Khi mặt trời lặn sau những cánh đồng lúa xanh tươi ở tỉnh Pursat, miền tây Campuchia, đứa con hai tuổi của Kunthea sà vào lòng mẹ. Ngồi trên ghế, Kunthea lặng lẽ tận hưởng giờ phút bên con.
Sau khi ly hôn chồng năm 2020, Kunthea để lại hai con cho họ hàng chăm sóc, vào làm công nhân trong nhà máy đồ chơi ở miền trung Campuchia.
Nhưng Covid-19 khiến kinh tế Campuchia lâm vào suy thoái, mức lương ít ỏi của Kunthea bị cắt một nửa. Người mẹ đơn thân chỉ kiếm được 120 USD một tháng cho 12 tiếng làm việc một ngày, không đủ nuôi sống gia đình.
Thế nên tháng 10/2020, khi một đồng nghiệp bảo có thể kiếm 1.100 USD mỗi tháng nếu sang Trung Quốc làm việc, Kunthea không do dự.
"Tôi còn phải nuôi hai con nên rất khó khăn", cô tâm sự. "Khi nghe thấy có thể kiếm được lương cao như thế, tôi chỉ muốn đi ngay mà không hề suy nghĩ".
Người đồng nghiệp đưa cho cô 200 USD và một địa chỉ ở thủ đô Phnom Penh vào tháng 11. Sau hai ngày chờ đợi tại nhà của người môi giới, Kunthea cùng hàng chục phụ nữ khác lên xe khách sang Trung Quốc trong hành trình kéo dài một tuần. Khi đến nơi, họ được chia thành từng nhóm 4 người lên taxi.
Khi nhóm người Trung Quốc cầm hộ chiếu của Kunthea với lý do mua thẻ sim, cô không nghi ngờ gì. Nhưng họ sau đó không trả lại giấy tờ, mà chỉ đưa lại cho cô chiếc điện thoại không có thẻ sim.
"Khi tới Trung Quốc, 3-4 ngày đầu, họ nhốt chúng tôi trong phòng", Kunthea nhớ lại. "Sau đó họ mở cửa, nhưng chúng tôi vẫn không thể đi đâu vì không có hộ chiếu, sợ bị cảnh sát bắt".
Nhiều tuần trôi qua, kẹt trong căn phòng, không có việc làm, nhóm phụ nữ tìm mọi cách để giết thời gian. Kunthea cho biết trong nhóm có một cô gái mới 16 tuổi.
Sau nhiều tháng vô công rồi nghề, Kunthea cuối cùng cũng được đưa tới nhà máy làm việc. Cô cọ rửa những thứ có thể tái chế trong ba tháng, kiếm được tổng cộng 1.100 USD. Trong khi đó, những người cùng nhóm với cô lần lượt biến mất. "Họ bị bán cho những người đàn ông Trung Quốc", cô nói.
Cuối cùng cũng đến Kunthea. Tháng 8/2021, khi cô bị bán cho một người đàn ông hói đầu ở tỉnh Giang Tây. Ông ta cho biết đã trả 2.000 USD cho người môi giới để mua Kunthea làm vợ.
"Tôi quyết định ngoan ngoãn đi theo ông ta vì nếu cãi lại, tôi sẽ không an toàn. Họ sẽ sử dụng bạo lực với tôi", cô nói. "Trước đó, họ đã bán một người bạn trong nhóm tôi. Khi cãi nhau với chồng, cô ấy bị đánh đập và bán lại cho một gã khác. Đó là lý do tôi ngoan ngoãn".
Kunthea là một trong số nhiều trẻ em gái và phụ nữ bị bán sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu kết hôn của đàn ông địa phương, những người gần như không thể lấy vợ do tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở nước này, bắt nguồn từ chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ.
Chính sách một con áp dụng từ năm 1979 đến 2015 đã khiến tư tưởng trọng nam khinh nữ thêm trầm trọng ở Trung Quốc, dẫn tới tình trạng chọn lọc giới tính thai nhi trở nên phổ biến. Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 30-40 triệu thai nhi nữ đã bị phá bỏ ở Trung Quốc trong giai đoạn này.
