"Cô ấy hiểu rằng mình bị thương và chẳng còn sống được bao lâu. Cô ấy bảo tôi 'Đừng tha thứ cho chúng'", Chhaya Sharma, 50 tuổi, người từng là điều tra viên trưởng trong vụ án cưỡng hiếp tập thể nữ sinh trên xe buýt gây rúng động dư luận Ấn Độ 10 năm trước, kể lại hồi đầu tuần.
Ngày 16/12/2012, Jyoti Singh, 23 tuổi, cùng người bạn nam lên xe buýt trở về nhà sau khi xem phim ở rạp. Trên xe buýt, 6 kẻ tấn công đã đánh gục người bạn nam rồi kéo Singh ra phía sau xe, cưỡng hiếp và tấn công cô bằng thanh kim loại trong lúc xe chạy vòng quanh những con phố tối tăm của Delhi.
Khoảng một giờ sau, cô và người bạn bị ném xuống đường. Trước khi qua đời vì vết thương tại một bệnh viện ở Singapore hai tuần sau đó, Singh đã nhận dạng được những kẻ tấn công cô sau khi trao đổi với Sharma và các điều tra viên khác.
"Cách cô ấy trao đổi với tôi rất tự tin, bất chấp nỗi đau và chấn thương mà bản thân phải chịu", Sharma kể về những cuộc trò chuyện với Singh khi cô được điều trị tại bệnh viện. "Cô ấy muốn những kẻ tấn công phải bị bắt".
Singh được truyền thông Ấn Độ gọi bằng biệt danh "Nirbhaya" (Không sợ hãi) và trở thành biểu tượng cho nỗ lực đấu tranh yêu cầu chính phủ giải quyết nạn bạo lực tình dục đối với phụ nữ.
Sharma khi đó đã ôm lấy mẹ của Singh và hứa với bà rằng sẽ đòi lại công lý cho cô. Tuy nhiên, trong vụ án này, nỗ lực truy tìm của cảnh sát chẳng khác nào "mò kim đáy bể".
"Chúng tôi phải tìm ra chiếc xe buýt đó trong số 370 xe buýt tại Delhi. Mọi đầu mối đều rất mong manh", Sharma nói.
Dưới sức ép của dư luận, cảnh sát đã dốc toàn lực điều tra và bắt tài xế xe buýt cùng ba người khác vào ngày 18/12/2012. Hai kẻ tấn công còn lại bị bắt trong vòng một tuần sau đó.
Theo nữ sĩ quan cảnh sát này, khi bị bắt, những kẻ tấn công không tỏ ra hối hận. "Tôi nhận thấy những kẻ đó đã thực hiện tội ác mà không có một chút trắc ẩn nào. Đó là điều tồi tệ nhất", bà cho hay.
Nhóm tấn công Singh gồm 5 người lớn và một trẻ vị thành niên bị truy tố và xét xử với 13 tội danh vào tháng 2/2013. Một tháng sau, bị cáo Ram Singh được phát hiện đã chết trong phòng giam. Giới chức cho biết anh ta tự sát, nhưng gia đình và luật sư của Ram Singh cho rằng anh ta bị sát hại.
Tháng 8 năm đó, bị cáo vị thành niên bị kết tội hiếp dâm và giết người, lĩnh án ba năm trong trại cải huấn. Bốn người còn lại bị kết án tử hình vào tháng 9 và bị treo cổ năm 2020 sau nhiều năm kháng cáo.
Trước khi vụ tấn công kinh hoàng xảy ra, cha của Singh đưa cả gia đình từ một ngôi làng đến thủ đô nhộn nhịp và tìm được công việc khuân vác hành lý tại sân bay Delhi. Cha mẹ hy vọng Singh sẽ trở thành người đầu tiên trong gia đình được ăn học thành tài và dành tất cả số tiền kiếm được cho việc học của con gái tại trường y. Để phụ giúp gia đình, cô nhận làm gia sư và làm thêm tại một tổng đài chăm sóc khách hàng.
"Nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai", mẹ của Singh, Asha Devi, nói. "Con gái tôi đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn trong suốt 12-13 ngày cầm cự. Tại sao ai đó có thể gây ra việc thế này với người khác".
Các cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người đã nổ ra ở Delhi và các nơi khác sau vụ tấn công Singh. Sự việc cũng khiến người Ấn Độ phải nhìn lại các vấn đề xã hội, nơi thái độ gia trưởng vẫn ngự trị và con gái thường bị coi là gánh nặng tài chính. Hầu hết các cuộc hôn nhân đều được sắp đặt.
Dưới áp lực của dư luận, chính phủ Ấn Độ đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn với những kẻ hiếp dâm, trong đó có án tử hình. Nhiều camera quan sát và đèn đường đã được lắp đặt. Những trung tâm dành cho nạn nhân các vụ hiếp dâm cũng được thành lập, nơi họ có thể tiếp cận trợ giúp pháp lý và y tế.
Tuy nhiên, vấn nạn bạo lực tình dục với phụ nữ Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. 10 năm sau vụ tấn công Singh, nhiều phụ nữ vẫn sợ hãi khi ra ngoài ban đêm ở thủ đô Ấn Độ, đô thị rộng lớn với 20 triệu dân.
Theo thống kê tội phạm mới nhất, Ấn Độ ghi nhận 31.677 vụ hiếp dâm năm ngoái, tức trung bình 86 vụ mỗi ngày, tăng gần 13% vào năm 2020. Đây có thể chưa phải con số chính xác, vì nhiều nạn nhân không dám lên tiếng.
Sharma, người giờ đây đã trở thành chỉ huy lực lượng cảnh sát quận đông Delhi, thừa nhận bạo lực tình dục vẫn là vấn đề lớn ở Ấn Độ và phụ nữ vẫn cần đề phòng. Bà đã phải hướng dẫn con gái mình, một nữ sinh viên đại học, cách tự bảo vệ bản thân trước mối đe dọa.
Yogita Bhayana, nhà hoạt động của tổ chức Những người chống nạn hiếp dâm ở Ấn Độ (PARI), cho biết nhiều người từng hy vọng phụ nữ sẽ được an toàn hơn sau vụ án rúng động năm đó.
"Tôi thực sự nghĩ đó có thể là trường hợp cuối cùng, nhưng thật không may, chúng tôi tiếp tục nhận được báo cáo về các vụ tấn công. Những cải cách pháp lý diễn ra rất chậm. Đến nay, mỗi ngày đường dây trợ giúp của chúng tôi vẫn nhận được 5-6 cuộc gọi về những trường hợp tương tự", Bhayana nói.
Huyền Lê (Theo AFP)