Nửa đêm 21/5/1994, cảnh sát thị trấn Thạch Cung
(huyện Qua Dương, tỉnh An Huy) phát hiện 3 người có dấu hiệu khả nghi
trong quá trình kiểm tra thường kỳ các khách sạn tư nhân, nên đưa về đồn
để thẩm vấn.
Đến rạng sáng, họ khai nhận đều là tội phạm buôn
người đến từ tỉnh Thiểm Tây. Hôm 18/5, họ dụ dỗ, lừa gạt bốn cô gái trẻ
từ chợ lao động Đại Nam Môn ở thành phố Tây An, Thiểm Tây đến Qua Dương
với lời hứa hẹn giúp tìm việc làm. Các nạn nhân đã bị bán lại cho người
khác, thu hơn 10.000 nhân dân tệ, tiền vẫn chưa kịp chia. Bộ ba nghỉ đêm
tại Thạch Cung vào ngày 21/5, chuẩn bị bắt xe trở về vào ngày hôm sau
để tiếp tục sắp xếp "nguồn hàng".
Ba kẻ buôn người cũng thừa nhận
từ năm 1989 đã cấu kết với một nhóm tội phạm ở thôn Triệu Trang, huyện
Qua Dương, thực hiện nhiều hoạt động buôn bán phụ nữ bất hợp pháp dưới
danh nghĩa tuyển nhân công tại các thị trường lao động và các bến xe ở
Tây An, Từ Châu, Trịnh Châu, Lạc Dương... Đến khi bị phát hiện, chúng đã
buôn bán hơn 100 phụ nữ. Phần lớn nạn nhân bị đưa đến Triệu Trang, giao
cho những kẻ buôn người địa phương để bán sang tay.
Theo lời khai, rất nhiều người ở Triệu Trang tham gia buôn bán phụ nữ, đóng vai trò khác nhau trong đường dây.
Cô gái chỉ điểm tội phạm cho cảnh sát
Sáng
22/5, sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Qua Dương quyết định
tạm thời chưa đến Triệu Trang vây bắt để tránh "đánh rắn động cỏ", đồng
thời tổ chức lực lượng đặc nhiệm tiếp tục mở rộng manh mối.
Ngày
10/6, đồn cảnh sát thị trấn Tân Hưng ở Thiểm Tây giải cứu một cô gái 20
tuổi. Nạn nhân cho biết, ngày 18/2/1994, cô và em gái 17 tuổi đến tìm
việc tại chợ lao động Đại Nam Môn thì bị 4 kẻ buôn người dụ dỗ đến thôn
Triệu Trang. Cô bị bán cho một người đàn ông ở đây làm vợ với giá 1.600
nhân dân tệ, không biết em gái bị bán đi đâu. Trong hơn 100 ngày qua cô
phải chịu đủ màn tra tấn, hành hạ.
Vụ án thu hút sự quan tâm lớn
từ Bộ Công an, tỉnh ủy và chính quyền tỉnh An Huy, Sở Công an tỉnh và
lãnh đạo thành phố Phụ Dương. Ngày 29/6, chính quyền thành lập tổ chuyên
án để triệt phá đường dây buôn bán phụ nữ lớn này.
Cô gái được
giải cứu dẫn tổ chuyên án đến Tây An vào 2/7. Nạn nhân cung cấp thông
tin rằng một kẻ buôn người từng nói hắn ở "xưởng đồng hồ đeo tay Hồ
Điệp". Dựa trên manh mối này, cảnh sát di chuyển khắp 6 huyện thành để
tìm kiếm nơi có đặc điểm giống mô tả của nạn nhân.
Ngày 9/7, cảnh
sát đến thôn Cục Liên ở huyện Trường An, gần thôn này có một nhà máy sản
xuất đồng hồ đeo tay. Trên đường, nạn nhân nhận ra người phụ nữ trẻ
đang mua trái cây ven đường là một trong 4 kẻ buôn người. Khi bị bắt, cô
ta khai tên là Mã Tiểu Hiệp, nhưng không chịu khai ra đồng bọn.
Quan
sát thấy Hiệp có ít tóc vụn dính trên cổ như vừa cắt tóc, cảnh sát cho
rằng cô ta và đồng bọn sống ngay tại thôn Cục Liên. Trên đường tìm kiếm,
họ phát hiện hai thanh niên mặc áo cộc quần đùi vừa chở nhau bằng xe
đạp vừa nhìn ngó xung quanh. Nạn nhân lập tức nhận ra hai kẻ này đã lừa
bán mình.
Thấy xe cảnh sát đuổi theo, hai người vứt xe đạp bỏ chạy
nhưng nhanh chóng bị vật ngã, khống chế. Chúng có tên Tiết Phúc Thiện
và Triệu Minh.
Sau khi thẩm vấn cả ba, tổ chuyên án đã lập được
danh sách tội phạm tham gia bắt cóc, buôn bán, vận chuyển, che giấu phụ
nữ, đồng thời tìm hiểu khái quát đặc điểm, vị trí địa lý của thôn Triệu
Trang cũng như nơi ở của nhóm tội phạm. Họ quyết định đã đến lúc "thu
lưới".