Khan hiếm phụ nữ khiến giá trị của hồi môn tăng vọt. Tới năm 2021, đàn ông Trung Quốc phải trả tiền thách cưới cho cô dâu và gia đình tới 40.000 USD, cao hơn so với số tiền cao họ bỏ ra để để "mua" cô dâu ngoại quốc, theo tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Liên đoàn Lao động và Nhân quyền.
Một số cô dâu nước ngoài tìm cách bỏ trốn sẽ bị đánh đập hoặc cưỡng hiếp. Những người từ chối kết hôn hoặc không sinh được con trai nối dõi thường bị bán đi bán lại cho nhiều người khác.
Một số trẻ em gái và phụ nữ thậm chí còn bị chính người nhà bán với giá 1.000-3.000 USD, theo nghiên cứu gần đây của tổ chức quốc tế Sáng kiến Toàn cầu về Chống tội phạm Xuyên biên giới. Họ cũng thường nợ các công ty môi giới chi phí đến Trung Quốc và rơi vào tình cảnh nô lệ thời hiện đại.
Nạn buôn bán cô dâu ở Campuchia bắt đầu tăng từ năm 2016, trở nên nghiêm trọng hơn từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. Tổ chức Chab Dai của Campuchia, nơi làm việc trực tiếp với nạn nhân bị buôn bán xuyên biên giới, cho hay số nạn nhân đã tăng gấp đôi, cứ ba ngày lại có một người mới bị bán đi trong quý đầu năm 2020.
Thời điểm đó, tình trạng cắt giảm việc làm trong các lĩnh vực chủ yếu tuyển lao động nữ như may mặc khiến nhiều người bị buôn bán hơn, theo Chan Saron, quản lý cấp cao của Chab Dai.
"237 nhà máy ngừng hoạt động ở Campuchia, ước tính 118.000 người bị ảnh hưởng. Dù các biên giới bị đóng cửa ngăn đại dịch, nạn buôn người quốc tế vẫn gia tăng so với năm ngoái", ông nói.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra năm 2021. Từ tháng 1 tới tháng 9 năm ngoái, hơn 300 phụ nữ Campuchia đã được giải cứu và hồi hương sau khi bị đưa sang Trung Quốc, chủ yếu làm cô dâu, theo truyền thông địa phương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho hay con số này cao gấp đôi tổng số người hồi hương năm 2020. Trong khi đó, Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người của Campuchia cho hay 77 phụ nữ đã được hồi hương năm 2021.
Chou Bun Eng, phó chủ tịch ủy ban, giải thích con số khác nhau do số liệu của ủy ban dựa trên lời khai của nạn nhân trong quá trình điều tra. Họ xác định một số trường hợp không phải buôn người.
Giới chức Campuchia đang ngày càng chú ý tới nạn buôn bán cô dâu, theo bà Chou Bun Eng. Năm ngoái có 21 nghi phạm bị truy tố vì các tội liên quan môi giới hoặc buôn bán người.
Thi Hoang, nhà nghiên cứu làm việc cho tổ chức Sáng kiến Toàn cầu, cho hay phụ nữ bị buôn bán vào Trung Quốc thường bị tịch thu hộ chiếu, điện thoại di động, bị cấm ra khỏi nhà nếu không có người đi cùng. Họ cũng bị cấm liên lạc với bạn bè hoặc người thân ở Campuchia. Tuy nhiên, một số người được giải cứu nhờ đăng tin trên mạng xã hội như Facebook hay WeChat.
Sok, 22 tuổi, được cứu nhờ hành động ấy. Cô bị lừa bán sang Trung Quốc năm 2018 sau khi đồng nghiệp ở nhà máy may tại Phnom Penh thuyết phục cô sang Trung Quốc làm việc lương cao hơn. Khi đó Sok 17 tuổi và anh trai, trụ cột gia đình, qua đời vì tai nạn lao động. Đồng nghiệp nói rằng sang Trung Quốc có thể kiếm được 1.000 USD, trong khi mức lương ở nhà máy may chỉ 140 USD/tháng.
Sang đến nơi, Sok bị ép lấy chồng ngay lập tức. Bị bố chồng cầm hộ chiếu, cô lên kế hoạch chạy trốn bằng cách xin chồng cho cầm điện thoại để xem phim trực tuyến. Người chồng miễn cưỡng nhưng vẫn đưa điện thoại cho Sok, dặn cô không liên lạc với ai trên mạng vì "họ không phải người tốt".
