Ngày 18/7/2012, trên đường tuần tra, cảnh sát Kristen Bradley chú ý đến một chiếc BMW màu đen. Anh biết nó thuộc về John Tillmann, 51 tuổi, đang bị quản thúc tại gia vì dùng séc giả để trả tiền sửa ôtô. John được phép ra ngoài lúc 13h hôm đó trong vài tiếng để chạy việc vặt. Đồng hồ của viên cảnh sát chỉ 12h52, sớm 8 phút so với quy định.
John bị bắt lên xe tuần tra vì vi phạm lệnh quản thúc tại gia. Khi kiểm tra chiếc BMW, Kristen thấy ngay trên ghế trước là tấm séc trị giá 1.526 USD, cùng một bức thư được bọc nhựa trong suốt, đã ngả màu nâu với nét viết theo phong cách thư pháp. Khi nhìn kỹ hơn, anh ta thấy nó đề ngày 19/5/1758 và được ký bởi James Wolfe - tướng chỉ huy của quân đội Anh trong Trận chiến Quebec.
John không thể chứng minh làm thế nào lại có trong tay bức thư hiếm này. Cảnh sát mất nhiều tháng để tìm kiếm chủ sở hữu hợp pháp, cho đến khi Karen Smith, người phụ trách tại Đại học Dalhousie, xác nhận bức thư thuộc về trường.
Vài tháng sau, bạn gái cũ của John đến trình báo cảnh sát cùng một đoạn video quay vào năm 2011, trong đó ông ta tự thuật chuyến tham quan ngôi nhà sang trọng của mình. Trong gara, John trưng bày chiếc Porsche 911 và một chiếc máy kéo Massey-Harris. Trong nhà treo bức tranh vẽ thuyền buồm năm 1891 của WH Yorke, trị giá từ 30.000 đến 40.000 USD. Bên lò sưởi trưng bày một bộ áo giáp cổ.
Tháng 1/2013, cảnh sát ập vào nhà John với lệnh khám xét và bắt ông ta về tội tàng trữ tang vật trộm cắp. Bên trong, họ phát hiện nhiều món đồ có dán tem giá. Dù John không uống rượu, trong bếp có khoảng một trăm chai rượu đắt tiền.
Cảnh sát tìm thấy một cuốn sách hướng dẫn có số điện thoại của các cửa hàng đồ cổ địa phương, đó chính là danh sách nạn nhân của John.
Sau hai phiên điều trần tại ngoại, cảnh sát tìm thấy bức thư của tướng George Washington tại nhà của Kyle, con trai John. Anh ta bị buộc tội trộm cắp, tàng trữ tang vật, khai man và cản trở công lý.
Nghe tin con trai bị bắt, John bắt đầu thỏa thuận nhận tội để cảnh sát rút lại mọi cáo buộc chống lại Kyle. John đồng ý tịch thu bất động sản rộng 1,6 ha, hai chiếc ôtô sang trọng, tài khoản ngân hàng trị giá 300.000 USD và tất cả đồ cổ trong nhà.
Cảnh sát thu hơn 10.000 cổ vật John tích lũy trong hơn hai thập kỷ trộm cắp, và phải mất gần ba năm để hoàn trả cho chủ sở hữu. Số lượng tang vật khổng lồ khiến cảnh sát hết phòng lưu trữ, phải thuê một nhà kho bí mật để cất giữ các tác phẩm nghệ thuật.
Một trong số chuyên gia lịch sử được cảnh sát mời đến để hỗ trợ điều tra nhận xét: "Đó là một bộ sưu tập khó tin. Để sắp xếp tất cả chúng sẽ cần đến một nhà chứa máy bay".
Bộ sưu tập bao gồm một bức thư gián điệp 250 năm tuổi của George Washington trị giá khoảng một triệu USD, một cái đục bằng đá 7.000 năm tuổi của người Mỹ bản địa, tranh sơn dầu và màu nước, thảm trang trí, sách hiếm, tác phẩm điêu khắc, tài liệu quý hiếm và nhiều đồ cổ khác.
Nhận phỏng vấn trong tù, John tỏ ra là người lịch sự và khéo ăn nói. Ông ta cho biết không muốn đóng vai kẻ ác và không bao giờ sử dụng bạo lực khi trộm cắp.
John tốt nghiệp đại học chuyên ngành marketing quốc tế và lấy bằng MBA. Niềm đam mê của John với đồ cổ bắt nguồn từ tình yêu lịch sử. Nhưng khi thấy mình không đủ tiền mua, ông ta chuyển sang trộm cắp các cửa hàng đồ cổ.
Đồng phạm đầu tiên của John cách đây 20 năm là mẹ. John kể: "Bà ấy sẽ dẫn người bán hàng sang phòng khác, sau đó tôi có thể đi ra ngoài với bất cứ thứ gì tôi muốn trong khi họ mải mê trò chuyện". John không bao giờ lấy nhiều hơn một hoặc hai món đồ cùng lúc để tránh bị nghi ngờ.
Sau khi ăn cắp một lượt các cửa hàng đồ cổ ở vùng Halifax, cả hai bắt đầu mở rộng đến các tỉnh lân cận.
Trong nhiều năm, John thường ghé qua cửa hàng Borden House Antiques ở Port Williams, Nova Scotia, để mua bán đồ cổ. Khi đã tạo dựng được lòng tin, ông ta dễ dàng khiến nhân viên cửa hàng bị phân tâm để đánh cắp bộ áo giáp - đạo cụ trong bộ phim The Conclave - được đề giá 1.500 USD. John không bao giờ bị nghi ngờ vì là khách quen và có phong thái quý ông lịch lãm, mặc toàn hàng thiết kế.
