Tham Khảo
Trung Quốc: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cải tạo Đảng Cộng sản!”
Tác giả: Trương Hiền Lượng | Giới thiệu & lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệu của Dịch giả: Trương Hiền Lượng (张 贤 亮 , 1936-2014) là nhà văn, nhà thư pháp, nhà sưu tầm cổ vật, tác gia cấp I Nhà nước Trung Quốc (TQ), đảng viên Đảng Cộng sản TQ, tốt nghiệp đại học. Do có lý lịch gia đình “phản động”, năm 18 tuổi phải đi cải tạo lao động ở vùng núi Ninh Hạ. 1957 đăng báo bài thơ Đại Phong Ca, bị chụp mũ phái hữu, bị bắt giam và đưa đi cải tạo 22 năm, có thời gian phải đi ăn xin. Tháng 9/1979 được xoá án. Năm 1980 làm biên tập viên một tạp chí văn học, vào Hội Nhà Văn TQ. Từ 1981 chuyên sáng tác văn học và kiêm kinh doanh, có tài liệu nói ông sở hữu tài sản cỡ 100 triệu Nhân dân tệ (tương đương 12 triệu USD).
Trương Hiền Lượng từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn Khu Tự trị Ninh Hạ, Ủy viên đoàn Chủ tịch Hội Nhà văn TQ và 6 khóa liền là Uỷ viên Trung ương Chính Hiệp TQ (tương đương TƯ Mặt trận Tổ quốc VN). Được Đài truyền hình Phượng Hoàng bình chọn là 1 trong 10 nhân vật tài trí lớn của Trung Quốc năm 2007 (tài ở đây là tài sản). Viết nhiều tác phẩm: truyện vừa như Nụ hôn đầu tiên, Nòi giống Rồng…, truyện dài: Phong cách đàn ông; Một nửa đàn ông là đàn bà; Quen với cái chết …, tuỳ bút, tản văn. Một số tác phẩm đã dịch ra 30 ngôn ngữ, có tiếng vang quốc tế. Một nửa đàn ông là đàn bà đã dịch ra tiếng Việt, rất được hoan nghênh, được coi là tiểu thuyết TQ đầu tiên đề cập thành công vấn đề sex.
Dưới đây là một phần trong bài “Tất cả bắt đầu từ sự giải phóng con người” của Trương Hiền Lượng viết nhân dịp TQ kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa [1978-2008]; bài gồm 6 phần, rất dài, ở đây chỉ lược dịch phần cuối cùng. Đầu đề bài dịch và các phần trong dấu [ ] là của người dịch.
***
…… Điều không ngờ là chưa đầy nửa năm sau, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi “Bốn bức thư” được đăng trên tạp chí Văn nghệ Ninh Hạ [tiền thân của tạp chí Sóc Phương]. Tiếp đó tôi được bình phản [sửa lại án sai] và được “triệt để phục hồi danh dự”.
Ngày nay chúng ta nói công cuộc cải cách mở cửa khởi đầu từ sự kiện 23 hộ nông dân xóm Tiểu Cương tỉnh An Huy lấy máu viết bức huyết thư yêu cầu “Chia ruộng, làm riêng”, từ đó khởi động công cuộc cải cách mở cửa trong lĩnh vực kinh tế; nhưng theo ý kiến tôi thì tất cả bắt đầu từ sự giải phóng con người!
Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời; sau khi Bè Lũ Bốn Tên bị hạ bệ, trước tiên đã giải phóng những cán bộ bị đánh đổ trong Cách mạng văn hóa, sửa lại các “Vụ án oan, án giả, án sai” trong Cách mạng văn hóa, tiếp đó tiến hành sửa sai và xem xét lại các phần tử phái hữu và những người bị hãm hại trong mấy đợt phong trào chính trị. Cuối 1978, trong một ngày giá rét, rốt cuộc đã tháo “mũ địa chủ, phú nông, phản động, xấu” trên phạm vị nông thôn toàn quốc. Đây là một việc lớn trải rộng trên mảnh đất 9,6 triệu cây số vuông, làm thay đổi số phận hàng trăm triệu người.
Một loạt biện pháp nói trên tuy tiến hành khẩn trương song lại không trống giong cờ mở, vì vậy ngày nay những người trung niên, thanh niên không có ấn tượng sâu sắc, nhưng trên thực tế, nói về quy mô, số người, phạm vi diện tích đất và tính triệt để của sự giải phóng thì sự kiện thủ tiêu “Hệ thống phân biệt thân phận” và “Chế độ phân biệt thân phận”[1] đều đã vượt quá bất cứ đợt giải phóng nô lệ nào trong lịch sử loài người!
Đồng thời trên chân trời Trung Quốc mới đã xuất hiện tia sáng ban mai của ý thức nhân quyền. Bắt đầu từ đây mới có ngày hôm nay, sau ba chục năm.
“Hệ thống phân biệt thân phận” sụp đổ trong nháy mắt, “Chế độ phân biệt thân phận” nhanh chóng tan rã. Chỉ khi hàng trăm triệu dân thoát khỏi sự trói buộc của “thân phận” và “thành phần” thì mới có thể động viên được toàn thể quần chúng nhân dân tiến vào cải cách. Thử hỏi, nếu trong hàng trăm triệu dân nông thôn vẫn có sự khác biệt này nọ về “thân phận”, những chiếc “mũ” vẫn đội trên đầu hàng trăm triệu người, địa vị của con người ở nông thôn vẫn bất bình đẳng, thì sao mà có thể “Chia ruộng, làm riêng” và “Khoán hộ” được?