Sok tìm ra cách vượt tường lửa để vào Facebok, nhắn tin cho mẹ. Mẹ cô đến Phnom Penh nộp đơn cầu cứu lên Bộ Nội vụ ngày 10/10/2019. Nhưng phải mất hơn hai năm sau, Sok mới có thể về nhà, trong đó có hai lần đào tẩu bất thành.
Lần thứ nhất, bố mẹ chồng chặn lại khi cô trên đường tới nhà một phụ nữ Campuchia sống ở Trung Quốc quen qua Facebook. Lần thứ hai, cô chạy tới đồn cảnh sát địa phương xin giúp đỡ, nhưng bố mẹ chồng chạy tới, nói chuyện với cảnh sát. Sok la hét, nhưng không ai giúp cô.
Quay về nhà chồng, trong nỗ lực cuối cùng, Sok viết bài đăng trên Facebook, kể lại câu chuyện của mình và cầu xin giúp đỡ. Vài ngày sau, cảnh sát địa phương đến nhà kiểm tra. Tháng 12/2020, cô được đưa về Phnom Penh cùng vài phụ nữ khác.
Trải nghiệm của Sok với cảnh sát địa phương cho thấy thái độ của người địa phương với phụ nữ bị buôn bán. "Họ không coi đây là buôn bán người, mà là tranh cãi trong gia đình", Thi Hoang nói.
Còn Kunthea chạy tới đồn cảnh sát địa phương gần nhất hồi tháng 8/2021, một tuần sau khi bị đưa tới căn hộ cao tầng của người chồng ở Giang Tây. Nhưng cảnh sát đã báo tin với chồng cô và Kunthea được khuyên về cùng chồng, bởi chính cô thừa nhận anh ta không phải người bạo lực.
"Người phiên dịch nói nếu tôi không đi cùng chồng, tôi sẽ phải ngồi tù một năm", Kunthea nói. "Nếu quyết định đi cùng chồng, tôi sẽ ở lại Trung Quốc vĩnh viễn. Nhưng tôi không bao giờ chấp nhận quay lại căn nhà đó".
Kunthea bị giam một mình trong phòng không cửa sổ, có thể là buồng giam của cảnh sát. Cô không nhìn thấy ánh mặt trời suốt nhiều tuần. "Tôi chỉ biết nghĩ tới con", cô nói.
Điều Kunthea không ngờ tới là em trai cô, Bros, đã tìm cách giải cứu chị. Khi Kunthea bỏ trốn vào ngày 8/10/2021, cô đã thông báo địa chỉ nhà chồng với em trai Bros, đang làm công nhân nhà máy may ở Phnom Penh.
"Chị sợ họ sẽ bắt chị, nhốt chị trong nhà mãi mãi", cô nhắn cho em trai trước khi tới đồn cảnh sát.
Bros sau đó viết trên trang Facebook của Phó thủ tướng Campuchia Sar Kheng, cho hay "chị gái tôi bị lừa sang Trung Quốc làm việc nhưng bị bán đi. Tôi không thể liên lạc với chị. Xin hãy giúp tôi".
Vài ngày sau, Bros nhận được thông báo từ chính quyền Campuchia rằng Kunthea sắp về nước. Cuối cùng, cô đoàn tụ với hai con vào tháng 11 năm ngoái. Đứa lớn chạy tới ôm mẹ, nhưng đứa thứ hai không nhớ mặt cô. Khi cô lên đường đi Trung Quốc, cậu bé mới 7 tháng tuổi.
Sau khi trở về, cô kết hôn với người bạn quen biết nhiều năm, người đàn ông "biết mọi thứ về tôi và vẫn chấp nhận tôi". Hai người làm công nhân cho một công ty thủy lợi Trung Quốc, trong khi bố mẹ chồng chăm sóc các con của Kunthea. Hai người kiếm được 375 USD mỗi tháng, đủ gửi về cho mẹ chồng.
Tuy nhiên, cô vẫn lo ngại cho số phận ba người bạn khác ở Trung Quốc. Họ vẫn giữ liên lạc qua Facebook. "Bạn tôi muốn về nhà, nhưng không biết phải làm thế nào", Kunthea nói. "Cô ấy không muốn đi theo con đường của tôi, vì sợ phải ngồi tù".
Hồng Hạnh (Theo SCMP)