Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Trận Ban Mê Thuột
Bản đồ Thị xả Ban Mê Thuột
Lực Lượng Ðịch : Dưới quyền điều động của Bộ Tư Lệnh mặt trận Ban Mê Thuộc A75 do Tướng Văn Tiến Dũng, Ðinh Ðức Thiện và Lê Ngọc Hiền chỉ huy gồm khoảng 25,000 người.:
- SÐ F10. chủ lực tấn công BMT.
- SÐ320 chỉ có danh vì đã bị thiệt hại nặng khi đụng độ với Nhảy Dù ở Thượng Ðức.
- SÐ316 CSBV tử Nam Lào tiến sang
- SÐ968
- SÐ3CSBV Sao Vàng làm nghi binh.
- 4 Trung Ðoàn Bộ Binh 95A, 95B, 25 và 271.
- 5 Trung Ðoàn pháo binh gồm 48 khẩu pháo dủ loại và phòng không.
- 1 Trung Ðoàn Chiến Xa, một Trung Ðoàn Ðặc Công.
- 2 Trung Ðoàn Công Binh, Một Trung Ðoàn Thông Tin.
- Các đơn vị hậu cần, Quân xa...
Lực Lượng Bạn : Tổng cộng khoảng 4,000 người
- Trung Đoàn 53 Bộ Binh ( chỉ còn 2 Tiểu Đoàn).
- Liên Đoàn 21 BĐQ.
- Các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân.
- Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia.
Từ sau ngày ký Hiệp Ðịnh Paris ngừng bắn 27/1/1973 tình hình Việt Nam tương đối yên tĩnh. Tháng 6-1973 Quốc hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự tại Ðông Dương Việt Miên Lào. Ðầu tháng 7-1973 Nixon ký thành đạo luật áp dụng từ giữa tháng 8-1973 cấm hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn cõi Ðông Dương. Tháng 10-1973 Quốc Hội ra đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh, Tổng Thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến.
Cộng Sản Bắc Việt nhận thấy thời cơ đã đến, bèn thay đổi đường lối đấu tranh từ chính trị sang bạo lực. Trước hết tiến đánh các đồn bót lẻ tẻ, Sửa chửa và tu bổ hệ thống đường mòn HCM. Tại Quân khu 1, lấn chiếm một số căn cứ của Việt Nam Cộng Hòa, tháng 9, tháng 10 một số đơn vị thuộc tỉnh Thừa Thiên phải di tản. Năm 1973 Bắc Việt vẫn chưa phục hồi sau trận Mùa Hè 1972, chưa thể tổ chức được cuộc tấn công qui mô lớn.
Sau khi ký Hiệp định Paris, Bắc Việt cho khởi công xây tuyến đường xa lộ hành lang 613, song song với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hòa từ Ðồng Hới cho tới Lộc Ninh gọi là “Xa Lộ Đông Trường Sơn”, đến đầu 1975 thì công trình hoàn thành dài 1,200 km.gồm 5 hệ thống đường dài 5,500 km, 21 đường trục ngang dài 1,020 km. Dọc theo xa lộ Ðông Trường Sơn là hệ thống ống dẫn dầu dài 5000 km qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục nghìn xe cơ giới các loại. Bắc Việt huy động hàng nghìn xe ủi đất, hàng vạn bộ đội, công nhân, thanh niên xung phong, dân công .. ngày đêm phá núi san đèo, xây cống, lắp đường, dựng cầu.. đường rộng 8 m.. các xe vận tải cỡ lớn, các chiến xa loại nặng chạy được hai chiều với tốc độ cao cả bốn mùa, đã ngày đêm chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí đạn dược quân trang quân dụng cho chiến trường.
Bắc Việt đã xử dụng 16,000 xe vận tải để chuyên chở binh khí, kỹ thuật, đạn dược, lương thực chuẩn bị cho chiến trường miền Nam trong suốt hai năm 1973 và 1974. Đường dây liên lạc hữu tuyến cũng đã kéo dài tới Lộc Ninh. Từ Hà Nội đã nói chuyện thẳng được với nhiều chiến trường.
Ngày 22-5-1974 Hạ Viện Mỹ phủ quyết đề nghị gia tăng quân viện 1.4 tỷ Mỷ Kim cho Việt Nam Cộng Hòa của Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện, tới 23/9/1974 Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ đồng thanh chấp thuận Quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa là 700 triệu, như vậy từ 1/7/1974 VNCH chỉ nhận được một nửa số quân viện cần thiết, trong số 700 triệu này thì 300 triệu đã được dùng để trả lương cho nhân viên cơ quan DAO ( Phòng Tùy Viên Quân Sự).
Tướng Nga Kulikov, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Hà Nội xúi giục Bắc Việt tấn công xâm chiếm Miền Nam và hứa giúp thêm vũ khí đạn dược. Cuối tháng 10-1974 Bộ Chính Trị Bắc Việt quyết định kế hoạch tác chiến năm 1975. Văn Tiến Dũng đã xác nhận trong Đại Thắng mùa xuân :
“Quyết tâm chiến lược của Bộ chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: Năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam”
“Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân Uỷ Trung Ương, kết luận xác định khu vực và mục tiêu chiến trường Tây nguyên làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng, gợi ý về cách đánh, nhấn mạnh đến phương châm mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào bảo vệ phía Bắc Tây nguyên.”
Như thế Bắc Việt đã chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ bốn tháng trước trong khi ta không có một nhận định hoặc tin tức tình báo nào rõ rệt. Ngày 13/12/1974 Bắc Việt đưa ba sư đoàn tấn công Phước Long, đến ngày 7/1/ 1974 tỉnh này hoàn toàn lọt vào tay địch
Sau khi tỉnh lỵ Phước Long thất thủ CSBV yên chí thấy phía Mỹ không phản ứng. Sau đó ngày 8/1/1975 Lê Duẫn nói “tình hình đã sáng tỏ, chúng ta quyết tâm hoàn thành kế hoặch 2 năm”.Tướng Trần Văn Trà ,Tư Lệnh mặt trận B2 / CSBV đệ trình kế hoạch tấn công Ban Mê Thuộc, để khởi đầu chiến dịch tấn chiếm Nam Việt Nam, được Bộ Tông Tham Mưu Bắc Việt chấp thuận với khẩu hiệu “ Mạnh bạo, bí mật và nghi binh “.Để tấn công Ban Mê Thuột, Trà chuẩn bị 5 Sư Đoàn chính quy, 15 Trung Đoàn Thiết Giáp, Pháo Binh, Phòng Không, Truyền Tin và Công Binh với tổng số bộ đội lên đến 80,000 người.
Sau trận Phước Long, Bộ TTM ta biết chắc Cộng Sản sẽ đánh lớn tại Cao Nguyên nhưng chưa biết chắc chỗ nào vì chúng nghi binh tối đa, ta không đoán được ý định của địch, theo Tướng Hoàng Văn Lạc “trước khi Văn Tiến Dũng vào Nam, Giáp đã dặn dò Dũng phải nghi binh thật nhiều để đánh lạc hướng ta”.
Tình hình chính trị quân sự Việt Nam Cộng Hòa 1975 rất là bi đát. Năm 1967 quân phí tại Việt Nam là 20 tỷ Mỹ Kim, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên 29 tỷ, hai năm 1970, 71 rút xuống còn 12 tỷ mỗi năm. Khi Mỹ đã rút gần hết chỉ còn 24,200 người trong năm 1972 thì Việt Nam phải một mình gánh vác chiến trường với tiền viện trợ ngày một bị cắt giảm. Năm 1973 viện trợ quân sự là 2,1 tỷ, năm 1974 chỉ còn 1,4 tỷ, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó 300 triệu để trả lương cho nhân viên Phòng Tùy Viên Quân Sự (DAO) của Mỹ.
Ðảng Dân chủ nắm đa số tại Quốc Hội Mỹ chủ trương rút quân bỏ Việt Nam không cần đếm xỉa gì tới bạn đồng minh cũng như danh dự cho nước Mỹ. Họ tìm sơ hở của Cộng Hòa để phá phách kiếm phiếu, Dân Chủ thường mị dân, o bế dân nghèo, giới bình dân khố rách áo ôm, đám trốn quân dịch, phản chiến… để lấy lòng; họ thắng lợi đúng lúc người dân chống đối chiến tranh Việt Nam dữ dội. Ðảng nọ phá đảng kia, miền Nam Việt Nam chết oan vì bị nằm giữa cái thế trâu bò húc nhau giữa Cộng Hòa và Dân Chủ.
Hậu quả của của việc cắt giảm quân viện khiến chúng ta lâm vào tình trạng thiếu hụt, năm 1972 một số lớn xăng dầu đạn dược đã được dốc vào mùa hè đỏ lửa. Hậu quả là Không Quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%. Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 tầu chiến các loại nằm ụ. Ðạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 5, tháng 6 -1975, hỏa lực giảm 60%.
Năm 1972 ta xử dụng 66 ngàn tấn đạn một tháng từ tháng 7-1974 đến tháng 3-1975 ta chỉ còn xử dụng 18 ngàn tấn một tháng, thiếu thuốc men, số tử thương tăng cao, tinh thần binh sỉ xuống thấp. Ngày 9/8/1974 Nixon từ chức mang theo những lời hứa hẹn với Tổng Thống Thiệu xuống tuyền đài.
Việt Nam Cộng Hòa nay đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, thù trong giặc ngoài. Ðồng Minh thì phản bội, lãnh đạo bất tài, tham ô, sợ chết…kẻ thù thừa nước đục thả câu xua đại binh tấn công như vũ bão.
Tin tức Tình Báo về cuộc điều quân của đ ịch:
Trong phần trình bày về trận chiến tại Cao nguyên, Đại Tướng Cao Văn Viên đã phân tích về kế hoạch tấn công của CSBV như sau: “Cộng Sản chuẩn bị kế hoạch quân sự của họ trong sự tin tưởng và phấn khởi vì thái độ yên lặng của Hoa Kỳ từ sau biến cố Phước Long .Nhiều biến chuyển và hoạt động của địch cho thấy Vùng II sẽ là mặt trận mở màn cho các cuộc tấn công sắp đến của CS”
Vào cuối tháng 1/1975, sư đoàn 320 CSBV hoạt động tại Đức Cơ được báo cáo là đang di chuyển về hướng Nam của Cao nguyên Đắc Lắc. Quân đoàn 2 liền báo động nhưng không có hành động nào đáng kể ngoài một số phi vụ oanh kích các đoàn xe tiếp tế của địch. Suốt trong tháng Hai, nhiều đoàn xe tiếp tế của CQ gồm hàng trăm chiếc vận tải bị phát giác và bị tấn công bằng Không quân VNCH .
Các bằng chừng khác là các sư đoàn CSBV như 312, 314, 316 cũng được báo cáo là đã di chuyển xuống miền Nam, nhưng đến đâu thì chưa được xác nhận. Sư đoàn 316 CSBV sau đó bị phát giác là tiến về Ban Mê Thuột bằng đường Nam Lào.
Những cuộc hành quân truy lùng tin tức địch đã được thực hiện liên tục. Các đơn vị Nghĩa Quân (NQ) và Cảnh Sát Quốc Gia (Cảnh Sát Quốc Gia) tại Ban Mê Thuột vào cuối tháng 2 năm 1975, đã phát giác dấu xích xe tăng T-54 của địch.
Các đơn vị Nghĩa Quân và Cảnh Sát Quốc Gia Bản Đôn cũng đã cung cấp tin tức về sự di chuyển của quân Cộng Sản Bắc Việt trong khu vực Bandon.
Các tin tình báo của những tình báo viên trong những tháng 2 và 3/1975, khi đi khai thác lâm sản ở khu vực phía tây thị xã (Bandon) và Tây Nam thị xã 62 km cũng đả báo cáo cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac tin tức về các đường dây điện thoại, ống dẫn dầu và dấu xích chiến xa T-54 của cộng quân.
Ngày 14 tháng 2/1975, 7 chiếc xe be khai thác lâm sản, trong lúc làm cây ở khu vực Nam Tây-Nam thị xã Ban Mê Thuột 82 km đã bị Cộng quân cưỡng chiếm, các nạn nhân cũng đã khai trình Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh và Phòng 2 Tiểu Khu những tin tức về lực lượng cộng quân.
Tháng 2/1975, một nữ cán binh thuộc Trung Đoàn 25 Địa Phương của Cộng quân ra hồi chánh với một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac đã cung cấp tin tức về sư đoàn F10 của Cộng quân đang di chuyển về khu vực Nam thị xã Ban Mê Thuột, đồng thời cho biết Trung Đoàn 25 Địa Phương sẽ mở chiến dịch tại khu vực Khánh Dương, nằm trên Quốc Lộ 21, ranh giới gữa Khánh Dương và Phước An - Ban Mê Thuột.
Ngày 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc Đức Lập 10 cây số. Lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Bắc quân sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột để mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975.
Đặc biệt là cuộc hành quân ngày 7 tháng 3/1975 (ba ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột), của một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac, đã bắt được một tù binh Cộng Sản, quân hàm Thiếu Úy, trong toán tiền thám của Sư đoàn 320 Điện Biên trong lúc y đang giăng dây điện thoại ở khu vực Buôn La Sup, thuộc xã Cư Ming, Bandon, Quận Ban Mê Thuột.
Qua sự thu thập từ những tin tức này cho thấy là Cộng Quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn và kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột dần dần thấy rõ hơn.
Nhưng nguồn tin này, cũng như nguồn tin tình báo tương tự của tiểu khu Ban Mê Thuột, đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II "xếp hạng" là những nguồn tin quan trọng và đã không có những phản ứng thích nghi.
Giai đoạn tiên khởi, CQ muốn cắt đứt quốc lộ 14, 19 và 21 để tách vùng Cao nguyên ra khỏi vùng đồng bằng của Quân khu 2 và đồng thời ngăn chận lực lượng VNCH đến tăng cường. Sư đoàn 320 CSBV chuyển lên đóng tại các vị trí nằm về hướng Bắc của Ban Mê Thuột để vô hiệu hóa tất cả các đồn đóng dọc theo Quốc lộ 14. Tất cả những sự chuẩn bị này CQ cho tiến hành bí mật để hòng tạo yếu tố bất ngờ.
Đại tướng Cao Văn Viên phân tích tiếp: “Phòng 2 của Tình Báo Quân đoàn 2 đã có đầy đủ ước lượng về hoạt động và mục tiêu của địch quân vào giữa tháng 2/1975, nhưng những báo động này không được vị Tư lệnh Quân đoàn cứu xét một cách cẩn thận. Tướng Phú cho rằng việc địch di chuyển đến Ban Mê Thuột chỉ là nghi binh, trong khi thật sự Pleiku mới là mục tiêu của CSBV. Do đó cách bố phòng của Quân đoàn 2 đã nói lên lối suy nghĩ của vị tư lệnh Quân đoàn”.