Nói về mặt kỹ thuật thao tác cũng không thể làm được! Chưa điều tra, tôi đã dám cả quyết nói: trong số 23 hộ nông dân viết bức huyết thư kia, khẳng định không có hộ nào là người của “thành phần địa chủ, phú nông, phản động, xấu” cả. Những phần tử ấy hồi đó còn bị loại ra ngoài. Kinh tế Trung Quốc cất cánh bắt đầu từ sự trỗi dậy của xí nghiệp hương trấn. Bạn có thể đi điều tra xem thế hệ thứ hai, thứ ba của các phần tử “địa chủ, phú nông, phản động, xấu” có tác dụng thế nào trong các xí nghiệp hương trấn; nhiều người trong số họ là cốt cán của các xí nghiệp hương trấn. Họ bò dậy từ mặt đất, giũ bỏ bùn đất trên mình, trí lực và năng lực tích lũy bao năm nay lập tức phát tiết ra, như vậy mới làm nên sự vẻ vang của xí nghiệp hương trấn.
Kinh tế dân lập cũng phồn vinh như thế. Từ những “người làm ăn giỏi”, “hộ cá thể”, “hộ mười nghìn đồng” sớm nhất cho tới các nhân vật trên bảng xếp hạng nhà giàu của tạp chí Forbes, hãy xem trong đó có bao nhiêu người “thân phận” xấu, “thành phần cao”. Nếu không trước hết phá bỏ “Chế độ phân biệt thân phận” thì Trung Quốc ngày nay [năm 2008] có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới được chăng?
Những kẻ “tiện dân không thể tiếp xúc” đã thực sự trở thành những đứa “con của Thượng Đế” mà Gandhi nói. Họ là kẻ hưởng ích lợi sớm nhất của cải cách mở cửa, qua đó cũng là lớp người tiên phong của cải cách mở cửa.
Trước năm 1978, ban biên tập một tạp chí nào đó khi thấy bản thảo của bạn có thể dùng được thì họ đều phải gửi thư xin ý kiến đơn vị sở tại của bạn, dĩ nhiên trước hết phải kiểm tra “thân phận” của bạn. Sở dĩ tôi được cầm bút trở lại là nhờ việc đến năm 1978 khi gửi bài cho tòa soạn thì không cần phải chứng minh “thân phận” nữa.
Chỉ khi nào thoát khỏi “chế độ phân biệt thân phận” thì các nhà trí thức và hậu duệ đời thứ hai của họ từng bị chụp đủ loại mũ như “địa chủ, phú nông, phản động, xấu”, “học giả phản động”, “quyền uy học thuật phản động”, “9 cái thối cũ” mới có quyền phát ngôn, mới trở thành quân chủ lực của phong trào giải phóng tư tưởng!
Ngày nay các nhà bình luận văn học có thể nói “Văn học thời kỳ mới” của Trung Quốc chưa có tính nghệ thuật cao, thậm chí có thể báng bổ nó là một đống “rác rưởi văn học”, nhưng chính là “Văn học thời kỳ mới” đã mở ra bộ mặt phồn vinh của văn học hôm nay. Lớp nhà văn “8x” ngày nay không thể tưởng tượng nổi hồi ấy chúng tôi cần có lòng dũng cảm lớn thế nào để đột phá hết “vùng cấm” này đến “vùng cấm” khác. Chúng tôi đã mở đường cho thế hệ tiếp sau. Các nhà văn “Thời kỳ mới” từng là người phát ngôn thay cho dân chúng Trung Quốc. Chúng tôi đã nói ra những điều người dân muốn nói mà không dám nói, muốn nói mà nói không được hay. “Văn học thời kỳ mới” của Trung Quốc có thể không có địa vị cao lắm trong lịch sử văn học thế giới, song tác dụng thúc đẩy nó từng phát huy trong lịch sử Trung Quốc thì quyết không thể bị ai mạt sát. Trong tương lai, bạn đọc và các nhà bình luận văn học sẽ coi cái “văn học thời kỳ mới” theo cách gọi của Trung Quốc là một chương vẻ vang nhất của văn học Trung Quốc thế kỷ XX cho tới thế kỷ XXI.
Tôi có thể nói rằng, trong số các nhà văn Trung Quốc, tôi là kẻ phải mang vác gánh “thân phận”, “thành phần” nặng nhất, trải qua nhiều đau khổ nhất; cho nên tôi nhạy cảm nhất đối với “Chế độ phân biệt thân phận”. Sau khi tiểu thuyết “Cây xanh” của tôi xuất bản năm 1984, có đồng nghiệp châm biếm nói câu “đi trên thảm đỏ” trong tiểu thuyết ấy quá “dung tục” [tục khí]. Bạn thử nghĩ xem, đôi chân tôi hai lần bước qua đống người chết, đôi chân suốt hai chục năm chưa từng được xỏ bít tất ấy của tôi nay được đi lên tấm thảm đỏ trong tòa nhà Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc lẽ nào lại không có cảm giác đặc biệt ư? Thử hỏi các nhà văn cùng lứa tuổi với tôi, tuy chúng tôi đều bò dậy từ trong gian khó nhưng có ai suốt hai chục năm trời cả đến đôi bít tất cũng chưa được xỏ vào chân mình? Có điều, đôi chân nay được đi bít tất của tôi không hề tự mãn vì được “đi lên thảm đỏ” tham gia hoạt động chính trị, đôi chân ấy không hề làm nhụt nhuệ khí và dũng khí của tôi.
