* Địa hình và vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa:
Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 120 đảo nhỏ và vô số bãi ngầm, nằm trọn vẹn
giữa 2 kinh tuyến 111-113 độ Đông, trong vùng vĩ tuyến 15 độ 45’ và 17
độ 05’. Từ Đà Nẵng đi ra, độ 170 hải lý (hải lý= 1852 mét) là gặp nhóm
đảo đầu tiên. Quần đảo này rộng tổng cộng không trên 10 cây số vuông đất
nổi nên không thể xây phi trường và căn cứ lớn được, nhưng nhờ vị trí
nằm ngay trên đường hải hành Bắc Thái Bình Dương xuống Ấn Độ Dương. Hệ
thống quần đảo Hoàng Sa quần tụ trong 4 nhóm:
Nhóm Tuyên Đức ở phía Bắc, gồm 16 đảo đáng kể, trong đó quan trọng nhất về phương diện diện tích là đảo Phú Lâm, kế đến đảo Cây, đảo Nam, đảo Trung và đảo Bắc. Hải đồ Quốc tế gọi nhóm này là nhóm “Amphitritre Group”. Đảo Phú Lâm lớn nhất, dài 3,700 mét, rộng 2,800 mét. Trên đảo cây cối um sùm lại có vài cây dừa. Đây là đảo duy nhất từ xa có thể thấy được. Thời Pháp thuộc, một công ty Nhật Bản đã khai thác phân ở đây, còn để lại nhiều vết tích. Như đã trình bày, ngày 29 tháng 10-1946, Trung Hoa (thời kỳ còn Tưởng Giới Thạch cầm quyền ở lục địa) gửi 4 chiến hạm từ đảo Hải Nam đến đảo Hoàng Sa, đụng độ với một toán quân Việt-Pháp, nên đã phải rút lui. Họ quay ra chiếm đảo Phú Lâm vào ngày 29-11-1946. Sau khi Cộng sản Trung Hoa chiếm lục địa, quân Trung Cộng đã ra Phú Lâm biến đảo này thành một căn cứ chiến lược đồ sộ.
Bàn đồ quần đảo Hoang Sa của themsonha.blogspot.com
Nhóm Nguyệt Thiềm, ở phía Tây Nam cách nhóm trước lối 20 hải lý. Nhóm này gồm các đảo: Hoàng Sa (Pattle), Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng. Nếu từ Đà Nẵng đi ra hướng chính đông chúng ta gặp nhóm này trước, và các hải đồ quốc tế gọi đây là Crescent Group vì các ám tiêu san hô đã kết hợp nhau như một hình bán nguyệt. Trong nhóm này, đảo Hoàng Sa rộng nhất, dài hơn 900 mét và rộng gần 700 mét. Diện tích chung quanh toàn đảo bao gồm cả san hô mọc chung quanh là 3.5 cây số vuông, diện tích nhô lên khỏi mặt nước là 1.5 cây số vuông.
Nhóm Linh Côn: nằm về cực Đông của quần đảo. Đây cũng
là lãnh thổ cực Đông của nước Việt Nam. Các đảo nhóm này không mấy quan
trọng, chỉ toàn những mỏm san hô nhấp nhô trên mặt bể xanh. Đảo Linh
Côn trong nhóm này đã bị Trung Cộng chiếm từ đầu thập niên 50.
– Đảo và nhóm Tri Tôn: Hòn đảo đơn độc về phía Bắc của quần đảo. Đảo này
ít người đến, nhưng có rất nhiều hải sâm, san hô đủ màu.
Tất cả những đảo trên đều quá nhỏ, không nơi nào đủ rộng để xây phi đạo được. Trước kia, người Pháp có xây một căn cứ thủy phi cơ nhưng chỉ đáp và ẩn bên trong ám tiêu, trên những diện tích bề lặng.
* Lược ghi về hệ thống quần đảo Trường Sa:
Người Trung Hoa gọi quần đảo Trường Sa là Nam Sa, quần đảo này chạy dài
hơn 100 dặm, gồm 9 hòn đảo chính, trong đó có đảo lớn là đảo Trường Sa.
