Chuyện sinh viên Việt ăn lòng lợn, tiết canh ở Úc
Nước Úc cấm giết mổ tại nhà vì vấn đề an toàn vệ sinh. Thông thường muốn ăn tiết canh thì phải đặt trước cho người ta vài ngày. Đến hẹn “phi xe” xuống một chỗ nào đó vắng vẻ rồi gọi điện. Người bán thường đã đợi sẵn chỗ nào gần đó, sau khi quan sát không có gì bất thường sẽ đem túi hàng tới, điềm nhiên ném vào trong xe mình và ... chạy tóe khói.
Đi chợ người Việt
Đất Sydney có cả trăm ngàn người Việt sinh sống và học hành nên việc mua mấy thứ dưa cà mắm muối cực đơn giản. Để tiết kiệm thời gian, cuối tuần cả nhà lại leo lên xe phi thẳng xuống mấy quận có đông người Việt định cư (Marrickville, Bankstown, Cabramatta) để đi chợ.
Cabramatta được mệnh danh là "thủ phủ của người Việt ở Sydney" |
Thôi thì đủ cả, từ mớ rau muống, nắm hành lá, túm mùi tầu, húng quế, rau răm ... cho tới trứng vịt lộn, chả giò chiên, chả lụa, ... thậm chí có cả hến, cua đồng, cá kèo, lươn, ốc được nhập khẩu từ Việt Nam sang. Ngoài ra các đồ thịt cá bán ở khu này cũng có giá mềm hơn cả siêu thị, khâu vệ sinh an toàn có thể chưa bằng nhưng cũng tốt chán. Dù sao cộng đồng Việt ở đây đại đa số cũng chả giàu có gì. Mình cứ tẩn mẩn lựa từng món, chất đầy cốp xe, về ném tủ lạnh cả nhà ăn vài tuần mới hết.
Xong xuôi mọi việc, cậu con trai của mình lại xung phong dẫn đầu tiến vào hàng phở, bún bò ... nao nao thưởng thức những món ăn thuần Việt. Phở ở Sydney ngày càng ngon, tất nhiên chỉ là theo quan điểm của mình. Bánh phở tươi, nước phở xương bò trăm phần trăm (xương ở đây cực rẻ), thịt bò Úc ngon, miếng tái thì ngọt, miếng chín thì mềm, tảng gầu vàng rộm, giòn tan, rau ăn kèm gồm giá đỗ và húng quế thơm lừng. Người Hà Nội mới sang thường ăn chưa quen vì vị hơi ngọt theo kiểu miền Nam, nhưng ở lâu rồi thì ngấm dần, giờ mình thấy còn ngon hơn phở Hà Nội.
Vào những ngày lễ tết, việc tụ hội của người xa quê như bọn mình cũng rôm rả lắm. Sinh viên Việt bên này đông, hô một cái vài ba chục chú tụ tập ăn uống hàn huyên tâm sự cực kỳ đơn giản. Hình thức tiệc phổ biến nhất ở Úc có lẽ là tiệc thịt nướng (BBQ). Tại hầu hết các bãi biển và công viên đều có lò nướng BBQ miễn phí, mọi người cứ dùng xong, rửa sạch cho người tiếp theo dùng là được.
Ngoài mấy món theo kiểu Úc như xúc xích, phi lê (fillet) thịt cừu, thịt bò thì bọn mình thường độn thêm vài món ướp theo kiểu Việt như lưỡi lợn, chim cút ... Đồ biển thường là tôm, sò lông (cái này đi bắt được), hàu xanh, ... Bọn mình hay uống bia chai Úc, thi thoảng xuống khu người Việt thì khuân được thùng bia Sài Gòn, nghe nói có cả bia Hà Nội ở bên này nhưng mình chưa mua được.
Ăn lòng lợn, tiết canh và thịt chó
Đám sinh viên làm nghiên cứu sinh thường có tuổi đời khá cao, mỗi lần nhớ quê anh em lại tụ tập làm bữa tiết canh lòng lợn. Tiết canh thường đánh từ tiết vịt. Cái chuyện mua vịt về làm tiết cũng li kì. Úc cấm giết mổ gia cầm tại nhà vì vấn đề an toàn vệ sinh. Những gia đình làm nghề này thường làm chui, nếu bị bắt được thì mức phạt rất cao.
Thông thường muốn ăn tiết canh thì bọn mình gọi trước cho người ta vài ngày. Đến hẹn phi xe xuống một chỗ nào đó vắng vẻ rồi gọi điện lại. Người bán thường đã đợi sẵn chỗ nào gần đó, sau khi quan sát không có gì bất thường sẽ đem túi hàng tới, điềm nhiên ném vào trong xe mình, thu tiền và ... chạy tóe khói.
Hàng ở đây là mấy con vịt vừa bị giết, vài hộp tiết đã được hãm. Bọn mình đem về pha tiết với nước xáo, đổ ra đĩa nhân, đợi cho thật đông là chén được. Tiết canh ở đây khá an toàn vì không bị nhiễm giun sán như ở nhà.
Lòng lợn thì lại càng đơn giản. Vì dân Úc đa phần không ăn nội tạng nên cả bộ lòng bán ra với mức giá rất phải chăng, hầu như tiệm thịt người Việt nào cũng có.