Trước khi đăng tiểu thuyết “Cây xanh”, năm 1983 tôi đã “đi lên thảm đỏ”. Một lần, trưởng ban Mặt trận Thống nhất hồi ấy là ông Diêm Minh Phục mời hơn chục vị Ủy viên Chính Hiệp thuộc giới văn học nghệ thuật mới bổ sung đến Trung Nam Hải tọa đàm. Phần lớn các vị ấy hiện nay đều đã qua đời. Lớp người hiện còn khỏe như tôi thì cái già cũng đã xồng xộc đến rồi, nhớ được còn có Phùng Ký Tài, Hà Sĩ Quang, Diệp Văn Linh. Các Ủy viên “chia ngôi chủ khách ngồi xuống” trong một phòng họp to đẹp bề thế (nay nhớ lại thấy cũng bình thường) của Trung Nam Hải. Tôi vừa bò ra từ nông trường lao động cải tạo không lâu, đối với tôi ba chữ Trung Nam Hải là nơi có thể mong mỏi mà không thể đến được, tương tự như những nơi “hoàng cung”, “triều đình”, ấy thế mà hôm nay tôi nghiễm nhiên chiếm được một chiếu ở đây, sự khác nhau một trời một vực có ý nghĩa thật sự đó khiến tôi vô cùng xúc động.
Trước tiên Trưởng ban Diêm nói mấy lời khách sáo: Mời các vị nói thoải mái và làm quen với nhau, sau đó lắng nghe với tinh thần hạ mình trọng dụng hiền tài phát biểu của mỗi vị. Nhờ thái độ khiêm tốn hòa nhã của Trưởng ban Diêm nên mọi người không thấy có gì gò bó lắm. Hồi ấy, vấn đề bức thiết nhất trong giới văn nghệ là “Dẹp loạn, khôi phục trật tự” và “Sửa sai các vụ án oan, án giả, án sai”, đa số các phát biểu đều triển khai xung quanh đề tài này, hăng hái phản ảnh các hiện tượng chưa chấp hành chính sách, quan niệm còn chịu ảnh hưởng xấu của tư tưởng “Hai phàm là” tồn tại trong đơn vị và địa phương mình. Trưởng ban Diêm ghi chép lại tất cả các ý kiến ấy và đôi lúc xen vài câu hỏi. Đến lượt tôi, Trưởng ban Diêm hòa nhã gật đầu nói: “Xin được nghe đồng chí Trương Hiền Lượng có ý kiến gì muốn nói.”
Không ngờ tôi vừa mở miệng đã nói:
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cải tạo Đảng Cộng sản!”
Tôi hoàn toàn không để ý tới vấn đề chấp hành chính sách, là vấn đề khẩn cấp bức thiết nhất, mà trực tiếp nói toạc ra cái cốt lõi của vấn đề. Tôi nói:
“Chúng ta muốn xây dựng hiện đại hóa XHCN mà lại vẫn dựa vào một Đảng có nông dân chiếm đa số thì sẽ không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ đó. Cải tạo Đảng Cộng sản chủ yếu là thay đổi cơ cấu đảng viên của Đảng Cộng sản, phải cải tạo một Đảng nông dân chiếm đa số thành một Đảng trí thức chiếm đa số. Chúng ta phải ra sức hấp thu các nhà trí thức vào Đảng. Chỉ khi nào trí thức đã chiếm đa số trong Đảng thì chúng ta mới có khả năng xây dựng hiện đại hóa XHCN được.”
Nét mặt những người dự họp đều hiện lên vẻ kinh ngạc. Tôi để ý thấy trưởng ban Diêm cũng có cảm giác bất ngờ. Hồi ấy mà nói “cải tạo Đảng Cộng sản” không những có nghĩa là xa rời đạo lý [li kinh bạn đạo] mà thực ra có thể gọi là cách nói “đại nghịch bất đạo”.
Tiếp đó tôi nói:
“Những người cộng sản chúng ta có ý chí cải tạo xã hội, cải tạo thế giới và thế giới quan của con người, tại sao lại không thể cải tạo chính mình? Chúng ta cần phải có dũng khí cải tạo chính mình. Chỉ khi nào chúng ta không ngừng tự thân cải tạo mình thì chúng ta mới có sức mạnh và năng lực để cải tạo thế giới và xã hội.”
Không cần khích lệ, cũng không cần chuẩn bị trước gì cả, chỉ cần cho tôi một diễn đàn là tôi sẽ nói dõng dạc, trôi chảy, không sợ gì hết. Từ đó trở đi đã 25 năm liền tôi liên tục giữ chức vụ Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc các khóa 6, 7, 8, 9, 10, cho tới nay do quá tuổi nên rút ra. “Kẻ tiện dân không thể tiếp xúc” biến thành “con của Thượng Đế” và hướng lên “Thiên đường”.
Tôi nghĩ rằng lời phát biểu của mình ở Trung Nam Hải được nói trót lọt và tôi không bị quở trách thì đã được coi là may mắn. Không ngờ hai tháng sau, một hôm tôi nhận được điện thoại của đồng chí Lưu Đức Nhất Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên truyền Khu tự trị Ninh Hạ chúng tôi, mời tôi đến Ban Tuyên truyền “nói chuyện”. Khi đến phòng làm việc của anh thì thấy anh có vẻ rất thần bí rút từ ngăn kéo ra một tập giấy tờ, huơ qua trước mặt tôi và nói: “Bài phát biểu của anh tại hội nghị Chính Hiệp đã được đồng chí Hồ Diệu Bang [Tổng Bí thư ĐCSTQ hồi đó] viết lời phê đấy.” Anh chỉ cho tôi liếc qua một tí thôi, tôi cũng chỉ thấy đấy là một văn kiện đầu đỏ [tức văn kiện quan trọng] gì đấy gửi cho trường Đảng các cấp; lời phê liên quan tới phát biểu của tôi có một câu là: “Lời của tác giả này đáng chú ý ……” Tôi đang ngạc nhiên vì sao đồng chí Hồ Diệu Bang không gọi tôi là “tác gia” [nhà văn] mà gọi là “tác giả”, thì anh Lưu đã nhét tập giấy đó vào ngăn kéo và khóa lại.
