Tô Lan Hương: Ngày trở về nhà sau 21 năm tù tội, anh làm điều gì đầu tiên?
Hải Bánh: Ngày 29 tháng Chạp năm ngoái (30 Tết), khi tôi về tới Hà Nội, con gái, con rể, cháu ngoại và người nhà đón tôi ở sân bay.
Tôi nói với con rể:
- Nhà con ở đâu, con chạy thẳng xuống đó đi.
Xuống đến nơi, tôi ôm thùng rượu đi vào, giới thiệu với ông bà thông gia:
- Em là Hải, bố cháu Vân, bố của con dâu anh chị. Em đi mấy chục năm, nay mới về. Cảm ơn anh chị đã thương và bao bọc con em. Nhà em chưa về, em chưa thắp hương cho bố mẹ, nhưng phải chạy xuống đây cảm ơn anh chị trước.
Về nhà mình, nhìn ban thờ mẹ và nhìn ngôi nhà xác xơ, tôi buồn ghê lắm, tôi như phát điên luôn. Sau khi ăn cơm Tất Niên xong, tôi cùng mọi người sang mộ mẹ ở Hưng Yên.
Đêm đó, tôi nằm bên mộ mẹ, cứ ôm lấy mà khóc. Tôi chỉ muốn ngồi đó mãi không về. Nhưng còn cả gia đình đang chờ tôi ở ngoài cổng nghĩa trang, nên tôi lại phải chào mẹ về.
Khi tôi về, Hà Nội vẫn đang lạnh. Tôi kê đệm dưới chân bàn thờ mẹ nằm ngủ và cứ ngủ ở đó trong nhiều tháng. Điều đó giống như được nằm dưới chân mẹ khi tôi còn bé.
Buồn nhất là tôi lại có thói quen dậy sớm. Cứ 4h là tôi dậy đánh răng, mà ngồi đánh răng lại nhớ đến mẹ, rồi khóc. Ngày xưa cứ đến giờ đó mẹ tôi lại gọi: "Hải ơi dậy đi con, Hải ơi dậy đi con".
Lúc tôi chưa đi tù, tôi lo cho bố mẹ tôi không thiếu thứ gì, nhưng tôi lại làm bố mẹ day dứt nhiều nhất. Tôi ân hận, cực kì ân hận!
Tô Lan Hương: Xa nhau 21 năm, mối quan hệ của anh với con gái có xa cách khi anh trở về?
Hải Bánh: Con gái lo cho tôi nhiều. Lúc tôi mới về, thấy tôi hay khóc thương mẹ, con gái tôi lại bảo chồng con về nhà ngủ, còn cháu thì trải đệm ra nằm ngay cạnh trông tôi. Giờ cơm nước của tôi đều do con lo cho.
Dù thế nào thì chúng tôi mãi là gia đình, là máu thịt của nhau. Chúng tôi có xa cách nhau bao nhiêu thì bây giờ về, tình cảm cha con vẫn còn đó.
Tôi mừng vì con ngoan, chứ không dựa vào bố đi làm việc gì bậy bạ. Cháu bán chè ở ngay dưới chân ngôi nhà tôi ở tại 36 Hàng Cót. Nhìn cảnh đó rất xót và thương con, nhưng tôi tôn trọng những gì con thích, những gì con làm.
Tô Lan Hương: Anh từng nói, ngày ra tù, có người từng đề nghị anh quay lại "con đường cũ". Câu trả lời anh dành cho họ là gì?
Hải Bánh: Tôi nói với họ, Hải Bánh hết thời rồi!
Giờ tôi già rồi, chỉ còn chút thời gian thôi nên tôi phải dành cho gia đình. Ngày xưa tôi sống ngoài đường, chỉ nghĩ là mình phải sống vì anh em. Cũng vì anh em mà tôi bỏ bố mẹ đi mấy chục năm không về, đến lúc về thì trên đời không còn bố mẹ nữa. Nhưng giờ, tôi cũng gần 60 tuổi nên phải sống cho gia đình mình nhiều hơn.
Trong 20 năm tù, anh em ai thương, ai quý, ai vào thăm, ai gửi cho tôi cái gì, tôi đều nhớ không quên. Lúc tôi khổ nhất thì họ không bỏ tôi, tôi ghi nhận. Và khi tôi về, tôi đến nhà từng người một để hỏi thăm...