Cái khó nhất ở đây có lẽ là thịt chó. Ở bên này án dành cho người giết chó có khi còn cao hơn án buôn ma túy nên chuyện ăn thịt chó gần như không tưởng. Mình nghe nói ở vài nơi người Việt vẫn làm chó ở các trang trại xa thành phố. Khách ăn thường là người quen biết, khách lạ bị từ chối liền. Mỗi lần muốn ăn thịt chó phải hẹn trước và đi xa cả mấy trăm cây số. Nói chung là rất khó khăn.
Nhưng cái khó ló cái khôn, các du học sinh nhà ta bên này nhiều bác tay dao tay thớt cực kỳ điêu luyện. Phần do năng khiếu từ hồi ở bên nhà, phần nữa được đào tạo bài bản qua đôi năm làm phục vụ nhà bếp kiếm thêm thu nhập bên này nên việc làm một vài mâm thịt chó "giả lập" cũng không khó lắm.
Món luộc thì đơn giản, mua đùi dê thui về, róc thịt lấy xương ra, quấn cả tảng thịt bao quanh vài gốc sả rồi hấp. Thịt chín để ráo rồi thái mỏng bày ra đĩa, thêm dăm lát riềng, nhìn chẳng khác, ăn lại càng giống. Món nhựa mận cũng đơn giản, nếu có đủ gia vị thì cả thịt lợn cũng thành thịt chó. Món dồi thì khó hơn, cơ mà cũng làm được: mua tiết cục về đánh tan, nhồi vào ruột non lợn kèm lạc rang, lá mơ, riềng sả băm nhỏ ... xong rồi rán lên cho đen sì. Mâm "thịt chó" này thường được nhậu cùng với rượu quốc lủi gốc Nga, hay còn gọi là vodka.
Mâm cố ngày Tết cổ truyền của sinh viên Việt Nam ở Úc. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Cái tết xa quê
Mình dăm năm rồi không về Việt Nam ăn tết, đa phần là do lịch nghỉ hai nước khác nhau, ở nhà nghỉ lễ thì bên này lại vào đợt cao trào làm việc, không thể về được. Năm hết xuân về, lắm lúc nhớ nhà đến da diết. Mình có gia đình còn đỡ, anh chị em nào mới sang, một thân một mình thì chỉ có đêm nằm ôm gối mà khóc. Thôi thì anh em tụ tập nhau lại, giành một ngày cuối tuần gần tết nhất để tổ chức tất niên.
Việc đầu tiên là gói bánh chưng, cái này thường giành cho các bác cao niên có nhiều kinh nghiệm. Bánh chưng ở khu người Việt cũng bán nhưng tự mình làm được thì vui hơn nhiều, ăn cũng thấy ngon hơn.
Bên này không có lá dong, thường phải mua lá tre (có lẽ lá trúc loại to bẳng cả bàn tay, dài nửa mét) để gói. Khung bánh không có, một anh sáng tạo đem đồ chơi lego của con ra ghép lại làm khung. Mấy anh chị khéo tay tập trung lại một buổi chiều cũng làm xong được vài chục cái. Bánh sống được phân về cho mỗi nhà vài cái, công thức nấu được phổ biến, cho bánh vào nồi rồi đun trên bếp ga. Sáng hôm sau thì mọi người đem bánh ra bãi cỏ trong trường để làm tất niên.
Chỗ mình ở có một cây đa cổ thụ, tán lá rộng xum xuê mát mẻ. Mấy em trẻ đã nhanh tay dậy sớm trang trí, thôi thì cũng đủ cành đào, cây mai, câu đối, phong bao lì xì. Chả phân biệt người miền Nam hay Bắc, cứ thấy cái gì hay thì thêm vào.
Bê thui để ăn Tết. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Một món chính không thiếu vào ngày tết là ... bê thui tại chỗ. Anh em thường đặt trước một con bê đã làm sẵn. Lò mổ cũng cung cấp luôn cả bếp, giàn quay, mình chỉ mua than bán ở siêu thị, nhóm lên, cắm điện cho quay và thế là món bê thui được bắt đầu.
Bánh chưng được xếp chồng, bác cả (thường là bí thư chi bộ) thắp mấy cây nhang dưới gốc đa, trịnh trọng khấn vái, anh chị em ai có cầu mong điều gì thì cũng thắp hương. Xong xuôi mọi người vào tiệc, thịt bê cứ vừa nướng vừa cắt ra ăn, kèm với mấy thứ cổ truyền như dưa hành, củ kiệu, ...
Bánh chưng cũng ăn một nửa, một nửa cho mọi người đem về nhà để giành hôm sau cho đỡ nhớ tết. Trẻ con nô nức nhận phong bao lì xì, chơi pháo hoa cầm tay, chạy tung tăng trên thảm cỏ. Đối với nhiều đứa trong đám chúng nó thì tết có lẽ chỉ gói gọn trong một không gian bé tẹo như thế này mà thôi.Dù ăn Tết xa quê nhưng bằng sự sáng tạo và tháo vát của mình, các sinh viên Việt vẫn có đủ hoa đào, hoa mai, bánh chưng, lì xì cho trẻ em.... |