Triệu Trang là nơi giao thông khó khăn, văn hóa lạc hậu,
kinh tế kém phát triển. Tỷ lệ giới tính ở đây và một số làng lân cận mất
cân bằng nghiêm trọng. Do là thôn nghèo, phụ nữ không muốn lấy chồng ở
Triệu Trang, số lượng đàn ông độc thân không tìm được vợ ngày càng tăng.
Ở địa phương, chi phí cưới vợ bao gồm sính lễ, xây nhà và bày tiệc
thường tốn hàng chục nghìn nhân dân tệ, trong khi mua một phụ nữ bị lừa
bán thường chỉ tốn khoảng 3.000 nhân dân tệ.
Năm 1989, hai kẻ buôn
người từ Hà Nam bắt cóc một phụ nữ trẻ từ Thiểm Tây, đưa đến nhà của
Triệu Minh ở Triệu Trang. Sau đó, Minh tìm người có nhu cầu để bán nạn
nhân, khởi đầu cho cơn sốt buôn bán phụ nữ tại đây.
Thấy việc này
dễ kiếm tiền, nhiều người trong làng cũng gia nhập. Những phụ nữ bị bắt
cóc sẽ được đưa về làng trước, dần dần hình thành một "chợ mua bán".
Ngay cả những người độc thân từ hàng chục dặm xung quanh cũng đến đây để
"mua vợ". Nhu cầu tăng cao nên tội phạm càng gây án điên cuồng hơn.
Trong
vài năm qua, tội phạm ở Triệu Trang đã thành lập các nhóm hợp tác dựa
trên quan hệ họ hàng, hoặc là anh em - vợ chồng, thậm chí là cả gia đình
liên kết, để hình thành mạng lưới tội phạm bao trọn từ bắt cóc, vận
chuyển và bán lại. Triệu Trang đã trở thành "làng chuyên buôn bán phụ
nữ" nổi tiếng ở khu vực Hoài Bắc.
Cuộc vây bắt 400 ngày đêm, giải cứu hàng trăm phụ nữ
Ngày
20/7/1994, cảnh sát tỉnh An Huy và thành phố Phụ Dương bắt đầu chiến
dịch triệt phá "làng chuyên buôn bán phụ nữ" Triệu Trang.
Lúc 14h,
16 xe chở 148 cảnh sát vũ trang, cảnh sát hình sự... bao vây Triệu
Trang. Tiếng còi hụ khiến ngôi làng hỗn loạn, nhiều tội phạm hoảng sợ bỏ
chạy. Cảnh sát nhanh chóng tìm kiếm các mục tiêu đã định trước.
Cảnh
Anh, 24 tuổi, sống tại tỉnh Hà Nam nhưng đã lang thang khắp Thiểm Tây,
Sơn Tây, Giang Tô và những nơi khác trong thời gian dài để lừa gạt, bắt
cóc phụ nữ, sau đó đưa đến Triệu Trang để bán lại. Lần này, cô ta đến
Triệu Trang để thăm dò thị trường, không ngờ gặp phải hoạt động truy
quét của cảnh sát. Cảnh Anh cùng đồng phạm phóng xe ba bánh bỏ trốn
nhưng bị đội ngũ bao vây bên ngoài khống chế. Khi bị bắt, cô ta thú nhận
đã lừa bán 15 người.
Sau ba tiếng, cảnh sát bắt giữ 13 nghi phạm và giải cứu 17 phụ nữ bị bắt cóc.
Ngày
28/7, chính quyền tiếp tục đến 6 thị trấn và thôn trọng điểm để giải
cứu nạn nhân. Ngày 3/8, điều tra kỹ 10 thị trấn tại khu vực xảy ra vụ
án, cảnh sát giải cứu 264 phụ nữ, bắt giữ 16 kẻ bỏ trốn và phát hiện 38
tội phạm mới.
Trong gần 400 ngày đêm kể từ 22/5/1994, tổ chuyên án
đã đến 716 thôn bản thuộc 87 huyện, 11 tỉnh thành và khu tự trị trên cả
nước, tổng hành trình vượt 126.000 km và thu được 1.550 bản tài liệu
chứng cứ dày 6.017 trang. Tổ chuyên án đã giải cứu 334 phụ nữ bị bắt
cóc, lừa bán ở 167 huyện (thành phố) thuộc nhiều tỉnh thành. Tổng cộng
103 người bị bắt giữ.
Theo số liệu thống kê đã xác minh, Triệu
Trang có 90 hộ gia đình, tổng 550 người, trong đó có 283 người trưởng
thành. Trong đó, 47 hộ gia đình của thôn tham gia hoạt động tội phạm,
chiếm 52,2%; 55 người đã bị bắt giữ.
Nạn nhân phải sống 'cuộc sống không dành cho con người'
Trong
số những nạn nhân bị buôn đi bán lại, hầu hết phải chịu đựng sự tra tấn
về thể xác và tinh thần, sống cuộc sống không dành cho con người.
