại: "Tôi nghe thấy đến hồi còi thứ
năm. Đêm qua tôi có nghe một hồi còi chính xác vào lúc 1h22 sáng. Đúng
23 phút sau thì tôi nghe thấy có tiếng nổ inh tai. Hồi còi báo cuối cùng
là vào lúc 4h27 sáng".
Trước đó quân đội Nga đã phát
cảnh báo nhắm vào thường dân ở thủ đô Kiev của Ukraine rằng họ sẽ tiến
hành không kích nhắm vào các mục tiêu quân sự.
Khu dân cư ở Irpin, thuộc vùng Kiev (Ukraine) bị trúng đạn pháo ngày 2-3 - Ảnh: REUTERS
* Theo đại diện chính quyền Cộng hòa nhân dân Lugansk (tự xưng) ngày 3-3, cường độ pháo kích của quân đội Ukraine vào khu vực này đã giảm đáng kể trong
mấy ngày qua khi Nga tiến gần các thành phố khác ở Ukraine. Hơn 140.000
người ở hai vùng Donestk và Lugansk đã được sơ tán sang Nga tính từ
ngày 18-2 đến ngày 2-3, theo hãng thông tấn Tass của Nga.
* Dù đã có thông tin thành phố quan trọng Kherson ở phía nam đã thất thủ nhưng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn khen ngợi việc đã ngăn cản được những kế hoạch "mưu mô" của phía Nga và cho biết cảm thấy tự hào về sự kháng cự anh dũng của người dân Ukraine.
Trong
đoạn ghi hình phát biểu rồi phát trên tài khoản Telegram lúc rạng sáng
3-3, ông Zelensly nói: "Chúng ta là quốc gia đã bẻ gãy được những kế
hoạch của đối phương trong một tuần lễ".
Ảnh
vệ tinh của công ty Maxar chụp ngày 27-2 và công bố ngày 2-3 cho thấy
đoàn xe người tị nạn Ukraine đang chờ qua biên giới Hungary - Ảnh:
REUTERS
* Ngày 3-3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã chuyển 30 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine ở gần biên giới phía đông. Thượng
tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý quốc phòng
quốc gia Nga, tiết lộ Nga đã chuẩn bị hơn 10.500 tấn hàng hóa nhân đạo
cho dân thường Ukraine gồm thực phẩm, vật liệu xây dựng và các nhu yếu
phẩm khác.
Một đoàn xe chở hàng nhân đạo đã xuất phát từ
Crimea và đang đến miền nam Ukraine. Các đoàn xe khác cũng đang tập hợp ở
các vùng Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov của Nga, theo
Hãng thông tấn Tass.
* Ngày 3-3,
Bộ Ngoại giao Ấn Độ phủ nhận thông tin sinh viên nước này đang bị bắt làm con tin ở thành phố Kharkov
và cho biết nhiều người đã rời khỏi Ukraine trong ngày 2-3. Đài NDTV
đưa tin 3 vận tải cơ quân sự C-17 đã chở gần 650 công dân Ấn về nước từ
các sân bay của Ba Lan ngày 2-3.
* Các nước Ba Lan, CH Czech,
Bulgaria, Slovakia và Romania đã quyết định rời khỏi hai ngân hàng quốc
tế lớn mà Nga là cổ đông lớn nhất, trong bối cảnh Matxcơva tiến hành
chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bộ tài chính của các nước nói
trên đã đồng loạt công bố quyết định này vào ngày 2-3.
Các tòa nhà ở Kiev, Ukraine, bị hư hại sau một vụ tấn công ngày 2-3 - Ảnh: REUTERS
* Ngoại
trưởng Mỹ Blinken có kế hoạch công du các nước châu Âu, gồm Bỉ, Ba Lan,
Moldova, Latvia, Litva và Estonia từ ngày 3 đến 8-3. Theo người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, chuyến thăm nhằm tiếp tục các cuộc
tham vấn và phối hợp sâu rộng với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc
Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác châu Âu trước việc Nga triển khai
chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
Bỉ sẽ là chặng
dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken trong chuyến công du. Dự
kiến tại đây ông sẽ gặp các đối tác Liên minh châu Âu (EU), tham gia hội
nghị ngoại trưởng các nước NATO và hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm các nước
công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng một số cuộc họp khác
nhằm thảo luận phản ứng toàn cầu đối với chiến dịch quân sự đặc biệt mà
Nga đang triển khai tại Ukraine.
* Trong cuộc họp báo rạng sáng 3-3 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẵn sàng cho các giải pháp ngoại giao nhưng chỉ khi Nga rút quân khỏi Ukraine. “Ngoại
giao khó thành công hơn nhiều khi súng vẫn nổ, xe tăng vẫn lăn bánh và
máy bay vẫn còn bay. Nhưng nếu Nga rút lui và theo đuổi ngoại giao,
chúng tôi sẵn sàng làm điều tương tự”, trang web Bộ Ngoại giao Mỹ trích
lời ông Blinken.
* Theo Hãng tin AFP ngày 3-3, Bộ Quốc phòng Nga
đã mở “hành lang nhân đạo” cho dân thường rời khỏi các thành phố Ukraine
đang là điểm nóng giao tranh gồm Kiev, Kharkov và Mariupol.
