Trưa 26/7/1984, cảnh sát nhận được tin báo phát hiện một thi thể cháy đen gần bãi sông Vị Tân ở ngoại ô phía nam thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm.
Nạn nhân là nữ, khoảng 30 tuổi, cao hơn 1,6 m, bị bỏng khoảng 80% cơ thể, khuôn mặt bị thiêu hủy không thể nhận dạng. Vùng đầu không có dấu hiệu chấn thương cùn, da cổ bị bong tróc, trên tay không có dấu vết bị trói rõ ràng, trong khí quản và phế quản có bụi than đen. Nguyên nhân tử vong là chết cháy, thời gian khoảng 23h ngày 25/7.
Cách thi thể không xa, cảnh sát tìm thấy hai khu vực bị đốt cháy nồng nặc mùi xăng, một ở ruộng ngô và một ở gần bờ sông. Theo diện tích cháy, ít nhất phải cần 5 lít xăng nhưng cảnh sát không phát hiện thùng chứa nào.
Họ cũng tìm thấy một số mảnh quần áo trong lớp đất cháy sém và một chiếc guốc cao gót nữ màu đỏ gần nơi bị đốt, một chiếc khác ở bờ sông cách đó 20 m. Sau khi đối chiếu, đôi guốc được xác định thuộc về nạn nhân, nền đất xung quanh có nhiều dấu gót tròn.
Lần theo dấu chân, cảnh sát nhận định nạn nhân lội từ bên kia sông sang ruộng ngô rồi châm lửa đốt. Đau đớn vì bị cháy, cô chạy về phía bờ sông, nhưng được nửa đường thì bị ngã và tạo thành hiện trường hỏa thiêu đầu tiên. Sau đó, cô lại đứng dậy chạy tiếp, nhưng đã bị thiêu sống trước khi đến được sông.
Cảnh sát không phát hiện dấu chân của người thứ hai hay dấu vết vật lộn tại hiện trường, nên cho rằng đây có thể là một vụ tự sát. Tuy nhiên, việc không tìm thấy thùng xăng ở hiện trường là điểm đáng ngờ. Nơi châm lửa cách bãi sông 11 m, không có khả năng nạn nhân cầm thùng xăng đi về phía sông để vứt sau khi tự thiêu. Dòng nước chảy rất chậm, thùng xăng dẫu bị ném xuống cũng không thể trôi đi quá xa, vì vậy rất có thể nó đã bị người khác lấy đi.
Cảnh sát gặp khó khăn khi dân làng kéo đến khiến hiện trường vụ án bị phá hủy. Họ tìm thấy một dấu chân nam không rõ ràng tại nơi lửa bùng phát, tuy nhiên không xác định được nó thuộc về nghi phạm hay từ người dân đến xem.
Mở rộng tìm kiếm, cảnh sát phát hiện một chiếc tất nữ trong ruộng khoai lang cách hiện trường 50 m. Họ suy đoán chiếc tất bị tuột ra khi nạn nhân giằng co với hung thủ.
Không có khoa học kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ, cảnh sát phải đạp xe hơn 20 km mỗi ngày xung quanh hiện trường để điều tra danh tính nạn nhân. Vài ngày sau, một người đàn ông họ Triệu trình báo chị gái Triệu Hiểu Liên, 35 tuổi, mất tích, thời gian và độ tuổi trùng khớp với thi thể phụ nữ bên sông.
Sau khi nhận dạng qua ảnh, dép và tất của nạn nhân, gia đình xác định thi thể là Liên, cô được nhìn thấy lần cuối vào ngày 25/7. Tối hôm đó, Liên gửi con gái đến nhà em trai vì bị đau bụng muốn đi khám bác sĩ. Cô nói được một đồng nghiệp đưa đón. Từ đó gia đình không thấy Liên quay về.
Điều tra phòng khám duy nhất ở gần nhà Liên, bác sĩ khẳng định không có bệnh nhân nào đến vào tối 25. Người dân xung quanh đều nói không nhìn thấy cô.
Liên làm việc tại Nhà máy Dệt may Đông Phương Hồng ở thành phố Liêu Nguyên, chồng cô là Lý Hướng Đông, làm việc trong Hợp tác xã Tiếp thị và Cung ứng Liêu Ninh.
Khi điều tra Liên, cảnh sát phát hiện Đông cũng mất tích. Họ tìm thấy một cuốn nhật ký khi khám xét nhà, ghi lại sự bất mãn của Liên với cuộc sống hôn nhân và chồng. Trong bài viết mới nhất vào ngày 24/7, Liên trách cứ chồng lén chuyển công tác đến thành phố Trường Xuân, lúc đi cũng không thông báo cho cô mà chỉ nhờ người chuyển lời.