Như
nạn nhân họ Vương, 28 tuổi, có hai con, sống ở Thiểm Tây, bị dụ dỗ đến
Qua Dương vào đầu 1994 với lời hứa giúp tìm việc làm. Cô bị người mua
lột đồ ngay tại chỗ, phát hiện vết sẹo từ ca phẫu thuật triệt sản. Người
mua không đồng ý mua Vương nên ngày hôm sau, cô bị bán cho một gã đàn
ông 49 tuổi làm vợ.
Tháng 12/1993, bà Khâu, hơn 50 tuổi ở Thiểm
Tây, cãi vã với người nhà nên đến chợ lao động Nam An Môn để tìm việc
làm. Không ngờ, bà bị Triệu Minh và Mã Tiểu Hiệp lừa đến Triệu Trang,
bán làm vợ cho một người đàn ông 38 tuổi với giá 3.200 nhân dân tệ. Bà
Khâu bị đối xử tệ bạc, ngày ngày phải chịu đánh đập và cưỡng ép quan hệ
tình dục.
Nạn nhân họ Tôn, ở Thiểm Tây, bị lừa đến Triệu Trang tại
bến xe buýt Tây An năm 1992. Sau đó, cô bị bán với giá 2.300 nhân dân
tệ. Để ngăn Tôn trốn thoát, người mua đốt mặt cô bằng 18 điếu thuốc, để
lại đầy sẹo.
Trương, 21 tuổi, ở tỉnh Hà Nam, bị bán cho một
người đàn ông 39 tuổi ở Thạch Cung. Không chịu được đánh đập và cưỡng
hiếp liên tục, Trương cố gắng trốn thoát nhiều lần nhưng đều bị bắt lại,
nhận trừng phạt dã man. Một nạn nhân khác may mắn trốn thoát nhờ chạy
ra ngoài khi đi vệ sinh, bất chấp trên người không mảnh vải che thân,
phải xin dân làng cho quần áo mặc.
Ngày 24/12/1993, Diệp Xảo Vân,
19 tuổi, ở Thiểm Tây, bỏ nhà đi vì tức giận gia đình. Cô bị bọn buôn
người bắt cóc tại ga xe lửa ngày 30/12 và bị bán làm vợ người đàn ông
tên Dương Tiêu ở Qua Dương với giá 2.600 nhân dân tệ. Sau khi bị đưa đến
nhà Tiêu, ban ngày Vân bị trông giữ, ban đêm bị nhốt trong phòng.
Đêm
1/1/1994, Tiêu dùng dây điện trói tay Vân vào đầu giường rồi cưỡng
hiếp. Chiều 4/1, Vân chớp thời cơ siết cổ Tiêu đến chết bằng chính sợi
dây hắn dùng để hành hạ cô. Tòa tuyên án Vân ba năm tù vì tội cố ý giết
người.
Vụ triệt phá đường dây buôn bán phụ nữ ở tỉnh An Huy được trình lên Viện kiểm sát vào cuối tháng 8/1994.
Ngày 16/1/1995, VKSND thành phố Phụ Dương khởi tố 61 bị can về các tội danh buôn bán phụ nữ, hiếp dâm và chứa chấp tội phạm.
Theo
tòa án, từ tháng 9/1989 đến tháng 10/1994, 119 phụ nữ từ 15 đến 50 tuổi
đã bị nhóm tội phạm lừa gạt, bắt cóc đến huyện Qua Dương, huyện Tùy Khê
ở tỉnh An Huy, huyện Vĩnh Thành ở tỉnh Hà Nam và nhiều nơi khác. Họ bị
vận chuyển, bán làm vợ kẻ khác với giá từ 300 đến 4.200 nhân dân tệ.
Nhóm tội phạm thu lợi hơn 240.000 nhân dân tệ trong tổng cộng 78 vụ.
Triệu
Minh, đến từ Triệu Trang, từng bị phạt một năm tù vì tội buôn bán phụ
nữ. Sau khi ra tù, hắn không hối cải mà càng phạm tội điên cuồng hơn.
Một mình Minh đã tham gia 31 vụ buôn bán phụ nữ liên quan đến 47 người
và được chia hơn 30.000 nhân dân tệ.
Ngày 24/4/1996, hội trường
nhà hát huyện Qua Dương có sức chứa hơn 1.500 người đã chật kín khi
phiên tòa tuyên án 61 bị cáo được tổ chức công khai tại đây.
8 thủ
phạm chính, bao gồm Triệu Minh, Mã Tiểu Hiệp, Cảnh Anh, Tiết Phúc
Thiện, đã bị kết án tử hình vì tội buôn bán phụ nữ, bị tước quyền chính
trị suốt đời và tịch thu tài sản tương đương 5.000 nhân dân tệ. Ba kẻ bị
kết án tử hình treo, bốn kẻ nhận án tù chung thân, những bị cáo còn lại
bị phạt tù có thời hạn.
Tuệ Anh (Theo 163)