Lực lượng phòng thủ Ban Mê Thuột :
Vì thế, toàn bộ Sư đoàn 23 Bộ binh được đưa về hoạt động phòng ngự quanh Pleiku, việc phòng thủ Ban Mê Thuột ủy nhiệm cho Liên Đoàn 21Biệt động quân, Địa phương quân, Nghĩa quân tỉnh và Cảnh Sát. Vào đầu tháng 3/1975 khi có báo động về Sư đoàn 320 CSBV chuyển đến Ban Mê Thuột, Quân đoàn 2 chỉ đưa một phần Trung đoàn 53 (chỉ có 2 Tiểu Đoàn) trở lại Ban Mê Thuột. Trung đoàn này lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ hành quân quanh khu vực phía Nam phi trường Phụng Dực, còn lực lượng Biệt Động Quân thì trấn giữ tại khu vực Buôn Hô chừng 32 km về hướng Đông Bắc. Các toán thám sát của Sư đoàn 23 BB và Nha Kỹ Thuật QL.VNCH được tung ra chung quanh trại Bản Đôn để theo dõi các hoạt động của sư đoàn 320 CSBV nhưng chỉ phát giác được một số đơn vị nhỏ cấp đại đội CQ địa phương.
Như vậy, lực lương quốc gia phòng thủ Ban Mê Thuộc tổng cộng khoảng 4,000 người gồm những quân
nhân hậu cứ của Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư Đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 (quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku và Kontum từ trước Tết ).
Ban Mê Thuột thực sự là một thành phố bỏ ngỏ không lực lượng bảo vệ. Do vậy, vấn đề phân nhiệm phòng thủ tuy có kế hoạch nhưng chẳng thắm vào đâu so với lực lượng tấn công thiện chiến và đông đảo gấp 20 lần của đối phương .
- Lực lượng phòng thủ phía Nam là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh gồm các phòng các ban các sở trực thuộc.
- Lực lượng phòng thủ phía Tây, khu vực trọng yếu và nguy hiểm nhất, gồm các đơn vị hậu cứ của Thiết đoàn 8 kỵ binh và kho đạn (trại Mai hắc Đế) cùng với Trung Tâm Yểm Trợ tiếp vận (đại đội hành-chánh tài-chánh ).
- Lực lượng phòng thủ phía Đông do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh đảm trách. Xa hơn là Chi Khu Ban Mê Thuột và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột phối hợp với nhau để chịu trách nhiệm vấn đề phòng thủ mặt nầy.
- Lực lượng phòng thủ mặt Bắc thị xã là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac cùng với một đơn vị 206 Cảnh Sát Dã Chiến.
- Nội vi thị xã và các chốt điểm trọng yếu đều do lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đảm trách, và được bố trí như sau:
* Hai chốt cảnh sát đặt tại Trường Trung Học và cuối đường Phan Chu Trinh là các chốt ở cửa Bắc.
* Cuối đường Tự Do được giao cho Cục Cảnh Sát Cư Kplong và một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến.
* Cửa ngỏ phía Nam có Cục Cảnh Sát Cư Ê Bư và một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến chịu trách nhiệm.
* Cửa Tây thị xã giao cho Cục Cảnh Sát thị xã Cục Lạc chịu trách nhiệm. Các cao ốc trong toàn thị xã và các khách sạn đều được Cảnh Sát Quốc Gia đóng chốt.
* Các đơn vị trừ bị gồm có một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 Bộ Binh đóng tại phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km, có một pháo đội 105 ly, trong khi pháo binh của Cộng quân lại là loại 130 ly, và hỏa tiển 122 ly, tầm xa và sức công phá hoàn toàn cách biệt.
* Ngoài ra, doanh trại các tiểu đoàn Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Tiếp vận thống thuộc Sư đoàn 23 bộ binh đóng gần thị xã đều tận dụng quân số tại hàng để tổ chức phòng ngự trong phạm vi trách nhiệm.
Riêng về trách nhiệm của tiểu khu Darlac, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật đã cho điều động tiểu đoàn 204 Địa phương quân đang đóng tại Ban Don về thị xã.
Cô lập Ban Mê Thuột :
Các trận đánh nhằm nghi binh & cô lập Ban Mê Thuộc trước ngày 10/3/1975
Bắc Việt đưa kế hoạch tấn công bất ngờ và đông đảo, nghi binh tối đa, chúng vờ đánh Pleiku để nhử ta lên giải tỏa rồi cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột, chiếm phi trường sau cùng ba mặt giáp công.
Bắc Việt dùng các Trung Đoàn, Sư Đoàn cắt các đường giao thông 19, 14, 21 nghi binh thu hút quân đội VNCH về phía Bắc để bất thần tấn công Ban Mê Thuột. Chúng không để sẵn quân ở vị trí xuất phát tấn công mà tập kết từ xa vận động đến, bỏ qua vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào thị xã phối hợp với lực lượng đặc công đã len lỏi sẵn trong thị xã, rồi từ đó đánh ra ngoài.
Ngày 1-3-1975 sư đoàn 968 Bắc Việt tấn chiếm các đồn bót gần Thanh An, pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku.
Ngày 4/3/1975 Trung Đoàn 95B Việt Cộng và Sư đoàn 3 Sao Vàng tấn công ngăn chận quốc lộ 19 tại An Khê như muốn tấn công Pleiku, cắt đường giao thông Pleiku và Nha Trang.
Ngày 5/3/1975 Trung Đoàn 25 Việt Cộng cắt Quốc Lộ 21 giữa Phước An và Khánh Dương, cắt đường Nha Trang - Ban Mê Thuột. Tướng Phú cho tăng cường trung đoàn 45 tại Thanh An và cho 2 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân và Thiết Giáp giải tỏa quốc lộ 19 nhưng không thành công .
Ngày 7/3/1975 sư đoàn 320 Việt Cộng chiếm quận lỵ Thuần Mẫn trên Quốc lộ 14 nằm giữa đường Pleiku đi Ban Mê Thuột.
Ngày 9-3 hôm nay Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Chi khu bị tấn công từ 6 giờ sáng, VC đã dùng pháo binh 130 ly và SKZ 82 ly bắn vào Chi khu và Chi đoàn Chiến xạ, địch đã làm tê liệt các chiến xa của ta ngay từ phút đầu và sau đó quân chính qui Cộng sản Bắc Việt mở "trận địa chiến" đánh ban ngày, các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết. Tình hình Đức Lập vô cùng nguy ngập. Các đồn phụ đã bị "bứt". Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và một số cấp chỉ huy khác bị Việt cộng sát hại.
Tương Phú bốc máy liên hợp liên lạc thẳng với Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập. Ông được báo cáo Trung tá Quận trưởng đã bị thương, hiện ở ngoài chỉ huy và điều khiển những khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào Cộng quân. Chi khu cầm cự cho đến sáng, khi mặt trời bắt đầu lên. Đúng 10 giờ 30 phút quận Đức Lập biến thành biển lửa.
Như thế Việt Cộng đã cô lập Ban Mê Thuột cả Bắc và Nam mà Tướng Phú vẫn cho là địch sẽ đánh Pleiku, ông lại nghĩ chúng nghi binh vờ đánh Ban Mê Thuột. Tuy nhiên theo đề nghị của Bộ tư lệnh Quân Đoàn ông đã cho trực thăng vận 2 tiểu đoàn Biệt đông quân thuộc Liên Đoàn 21 từ Kontum đến Buôn Hô cách 30 km ở phía Bắc Ban Mê Thuột.
Sự sai lầm của tướng Phú đã được Việt Cộng khai thác triệt để: “Từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 9 tháng 3 năm 1975, trước khi tiến công vào Buôn Ma Thuột, ta triển khai thế chiến dịch, thu hút sự chú ý của địch về hướng Công tum, Plây cu, cắt các đường, cô lập mục tiêu chủ yếu. Cho nên đến lúc ta sắp nổ súng đánh vào Buôn Ma Thuột, địch mới biết. Chúng báo động và muốn tăng cường lực lượng nhưng không kịp nữa rồi, lực lượng đã bị căng giữ ở các nơi khác” (ÐTMX trang 90)
Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 9/3/1975 Thiếu Tướng Phú bay lên BMT thị sát kế hoạch phòng thủ, ứng chiến của thành phố ra lệnh cấp phát hỏa tiển chống chiến xa M72 và hỏa tiển TOW cho các đơn vị. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9/3/1975, Tướng Phú họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột, để cho có sự thống nhất chỉ huy, Tương Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột.
Các Tư lệnh mặt trận phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ.
Kho xăng, kho đạn phải được phân tán, đề phòng đặc công Cộng sản Bắc Việt đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Đến 10.00 giờ đêm, thành phố Ban Mê Thuộc được lệnh báo động đỏ, tập họp tất cả binh sỉ chuẩn bị tác chiến.
Ngày 10/3/1975, từ 1giờ 20 đến 2 giờ 15 sáng, các chốt điểm Cảnh Sát Dã Chiến ở cửa Bắc và cửa Tây thị xã đã phát giác các tổ trinh sát tiền phong của Cộng quân và liên tiếp báo về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac.
2 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo theo chiến thuật tiền pháo hậu xung bằng đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự như Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, kho đạn Mai Hắc Đế và phi trường L19.
Những tiếng nổ của hỏa tiển 122 ly và đại pháo 130 ly khủng khiếp làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất. Các nhà cao tầng bị rung chuyển cực mạnh. Thành phố đã như con tàu chao nghiêng trong bão tố. Một số các nhà xây thô sơ quanh các khu vực quân sự đã bị sụp đổ, và trận mưa pháo liên tiếp không ngừng đổ xuống các cứ điểm quân sự cho đến 6 giờ sáng.
Bốn giờ sáng, chiến xa T-54 và bộ đội Cộng Sản chia làm nhiều mũi tấn công vào phi trường L19, kho đạn Mai Hắc Đế , Tiểu Khu Darlac, Tòa Hành Chánh Tỉnh, BTL Sư Đoàn 23 BB, Hậu cứ Trung Đoàn 53 BB sát phi trường Phụng Dực với chiến thuật biển người.
Trận đánh quyết định giữa Nam-Bắc đã diển ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu !
6 giờ 15 sáng, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đậu tại Ngã 6 thị xã phát lời kêu gọi của Đại Tá Tỉnh Trưởng yêu cầu đồng bào bình tỉnh, ai ở nhà nấy, tình hình an ninh tại thị xã vẩn còn yên tỉnh.
6 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một góc phía Bắc của phi trường L19 bị Cộng quân tràn ngập.7 giờ 15 các chốt cảnh sát xin lệnh rút khỏi vị trí phòng thủ vì áp lực địch quá mạnh, dân chúng từ khu vực Buôn A-Lê B, Tân Mai, cửa Nam thị xã lũ lượt chạy vào trung tâm thành phố.
8 giờ 30 , Kho đạn Mai Hắc Đế thất thủ. Viên Đại Úy chỉ huy trưởng bị tử thương.
9 giờ 20, chiến xa T-54 và bộ đội cộng quân chia làm nhiều mũi tấn công vào thị xã. Một mũi từ cuối đường Phan Chu Trinh (cửa Bắc ) tràn chiếm khu vực nhà thờ Chính Tòa, ngã Sáu thị xã, cách Bộ Chỉ HuyTiểu Khu 800 mét. Mũi phía Nam, từ khu vực Buôn A-Lê B, đồi La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực tư dinh Tỉnh Trưởng, Ty Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải Đoan, đánh chiếm ngã tư Nguyễn Tri Phương Phan Bội Châu, và mặt Tây thị xã cũng đã bị Cộng quân tấn chiếm.
Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
Mặt trận Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975
MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC
Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3/1975, các mũi tiến quân của Cộng quân từ hướng Bắc và hướng Tây Bắc đã hoàn toàn tràn ngập trung tâm thành phố và tập trung nổ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của Cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi.
Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của Cộng quân bị bắn cháy. Dù với chiến thuật biển người và đại bác 100 ly trang bị cho T-54 bắn trực xạ không ngừng nhưng Cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng thủ này. Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của Cộng quân là những tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả phản kích làm cho bước tiến quân của Cộng quân đã phải ngừng lại.
Cộng quân lui về cố thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly từ các chiến xa T-54 và đại bác130 ly cùng hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
11giờ 20, một chiếc T-54 của Cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.
11 giờ 45, hai chiếc Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8 từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về đánh bọc hậu lực lượng của Cộng quân đang công hãm Tiểu Khu. Nhưng khi đến ngã Ba Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của Cộng quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị Cộng quân bắn cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố Ama Trang Long để tiến về hướng Tiểu Khu.
Khu chợ Ban Mê Thuột, từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y Jút đến Ama Trang Long bị trúng đạn pháo và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không thua gì nhà hàng Thanh Thế ở đại lộ Lê Lợi Saigon, giờ đây đang là một biển lửa. Dãy phố bên kia đường Ama Trang Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn. Khu phố nằm trên đường Y Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Bác Sĩ Tôn Thất Hối đã bị sập.
Lực lượng Biệt Ðộng Quân tại Buôn Hô được điều động về tiếp cứu Ban Mê Thuộc nhưng gập hỏa lực mạnh mẻ của các chốt kháng cự trên đường đi. Một lực lượng Thiết Giáp và ÐPQ đang hành quân tại Budrang cũng được lệnh trở lại nhưng bị cầm chân ở một cây cầu phía Nam tỉnh lỵ khoảng 10 km.
Đến 11 giờ 45 các chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ. Lực lượng của cộng quân từ 2 mặt, phía Bắc và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự phòng thủ nầy.
13 giờ 15 trưa ,Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền tin bị phá hủy.
14 giờ 20 Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ, mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu. BCH Tiểu Khu phải di tản và sát nhập với BTL tiền phương của SĐ23BB.
Sáu mươi ngàn dân thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac. Trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình với những trận tấn công và đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, đến giờ phút cuối đành di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.
MẶT TRẬN PHÍA BẮC THỊ XÃ
Những Trận Đánh Oanh Liệt của Các Chiến Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac
Trong kế hoạch phòng thủ thị xã Ban Mê Thuột, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm về một khu vực phòng thủ nặng nề nhất, từ nội vi thị xã đến cả một mặt Bắc, bao gồm phi trường trực thăng và phi trường L19. Phòng thủ phi trường L19 là đơn vị Thám Sát Tỉnh (PRU), trực thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tỉnh.
Với những tin tức nhận được của mạng lưới tình báo cơ hữu và của các đơn vị bạn, vị chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, Trung Tá Trần Quang Vĩnh đã sẵn sàng kế hoạch phòng thủ và phản công cho đơn vị hằng tháng trước. Ông đã bổ nhiệm Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn, Đại Đội Trưởng đại đội Cảnh sát Dã Chiến 206 làm phụ tá đặc trách hành quân.