Song cho dù thế nào đi nữa, trí thức vào Đảng đã trở thành phong trào của năm ấy, Tân Hoa Xã có đưa tin về việc này. Tại các trường đại học như ĐH Phúc Đán, ĐH Giao thông Tây An, Học viện Phát thanh Bắc Kinh, mỗi lần được mời đến các nơi ấy nói chuyện tôi đều lớn tiếng kêu gọi: “Bất kỳ ai có chí muốn thay đổi Trung Quốc thì đều phải tranh thủ vào Đảng Cộng sản Trung Quốc! Vì chỉ có vào Đảng Cộng sản thì bạn mới có vị thế [nguyên văn: vị năng và thế năng] để thay đổi Trung Quốc. Nền dân chủ của Trung Quốc sẽ bắt đầu cất bước từ dân chủ trong Đảng!”
Nền dân chủ của Trung Quốc sẽ bắt đầu cất bước từ dân chủ trong Đảng — câu nói ấy ngày nay đã được chứng thực. Hai chục năm trôi qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng tiến với thời gian đã từ một Đảng cách mạng chuyển biến thành một Đảng cầm quyền. Chẳng những trí thức đã chiếm đa số trong Đảng mà rất nhiều chủ lực quân của nền kinh tế thị trường là các doanh nhân dân lập ưu tú cũng đã vào Đảng. Đây là một thay đổi căn bản, chứng minh Đảng Cộng sản Trung Quốc có dũng khí “tự cải tạo” không biết sợ. Quý trọng sinh mạng, nhân quyền và tự do — những giá trị quan cơ bản ấy của loài người đã dần dần thay cho những lý tưởng rỗng tuếch thoạt nhìn cực kỳ thu hút nhân tâm mà thực ra là phản khoa học. Con người ta cần có lý tưởng, song phải là lý tưởng phù hợp quy luật khoa học.
Thế nhưng trong hình thái xã hội mới, làm thế nào để dọn dẹp lại nền văn hóa truyền thống đã bị hủy hoại gần hết, làm thế nào để hấp thu các giá trị phổ quát của xã hội loài người, để xây dựng một kiến trúc thượng tầng thích hợp với cơ sở kinh tế của chúng ta, để tạo dựng tinh thần nhân văn phù hợp trào lưu hiện đại — đây vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Đồng thời lại xuất hiện các tầng lớp xã hội dưới hình thức khác, hơn thế lại thể hiện rất rõ ràng và nổi bật: đã hình thành một sự phân biệt “thân phận” và “thành phần” có tính ẩn giấu. Chúng ta cần làm gì để xây dựng được một cơ chế hoàn toàn mở giữa các tầng lớp xã hội và có thể trên mặt thể chế, chứ không phải lại dùng cách thuyết giáo rỗng tuếch để ngăn ngừa Đảng cầm quyền biến thành tầng lớp đặc quyền, trên phương diện chế độ bảo đảm “không phân biệt tầng lớp, không phân biệt xuất thân, không phân biệt tài sản, lựa chọn từ trong nhân dân ra những người ưu tú” đưa họ vào tập đoàn lãnh đạo, và kịp thời bãi miễn, triệt hoán những quan chức vô đức, vô tài lại vô sỉ — điều đó còn đòi hỏi chúng ta phải cố gắng nhiều nữa.
Cơn bão táp giải phóng tư tưởng ba mươi năm trước thực ra bắt đầu từ sự giải phóng con người. Mác nói: Chỉ có giải phóng toàn nhân loại thì bản thân giai cấp vô sản mới được giải phóng. Nhưng sau khi giành được chính quyền rồi thì giai cấp vô sản quyết không tái sử dụng thủ đoạn bạo lực để “giải phóng” những người khác; mục đích của “cách mạng vô sản” quyết không phải là vĩnh viễn duy trì địa vị “vô sản” của mình, mà là thông qua nhiều hình thức kinh tế, kể cả chế độ cổ phần, để làm cho chính mình và tất cả mọi người đều “hữu sản” (Chủ nghĩa cộng sản “là sự phục hồi chế độ sở hữu cá nhân trên một hình thức cao hơn” — Mác).[2] Từ xưa, Hê-ghen đã nhận định: “Nói cho đến cùng, nhân quyền chính là quyền tài sản.” Chỉ khi nào toàn dân đều “hữu sản” thì đông đảo nhân dân mới được hưởng nhân quyền và sự tôn trọng. Bởi vậy “cùng giàu” mới là mục tiêu chúng ta phải phấn đấu, mà trong tình hình mấy trăm triệu nông dân Trung Quốc còn chưa giành được quyền sở hữu ruộng đất thì nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề./.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch.
Bản gốc tiếng Hoa: 张贤亮撰文纪念改革开放三十年:一切从人的解放开始
—————
[1] Trong tiếng TQ, từ thân phận có thể hiểu là lý lịch. tư cách, địa vị xã hội (ND).
[2] Chúng tôi chưa tra cứu được nguồn gốc câu này, nhưng trong Tuyển tập C.Mác—Ph.Ăng-ghen, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tập I, tr. 562 có câu “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu tài sản xã hội mà chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác” (ND).