* Tây Ban Nha sẽ gửi 1.370 súng chống tăng, 700.000 súng trường và súng máy hạng nhẹ cho Ukraine,
theo Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles ngày 2-3. Hai
máy bay quân sự sẽ chở vũ khí tới một địa điểm gần biên giới Ba Lan -
Ukraine, nơi Kiev sẽ tiếp nhận và chuyển về nước, Hãng tin Reuters trích
lời bà Robles.
Người Ukraine tị nạn đến TP Zahony của Hungary ngày 2-3 - Ảnh: AP
* Hơn 1 triệu người đã bỏ chạy khỏi Ukraine
kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24-2 đến nay, theo Cao ủy Liên Hiệp
Quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi. “Nhiều triệu người khác vẫn
còn ở Ukraine đang chờ tiếng súng im bặt để được hỗ trợ nhân đạo”, ông
Grandi viết trên Twitter ngày 3-3.
* Ông Vladimir Medinsky, cố vấn Tổng thống Vladimir Putin kiêm trưởng đoàn đàm phán Nga, xác nhận phái đoàn Nga đã đến địa điểm diễn ra vòng đàm phán thứ 2. "Phía Ukraine cũng đã rời Kiev. Chúng tôi dự kiến họ sẽ đến vào sáng thứ năm (ngày 3-3)", ông Medinsky nói.
Hãng
tin Reuters dẫn lời ông Medinsky cho biết vòng đàm phán thứ 2 sẽ bàn về
vấn đề ngừng bắn. Hãng tin Tass của Nga đưa tin hai phái đoàn sẽ gặp
nhau ở Belovezhskaya Pushcha trên biên giới Belarus - Ba Lan nhưng Điện
Kremlin từ chối xác nhận địa điểm.
* Điện Kremlin nói Nga hy
vọng sẽ có tiến triển tại vòng hòa đàm thứ 2 và phái đoàn của ông
Medinsky sẽ tập trung vào các điều kiện cho hòa bình do ông Putin đặt
ra. Vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên, diễn ra ngày 28-2 tại vùng
Gomel ở biên giới giữa Belarus và Ukraine, không đạt được kết quả đột
phá.
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói Nga
phải dừng đánh bom các thành phố của Ukraine trước khi đàm phán về đình
chiến. Phía Kiev cũng cảnh báo sẽ không chấp nhận "tối hậu thư" của
Matxcơva.
* Thông tin thành phố Kherson thất thủ được xác nhận từ phía Nga nhưng Ukraine nói khác.
Ông Igor Konachenkov - người phát ngôn quân đội Nga - khẳng định: "Các
đơn vị quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn thủ phủ của vùng Kherson".
Nhưng theo Đài France Info, vài phút trước tuyên bố này, thị trưởng của
Kherson, ông Igor Kolykhayev lại tuyên bố thành phố vẫn nằm dưới quyền
kiểm soát của Ukraine.
Kherson với gần 300.000 dân nằm ở phía nam
Ukraine, gần bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập. Đây là nơi diễn ra các
cuộc giao tranh khốc liệt nhiều giờ qua.
* Trên thực địa ở Ukraine, giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố. Bộ
Quốc phòng Nga đã xác nhận các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của
Ukraine, bao gồm một tháp truyền hình ở Kiev. Nga tuyên bố đang kiểm
soát thành phố duyên hải miền nam Kherson nhưng phía Ukraine bác bỏ.
Cảng Mariupol ở phía đông nam của Ukraine cũng đang bị pháo kích liên
tục.
Người dân ở Kiev, Ukraine, xếp hàng chờ lên tàu di tản khỏi thành phố ngày 2-3 - Ảnh: REUTERS
* Rạng sáng nay 3-3 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức.
Nghị
quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên LHQ,
đạt tỉ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu
trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus
và Nga. Nghị quyết được thông qua sau khi hơn 100 quốc gia thành viên
LHQ đã lên tiếng phát biểu quan điểm của mình trong 3 ngày diễn ra phiên
họp đặc biệt.
Nghị quyết kêu gọi Nga ngừng việc sử dụng vũ lực
với Ukraine và "rút tất cả lực lượng quân sự ngay lập tức, hoàn toàn và
vô điều kiện". "Hãy chấm dứt chiến sự ở Ukraine, ngay bây giờ", Hãng tin
AFP dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói, cho biết thông điệp
của LHQ rất "to và rõ".
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang
tính ràng buộc thực thi nhưng thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc
tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn
đề xung đột.
* Bộ Quốc phòng Nga công bố có 498 binh sĩ nước này đã thiệt mạng ở Ukraine.
Ngoài ra, 1.597 người khác bị thương. Đây là lần đầu tiên Nga xác nhận
con số thương vong kể từ khi mở "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
Phía Ukraine cho rằng số thương vong của Nga cao hơn con số mà nước này
công bố.
* Ukraine kêu gọi lập vùng cấm bay. Ông Andriy Yermak, chánh Văn phòng Tổng thống Zelensky, viết trên tờ New York Times
kêu gọi phương Tây lập vùng cấm bay ở Ukraine dù "điều này sẽ là một
động thái leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến và có thể đưa NATO vào
xung đột trực tiếp với Nga". Trước đó, ông Zelensky cũng hối thúc việc
cấm tên lửa, máy bay Nga trên bầu trời Ukraine và cấm Nga tiếp cận các
cảng, sân bay... trên toàn thế giới.
* Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ ngừng ngay lập tức mọi chương trình ở Belarus và Nga, dù đã không còn cấp các khoản vay và đầu tư ở Nga từ năm 2014 và ở Belarus từ năm 2020.