Hơn 30 năm nhặt rác, ông lão TPHCM sở hữu gia tài tiền tỷ
Sau 34 năm nhặt rác, hiện căn nhà của ông Thơm đã lưu trữ hơn 5.000 món đồ, được các nhà sưu tầm đồ cổ định giá trên 2 tỷ đồng. "Nhiều Việt kiều, người ngoại quốc biết độ quý hiếm đã tìm đến tận nhà tôi mua đồ cổ với số tiền cao" - ông Thơm kể thêm.
Nhặt rác vì thích lưu giữ kỷ niệm thành phố
Ghé con đường Võ Thị Phải (quận 12, TPHCM) vào một sáng tháng 11, hỏi thăm căn nhà của ông lão nhặt rác Tống Văn Thơm (74 tuổi), ai nấy đều biết và chỉ tường tận. Bởi hàng chục năm nay, cứ hễ con hẻm hư bóng đèn, hàng xóm mất ổ điện, thiếu loa nhạc, đồng hồ,… ông Thơm đều gửi tặng. Tất cả đồ rất đẹp, sử dụng lâu bền. Thế nhưng ít ai biết, trước đó chúng từng là vật dụng bị vứt bỏ trong thùng rác, được ông Thơm nhặt nhạnh về sửa chữa.
Quê ông Thơm ở tận Bạc Liêu. Năm 1978, lên Sài Gòn lập nghiệp, ông Thơm làm công nhân vệ sinh môi trường. Ban đầu, bởi nhà quá nghèo nên ông thường xuyên nhặt, mang đồ dùng còn có khả năng sử dụng về để sửa cho gia đình dùng.
Chỉ học tới lớp 3, song với tính tò mò, ông Thơm đã hồi sinh cho vô số món phế liệu. Tiêu biểu nhất là vào những năm 80 của thế kỷ XX, tivi được xem như vật dụng vô cùng giá trị. Ấy vậy, mỗi lần nhặt được, ông Thơm sửa mới rồi lại chở đến tận các hộ gia đình nghèo để gửi tặng.
"Năm 1988 thành phố phát động chương trình "Vì môi trường xanh-sạch-đẹp,", do tính chất công việc đối mặt với rác nên chú tích cực hưởng ứng, kêu gọi mọi người bằng cách thu gom đồ phế phẩm và phục hồi chúng" - ông Thơm nhớ lại.
Từ thời điểm ấy, mỗi lần làm việc, ông Thơm lại tranh thủ gom "rác". Lâu dần, việc đó trở thành thú vui, giúp ông gắn bó với nghề. "Ban đầu không có nhiều lắm đâu, nhưng sang năm này tháng nọ, số lượng đồ tôi gom nhặt tăng dần. Giờ nhà tôi đâu đâu cũng đồ đạc, chỉ chừa một khoảng nhỏ cho sinh hoạt. Ấy vậy nhưng tôi không thấy bất tiện, thậm chí cảm nhận chúng khiến đời vui hơn…" - ông Thơm cười.
Điều đặc biệt là trong các món đồ được ông Thơm "hồi sinh", có nhiều kỷ vật, lưu giữ kỷ niệm của người Sài Gòn. Nào là bức tranh gia đình cũ, khuôn tượng vỡ, khúc gỗ quý, huân chương,… Tất cả đều được "hô biến" thành sản phẩm bắt mắt dưới bàn tay của ông Thơm.
"Mỗi vật đều có giá trị và câu chuyện riêng. Đôi khi chúng mới lắm, hư hại chút thôi mà chủ đã bỏ. Ví như bức ảnh mạ vàng mất khung kính, con rô-bốt bằng đạn, chùm đèn thời Pháp, tượng cóc ngậm đồng tiền vàng có tuổi đời hơn 50 năm… Tất cả giờ là đồ cổ cả".