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Trung Quốc: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cải tạo Đảng Cộng sản!”
Tác giả: Trương Hiền Lượng | Giới thiệu & lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệu của Dịch giả: Trương Hiền Lượng (张 贤 亮 , 1936-2014) là nhà văn, nhà thư pháp, nhà sưu tầm cổ vật, tác gia cấp I Nhà nước Trung Quốc (TQ), đảng viên Đảng Cộng sản TQ, tốt nghiệp đại học. Do có lý lịch gia đình “phản động”, năm 18 tuổi phải đi cải tạo lao động ở vùng núi Ninh Hạ. 1957 đăng báo bài thơ Đại Phong Ca, bị chụp mũ phái hữu, bị bắt giam và đưa đi cải tạo 22 năm, có thời gian phải đi ăn xin. Tháng 9/1979 được xoá án. Năm 1980 làm biên tập viên một tạp chí văn học, vào Hội Nhà Văn TQ. Từ 1981 chuyên sáng tác văn học và kiêm kinh doanh, có tài liệu nói ông sở hữu tài sản cỡ 100 triệu Nhân dân tệ (tương đương 12 triệu USD).
Trương Hiền Lượng từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn Khu Tự trị Ninh Hạ, Ủy viên đoàn Chủ tịch Hội Nhà văn TQ và 6 khóa liền là Uỷ viên Trung ương Chính Hiệp TQ (tương đương TƯ Mặt trận Tổ quốc VN). Được Đài truyền hình Phượng Hoàng bình chọn là 1 trong 10 nhân vật tài trí lớn của Trung Quốc năm 2007 (tài ở đây là tài sản). Viết nhiều tác phẩm: truyện vừa như Nụ hôn đầu tiên, Nòi giống Rồng…, truyện dài: Phong cách đàn ông; Một nửa đàn ông là đàn bà; Quen với cái chết …, tuỳ bút, tản văn. Một số tác phẩm đã dịch ra 30 ngôn ngữ, có tiếng vang quốc tế. Một nửa đàn ông là đàn bà đã dịch ra tiếng Việt, rất được hoan nghênh, được coi là tiểu thuyết TQ đầu tiên đề cập thành công vấn đề sex.
Dưới đây là một phần trong bài “Tất cả bắt đầu từ sự giải phóng con người” của Trương Hiền Lượng viết nhân dịp TQ kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa [1978-2008]; bài gồm 6 phần, rất dài, ở đây chỉ lược dịch phần cuối cùng. Đầu đề bài dịch và các phần trong dấu [ ] là của người dịch.
***
…… Điều không ngờ là chưa đầy nửa năm sau, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi “Bốn bức thư” được đăng trên tạp chí Văn nghệ Ninh Hạ [tiền thân của tạp chí Sóc Phương]. Tiếp đó tôi được bình phản [sửa lại án sai] và được “triệt để phục hồi danh dự”.
Ngày nay chúng ta nói công cuộc cải cách mở cửa khởi đầu từ sự kiện 23 hộ nông dân xóm Tiểu Cương tỉnh An Huy lấy máu viết bức huyết thư yêu cầu “Chia ruộng, làm riêng”, từ đó khởi động công cuộc cải cách mở cửa trong lĩnh vực kinh tế; nhưng theo ý kiến tôi thì tất cả bắt đầu từ sự giải phóng con người!
Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời; sau khi Bè Lũ Bốn Tên bị hạ bệ, trước tiên đã giải phóng những cán bộ bị đánh đổ trong Cách mạng văn hóa, sửa lại các “Vụ án oan, án giả, án sai” trong Cách mạng văn hóa, tiếp đó tiến hành sửa sai và xem xét lại các phần tử phái hữu và những người bị hãm hại trong mấy đợt phong trào chính trị. Cuối 1978, trong một ngày giá rét, rốt cuộc đã tháo “mũ địa chủ, phú nông, phản động, xấu” trên phạm vị nông thôn toàn quốc. Đây là một việc lớn trải rộng trên mảnh đất 9,6 triệu cây số vuông, làm thay đổi số phận hàng trăm triệu người.
Một loạt biện pháp nói trên tuy tiến hành khẩn trương song lại không trống giong cờ mở, vì vậy ngày nay những người trung niên, thanh niên không có ấn tượng sâu sắc, nhưng trên thực tế, nói về quy mô, số người, phạm vi diện tích đất và tính triệt để của sự giải phóng thì sự kiện thủ tiêu “Hệ thống phân biệt thân phận” và “Chế độ phân biệt thân phận”[1] đều đã vượt quá bất cứ đợt giải phóng nô lệ nào trong lịch sử loài người!
Đồng thời trên chân trời Trung Quốc mới đã xuất hiện tia sáng ban mai của ý thức nhân quyền. Bắt đầu từ đây mới có ngày hôm nay, sau ba chục năm.
“Hệ thống phân biệt thân phận” sụp đổ trong nháy mắt, “Chế độ phân biệt thân phận” nhanh chóng tan rã. Chỉ khi hàng trăm triệu dân thoát khỏi sự trói buộc của “thân phận” và “thành phần” thì mới có thể động viên được toàn thể quần chúng nhân dân tiến vào cải cách. Thử hỏi, nếu trong hàng trăm triệu dân nông thôn vẫn có sự khác biệt này nọ về “thân phận”, những chiếc “mũ” vẫn đội trên đầu hàng trăm triệu người, địa vị của con người ở nông thôn vẫn bất bình đẳng, thì sao mà có thể “Chia ruộng, làm riêng” và “Khoán hộ” được?