Mà tôi cũng là người tự ý thức được giờ mình đang đứng ở chỗ nào. Tôi không còn thuộc về thời đại này nữa, cũng không ham hố.
Có người mời tôi về làm việc này việc kia, thu nhập tốt, nhưng tôi đủ thông minh để hiểu. Có lẽ họ không cần tôi thật, mà chỉ cần tôi về để "làm hình ảnh".
Tôi đã từ chối vì không muốn xáo trộn. Tôi nghĩ, việc từ chối là giữ cho cả tôi và những người đó.
Tô Lan Hương: Ngày gần ra tù, anh nghĩ mình sẽ làm gì, sẽ sống một cuộc đời ra sao?
Hải Bánh: Ở trong tù, chúng tôi phân biệt án dài, án ngắn. Người án tù 3 năm, 5 năm còn tính được tương lai, chứ người tù 20 năm hay chung thân như chúng tôi thì không biết tương lai đang chờ mình là gì.
Tôi không nghĩ về việc ra tù sẽ làm gì, vì toan tính gì cũng không được. Điều tôi nghĩ là lúc trở về, tôi phải sống thế nào để gia đình không phải khổ vì mình nữa. Nếu giúp được người thân cái gì, tôi sẽ làm hết mình, chứ không làm phiền, không ngửa tay xin tiền con cái, hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn với gia đình.
Gần 60 tuổi, tôi đã hiểu ra, cái trường tồn với mình chỉ có gia đình mà thôi. Tôi chỉ mong được sống yên bình.
Tô Lan Hương: Trở về sau 21 năm, anh có thấy xã hội thay đổi nhiều?
Hải Bánh: Ngày xưa khi tôi đi, chỉ có cái điện thoại Nokia bấm tành tạch là nhất, làm gì có cảm ứng như bây giờ. Giờ về thì hãng Nokia chết rồi. Mọi thứ vượt bậc hẳn lên, người cũng đông hơn, ăn mặc cũng hiện đại hơn, phụ nữ cũng đẹp hơn nữa (cười).
Lúc mới bước chân về xã hội thì tôi bị ngợp thực sự. Người sao đông thế, nhà cửa sao to thế, mọi thứ đều thay đổi hoàn toàn. Những khu vực từng quen thuộc trong ký ức của tôi, giờ tôi ko nhận ra nữa.
Ví dụ giờ đi qua khu vực Kim Mã, tôi không biết đâu với đâu nữa. Ngày xưa khách sạn Daewoo là to nhất, giờ về thấy nó bé tí tị ti.
Tư duy của tôi là tư duy của người 21 năm trước, trong khi cuộc đời đã khác nhiều lắm rồi. Nên khi về, tôi tự mình phải tìm tòi, tự mình phải thay đổi.
Tô Lan Hương: Cái khó khăn nhất của anh sau khi tái hòa nhập với cộng đồng là gì?
Hải Bánh: Có lẽ là công nghệ! Tôi học mãi còn chưa biết chuyển tiền bằng Internet banking, cũng không biết sử dụng mạng xã hội. Cứ một lần làm là một lần nhờ người khác hỗ trợ.
Đã từng có người quen, thấy tôi gây chú ý trên mạng xã hội nhiều quá, bèn đề nghị tôi dùng hình ảnh cá nhân để lập fanpage. Ban đầu nghĩ đơn giản nên tôi ưng thuận. Nhưng sau đó các bạn muốn dùng hình ảnh của tôi để kiếm tiền trên mạng xã hội thì tôi không đồng ý.
Tôi không muốn kiếm tiền theo cách đó. Việc thi thoảng phải xuất hiện trên sóng livestream ở cửa hàng biết là nó sẽ giúp tôi bán hàng tốt hơn, kiếm tiền tốt hơn, nhưng tôi vẫn thấy trong lòng không thực sự thoải mái.
Tôi đã trải qua cảm giác bị người ta lợi dụng hình ảnh để kiếm tiền mà không làm gì được.
Ví dụ thế này, đôi khi ra ngoài đường, có người muốn chụp hình cùng tôi. Dù không quen họ nhưng tôi vẫn đồng ý, bởi vì nếu tôi không cho họ chụp thì họ vẫn đứng từ xa chụp tôi, có khi vừa chụp vừa chửi. Nhưng sau đó, họ lại cho hình tôi lên các trang web đánh lô đề hay cho vay nặng lãi.
