Shahjahan Bouya, 70 tuổi, được trả tự do hồi tháng 10 sau khi thụ án 42 năm tù vì tội giết người.
Những năm 1970, Bouya gia nhập phong trào nổi dậy Sarbahar nhằm lật đổ chính phủ Bangladesh. Ông bị kết án vì làm chết một tài xế xe tải trong cuộc đọ súng với cảnh sát năm 1979.
Trong 12 năm bị giam chờ xét xử, Bouya chứng kiến một người thi hành án treo cổ được các tù nhân cung phụng, được hưởng nhiều đặc quyền và quyết định trở thành trợ lý của người thi hành án.
Lần đầu tiên Bouya thực hiện một bản án treo cổ là cuối những năm 1980. Ông vẫn nhớ rõ tử tù khi đó vẫn bình tĩnh đọc Kalima, câu tuyên ngôn về đức tin của người Hồi giáo. "Anh ta chỉ lẩm bẩm Kalima, không kêu khóc", Bouya kể lại.
Bangladesh đứng thứ ba thế giới về số vụ xử tử bằng hình thức treo cổ. Khi đơn xin ân xá bị tổng thống bác, tử tù có thể bị treo cổ bất kỳ lúc nào, còn người hành quyết được báo trước vài ngày. Sau khi nhận được lịch thi hành án, Bouya bắt đầu chuẩn bị dây thừng và dùng bao cát để thử khả năng đóng mở của cửa sập.
Vào ngày thi hành án, người thân tử tù được gọi đến để nói lời vĩnh biệt, trước khi người tù tắm gội bằng nước nóng thảo dược, mặc quần áo trắng sạch sẽ và lựa chọn bữa ăn cuối cùng. Một giáo sĩ Hồi giáo sẽ giúp họ cầu nguyện và sám hối.
"Một phút sau nửa đêm, chúng tôi sẽ còng tay tù nhân sau lưng, trùm khăn đen lên đầu. Sau đó, đưa anh ta lên giá, tròng thòng lọng vào cổ và bảo anh ta đọc Kalima. Khi quản giáo hạ khăn tay xuống, tôi sẽ kéo cần gạt", Bouya nói.
Ông hiếm khi trò chuyện với tử tù. "Khi một người đối mặt tử thần, anh ta nghĩ gì?" ông nói. "Anh ta biết mình sắp lìa trần".
Giới chức Bangladesh cho hay Bouya đã thực hiện 26 vụ hành quyết, trở thành người treo cổ nhiều tử tù nhất ở nước này. Những người chết dưới tay ông có các sĩ quan quân đội tham gia cuộc đảo chính năm 1975 và sát hại người sáng lập Bangladesh, cha của Thủ tướng đương nhiệm.
Năm 2007, Bouya treo cổ Siddique Islam, thủ lĩnh Hồi giáo của Jamayetul Mujahideen Bangladesh, lực lượng đã tiến hành chiến dịch đánh bom tự sát trên toàn quốc. Ông cũng từng hành quyết 6 thủ lĩnh phe đối lập, trong đó 5 người thuộc đảng Hồi giáo lớn nhất Bangladesh bị kết án vì phạm tội ác chiến tranh trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971.
Các nhà hoạt động cho rằng hệ thống tư pháp hình sự của Bangladesh còn nhiều kẽ hở, nhưng Bouya bác bỏ. Dù tin rằng ít nhất ba người mình đã hành quyết là vô tội, ông nhận định "kể cả có cảm thấy tiếc cho người đó, tôi có thể cứu anh ta hay giữ mạng sống cho anh ta không?"
"Nếu tôi không treo cổ họ, thì sẽ có người khác làm", Bouya nói.
Sau khi ra tù và không còn làm người thi hành án, ông thuê một căn hộ nhỏ ở Keraniganj, ngoại ô Dhaka. Mỗi lần có khách đến thăm, ông thường khoe một đoạn thừng nhỏ được lấy từ sợi dây từng treo cổ nhiều tù nhân.
"Người ta tin rằng những đoạn dây này mang sức mạnh phi thường", ông nói, cho hay một số người dùng nó làm bùa hộ mệnh đeo cổ hoặc buộc quanh cổ tay.
Bouya vẫn chưa thích nghi hoàn toàn với cuộc sống mới. Trong tù, ông ở chung phòng với ít nhất 20 người và đèn luôn bật sáng. Nếu tỉnh giấc lúc nửa đêm, bên cạnh luôn có người đang trò chuyện hoặc chơi bài.
"Chúng tôi hay nói chuyện, tôi không bao giờ cô đơn", ông nói. "Bây giờ, tôi bật đèn mờ vì không thể ngủ trong bóng tối".
Bouya luôn mơ ước được hành hương tới thánh địa Mecca ở Arab Saudi. "Tôi chỉ có một ước nguyện nhỏ, là được cầu nguyện ở thánh địa trước khi chết. Phần đời còn lại, tôi sẽ sống theo ý của Thánh Allah", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)