2 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu tấn công phi trường L19, (khu vực phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, do Đại Đội Thám Sát chịu trách nhiệm), bằng đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly.
Đến 4 giờ sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu dùng lực lượng bộ binh với chiến thuật biển người và xe tăng T-54 tấn công phi trường L19. Đơn vị Thám Sát Tỉnh chống trả quyết liệt và báo cáo về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia. Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn liền liên lạc với Tiểu Khu xin Đại Đội 1/224 tiếp viện. Nhưng Đại Đội 1/224 đã không thể chọc thủng vòng vây của Cộng quân ở mặt Bắc Phi trường L19.
6 giờ 20, một đoạn vòng đai ở khu vực phía Bắc phi trường bị chọc thủng. Lực lượng Cộng quân tràn ngập khu vực này, và đơn vị Thám Sát Tỉnh đã phải lui về phòng tuyến phòng thủ phía sau với những tổn thất nặng nề về nhân sự .
Sau khi tràn ngập các vị trí phòng thủ, 9 giờ 20, lực lượng Cộng quân từ mặt Bắc thị xã, tức là khu vực phía Bắc phi truờng L19 bắt đầu tấn công Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac, nằm trên đường Tự Do để xâm nhập trung tâm thành phố.
Lợi dụng hệ thống công sự phòng thủ và các dãy hàng rào kẽm gai bảo vệ phi trường L19 nằm bên kia đườngTự Do, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã chận đứng các mũi tiến quân của Cộng quân. Các chiến sĩ Cảnh Sát dù chỉ được trang bị M-16, M-79 và lựu đạn nhưng đã anh dũng phản công quyết liệt trước những đợt tấn công của Cộng quân, không cho địch tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ.
Chính nhờ lòng dũng cảm chiến đấu, kỷ thuật tác chiến, và hệ thống chỉ huy chặt chẽ , mà một mặt phía Đông thị xã Ban Mê Thuột, từ khu đường Tự Do, chạy dài xuống Bà Triệu, Hùng Vương, Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, chưa có bóng dáng của Cộng quân. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã trấn giữ một khu vực an toàn mà có lẽ họ không thể nào ngờ được, đó là con đường di tản duy nhất sau này cho các đơn vị phải rút lui vào phút cuối.
15 giờ 40 với áp lực của địch, và để bảo toàn đơn vị, Thiếu tá Hàn Văn Thành, chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã ra lệnh mở đường máu đem đơn vị ra khỏi thị xã về Cây Số 5, phối hợp với các đơn vị trực thuộc và Chi Khu Ban Mê Thuột để tiếp tục phản công quân thù.
16 giờ Cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn còn kháng cự.
Trong thành phố, tiếng súng nhỏ đã im, nhưng cảnh tan hoang của thị xã thật không cách nào tả xiết. Rải rác trên các khu phố, những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không ai săn sóc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Bóng dáng của Cộng quân như tử thần đến chiêu hồn những kẻ còn sống và đe dọa mọi người.
Trong gần suốt 14 giờ đồng hồ, các đơn vị quân đội, Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Tỉnh và Nhân Dân Tự Vệ toàn thị xã đã tận hết sức mình để chống trả với lực lượng biển người, chiến xa và đại bác của Cộng quân mà không có được một đơn vị bạn nào tiép cứu.
Và giữa những giờ phút quyết liệt này, người ta nhận được tin vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một đơn vị Biệt Động quân từ cửa Bắc thị xã (bến xe Cây Số 3) đã xâm nhập trung tâm thành phố. Tin tức này được loan truyền đến hầu hết các đơn vị đang chiến đấu trên khắp các cửa ngõ thị xã, và mỗi người lính, từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều vui mừng hy vọng chiến trường sẽ xoay hướng.
Nhưng cho đến một giờ chiều, tin tức về Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân vẫn im hơi lặng tiếng, mà chiến trường mỗi lúc càng quyết liệt hơn, cho đến khi người ta biết rằng đơn vị Biệt Động Quân tiến vào thị xã sáng nay là chỉ để giải cứu gia đình vợ con của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã.
Tin này quả thật là một tác động tâm lý, không những làm cho các đơn vị tham chiến mà cả toàn thị xã có cảm nghĩ Ban Mê Thuột đã bị bỏ rơi. Tuy nhiên với tinh thần và trách nhiệm của một người lính, các đơn vị có mặt tại thị xã vẫn anh dũng chiến đấu với niềm tin lực lượng tổng trừ bị, và đặc biệt là hai Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ được gởi đến.
ĐÊM KINH HOÀNG
Từ 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3/1975, bộ đội Cộng quân bắt đầu chia thành từng toán nhỏ lục soát khắp cùng các khu phố và những điểm tập trung của người chạy loạn như chùa Khải Đoan, trường Bồ Đề, trường Tàu ở đường Y Jút. Họ thanh lọc dân chúng, bắt đi những thanh niên nam nữ, và truy lùng các viên chức chánh phủ, sĩ quan và binh lính.
Khắp cùng các ngõ phố, bọn đặc công và du côn, thi nhau lập công, đập phá các cửa tiệm, dinh thự, tư gia, những nơi mà họ cho là có kẻ thù ẩn trốn, là Việt gian, phản động, làm việc cho Mỹ Ngụy, hoặc có nợ máu với nhân dân. Chúng thi nhau lục soát các trường học, nhà thờ, bức tượng ở nhà thờ quân đội, cạnh trường Hưng Đức cũng bị chúng đập nát, đồng thời lùng bắt những người có thù hằn với chúng, và lôi đốt hết các loại sách báo, giáo khoa, tự điển, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những ấn phẩm viết bằng tiếng ngoại quốc như Anh văn, Pháp văn.
Một lần nữa, ngọn lửa tượng trưng cho sự hủy diệt lại bùng lên khắp cùng thị xã. Cảnh hôi của, hôi người, trả thù cá nhân lan tràn khắp nơi. Thành phố bây giờ là một xã hội không tổ chức, không luật pháp, và tai họa thảm khốc đã diễn ra khắp cùng các ngõ phố. Những hình phạt dã man thời tiền sử đã được đem ra thực hiện. Hình ảnh của chết chóc và khủng bố đang bao trùm lên thị xã nhỏ bé này và đè nặng xuống tâm hồn mỗi dân đinh của toàn thành phố.
Sự ngu dốt của kẻ chiến thắng, hay sự dã man và thiếu trình độ của cấp lảnh đạo chính là tai họa và thảm trạng tàn khốc cho một xã hội. Xã hội miền Nam, và dân trí của nền Cộng Hòa miền Nam đã có một trình độ văn hóa và kỷ thuật cách xa gấp bội so với miền Bắc, nên bộ đội Cộng quân, sau khi đã kiểm soát toàn thị xã, lập tức đi dò tìm những ''đài địch,'' và đã dùng súng B-40, B-41, hoặc đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54 bắn vào các tư gia có trụ ăng ten trên nóc nhà, vì họ cho rằng đó là vị trí đặt các máy truyền tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà các trụ ăng ten TV là những ''đài địch '' ấy đã có khắp trong toàn thị xã. Thảm thương thay cho thành phố Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này.
Trong đêm này, không biết có bao nhiêu gia đình tan hoang, bao nhiều người bị chết oan, đánh đập, hoặc bị đấu tố mang thương tích hay tàn khuyết, mà vợ con, thân nhân, bạn bè chỉ đứng nhìn mà không dám kêu van. Máu và lệ đã đổ, nhưng không chảy ra từ khoé mắt, mà lại tuôn ngược vào lòng. Trời ở quá cao mà Phật cũng rất xa, nên con người đã là chủ của con người trong đêm nay, với đầy đủ quyền uy và hung dữ. Đêm kinh hoàng, đêm của địa ngục và Sa Tăng.
Nhưng cái quan trọng của những kẻ chiến thắng không phải là những thứ đó, Cái quan trọng đối với kẻ chiến thắng trong cuộc chiến 20 chọi 1 này là vơ vét tất cả những gì họ có thể vơ vét: Kho dự trữ lương thực trung ương, nằm trên đường Tự Do, Kho Quân Nhu, Quân Cụ, dụng cụ y khoa và dược phẩm, thuốc men của các bệnh viện như Quân Y Viện, Dân Y Viện, Trạm xá, nhà hộ sinh, các cửa tiệm thuốc Tây, các đại lý gạo, cửa hàng bách hóa của tư nhân trong toàn thành phố ….
Suốt đêm, người ta nhìn thấy những đoàn Molotova chở đầy hàng hóa vật dụng của thành phố đi về hướng Bandon, phía Tây thị xã.
BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH VÀ TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG
Bây giờ là 4 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, khu suối Đốc Học với những vườn rau tàn tạ đầy dấu dép râu và dấu xích chiến xa, khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Dân Y Viện Ban Mê Thuột, chỉ còn thấy được ngọn đèn Signal chơ vơ trên trụ truyền tin. Những đóm màu đỏ của hỏa châu càng nhỏ hơn, như ánh mắt của loài thú hoang trong rừng đêm.
Cái lặng lẽ của đêm trường và cái yên tĩnh của chiến trường càng làm cho người ta liên tưởng tới một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Lâu lâu một tràng đại liên hoặc những loạt súng nhỏ không phân biệt được AK-47 hay M-16 bắn ra. Và như vậy là đã hơn 24 giờ đồng hồ, từ lúc 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, lực lượng phòng thủ hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã chống trả không ngừng trong suốt 24 giờ, và không hiểu sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa.
Qua hệ thống truyền tin, người ta nhận được tín hiệu của Chi Khu Ban Mê Thuột, và Đại Tá Dậu, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân còn ở ngoài vòng đai thị xã, ở mặt Bắc, mà chưa chọc thủng được phòng tuyến của Cộng quân để tiến vào thị xã. Hy vọng duy nhất trong lúc này, là hai chiếc L-19 đang bay trên đầu Bộ Tư Lệnh, dầu rằng màng lưới phòng không với đại liên 37 ly của Cộng quân vẫn không ngừng tấn công.
5 giờ 55 sáng ngày 11 tháng 3/1975, chiến trường vẫn còn yên tĩnh, Ở cửa Nam thị xã, lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng, nằm trên đại lộ Thống Nhất vẫn còn cầm cự.
6 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, từ khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Du, sau lưng Sở Học Chánh Ban Mê Thuột, những chiếc T-54 của Cộng quân, và lực lượng bộ binh tùng thiết đang thực hiện một cuộc chuyển quân bao vây hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Vòng vây này đang được thắt chặt, như một màng lưới dày đặc chung quanh vòng đai phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Và 6 chiếc T-54, nhìn được từ hướng Tây-Nam, đang dàn hàng ngang tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Với kinh nghiệm của những người lính, ai cũng hiểu Bộ Tư Lệnh khó lòng cầm cự được trong vòng vài ba giờ đồng hồ tới.
Trong khi đó, những tiếng súng nhỏ, và đại bác 100 ly, cùng lúc gầm lên như những giây pháo nổ không ngừng, làm rung chuyển cả một vùng trời. Cộng quân bắt đầu nổ lực tấn công hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Và tại cửa Nam thị xã, bộ binh và chiến xa T-54 cũng ráo riết tấn công lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng.
8 giờ 15 sáng ngày 11 tháng 3/1975, tư dinh tỉnh trưởng bị T-54 ủi sập các bức tường vòng đai, và pháo sập các tầng lầu. Trung úy Trung đội trưởng bị trọng thương. Tư dinh tỉnh trưởng đã thất thủ, chốt điểm cuối cùng ở cửa Nam thị xã đã bị Cộng quân tràn ngập, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh bây giờ như người hùng cô đơn vẫy vùng dưới trời mưa đạn của quân thù.
NHỮNG PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH
Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh gồm hai đại đội và một số các phòng ban chuyên môn, trong đó có đại đội tổng hành dinh, chuyên trách về hành chánh và ẩm thực. Lực lượng chủ chốt là các Trung Đoàn 44 và 45 đang hành quân vùng Pleiku. Trung Đoàn 53 chỉ có hai tiểu đoàn ở Ban Mê Thuột, và một trung đội Pháo Binh 105 ly, nhưng một tiểu đoàn lại đã điều động lên giải tỏa Quận Đức Lập, một quận vừa bị Cộng quân tràn ngập vào sáng Chủ Nhật ngày 9 tháng 3/1975. Tiểu đoàn còn lại phòng thủ Phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột về phía Đông Đông-Bắc 7 km.
Cho đến 8 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, đơn vị quân lực còn có mặt tại thị xã Ban Mê Thuột chỉ là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Cộng quân biết rõ điều này, và càng hiểu rằng Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ trở về chiếm lại giang sơn của họ. Và đặc biệt là Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang có mặt ngoài vòng đai thị xã ở cửa Bắc,
Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân được đổ xuống Buôn Hô, một quận cách thị xã Ban Mê Thuột 35 km về hướng Bắc lúc 4 giờ 30 chiều ngày 10 tháng 3/1975. Đến 9 giờ tối cùng ngày đã tiến sát vào vòng đai thị xã, nhưng chưa chọc thủng được vòng vây của Cộng quân. Tiểu Khu Darlac lúc bấy giờ đã rút ra khỏi thị xã. Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 cố thủ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh, nên không có được một đơn vị nào làm đầu cầu cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân tiến vào thị xã.
Điểm đáng tiếc là 10 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, đơn vị tiền sát của liên đoàn đã đột nhập thị xã, di tản gia đình vị tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã, nhưng lại không được lệnh ở lại làm điểm tựa cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đến giải cứu thị xã sau này.
Từ 6 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 3/1975, Cộng quân đã bố trí xong lực lượng thắt chặt vòng văy hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54, bắn trực xạ, đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly từ hướng Bandon dồn dập đổ xuống Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Đồng thời, chiến xa và bộ đội Cộng quân dàn hàng ngang tấn công bốn mặt vòng đai Bộ Tư Lệnh. Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh đã chống trả quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công, và đánh cận chiến với quân thù.
10 giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy.
10 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, một đoạn hệ thống công sự ở mặt Tây và phía Nam Bộ Tư Lệnh đã bị chọc thủng. Bộ đội và chiến xa của Cộng quân tràn vào hậu cứ Sư Đoàn 23 Bộ Binh như nước vỡ bờ. Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, mở đường máu đem đơn vị thoát khỏi hậu cứ, bỏ lại Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đinh trong một tình huống vô cùng bi thảm. Ban Mê Thuột lâm chung. Sáu mươi ngàn dân như một đàn gà con mất mẹ. Đêm đen phủ xuống thành phố này cùng với nổi hải hùng và tuyệt vọng mênh mong.