Nói về mặt kỹ thuật thao tác cũng không thể làm được! Chưa điều tra, tôi đã dám cả quyết nói: trong số 23 hộ nông dân viết bức huyết thư kia, khẳng định không có hộ nào là người của “thành phần địa chủ, phú nông, phản động, xấu” cả. Những phần tử ấy hồi đó còn bị loại ra ngoài. Kinh tế Trung Quốc cất cánh bắt đầu từ sự trỗi dậy của xí nghiệp hương trấn. Bạn có thể đi điều tra xem thế hệ thứ hai, thứ ba của các phần tử “địa chủ, phú nông, phản động, xấu” có tác dụng thế nào trong các xí nghiệp hương trấn; nhiều người trong số họ là cốt cán của các xí nghiệp hương trấn. Họ bò dậy từ mặt đất, giũ bỏ bùn đất trên mình, trí lực và năng lực tích lũy bao năm nay lập tức phát tiết ra, như vậy mới làm nên sự vẻ vang của xí nghiệp hương trấn.
Kinh tế dân lập cũng phồn vinh như thế. Từ những “người làm ăn giỏi”, “hộ cá thể”, “hộ mười nghìn đồng” sớm nhất cho tới các nhân vật trên bảng xếp hạng nhà giàu của tạp chí Forbes, hãy xem trong đó có bao nhiêu người “thân phận” xấu, “thành phần cao”. Nếu không trước hết phá bỏ “Chế độ phân biệt thân phận” thì Trung Quốc ngày nay [năm 2008] có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới được chăng?
Những kẻ “tiện dân không thể tiếp xúc” đã thực sự trở thành những đứa “con của Thượng Đế” mà Gandhi nói. Họ là kẻ hưởng ích lợi sớm nhất của cải cách mở cửa, qua đó cũng là lớp người tiên phong của cải cách mở cửa.
Trước năm 1978, ban biên tập một tạp chí nào đó khi thấy bản thảo của bạn có thể dùng được thì họ đều phải gửi thư xin ý kiến đơn vị sở tại của bạn, dĩ nhiên trước hết phải kiểm tra “thân phận” của bạn. Sở dĩ tôi được cầm bút trở lại là nhờ việc đến năm 1978 khi gửi bài cho tòa soạn thì không cần phải chứng minh “thân phận” nữa.
Chỉ khi nào thoát khỏi “chế độ phân biệt thân phận” thì các nhà trí thức và hậu duệ đời thứ hai của họ từng bị chụp đủ loại mũ như “địa chủ, phú nông, phản động, xấu”, “học giả phản động”, “quyền uy học thuật phản động”, “9 cái thối cũ” mới có quyền phát ngôn, mới trở thành quân chủ lực của phong trào giải phóng tư tưởng!
Ngày nay các nhà bình luận văn học có thể nói “Văn học thời kỳ mới” của Trung Quốc chưa có tính nghệ thuật cao, thậm chí có thể báng bổ nó là một đống “rác rưởi văn học”, nhưng chính là “Văn học thời kỳ mới” đã mở ra bộ mặt phồn vinh của văn học hôm nay. Lớp nhà văn “8x” ngày nay không thể tưởng tượng nổi hồi ấy chúng tôi cần có lòng dũng cảm lớn thế nào để đột phá hết “vùng cấm” này đến “vùng cấm” khác. Chúng tôi đã mở đường cho thế hệ tiếp sau. Các nhà văn “Thời kỳ mới” từng là người phát ngôn thay cho dân chúng Trung Quốc. Chúng tôi đã nói ra những điều người dân muốn nói mà không dám nói, muốn nói mà nói không được hay. “Văn học thời kỳ mới” của Trung Quốc có thể không có địa vị cao lắm trong lịch sử văn học thế giới, song tác dụng thúc đẩy nó từng phát huy trong lịch sử Trung Quốc thì quyết không thể bị ai mạt sát. Trong tương lai, bạn đọc và các nhà bình luận văn học sẽ coi cái “văn học thời kỳ mới” theo cách gọi của Trung Quốc là một chương vẻ vang nhất của văn học Trung Quốc thế kỷ XX cho tới thế kỷ XXI.
Tôi có thể nói rằng, trong số các nhà văn Trung Quốc, tôi là kẻ phải mang vác gánh “thân phận”, “thành phần” nặng nhất, trải qua nhiều đau khổ nhất; cho nên tôi nhạy cảm nhất đối với “Chế độ phân biệt thân phận”. Sau khi tiểu thuyết “Cây xanh” của tôi xuất bản năm 1984, có đồng nghiệp châm biếm nói câu “đi trên thảm đỏ” trong tiểu thuyết ấy quá “dung tục” [tục khí]. Bạn thử nghĩ xem, đôi chân tôi hai lần bước qua đống người chết, đôi chân suốt hai chục năm chưa từng được xỏ bít tất ấy của tôi nay được đi lên tấm thảm đỏ trong tòa nhà Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc lẽ nào lại không có cảm giác đặc biệt ư? Thử hỏi các nhà văn cùng lứa tuổi với tôi, tuy chúng tôi đều bò dậy từ trong gian khó nhưng có ai suốt hai chục năm trời cả đến đôi bít tất cũng chưa được xỏ vào chân mình? Có điều, đôi chân nay được đi bít tất của tôi không hề tự mãn vì được “đi lên thảm đỏ” tham gia hoạt động chính trị, đôi chân ấy không hề làm nhụt nhuệ khí và dũng khí của tôi.
