Câu
chuyện Hồng tỷ giả gái để hẹn hò đàn ông chưa có kết luận điều tra,
nhưng đã mở ra cuộc bàn luận về các vấn đề nhức nhối khác trong xã hội.
 |
Vụ Hồng tỷ giả gái bùng nổ mạng xã hội Trung Quốc. |
Ngày
7/7, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ với câu chuyện người đàn ông có
biệt danh Hồng tỷ (tên thật Jiao Moumou, 38 tuổi) giả gái, quan hệ với
hơn 1.000 nam giới và phát tán video nhạy cảm của họ lên mạng. Dù hàng
chục nghìn tin giả liên quan đến vụ việc đã bị xử lý, câu chuyện mở ra
cuộc bàn luận về nhưng khía cạnh nhức nhối khác trong xã hội.
Trong
khi vẫn chờ cảnh sát điều tra vụ phát tán nội dung khiêu dâm liên quan
đến Jiao, dân mạng tò mò vì sao nhiều đàn ông ở Nam Kinh lại vướng vào
câu chuyện kỳ lạ này.
"Đàn ông Trung Quốc đang chịu quá nhiều áp
lực, họ không đủ tài chính để hẹn hò và kết hôn với những cô gái trẻ nên
chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn" là lập luận được số đông đưa ra. Vụ việc
lần này cũng khiến tình trạng đàn ông "dư thừa", cả đời không thể cưới
vợ được đưa ra mổ xẻ khắp các diễn đàn tại đất nước tỷ dân.
Nỗi khổ của "đàn ông dư thừa"
Mất cân bằng giới tính là vấn đề khiến chính phủ Trung Quốc phải đau đầu. Theo South China Morning Post,
Điều tra dân số toàn quốc lần thứ 7 của Trung Quốc (công bố tháng
5/2021) cho thấy nam giới nhiều hơn nữ 34,9 triệu người. Những người này
bị gọi là "leftover men" (tạm dịch: đàn ông dư thừa) và có nguy cơ ế cả
đời.
Họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng độc thân trầm
trọng. Nhiều đàn ông gần như không thể tìm được đối tượng hẹn hò, chứ
chưa nói đến chuyện cưới được vợ.
Tiến sĩ Zheng Mu, thuộc khoa xã hội học của Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ với BBC Trung
Quốc, nam giới được kỳ vọng phải có tài chính, là trụ cột gia đình khi
kết hôn. "Kết quả là không đủ điều kiện kết hôn có thể trở thành sự kỳ
thị xã hội, cho thấy những nam giới đó không có khả năng và không xứng
đáng, khiến họ áp lực lớn và căng thẳng về mặt tinh thần", Zheng nói.
 |
Hàng triệu nam giới ở Trung Quốc vật lộn với nguy cơ ế vợ cả đời. Ảnh: VCG. |
Nam
giới cũng được kỳ vọng sẽ chi trả toàn bộ chi phí và tặng bạn gái những
món quà đắt tiền trong quá trình hẹn hò. Nhiều người phải đáp ứng "tiêu
chuẩn cơ bản" là có nhà, có xe trước khi cưới vợ. Điều đó tạo nên thực
trạng nhiều thế hệ trong gia đình cùng làm việc để kiếm tiền cho một
người con trai đủ cưới vợ.
Nhưng trong các video về Hồng tỷ được
lan truyền, người này không yêu cầu các chàng trai hẹn hò phải chu cấp.
Những nam thanh niên đến chơi chỉ cần mang theo món quà nhỏ như quả dưa,
rau củ hay thậm chí là can dầu ăn dùng dở. Hồng tỷ còn dành lời khen
cho các anh chàng.
Dân mạng cho rằng tưởng chừng phi lý, song sự
đơn giản và kỳ vọng thấp của Hồng tỷ khiến các chàng trai kết nối với
nhân vật này cảm thấy thoải mái, không gánh nặng tâm lý.
Zhou (36
tuổi), một khách hàng đăng ký "trại hẹn hò" của chuyên gia tư vấn họ
Hao, là một trong những nam giới trẻ đang phải vật lộn vấn đề này. Mục
tiêu của anh là kiếm được một người bạn gái, không có bất cứ tiêu chuẩn
nào.
Zhou cảm thấy chán nản khi phải tốn rất nhiều tiền cho việc
hẹn hò, bao gồm cả tiền thuê người mai mối, tiền ăn tối và quần áo mới.
"Tôi chỉ kiếm được 600 USD một tháng", anh nói, lưu ý rằng một buổi hẹn hò tốn khoảng 300 USD.
"Cuối cùng, số phận của chúng ta được quyết định bởi xã hội", Zhou nói trong bộ phim tài liệu The Dating Game của đạo diễn Violet Du Feng, quyết định rằng anh cần "xây dựng địa vị của mình".
Dẹp nạn giá cô dâu
Tiền
thách cưới (hay giá cô dâu) quá cao ở nhiều địa phương cũng được cho là
nguyên nhân lớn khiến nhiều đàn ông Trung Quốc từ bỏ giấc mơ kết hôn.
Điều này cũng phản ánh phần nào tình trạng mất cân bằng giới tính trầm
trọng.
Mức sính lễ có sự khác biệt giữa các vùng miền. Tại khu vực
phía Đông, đặc biệt là Thượng Hải, Phúc Kiến và Giang Tây có mức sính
lễ cao nhất do chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Không ít cặp đôi phải chia tay
khi nhà trai không đủ tiền thách cưới.
Tại huyện Chính Ninh, tỉnh
Cam Túc, nơi thu nhập trung bình hàng năm chỉ hơn 20.000 nhân dân tệ vào
năm 2021, một người đàn ông có thể phải mất 15 năm mới kiếm đủ số tiền
mà nhà bạn gái yêu cầu.
Li Guofu, một người dân thành phố Chiêu
Thông (tỉnh Vân Nam), cho biết ở quê anh có rất nhiều đàn ông độc thân,
được gọi là "guanggun". Họ không thể cưới vợ vì không có đủ khả năng trả
giá cô dâu. "Tôi phải làm việc chăm chỉ vì không muốn một ngày nào đó
trở thành guanggun", anh nói.
 |
Giá cô dâu ngất ngưởng phản ánh tình trạng chênh lệch giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Những năm gần đây, chính quyền các địa phương đã có biện pháp cụ thể nhằm "dẹp nạn" giá cô dâu.
Năm
2021, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chọn một quận từ 32 thành phố trong cả
nước làm "khu thử nghiệm" để cải cách đám cưới. Theo đó, cộng đồng dân
cư được yêu cầu thiết lập các quy tắc riêng để kiểm soát giá cô dâu và
chi phí đám cưới.
Tháng 9/2022, 8 cơ quan quốc gia đã cùng nhau
đưa ra thông báo nhằm giải quyết các vấn đề về của hồi môn và lễ cưới xa
hoa ở vùng nông thôn. Trước đó ít tháng, chính quyền huyện Chính Ninh
(tỉnh Cam Túc) cho biết họ đã đặt giới hạn cho giá cô dâu là 80.000 nhân
dân tệ đối với các gia đình nông thôn, và tối đa 60.000 nhân dân tệ đối
với công chức.
Bên cạnh sự mất cân bằng giới tính, tình trạng
không có lương hưu và bảo hiểm y tế cho người cao tuổi ở vùng nông thôn
cũng góp phần khiến chi phí hôn nhân tăng cao. Các bậc cha mẹ chủ yếu
dựa vào con cái khi về già nên những quan niệm như "nuôi con để hưởng
phúc" vẫn còn phổ biến.