MẶT TRẬN PHI TRƯỜNG PHỤNG DỤC VÀ TRUNG ĐOÀN 53 BỘ BINH
Thị xã Ban Mê Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân từ chiều hôm qua, ngày 10 tháng 3/1975, và đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh rút khỏi thị xã này lúc 10 giờ 38 phút ngày 11 tháng 3/1975. Nhưng Trung Đoàn 53 Bộ Binh, phòng thủ Phi Trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km về hướng Đông Bắc vẫn cố thủ và cương quyết chống lại lực lượng biển người và chiến xa T-54 của Cộng quân.
Cùng lúc tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân đã không bỏ sót Trung Đoàn 53. Chiến xa và bộ đội của Cộng quân, với đại bác 130 ly, và hỏa tiển 122 ly yểm trợ đã không ngừng luân phiên tấn công Trung Đoàn 53. Và sau khi đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng rời bỏ Ban Mê Thuột, Cộng quân càng tập trung lực lượng tấn công Trung Đoàn 53 ác liệt hơn.
Trận đánh thư hùng giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lương quân chính qui CS Bắc Việt đã được tăng cường thêm đông hơn gấp 10 lần xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 Bộ Binh là Trung Tá Võ Ân. Biết rõ ý đồ của Cộng quân, nhưng ông cũng hiểu rằng Phi Trường Phụng Dực là điểm tiếp liệu, tiếp vận duy nhất cho lực lượng tổng trừ bị là sư đoàn Nhảy Dù sẽ đến giải cứu Ban Mê Thuột sau này, đồng thời đơn vị của ông là lực lượng đầu cầu và liên lạc duy nhất cho các đơn vị bạn về sau. Do vậy, ông đã ra lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược và mọi phương tiện quân y, dược cụ, cố gắng chiếm dụng vũ khí của địch để chống lại kẻ địch, và phải nhất định bắn trúng mục tiêu.
Trong suốt thời gian 6 ngày đêm, Trung Đoàn 53 Bộ Binh không những đã đánh tan nhiều đợt tấn công biển người của Cộng quân, mà còn tịch thu nhiều loại vũ khí cá nhân cũng như súng cộng đồng để tiêu diệt T-54 và hàng trăm xác quân thù bỏ lại chiến trường. Sự tổn thất nặng nề nhất của Cộng quân trong mặt trận Ban Mê Thuột, hơn 200 nhân mạng, không biết được con số bị thương, và hàng chục T-54 bị phá hủy bằng chính B-40, B-41 của Cộng quân do Trung Đoàn 53 tịch thu tại mặt trận Phi trường Phụng Dực.
Góp phần đáng kể vào việc kéo dài trận chiến là một đại đội chừng 70 binh sĩ tinh nhuệ, gan lì, được huấn luyện đặc biệt và quyết tâm chiến đấu đến cùng. Tham gia trận chiến Ban Mê Thuột ngay từ ngày đầu, và là đơn vị sau chót rút khỏi đấy là Đại Đội Thám Báo mà Thiếu Uý Nguyển Công Phúc là một trung đội trưởng.
Đại đội đã chiến đấu trong hoàn cảnh cô đơn, cam go, căng thẳng và thiếu thốn súng đạn, lương thực. Họ đã gây tổn thương nặng cho một tiểu đoàn địch, giúp Trung Đoàn 53 của bạn chống trả lại những đợt tấn công mãnh liệt của đối phương, đồng thời chấm tọa độ hướng dẫn pháo binh bạn bắn vào những vị trí địch.
Một trong những yếu tố để đại đội đạt được thành tích trên và tồn tại mà chiến đấu bền bỉ nhất ở Ban Mê Thuột là Cộng quân không biết vị trí đóng quân kín đáo và bất ngờ của đại đội. Cộng quân khi tấn công Trung Đoàn 53 đã bị thúc mạnh vào cạnh sườn vì không biết có đại đội thám báo nằm quanh những ụ đất dùng để che chở cho máy bay ở phi trường và gần rừng cao su phía ngoài căn cứ của trung đoàn. Đại đội mới nhận vị trí đóng quân ở đấy vào buổi chiều. Chỗ đóng quân lại không phải là doanh trại. Quanh phi trường lại có những bãi trống, địch tiến quân dễ bị phát hiện.
Trong những giờ đầu của cuộc tấn công, Phúc theo dõi tình hình mặt trận qua máy truyền tin. Được trang bị hệ thống truyền tin tối tân hơn những đơn vị bộ binh thông thường khác, đại đội thám báo có thể liên lạc với những đợn vị bạn theo hàng dọc, mà cả với mấy đơn vị theo hàng ngang như quân đoàn, sư đoàn và không đoàn ở Nha Trang. Nhờ vậy Phúc biết thêm một số diễn tiến ở trận chiến.
Từ sáng sớm ngày 10 tháng 3/1975 cho đến hết ngày 15 tháng 3/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh chỉ với một tiểu đoàn Bộ Binh, và Pháo đội 105 ly đã anh dũng chiến đấu với một lực lượng Cộng quân nhiều gấp bội, có chiến xa và đại bác đủ loại, mà không cần biết đến Ban Mê Thuột đã thất thủ và đài BBC trong bản tin phát đi vào đêm 14 tháng 3/1975, đã loan tin Sư Đoàn 23 Bộ Binh bị xóa tên trong quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 15 tháng 3/1975, một phi vụ yểm trợ tiếp liệu cuối cùng cho Trung Đoàn 53 đã không rơi đúng điểm ấn định mà lại rơi xuống khu vực Vườn Ương ở Hồ thực nghiệm.
Ngày 16 tháng 3/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2. Hết đạn dược và thuốc men, Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Võ Ân đành phải ra lệnh rút khỏi phi trường Phụng Dực. Điểm liên lạc, tiếp vận duy nhất cho Ban Mê Thuột đã lọt vào tay Cộng quân. Nhưng Trung Tá Ân, đúng là người hùng của quân lực, và Trung Đoàn 53 Bộ Binh anh dũng là những người con yêu của Tổ Quốc, đã làm khiếp đảm quân thù, và đem vinh quang về cho một quân đội kiêu hùng của nền Cộng Hòa miền Nam.
Với lịch sử của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực tế của mặt trận Ban Mê Thuột, nếu thị xã Ban Mê Thuột được Trung Đoàn 44 hoặc 45 Bộ Binh phòng thủ, thì cho dầu Cộng Sản Bắc Việt có quân số nhiều hơn vài ngàn người trong cuộc tấn công này, Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đã không rơi vào biển đêm của lịch sử dân tộc. Và Sư Đoàn 23 Bộ Binh vĩnh viễn sẽ là một đơn vị kiêu hùng của một quân lực kiêu hùng bất diệt.
QĐ2 Tiếp cứu BMT :
Ban Mê Thuộc lọt vào tay CS, khởi đầu cho việc sụp đổ của Miến Nam Tự Do. Buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Đại tá Quang ra lịnh rút quân vọt ra khỏi hàng rào và hướng về phía Tây tức là “Suối Bà Hoàng” - cách BTL Sư đoàn 250m.
Cũng may mùa này là mùa khô nên suối cạn. Đáy suối lại thấp hơn mặt đất tới 15m nên rất dễ cho việc ẩn nấp. Anh em binh sĩ đi theo rất đông, chừng 100 người. Xa xa tiếng phát thanh tuyên truyền của địch quân gần Chùa của Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột kêu gọi các binh sĩ ta đầu hàng. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng
Sau cùng Đại tá Quang quyết định mọi người phải phân tán mỏng để tránh sư phát giác của địch quân. Đại tá Quang, Vị Tư lịnh chiến trường Ban Mê Thuột sẽ đi về hướng Nam, đến gần cầu khoảng cách 14km và tìm đường về Nha Trang. Còn Đại tá Nguyễn Trọng Luật cùng với Phó Tỉnh trưởng Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi về hướng Tây, nhằm về khu cà phê của Trung tướng Hoàng và chờ trời tối sẽ bọc lên phía Bắc Ban Mê Thuột và từ đó tìm về Nha Trang. Riêng các binh sỉ thì phân tán mỏng và tìm cách trở về Nha Trang. Hy vọng lúc đó sẽ tập họp lại để tiếp tục chiến đấu..
Cũng thời gian này trên Quốc lộ 14, từ Đức Lập về Ban Mê Thuột, bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột, cũng bị Việt cộng phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột.
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã lẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, Đại Tá Quang và tùy tùng trốn khỏi Trung Tâm Hành Quân, đi được khoảng 6 cây số đường rừng, ngay khi vừa tới sát một làng Thương, thì bị Việt cộng nổ súng, xông ra vây bắt. Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt để khai thác.
Riêng cánh Đại Tá Nguyễn Trọng Luật khi chạy đến vườn cà phê của Trung Tướng Thái Hoang Hoàng,tất cả cũng bị Cộng quân dàn quân chận bắt hết.Riêng Đại Tá Luật bị chúng bắt lên một xe thiết giáp chở đi mất.
Những cơ sở đầu não ở Ban Mê Thuột bị VC đánh chiếm trong hai ngày đầu. Mấy ngày sau Sài Gòn chưa nhìn nhận Ban Mê Thuột thất thủ vì chiến trận còn tiếp diễn ở Trung Đoàn 53 khu vực gần phi trường nằm phía ngoài thị xã.
Ngày 12 tháng 3/1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức cuộc đổ quân tăng viện để tái chiếm Ban Mê Thuột. Lực lượng chính của cuộc phản công là Trung đoàn 45 Bộ binh (BB) và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23 BB đang phòng ngự tại Pleiku. Về phía Không quân VNCH tham gia cuộc đổ quân, ngoài các phi đoàn của Sư đoàn 6 Không quân, BTL đặt tại Pleiku, còn có các phi đoàn trực thăng của Sư đoàn 1 Không quân (Đà Nẵng) và Sư đoàn 4 Không quân (Cần Thơ), với hơn 100 trực thăng đủ loại kể cả các loại Chinook.
-Theo lịch trình đổ quân, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 45 BB và đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB được trực thăng vận trước tiên. Tiếp đến, các Chinook móc theo các khẩu đại bác 105 thả xuống khu vực đổ quân của lực lượng đặc nhiệm tại quận lỵ Phước An.
-1 giờ 10 trưa ngày 12 tháng 3/1975, Thiếu tướng Phú từ bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 bay đến Ban Mê Thuột trên một chiếc phi cơ nhỏ để trực tiếp điều quân. Tới Ban Mê Thuột vào khoảng 2 giờ chiều, Tướng Phú đã liên lạc với đơn vị trưởng của các đơn vị đang chiến đấu ở quanh Ban Mê Thuột như trung đoàn 53 BB ở phi trường Phụng Dực, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân, các tiểu đoàn Địa phương quân Darlac. Cùng đi theo cánh quân cứu viện còn có Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 Quân đoàn 2, được Tướng Phú chỉ định giữ chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac thay thế Đại tá Nguyễn Trọng Luật được ghi nhận là mất tích. Cùng đi theo Đại tá Tiếu, còn có bộ chỉ huy lưu động của Tiểu khu Darlac vừa thành lập.
Tuy nhiên, sự phản công và kế hoạch giải vây của quân ta đã không hữu hiệu, các Trung Đoàn 44 và 45 được đổ xuống Phước An dùng làm bàn đạp để tiến về thành phố Bàn Mê Thuột. Nhưng Phước An vào lúc đó trở thành một trung tâm tản cư của những người dân chạy thoát ra từ Ban Mê Thuộc. Ở đây nhiều binh sỉ gặp lại gia đình tự động lẫn vào đám đông bỏ ngũ. Một số các binh sỉ khác tự động rời hàng ngũ đi tìm thân nhân mất tích. Một đạo quân giải vây trong tình trạng như thế chắc chắn không thể hoạt động được. Bốn ngày sau, SĐF10 của CSBV tiến chiếm Phước An. Hy vọng giải vây BMT bị tan vở.
Chiều ngày 12 tháng 3/1975, cùng lúc tấn chiếm tại chiến trường Ban Mê Thuột, thì tại Pleiku,Cộng quân cũng đã pháo kích bằng hỏa tiễn vào phi trường quân sự Cù Hanh và bộ Tư lệnh Quân đoàn 2.
Trưa ngày 14 tháng 3, 1975, trong khi Sư đoàn 23 BB đang khai triển các cánh quân để tiến về giải cứu Ban Mê Thuột, thì tại Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá An ninh Quân sự của Tổng thống, đã họp mật với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2-Quân khu 2.Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 2/Quân khu 2 khỏi Cao nguyên, di chuyển về các tỉnh duyên hải miền Trung thuộc lãnh thổ Quân khu 2.
Thay lời kết :
Bắc Việt tung vào trận địa tấn công Ban Mê Thuột 3 sư đoàn chủ lực, toàn bộ lực lượng vào khoảng 30 ngàn người, gấp 7 lần lực lượng trú phòng (khoảng 4000). Chủ lực quân ta chỉ có hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53 còn lại là Địa Phương Quân, Sảnh Sát, lực lượng đã quá chênh lệch địch lại đánh lén, đánh trộm thì chúng phải dành chắc phần thắng trong tay. Sự thất thủ của Ban Mê Thuột là chuyện đương nhiên; dù biết trước phòng thủ cũng vẫn thua. Nhưng nếu biết trước và tăng cường yểm trợ để gây tổn thất nặng nề cho địch thì có thể giảm bớt áp lực địch tại các mặt trận khác hy vọng không đưa tới tình trạng hốt hoảng hỗn loạn dây chuyền đưa tới sụp đổ tan tành mau chóng.
Tuy nhiên sự sai lầm của Tướng Phú chỉ là phương diện chiến thuật, Ban Mê Thuột mất vì tại Quân khu 2 ta không đủ lực lượng chống lại áp lực địch gồm 5 Sư đoàn chủ lực cộng thêm 15 Trung Đoàn biệt lập và cơ giới, lại thêm những lệnh lạc bất thường thiếu nghiên cứu vì cấp lãnh đạo của ta đã sai lầm về lảnh đạo và chiến lược..
Tài liệu tham khảo :
- Những Ngày Cuối Của VNCH , của Cao Văn Viên Bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Kỳ Phong, nhà xuất bản Vietnambliography 2003.
- Ban Mê Thuột, ngày đầu cuộc chiến của Nguyễn Định trên trang Web History of the Viet NamWar.
- Mặt Trận Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975 của Vương Hồng Anh đăng trên Việt Báo từ 3/2000.
- Những Trận đánh lịch sử trong chiến tranh VN 1963-1975 của Nguyễn Đức Phương, Đại Nam xuất bản 1993.
- Trận Ban Mê Thuột 3/1975, Khúc quanh lịch sử của Trọng Đạt trên trang nhà Quốc Gia Hành Chánh 2007
- Mặt Trận Ban Mê Thuột của Phạm Huấn trên trang nhà http://doanket.orgfree.com
- Ðại thắng Mùa Xuân của Văn Tiến Dũng trên trang web: http://vnthuquan.net
- Nhìn lại trận đánh BAN MÊ THUỘT 1975 của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật trên http://doanket.orgfree.com
Sinh Tồn chuyển
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Trận Ban Mê Thuột
Bản đồ Thị xả Ban Mê Thuột
Lực Lượng Ðịch : Dưới quyền điều động của Bộ Tư Lệnh mặt trận Ban Mê Thuộc A75 do Tướng Văn Tiến Dũng, Ðinh Ðức Thiện và Lê Ngọc Hiền chỉ huy gồm khoảng 25,000 người.:
- SÐ F10. chủ lực tấn công BMT.