Trước khi đăng tiểu thuyết “Cây xanh”, năm 1983 tôi đã “đi lên thảm đỏ”. Một lần, trưởng ban Mặt trận Thống nhất hồi ấy là ông Diêm Minh Phục mời hơn chục vị Ủy viên Chính Hiệp thuộc giới văn học nghệ thuật mới bổ sung đến Trung Nam Hải tọa đàm. Phần lớn các vị ấy hiện nay đều đã qua đời. Lớp người hiện còn khỏe như tôi thì cái già cũng đã xồng xộc đến rồi, nhớ được còn có Phùng Ký Tài, Hà Sĩ Quang, Diệp Văn Linh. Các Ủy viên “chia ngôi chủ khách ngồi xuống” trong một phòng họp to đẹp bề thế (nay nhớ lại thấy cũng bình thường) của Trung Nam Hải. Tôi vừa bò ra từ nông trường lao động cải tạo không lâu, đối với tôi ba chữ Trung Nam Hải là nơi có thể mong mỏi mà không thể đến được, tương tự như những nơi “hoàng cung”, “triều đình”, ấy thế mà hôm nay tôi nghiễm nhiên chiếm được một chiếu ở đây, sự khác nhau một trời một vực có ý nghĩa thật sự đó khiến tôi vô cùng xúc động.
Trước tiên Trưởng ban Diêm nói mấy lời khách sáo: Mời các vị nói thoải mái và làm quen với nhau, sau đó lắng nghe với tinh thần hạ mình trọng dụng hiền tài phát biểu của mỗi vị. Nhờ thái độ khiêm tốn hòa nhã của Trưởng ban Diêm nên mọi người không thấy có gì gò bó lắm. Hồi ấy, vấn đề bức thiết nhất trong giới văn nghệ là “Dẹp loạn, khôi phục trật tự” và “Sửa sai các vụ án oan, án giả, án sai”, đa số các phát biểu đều triển khai xung quanh đề tài này, hăng hái phản ảnh các hiện tượng chưa chấp hành chính sách, quan niệm còn chịu ảnh hưởng xấu của tư tưởng “Hai phàm là” tồn tại trong đơn vị và địa phương mình. Trưởng ban Diêm ghi chép lại tất cả các ý kiến ấy và đôi lúc xen vài câu hỏi. Đến lượt tôi, Trưởng ban Diêm hòa nhã gật đầu nói: “Xin được nghe đồng chí Trương Hiền Lượng có ý kiến gì muốn nói.”
Không ngờ tôi vừa mở miệng đã nói:
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cải tạo Đảng Cộng sản!”
Tôi hoàn toàn không để ý tới vấn đề chấp hành chính sách, là vấn đề khẩn cấp bức thiết nhất, mà trực tiếp nói toạc ra cái cốt lõi của vấn đề. Tôi nói:
“Chúng ta muốn xây dựng hiện đại hóa XHCN mà lại vẫn dựa vào một Đảng có nông dân chiếm đa số thì sẽ không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ đó. Cải tạo Đảng Cộng sản chủ yếu là thay đổi cơ cấu đảng viên của Đảng Cộng sản, phải cải tạo một Đảng nông dân chiếm đa số thành một Đảng trí thức chiếm đa số. Chúng ta phải ra sức hấp thu các nhà trí thức vào Đảng. Chỉ khi nào trí thức đã chiếm đa số trong Đảng thì chúng ta mới có khả năng xây dựng hiện đại hóa XHCN được.”
Nét mặt những người dự họp đều hiện lên vẻ kinh ngạc. Tôi để ý thấy trưởng ban Diêm cũng có cảm giác bất ngờ. Hồi ấy mà nói “cải tạo Đảng Cộng sản” không những có nghĩa là xa rời đạo lý [li kinh bạn đạo] mà thực ra có thể gọi là cách nói “đại nghịch bất đạo”.
Tiếp đó tôi nói:
“Những người cộng sản chúng ta có ý chí cải tạo xã hội, cải tạo thế giới và thế giới quan của con người, tại sao lại không thể cải tạo chính mình? Chúng ta cần phải có dũng khí cải tạo chính mình. Chỉ khi nào chúng ta không ngừng tự thân cải tạo mình thì chúng ta mới có sức mạnh và năng lực để cải tạo thế giới và xã hội.”
Không cần khích lệ, cũng không cần chuẩn bị trước gì cả, chỉ cần cho tôi một diễn đàn là tôi sẽ nói dõng dạc, trôi chảy, không sợ gì hết. Từ đó trở đi đã 25 năm liền tôi liên tục giữ chức vụ Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc các khóa 6, 7, 8, 9, 10, cho tới nay do quá tuổi nên rút ra. “Kẻ tiện dân không thể tiếp xúc” biến thành “con của Thượng Đế” và hướng lên “Thiên đường”.
Tôi nghĩ rằng lời phát biểu của mình ở Trung Nam Hải được nói trót lọt và tôi không bị quở trách thì đã được coi là may mắn. Không ngờ hai tháng sau, một hôm tôi nhận được điện thoại của đồng chí Lưu Đức Nhất Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên truyền Khu tự trị Ninh Hạ chúng tôi, mời tôi đến Ban Tuyên truyền “nói chuyện”. Khi đến phòng làm việc của anh thì thấy anh có vẻ rất thần bí rút từ ngăn kéo ra một tập giấy tờ, huơ qua trước mặt tôi và nói: “Bài phát biểu của anh tại hội nghị Chính Hiệp đã được đồng chí Hồ Diệu Bang [Tổng Bí thư ĐCSTQ hồi đó] viết lời phê đấy.” Anh chỉ cho tôi liếc qua một tí thôi, tôi cũng chỉ thấy đấy là một văn kiện đầu đỏ [tức văn kiện quan trọng] gì đấy gửi cho trường Đảng các cấp; lời phê liên quan tới phát biểu của tôi có một câu là: “Lời của tác giả này đáng chú ý ……” Tôi đang ngạc nhiên vì sao đồng chí Hồ Diệu Bang không gọi tôi là “tác gia” [nhà văn] mà gọi là “tác giả”, thì anh Lưu đã nhét tập giấy đó vào ngăn kéo và khóa lại.