Đông không liên lạc với gia đình kể từ khi rời nhà. Lãnh đạo đơn vị cho biết Đông không hề bị điều chuyển công tác, anh ta đã không đến làm việc hơn 10 ngày qua.
Các bạn của Đông cho biết tối 20/7, anh ta đi uống rượu cùng họ, sau đó đột nhiên nói có việc bận rồi bỏ đi, từ đó không gặp lại. Cũng vào tối đó, Liên nhận được tin chồng đi Trường Xuân.
Thời điểm đó chưa có chuyến tàu đêm nào đến Trường Xuân, mua vé không cần tên thật, thậm chí cả chứng minh thư cũng chưa được thực hiện rộng rãi. Vì vậy, cảnh sát không thể xác định Đông đã đi đâu.
Khi vụ án hai vợ chồng Liên ngày càng phức tạp, cảnh sát lại tiếp nhận một vụ cướp kỳ lạ. Hai tên cướp bịt mặt lấy đi một số biên lai của Công ty Xây dựng Hướng Dương và thiêu hủy.
Nghi ngờ sổ sách của công ty có điều mờ ám, cảnh sát lập tổ chuyên án điều tra. Họ phát hiện vào tháng 3, công ty bị mất 8 tấn thép trị giá hơn 10.000 nhân dân tệ, khá có giá trị vào năm 1984. Khi đó, thép là nguyên liệu khan hiếm phải do cục quản lý phân phối theo hạn ngạch của nhà nước.
Cùng lúc điều tra ba vụ án không có manh mối, cảnh sát bỗng nghĩ ra cách "dụ rắn ra khỏi hang".
Liên bị thiêu chết do kẻ sát nhân không muốn người khác tìm ra nạn nhân là ai. Sau khi xác định được danh tính nạn nhân, cảnh sát không công bố, đồng thời dặn người nhà Liên không được tiết lộ cho ai. Hung thủ không biết tình hình nên có thể dụ hắn lộ dấu vết.
Cảnh sát yêu cầu em trai Liên nói với người xung quanh rằng cô mất tích, nghe nói bên sông Vị Tân vừa phát hiện một thi thể nữ nên định đi nhận dạng.
Sáng ngày thứ ba, em gái Liên tìm thấy một lá thư trên bệ cửa sổ, ký tên Đông. Thư viết vợ chồng Đông đều khỏe mạnh, người nhà không cần đi nhận dạng thi thể.
Gia đình xác nhận chữ viết trong thư không phải của Đông. Cảnh sát suy đoán kẻ viết thư chính là hung thủ hoặc đồng phạm, nắm rất rõ tình hình gia đình Liên.
Đội điều tra bí mật thu thập chữ viết tay của các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của hai vợ chồng, đồng thời tra xét những người từng đến nhà Liên.
Cảnh sát thu được manh mối là trước khi án mạng xảy ra, công ty Hướng Dương từng đến tìm Liên. Người phụ trách công ty giải thích rằng họ nhận được tin báo Đông từng chuyển đi 8 tấn thép nên đến nhà để xác minh. Khi đó, Liên nói Đông đã đi Trường Xuân, 8 tấn thép do trưởng phòng Trương Chí Cương đưa cho anh ta.
Cảnh sát kiểm tra chữ viết tay của Cương cùng gia đình và bạn bè nhưng không có ai trùng khớp.
Khi cảnh sát đang đau đầu tìm kiếm manh mối, một bức thư bất ngờ mang đến bước ngoặt. Thư gửi cho Đông từ Vương Thụ Đức, nhân viên của một công ty dịch vụ lao động ở Trường Xuân. Thư viết, hóa đơn mà Đông đưa cho họ là hóa đơn bia, phòng tài vụ không thể thanh toán nên yêu cầu Đông xuất hóa đơn thép.
Trước cảnh sát, Đức nói tình cờ gặp Đông trên tàu. Một hôm, Đông đột nhiên viết thư nói có 8 tấn thép, hỏi họ có cần không. Đức lập tức báo cho công ty và công ty quyết định thu mua, chi phí là 9.400 nhân dân tệ. Nhưng sau khi mua thép, Đông lại đưa cho họ hóa đơn mua bia. Đông từng tiết lộ trưởng phòng Cương vẫn còn rất nhiều thép, có thể tiếp tục liên hệ nếu cần.
Cảnh sát nhận định Đông và Cương có mối quan hệ phức tạp, người chuyển lời cho Liên vào tối đó biến mất có thể chính là Cương. Hôm đó, con gái 7 tuổi của Liên cũng ở nhà. Tuy nhiên, sau hai biến cố, cô bé trở nên im lặng và rất cảnh giác với người ngoài.