Khối gia tài hơn 2 tỷ, nhiều món đồ được đấu giá hơn 50 triệu đồng
Sau 34 năm nhặt rác, hiện căn nhà của ông Thơm đã lưu trữ hơn 5.000 món đồ, được các nhà sưu tầm đồ cổ định giá trên 2 tỷ đồng. "Nhiều Việt kiều, người ngoại quốc biết độ quý hiếm của các đồ vật nên đã tìm đến tận nhà tôi, mua với số tiền cao" - ông Thơm kể thêm.
Vừa trò chuyện, ông Thơm vừa giới thiệu cho tôi từng món gia tài "bất đắc dĩ". Đó là cây đèn làm từ trụ điện; rô-bốt chế tác từ bugi, con tán, dây xích xe máy; loa nhạc phát ra từ thùng nhựa; đồng hồ từ cây gỗ, dĩa, muỗng,… Riêng cây quạt kết hợp đèn chùm tự chế treo giữa nhà của ông Thơm đã được các đại gia trả 50 triệu đồng.
Được biết, cây quạt kết hợp đèn ấy do ông Thơm chế tạo vào dịp Tết Nguyên đán năm 2006. Nó từng là món đồ tái chế thách thức các kỹ sư cơ khí, vì nguyên liệu sử dụng là do ông Thơm thu hồi từ kính mê-ca xe hơi đời cũ, uốn thành hình 8 cánh trong suốt để khi bật công tắc thì các cánh hoa sẽ tự mở thành chiếc quạt hình bông bắt mắt.
"Ban đầu chiếc đèn nhặt về thì bị hư hại nhiều lắm, tôi đã phục hồi trong thời gian rất lâu, làm hoàn toàn thủ công nên có giá trị cao. Mới đây, trong một lần triển lãm, quạt có bị rơi bể song vẫn sử dụng tốt".
Ngoài ra, trong bộ sưu tập của ông Thơm còn có bức tượng điêu khắc thủ công trên gỗ có giá trị 60 triệu đồng, cây đèn từ trụ điện cao thế hơn 10 triệu đồng…
"Không bỏ rác vì sợ ô nhiễm thành phố"
Với ông Thơm, "vựa ve chai bạc tỷ" là niềm vui nho nhỏ mỗi ngày, giúp ông yêu đời và yêu công việc dọn rác hơn. Trong đó, nhiều lần con cái lên ý kiến muốn ông vứt bỏ ít đồ, nhưng ông Thơm vẫn nhất quyết không đồng ý.
"Chất thải rắn đã khó phân hủy, bên trong lại có nhiều vi linh kiện chứa chất phóng xạ, tôi hành nghề bảo vệ môi trường nên làm vậy thì khác nào tiếp tay gây ô nhiễm môi trường. Tôi chỉ mong sẽ sớm có khuôn viên để triển lãm chúng, cho chúng có cuộc đời mới…" - ông Thơm nói.
Bên cạnh tái chế rác, ông Thơm còn thường xuyên mang đồ tài chế đến các triển lãm, trường đại học để giúp sinh viên khảo sát thêm mô hình bảo vệ môi trường. Ước mơ cả đời còn lại của ông là người dân thành phố vui thích tìm hiểu và nâng cao hơn ý thức trong việc xả rác.
"Hồi đó tôi theo đuổi nghề này vì muốn người ngoại quốc đến Việt Nam có cái nhìn tốt về đất nước chúng ta, ngay từ cách ta dọn rác, làm cho đường phố sạch đẹp. Đến nay, nhiều người đã tin tôi làm được điều đó.
Con cái cũng bảo tôi nghỉ, tiền bạc chúng lo đủ cho tôi cuộc sống sung túc tuổi già. Nhưng chừng nào tuổi già sức yếu, tôi mới thôi hồi sinh rác, đồng thời gửi kỷ vật của mình cho các trường đại học làm mô hình bảo vệ môi trường trong tương lai" - ông Thơm chia sẻ.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Quang Ninh.
12/11/2022