- SÐ320 chỉ có danh vì đã bị thiệt hại nặng khi đụng độ với Nhảy Dù ở Thượng Ðức.
- SÐ316 CSBV tử Nam Lào tiến sang
- SÐ968
- SÐ3CSBV Sao Vàng làm nghi binh.
- 4 Trung Ðoàn Bộ Binh 95A, 95B, 25 và 271.
- 5 Trung Ðoàn pháo binh gồm 48 khẩu pháo dủ loại và phòng không.
- 1 Trung Ðoàn Chiến Xa, một Trung Ðoàn Ðặc Công.
- 2 Trung Ðoàn Công Binh, Một Trung Ðoàn Thông Tin.
- Các đơn vị hậu cần, Quân xa...
Lực Lượng Bạn : Tổng cộng khoảng 4,000 người
- Trung Đoàn 53 Bộ Binh ( chỉ còn 2 Tiểu Đoàn).
- Liên Đoàn 21 BĐQ.
- Các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân.
- Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia.
Từ sau ngày ký Hiệp Ðịnh Paris ngừng bắn 27/1/1973 tình hình Việt Nam tương đối yên tĩnh. Tháng 6-1973 Quốc hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự tại Ðông Dương Việt Miên Lào. Ðầu tháng 7-1973 Nixon ký thành đạo luật áp dụng từ giữa tháng 8-1973 cấm hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn cõi Ðông Dương. Tháng 10-1973 Quốc Hội ra đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh, Tổng Thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến.
Cộng Sản Bắc Việt nhận thấy thời cơ đã đến, bèn thay đổi đường lối đấu tranh từ chính trị sang bạo lực. Trước hết tiến đánh các đồn bót lẻ tẻ, Sửa chửa và tu bổ hệ thống đường mòn HCM. Tại Quân khu 1, lấn chiếm một số căn cứ của Việt Nam Cộng Hòa, tháng 9, tháng 10 một số đơn vị thuộc tỉnh Thừa Thiên phải di tản. Năm 1973 Bắc Việt vẫn chưa phục hồi sau trận Mùa Hè 1972, chưa thể tổ chức được cuộc tấn công qui mô lớn.
Sau khi ký Hiệp định Paris, Bắc Việt cho khởi công xây tuyến đường xa lộ hành lang 613, song song với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hòa từ Ðồng Hới cho tới Lộc Ninh gọi là “Xa Lộ Đông Trường Sơn”, đến đầu 1975 thì công trình hoàn thành dài 1,200 km.gồm 5 hệ thống đường dài 5,500 km, 21 đường trục ngang dài 1,020 km. Dọc theo xa lộ Ðông Trường Sơn là hệ thống ống dẫn dầu dài 5000 km qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục nghìn xe cơ giới các loại. Bắc Việt huy động hàng nghìn xe ủi đất, hàng vạn bộ đội, công nhân, thanh niên xung phong, dân công .. ngày đêm phá núi san đèo, xây cống, lắp đường, dựng cầu.. đường rộng 8 m.. các xe vận tải cỡ lớn, các chiến xa loại nặng chạy được hai chiều với tốc độ cao cả bốn mùa, đã ngày đêm chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí đạn dược quân trang quân dụng cho chiến trường.
Bắc Việt đã xử dụng 16,000 xe vận tải để chuyên chở binh khí, kỹ thuật, đạn dược, lương thực chuẩn bị cho chiến trường miền Nam trong suốt hai năm 1973 và 1974. Đường dây liên lạc hữu tuyến cũng đã kéo dài tới Lộc Ninh. Từ Hà Nội đã nói chuyện thẳng được với nhiều chiến trường.
Ngày 22-5-1974 Hạ Viện Mỹ phủ quyết đề nghị gia tăng quân viện 1.4 tỷ Mỷ Kim cho Việt Nam Cộng Hòa của Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện, tới 23/9/1974 Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ đồng thanh chấp thuận Quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa là 700 triệu, như vậy từ 1/7/1974 VNCH chỉ nhận được một nửa số quân viện cần thiết, trong số 700 triệu này thì 300 triệu đã được dùng để trả lương cho nhân viên cơ quan DAO ( Phòng Tùy Viên Quân Sự).
Tướng Nga Kulikov, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Hà Nội xúi giục Bắc Việt tấn công xâm chiếm Miền Nam và hứa giúp thêm vũ khí đạn dược. Cuối tháng 10-1974 Bộ Chính Trị Bắc Việt quyết định kế hoạch tác chiến năm 1975. Văn Tiến Dũng đã xác nhận trong Đại Thắng mùa xuân :
“Quyết tâm chiến lược của Bộ chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: Năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam”
“Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân Uỷ Trung Ương, kết luận xác định khu vực và mục tiêu chiến trường Tây nguyên làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng, gợi ý về cách đánh, nhấn mạnh đến phương châm mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào bảo vệ phía Bắc Tây nguyên.”
Như thế Bắc Việt đã chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ bốn tháng trước trong khi ta không có một nhận định hoặc tin tức tình báo nào rõ rệt. Ngày 13/12/1974 Bắc Việt đưa ba sư đoàn tấn công Phước Long, đến ngày 7/1/ 1974 tỉnh này hoàn toàn lọt vào tay địch
Sau khi tỉnh lỵ Phước Long thất thủ CSBV yên chí thấy phía Mỹ không phản ứng. Sau đó ngày 8/1/1975 Lê Duẫn nói “tình hình đã sáng tỏ, chúng ta quyết tâm hoàn thành kế hoặch 2 năm”.Tướng Trần Văn Trà ,Tư Lệnh mặt trận B2 / CSBV đệ trình kế hoạch tấn công Ban Mê Thuộc, để khởi đầu chiến dịch tấn chiếm Nam Việt Nam, được Bộ Tông Tham Mưu Bắc Việt chấp thuận với khẩu hiệu “ Mạnh bạo, bí mật và nghi binh “.Để tấn công Ban Mê Thuột, Trà chuẩn bị 5 Sư Đoàn chính quy, 15 Trung Đoàn Thiết Giáp, Pháo Binh, Phòng Không, Truyền Tin và Công Binh với tổng số bộ đội lên đến 80,000 người.
Sau trận Phước Long, Bộ TTM ta biết chắc Cộng Sản sẽ đánh lớn tại Cao Nguyên nhưng chưa biết chắc chỗ nào vì chúng nghi binh tối đa, ta không đoán được ý định của địch, theo Tướng Hoàng Văn Lạc “trước khi Văn Tiến Dũng vào Nam, Giáp đã dặn dò Dũng phải nghi binh thật nhiều để đánh lạc hướng ta”.
Tình hình chính trị quân sự Việt Nam Cộng Hòa 1975 rất là bi đát. Năm 1967 quân phí tại Việt Nam là 20 tỷ Mỹ Kim, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên 29 tỷ, hai năm 1970, 71 rút xuống còn 12 tỷ mỗi năm. Khi Mỹ đã rút gần hết chỉ còn 24,200 người trong năm 1972 thì Việt Nam phải một mình gánh vác chiến trường với tiền viện trợ ngày một bị cắt giảm. Năm 1973 viện trợ quân sự là 2,1 tỷ, năm 1974 chỉ còn 1,4 tỷ, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó 300 triệu để trả lương cho nhân viên Phòng Tùy Viên Quân Sự (DAO) của Mỹ.
Ðảng Dân chủ nắm đa số tại Quốc Hội Mỹ chủ trương rút quân bỏ Việt Nam không cần đếm xỉa gì tới bạn đồng minh cũng như danh dự cho nước Mỹ. Họ tìm sơ hở của Cộng Hòa để phá phách kiếm phiếu, Dân Chủ thường mị dân, o bế dân nghèo, giới bình dân khố rách áo ôm, đám trốn quân dịch, phản chiến… để lấy lòng; họ thắng lợi đúng lúc người dân chống đối chiến tranh Việt Nam dữ dội. Ðảng nọ phá đảng kia, miền Nam Việt Nam chết oan vì bị nằm giữa cái thế trâu bò húc nhau giữa Cộng Hòa và Dân Chủ.
Hậu quả của của việc cắt giảm quân viện khiến chúng ta lâm vào tình trạng thiếu hụt, năm 1972 một số lớn xăng dầu đạn dược đã được dốc vào mùa hè đỏ lửa. Hậu quả là Không Quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%. Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 tầu chiến các loại nằm ụ. Ðạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 5, tháng 6 -1975, hỏa lực giảm 60%.
Năm 1972 ta xử dụng 66 ngàn tấn đạn một tháng từ tháng 7-1974 đến tháng 3-1975 ta chỉ còn xử dụng 18 ngàn tấn một tháng, thiếu thuốc men, số tử thương tăng cao, tinh thần binh sỉ xuống thấp. Ngày 9/8/1974 Nixon từ chức mang theo những lời hứa hẹn với Tổng Thống Thiệu xuống tuyền đài.
Việt Nam Cộng Hòa nay đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, thù trong giặc ngoài. Ðồng Minh thì phản bội, lãnh đạo bất tài, tham ô, sợ chết…kẻ thù thừa nước đục thả câu xua đại binh tấn công như vũ bão.
Tin tức Tình Báo về cuộc điều quân của đ ịch:
Trong phần trình bày về trận chiến tại Cao nguyên, Đại Tướng Cao Văn Viên đã phân tích về kế hoạch tấn công của CSBV như sau: “Cộng Sản chuẩn bị kế hoạch quân sự của họ trong sự tin tưởng và phấn khởi vì thái độ yên lặng của Hoa Kỳ từ sau biến cố Phước Long .Nhiều biến chuyển và hoạt động của địch cho thấy Vùng II sẽ là mặt trận mở màn cho các cuộc tấn công sắp đến của CS”
Vào cuối tháng 1/1975, sư đoàn 320 CSBV hoạt động tại Đức Cơ được báo cáo là đang di chuyển về hướng Nam của Cao nguyên Đắc Lắc. Quân đoàn 2 liền báo động nhưng không có hành động nào đáng kể ngoài một số phi vụ oanh kích các đoàn xe tiếp tế của địch. Suốt trong tháng Hai, nhiều đoàn xe tiếp tế của CQ gồm hàng trăm chiếc vận tải bị phát giác và bị tấn công bằng Không quân VNCH .
Các bằng chừng khác là các sư đoàn CSBV như 312, 314, 316 cũng được báo cáo là đã di chuyển xuống miền Nam, nhưng đến đâu thì chưa được xác nhận. Sư đoàn 316 CSBV sau đó bị phát giác là tiến về Ban Mê Thuột bằng đường Nam Lào.
Những cuộc hành quân truy lùng tin tức địch đã được thực hiện liên tục. Các đơn vị Nghĩa Quân (NQ) và Cảnh Sát Quốc Gia (Cảnh Sát Quốc Gia) tại Ban Mê Thuột vào cuối tháng 2 năm 1975, đã phát giác dấu xích xe tăng T-54 của địch.
Các đơn vị Nghĩa Quân và Cảnh Sát Quốc Gia Bản Đôn cũng đã cung cấp tin tức về sự di chuyển của quân Cộng Sản Bắc Việt trong khu vực Bandon.
Các tin tình báo của những tình báo viên trong những tháng 2 và 3/1975, khi đi khai thác lâm sản ở khu vực phía tây thị xã (Bandon) và Tây Nam thị xã 62 km cũng đả báo cáo cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac tin tức về các đường dây điện thoại, ống dẫn dầu và dấu xích chiến xa T-54 của cộng quân.
Ngày 14 tháng 2/1975, 7 chiếc xe be khai thác lâm sản, trong lúc làm cây ở khu vực Nam Tây-Nam thị xã Ban Mê Thuột 82 km đã bị Cộng quân cưỡng chiếm, các nạn nhân cũng đã khai trình Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh và Phòng 2 Tiểu Khu những tin tức về lực lượng cộng quân.
Tháng 2/1975, một nữ cán binh thuộc Trung Đoàn 25 Địa Phương của Cộng quân ra hồi chánh với một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac đã cung cấp tin tức về sư đoàn F10 của Cộng quân đang di chuyển về khu vực Nam thị xã Ban Mê Thuột, đồng thời cho biết Trung Đoàn 25 Địa Phương sẽ mở chiến dịch tại khu vực Khánh Dương, nằm trên Quốc Lộ 21, ranh giới gữa Khánh Dương và Phước An - Ban Mê Thuột.
Ngày 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc Đức Lập 10 cây số. Lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Bắc quân sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột để mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975.
Đặc biệt là cuộc hành quân ngày 7 tháng 3/1975 (ba ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột), của một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac, đã bắt được một tù binh Cộng Sản, quân hàm Thiếu Úy, trong toán tiền thám của Sư đoàn 320 Điện Biên trong lúc y đang giăng dây điện thoại ở khu vực Buôn La Sup, thuộc xã Cư Ming, Bandon, Quận Ban Mê Thuột.
Qua sự thu thập từ những tin tức này cho thấy là Cộng Quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn và kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột dần dần thấy rõ hơn.
Nhưng nguồn tin này, cũng như nguồn tin tình báo tương tự của tiểu khu Ban Mê Thuột, đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II "xếp hạng" là những nguồn tin quan trọng và đã không có những phản ứng thích nghi.
Giai đoạn tiên khởi, CQ muốn cắt đứt quốc lộ 14, 19 và 21 để tách vùng Cao nguyên ra khỏi vùng đồng bằng của Quân khu 2 và đồng thời ngăn chận lực lượng VNCH đến tăng cường. Sư đoàn 320 CSBV chuyển lên đóng tại các vị trí nằm về hướng Bắc của Ban Mê Thuột để vô hiệu hóa tất cả các đồn đóng dọc theo Quốc lộ 14. Tất cả những sự chuẩn bị này CQ cho tiến hành bí mật để hòng tạo yếu tố bất ngờ.
Đại tướng Cao Văn Viên phân tích tiếp: “Phòng 2 của Tình Báo Quân đoàn 2 đã có đầy đủ ước lượng về hoạt động và mục tiêu của địch quân vào giữa tháng 2/1975, nhưng những báo động này không được vị Tư lệnh Quân đoàn cứu xét một cách cẩn thận. Tướng Phú cho rằng việc địch di chuyển đến Ban Mê Thuột chỉ là nghi binh, trong khi thật sự Pleiku mới là mục tiêu của CSBV. Do đó cách bố phòng của Quân đoàn 2 đã nói lên lối suy nghĩ của vị tư lệnh Quân đoàn”.
