Ngày 10/2/2009, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã xét xử một vụ án tham nhũng gây chấn động cả nước. Nhân vật chính của câu chuyện là Lý Bội Anh, cựu chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tập đoàn Sân bay Thủ đô, Capital Airport Group.
Bản án nêu, Lý Bội Anh nhận hối lộ hơn 26,6 triệu nhân dân tệ và biển thủ 85,2 triệu nhân dân tệ. Ông ta bị tuyên phạt tử hình, thi hành án ngay lập tức. Lý Bội Anh là giám đốc điều hành cấp cao đầu tiên bị kết án tử hình trong lịch sử hàng không dân dụng Trung Quốc.
Lý Bội Anh sinh năm 1950 tại huyện Quảng Bình, tỉnh Hà Bắc, trong gia đình rất nghèo, ba đời là nông dân. Tuổi thơ không đủ ăn, đủ mặc, niềm vui duy nhất của Lý Bội Anh là sách vở; thông minh hiếu học nức tiếng, luôn đứng đầu trong mọi kỳ thi.
Tốt nghiệp trung học, năm 1968, Lý Bội Anh được gọi nhập ngũ và một năm sau, nhờ tư chất vượt trội, được cử đi học Trường Hàng không Dân dụng. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp, Lý Bội Anh được phân công làm việc tại Cục Hàng không dân dụng Bắc Kinh.
Ông bắt đầu từ một nhân viên cấp cơ sở và chịu trách nhiệm chính về công tác an ninh. Những đồng nghiệp xung quanh ông đến rồi đi nhưng Lý Bội Anh vẫn kiên định bám trụ với nghề. Đến năm 1988, sau khi hệ thống hàng không dân dụng Trung Quốc được cải cách, con đường công danh mở ra với Lý Bội Anh.
Sau 17 năm làm nhân viên an ninh, ông đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng An ninh Sân bay Thủ đô, ở đông bắc thủ đô Bắc Kinh, là sân bay nhộn nhịp nhất châu Á. Trong tất cả các sân bay nội địa, đây chính là cái tên có tầm quan trọng cao nhất, nơi được mệnh danh là "cửa ngõ đầu tiên của đất nước".
Sân bay trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, là công ty thuộc chủ sở hữu Nhà nước quy mô lớn. Tại đây, Lý Bội Anh làm phó tổng giám đốc, rồi chủ tịch HĐQT, trở thành lãnh đạo cao nhất khi Capital Airport Group (CAG) tái cơ cấu, năm 2002.
Tập đoàn dưới sự điều hành của Lý Bội Anh đã phát triển nhanh chóng. Chỉ trong hơn hai năm, CAG đã quản lý và kiểm soát các sân bay ở 8 tỉnh thành, chiếm 1/3 tổng số thị trường sân bay quốc gia, tổng tài sản lên tới 53,8 tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận hàng năm hàng chục tỷ nhân dân tệ. Lý Bội Anh đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, trở thành "ông trùm sân bay" của đất nước tỷ dân.
Sự phát triển nhanh chóng của CAG đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các chính sách quốc gia. Lý Bội Anh, người đứng đầu đế chế này, cũng đã tranh thủ giành một "lãnh thổ" rộng lớn cho hoạt động vốn. Quyền lực mở rộng, lòng tham của ông ta cũng mở rộn ...
Những bước chân đầu tiên xuống hố sâu bắt đầu từ năm 1989, khi ông ta mới làm cục trưởng. Khi mới được thăng chức, ông ta rất hài lòng và tận hiến cho công việc. Nhưng khi giao du xã hội và tiền bạc đều tăng lên, Bội Anh bắt đầu mất kiểm soát. Trong một lần được doanh nghiệp tư mời sang Mỹ, Lý Bội Anh đến Las Vegas, "thành phố đỏ đen" lớn nhất thế giới.
Chân uớt chân ráo vào sòng bạc, Chủ tịch CAG nhanh chóng mất hàng trăm nghìn USD trong vài giờ. Ông ta điên cuồng vay tiền, và được Mai Bỉnh Huy, một "đại gia" tập đoàn công nghiệp tại Thâm Quyến, biếu tới một triệu USD để chơi tiếp. Trong vài năm thân thiết, riêng số tiền Huy trả cho Lý Bội Anh đã lên tới 33 triệu nhân dân tệ, song Mai Bỉnh Huy không bao giờ đòi.