Trường Sa ở phía Đông Phan Thiết khoảng 280 hải lý, cách đảo Hải Nam của
Trung Hoa 580 hải lý, cách Đài Loan 900 hải lý và Phi Luật Tân 310 hải
lý. Tất cả những hải lộ quan trọng thương mại từ Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam
Dương qua Nhật Bản hay Hồng Kông đều đi ngang qua quần dảo Trường Sa.
Thời Pháp thuộc, vào năm 1930, Pháp đã cử một phái đoàn ra cắm cờ trên
đảo Trường Sa, ba năm sau, lại cử một đoàn tàu gồm 3 chiếc đến thám sát
từng mỗi hòn đảo trong quần đảo Trường Sa và cắm cờ trên từng đảo. Ngoài
việc thu nhận các đảo trong nhóm Amboya gồm các đảo Trường Sa, An Bang,
Loại Ta và Thi Tứ, sau đó Pháp ra thông cáo chính thức cho thế giới xác
định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Văn kiện này đã được đăng tải
trên Công Báo Đông Dương ngày 25 tháng 9/1933. Ngày 21 tháng 7/1933,
toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định sát nhập quần đảo Trường Sa vào
lãnh thổ Bà Rịa. Năm 1935, Nha Khí Tượng Đông Dương đã thiết lập một
đài khí tượng một đài khí tượng tại đảo Thái Bình (Itu-Aba).
* Hoạt động quân sự, hàng hải tại Hoàng Sa từ 1920 đến 1974:
Năm 1920, Quan thuế Pháp gửi quan-thuyền đến tuần tiểu thường xuyên tại
quần đảo Hoàng Sa. Từ 1926 đến 1939, chính phủ Pháp đã cử chiến hạm và
phái đoàn thám sát tại hai quần đảo này. Từ 1931 đến 1939, Pháp gửi binh
sĩ đến trú đóng tại Hoàng Sa. Năm 1947, Pháp lập đài vô tuyến tại đảo
Pattle để bảo đảm an ninh thủy vận cho vùng Nam Hải.
Từ năm 1956, Hải quân VNCH thường xuyên thám sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về sau, một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến VNCH được điều động ra bảo vệ một số đảo trọng yếu như: Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và một số đảo khác. Sau đó, quân số phòng thủ còn 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 42/162. Ngày 8-5-1957, hải vận hạm Hàn Giang chở một đại đội Thủy quân Lục chiến ra thay thế. Ngày 5 tháng 10-1959, tỉnh đoàn Bảo An Quảng Nam có trách nhiệm bảo vệ quần đảo. Tỉnh đoàn cử 43 quân nhân ra thay đại đội Thủy quân Lục chiến giữ các đảo trên. Tuy nhiên trong thời gian đầu vẫn còn 1 trung đội Thủy quân Lục chiến trên đảo Hoàng Sa. Cuối cùng. số quân giảm xuống còn 1 trung đội Địa phương quân khoảng 30 binh sĩ hạ sĩ quan và 1 sĩ quan cấp thiếu úy hoặc trung úy. Khi quân Trung Cộng mở cuộc tấn công cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974, lực lượng phòng thủ có 31 quân nhân do 1 trung úy chỉ huy.
Mặc dù chiếm được quần đảo Hoàng Sa, nhưng quân Trung Cộng đã phải trả giá đắt: 4 chiến hạm lớn của Hải quân Trung Cộng bị các chiến hạm Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư bắn hạ ngay trong giờ giao tranh đầu tiên. Phía Hải quân VNCH: Hộ tống hạm Nhật Tảo bị trúng đặn tại phòng máy chính, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tuẫn tiết để được chìm theo chiến hạm, hạm phó Nguyễn Thành Trí bị trọng thương và đã hy sinh trên đường vượt thoát cùng thủy thủ đoàn.