Rồi có hôm tôi đi ăn sáng trong phố cổ, có người giả vờ nói chuyện điện thoại, nhưng thực tế là họ đang quay mình. Thế mà tôi vẫn phải chịu đấy.
Có lần, khi tôi đang ở Phủ Lý thì có điện thoại. Có một cậu thanh niên nào đó gọi nói anh Hải ơi, anh đang ở đâu, em muốn đến mua hàng nhà anh, nhưng phải có anh ở nhà thì em mới qua. Thế là tôi chạy hộc tốc từ Phủ Lý về. Lúc cậu thanh niên đó tới, cậu ta cầm một cái điện thoại livestream từ ngoài đi vào, xem hết món này đến món kia, hết khen gốm đẹp lại khen anh Hải Bánh dễ mến. Sau đó, thanh niên này còn đòi tôi chụp ảnh kỉ niệm.
Tôi cứ tưởng dù ít nhiều cậu ta cũng mua ủng hộ món gốm lưu niệm vài trăm nghìn gì đó, nhưng cậu ta không mua gì cả, chỉ quay chụp tôi rồi về. Vậy mà tôi vẫn phải cười, vẫn phải bắt tay, bảo lần sau lại đến nhé.
Nhiều lúc điên ghê lắm mà vẫn phải chịu, vì nếu chỉ nhúc nhích một cái thì sẽ thành câu chuyện trên mạng xã hội. Tôi sợ công nghệ thông tin, sợ mạng xã hội, sợ livestream lắm rồi!
Tô Lan Hương: Giờ gặp trường hợp đó, anh sẽ giải quyết ra sao và giờ thì thế nào?
Hải Bánh: Tôi vẫn phải cười, cố mà cười. Đến mức nhiều lúc tôi nghĩ mình sắp là hoa hậu thân thiện rồi.
Tô Lan Hương: Việc gì mà Hải Bánh năm 20-30 tuổi sẽ làm, nhưng Hải Bánh bây giờ không làm hoặc sẽ làm khác đi?
Hải Bánh: Ví dụ ngày xưa đi đường mà va chạm xe với ai đó, tôi sẽ xuống, hung hăng kiếm chuyện với người ta. Giờ thì dù tôi sai hay họ sai, tôi vẫn xuống nói câu xin lỗi rồi đi.
Mà bây giờ cũng có người lừa Hải Bánh nhé. Có một cậu thanh niên quen biết đến gặp và đề nghị tôi góp vốn 200 triệu mở hàng bia. Tôi đồng ý, đưa cho cậu ta tiền.
Rồi một hôm tôi đến hàng bia đó, xem tiệm bia tôi hùn vốn làm ăn thế nào. Lúc đó tôi mới biết hóa ra nó chỉ là một quán cóc lụp xụp, kê dăm ba cái bàn.
Ngày xưa ai cứ thử lừa tôi xem… Nhưng giờ nếu chuyện gì không thật cần, không thật đáng, tôi cười nhẹ cho qua.
Tô Lan Hương: Anh có cho rằng mình đằm tính hơn không?
Hải Bánh Đúng, tôi thay đổi rồi! Có lẽ nhờ lần đi tù rồi mà con người tôi thay đổi rất nhiều. Chữ NHẪN học được trong tù, tôi lại áp dụng vào cuộc sống đời thường. Đó là điều duy nhất mà tôi "được" trong 21 năm ngồi tù và phải cảm ơn nó.
Tô Lan Hương: Có bao giờ anh sợ bị trả thù sau tất cả những việc anh đã làm trong quá khứ?
Hải Bánh: Nếu có chuyện đó, tôi sẽ bình thản chấp nhận. Việc gì đến sẽ phải đến. Tôi dám làm dám chịu.
Tô Lan Hương: Anh nghĩ để làm người lương thiện có khó không?
Hải Bánh: Tôi đang rất muốn làm người lương thiện, nhưng tôi biết là nó không dễ.
Những người hoàn lương như chúng tôi, quá nửa sau đó lại quay lại nhà tù. Nhiều khi không phải bởi họ muốn, mà bởi cuộc sống xô đẩy họ, không cho họ cơ hội. Ví dụ muốn làm xe ôm thì phải có xe, nhưng không có tiền mua xe, thế là lại tặc lưỡi muốn làm gì đó kiếm tiền. Nhưng chưa kịp mua xe thì đã bị bắt trở lại rồi.