Sau một thời gian, cảnh sát mới cho cô bé xem ảnh Cương và những người thân thiết với ông ta. Trong số đó, cô bé nhận ra kẻ chuyển lời là Hầu Lỗi Cường. Cường làm thủ kho của công ty Hướng Dương, điều kiện gia đình rất tốt, bố mẹ đều là lãnh đạo của đơn vị nhà nước ở thành phố Liêu Nguyên. Nhưng chữ viết của Cường không trùng khớp với bức thư trên bệ cửa sổ.
Nghi ngờ có nghi phạm thứ ba, cảnh sát kiểm tra lại tất cả những người có liên quan. Thông qua so sánh lượng lớn chữ viết tay, một người đàn ông tên Khổng Đông Lâm được xác định có chữ viết trùng khớp.
Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Lâm nhanh chóng thừa nhận đã viết bức thư, nhưng do Cường yêu cầu. Vì hai người có quan hệ tốt, Cường lại nói Đông nhờ anh ta giúp báo tin cho gia đình nên Lâm mới viết hộ.
Bị cảnh sát bắt, Cường khai toàn bộ vụ việc là do Cương xúi giục và lên kế hoạch. Chính Cương đưa hóa đơn bán thép cho Đông, và vì Đông có hóa đơn nên Cường mới đưa thép cho. Sau khi thép được bán lại cho công ty ở Trường Xuân, Cương yêu cầu Đông rời khỏi Liêu Nguyên vì sợ bị lộ, anh ta không biết Đông đi đâu.
Theo Cường, cái chết của Liên do Cương giật dây, vì cô cũng biết chuyện nên cả bọn muốn diệt khẩu. Cương hẹn Liên ở bờ sông, trói tay cô bằng dây thép. Ông ta cưỡng hiếp nạn nhân rồi tẩm xăng đốt.
Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm tử thi trước đó cho thấy Liên không bị trói. Nhận thấy Cường có biểu hiện quanh co chối tội, cảnh sát thẩm vấn nhiều lần cho đến khi hắn chịu thừa nhận.
Vụ trộm 8 tấn thép do Cường thực hiện, Đông và Lâm là đồng phạm. Sau khi bán thép thành công, Cường lo bị lộ nên nghĩ đến việc đổ tội cho Cương. Hắn yêu cầu vợ chồng Đông tiết lộ với người khác rằng Cương đưa thép cho họ.
Để diệt khẩu, tối 20/7, hắn gọi Đông đến một mỏ than nhỏ, dùng búa đập vào đầu nạn nhân rồi ném xuống giếng than, lấp đá lên. Sau đó, hắn đến nhà nói với Liên rằng chồng cô đã đến Trường Xuân công tác.
Cường vốn không có ý định giết Liên, nhưng khi người từ công ty xây dựng đến tìm cô, hắn lo lắng Liên để lộ chuyện nên quyết định ra tay.
Ngày 25/7, Cường xin tài xế một thùng xăng bỏ vào ký túc xá, sau đó rủ Liên ra ngoài với lý do Đông đã về và muốn gặp riêng.
Vì phải lội qua sông, Liên cởi tất nhét vào túi quần. Sang bờ bên kia, Cường nói: "Chồng cô chạy rồi, chuyện bán thép đã bị lộ, cô chắc chắn sẽ khai ra tôi, nên hôm nay tôi phải giết cô".
Liên bỏ chạy không thành, chỉ có thể liên tục cầu xin. Cường đòi cưỡng hiếp. Để sống sót, Liên đành đồng ý theo hắn vào ruộng khoai lang, một chiếc tất của cô bị rơi ở đây.
Sau đó, Cường lại đưa Liên đến ruộng ngô. Tưởng hắn cưỡng hiếp xong sẽ không giết mình, Liên buông lỏng cảnh giác. Nhưng Cường bất ngờ dùng hai tay siết cổ, đánh Liên bất tỉnh, đổ xăng lên người rồi châm lửa đốt. Cơn đau khiến Liên tỉnh lại, cố chạy ra sông nhưng không kịp.
Cảnh sát không tìm thấy dấu vết của Cường tại hiện trường do hắn đi giày bệt và đất ở bãi sông mềm.
Sau khi giết Liên, Cường lo hóa đơn Đông để lại sẽ làm lộ mọi chuyện nên cùng Lâm đi cướp hóa đơn vào ban đêm rồi thiêu hủy. Khi nghe tin gia đình Liên định đi nhận dạng thi thể, hắn bảo Lâm viết một lá thư rồi lén đi gửi, không ngờ lọt vào bẫy của cảnh sát.
Từ lời khai của Cường, nhà chức trách tìm thấy thi thể Đông.
Với tội trộm cướp, giết người, Cường nhận án tử hình. Dẫu không trực tiếp gây án trong cái chết của Liên và Đông, Lâm cũng phải nhận bản án tương tự.
Tuệ Anh (Theo Sohu, Toutiao)