Lực lượng phòng thủ Ban Mê Thuột :
Vì thế, toàn bộ Sư đoàn 23 Bộ binh được đưa về hoạt động phòng ngự quanh Pleiku, việc phòng thủ Ban Mê Thuột ủy nhiệm cho Liên Đoàn 21Biệt động quân, Địa phương quân, Nghĩa quân tỉnh và Cảnh Sát. Vào đầu tháng 3/1975 khi có báo động về Sư đoàn 320 CSBV chuyển đến Ban Mê Thuột, Quân đoàn 2 chỉ đưa một phần Trung đoàn 53 (chỉ có 2 Tiểu Đoàn) trở lại Ban Mê Thuột. Trung đoàn này lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ hành quân quanh khu vực phía Nam phi trường Phụng Dực, còn lực lượng Biệt Động Quân thì trấn giữ tại khu vực Buôn Hô chừng 32 km về hướng Đông Bắc. Các toán thám sát của Sư đoàn 23 BB và Nha Kỹ Thuật QL.VNCH được tung ra chung quanh trại Bản Đôn để theo dõi các hoạt động của sư đoàn 320 CSBV nhưng chỉ phát giác được một số đơn vị nhỏ cấp đại đội CQ địa phương.
Như vậy, lực lương quốc gia phòng thủ Ban Mê Thuộc tổng cộng khoảng 4,000 người gồm những quân
nhân hậu cứ của Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư Đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 (quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku và Kontum từ trước Tết ).
Ban Mê Thuột thực sự là một thành phố bỏ ngỏ không lực lượng bảo vệ. Do vậy, vấn đề phân nhiệm phòng thủ tuy có kế hoạch nhưng chẳng thắm vào đâu so với lực lượng tấn công thiện chiến và đông đảo gấp 20 lần của đối phương .
- Lực lượng phòng thủ phía Nam là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh gồm các phòng các ban các sở trực thuộc.
- Lực lượng phòng thủ phía Tây, khu vực trọng yếu và nguy hiểm nhất, gồm các đơn vị hậu cứ của Thiết đoàn 8 kỵ binh và kho đạn (trại Mai hắc Đế) cùng với Trung Tâm Yểm Trợ tiếp vận (đại đội hành-chánh tài-chánh ).
- Lực lượng phòng thủ phía Đông do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh đảm trách. Xa hơn là Chi Khu Ban Mê Thuột và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột phối hợp với nhau để chịu trách nhiệm vấn đề phòng thủ mặt nầy.
- Lực lượng phòng thủ mặt Bắc thị xã là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac cùng với một đơn vị 206 Cảnh Sát Dã Chiến.
- Nội vi thị xã và các chốt điểm trọng yếu đều do lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đảm trách, và được bố trí như sau:
* Hai chốt cảnh sát đặt tại Trường Trung Học và cuối đường Phan Chu Trinh là các chốt ở cửa Bắc.
* Cuối đường Tự Do được giao cho Cục Cảnh Sát Cư Kplong và một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến.
* Cửa ngỏ phía Nam có Cục Cảnh Sát Cư Ê Bư và một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến chịu trách nhiệm.
* Cửa Tây thị xã giao cho Cục Cảnh Sát thị xã Cục Lạc chịu trách nhiệm. Các cao ốc trong toàn thị xã và các khách sạn đều được Cảnh Sát Quốc Gia đóng chốt.
* Các đơn vị trừ bị gồm có một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 Bộ Binh đóng tại phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km, có một pháo đội 105 ly, trong khi pháo binh của Cộng quân lại là loại 130 ly, và hỏa tiển 122 ly, tầm xa và sức công phá hoàn toàn cách biệt.
* Ngoài ra, doanh trại các tiểu đoàn Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Tiếp vận thống thuộc Sư đoàn 23 bộ binh đóng gần thị xã đều tận dụng quân số tại hàng để tổ chức phòng ngự trong phạm vi trách nhiệm.
Riêng về trách nhiệm của tiểu khu Darlac, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật đã cho điều động tiểu đoàn 204 Địa phương quân đang đóng tại Ban Don về thị xã.
Cô lập Ban Mê Thuột :
Các trận đánh nhằm nghi binh & cô lập Ban Mê Thuộc trước ngày 10/3/1975
Bắc Việt đưa kế hoạch tấn công bất ngờ và đông đảo, nghi binh tối đa, chúng vờ đánh Pleiku để nhử ta lên giải tỏa rồi cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột, chiếm phi trường sau cùng ba mặt giáp công.
Bắc Việt dùng các Trung Đoàn, Sư Đoàn cắt các đường giao thông 19, 14, 21 nghi binh thu hút quân đội VNCH về phía Bắc để bất thần tấn công Ban Mê Thuột. Chúng không để sẵn quân ở vị trí xuất phát tấn công mà tập kết từ xa vận động đến, bỏ qua vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào thị xã phối hợp với lực lượng đặc công đã len lỏi sẵn trong thị xã, rồi từ đó đánh ra ngoài.
Ngày 1-3-1975 sư đoàn 968 Bắc Việt tấn chiếm các đồn bót gần Thanh An, pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku.
Ngày 4/3/1975 Trung Đoàn 95B Việt Cộng và Sư đoàn 3 Sao Vàng tấn công ngăn chận quốc lộ 19 tại An Khê như muốn tấn công Pleiku, cắt đường giao thông Pleiku và Nha Trang.
Ngày 5/3/1975 Trung Đoàn 25 Việt Cộng cắt Quốc Lộ 21 giữa Phước An và Khánh Dương, cắt đường Nha Trang - Ban Mê Thuột. Tướng Phú cho tăng cường trung đoàn 45 tại Thanh An và cho 2 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân và Thiết Giáp giải tỏa quốc lộ 19 nhưng không thành công .
Ngày 7/3/1975 sư đoàn 320 Việt Cộng chiếm quận lỵ Thuần Mẫn trên Quốc lộ 14 nằm giữa đường Pleiku đi Ban Mê Thuột.
Ngày 9-3 hôm nay Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Chi khu bị tấn công từ 6 giờ sáng, VC đã dùng pháo binh 130 ly và SKZ 82 ly bắn vào Chi khu và Chi đoàn Chiến xạ, địch đã làm tê liệt các chiến xa của ta ngay từ phút đầu và sau đó quân chính qui Cộng sản Bắc Việt mở "trận địa chiến" đánh ban ngày, các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết. Tình hình Đức Lập vô cùng nguy ngập. Các đồn phụ đã bị "bứt". Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và một số cấp chỉ huy khác bị Việt cộng sát hại.
Tương Phú bốc máy liên hợp liên lạc thẳng với Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập. Ông được báo cáo Trung tá Quận trưởng đã bị thương, hiện ở ngoài chỉ huy và điều khiển những khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào Cộng quân. Chi khu cầm cự cho đến sáng, khi mặt trời bắt đầu lên. Đúng 10 giờ 30 phút quận Đức Lập biến thành biển lửa.
Như thế Việt Cộng đã cô lập Ban Mê Thuột cả Bắc và Nam mà Tướng Phú vẫn cho là địch sẽ đánh Pleiku, ông lại nghĩ chúng nghi binh vờ đánh Ban Mê Thuột. Tuy nhiên theo đề nghị của Bộ tư lệnh Quân Đoàn ông đã cho trực thăng vận 2 tiểu đoàn Biệt đông quân thuộc Liên Đoàn 21 từ Kontum đến Buôn Hô cách 30 km ở phía Bắc Ban Mê Thuột.
Sự sai lầm của tướng Phú đã được Việt Cộng khai thác triệt để: “Từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 9 tháng 3 năm 1975, trước khi tiến công vào Buôn Ma Thuột, ta triển khai thế chiến dịch, thu hút sự chú ý của địch về hướng Công tum, Plây cu, cắt các đường, cô lập mục tiêu chủ yếu. Cho nên đến lúc ta sắp nổ súng đánh vào Buôn Ma Thuột, địch mới biết. Chúng báo động và muốn tăng cường lực lượng nhưng không kịp nữa rồi, lực lượng đã bị căng giữ ở các nơi khác” (ÐTMX trang 90)
Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 9/3/1975 Thiếu Tướng Phú bay lên BMT thị sát kế hoạch phòng thủ, ứng chiến của thành phố ra lệnh cấp phát hỏa tiển chống chiến xa M72 và hỏa tiển TOW cho các đơn vị. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9/3/1975, Tướng Phú họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột, để cho có sự thống nhất chỉ huy, Tương Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột.
Các Tư lệnh mặt trận phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ.
Kho xăng, kho đạn phải được phân tán, đề phòng đặc công Cộng sản Bắc Việt đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Đến 10.00 giờ đêm, thành phố Ban Mê Thuộc được lệnh báo động đỏ, tập họp tất cả binh sỉ chuẩn bị tác chiến.
Ngày 10/3/1975, từ 1giờ 20 đến 2 giờ 15 sáng, các chốt điểm Cảnh Sát Dã Chiến ở cửa Bắc và cửa Tây thị xã đã phát giác các tổ trinh sát tiền phong của Cộng quân và liên tiếp báo về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac.
2 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo theo chiến thuật tiền pháo hậu xung bằng đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự như Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, kho đạn Mai Hắc Đế và phi trường L19.
Những tiếng nổ của hỏa tiển 122 ly và đại pháo 130 ly khủng khiếp làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất. Các nhà cao tầng bị rung chuyển cực mạnh. Thành phố đã như con tàu chao nghiêng trong bão tố. Một số các nhà xây thô sơ quanh các khu vực quân sự đã bị sụp đổ, và trận mưa pháo liên tiếp không ngừng đổ xuống các cứ điểm quân sự cho đến 6 giờ sáng.
Bốn giờ sáng, chiến xa T-54 và bộ đội Cộng Sản chia làm nhiều mũi tấn công vào phi trường L19, kho đạn Mai Hắc Đế , Tiểu Khu Darlac, Tòa Hành Chánh Tỉnh, BTL Sư Đoàn 23 BB, Hậu cứ Trung Đoàn 53 BB sát phi trường Phụng Dực với chiến thuật biển người.
Trận đánh quyết định giữa Nam-Bắc đã diển ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu !
6 giờ 15 sáng, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đậu tại Ngã 6 thị xã phát lời kêu gọi của Đại Tá Tỉnh Trưởng yêu cầu đồng bào bình tỉnh, ai ở nhà nấy, tình hình an ninh tại thị xã vẩn còn yên tỉnh.
6 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một góc phía Bắc của phi trường L19 bị Cộng quân tràn ngập.7 giờ 15 các chốt cảnh sát xin lệnh rút khỏi vị trí phòng thủ vì áp lực địch quá mạnh, dân chúng từ khu vực Buôn A-Lê B, Tân Mai, cửa Nam thị xã lũ lượt chạy vào trung tâm thành phố.
8 giờ 30 , Kho đạn Mai Hắc Đế thất thủ. Viên Đại Úy chỉ huy trưởng bị tử thương.
9 giờ 20, chiến xa T-54 và bộ đội cộng quân chia làm nhiều mũi tấn công vào thị xã. Một mũi từ cuối đường Phan Chu Trinh (cửa Bắc ) tràn chiếm khu vực nhà thờ Chính Tòa, ngã Sáu thị xã, cách Bộ Chỉ HuyTiểu Khu 800 mét. Mũi phía Nam, từ khu vực Buôn A-Lê B, đồi La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực tư dinh Tỉnh Trưởng, Ty Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải Đoan, đánh chiếm ngã tư Nguyễn Tri Phương Phan Bội Châu, và mặt Tây thị xã cũng đã bị Cộng quân tấn chiếm.
Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
Mặt trận Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975
MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC
Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3/1975, các mũi tiến quân của Cộng quân từ hướng Bắc và hướng Tây Bắc đã hoàn toàn tràn ngập trung tâm thành phố và tập trung nổ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của Cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi.
Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của Cộng quân bị bắn cháy. Dù với chiến thuật biển người và đại bác 100 ly trang bị cho T-54 bắn trực xạ không ngừng nhưng Cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng thủ này. Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của Cộng quân là những tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả phản kích làm cho bước tiến quân của Cộng quân đã phải ngừng lại.
Cộng quân lui về cố thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly từ các chiến xa T-54 và đại bác130 ly cùng hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
11giờ 20, một chiếc T-54 của Cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.
11 giờ 45, hai chiếc Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8 từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về đánh bọc hậu lực lượng của Cộng quân đang công hãm Tiểu Khu. Nhưng khi đến ngã Ba Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của Cộng quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị Cộng quân bắn cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố Ama Trang Long để tiến về hướng Tiểu Khu.
Khu chợ Ban Mê Thuột, từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y Jút đến Ama Trang Long bị trúng đạn pháo và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không thua gì nhà hàng Thanh Thế ở đại lộ Lê Lợi Saigon, giờ đây đang là một biển lửa. Dãy phố bên kia đường Ama Trang Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn. Khu phố nằm trên đường Y Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Bác Sĩ Tôn Thất Hối đã bị sập.
Lực lượng Biệt Ðộng Quân tại Buôn Hô được điều động về tiếp cứu Ban Mê Thuộc nhưng gập hỏa lực mạnh mẻ của các chốt kháng cự trên đường đi. Một lực lượng Thiết Giáp và ÐPQ đang hành quân tại Budrang cũng được lệnh trở lại nhưng bị cầm chân ở một cây cầu phía Nam tỉnh lỵ khoảng 10 km.
Đến 11 giờ 45 các chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ. Lực lượng của cộng quân từ 2 mặt, phía Bắc và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự phòng thủ nầy.
13 giờ 15 trưa ,Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền tin bị phá hủy.
14 giờ 20 Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ, mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu. BCH Tiểu Khu phải di tản và sát nhập với BTL tiền phương của SĐ23BB.
Sáu mươi ngàn dân thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac. Trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình với những trận tấn công và đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, đến giờ phút cuối đành di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.
MẶT TRẬN PHÍA BẮC THỊ XÃ
Những Trận Đánh Oanh Liệt của Các Chiến Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac
Trong kế hoạch phòng thủ thị xã Ban Mê Thuột, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm về một khu vực phòng thủ nặng nề nhất, từ nội vi thị xã đến cả một mặt Bắc, bao gồm phi trường trực thăng và phi trường L19. Phòng thủ phi trường L19 là đơn vị Thám Sát Tỉnh (PRU), trực thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tỉnh.
Với những tin tức nhận được của mạng lưới tình báo cơ hữu và của các đơn vị bạn, vị chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, Trung Tá Trần Quang Vĩnh đã sẵn sàng kế hoạch phòng thủ và phản công cho đơn vị hằng tháng trước. Ông đã bổ nhiệm Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn, Đại Đội Trưởng đại đội Cảnh sát Dã Chiến 206 làm phụ tá đặc trách hành quân.