Tôi biết nhiều người trong chúng tôi nhiều lúc muốn hoàn lương ghê lắm. Nhưng con đường của họ không dễ. Người nào may mắn khi về nhà sẽ được gia đình, anh em, bạn bè giúp đỡ. Nhưng nhiều người không làm được gì vì tiền không có, nghề nghiệp cũng không. Trong khi vác hồ sơ xin việc đến đâu, dù là khu công nghiệp, cũng bị từ chối, vì chẳng ai nhận người có tiền án tiền sự cả. Thế là họ cứ bị đẩy vào vực sâu thăm thẳm…
Tôi tự nhận thấy tôi may mắn hơn phần lớn những người hoàn lương khác, vì còn có chút vốn liếng, có việc để làm, có gia đình, có anh em bạn bè hỗ trợ.
Tô Lan Hương: Ngày đầu nghe tin anh ra tù, tôi đã đặt câu hỏi rằng Hải Bánh sẽ làm gì để mưu sinh? Và rồi sau đó, tôi thấy anh mua ô tô rồi mở tiệm gốm.
Hải Bánh: (cười) Thật ra trước lúc đi tù, tôi có một chút vốn liếng. Tôi giao toàn bộ cho Phượng - em gái út - cũng là đứa em tôi yêu nhất nhà. Em nó bệnh tật từ lâu, thương lắm.
Lúc vào tù, tôi đưa tiền cho em và dặn cần giữ khoản tiền đó, tìm cách đầu tư sinh lời, rồi lấy tiền đó chữa bệnh, còn tôi mỗi tháng chỉ cần vài triệu để tiêu trong tù. Nếu tôi không về thì tiền đó là của em và con gái tôi. Giờ về rồi thì em giao lại số tiền đó để tôi làm ăn.
Tôi có nhiều bạn bè cũ. Có người đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ tôi, nhưng tôi chỉ nhận sự giúp đỡ của hai người anh, người bạn cực kỳ thân thiết. Mỗi người giúp tôi vài trăm triệu.
Tô Lan Hương: Sao anh lại chọn mở tiệm gốm?
Hải Bánh: Tôi thích vẽ từ bé và cũng có chút năng khiếu.
Hồi ở trong trại giam, tôi dành rất nhiều thời gian để vẽ: Vẽ báo tường cũng có, vẽ chân dung, truyền thần cũng có. Lúc ở trong tù, nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ anh chị em trong nhà, tôi lại vẽ tranh gửi về nhà. Tôi vẽ cả cán bộ quản giáo và con cái họ, vẽ cả các bạn tù rồi làm quà tặng họ.
Lúc ở tù, tôi đặt mục tiêu mình sẽ phải học gì đó, chứ không muốn có thời gian trống, cả ngày nằm tuyệt vọng trên giường đếm năm tháng qua đi. Thế là tôi chọn học vẽ - thứ mà tôi thích nhưng không có cơ hội học.
Tôi nhờ người nhà mua cho đủ sách về mỹ thuật, từ sách mỹ thuật đại cương, đến các trường phái tranh từ Đông sang Tây, sách về các danh họa như Bùi Xuân Phái, Picasso. Cứ mỗi khi tôi cần mua một cuốn sách gì, tôi lại báo cho em gái, cho cháu, cho bạn bè tôi.
Mỗi cuốn sách nhận được, tôi đều ghi ngày tháng cẩn thận và nâng niu nó. Ngày ra tù, tôi để lại tất cả cho bạn tù, chỉ mang về nhà mấy tờ lịch ngày mẹ mất, ngày giỗ mẹ và một túi sách to đùng.
Thế nên lúc về nhà, cháu tôi dẫn một người bạn có lò gốm ở Bát Tràng đến gặp. Sau gợi ý, tôi gật đầu mở tiệm gốm.
Tôi lấy những bình gốm mộc về, vẽ và viết thư pháp theo yêu cầu của khách, rồi mang đến lò gốm, tráng men. Sau khi bỏ thời gian vẽ theo yêu cầu của khách, bình gốm có thể có giá thành vài triệu. Tôi tin tôi có thể làm tốt việc này.