Song cho dù thế nào đi nữa, trí thức vào Đảng đã trở thành phong trào của năm ấy, Tân Hoa Xã có đưa tin về việc này. Tại các trường đại học như ĐH Phúc Đán, ĐH Giao thông Tây An, Học viện Phát thanh Bắc Kinh, mỗi lần được mời đến các nơi ấy nói chuyện tôi đều lớn tiếng kêu gọi: “Bất kỳ ai có chí muốn thay đổi Trung Quốc thì đều phải tranh thủ vào Đảng Cộng sản Trung Quốc! Vì chỉ có vào Đảng Cộng sản thì bạn mới có vị thế [nguyên văn: vị năng và thế năng] để thay đổi Trung Quốc. Nền dân chủ của Trung Quốc sẽ bắt đầu cất bước từ dân chủ trong Đảng!”
Nền dân chủ của Trung Quốc sẽ bắt đầu cất bước từ dân chủ trong Đảng — câu nói ấy ngày nay đã được chứng thực. Hai chục năm trôi qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng tiến với thời gian đã từ một Đảng cách mạng chuyển biến thành một Đảng cầm quyền. Chẳng những trí thức đã chiếm đa số trong Đảng mà rất nhiều chủ lực quân của nền kinh tế thị trường là các doanh nhân dân lập ưu tú cũng đã vào Đảng. Đây là một thay đổi căn bản, chứng minh Đảng Cộng sản Trung Quốc có dũng khí “tự cải tạo” không biết sợ. Quý trọng sinh mạng, nhân quyền và tự do — những giá trị quan cơ bản ấy của loài người đã dần dần thay cho những lý tưởng rỗng tuếch thoạt nhìn cực kỳ thu hút nhân tâm mà thực ra là phản khoa học. Con người ta cần có lý tưởng, song phải là lý tưởng phù hợp quy luật khoa học.
Thế nhưng trong hình thái xã hội mới, làm thế nào để dọn dẹp lại nền văn hóa truyền thống đã bị hủy hoại gần hết, làm thế nào để hấp thu các giá trị phổ quát của xã hội loài người, để xây dựng một kiến trúc thượng tầng thích hợp với cơ sở kinh tế của chúng ta, để tạo dựng tinh thần nhân văn phù hợp trào lưu hiện đại — đây vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Đồng thời lại xuất hiện các tầng lớp xã hội dưới hình thức khác, hơn thế lại thể hiện rất rõ ràng và nổi bật: đã hình thành một sự phân biệt “thân phận” và “thành phần” có tính ẩn giấu. Chúng ta cần làm gì để xây dựng được một cơ chế hoàn toàn mở giữa các tầng lớp xã hội và có thể trên mặt thể chế, chứ không phải lại dùng cách thuyết giáo rỗng tuếch để ngăn ngừa Đảng cầm quyền biến thành tầng lớp đặc quyền, trên phương diện chế độ bảo đảm “không phân biệt tầng lớp, không phân biệt xuất thân, không phân biệt tài sản, lựa chọn từ trong nhân dân ra những người ưu tú” đưa họ vào tập đoàn lãnh đạo, và kịp thời bãi miễn, triệt hoán những quan chức vô đức, vô tài lại vô sỉ — điều đó còn đòi hỏi chúng ta phải cố gắng nhiều nữa.
Cơn bão táp giải phóng tư tưởng ba mươi năm trước thực ra bắt đầu từ sự giải phóng con người. Mác nói: Chỉ có giải phóng toàn nhân loại thì bản thân giai cấp vô sản mới được giải phóng. Nhưng sau khi giành được chính quyền rồi thì giai cấp vô sản quyết không tái sử dụng thủ đoạn bạo lực để “giải phóng” những người khác; mục đích của “cách mạng vô sản” quyết không phải là vĩnh viễn duy trì địa vị “vô sản” của mình, mà là thông qua nhiều hình thức kinh tế, kể cả chế độ cổ phần, để làm cho chính mình và tất cả mọi người đều “hữu sản” (Chủ nghĩa cộng sản “là sự phục hồi chế độ sở hữu cá nhân trên một hình thức cao hơn” — Mác).[2] Từ xưa, Hê-ghen đã nhận định: “Nói cho đến cùng, nhân quyền chính là quyền tài sản.” Chỉ khi nào toàn dân đều “hữu sản” thì đông đảo nhân dân mới được hưởng nhân quyền và sự tôn trọng. Bởi vậy “cùng giàu” mới là mục tiêu chúng ta phải phấn đấu, mà trong tình hình mấy trăm triệu nông dân Trung Quốc còn chưa giành được quyền sở hữu ruộng đất thì nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề./.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch.
Bản gốc tiếng Hoa: 张贤亮撰文纪念改革开放三十年:一切从人的解放开始
—————
[1] Trong tiếng TQ, từ thân phận có thể hiểu là lý lịch. tư cách, địa vị xã hội (ND).
[2] Chúng tôi chưa tra cứu được nguồn gốc câu này, nhưng trong Tuyển tập C.Mác—Ph.Ăng-ghen, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tập I, tr. 562 có câu “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu tài sản xã hội mà chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác” (ND).