Vài tháng sau khi trở lại Bắc Kinh, một ngày nọ, Mai Bỉnh Huy tiếp cận Lý Bội Anh và yêu cầu đứng ra bảo lãnh khoản vay ngân hàng cho công ty của mình dưới tên Sân bay Thủ đô. Cảm thấy như nợ bạn một ân tình, Lý Bội Anh đồng ý, giúp Huy vay trót lọt 20 triệu nhân dân tệ. Mùa xuân năm sau, Lý Bội Anh tiếp tục lấy danh nghĩa CAG bảo lãnh cho "ân nhân" vay hơn 300 triệu nhân dân tệ mà không hề đắn đo.
Để tỏ lòng cảm kích, Mai Bỉnh Huy lót tay cho Lý Bội Anh 100.000 USD, nhưng có vẻ Chủ tịch CAG không mấy mặn mà với tiền. Mai Bỉnh Huy nắm được tâm lý nghiện bài bạc của Lý Bội Anh nên tiếp tục rủ ông ta đến các sòng bạc lớn nhất Macau.
Từ lần đầu tiên bước vào sòng bạc Las Vegas vào năm 1989 đến khi bị bắt, năm 2007, Lý Bội Anh đã sống một cuộc sống 2 mặt giữa ngày và đêm, suốt 18 năm. Ban ngày, trong vai Chủ tịch Tập đoàn sân bay lớn nhất nước, ông ta vận áo quần đạo mạo, đến điều hành những doanh nghiệp tỷ đô. Đêm xuống, Lý Bội Anh dùng chuyên cơ bay sang Hong Kong, ném tiền vào những ván bạc triệu đô, hầu hết thua.
Những người như Mai Bỉnh Huy xuất hiện ngày một nhiều bên cạnh Lý Bội Anh. Năm 2000, Lý Bội Anh dùng 600 triệu nhân dân tệ của CAG ủy thác cho bên thứ ba để đầu tư tài chính và thua lỗ một nửa. Bên thứ ba, chính là tạo đoàn của đại gia Tham Quyến.
Năm 2006, sóng gió đến khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện CAG ủy thác tới 1,5 tỷ nhân dân tệ cho công ty của Mai Bỉnh Huy để đầu tư. Mở rộng về dòng tiền bất thường, nhà chức trách phát hiện đứng sau tất cả là Lý Bội Anh.
Chủ tịch CAG khi bị bắt, vẫn bình tĩnh, im lặng trước tất cả các câu hỏi.
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng được nhà nước liệt vào danh sách đại án tham nhũng cần giải quyết nhanh. Điều tra về núi tài liệu kế toán của CAG suốt 2 thập kỷ, nhà chức trách phát hiện, hơn 82 triệu trong số tiền trên được Lý Bội Anh sử dụng vào mục đích riêng, không rõ là gì.
Ngoài ra, Lý Bội Anh cũng bị cáo buộc nhận khoảng 27 triệu nhân dân tệ tiền hối lộ suốt nhiệm kỳ Chủ tịch CAG, phần lớn từ các "đại gia" thuộc khối doanh nghiệp tư nhân.
Ngày 10/2/2009, Lý Bội Anh bị Tòa án thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông xét xử sơ thẩm với 2 tội danh Tham ô và Nhận hối lộ, nhận án tử hình thi hành án ngay lập tức. Đứng trước cái chết, Lý Bội Anh tìm cách xoay sở, vạch trần những hành vi vi phạm pháp luật của người khác, có ý định lập công để giảm án. Ông ta cũng cho rằng, hình phạt tòa đưa ra quá nặng so với công lao ông ta gầy dựng cho ngành hàng không quốc gia.
Theo đơn kháng cáo của Lý Bội Anh, ngày 17/3 cùng năm, Tòa án cấp cao tỉnh Sơn Đông tổ chức phiên tòa phúc thẩm. Nhận định sai phạm kéo dài, thiệt hại vô cùng lớn, Tòa bác toàn bộ kháng cáo của Lý Bội Anh.
Tử tù bị thi hành án ngày 7/8/2009. Những "đại gia" vây quanh Lý Bội Anh cũng bị bắt giữ, xét xử và nhận các án tù có thời hạn.
Hải Thư (Theo Politics People, QQ, Finance)