Giờ cháu tôi - người đã cùng tôi mở tiệm gốm này - vừa qua đời. Tôi lại càng nhủ với lòng sẽ giữ tiệm gốm này đến chết.
Tô Lan Hương: Giờ mỗi ngày cuộc sống của anh như thế nào?
Hải Bánh: Buổi sáng tôi dậy lúc 4h30. Sau khi đánh răng rửa mặt, tôi sẽ tụng kinh cho mẹ rồi lấy xe đạp đi tập thể dục, đến phòng gym tập đến 9h, rồi quay lại tiệm gốm.
Thường thì tôi sẽ ở tiệm gốm, ngồi vẽ bình cả ngày, hoặc dành thời gian rảnh để đọc sách. Đôi khi tôi vẽ tranh, đôi khi tôi tự cắm một bình hoa, rồi ngồi nhâm nhi ly trà một mình.
Tô Lan Hương: Hình như có một phần mềm mại trong con người Hải Bánh mà người ngoài hầu như ít biết…
Hải Bánh: Từ hồi ở trong tù, cả trại giam Z30A đều biết tôi thích cắm hoa. Thi thoảng cán bộ trại giam sẽ cho tôi ít hoa.
Vào những ngày trong trại có hội nghị, có hoa tươi, cán bộ lại mang hoa thừa đưa cho tôi về cắm lại. Bây giờ về Hà Nội rồi, tôi càng cắm hoa nhiều hơn. Đó là những lúc tôi tĩnh lặng nhất, chỉ sống với thế giới của mình.
Ở trại giam, tôi còn thích làm đồ chơi cho con các cán bộ trong trại. Cứ đến Trung thu, tôi lại làm nhiều mặt nạ, đèn ông sao, nhờ cán bộ về phát cho trẻ con ở nhà.
Tô Lan Hương: Anh còn thích nói chuyện cuộc đời với lớp trẻ nữa thì phải?
Hải Bánh: Có lẽ vì tôi trả giá nhiều rồi, nên không muốn tụi nhỏ phải trả giá như tôi. Cách đây không lâu, các cán bộ ở trường giáo dưỡng có mời tôi đến nói chuyện. Gặp họ, tôi bảo:
- Chú không dám dạy các cháu, mà chỉ muốn các cháu nhìn vào chú mà rút ra bài học cho mình. Chú đã có một cuộc đời hư hỏng, làm khổ bố mẹ, khổ xã hội. Chung quy thì, muốn làm ông gì đi chăng nữa cuối cùng cũng phải phục thiện vì thế các cháu phục thiện càng sớm thì càng tốt.
Thật ra để nhận thức được điều đó, tôi đã trả giá bằng toàn bộ thanh xuân của mình. Ngày xưa tôi cứ ngụy biện tôi sống trong guồng máy này nên tôi phải thế, nhưng về sau tôi nhận ra, tôi chỉ cần dứt khoát thôi. Giống như tôi từng nghiện thuốc lá, mỗi ngày hút 2 gói, rồi tôi cai thuốc, cứ nhìn thấy thuốc lá là vứt đi, hóa ra cũng chẳng chết.
Tô Lan Hương: Giờ anh muốn mọi người hình dung về mình như thế nào?
Hải Bánh: Tôi đã quen được gọi là Hải Bánh, vì đã sống cả đời với cái tên này. Ngày xưa trẻ con trong phố cổ ai mà chẳng bị ghép tên với bố mẹ mình. Chỉ thế thôi, chứ tôi không muốn là trùm giang hồ hay gì nữa. Bây giờ tôi chỉ muốn là một người đàn ông bình thường.
Tô Lan Hương: Anh có chắc là sẽ không làm những việc có thể phải bước chân vào trại giam lần nữa?
Hải Bánh: Thật ra ranh giới của việc phạm pháp hay không phạm pháp mong manh lắm. Tôi không dám nói gì nhiều, chỉ hứa rằng sẽ cố gắng hết sức để làm người lương thiện.
Tô Lan Hương: Ở tuổi này, đi về về trong căn nhà chỉ có bàn thờ cha mẹ, anh có thấy mình cô đơn?
Hải Bánh: Tôi đã quen cô độc suốt những năm tháng tù tội, nên không còn sợ nó nữa.
Tô Lan Hương: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nội dung: Tô Lan Hương
Ảnh:Mạnh Quân
Thiết kế: Thủy Tiên
01/11/2022