* Quyền quản trị quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các thời kỳ:
Một trong những văn kiện quan trọng minh định chủ quyền của quốc gia
Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa là Dụ số 10 do Hoàng đế Bảo Đại ban hàng
ngày 30 tháng 3/1938 nguyên văn như sau:
Chiếu chi các Cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam-Ngãi, đến đời Đức Thế tổ Cao Hoàng Đế vấn đề y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi. Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên đại diện chánh phủ Nam triều ủy phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan đại diện chính phủ Bảo hộ có tâu rằng nên tháp các Cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn.
Dụ: Độc khoản.- Trước chuẩn tháp nhập các cù lao
Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên, về phương diện hành chánh, các cù
lao ấy thuộc dưới quyền quan tỉnh hiến tỉnh ấy. Khâm thử.
Sau năm 1955, chính phủ VNCH đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến Hoàng Sa và Hoàng Sa:
– Ngày 20 tháng 6/1956, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm
ban hành sắc lệnh số 134/NV/ để thay đổi địa giới và danh xưng của Đô
thành Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh tại Nam Việt. Theo đó, Bà Rịa, Vũng
Tàu và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh mới được đặt tên là tỉnh Phước Tuy,
tỉnh lỵ Bà Rịa được đổi tên thành Phước Lễ.
– Ngày 14 tháng 10/1960, Bộ trưởng Nội vụ VNCH ký nghị định số
241/BVN/NV 3 bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thước, một viên chức dân sự, giữ
chức đặc phái viên Hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa. Sau năm 1963, vì
tình hình chiến tranh, chức đặc phái viên hành chánh tại Hoàng Sa được
giao cho một sĩ quan QL.VNCH.
– Ngày 13 tháng 7/1961, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh
số 174/NV, điều 1 ghi như sau: Quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh
Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam. Điều thứ hai: Một đơn vị hành
chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã
Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải được đặt thuộc quyền
một phái viên hành chánh.
– Ngày 21 tháng 10/1969, Thủ tướng chánh phủ VNCH Trần Thiện Khiêm ký
quyết định số 709/BNV/HĐCP sát nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh
Quảng Nam vào xã Hưng Long cùng quận.
– Ngày 6 tháng 9/1973, Tổng trưởng Nội vụ Lê Công Chất ký nghị định để
sát nhập các đảo Trường Sa (Spartly), An Bang (Amboya Cay), Thái Bình
(Ita-Aba), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay),
Loại Ta (Loaita), Thị Tứ (Thitu), Nam Ai (Namyit), Sinh Tồn (Sin Cowe)
và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Cũng
trong năm 1973, một đơn vị VNCH đã đến đóng quân tại Trường Sa.
Bàn đồ quần đảo Trương Sa của themsonha.blogspot.com
* Trung Cộng và Phi Luật Tân đã thám sát Hoàng Sa trước 1974:
Năm 1960, một nhóm người Phi Luật Tân lên bờ, đem theo dụng cụ đo đạc,
ngắm nghía. Anh em trên đảo ra xem xét, họ có vẻ vội vàng, lăng xăng
trên đảo, rồi lại xuống ca nô ra tàu.
Một lần trước năm 1970, một nhóm người không rõ quốc tịch lên bờ. Họ nói
tàu đánh cá của họ bị bão. Khách lạ thì anh em trên đảo không muốn gây
khó khăn. Nhưng sau đó, một số binh sĩ chú ý đến họ, vì họ đem theo một
tấm giấy lớn, mở ra thì biết tấm đồ của đảo. Một binh sĩ thấy một người
trong nhóm khách lạ cầm bản đồ ngược, liền kêu lên: Cầm bản đồ ngược.
Người lính này ở trên đảo này, hang hốc nào mà lại không biết nên thoáng
nhìn thấy dáng quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ anh nhận ra ngay từng vị
trí các đảo. Người khách lạ giật mình, quay bản đồ lại. Thế là anh lính
biết người khách kia biết tiếng Việt, nếu không hiểu tiếng Việt thì
người khách kia phải vụng về lắm chứ, đâu có quay ngay bản đồ lại, ngay
sau khi nghe người lính nói. Thế rồi chẳng có chuyện gì xảy ra cho đến
ngày 19 tháng 1/1974, ngày Trung Cộng huy động hải-lục-không quân để tấn
công cưỡng chiếm quần đảo này.