Chủ cửa hàng đồ cổ bị mất trộm nhận xét về phong cách đặc biệt của John: "Anh ta sành điệu, mặc những nhãn hiệu thời trang thiết kế. Tôi gọi anh ta là Mr. GQ".
Cuối những năm 1990, John đến Nga để "săn di vật". Sau khi kết hôn với một phụ nữ Nga tên Oxana Kuzina, John cùng vợ thực hiện các vụ cướp bảo tàng giống kiểu cặp đôi Bonnie và Clyde. Sau đó, họ kết nạp anh trai Vladimir của Oxana vào nhóm.
Oxana đóng vai trò đánh lạc hướng, Vladimir là chuyên gia hack máy tính và vô hiệu hóa báo động, còn John vạch kế hoạch và là chỉ huy chính.
Tháng 11/2001, John trở lại Nova Scotia, thành lập một công ty để rửa tiền kiếm được từ các giao dịch tác phẩm nghệ thuật đánh cắp ở chợ đen.
Những vụ trộm của John cũng trở nên táo bạo hơn. Để đánh cắp một bức tranh treo trong thư viện lập pháp của Nova Scotia, John và một đồng phạm ăn mặc như công nhân bảo trì, chộp lấy bức tranh ngay trên tường khi người xung quanh còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra.
Để truy cập vào kho lưu trữ của Đại học Dalhousie, John lấy được chìa khóa và tạo một bản sao, sau đó trốn trong buồng vệ sinh khi nhân viên bảo vệ tuần tra trước khi đóng cửa. Ông ta dành cả đêm để chọn hàng nghìn tài liệu hiếm nhét vào ba lô, bao gồm một bức thư của văn hào Victor Hugo.
Những món đồ bị đánh cắp không bao giờ được báo cáo và không ai nghi ngờ John. Michael Moosberger, chuyên viên lưu trữ tại Đại học Dalhousie, cho biết: "Anh ta đến với tư cách là một nhà nghiên cứu. John kết bạn với người phụ trách và thường xuyên đến để giúp nghiên cứu lịch sử Nova Scotia. Anh ta biết rõ về các kho lưu trữ và có thể dễ dàng lấy các món đồ. Với bộ sưu tập đồ sộ, không có cách nào để xác định hai hoặc ba món biến mất. Tôi thậm chí không thể nói những thứ này đã bị đánh cắp khi nào".
Không giống như những vụ trộm tác phẩm nghệ thuật công phu trong phim Hollywood, nhắm vào những cổ vật hiếm nhất và đắt nhất, những vụ trộm của John có xu hướng khiêm tốn hơn và có lựa chọn khác thường: kính thiên văn bằng đồng, bàn khúc côn cầu bằng gỗ cổ điển, bình đựng nước của Áo, động cơ hơi nước, bếp lò cũ... Ông ta trộm từ những cuốn sách và tài liệu quý hiếm có thể bán được cho đến những món đồ nhỏ và có giá trị thấp.
John từng trộm bản sao ấn bản đầu tiên cuốn sách Nguồn gốc các loài của Charles Darwin, 150 năm tuổi, từ tủ kính có khóa tại thư viện Đại học Mount Saint Vincent. Tác phẩm được định giá vài trăm nghìn USD, nhưng bị John bán với giá 31.000 USD.
Mục tiêu thường xuyên của John là bảo tàng, kho lưu trữ của tỉnh và trường đại học, cửa hàng đồ cổ ở thị trấn nhỏ. "Cả cộng đồng đồ cổ ở Atlantic Canada bị ảnh hưởng bởi anh ta", Darryl Morgan, điều tra viên về vụ án, nói. "Anh ta đã trở thành một trong những tên trộm đồ cổ khét tiếng nhất Canada".
John trộm đồ cổ liên tục trong hơn 20 năm không bị tóm dù thường xuyên vi phạm pháp luật. Trong 25 năm, ông ta có hơn chục tiền án về trộm cắp, hành hung, từng bị kết án 2 năm tù.
Vụ án của John được điều tra bởi Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) với sự hỗ trợ của Interpol, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và FBI.
Trưởng cảnh sát điều tra vụ án nói về John: "Trộm cắp là cách anh ta có được cảm giác mạnh. Anh ta là một bậc thầy thao túng và tôi chắc chắn rằng một ngày nào đó sẽ có những bộ phim được làm dựa trên câu chuyện này". Viên cảnh sát cũng mô tả John là người thông minh, biết cách ăn mặc và rất tự mãn.
Tờ The Toronto Standard so sánh những phi vụ ngoài đời thực của John với bộ phim trộm cắp nổi tiếng của Hollywood, Ocean's Eleven, và coi John là một trong những tên trộm thành công nhất lịch sử Canada.
John được cho rằng có thể đã cất giấu thành công một lượng lớn tiền mặt và tác phẩm nghệ thuật. Tên ông ta được ghim trên các thông báo an ninh bảo tàng trên toàn thế giới và được liệt kê trên trang web chính thức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Tháng 9/2013, John nhận tội với 40 tội danh, bao gồm trộm cắp và gian lận. Ông ta bị kết án 9 năm tù, bị tịch thu hơn hai triệu USD tài sản. John được ân xá vào tháng 7/2016 và được yêu cầu tránh xa các thư viện, bảo tàng.
John qua đời vào ngày 23/12/2018, nguyên nhân cái chết không được tiết lộ.
Tuệ Anh (Theo Macleans, Culturecrime)