2 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu tấn công phi trường L19, (khu vực phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, do Đại Đội Thám Sát chịu trách nhiệm), bằng đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly.
Đến 4 giờ sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu dùng lực lượng bộ binh với chiến thuật biển người và xe tăng T-54 tấn công phi trường L19. Đơn vị Thám Sát Tỉnh chống trả quyết liệt và báo cáo về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia. Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn liền liên lạc với Tiểu Khu xin Đại Đội 1/224 tiếp viện. Nhưng Đại Đội 1/224 đã không thể chọc thủng vòng vây của Cộng quân ở mặt Bắc Phi trường L19.
6 giờ 20, một đoạn vòng đai ở khu vực phía Bắc phi trường bị chọc thủng. Lực lượng Cộng quân tràn ngập khu vực này, và đơn vị Thám Sát Tỉnh đã phải lui về phòng tuyến phòng thủ phía sau với những tổn thất nặng nề về nhân sự .
Sau khi tràn ngập các vị trí phòng thủ, 9 giờ 20, lực lượng Cộng quân từ mặt Bắc thị xã, tức là khu vực phía Bắc phi truờng L19 bắt đầu tấn công Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac, nằm trên đường Tự Do để xâm nhập trung tâm thành phố.
Lợi dụng hệ thống công sự phòng thủ và các dãy hàng rào kẽm gai bảo vệ phi trường L19 nằm bên kia đườngTự Do, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã chận đứng các mũi tiến quân của Cộng quân. Các chiến sĩ Cảnh Sát dù chỉ được trang bị M-16, M-79 và lựu đạn nhưng đã anh dũng phản công quyết liệt trước những đợt tấn công của Cộng quân, không cho địch tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ.
Chính nhờ lòng dũng cảm chiến đấu, kỷ thuật tác chiến, và hệ thống chỉ huy chặt chẽ , mà một mặt phía Đông thị xã Ban Mê Thuột, từ khu đường Tự Do, chạy dài xuống Bà Triệu, Hùng Vương, Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, chưa có bóng dáng của Cộng quân. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã trấn giữ một khu vực an toàn mà có lẽ họ không thể nào ngờ được, đó là con đường di tản duy nhất sau này cho các đơn vị phải rút lui vào phút cuối.
15 giờ 40 với áp lực của địch, và để bảo toàn đơn vị, Thiếu tá Hàn Văn Thành, chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã ra lệnh mở đường máu đem đơn vị ra khỏi thị xã về Cây Số 5, phối hợp với các đơn vị trực thuộc và Chi Khu Ban Mê Thuột để tiếp tục phản công quân thù.
16 giờ Cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn còn kháng cự.
Trong thành phố, tiếng súng nhỏ đã im, nhưng cảnh tan hoang của thị xã thật không cách nào tả xiết. Rải rác trên các khu phố, những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không ai săn sóc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Bóng dáng của Cộng quân như tử thần đến chiêu hồn những kẻ còn sống và đe dọa mọi người.
Trong gần suốt 14 giờ đồng hồ, các đơn vị quân đội, Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Tỉnh và Nhân Dân Tự Vệ toàn thị xã đã tận hết sức mình để chống trả với lực lượng biển người, chiến xa và đại bác của Cộng quân mà không có được một đơn vị bạn nào tiép cứu.
Và giữa những giờ phút quyết liệt này, người ta nhận được tin vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một đơn vị Biệt Động quân từ cửa Bắc thị xã (bến xe Cây Số 3) đã xâm nhập trung tâm thành phố. Tin tức này được loan truyền đến hầu hết các đơn vị đang chiến đấu trên khắp các cửa ngõ thị xã, và mỗi người lính, từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều vui mừng hy vọng chiến trường sẽ xoay hướng.
Nhưng cho đến một giờ chiều, tin tức về Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân vẫn im hơi lặng tiếng, mà chiến trường mỗi lúc càng quyết liệt hơn, cho đến khi người ta biết rằng đơn vị Biệt Động Quân tiến vào thị xã sáng nay là chỉ để giải cứu gia đình vợ con của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã.
Tin này quả thật là một tác động tâm lý, không những làm cho các đơn vị tham chiến mà cả toàn thị xã có cảm nghĩ Ban Mê Thuột đã bị bỏ rơi. Tuy nhiên với tinh thần và trách nhiệm của một người lính, các đơn vị có mặt tại thị xã vẫn anh dũng chiến đấu với niềm tin lực lượng tổng trừ bị, và đặc biệt là hai Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ được gởi đến.
ĐÊM KINH HOÀNG
Từ 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3/1975, bộ đội Cộng quân bắt đầu chia thành từng toán nhỏ lục soát khắp cùng các khu phố và những điểm tập trung của người chạy loạn như chùa Khải Đoan, trường Bồ Đề, trường Tàu ở đường Y Jút. Họ thanh lọc dân chúng, bắt đi những thanh niên nam nữ, và truy lùng các viên chức chánh phủ, sĩ quan và binh lính.
Khắp cùng các ngõ phố, bọn đặc công và du côn, thi nhau lập công, đập phá các cửa tiệm, dinh thự, tư gia, những nơi mà họ cho là có kẻ thù ẩn trốn, là Việt gian, phản động, làm việc cho Mỹ Ngụy, hoặc có nợ máu với nhân dân. Chúng thi nhau lục soát các trường học, nhà thờ, bức tượng ở nhà thờ quân đội, cạnh trường Hưng Đức cũng bị chúng đập nát, đồng thời lùng bắt những người có thù hằn với chúng, và lôi đốt hết các loại sách báo, giáo khoa, tự điển, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những ấn phẩm viết bằng tiếng ngoại quốc như Anh văn, Pháp văn.
Một lần nữa, ngọn lửa tượng trưng cho sự hủy diệt lại bùng lên khắp cùng thị xã. Cảnh hôi của, hôi người, trả thù cá nhân lan tràn khắp nơi. Thành phố bây giờ là một xã hội không tổ chức, không luật pháp, và tai họa thảm khốc đã diễn ra khắp cùng các ngõ phố. Những hình phạt dã man thời tiền sử đã được đem ra thực hiện. Hình ảnh của chết chóc và khủng bố đang bao trùm lên thị xã nhỏ bé này và đè nặng xuống tâm hồn mỗi dân đinh của toàn thành phố.
Sự ngu dốt của kẻ chiến thắng, hay sự dã man và thiếu trình độ của cấp lảnh đạo chính là tai họa và thảm trạng tàn khốc cho một xã hội. Xã hội miền Nam, và dân trí của nền Cộng Hòa miền Nam đã có một trình độ văn hóa và kỷ thuật cách xa gấp bội so với miền Bắc, nên bộ đội Cộng quân, sau khi đã kiểm soát toàn thị xã, lập tức đi dò tìm những ''đài địch,'' và đã dùng súng B-40, B-41, hoặc đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54 bắn vào các tư gia có trụ ăng ten trên nóc nhà, vì họ cho rằng đó là vị trí đặt các máy truyền tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà các trụ ăng ten TV là những ''đài địch '' ấy đã có khắp trong toàn thị xã. Thảm thương thay cho thành phố Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này.
Trong đêm này, không biết có bao nhiêu gia đình tan hoang, bao nhiều người bị chết oan, đánh đập, hoặc bị đấu tố mang thương tích hay tàn khuyết, mà vợ con, thân nhân, bạn bè chỉ đứng nhìn mà không dám kêu van. Máu và lệ đã đổ, nhưng không chảy ra từ khoé mắt, mà lại tuôn ngược vào lòng. Trời ở quá cao mà Phật cũng rất xa, nên con người đã là chủ của con người trong đêm nay, với đầy đủ quyền uy và hung dữ. Đêm kinh hoàng, đêm của địa ngục và Sa Tăng.
Nhưng cái quan trọng của những kẻ chiến thắng không phải là những thứ đó, Cái quan trọng đối với kẻ chiến thắng trong cuộc chiến 20 chọi 1 này là vơ vét tất cả những gì họ có thể vơ vét: Kho dự trữ lương thực trung ương, nằm trên đường Tự Do, Kho Quân Nhu, Quân Cụ, dụng cụ y khoa và dược phẩm, thuốc men của các bệnh viện như Quân Y Viện, Dân Y Viện, Trạm xá, nhà hộ sinh, các cửa tiệm thuốc Tây, các đại lý gạo, cửa hàng bách hóa của tư nhân trong toàn thành phố ….
Suốt đêm, người ta nhìn thấy những đoàn Molotova chở đầy hàng hóa vật dụng của thành phố đi về hướng Bandon, phía Tây thị xã.
BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH VÀ TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG
Bây giờ là 4 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, khu suối Đốc Học với những vườn rau tàn tạ đầy dấu dép râu và dấu xích chiến xa, khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Dân Y Viện Ban Mê Thuột, chỉ còn thấy được ngọn đèn Signal chơ vơ trên trụ truyền tin. Những đóm màu đỏ của hỏa châu càng nhỏ hơn, như ánh mắt của loài thú hoang trong rừng đêm.
Cái lặng lẽ của đêm trường và cái yên tĩnh của chiến trường càng làm cho người ta liên tưởng tới một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Lâu lâu một tràng đại liên hoặc những loạt súng nhỏ không phân biệt được AK-47 hay M-16 bắn ra. Và như vậy là đã hơn 24 giờ đồng hồ, từ lúc 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, lực lượng phòng thủ hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã chống trả không ngừng trong suốt 24 giờ, và không hiểu sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa.
Qua hệ thống truyền tin, người ta nhận được tín hiệu của Chi Khu Ban Mê Thuột, và Đại Tá Dậu, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân còn ở ngoài vòng đai thị xã, ở mặt Bắc, mà chưa chọc thủng được phòng tuyến của Cộng quân để tiến vào thị xã. Hy vọng duy nhất trong lúc này, là hai chiếc L-19 đang bay trên đầu Bộ Tư Lệnh, dầu rằng màng lưới phòng không với đại liên 37 ly của Cộng quân vẫn không ngừng tấn công.
5 giờ 55 sáng ngày 11 tháng 3/1975, chiến trường vẫn còn yên tĩnh, Ở cửa Nam thị xã, lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng, nằm trên đại lộ Thống Nhất vẫn còn cầm cự.
6 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, từ khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Du, sau lưng Sở Học Chánh Ban Mê Thuột, những chiếc T-54 của Cộng quân, và lực lượng bộ binh tùng thiết đang thực hiện một cuộc chuyển quân bao vây hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Vòng vây này đang được thắt chặt, như một màng lưới dày đặc chung quanh vòng đai phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Và 6 chiếc T-54, nhìn được từ hướng Tây-Nam, đang dàn hàng ngang tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Với kinh nghiệm của những người lính, ai cũng hiểu Bộ Tư Lệnh khó lòng cầm cự được trong vòng vài ba giờ đồng hồ tới.
Trong khi đó, những tiếng súng nhỏ, và đại bác 100 ly, cùng lúc gầm lên như những giây pháo nổ không ngừng, làm rung chuyển cả một vùng trời. Cộng quân bắt đầu nổ lực tấn công hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Và tại cửa Nam thị xã, bộ binh và chiến xa T-54 cũng ráo riết tấn công lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng.
8 giờ 15 sáng ngày 11 tháng 3/1975, tư dinh tỉnh trưởng bị T-54 ủi sập các bức tường vòng đai, và pháo sập các tầng lầu. Trung úy Trung đội trưởng bị trọng thương. Tư dinh tỉnh trưởng đã thất thủ, chốt điểm cuối cùng ở cửa Nam thị xã đã bị Cộng quân tràn ngập, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh bây giờ như người hùng cô đơn vẫy vùng dưới trời mưa đạn của quân thù.
NHỮNG PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH
Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh gồm hai đại đội và một số các phòng ban chuyên môn, trong đó có đại đội tổng hành dinh, chuyên trách về hành chánh và ẩm thực. Lực lượng chủ chốt là các Trung Đoàn 44 và 45 đang hành quân vùng Pleiku. Trung Đoàn 53 chỉ có hai tiểu đoàn ở Ban Mê Thuột, và một trung đội Pháo Binh 105 ly, nhưng một tiểu đoàn lại đã điều động lên giải tỏa Quận Đức Lập, một quận vừa bị Cộng quân tràn ngập vào sáng Chủ Nhật ngày 9 tháng 3/1975. Tiểu đoàn còn lại phòng thủ Phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột về phía Đông Đông-Bắc 7 km.
Cho đến 8 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, đơn vị quân lực còn có mặt tại thị xã Ban Mê Thuột chỉ là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Cộng quân biết rõ điều này, và càng hiểu rằng Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ trở về chiếm lại giang sơn của họ. Và đặc biệt là Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang có mặt ngoài vòng đai thị xã ở cửa Bắc,
Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân được đổ xuống Buôn Hô, một quận cách thị xã Ban Mê Thuột 35 km về hướng Bắc lúc 4 giờ 30 chiều ngày 10 tháng 3/1975. Đến 9 giờ tối cùng ngày đã tiến sát vào vòng đai thị xã, nhưng chưa chọc thủng được vòng vây của Cộng quân. Tiểu Khu Darlac lúc bấy giờ đã rút ra khỏi thị xã. Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 cố thủ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh, nên không có được một đơn vị nào làm đầu cầu cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân tiến vào thị xã.
Điểm đáng tiếc là 10 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, đơn vị tiền sát của liên đoàn đã đột nhập thị xã, di tản gia đình vị tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã, nhưng lại không được lệnh ở lại làm điểm tựa cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đến giải cứu thị xã sau này.
Từ 6 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 3/1975, Cộng quân đã bố trí xong lực lượng thắt chặt vòng văy hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54, bắn trực xạ, đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly từ hướng Bandon dồn dập đổ xuống Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Đồng thời, chiến xa và bộ đội Cộng quân dàn hàng ngang tấn công bốn mặt vòng đai Bộ Tư Lệnh. Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh đã chống trả quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công, và đánh cận chiến với quân thù.
10 giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy.
10 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, một đoạn hệ thống công sự ở mặt Tây và phía Nam Bộ Tư Lệnh đã bị chọc thủng. Bộ đội và chiến xa của Cộng quân tràn vào hậu cứ Sư Đoàn 23 Bộ Binh như nước vỡ bờ. Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, mở đường máu đem đơn vị thoát khỏi hậu cứ, bỏ lại Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đinh trong một tình huống vô cùng bi thảm. Ban Mê Thuột lâm chung. Sáu mươi ngàn dân như một đàn gà con mất mẹ. Đêm đen phủ xuống thành phố này cùng với nổi hải hùng và tuyệt vọng mênh mong.
MẶT TRẬN PHI TRƯỜNG PHỤNG DỤC VÀ TRUNG ĐOÀN 53 BỘ BINH
Thị xã Ban Mê Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân từ chiều hôm qua, ngày 10 tháng 3/1975, và đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh rút khỏi thị xã này lúc 10 giờ 38 phút ngày 11 tháng 3/1975. Nhưng Trung Đoàn 53 Bộ Binh, phòng thủ Phi Trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km về hướng Đông Bắc vẫn cố thủ và cương quyết chống lại lực lượng biển người và chiến xa T-54 của Cộng quân.
Cùng lúc tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân đã không bỏ sót Trung Đoàn 53. Chiến xa và bộ đội của Cộng quân, với đại bác 130 ly, và hỏa tiển 122 ly yểm trợ đã không ngừng luân phiên tấn công Trung Đoàn 53. Và sau khi đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng rời bỏ Ban Mê Thuột, Cộng quân càng tập trung lực lượng tấn công Trung Đoàn 53 ác liệt hơn.
Trận đánh thư hùng giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lương quân chính qui CS Bắc Việt đã được tăng cường thêm đông hơn gấp 10 lần xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 Bộ Binh là Trung Tá Võ Ân. Biết rõ ý đồ của Cộng quân, nhưng ông cũng hiểu rằng Phi Trường Phụng Dực là điểm tiếp liệu, tiếp vận duy nhất cho lực lượng tổng trừ bị là sư đoàn Nhảy Dù sẽ đến giải cứu Ban Mê Thuột sau này, đồng thời đơn vị của ông là lực lượng đầu cầu và liên lạc duy nhất cho các đơn vị bạn về sau. Do vậy, ông đã ra lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược và mọi phương tiện quân y, dược cụ, cố gắng chiếm dụng vũ khí của địch để chống lại kẻ địch, và phải nhất định bắn trúng mục tiêu.
Trong suốt thời gian 6 ngày đêm, Trung Đoàn 53 Bộ Binh không những đã đánh tan nhiều đợt tấn công biển người của Cộng quân, mà còn tịch thu nhiều loại vũ khí cá nhân cũng như súng cộng đồng để tiêu diệt T-54 và hàng trăm xác quân thù bỏ lại chiến trường. Sự tổn thất nặng nề nhất của Cộng quân trong mặt trận Ban Mê Thuột, hơn 200 nhân mạng, không biết được con số bị thương, và hàng chục T-54 bị phá hủy bằng chính B-40, B-41 của Cộng quân do Trung Đoàn 53 tịch thu tại mặt trận Phi trường Phụng Dực.
Góp phần đáng kể vào việc kéo dài trận chiến là một đại đội chừng 70 binh sĩ tinh nhuệ, gan lì, được huấn luyện đặc biệt và quyết tâm chiến đấu đến cùng. Tham gia trận chiến Ban Mê Thuột ngay từ ngày đầu, và là đơn vị sau chót rút khỏi đấy là Đại Đội Thám Báo mà Thiếu Uý Nguyển Công Phúc là một trung đội trưởng.
Đại đội đã chiến đấu trong hoàn cảnh cô đơn, cam go, căng thẳng và thiếu thốn súng đạn, lương thực. Họ đã gây tổn thương nặng cho một tiểu đoàn địch, giúp Trung Đoàn 53 của bạn chống trả lại những đợt tấn công mãnh liệt của đối phương, đồng thời chấm tọa độ hướng dẫn pháo binh bạn bắn vào những vị trí địch.
Một trong những yếu tố để đại đội đạt được thành tích trên và tồn tại mà chiến đấu bền bỉ nhất ở Ban Mê Thuột là Cộng quân không biết vị trí đóng quân kín đáo và bất ngờ của đại đội. Cộng quân khi tấn công Trung Đoàn 53 đã bị thúc mạnh vào cạnh sườn vì không biết có đại đội thám báo nằm quanh những ụ đất dùng để che chở cho máy bay ở phi trường và gần rừng cao su phía ngoài căn cứ của trung đoàn. Đại đội mới nhận vị trí đóng quân ở đấy vào buổi chiều. Chỗ đóng quân lại không phải là doanh trại. Quanh phi trường lại có những bãi trống, địch tiến quân dễ bị phát hiện.
Trong những giờ đầu của cuộc tấn công, Phúc theo dõi tình hình mặt trận qua máy truyền tin. Được trang bị hệ thống truyền tin tối tân hơn những đơn vị bộ binh thông thường khác, đại đội thám báo có thể liên lạc với những đợn vị bạn theo hàng dọc, mà cả với mấy đơn vị theo hàng ngang như quân đoàn, sư đoàn và không đoàn ở Nha Trang. Nhờ vậy Phúc biết thêm một số diễn tiến ở trận chiến.
Từ sáng sớm ngày 10 tháng 3/1975 cho đến hết ngày 15 tháng 3/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh chỉ với một tiểu đoàn Bộ Binh, và Pháo đội 105 ly đã anh dũng chiến đấu với một lực lượng Cộng quân nhiều gấp bội, có chiến xa và đại bác đủ loại, mà không cần biết đến Ban Mê Thuột đã thất thủ và đài BBC trong bản tin phát đi vào đêm 14 tháng 3/1975, đã loan tin Sư Đoàn 23 Bộ Binh bị xóa tên trong quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 15 tháng 3/1975, một phi vụ yểm trợ tiếp liệu cuối cùng cho Trung Đoàn 53 đã không rơi đúng điểm ấn định mà lại rơi xuống khu vực Vườn Ương ở Hồ thực nghiệm.
Ngày 16 tháng 3/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2. Hết đạn dược và thuốc men, Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Võ Ân đành phải ra lệnh rút khỏi phi trường Phụng Dực. Điểm liên lạc, tiếp vận duy nhất cho Ban Mê Thuột đã lọt vào tay Cộng quân. Nhưng Trung Tá Ân, đúng là người hùng của quân lực, và Trung Đoàn 53 Bộ Binh anh dũng là những người con yêu của Tổ Quốc, đã làm khiếp đảm quân thù, và đem vinh quang về cho một quân đội kiêu hùng của nền Cộng Hòa miền Nam.
Với lịch sử của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực tế của mặt trận Ban Mê Thuột, nếu thị xã Ban Mê Thuột được Trung Đoàn 44 hoặc 45 Bộ Binh phòng thủ, thì cho dầu Cộng Sản Bắc Việt có quân số nhiều hơn vài ngàn người trong cuộc tấn công này, Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đã không rơi vào biển đêm của lịch sử dân tộc. Và Sư Đoàn 23 Bộ Binh vĩnh viễn sẽ là một đơn vị kiêu hùng của một quân lực kiêu hùng bất diệt.
QĐ2 Tiếp cứu BMT :
Ban Mê Thuộc lọt vào tay CS, khởi đầu cho việc sụp đổ của Miến Nam Tự Do. Buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Đại tá Quang ra lịnh rút quân vọt ra khỏi hàng rào và hướng về phía Tây tức là “Suối Bà Hoàng” - cách BTL Sư đoàn 250m.
Cũng may mùa này là mùa khô nên suối cạn. Đáy suối lại thấp hơn mặt đất tới 15m nên rất dễ cho việc ẩn nấp. Anh em binh sĩ đi theo rất đông, chừng 100 người. Xa xa tiếng phát thanh tuyên truyền của địch quân gần Chùa của Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột kêu gọi các binh sĩ ta đầu hàng. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng
Sau cùng Đại tá Quang quyết định mọi người phải phân tán mỏng để tránh sư phát giác của địch quân. Đại tá Quang, Vị Tư lịnh chiến trường Ban Mê Thuột sẽ đi về hướng Nam, đến gần cầu khoảng cách 14km và tìm đường về Nha Trang. Còn Đại tá Nguyễn Trọng Luật cùng với Phó Tỉnh trưởng Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi về hướng Tây, nhằm về khu cà phê của Trung tướng Hoàng và chờ trời tối sẽ bọc lên phía Bắc Ban Mê Thuột và từ đó tìm về Nha Trang. Riêng các binh sỉ thì phân tán mỏng và tìm cách trở về Nha Trang. Hy vọng lúc đó sẽ tập họp lại để tiếp tục chiến đấu..
Cũng thời gian này trên Quốc lộ 14, từ Đức Lập về Ban Mê Thuột, bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột, cũng bị Việt cộng phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột.
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã lẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, Đại Tá Quang và tùy tùng trốn khỏi Trung Tâm Hành Quân, đi được khoảng 6 cây số đường rừng, ngay khi vừa tới sát một làng Thương, thì bị Việt cộng nổ súng, xông ra vây bắt. Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt để khai thác.
Riêng cánh Đại Tá Nguyễn Trọng Luật khi chạy đến vườn cà phê của Trung Tướng Thái Hoang Hoàng,tất cả cũng bị Cộng quân dàn quân chận bắt hết.Riêng Đại Tá Luật bị chúng bắt lên một xe thiết giáp chở đi mất.
Những cơ sở đầu não ở Ban Mê Thuột bị VC đánh chiếm trong hai ngày đầu. Mấy ngày sau Sài Gòn chưa nhìn nhận Ban Mê Thuột thất thủ vì chiến trận còn tiếp diễn ở Trung Đoàn 53 khu vực gần phi trường nằm phía ngoài thị xã.
Ngày 12 tháng 3/1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức cuộc đổ quân tăng viện để tái chiếm Ban Mê Thuột. Lực lượng chính của cuộc phản công là Trung đoàn 45 Bộ binh (BB) và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23 BB đang phòng ngự tại Pleiku. Về phía Không quân VNCH tham gia cuộc đổ quân, ngoài các phi đoàn của Sư đoàn 6 Không quân, BTL đặt tại Pleiku, còn có các phi đoàn trực thăng của Sư đoàn 1 Không quân (Đà Nẵng) và Sư đoàn 4 Không quân (Cần Thơ), với hơn 100 trực thăng đủ loại kể cả các loại Chinook.
-Theo lịch trình đổ quân, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 45 BB và đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB được trực thăng vận trước tiên. Tiếp đến, các Chinook móc theo các khẩu đại bác 105 thả xuống khu vực đổ quân của lực lượng đặc nhiệm tại quận lỵ Phước An.
-1 giờ 10 trưa ngày 12 tháng 3/1975, Thiếu tướng Phú từ bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 bay đến Ban Mê Thuột trên một chiếc phi cơ nhỏ để trực tiếp điều quân. Tới Ban Mê Thuột vào khoảng 2 giờ chiều, Tướng Phú đã liên lạc với đơn vị trưởng của các đơn vị đang chiến đấu ở quanh Ban Mê Thuột như trung đoàn 53 BB ở phi trường Phụng Dực, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân, các tiểu đoàn Địa phương quân Darlac. Cùng đi theo cánh quân cứu viện còn có Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 Quân đoàn 2, được Tướng Phú chỉ định giữ chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac thay thế Đại tá Nguyễn Trọng Luật được ghi nhận là mất tích. Cùng đi theo Đại tá Tiếu, còn có bộ chỉ huy lưu động của Tiểu khu Darlac vừa thành lập.
Tuy nhiên, sự phản công và kế hoạch giải vây của quân ta đã không hữu hiệu, các Trung Đoàn 44 và 45 được đổ xuống Phước An dùng làm bàn đạp để tiến về thành phố Bàn Mê Thuột. Nhưng Phước An vào lúc đó trở thành một trung tâm tản cư của những người dân chạy thoát ra từ Ban Mê Thuộc. Ở đây nhiều binh sỉ gặp lại gia đình tự động lẫn vào đám đông bỏ ngũ. Một số các binh sỉ khác tự động rời hàng ngũ đi tìm thân nhân mất tích. Một đạo quân giải vây trong tình trạng như thế chắc chắn không thể hoạt động được. Bốn ngày sau, SĐF10 của CSBV tiến chiếm Phước An. Hy vọng giải vây BMT bị tan vở.
Chiều ngày 12 tháng 3/1975, cùng lúc tấn chiếm tại chiến trường Ban Mê Thuột, thì tại Pleiku,Cộng quân cũng đã pháo kích bằng hỏa tiễn vào phi trường quân sự Cù Hanh và bộ Tư lệnh Quân đoàn 2.
Trưa ngày 14 tháng 3, 1975, trong khi Sư đoàn 23 BB đang khai triển các cánh quân để tiến về giải cứu Ban Mê Thuột, thì tại Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá An ninh Quân sự của Tổng thống, đã họp mật với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2-Quân khu 2.Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 2/Quân khu 2 khỏi Cao nguyên, di chuyển về các tỉnh duyên hải miền Trung thuộc lãnh thổ Quân khu 2.
Thay lời kết :
Bắc Việt tung vào trận địa tấn công Ban Mê Thuột 3 sư đoàn chủ lực, toàn bộ lực lượng vào khoảng 30 ngàn người, gấp 7 lần lực lượng trú phòng (khoảng 4000). Chủ lực quân ta chỉ có hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53 còn lại là Địa Phương Quân, Sảnh Sát, lực lượng đã quá chênh lệch địch lại đánh lén, đánh trộm thì chúng phải dành chắc phần thắng trong tay. Sự thất thủ của Ban Mê Thuột là chuyện đương nhiên; dù biết trước phòng thủ cũng vẫn thua. Nhưng nếu biết trước và tăng cường yểm trợ để gây tổn thất nặng nề cho địch thì có thể giảm bớt áp lực địch tại các mặt trận khác hy vọng không đưa tới tình trạng hốt hoảng hỗn loạn dây chuyền đưa tới sụp đổ tan tành mau chóng.
Tuy nhiên sự sai lầm của Tướng Phú chỉ là phương diện chiến thuật, Ban Mê Thuột mất vì tại Quân khu 2 ta không đủ lực lượng chống lại áp lực địch gồm 5 Sư đoàn chủ lực cộng thêm 15 Trung Đoàn biệt lập và cơ giới, lại thêm những lệnh lạc bất thường thiếu nghiên cứu vì cấp lãnh đạo của ta đã sai lầm về lảnh đạo và chiến lược..
Tài liệu tham khảo :
- Những Ngày Cuối Của VNCH , của Cao Văn Viên Bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Kỳ Phong, nhà xuất bản Vietnambliography 2003.
- Ban Mê Thuột, ngày đầu cuộc chiến của Nguyễn Định trên trang Web History of the Viet NamWar.
- Mặt Trận Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975 của Vương Hồng Anh đăng trên Việt Báo từ 3/2000.
- Những Trận đánh lịch sử trong chiến tranh VN 1963-1975 của Nguyễn Đức Phương, Đại Nam xuất bản 1993.
- Trận Ban Mê Thuột 3/1975, Khúc quanh lịch sử của Trọng Đạt trên trang nhà Quốc Gia Hành Chánh 2007
- Mặt Trận Ban Mê Thuột của Phạm Huấn trên trang nhà http://doanket.orgfree.com
- Ðại thắng Mùa Xuân của Văn Tiến Dũng trên trang web: http://vnthuquan.net
- Nhìn lại trận đánh BAN MÊ THUỘT 1975 của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật trên http://doanket.orgfree.com
Sinh Tồn chuyển